Thứ năm, 23/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình - Tháng 7

Cập nhật lúc 15:58 29/06/2014
 
  CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
 
ADOLP KOLPING
     1813 -1865
ĐỒNG HÀNH
 
 Tháng 7. 2014
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng


Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Linh đạo Khôi Bình có mục đích giúp giáo dân nên thánh bằng cách “thăng tiến xã hội”, làm cho xã hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn về ba phương diện: tâm linh, tinh thầnvật chất.
Tâm linh là thái độ của con người đối với Đấng Tạo Hóa, là sự xác nhận có Đấng Thiên liêng hiện hữu, là niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương con người.
Tinh thần là những đức tính căn bản làm nên nhân phẩm của con người như lòng hiếu thảo, trung thực, nhân ái, trí thức, tình cảm.
Vật chất là những điều kiện, tiện nghi, môi trường… làm cho cuộc sống thân xác của con người xứng đáng với nhân phẩm hơn. việc thăng tiến xã hội phải được hiểu một cách căn cơ là ưu tiên “thăng tiến gia đình”, vì gia đình là một xã hội nhỏ nhất.
Như vậy, nội dung của linh đạo Khôi Bình bao gồm nhiều khía cạnh của đời sống: Hôn nhân và gia đình; lao động và nghề nghiệp; xã hội và đất nước; văn hóa và giải trí; tài nguyên và môi trường.
Do vậy, các Khôi Bình viên có bổn phận thể hiện một cách cụ thể gương mặt yêu thương tha nhân của Đức Kitô giữa xã hội. Thương yêu bằng cách nâng cuộc sống của họ lên xứng đáng với phẩm giá con người. Đối tượng của sự thăng tiến xã hội là mọi người, không phân biệt tôn giáo; và chú trọng đến những người nghèo khổ bị áp bức, đáng thương. Người nghèo ở đây phải được hiểu là những người đang thiếu thốn, cần sự giúp đỡ của ta. Sự thiếu thốn có thể là vật chất, tinh thần hoặc tâm linh. Do đó, việc thăng tiến xã hội là một nét đặc thù của linh đạo Khôi Bình.
Để biết mình có ơn gọi sống linh đạo Khôi Bình hay không, mỗi Khôi Bình viên cần phải tự vấn xem Thiên Chúa có cho ta được một trái tim biết rung động trước nghịch cảnh của tha nhân hay không? Và sự rung động đó có luôn hối thúc chúng ta làm một điều gì cụ thể để giúp vào sự thăng tiến họ và cũng chính là sự thăng tiến xã hội nói chung hay không?
Thưa quý anh chị,
Nền tảng của linh đạo Khôi Bình dựa trên ba nền tảng vững chắc: Sứ điệp của Đức Kitô (Lời Chúa); Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo (GHXH); Tư tưởng và đường lối của cha Khôi Bình.
Việc học hỏi, suy gẫm và chia sẻ Lời Chúa chúng ta vẫn làm hàng tuần. Cộng đoàn chúng ta cũng đã học hỏi và đào sâu tư tưởng và đường lối của cha thánh Khôi Bình trong năm 2013. Còn GHXH thì Cộng đoàn chưa có dịp học hỏi. Hy vọng trong dịp thường huấn năm nay, chúng ta sẽ có dịp cùng nhau tìm hiểu. Việc tìm hiểu GHXH là điều quan trọng đối với chúng ta, vì đây là những định hướng để hành động. Chúng ta hoàn toàn không thụ động, chỉ biết chấp nhận những điều mà Giáo hội đã dạy. Chúng