Thứ bảy, 23/11/2024

Đồng Hành Khôi Bình - Tháng 8

Cập nhật lúc 20:57 25/07/2014
 
  CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
 
ADOLP KOLPING
     1813 -1865
ĐỒNG HÀNH
 
 Tháng 8. 2014
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng


Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Nếu có một cha khách đến giáo xứ của anh chị dâng lễ hay giảng tĩnh tâm, anh chị em thường sẽ thấy cha khách giảng hay hơn cha quản xứ của mình. Đó có thể là một nhận định chủ quan, bởi vì được “ăn món lạ.” Tuy nhiên, ngay cả khi đó là một nhận định đúng đắn đi nữa, thì chúng ta cũng phải hiểu rằng tầm quan trọng của cha quản xứ trong việc đào tạo đức tin cho giáo dân là điều không thể thay thế được. Lý do là vì con người ta không dễ gì thay đổi cuộc sống nhờ một hai tư tưởng hoặc một vài lúc cảm động, trừ khi đó là tác động của Chúa Thánh Thần. Bình thường, chính cha quản xứ mới là người tạo nên một “não trạng”, hình thành nên một nếp sống, tạo nên được một truyền thống đức tin vững bền cho đời sống giáo xứ, trừ khi một cha quản xứ nào đó tự biến vai trò mục tử của ngài thành người “tổ chức sự kiện.”  Từ lãnh vực sinh hoạt của giáo xứ, chúng ta có thêm dữ kiện để suy nghĩ về tầm quan trọng của đời sống gia đình. Gia đình có một tầm quan trọng “nền móng” về phương diện trí thức và nhân bản so với nhà trường, và về phương diện đức tin so với giáo xứ. Chính gia đình mới làm nên một nền móng sâu xa hơn hết trong tinh thần, trong não trạng, trong nếp sống và trong truyền thống của một con người. Chính vì thế mà người ta nói gia đình là tế bào của xã hội; và Giáo hội coi gia đình Kitô hữu như là “Giáo hội tại gia.”
Nếu nhiều bạn trẻ thường tưởng rằng mình được học hỏi được nhiều hơn nơi môi trường xã hội, mình được tự do hơn để sống lựa chọn của mình với bạn bè,… để rồi những lúc bầm dập mới hiểu ra không đâu là “nhà” đích thực cho bằng mái ấm gia đình, thì cũng có thể nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng giáo xứ hoặc các hội đoàn có thể thay thế gia đình để nuôi dưỡng đời sống đức tin. Thực sự, không ở đâu nền móng sâu xa nhất của đức tin được xây dựng vững chắc cho bằng một đời sống gia đình Kitô hữu chân chính.
Một hiểu lầm khác cũng không hiếm xẩy ra, đó là nhiều người tưởng đời sống đức tin được vun trồng nhiều nhất qua những bài học lý thuyết, qua những tư tưởng, những kiến thức mà quên đi tầm quan trọng của chứng tá. Thật sự, trong đời sống đức tin, chứng tá mới làm nên mối tương quan ngã vị. Điều chính yếu trong đời sống con người không phải tôi “sống thế nào”, mà là tôi “sống với ai”; và đây mới là mạch nguồn của đạo yêu thương Kitô giáo. Cha ông chúng ta nói rằng “lời nói như gió lung lay, gương lành lôi kéo.” Đó cũng là điều mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phalô II đã nhắc lại lời của Đức Giáo hoàng Phaolô VI: “Thời đại hôm nay,  người ta cần chứng nhân hơn là thầy dậy; và nếu có là thầy dạy thì đồng thời phải vừa là chứng nhân, vừa là thầy dạy.”
Sự sống đức tin là ơn siêu nhiên của Chúa. Nếu chúng ta tin Chúa, và tin vào quyền năng của Chúa, chúng ta cũng vững tin và sức mạnh của sự sống đức tin. Chắc hẳn gia đình mỗi anh chị em còn có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề nan giải, nhiều điều tưởng như không có thể giải quyết được. Nhưng những hoàn cảnh khó khăn đó, ở nền tảng sâu xa nhất, chính là những thách thức về đức tin của anh chị em. Tin vào Chúa cũng là tin vào tình yêu và quyền năng của Chúa; và Chúa có thể làm được mọi sự, Chúa muốn “phép lạ” của Chúa, được thông truyền qua chứng tá, qua nguồn mạch của sự sống đức tin. Thánh Phêrô trong thư thứ nhất có nói: “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng, như vậy, dù có những người chồng không tin Lời Chúa, thì họ cũng sẽ được chinh phục nhờ cách ăn nết ở của chị em mà không cần chị em phải nói lời nào,...” (1 Pr 3,1).
