Thứ năm, 23/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình - Tháng 6

Cập nhật lúc 15:41 29/05/2014
 
  CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
 
ĐỒNG HÀNH
 
 Tháng 6. 2014
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
 
Lời ngỏ

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Mùa Phục sinh sắp kết thúc với lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống chắc chắn là một nguồn sức mạnh củng cố chúng ta trong ơn gọi “sống thánh giữa đời.”
Hơn thế nữa, các buổi sinh hoạt Gia đình giáo xứ hàng tuần hay các buổi sinh hoạt được qui tụ theo cấp giáo hạt mà Cộng đoàn chúng ta vẫn duy trì thường xuyên trong thời gian vừa qua, chắc chắn đã làm cho mọi Khôi Bình viên được lớn lên thêm trong xác tín Chúa đã gọi mình vào đời vì một kế hoạch cao quý, đem lại hạnh phúc thật cho mình và cho tha nhân.
Qua các Huấn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô và Bề trên giáo phận Hưng Hóa, chúng ta thấy, hơn bao giờ hết, Giáo hội được thúc bách dấn thân cho Sứ vụ Loan báo Tin mừng, đem Chúa Giêsu đến cho thế giới như lúc này. Riêng đối với Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hóa, tôi xin nhắc lại 02 vấn đề mà chúng ta đã xác định với nhau trong cuộc họp định hướng dịp đầu năm và đã có quyết tâm thực hiện trong năm 2014 này:
Sứ vụ Loan báo Tin mừng: “Giáo hội nhận lãnh cùng một sứ vụ mà Đức Kitô lãnh nhận từ Chúa là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa. Sứ vụ này làm nên chính lý do hiện hữu của Giáo hội. Nhận thức đức tin này khiến Đại hội Dân Chúa nhấn mạnh rằng: Thay vì coi truyền giáo chỉ như một trong những hoạt động của Giáo hội, thì nay cần nhìn sứ mạng truyền giáo như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh đời sống Giáo hội. Do đó cần dành mọi nỗ lực và hoạt động, từ vật chất đến thiêng liêng và mục vụ cho mục tiêu này” (Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 31).
 