ta cần phải linh động áp dụng những điều Giáo hội dạy vào hoàn cảnh cụ thể; và chính trong môi trường cụ thể mà Tin mừng được loan báo và thể hiện. Hay chúng ta nói một cách khác: khi áp dụng GHXH, không những chúng ta đem Tin mừng vào môi trường sống của mình, nhưng còn là lời đáp trả lại kế hoạch yêu thươn mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Và để chuẩn bị cho việc tìm hiểu GHXH, kể từ tháng 7.2014, tờ Đồng Hành sẽ giới thiệu với quý anh chị những bài chia sẻ ngắn gọn nhưng rất súc tích của cố linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành, Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội để các Gia đình Giáo xứ đọc trước; và nếu có thể, Ban quản gia xin Cha Đồng Hành giáo xứ giúp trong việc học hỏi.
Trong tâm tình của một người đồng hành, tôi xin cầu chúc cho quí anh chị em được mọi sự an lành trong bàn tay phụ tử của Đấng sáng lập, chân phước Khôi Bình.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I.    CHIA sẺ LỜI CHÚA:  CHỦ NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
Dcr 9, 9-10; Rm 8, 9. 11-13; Mt 11, 25-30
Bài Tin mừng của Chủ nhật XIV mùa thường niên hôm nay được trích trong một đoạn văn hay nhất của Thánh Mátthêu, người ta gọi đoạn văn này là "Hạt Ngọc Quý Nhất" của Thánh Mátthêu. Dòng tư tưởng của đoạn Tin mừng này thật cao siêu và êm dịu, chúng ta thấy ngay về việc suy tư về Nước Trời. Có lẽ lời cầu nguyện này được thốt ra khi Chúa Giêsu nghe các Tông đồ đi truyền giáo trở về và kể lại cho Ngài các điều họ đã thực hiện, các mối liên lạc giữa Chúa và Chúa Cha về sứ mệnh cứu rỗi làm trung gian, và mời gọi mọi người đến với Ngài. Ðiều ấy là các mầu nhiệm Nước Trời.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được mạc khải này cho chính mình và cho các Tông đồ: "Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng..." Theo mạch văn và ý muốn của Chúa mà chúng ta hiểu, đây là những người Do Thái đang bị đè nặng bởi lề luật và các truyền thống của biệt phái. Chúa Giêsu đã giải thoát họ khỏi ách lề luật và đem họ đến chỗ thảnh thơi. Vì từ nay những ai đến với Chúa phải đến với tất cả tâm hồn, phải được ghi khắc lề luật mới là luật của Thánh Thần ở bên trong và tự nguyện.
Ðoạn văn này rất súc tích tư tưởng, không bao giờ khám phá ra hết, song ít ra chúng ta có thể nhận thấy chính những tư tưởng sau:
Trước hết là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chúc tụng Cha Ngài trên trời vì đã mạc khải những điều này cho các trẻ nhỏ, mà lại không cho những kẻ thông thái tự cao tự đại thường cho rằng mình biết tất cả. Lòng tự ái tự cao làm cho họ không nhận ra Lời Chúa, còn những bậc quân tử thì lại tự mãn về lối sống của mình, tự cho mình là chân chính và không cần đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa, không cần ơn cứu rỗi của Ngài. Trái lại, những kẻ bé mọn lại biết rằng mình dốt nát trước sự cao cả của Thiên Chúa, họ thấy mình bé nhỏ khốn nạn, và sẵn sàng đón nhận với lòng biết ơn về những hồng ân của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận với lòng biết ơn về những hồng ân của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận ơn cứu rỗi, cảm thấy cần Chúa: "Chúa hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao và nâng người hèn mọn lên.”