Còn một khó khăn nữa trong đời sống của người Kitô hữu, đó là chúng ta thường hay sốt ruột, thường hay mong muốn lời cầu nguyện của mình có kết quả trông thấy. Chúng ta không làm chủ được thời gian và chúng ta thường bị thời gian thúc bách. Trong khi đó, Thiên Chúa làm chủ thời gian, Người làm việc của Người “đúng thời đúng buổi”, Người có khả năng chờ đợi, Người kiên nhẫn với tội lỗi của chúng ta, và Người cũng có khả năng chờ đợi một lòng sám hối chân thật của chúng ta.
Ước mong sao, trong năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình, gia đình của anh chị em được thấm nhuần sự sống siêu nhiên của Chúa, thông qua việc suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày, những chứng tá của người này cho người kia, và sự sống đức tin được gieo trồng vững chắc trong gia đình anh chị em.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Chân phước Khôi Bình chúc lành cho anh chị em và gia đình.
Trung kiên với Khôi Bình (Treu Kolping),
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I.    CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
1V 19, 9. 11-13; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-23
Có một người cha đứng bên cạnh đứa con trai của mình, khi cậu bé chuẩn bị được phẫu thuật tim, một cuộc giải phẫu nguy hiểm, ông không ngừng trấn an con mình với những lý luận dựa trên tài năng nổi tiếng của nhóm bác sĩ giải phẫu, với những phương tiện tối tân của y học hiện đại, ông còn trấn an con là sẽ hiện diện bên cạnh để cung ứng mọi nhu cầu cho con. Nghe người cha khuyên xong, cậu bé trả lời người cha rằng: Xin cha đừng lo lắng nhiều, con không sợ đâu, con tin tưởng phó thác mọi sự cho Chúa Giêsu, Người hiện diện bên con và giúp đỡ con. Chính vì thế, con không sợ gì cả. Người cha cảm phục lòng tin của con trai, và vừa hổ thẹn vì mình không có được thái độ tin vào Thiên Chúa như con mình.
Chúng ta cũng thường hành xử như vậy khi gặp những thử thách xảy ra trong cuộc đời của mình hay của người khác. Phản ứng tự nhiên trước những thử thách, chúng ta thường nghĩ ngay đến những phương thế tự nhiên, những tài năng riêng của con người mà quên đi phần đóng góp tích cực và quan trọng của Thiên Chúa.  
Lúc này đây, cuộc sống của chúng ta đang phẳng lặng hay gặp thử thách? Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng chính là chúng ta đã có Chúa hiện diện trong cuộc đời của chúng ta hay không?  Về phía Chúa thì Ngài lúc nào cũng có mặt bên cạnh chúng ta. Còn về phía chúng ta thì sao? Chúng ta có nhận ra Chúa hay không?
Trong cuộc sống rất nhiều khi người Kitô hữu cảm thấy như Thiên Chúa bỏ mặc cho bão táp cuộc đời xô đẩy. Thật ra, Ngài vẫn có đó. Ngài ban cho chúng ta lý trí, tự do, ý chí và ân sủng để chúng ta có thể lướt thắng giữa những sóng gió cuộc đời. Có thể đến ngày cánh chung chúng ta mới có thể diện đối diện với Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà cho rằng Ngài vắng mặt; bởi vì, Ngài thấy trước những gì sẽ xảy ra và những gì Ngài sẽ làm cho chúng ta.
Một câu chuyện nhỏ chứng tỏ rằng Chúa Giêsu luôn âm thầm đồng hành trong cuộc đời với chúng ta: “Đức Giêsu cùng một thanh niên đi bách bộ trên bãi biển. Bốn dấu chân in hằn trên cát, nhưng khi chàng thanh niên quá mệt mỏi, không muốn bước nữa, anh nhìn xuống thì chỉ còn thấy dấu của hai bàn chân. Anh kinh ngạc và hốt hoảng kêu lên: Thưa Thầy, Thầy trốn đi đâu mà để  con bước đi một mình. Đức Giêsu ôn tồn trả lời: Con hãy nhìn kỹ lại xem, đó là dấu chân của ai ? Anh nhìn kỹ, rồi so đi so lại, chàng thanh niên mới nhận ra đó không phải là dấu chân của anh mà là dấu chân của Đức Giêsu. Anh bẽn lẽn hỏi Chúa: Vậy thưa Thầy, lúc đó con ở đâu? Chúa đáp: Khi con mệt mỏi, Thầy biết con hết đi nổi, nên Thầy đã vác con trên vai của Thầy.”