Mục vụ Gia đình: “Trước cuộc khủng hoảng gia đình hiện nay, Giáo hội nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng và nối kết những kế hoạch và chương trình mục vụ của giáo xứ, giáo phận” (Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa 2010, số 43).
Xin anh chị em dành 03 ưu tiên sau đây trong 06 tháng còn lại của năm 2014 này:
Hãy bắt đầu lại với Chúa Giêsu Kitô: Muốn đem Chúa Giêsu đến cho người khác, chúng ta cần phải có Chúa trong mình. Cũng như muốn cho người khác theo Chúa, chính mình phải đi theo Người. Không ai có thể cho thứ mình không có, và không ai có thể LÀM việc của Chúa, nếu mình chưa LÀ người của Chúa. Vậy trước tiên, mỗi Khôi Bình viên hãy bắt đầu nỗ lực hơn với cố gắng: Biết Chúa Giêsu, yêu mến và noi theo Chúa.
Hãy xây dựng gia đình mình thành Gia đình có Chúa: Chúng ta không theo Chúa một mình, nhưng với cả gia đình của mình. Vì thế nỗ lực đem Chúa Giêsu đến với các gia đình phải bắt đầu với chính gia đình của mình và Gia đình Khôi Bình mà mình là thành viên.
Hãy xây dựng Gia đình Khôi Bình giáo xứ thành một cộng đoàn làm chứng và đem Chúa Giêsu đến cho các gia đình khác trong giáo xứ, nhất là các gia đình trẻ, gia đình Tân tòng hoặc các gia đình có hôn nhân khác đạo.
Nguyện xin Chúa Giêsu Phục sinh, Đấng hằng hữu ở mãi với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế, trở nên sức mạnh của chúng ta trên con đường tiếp tục sứ vụ Chúa Cha đã giao phó cho Ngài, nay đã trở thành sứ vụ của chúng ta.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cv 2, 1-11; 1Cr 12, 3b-7. 12-13; Ga 20, 19-23
Nếu ai hỏi chúng ta con người khác con vật ở chỗ nào, chắc chắn chúng ta thấy ngay câu trả lời: con người khác con vật ở chỗ con người có lý trí, còn con vật thì không. Quả vậy nhờ có lý trí, con người ở địa vị hơn hẳn con vật. Con vật có thể có thân xác to hơn và mạnh mẽ hơn con người như loài voi, loài sư tử… Nhưng nhờ có lý trí, con người có thể chinh phục được tất cả. Con người không có cánh như chim, nhưng nhờ lý trí, con người có thể chế tạo máy bay, phi thuyền và có thể bay lên trời, tới các hành tinh khác. Con người không có vây như cá, nhưng nhờ lý trí, con người có thể chế tạo các tàu thủy, tàu ngầm và bơi lặn dưới nước… Nói tóm lại, nhờ lý trí, con người, tuy bên ngoài nhìn có vẻ nhỏ bé, yếu ớt, mà có thể làm chủ và cai quản vũ trụ.
Bây giờ chúng ta thử hỏi đâu là sự khác biệt giữa Chúa Kitô và con người, thì ta có thể nói sự khác biệt cơ bản nằm ở chỗ Đức Kitô là Đấng có Thần Khí, nghĩa là Chúa Thánh Thần, còn con người tự nhiên thì không. Đức Kitô là Đấng tràn đầy Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần là phần gia nghiệp riêng mà Chúa Cha ban cho Đức Kitô, và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đặt Đức Kitô ở địa vị là Con Một của Thiên Chúa; con người tự nhiên chỉ có sinh khí tự nhiên tạo nên đời sống tự nhiên, chứ không có thánh khí.
Ngôn sứ Isaia khi tiên báo thân thế của Đấng Mêsia thì nói: “Trên Ngài, Thần khí Giavê đậu xuống. Thần khí khôn ngoan và trí tuệ, Thần khí mưu lược và anh dũng, Thần khí hiểu biết và kính sợ Giavê” (Is (11,1-3). Thần khí, hay là Chúa Thánh Thần, là sự khôn ngoan, sức mạnh và tình yêu mà Chúa Cha hằng đổ xuống cho Chúa Kitô.
Các sách Tin mừng trình bày cho chúng ta thấy sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong suốt cuộc đời của Đức Kitô Con Thiên Chúa tại thế trần.n Đức Kitô đã xuống thế làm người nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (Lc 1, 35) trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Vì thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai trong lòng Đức Mẹ, Đức Giêsu đã là Đấng Thánh, là Con Đấng Tối Cao… Với quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu đi rao giảng Tin mừng (Lc 4,18), làm các phép lạ (Mt 12, 28) để giải phóng con người khỏi tác động tai hại của ma quỉ. Trong tình yêu của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã hiến dâng mình làm của lễ dâng hiến lên Chúa Cha.
Trong thời Cựu ước, nhiều lần Thiên Chúa đã cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ, để làm dấu hiệu là Thiên Chúa vui nhận của lễ ấy. Chẳng hạn, Thiên Chúa đã cho lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ của ông Môsê (Lc 9, 24), của lễ của ngôn sứ Êlia (1V 18, 38), của lễ của Salômon (2Sb 7,1). Trong thông điệp “Thánh Khí tác sinh”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gợi ý cho chúng ta là Chúa Thánh Thần chính là ngọn lửa tình yêu đã biến thân xác chịu khổ nạn của Đức Kitô thành của lễ thơm tho dâng lên Chúa Cha để đền tội cho loài người. Sau hết, thánh Phaolô khẳng định mạnh mẽ rằng chính là với sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà Chúa Cha đã phục sinh Đức Kitô (Rm 8,11). Chúng ta có thể nói: Đức Kitô là Đấng tràn đầy Thánh Thần. Đức Kitô sống nhờ Thánh Thần, hành động nhờ Thánh Thần. Thánh Thần là Sự Sống, là Khôn ngoan, là tình yêu mà Chúa Cha hằng đổ xuống cho Con của Người.
Phần chúng ta, theo bản tính tự nhiên, chúng ta không có Chúa Thánh Thần và không thể tiếp nhận Người. Nhưng Đức Kitô đã xuống thế làm người, mục đích là để thông ban cho chúng ta tước phẩm làm con Thiên Chúa. Cho nên Người đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần. Bài Tin mừng hôm nay kể lại sự kiện là sau khi sống lại, Đức Kitô đã hiện ra với các tông đồ, thổi hơi trên các ông rồi nói: “Hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai, thì tội họ được tha, anh em cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23). Từ giây phút đó, các tông đồ đã vâng lệnh Chúa Giêsu, đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng Đức Kitô đã sống lại, cử hành Bí tích Thánh tẩy để cho loài người được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và trở thành con cái của Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Con người không có Chúa Thánh Thần ở trong mình, thì chẳng hiểu gì về thế giới của Thiên Chúa cả, cũng như con vật, vì không có trí khôn, thì cũng chẳng hiểu gì về thế giới của loài người cả.
Hôm nay khi tưởng niệm lại việc Đức Giêsu phục sinh đã ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ, chúng ta hãy ý thức là chúng ta cũng đã được lãnh nhận ơn Thánh Thần nhờ Bí tích Thánh tẩy và các Bí tích khác. Nhờ ơn Thánh Thần, chúng ta chẳng những có sự sống tự nhiên, mà nhất là có sự sống siêu nhiên tức là địa vị làm con cái Thiên Chúa như Đức Kitô vậy.
Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì ơn huệ trọng đại mà Người đã ban cho chúng ta qua trung gian của Đức Kitô phục sinh… Và cũng như lý trí soi dẫn cuộc đời bình thường của con người, chúng ta cũng xin Chúa Thánh Thần, là khôn ngoan là sức mạnh và là tình yêu của Thiên Chúa, luôn luôn soi sáng, sưởi ấm, và củng cố tâm hồn chúng ta.
Một trong những dấu hiệu cụ thể và rõ ràng nhất về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần là tinh thần bác ái và phục vụ trong cộng đoàn. Trong bài đọc II (1Cr 12, 3b -7. 12-13) thánh Phaolô đã ví Giáo hội như thân mình của Đức Kitô, trong đó các chi thể yêu mến nhau và phục vụ nhau. Nếu chúng ta cố gắng thể hiện ra trong đời sống tinh thần yêu thương, tinh thần phục vụ lẫn nhau, thì chúng ta có thể tin chắc là chúng ta đang để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Đó là dấu hiệu chúng ta là con cái của Thiên Chúa chứ không phải của thế gian.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị có thấy Chúa Thánh Thần soi sáng và nâng đỡ anh chị trong cuộc sống hàng ngày hay không?  Ngài có hoạt động trong Gia đình Khôi Bình của bạn hay không?
  2. Trong thế giới hôm nay, thế giới gồm cỏ lùng và lúa, anh chị có thấy hoạt động âm thầm nhưng hiệu quả của Chúa Thánh Thần hay không?

 
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
http://giaophanhunghoa.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log