Thứ năm, 23/01/2025

Khôi Bình - Đồng Hành tháng 5

Cập nhật lúc 16:52 30/04/2014
 
CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
 

 
 
 
 
 
                                                        ĐỒNG HÀNH
 
 

 
 
 
 
Tháng 5. 2014
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
 
 
 




Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Giáo hội sống Mùa Hoan Lạc Phục sinh trong 50 ngày, dài hơn Mùa Chay (40 ngày) để giúp chúng ta củng cố và sống niềm tin vào Chúa Phục sinh sâu xa hơn, chân thật hơn.
Đối với người Kitô hữu, thời gian này là rất cần thiết để giúp chúng ta đi theo Chúa như những con người “đang sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô” (Rm 6, 11), nếu chúng ta “đã chết với Đức Kitô” (Rm 6, 8) và “đã chịu phép rửa để được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Rm 6, 3). Phải chăng các điều này còn quá xa vời đối với cuộc sống hằng ngày của mỗi anh chị em Khôi Bình chúng ta? Tại sai lại như vậy? Hẳn một phần lớn chúng ta chưa vững tin vào Chúa Kitô đã Phục sinh từ trong cõi chết, và chưa sống nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta? Làm sao để chúng ta có thể củng cố vào Chúa Phục sinh? Hãy theo dõi những người đầu tiên đã gặp được Ngài.
Thứ nhất, chúng ta hãy nhìn cho kỹ và nghĩ cho sâu biến cố ngôi mộ trống. Thánh Gioan, nghe các phụ nữ chạy về báo tin ngôi mộ trống, ông đã chạy ra mồ với thánh Phêrô và đi vào: “Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh thánh, Đức Giêsu phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20, 8-9).
Thứ hai, chúng ta hãy nghe thật lâu câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau đồng hành với Chúa Phục sinh, nhưng mắt họ chưa nhận ra Ngài. Dọc đường, họ phải nghe Người giải thích những gì lien quan đến Người trong tất cả sách Thánh, bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ (Lc 24, 17. 22).
Thứ ba, chúng ta hãy nhớ từ đầu, đó là lời mà Sứ thần nói với các phụ nữ đến mồ ngày thứ nhất trong tuần và nhìn thấy mồ trống: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại” (Lc 24, 6-7).
Thứ tư, chúng ta hãy nghiệm trong lòng, điều mà hai môn đệ trên đường Emmau đã có khi nghe Đức Giêsu cắt nghĩa Kinh thánh: “Lòng chúng ta đã bừng cháy lên” (Lc 24, 32).
Thứ năm, chúng ta hãy niệm trên miệng để cầu xin Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu Phục sinh ban cho các Tông đồ để các ông hiểu (Lc 24, 32).
Còn kinh nghiệm của chúng ta hôm nay thì sao?  Hành trình đức tin vào Chúa Phục sinh, mà chúng ta không thể thấy được như các chứng nhân tiên khởi, vẫn phải tiếp tục như thế: hãy nhìn, hãy nghe, hãy nhớ, hãy nghĩ và hãy nghiệm từ những gì đã và đang xảy ra trong cuộc sống của mình, của gia đình, của cộng đoàn và của Giáo hội; đồng thời, chúng ta cũng cần phải niệm xin ơn Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta soi trí mở lòng để vững tin theo Chúa.
Chúng ta hãy giúp nhau khám phá sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong đời mình và trong cộng đoàn, và hãy để Ngài đưa chúng ta ra đi, đem Ngài đến với mọi người gần xa đang cần đến ánh sáng, niềm vui và sự sống mới mà Ngài muốn đưa lại cho hết thảy mọi người nghèo, nghèo sự sống trong mọi phương diện, ở khắp mọi nơi, vì Thiên Chúa yêu thương họ.
Nếu chúng ta thực sự có Chúa Giêsu Kitô và đi theo Ngài, hãy chứng tỏ sự thật đó bằng cách “trở nên giống Chúa Kitô”, nghĩa là đi theo Người trên con đường Người đã đi, từ Bêlem cho đến cây thập giá.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
 