Ý thức và sống được như thế, đòi hỏi chúng ta phải có một lòng tin vững chắc, một sự xác tín rất cao. Bởi vì, ai trong chúng ta lại không có những mối lo, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống hôm nay: lo ăn, lo mặc, lo cho hiện tại, lo cho tương lai, lo cho chính bản thân, lo cho con cái và đôi khi quá khứ đã qua rồi mà vẫn làm chúng ta lo âu sợ hãi.
Lo âu sợ hãi là điều tự nhiên và cũng tốt thôi, nhưng chúng ta phải biết tin tưởng, phó thác và cậy trông vào Chúa. Đừng vì lý do gì hay hoàn cảnh nào đó mà mất niềm tin hay giảm bớt sự cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa.
Vì thế, phụng vụ Lời Chúa hôm nay, một lần nữa, nhắn nhủ chúng ta: Giữa những phong ba thử thách của cuộc đời, chúng ta hãy luôn tin tưởng vào sự hiện diện quyền năng và yêu thương của Chúa, nhờ đó chúng ta an tâm đi trọn cuộc hành trình và đạt tới bến bờ bình an là Nước Trời.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Khi gặp thử thách trong cuộc sống, anh chị có thái độ nào?
  2. Anh chị có hốt hoảng như thánh Phêrô khi anh chị hoài nghi tình thương và quyền năng của Chúa hay không?
  3. Anh chị có buồn phiền trách Chúa khi gặp thất bại trong cuộc đời hay không?
II.   HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Bài số 02: Giáo huấn Xã hội Công giáo hiện nay
1.   Học thuyết xã hội Công Giáo là gì?
Song song với sự phát triển ngày càng nhanh và ngày càng phức tạp của thế giới, đặc biệt từ giữa thế kỉ 19, Giáo hội nhận thấy những can thiệp tức thời bằng hành động hay bằng lời nói không đủ giúp các Kitô hữu cũng như các người thành tâm thiện chí cứu xét và giải quyết các vấn đề xã hội. Giáo hội muốn đóng góp một cách căn bản và bền vững hơn, như đưa ra những chuẩn mực để người Kitô hữu dựa vào mà phê phán sự việc và những phương hướng cụ thể để người Kitô hữu có thể lần theo mà hành động; tất cả dựa trên những nền tảng chắc chắn là giáo lý Chúa dạy, được Giáo hội tiếp thu và quảng diễn, tham khảo thêm những khoa học hiện đại có liên quan đến các vấn đề ấy. Giáo hội làm việc này thông qua các văn kiện chính thức của các Đức Giáo hoàng, là thẩm quyền giảng dạy tối cao của Giáo hội.
Giáo huấn tổng hợp từ các văn kiện ấy và các văn kiện khác cùng loại sau này sẽ được coi là Giáo huấn xã hội Công giáo (GHXH). Nói cách khác, GHXH là tổng hợp một cách hệ thống và mạch lạc quan niệm chính thức của Giáo hội về các vấn đề lớn trong xã hội.
2.   Đâu là những đặc điểm của Giáo huấn xã hội Công giáo?
