Thứ năm, 23/01/2025

Cộng Đoàn Khôi Bình Hưng Hóa - Đồng Hành tháng 1/2014

Cập nhật lúc 22:20 02/01/2014
ĐỒNG HÀNH 
 
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Trong Năm Đức Tin vừa qua, cánh cửa hồng ân đã được mở rộng để ánh sáng đức tin chiếu toả vào toàn thể cuộc sống người tín hữu. Đức tin mở đường cho chúng ta đến với Thiên Chúa, đồng thời cũng thúc đẩy chúng ta sống đời con cái Chúa ngày càng hoàn thiện hơn theo đúng tinh thần Phúc Âm. Để Lời Chúa kết thành hoa trái thực sự trong cuộc sống đức tin Kitô hữu, HĐGMVN mời gọi chúng ta thực hiện kế hoạch mục vụ cho ba năm sắp tới: Năm 2014: Phúc Âm hóa đời sống gia đình; Năm 2015: Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn; Năm 2016: Phúc Âm hóa đời sống xã hội. Như vậy, Phúc âm hóa đời sống gia đình là điểm nhấm mục vụ cho năm 2014 này.
Nỗ lực Phúc Âm hoá nhằm mục đích biến đổi con người và cách sống chúng ta đúng theo Lời Chúa dạy. Trước tiên, chính bản thân mỗi người phải được Phúc Âm hoá, để nếp sống toàn thể gia đình cũng được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, và từ đó chiếu toả sức hấp dẫn của Tin Mừng cho mọi người chung quanh. Để được như thế, chúng ta cần phải tiếp nhận Tin Mừng về gia đình, Tin Mừng mời gọi chúng ta sống như những người được yêu thương và biết yêu thương, đồng thời chúng ta cũng phải am hiểu về Bí tích Hôn nhân, với các hiệu năng ân sủng và nghĩa vụ trong đời sống gia đình; ngoài ra, chúng ta cũng cần học hỏi về giáo huấn của Giáo hội về hôn nhân và gia đình, để có được những nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về giáo lý đức tin, về linh đạo gia đình và những hướng dẫn chuyên biệt cho nếp sống của một “Hội Thánh tại gia.” Định hướng mục vụ chủ yếu trong năm 2014 này là đưa Lời Chúa vào thực hành để Phúc Âm hoá đời sống gia đình. Mục tiêu chính của các chương trình mục vụ là để cổ vũ và khơi dậy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam và giúp thăng tiến đời sống gia đình Công giáo. Để được như vậy, xin gia đình quý anh chị hãy:
1. Xây dựng gia đình thành một cộng đoàn cầu nguyện, luôn sống trong sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa và làm cho chính đời sống gia đình trở thành lời kinh sống động.
2. Vợ chồng sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sốngđể tình yêu gia đình trở thành dấu chỉ sống động của Tình yêu Thiên Chúa.
3. Cha mẹ ý thức giáo dục con cái, để gia đình trở thành ngôi trường đầu tiên dạy dỗ giáo lý đức tin và thực hành các đức tính nhân bản, nên như thành trì bảo vệ sự sống thể lý cũng như tinh thần của con cái trước sự tấn công của cái ác và cái xấu trong cuộc sống. Ngoài ra, một gia đình với nền giáo dục đạo đức tốt lành sẽ là vườn ươm tuyệt hảo cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.
4. Cả gia đình hăng say loan báo Tin mừng, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể, để đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, trở thành lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin mừng.
Trong năm 2014 này, ngoài chương trình sinh hoạt chung của cộng đoàn, xin quý anh chị cần phải tham gia một cách tích cực vào những chương trình mục vụ của giáo họ, giáo xứ. Cụ thể, từng thành viên Khôi Bình phải ý thức tổ chức cho được giờ kinh tối tại gia đình mình theo mẫu hướng dẫn của Giáo phận; đồng thời, bản thân cần tự đào luyện mình sao cho sống “chính danh” trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của Chân phước Khôi Bình chúc lành cho anh chị em và gia đình.
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA:  CẦU CHO HÒA BÌNH – 01/01/2014
Ds 6, 22-27; Gl 4, 4-7; Lc 2, 16-21
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể nhân loại đón chào một Năm Mới 2014, bước qua năm mới ai cũng nong muốn và cầu chúc cho nhau một Năm mới Bình An và Hạnh phúc, đó là khao khát lớn nhất của cuộc sống con người. Nhìn vào cuộc sống quanh, chúng ta thấy còn đầy dẫy những bất công, gian dối lừa đảo, bạo lực giết chóc, cướp của giết người, nhân tai, thiên tai xảy ra khắp nơi, tất cả những điều đó nó tạo nên một cảm giác bất an lo sợ cho con người. Vì thế mà con người vẫn cứ luôn khát khao chờ đợi và cầu chúc cho nhau bình an và hạnh phúc. Tin tưởng rằng Đức Giêsu, Hoàng Tử Bình an và Mẹ của Người được tôn vinh là Nữ Vương Hòa Bình, hôm nay Giáo hội cử hành ngày cầu cho hòa bình thế giới với ước mong Hoàng tử Bình An và mẹ của Người đem sự bình an đến trong tâm hồn mỗi người.
Trong sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới ngày 01/01/2014, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người xây dựng công lý và hòa bình qua việc xây dựng tình huynh đệ. Ngay số mở đầu của sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta là một hữu thể tương quan, tình huynh đệ là một phẩm chất thiết yếu của con người. Một ý thức sống động về mối tương quan này giúp chúng ta nhìn và đối xử với nhau như anh chị em đích thực. Không có tình huynh đệ thì không thể xây dựng một xã hội công bình và một nền hòa bình bền vững và viên mãn.” Và Ngài nói tiếp: “Chúng ta nên nhớ rằng, tình huynh đệ cách chung được học biết tại gia đình, trên hết là nhờ vào vai trò trách nhiệm và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, đặc biệt là người cha và người mẹ. Gia đình là nguồn mạch của tình huynh đệ, và như thế gia đình chính là nền tảng và là con đường đầu tiên dẫn đến hòa bình, vì ơn gọi của gia đình chính là thông truyền tình yêu cho thế giới xung quanh.”