Chúa Giêsu tự mạc khải Ngài: "Thực sự đã được Cha trao phó cho Ta và không ai biết Cha trừ ra Ta, và cũng không ai biết Ta trừ ra Cha" (Mt 11, 27). Lời đó mạc khải về Chúa Giêsu, Ngài đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Một mình Cha biết đầy đủ về Con, vì Cha đã sinh ra Con trong trí và do sự hoàn toàn sung mãn của Ngài. Và chỉ có Con mới biết đầy đủ về Cha và hình ảnh của Con là sự trung thực nhất, là tư tưởng, ý nghĩ của Cha. Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa. Ðây là một mạc khải vô cùng quí báu cho chúng ta. Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, song không phải hoàn toàn như chúng ta: "Mọi sự đã được Chúa Cha trao, không ai biết Con trừ ra Cha, và kẻ nào Con muốn mạc khải cho."
Một tư tưởng nữa của Tin mừng hôm nay, đó là lời kêu gọi những kẻ đói khát, những ai mệt nhọc hãy đến với Ngài: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những kẻ khó nhọc gánh nặng, Ta sẽ bổ sức lại cho.”
Lời kêu gọi đầy lòng nhân hậu và giàu lòng thương xót mà Chúa hứa cho những ai đói khát, những ai mệt nhọc, Chúa sẽ nâng đỡ và Chúa luôn luôn trung thành giữ lời hứa của Ngài. Qua mọi thời đại, tất cả những ai đói khát công chính đều no nê, những ai nặng trĩu tội lỗi đến với Ngài đều được nhẹ nhõm, được bổ sức và được tha thứ. Chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: "Tội con đã được tha thứ" (Mt 9, 2), và chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: "Ðừng sợ, Ta đã thắng thế gian", (Ga 16, 33) và "Ách Ta thì êm ái, gánh Ta thì nhẹ nhàng" (Mt 11, 30).
Chúng ta hết thảy đều phải mang gánh nặng và vất vả, nhưng ở đây chúng ta không có ý nói đến những gánh nặng bên ngoài đè trên vai của mình. Nhưng khốn nỗi, chính trong lãnh vực của đời sống tâm linh, thường thì chúng ta cũng phải vất vả nặng nề, xác thịt đè nặng, các ham muốn của tình dục, nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần con người, và sức nặng nào đó đã cản trở con người cũ, không chịu buông tha cuộc đời chúng ta để chúng ta được đi theo Chúa một cách an vui.
Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài. Ngài muốn cất gánh nặng đi cho chúng ta. Ðúng hơn, Ngài muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác nhẹ nhàng êm ái hơn, Ngài đến để phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Ngài đã nói: "Hãy mang lấy ách của Ta và hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các ngươi sẽ tìm được nghỉ ngơi cho tâm hồn" (Mt 11, 29-30).
Vậy chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa, để tìm được nguồn an vui và sự bình an trong tâm hồn.
 