 
 
 
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA:  CHỦ NHẬT IV PHỤC SINH
Cv 2,14a. 36-41; 1 Pr 2, 20-25; Ga 10,1-10
Chúng ta đã quen với hình ảnh Đức Giêsu là người mục tử. Qua Thánh vịnh 22, chúng ta thấy dân Do thái trong thời Cựu ước cũng đã quan niệm Chúa mình như là người mục tử dẫn dắt đoàn chiên. Nhưng trong bài Tin mừng hôm nay, bên cạnh hình ảnh người mục tử, còn có hình ảnh cái cửa mà ít khi chúng ta chú ý. Đức Giêsu nói: "Cửa ràn chiên chính là Ta. Bao nhiêu kẻ đã đến trước Ta, hết thảy đều là trộn cướp, nhưng chiên đã không nghe chúng. Cửa vào chính là Ta ! Ai ngang qua Ta mà vào thì sẽ được cứu. Nó sẽ vào, sẽ ra và gặp được lương thực" (Ga 10, 7- 9). Qua hình ảnh cái cửa, Chúa Giêsu muốn nói gì ?
Trước hết chúng ta nên nhớ đây là một cuộc đối chất với những người Biệt phái. Vì là những người có học thức, thông thạo lề luật nên những người này tự cho mình là những người hướng dẫn quần chúng. Khi thấy mọi người chạy đến với Chúa Giêsu và thích nghe Người giảng dạy, thì họ đâm ra bực tức, ghen tương. Họ cảm thấy mất hết ảnh hưởng. Vì thế Chúa Giêsu kể dụ ngôn người mục tử và cái cửa ràn chiên để xác định vai trò của Người. Dân Israel được ví như một đàn chiên, được Thiên Chúa quy tụ lại trong một cái ràn, một cái chuồng có những then chắn che chở. Các then chắn là Lề luật. Nhưng để đi từ ràn chiên vào đồng cỏ rộng rãi xanh tươi, thì các con chiên nhất thiết phải đi qua một cái cửa. Cái cửa ấy, chính là Chúa Giêsu.
Qua hình ảnh ấy, Chúa Giêsu muốn khẳng định Người là phương thế cứu rỗi mà Thiên Chúa đã thiết lập để đưa dân Israel, từ hoàn cảnh chật chội của ràn chiên, nghĩa là từ hoàn cảnh gò bó của Lề luật, đến thể chế ân sủng của Nước Trời. Ai ngang qua Người mà đi, thì sẽ tìm được "lương thực": lương thực ấy là lời mặc khải, "bánh trường sinh" mà có lần Đức Giêsu cũng đã nói với những người Do thái ở Capharnaum sau phép lạ hóa bánh ra nhiều (Ga 6, 35); lương thực ấy cũng là "nước trường sinh" mà Đức Giêsu cũng đã mặc khải cho người phụ nữ Samaria (4,14). Nói cách khác, qua hình ảnh "cái cửa", Chúa Giêsu khẳng định Người là trung gian duy nhất đưa người ta đến với Thiên Chúa. Những người Biệt phái không thể nào sánh vai với Người được.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu nói rõ thêm vai trò của Người cho các tông đồ hiểu: "Ta là Đường, là Sự thật, là Sự sống. Không ai đến với Cha mà lại không nhờ Ta" (Ga 14, 6). Người là Đường, để chúng ta đi tới với Chúa Cha; Người là Sự thật, vì Người mặc khải Chúa Cha; Người là Sự sống, vì Người chuyển thông sự sống đời đời từ Chúa Cha. Người nói: "Ta đến để các con chiên được sống và sống dồi dào." Sự sống mà Người nói đây, không phải là sự sống ở trần gian với sức khỏe, với sắc đẹp, với của cải, mặc dầu sự sống ở trần gian cũng là một kho tàng quý báu. Sự sống mà Người mang lại cho ta là sự sống đời đời trong Nước Trời, một cuộc sống trong tình yêu với Thiên Chúa là Cha chúng ta và với tất cả mọi anh chị em chúng ta. Và chỉ có Đức Giêsu là cái cửa duy nhất để chúng ta đi vào thế giới sự sống ấy.