Như vậy, ngôi trường đầu tiên cho công trình giáo dục tình huynh đệ ấy chính là gia đình. Đó là những chỉ dẫn của Giáo hội, song có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quan tâm hoặc nghĩ rằng việc xây dựng hòa bình là của người khác, chứ không phải là của gia đình tôi, của những tổ chức chính phủ chứ không phải của mình, nên chúng ta không bắt tay vào việc xây dựng hòa bình cho thế giới cho xã hội chúng ta. Vì thế mà Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong việc giáo dục giới trẻ về công lý và hòa bình; Vì công lý và hòa bình nó không phải là một kiến thức tự nhiên mà có, mà cần phải được học tập và thực hành ngay từ tấm bé ở trong môi trường gia đình.
Ngay từ nhỏ, thanh thiếu niên cần phải được học để biết phân biệt đâu là công lý, đâu là hòa bình đích thực, vì trong thực tế, có nhiều sự giả dối được bao bọc bằng cái vỏ công lý, có nhiều sự giả dối được thực hành lâu ngày đã trở thành thói quen, có nhiều sự thật bị bóp méo để phục vụ cho những lợi ích riêng tư, và thậm chí có những điều giả dối bất công bị nhồi nhét lâu ngày khiến các thanh thiếu niên tưởng là sự thật. Chính vì thế, các thanh thiếu niên ngày nay như bị hoa mắt lạc đường không biết đâu là sự thật, và không biết tin vào ai, vì họ nhìn thấy sự giả dối đang được nhiều người ủng hộ; nhiều sự thật bị che đậy, và giới trẻ chỉ được biết có một nửa sự thật mà thôi… Cũng thế, ngày hôm nay sự ác và bất công được gọi bằng những từ hoa mỹ, sự đe dọa của chiến tranh được mang tên là nhân đạo, sự xung khắc được gọi là giải pháp hòa bình… Vì thế, thanh thiếu niên cần được giáo dục để có thể nhìn đúng và nhìn thẳng vào sự thật và biết can đảm sống bênh vực cho công lý và hòa bình. Để giáo dục cho thế hệ trẻ về công lý và hòa bình thì những người thầy đầu tiên của họ chính là cha mẹ, là Giáo hội và nhà trường. Tuy nhiên gia đình vẫn là ngôi trường đầu tiên giáo dục cho cho con cái biết nhận ra và sống đúng với đòi hỏi của công lý và hòa bình.
“Công lý” theo Từ điển Tiếng Việt: là sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi chính đáng của mọi người. Theo định nghĩa này thì việc giáo dục công lý tức là dạy cho người trẻ biết tôn trọng lẽ phải, biết tôn trọng quyền lợi của mọi người. Dạy họ biết tôn trọng lẽ phải tức là dạy họ biết đặt lẽ phải lên trên lý lẽ cá nhân cục bộ, lấy sự thật làm tiêu chuẩn để đánh giá và quyết định, dù sự thật có khiến đau lòng hoặc phải thiệt thòi; Dạy họ biết tôn trọng quyền lợi của mọi người tức là biết đặt sự thật và quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân, và biết tôn trọng quyền lợi của người khác khi quyền lợi của họ là chính đáng đúng đắn. Không thể dùng bất cứ sức mạnh hoặc áp lực nào để dành quyền lợi một cách bất công về cho mình, vì sự bất công chính là nguyên nhân gây ra chiến tranh bạo lực giết chóc, bất an bất hòa tranh chấp. Chúng ta có thể thấy điều đó ở ngay chung quanh ở môi trường xã hội chúng ta đang sống. Để giới trẻ biết sống và bảo vệ cho công lý, thì chính cha mẹ, Giáo hội, nhà trường và xã hội là những người phải biết thực thi công lý, giải quyết những bất công ngay từ trong gia đình, trong tổ chức của mình.
Một gia đình mà cha mẹ gian dối thì con cái không thể sống công bình, một gia đình bất chấp và không quan tâm đến quyền lợi và sự bình an của nhau, của hàng xóm, thì con cái sẽ không biết thế nào là tôn trong quyền lợi của người khác.
Một Giáo hội mà không chỉ cho con cái của mình đâu là sự thậtt đâu là công bình, đâu là quyền lợi của mọi người thì giới trẻ sẽ lúng túng và không biết phải quyết định như thế nào.
Một môi trường giáo dục là nhà trường mà sự gian dối bất công được coi như là bình thường, thì giới trẻ làm sao có thể biết tin vào ai để thực thi công lý.
Một xã hội đáng lẽ phải là người bảo vệ công lý và sự thật, nhưng giới trẻ vẫn thấy những bất công, giả dối, người dám lên tiếng cho sự thật lại không được ai bênh vực ủng hộ, người giả dối lại được nhiều người vỗ tay tán thưởng… thì giới trẻ làm sao có thể phân định đâu là đúng đâu là sai, đâu là sự thật đâu là giả dối…
Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Hòa bình không chỉ là không có chiến tranh bom đạn, mà hòa bình phải bắt đầu từ trong tâm hồn mỗi người. Một tâm hồn bất an, thì chỉ có thể đem đến bất hòa, một tâm hồn không có Ơn Chúa thì sẽ chỉ có sự dữ và sự xấu, một tâm hồn mà không để cho Chúa làm chủ, thì cái tôi và ích kỷ sẽ vào chiếm chỗ và tâm hồn ấy chỉ còn những bất hòa và cãi vã, hẹp hòi và bất khoan dung.”  
Đức Giêsu chính là Hoàng tử Bình an, trước mặt quan toàn quyền Philato Ngài đã khẳng định: “Tôi đến là để làm chứng cho sự thật, ai thuộc về sự thật thì nghe tiếng tôi.” Và Chúa đã nói với các môn đệ: “Thầy ban bình an của Thầy cho anh em, bình an Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.
 