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Có khi nào anh chị thấy theo đạo là một gánh nặng hay không? Anh chị thấy giữ đạo là việc nặng nề ở điểm nào? Có cách nào làm cho nó nhẹ nhàng hơn không?
  2. Người bé mọn được Chúa Cha mạc khải. Theo ý anh chị, trong xã hội hôm nay, ai là những người bé mọn, ai là những người "khôn ngoan thông thái"?
 
 
II.   HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
 
Bài 01: Trong một truyền thống lâu dài
Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo (GHXH) là một cụm từ vừa nghe lạ tai vừa thấy phức tạp. Thật ra, khi liên hệ với quá trình lịch sử hình thành giáo huấn hay xa hơn nữa, khi dựa vào Kinh Thánh để ôn lại toàn bộ lịch sử cứu độ, chúng ta sẽ thấy cụm từ ấy vừa quen thuộc vừa giản dị.
1. Lịch sử cứu độ - lịch sử của một Thiên Chúa can thiệp ngày càng sâu vào đời sống con người
Có thể lấy lịch sử cứu độ của dân Do Thái làm hình ảnh để khái quát hóa lịch sử cứu độ của toàn thể nhân loại. Và có thể lấy sự can thiệp của Thiên Chúa để cứu dân Do Thái khỏi nô lệ Ai Cập làm hình ảnh khái quát hóa tất cả những sự can thiệp của Ngài cho dân tộc ấy trong suốt dòng lịch sử của họ: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nổi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miển đất tràn trề sữa và mật (…) Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israen ra khỏi Ai Cập”. (Xh 3,7-8.10)
Thiên Chúa không chỉ quan tâm tới con người khi họ gặp những sự cố đặc biệt bằng cách can thiệp tức thời, mà Thiên Chúa còn quan tâm tới con người trong đời sống thường ngày bằng cách đưa ra những nguyên tắc và luật lệ hướng dẫn. Chẳng hạn: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai Cập. Mẹ góa con coi, các ngươi không được ức hiếp (…) Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vai tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi. Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn (…) Trong vòng sáu năm, ngươi sẽ cày cấy ruộng đất ngươi gieo trồng và thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy, ngươi sẽ để đất ngưng sinh hoa màu, để đất hưu canh; Những người nghèo trong dân ngươi sẽ được hưởng hoa màu đó, những gì còn lại thì bỏ cho giả thú ăn. Vườn nho và vườn ô liu, ngươi sẽ làm như thế”. (Xh 22, 20-21. 24-25; 23,10-11).
Về sau trong lịch sử, tuy bớt can thiệp cách trực tiếp, Thiên Chúa vẫn không ngừng quan tâm đến con người bằng những con người và những cơ chế do Ngài đặt lên, từ các thủ lãnh, các vua, các ngôn sứ, các thượng tế. Như qua những tuyên bố của ngôn sứ Amos, Thiên Chúa muốn dân Do Thái tổ chức lại đời sống cá nhân và xã hội: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàng áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ: ‘Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; Bao giờ mới hết ngày sa bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát  gạo mục, Ta cũng đem ra bán’. Đức Chúa đã lấy Thánh Danh là niềm hãnh diện của Giacóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi của chúng” (Am 8, 4-7).
Nhưng dường như thế vẫn chưa đủ làm cho mọi người tin vào tình yêu của Thiên Chúa, vẫn chưa đủ xua tan nỗi nghi ngờ của nhiều người cho rằng những sự can thiệp của Ngài chưa thật lắm vì đó là những sự can thiệp từ trên cao chót vót và từ bên ngoài xa xôi. Chính vì thế, khi đến thời đến lúc, Thiên Chúa đã đến ở hẳn trong lịch sử của con người  như bao nhiêu người khác. Từ nay Ngài có một tên gọi hẳn hoi là Giêsu, một gia đình với cha mẹ là Giuse và Maria, một sinh quán là Bêlem, một ngôi nhà ở Nadarét, một nghề nghiệp ban đầu là thợ mộc và về sau là giảng đạo, ngày tháng sinh cũng như ngày tháng qua đời… Chỉ có điều là trước sau vẫn như một, Thiên Chúa luôn quan tâm đến đời sống con người: Ngài không chỉ quan tâm cứu giúp họ mà còn đích thân trải nghiệm tất cả những gì người khác đã từng nếm cảm. Từ đó những nguyên tắc và luật lệ Ngài đưa ra để sửa chữa và kiện toàn các quan hệ giữa con người với con người trở nên thừa sức thuyết phục, vì chúng đều được đúc kết từ kinh nghiệm sống của chính Ngài, như “Anh em đã nghe luật dạy rằng: mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác, trái lại nếu bị ai vả bên phải thì giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của mình, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; Ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 38-42). Đức Giêsu đã lấy hình ảnh sau đây làm phương châm sống của Ngài: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người ” (Mc 10, 45).