Trước hết, không nên vội vàng cho rằng GHXH chỉ là một lý thuyết nữa, bên cạnh các lý thuyết khác, bàn về các vấn đề xã hội. Tuy bao gồm những nguyên tắc lý thuyết nhưng GHXH nhắm tới những hành động cụ thể của người Kitô hữu trong xã hội. Chẳng hạn, từ nguyên tắc con người là hình ảnh của Thiên Chúa, người ta sẽ đi tới những thái độ và việc làm cụ thể, như không những không giết các thai nhi, không giết những người tàn tật, bệnh hoạn và già nua, mà còn tôn kính và lo lắng chăm sóc họ…Vì đi từ lý thuyết để tiến tới những hành động, nên GHXH được coi như một phần của môn thần học luân lý, cũng bắt đầu từ những sự thật của đức tin để đi đến những việc làm cụ thể trong đời sống hằng ngày của các Kitô hữu. Ngoài ra, dù có thể giống với lý thuyết này hay lý thuyết kia về điểm này hay điểm nọ, nhưng GHXH vẫn khác hẳn các lý thuyết ấy: nó không chủ yếu dựa vào những gì con người suy nghĩ hay sách báo nói, mà trên hết nó dựa vào giáo lý Hội Thánh - đầu tiên là những gì Chúa mạc khải trong Kinh Thánh, được Giáo hội tiếp thu và diễn giải, được các Đức Giáo hoàng công bố và coi là lập trường chính thức của mình: nó cũng không chỉ nhắm hướng dẫn con người đến một số phận đẹp đẽ nào đó trên đời này, mà là tới hạnh phúc cuối cùng của con người. Từ đó, có thể nói đưa ra GHXH là đưa ra một quan điểm thần học, chứ không chỉ là giới thiệu một quan điểm xã hội hay triết học, càng không phải là một quan điểm chính trị của một phe đảng nào đó.
Thứ đến, cũng không nên coi đây là lý thuyết dành riêng cho người Công giáo. Trái lại, do cùng mổ xẻ những vấn đề chung của xã hội, cho những con người có chung định mệnh sau cùng là được hạnh phúc trọn vẹn, dựa trên những phân tích không chỉ của đức tin mà còn của lý trí, nên GHXH này được gởi tới hết mọi người không phân biệt. Nói GHXH mang tính phổ quát, chứ không mang tính cục bộ, là vì lý do đó.
Sau cùng, những phân tích phê phán và đề xuất trong giáo huấn này chỉ có giá trị qui phạm, tức là làm nền tảng để cứu xét, làm chuẩn mực giúp phê phán, làm chỉ thị để thi hành, khi chúng được chính Đức Giáo hoàng hay thẩm quyền giảng dạy tối cao của Giáo hội công bố qua những văn kiện chính thức; bằng không chúng chỉ có giá trị tham khảo hay đọc thêm cho biết. Cũng chính vì được trình bày chủ yếu qua các văn kiện của các Đức Giáo hoàng kế tiếp nhau cho một thế giới luôn biến chuyển, nên GHXH không bao giờ kết thúc, mà luôn luôn vừa cũ vừa mới, vừa có sự liên tục vừa có sự cắt đứt để vượt qua.
3.   GHXH cho đến nay được trình bày qua các văn kiện nào?
Có thể nói GHXH qui củ và hệ thống được bắt đầu với thông điệp “Các Hoàn Cảnh Mới” (‘Rerum Novarum’) của Đức Giáo hoàng Leô XIII (1891). Đúng như mấy chữ bắt đầu thông điệp, hoàn cảnh xã hội ở Tây Phương vào cuối thể kỷ XIX là hoàn cảnh hết sức mới mẻ - mới mẻ từ những tiến bộ và phát minh của khoa học và kỹ thuật cho đến mới mẻ trong cách tổ chức sản xuất và kinh tế, mới mẻ trong đời sống xã hội và chính trị. Thông điệp rõ ràng đứng về phía người lao động hay bị thiệt thòi trong những hoàn cảnh mới mẻ ấy, bằng cách nhấn mạnh tới phẩm giá bình đẳng của người lao động so với các chủ nhân, và đòi hỏi quyền tư hữu cho hết mọi người, quyền thành lập các hiệp hội công nhân hay công đoàn. Nhưng, dù bênh vực người lao động tới mức nào, thông điệp cũng không chủ trương bất hợp tác hay kêu gọi công nhân đấu tranh bạo động để thay đổi trật tự xã hội; thông điệp kêu gọi tốt hơn nên hợp tác để cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn.
Bốn mươi năm sau, tức năm 1931, Đức Giáo hoàng Piô XI ban hành thông điệp “Năm Thứ 40” (‘Quadragesimo Anno’), tiếp tục bênh vực người lao động, đặc biệt trong việc cấp phát lương bổng (không chỉ đáp ứng nhu cầu của bản thân người lao động, mà còn giúp người ấy thoả mãn những nhu cầu căn bản của gia đình mình). Thông điệp còn đi xa hơn khi phân tích và phê phán tình hình các tập thể tài chính lộng quyền, các chính thể độc tài độc đoán muốn thâu tóm tất cả của cải và quyền lợi vào tay một thiểu số, can thiệp quá sâu vào các công ty nhỏ, từ đó thông điệp đề xuất nguyên tắc “bổ trợ” (có nơi gọi là “phụ đới”).