Như thế, để có thể học biết thế nào là Công lý và Bình an, thì trước hết hãy đến với Đức Giêsu, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta biết thế nào là công lý và bình an.
Hãy lắng nghe lời chỉ dạy của Ngài, và đem ra thực hành chúng ta sẽ trở thành người thực thi và bảo vệ công lý đồng thời là người xây dựng hòa bình.
Hãy bắt đầu đem sự bình an và công lý đến cho gia đình, cho hàng xóm láng giềng và cho môi trường xã hội chúng ta đang sống.
Đức Maria đã nêu gương cho chúng ta như thế, là Mẹ Thiên Chúa, mẹ của Hoàng tử Bình an, song Đức Mẹ vẫn khiêm nhường và âm thầm để phục vụ. Đức Mẹ luôn để cho Chúa Giêsu ở trong tâm hồn mình, và bồng ẳm Chúa Giêsu không chỉ khi Ngài còn là một Hài Nhi, mà Đức Mẹ đã ôm ấp Chúa suốt cả cuộc đời và đặc biệt dưới chân thập giá, Đức Mẹ đã đưa tay ra để một lần nữa được ôm con vào lòng trong đau đớn và nước mắt.
Đức Mẹ đã âm thầm đêm ngày ghi nhớ tất cả những sự việc xảy ra để suy gẫm và nhận ra ý Chúa và thi hành, chính vì thế mà tâm hồn mẹ luôn bình an, dù có phải trải qua những cơn sóng gió thử thách và đau khổ.
Xin Mẹ giúp cho mỗi thành viên Khôi Bình biết noi gương Mẹ, học ở nơi Mẹ, để mỗi người trong chúng ta cũng có được sự bình an trong tâm hồn và trở thành khí cụ xây dựng hòa bình và bênh vực công lý.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1.        Anh (chị) đã xây dựng công lý và hòa bình qua việc xây dựng tình huynh đệ trong gia đình của anh (chị) như thế nào?
2.        Anh (chị) hãy chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm của bạn thân trong việc xây dựng tình huynh đệ với những người hàng xóm, bạn bè đồng nghiệp …
3.        Anh (chị) nghĩ sao về câu khẩu hiệu này: “Gia đình cầu nguyện chung với nhau thì sống khăng khít với nhau” ?