Trước đó, Ngài đã tỏ ra hết sức quan tâm tới đời sống của con người bằng những sự can thiệp tức thời như thánh Luca đã mượn lời ngôn sứ Isaia để tóm tắt: “Thần Khí Chúa ngự trên tội, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Ngài còn thỉnh thoảng can thiệp sâu hơn bằng cách cải tổ những quan niệm và những tập tục hoặc sai lầm hoặc lỗi thời  về các vấn đề lớn trong đời sống con người như tục ly dị trong đời sống hôn nhân chẳng hạn: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên Môsê đã cho phép các ông ly dị vợ, chứ từ thuở ban đầu, đâu có thế. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai ly dị vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19, 9-8). Hay về quan niệm và tập tục giữ ngày sabát hoặc các truyền thống khác: “Tại sao các ngươi dựa vào truyền thống của loài người mà vi phạm điều răn của Chúa?” (Mt 15, 3).
Nhưng quyết liệt hơn hết là Ngài đã tình nguyện chết thay cho mọi người và sống lại vì mọi người, để tạo cho tất cả mọi người tiền đề căn bản nhất của một cuộc sống hết sức nhân bản và hết sức thánh thiện: trước khi xây dựng một cuốc sống mới, cần phải được giải thoát khỏi mọi sự nô lệ trong cuộc sống cũ và cần phải được ban cho sự sống mới. Bằng chứng của sự sống mới có mặt nơi con người và thế giới là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và những biểu hiện của Ngài. “Hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23). “Những ai ở trong Đức Kitô Giêsu thì không còn bị lên án nữa. Thật vậy, luật của Thánh Thần ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu, đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,1-2).
Sau khi Đức Giêsu sống lại và lên trời, Ngài để lại cho nhân loại một Giáo hội cũng thi hành những nhiệm vụ như Ngài để phục vụ loài người: rao giảng Tin mừng, cử hành phụng vụ và phục vụ bác ái (Cv 4, 42. 44- 47). Kể từ đó, qua nhiệm vụ thứ ba là phục vụ bác ái, Giáo hội không bao giờ bỏ qua những sự can thiệp thích hợp vào đời sống vật chất và tinh thần của con người. Thậm chí Giáo hội còn đặt ra hẳn cả một chức vụ cho hoạt động này (là chức phó tế), trao chức vụ ấy cho những người xứng đáng, không phải chỉ như người trên giao việc cho những người dưới, mà là chính Chúa đích thân trao nhiệm vụ ấy: “Họ đưa các ông ấy ra trước mặt các tông đồ. Sau khi cầu nguyện, các tông đồ đặt tay trên các ông” (Cv 6, 6). Mỗi khi thành lập một Giáo hội, thánh Phaolô và các tông đồ luôn quan tâm đưa ra những chỉ thị để hướng dẫn và tổ chức đời sống gia đình và xã hội của mọi người, cụ thể như cho Giáo Hội Êphêxô (Ep 5, 21-9), Giáo Hội Côlôxê ( Cl 3,18-4,1).
2. Lịch sử ấy vẫn tiếp tục cho tới hôm nay
Như thế, quan tâm tới đời sống con người không những qua những can thiệp tức thời mà còn qua những hướng dẫn mang tính nguyên tắc đã trở thành một trong những nhiệm vụ không thể thiếu của Giáo hội, ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ thời nào, dù là Giáo hội ở phương Tây hay Giáo hội ở phương Đông, dù là Giáo hội đang phát triển mạnh mẽ trong thời các giáo phụ và thời Trung cổ hay là Giáo hội đang gặp thử thách trong các thời bị cấm cách và coi thường, dù là Giáo hội đã trưởng thành hay là Giáo hội còn phôi thai.
Thậm chí, dưới sự soi sáng và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần trong những hoàn cảnh hết sức cụ thể và đặc thù, Giáo hội  không ngừng có những sáng kiến hữu hiệu – đôi khi rất táo bạo – trong việc phục vụ con người, từ những sáng kiến cứu giúp người nghèo tại các tu viện rồi tại các toà giám mục, đến những tổ chức được thành lập qui mô với những con người được đào tạo, những cơ sở đông đảo và những đường hướng rõ ràng nơi các dòng tu và nơi các cơ quan bác ái. Chính nhờ những tổ chức này, dưới sự hướng dẫn của các văn kiện Toà thánh, Giáo hội đã được biết đến như “một nhà vô địch về lòng nhân đạo” trên khắp thế giới. Trong tương lại, Giáo hội cũng sẽ tiếp tục xuất hiện như thế, không phải để tranh thủ thiện cảm của mọi người hay để lôi kéo thiên hạ vào đạo, mà để trung thành với bản chất và sứ mạng của mình, cũng là trung thành với Đấng đã sáng lập mình: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 01).
 
Câu hỏi giúp hiểu bài:
  1. Tại sao Giáo hội Công giáo chúng ta xưa nay luôn có những lần lên tiếng và những nỗ lực phục vụ đời sống con người?
  2. Anh chị có thể kể ra một số sáng kiến mà giáo xứ, giáo phận, Giáo hội Việt Nam và Giáo hội toàn cầu đang thực hiện để phục vụ con người. 
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
giaophanhunghoa.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log