Một trong những “dấu chỉ thời đại” trong những năm 60 của thế kỷ XX được Đức Giáo hoàng Gioan XXIII ghi nhận là mọi vấn đề xã hội hiện nay, từ lao động tới cách mạng công nghiệp và nông nghiệp, từ các nước đang phát triển cho tới vấn đề gia tăng dân số… đều trở thành những vấn đề không chỉ riêng của một địa phương hay một quốc gia, mà là của cả khu vực và thậm chí của toàn thế giới. Chính vì thế, trong thông điệp “Mẹ và Thầy” (‘Mater et Magistra’) (năm 1961) và “Hoà Bình Trên Thế Giới” (‘Pacem in Terris’) (1963), Đức Giáo hoàng đã nhiều lần sử dụng những cụm từ như “cộng đoàn”, “xã hội hoá”, “hiệp thông”… để nhấn mạnh tới bổn phận của con người và mọi tập thể, là phải hợp tác với nhau trong mọi sự, mới có hy vọng giải quyết được các vấn đề.
Chen giữa các văn kiện của các Đức Giáo hoàng là các văn kiện của công đồng Vatican II, đề cập đến các vấn đề xã hội nhưng đặt chúng trong một tổng thể rộng lớn hơn. Chẳng hạn các vấn đề xã hội như văn hoá, kinh tế, hôn nhân gia đình, chính trị, hoà bình…đều được công đồng Vatican II qua hiến chế “ Vui Mừng và Hy Vọng” (‘Gaudium et Spes’) (1965) cứu xét bắt đầu từ con người và hướng tới con người hoặc vấn đề tự do tôn giáo cũng được Công đồng Vatican II qua tuyên ngôn “Phẩm Giá Con Người” (‘Dignitatis Humanae’) (1966) cứu xét không chỉ dựa trên phẩm giá tự nhiên của con người mà còn dựa trên Mặc Khải của Chúa, khiến nó trở thành một quyền căn bản không chỉ trong xã hội dân sự mà còn cả trong Giáo hội, không chỉ là quyền của mỗi cá nhân mà còn là quyền của cả tập thể có tôn giáo.
Sau những chuyến công du thực tế tại các nước châu Mỹ La-tinh, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã viết thông điệp “Phát Triển Các Dân Tộc” (‘Populorum progressio’) (1967) để lưu ý mọi người rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh là tình trạng kém phát triển cách bất công của nhiều dân tộc. Nhưng ngài cũng đồng thời nhấn mạnh một sự phát triển đúng đắn phải là sự phát triển cho hết mọi người và cho toàn diện con người. Phát triển là chuyển từ tình trạng thấp kém hơn sang tình trạng tốt đẹp hơn, không chỉ về mặt kinh tế và vật chất mà còn trong lĩnh vực văn hoá và tinh thần nữa. Cũng trong năm ấy, ngài đã thành lập Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện cho hết mọi dân tộc, bằng cách đốc thúc cải thiện tình hình công bằng xã hội khắp nơi. Qua đầu năm 1968, ngài còn có sáng kiến lấy ngày đầu năm dương lịch làm ngày cầu nguyện và hoạt động cho hoà bình thế giới.
Rồi nhân kỷ niệm 80 năm ban hành thông điệp của Đức Giáo hoàng Leô XIII, Đức Giáo hoàng Phaolô VI viết một tông thư mang tên “Tiến Đến Năm Thứ 80” (‘Octagesima Adveniens’) (1971), trong đó ngài điểm lại các vấn đề xã hội và nhận xét các vấn đề ấy càng ngày càng nhiều và càng ngày càng phức tạp. Có nhiều vấn đề chưa xuất hiện thời Đức Giáo hoàng Leô XIII như hiện tượng đô thị hoá, tình trạng sống của giới trẻ và phụ nữ, nạn thất nghiệp, kỳ thị chủng tộc, di dân, gia tăng dân số, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội, vấn đề môi trường… Ngài cũng thẳng thắn cho biết chỉ riêng các ý thức hệ thôi không đủ giải quyết các vấn đề ấy, cần phải tìm một học thuyết sâu rộng hơn.