Người còn nói: "Những kẻ đến trước Ta đều là trộm cướp."  "Những kẻ đến trước" ở đây không phải là các ngôn sứ mà chính Thiên Chúa đã gửi đến để dọn đường cho Con của Người, nhưng là những người tại Do thái hay tại chỗ này chỗ kia trong thế giới, cho rằng, với sức lực riêng của họ, có thể mang lại sự hiểu biết về thế giới thần linh và đưa loài người tới ơn cứu rỗi. Một lần nữa Đức Giêsu khẳng định, với tư cách là Con, Người là trung gian duy nhất đưa chúng ta đến với Chúa Cha.
Từ lời khẳng định của Đức Giêsu là Cửa vào, chúng ta thử xét mình lại, chúng ta có xem Đức Giêsu là trung gian duy nhất, là vị Thầy duy nhất, là người hướng dẫn duy nhất đưa chúng ta đến ơn cứu rỗi hay không. Có một số người cho rằng đạo nào cũng như đạo nào, miễn là người ta ăn ngay ở lành, lương thiện và chân thành là sẽ được cứu rỗi. Những người ấy chưa hiểu ơn cứu rỗi là gì và đâu là phương thế đưa chúng ta tới ơn cứu rỗi ấy. Sở dĩ chúng ta sống được lương thiện và chân thành, cũng là do ơn của Thiên Chúa được ban xuống cho chúng ta qua trung gian của Đức Kitô. Cho nên, mặc dầu chúng ta tôn kính các bậc vĩ nhân trong thế giới và tôn trọng niềm tin của những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhưng chúng ta không bao giờ được quên là chỉ một mình Đức Kitô là "Cửa" duy nhất để chúng ta đi vào thế giới sự sống.
Hình ảnh cái cửa còn gợi lại cho chúng ta thái độ đón tiếp của Đức Giêsu. Người đón tiếp tất cả mọi người, nam cũng như nữ, đặc biệt Người đón tiếp những người mà xã hội khinh dể, ruồng bỏ, mục đích là để đưa tất cả mọi người đến với ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tự xét mình xem mỗi người chúng ta có phải là một cái cửa rộng mở để đón tiếp anh chị em chúng ta hay không. Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe những nguyện vọng cũng như những nỗi đau khổ, ưu phiền của anh chị em chúng ta hay không để giúp họ tìm gặp được thánh ý Chúa?
Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy đến với Người trong niềm tin kính vững chắc Người là cái cửa duy nhất đưa chúng ta đến với Chúa Cha, đến với nguồn mạch của sự sống, của Tình yêu, của nguồn hạnh phúc vĩnh cửu; rồi chúng ta cũng xin Người biến đổi chúng ta thành những tông đồ nhiệt thành luôn luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người và chuyển thông niềm hy vọng cho họ.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị cảm nghiệm như thế nào về tình yêu thương và sự dẫn dắt của Chúa ngang qua những biến cố lớn trong cuộc đời của anh chị?
  2. Hình ảnh vị mục tử nhân lành sống hết mình cho đoàn chiên gợi ý cho anh chị cư xử như thế nào đối với tha nhân, trong cương vị là cha mẹ, thầy cô; y bác sĩ, hoặc trong nghề nghiệp của anh chị?
II. GIA ĐÌNH, CỘNG ĐOÀN NHÂN LOẠI
Tài liệu học hỏi tháng 5/2014 của UBMVGĐ trực thuộc HĐGMVN