II. GIÁO HUẤN VỀ ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH KITÔ GIÁO

Bài số 01:
Gia đình, cái nôi của con  người
Người ta thường nói và nói đúng Gia đình là cái nôi của con người, vì chính ở đó con người được phôi thai và sinh ra. Là môi sinh đầu tiên của con người, gia đình gìn giữ một vai trò đặc biệt trong sự hình thành cá tính và nhân phẩm của con người. Giáo hội cũng như xã hội đều ý thức điều đó.
Chúng ta hãy nghe lời dạy của Công đồng Vaticanô II: “Sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình.” (Hiến chế Mục vụ số 17).
Thiên Chúa đã thấy và đã muốn sự liên kết ấy. Chính người đã thiết lập hôn nhân và nâng nó lên thành Bí tích, như để chuẩn bị cái nôi của đứa trẻ sắp sinh. Nói về giao ước hôn nhân, Thánh Phaolô đã viết: “Mầu nhiệm này thật lớn lao; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh” (Ep 5, 32).
Giáo hội không tiếc lời ca tụng giao ước này, Giáo hội vẫn coi đó là một hành vi cao thượng của một người nam và một người nữ, tự giác và tự nguyện tận hiến cho nhau cách chọn vẹn và bền vững. Giáo hội không ngững nhắc nhớ đôi vợ chồng là hôn nhân của họ do Thiên Chúa thiết lập như một định chế duy nhât và vĩnh cửu. Định chế ấy lại được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích, nghĩa là nên dấu chỉ và khí cụ thông sơn, đồng thời bí tích ấy cũng là hình ảnh và sự tham dự tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội.
Vì vậy, anh chị em hãy quý trọng Bí tích Hôn phối. Hãy ý thức giá trị của nó trong sự hình thành và trong lịch sử gia đình của mình. Hãy nhìn và lãnh nhận Bí tích ấy trong tinh thần đức tin và trong sự tạ ơn, chứ không coi như một nghi thức để làm rạng mặt nở mày cho hai họ.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, thì người Công giáo chỉ thực sự thành vợ thành chồng sau khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối theo nghi thức của Giáo hội (số 128).




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log