90 năm sau thông điệp “Các Hoàn Cảnh Mới” của Đức Giáo hoàng Leô XIII, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II giới thiệu một thông điệp mới mang tên “Thực hành Lao Động” (1981). Mặc dù vẫn đề cập đến vấn đề cũ là lao động, nhưng ngài vừa cho biết tầm vóc lớn hơn của vấn đề này hiện nay vừa giới thiệu sự phân biệt cần thiết hai khía cạnh căn bản hay hai mặt thiết yếu của lao động, hướng tới một khoa tu đức cho những người làm lao động hay tổ chức lao động: khía cạnh cần được ưu tiên trên hết vì luôn nắm phần quan trọng và luôn tồn tại là lao động chủ quan bao gồm con người lao động và hoàn cảnh bản thân, gia đình, xã hội của người ấy; và khía cạnh thứ yếu hơn luôn có thể thay đổi tuỳ vào hoàn cảnh bên ngoài là lao động khách quan, bao gồm những yếu tố khách quan như tiền vốn, mặt bằng, máy móc, kỹ thuật hay công nghệ…
Kỉ niệm 20 năm thông điệp “Phát Triển Các Dân Tộc”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lại giới thiệu một văn kiện mới có tên “Quan Tâm Đến Xã Hội” (‘Sollicitudo Rei Socialis’)(1987). Ghi nhận sự thất bại của thế giới trong việc giúp các nước nghèo phát triển, Đức Giáo hoàng cho rằng tình hình bi đát ấy một phần là do người ta đã không phân biệt đúng tiến bộ và phát triển. Sai lầm của người ta là ở chổ giản lược sự phát triển con người vào việc gia tăng của cải hay vì quá chú ý tới việc “sở hữu” (“có”) thay vì lưu ý nhiều đến việc “trở thành người” hay “làm người” hơn (“là”).
Sau cùng, kỷ niệm 100 năm ban hành thông điệp “Các Hoàn Cảnh Mới”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa ra thông điệp xã hội thứ ba của mình, mang tên “Bách Chu Niên” (‘Centesimus Annus’) (1991) cho thấy sự liên tục trong giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo suốt 100 năm qua. Một trong những bằng chứng cho thấy sự xuyên suốt ấy chính là sự lưu tâm và đề xuất bền bỉ của các Đức Giáo hoàng về việc liên đới giữa mọi người khi giải quyết các vấn đề xã hội, dù mỗi Đức Giáo hoàng có thể gọi việc ấy bằng những tên khác nhau như “hữu nghị” (Đức Leô XIII), “bác ái xã hội” (Đức Piô XI), “văn minh tình yêu” (Đức Phaolô VI) “nguyên tắc liên đới” (Đức Gioan Phaolô II).
Trước khi tiếp tục đi xa hơn, để đánh dấu một chặng đường phục vụ con người, Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình của Giáo hội Công giáo đã tổng hợp toàn bộ học thuyết xã hội của mình trong một tập sách mang tên là “Tóm Lược Học Thuyết Xã  Hội của Hội Thánh Công Giáo” (năm 2004). Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã hoàn thành bản dịch tiếng Việt và phổ biến vào năm 2007.
Ngay sau khi đăng quang Giáo hoàng, Đức Biển Đức XVI đã ban hành thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” (‘Deus caritas est’) để giải thích hoạt động bác ái xã hội của Giáo hội, về nguyên do hay động lực, mục đích, phương cách hay tinh thần, cũng như lịch sử của hoạt động này (2005). Bốn năm sau đó, ngài lại ban hành thông điệp “Bác Ái trong Sự Thật” (‘Caritas in veritate’), cũng là một cách đóng góp cho việc giải quyết cơn khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu: không thể tiến hành các giao dịch và cải cách kinh tế mà bỏ qua đạo đức; chỉ có nền đạo đức đúng đắn cho hoạt động kinh tế  khi biết tôn trọng sự thật của con người trong cái nhìn của Thiên Chúa.
 
Câu hỏi giúp hiểu bài:
1.    Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo có phải là lý thuyết chính trị, xã hội của các đảng phái hay của các quốc gia không? Tại sao không?
2.    Anh chị cảm thấy thế nào khi biết các cấp lãnh đạo Giáo hội Công giáo liên tiếp giới thiệu các văn kiện xã hội như đã tóm tắt trên đây?
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log