Lời Chúa: “Hãy học với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29).

Ý cầu nguyện: Xin cho cả gia đình yêu thương nhau, biết cởi mở chia sẻ, tâm sự để ngày càng hiểu biết thông cảm nhau hơn, nên một cộng đoàn đối thoại với Chúa, với nhau, với mọi người.

 

 

1. Gia đình là cộng đoàn đối thoại với Thiên Chúa

Để có thể tham dự vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh, gia đình vốn là hội thánh tại gia trước hết phải trở thành cộng đoàn đối thoại với Thiên Chúa nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Thật vậy, để là hội thánh và thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng và phục vụ con người, gia đình trước hết phải được kết hợp mật thiết với Đức Kitô như cành nho gắn kết với cây nho, để nhờ đó mà được múc lấy sức sống thần linh và từ đó hòa nhập vào Hội Thánh dân tư tế. Được bén rễ và dưỡng nuôi từ bí tích Hôn phối, gia đình không ngừng được sống nhờ Chúa Giêsu, và được Người mời gọi và lôi cuốn vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa qua đời sống bí tích, qua việc dâng hiến đời mình và nhờ cầu nguyện.[1] Khi ấy gia đình mới là hình ảnh và làm cho sự Hiệp thông vô hình của Ba Ngôi thần linh thành hiện thực lịch sử.
 

2. Sự khác biệt trong Gia đình

Đôi bạn, là những nhân vật chủ chốt vì gia đình dựa trên nền tảng hôn phối của họ, rất khác nhau: về giới tính, tính tình, tính cách, về văn hóa, có thể khác cả về tôn giáo tín ngưỡng.
a. Khác biệt về văn hóa: văn hóa khác biệt do nguồn gốc địa phương, ngôn ngữ, sắc tộc khác biệt, hoặc trình độ học thức khác biệt. Khác biệt có thể gây hiểu lầm, sinh ra căng thẳng xung đột khi sống chung. Không hiểu biết những hành vi thuộc đặc thù văn hóa của tha nhân nhưng đồng thời ta thường vẫn có những ý nghĩ, xét đoán, và phản ứng theo những ý nghĩ, định kiến của riêng ta, làm sai lệch tầm nhìn, và dễ tạo nên thương tổn cho nhau. Vì thế, mọi người cần tìm hiểu qua đối thoại chân thành, cởi mở, tin tưởng và kính trọng nhau. Không được xem văn hóa này cao trọng hơn còn văn hóa kia thấp kém hơn, vì mọi văn hóa là một phiên bản khác biệt của một văn hóa nhân loại chung và nhân dạng các nền văn hóa cũng không ngừng tương tác và thay đổi. Điều quan trọng không phải là bỏ đi một văn hóa để đón nhận một văn hóa khác, nhưng là: sự khác biệt làm cho nhau thêm phong phú để cùng xây dựng một điều gì mới mẻ. “Này anh, điều anh khác với tôi không làm tổn hại tôi nhưng làm tôi thêm phong phú” (Antoine de Saint-Exupéry).
b. Khác biệt về tôn giáo: Đời sống chung thân mật trong tình yêu thương của gia đình cũng có thể là một cuộc đối thoại liên tôn giữa những thành viên khác tín ngưỡng, tôn giáo trong gia đình, hoặc với các gia đình khác trong gia tộc và trong cộng đồng xã hội. Một nguyên tắc phải được tôn trọng: “trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm”[2]. Đối thoại còn là gì hơn nữa chứ không chỉ đơn giản là sự khoan dung giữa những người khác biệt tôn giáo, tín ngưỡng. Đối với người Kitô hữu, tin rằng Đức Giêsu Kitô là “Sự thật” (Ga 14,6) có nghĩa là chấp nhận cùng đồng hành với tha nhân, nhất là với “thân nhân” của mình, lại cũng là người khác niềm tin với mình để có thể hiểu biết chính xác hơn, sâu xa hơn “sự thật” này là gì. Đối thoại liên tôn trong gia đình thường đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ có thể cho đến cuối cuộc đời, cố gắng “hợp nhất trong những điều thiết yếu, tự do trong những điểm còn nghi ngờ, bác ái trong tất cả mọi sự”[3].
c. Khác biệt về giới tính: “Mỗi người, nam cũng như nữ, phải nhận biết và chấp nhận căn tính giới tính của mình. Sự khác biệt và bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến lợi ích của hôn nhân và phát triển đời sống gia đình. Sự hòa hợp của đôi vợ chồng và của xã hội tùy thuộc phần nào vào việc hai bên nam nữ bổ túc, đáp ứng và nâng đỡ lẫn nhau”[4].

3. Gia đình là cộng đoàn đối thoại với nhau

Gia đình là cộng đoàn sự sống thân mật và yêu thương hợp nhất giữa các thành viên khác biệt: vợ với chồng, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu chắt, anh chị em, dâu và rể.
Trong đó sự hợp nhất giữa vợ chồng là nền tảng rất quan trọng cho sự hợp nhất trong gia đình, trong các tương quan còn lại trong gia đình. “Thuận  vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”.
Yêu thương là hợp nhất trong khác biệt. Để được như thế họ phải hiểu biết và tôn trọng những cái giống nhau và cả những điều khác nhau, mà trước hết là phải đối thoại với nhau cởi mở và chân thành trong tin tưởng và yêu thương.
Muốn thế, vợ chồng phải dành thời gian riêng cho nhau, dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng, âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, như ông bà ta khi xưa nói: “vợ chồng tương kính như tân.”
Cộng đoàn đối thoại còn là cộng đoàn biết chia sẻ những việc cụ thể chung của gia đình:
- Ăn ở: Chia sẻ việc nhà cửa, bếp núc, bàn bạc trong tương quan với cha mẹ anh em hai bên nội ngoại, xóm giềng, chịu chung trách nhiệm mọi trong mọi công việc.
- Tài chính: Chia sẻ được mọi chi và tiêu, có thể công khai những món tiền lớn và tiền nhỏ.
- Việc con cái: Cùng đón nhận đứa con chào đời, chia sẻ việc nuôi và cùng nhau giáo dục con cái, trao đổi thống nhất việc giáo dục con cái, nhất là cùng dạy con biết Chúa.
- Chuyện vợ chồng: Có thể chia sẻ thực lòng với nhau những giai đoạn khó khăn và nhu cầu thầm kín. Học phương pháp kế hoạch gia đình theo tự nhiên, trước hết phải là kỹ năng giúp vợ chồng sống hạnh phúc nhờ hiểu để biết chia sẻ. Tiết dục định kỳ cũng như những phương pháp điều hòa sinh sản đặt nền tảng trên việc tự quan sát và sử dụng những thời gian không thể thụ thai: đều phù hợp với các tiêu chuẩn khách quan của luân lí. Những phương pháp này tôn trọng thân thể của vợ chồng, khuyến khích họ âu yếm và giúp nhau hướng đến tự do chân chính[5].
- Cầu nguyện chung: Đọc kinh chung là có thể thổ lộ với Chúa cùng tâm tư. Nền tảng của hiệp thông vợ chồng chính là Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể.
- Không giấu nhau chuyện gì: Thống nhất với nhau từ đầu, điều gì làm mà không dám nói cho nhau biết tập ý thức không làm.

 

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận

  1. Gia đình tôi có Chúa hiện diện trong đối thoại gia đình hay không?
  2. Giữa vợ chồng, giữa cha/mẹ và con còn có điều gì chưa thể chia sẻ, trao đổi, tâm sự không?
  3. Khi đối thoại chúng tôi có tôn trọng sự dị biệt chính đáng của nhau, có thực sự quan tâm muốn chia sẻ và nâng đỡ nhau vì yêu thương hay không?
 
 
 
 

[1] FC 55.
[2] CĐ Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae 2.
[3] GS 92.
[4] GLHTCG 2333.
[5] GLHTCG 2370; X. ĐGH Phaolô VI, Tđ. Humanae Vitae 16.
http://giaophanhunghoa.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log