Nhằm đáp ứng phần nào về phương hướng mục vụ gia đình, Chương trình Thăng tiến Hôn nhân Gia đình VN (CTTTHNGĐ) đã mở khoá học cơ bản 567, từ ngày 6 đến 7.7.2013, tại giáo xứ Nhân Hoà, TGP TPHCM. Tham dự có khoảng 80 khoá sinh, là những cặp vợ chồng (song nguyền) và các anh chị em đi học riêng lẻ (đơn nguyền).
Cha Phêrô Chu Quang Minh, Tiến sĩ Tâm lý, dòng Tên, người sáng lập CTTTHNGĐ thế giới, trực tiếp hướng dẫn, cùng với sự cộng tác của cha Giuse Nguyễn Văn Quảng, CTTTHNGĐ Thế giới, dòng Tên, cha Phanxicô Asissi Lê Quang Đăng, Hạt trưởng giáo hạt Tân Sơn Nhì, Tổng Linh nguyền TGP TPHCM, và anh chị em Ban Điều hành CTTTHNGĐ VN.
7g30 khai mạc, cha Phanxicô Asissi chia sẻ: CTTTHNGĐ là mới ở VN, nhưng ở các nước Mỹ, Canada, Úc châu, Âu châu, Nhật rất thịnh hành, đây là hồng phúc cho Việt Nam chúng ta, đặc biệt là Tổng Giáo phận Sài Gòn. Gia đình là nền tảng, tế bào của xã hội và Giáo hội. Gia đình đạo đức, thánh thiện sẽ tạo Giáo hội, xã hội tốt. Các gia đình Công giáo hãy trung thành với lời thề hôn nhân của mình, sống yêu thương gần gũi không chỉ trích, đặt nền tảng là khiêm nhường biết nhận lỗi, sửa lỗi, tha lỗi cho nhau. Chúa đã chúc phúc và nâng đời sống gia đình lên hàng bí tích. Hôm nay, chúng ta tham dự khoá học để đời sống gia đình được tốt hơn. Chúc mừng khoá học thành công, xin Đức Maria, Thánh cả Giuse chúc lành cho khoá học.
Ban Điều hành giới thiệu chương trình, lịch sử, mục đích và điều kiện tham dự khoá, ý nghĩa của logo: Chương trình đã được ĐGH Gioan Phaolô II chúc lành và đặt bút ký vào huy hiệu, ĐHY GB Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục TGP Sài gòn, Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể, TGP Huế, ĐGM Giuse Châu Ngọc Chi, Giám mục GP Đà Nẵng, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Gia đình, trực thuộc Hội đồng Giám mục VN đã có văn thư công nhận là một đoàn thể Công giáo Tiến hành, chính thức hoạt động để giúp thăng tiến đời sống gia đình. Chương trình đã phát triển ra nhiều Giáo phận trong cả nước. Mục đích: “Thương yêu gần gũi bằng việc làm”, trên nền tảng “Khiêm nhường biết lỗi, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi, tha lỗi”. Chương trình lấy nền tảng Kinh Thánh cầu nguyện để thay đổi đời sống bằng cách đọc một đoạn ngắn, chọn một câu ngắn, lập đi lập lại nhiều lần (niệm).
Ngày thứ I:
1. Buổi sáng (7g30 - 11g30) chủ đề: “Cái hay ban đầu”
Cha Phêrô chia sẻ: Con người có khuynh hướng muốn làm chủ, vì ham tiền, nhưng tiền chỉ là phương tiện. Vợ chồng yêu nhau phải dành thì giờ cho nhau, yêu Chúa dành thì giờ cho Chúa. Con người dễ lẫn lộn tình yêu thương và mục đích. Cha khuyên: Hãy nói để cho người ta vui, không gây bực tức, sống thực tế, đừng mộng mơ, đừng đứng núi này trông núi nọ, không so sánh, có hoa dùng hoa, có nụ dùng nụ, nên một thân xác, giữ lại “Cái hay ban đầu”.
Sau đó, Chầu Thánh Thể, từng cặp song nguyền lên “xả cõi lòng” thành tâm, nhận lỗi, xin lỗi nhau và hứa sẽ sửa lỗi. Cầu nguyện: Xin Chúa cho con khiêm nhường xin lỗi thật lòng, trở về cái hay ban đầu. Có nhiều cặp vợ chồng xúc động, nói trong nước mắt.
2. Buổi chiều (13g30 - 17g00) chủ đề: “Giữa lòng đời, hòa giải”.
Cha Phanxicô chia sẻ theo đoạn Kinh Thánh Gioan (13,1-15): Chúa dạy các tông đồ hãy yêu thương nhau khiêm nhường và bác ái: “Thầy rửa chân, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”. Chúa yêu mình đến cùng, vợ chồng cũng phải yêu nhau đến cùng. Chúa luôn trung tín với lời Chúa hứa, còn chúng ta thì sao? Yếu đuối, được ơn Chúa thì yêu mến, không được ơn thì bỏ Chúa. Nhìn lại đời sống hôn nhân, ban đầu thì đẹp như mùa Xuân, dần chuyển sang mùa Thu, mùa Hạ rồi mùa Đông lạnh nhạt… Cha khuyên phải biết nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi cho nhau, làm những việc nhỏ nhặt thường ngày như quan tâm chăm sóc nhau, đó là cử chỉ yêu thương. Từ bỏ những điều xấu, dành những gì tốt cho nhau, xây dựng gia đình hoàn hảo, như gia đình Thánh Gia.
Dựa vào những kiến thức đã được cha dạy và kinh nghiệm sống, trợ nguyền Bình+ Lý lên diễn giải: “Vợ chồng khác biệt làm sao hoà hợp?” Vợ chồng khác nhau về tâm lý, hình dáng, cần có sự tôn trọng sẽ tạo hoà hợp, kiên nhẫn, bền chí. Lời nói phải chân thật, và cùng nắm tay nhau cầu nguyện. Song nguyền Khoái + Mận: chia sẻ “Cách biểu lộ hoà hợp” như: cám ơn, khen tặng, quà tặng.
- Cám ơn: Cám ơn người ngoài xem ra dễ, còn người trong gia đình thì khó cám ơn hoặc không cám ơn.
- Khen tặng: Nhận được lời khen chân thật, tự ái sẽ vơi đi.
- Quà tặng: Cần phải có sự chân tình.
Nghi thức sám hối: Từng cặp lên sám hối, tay đụng chạm vào Thánh giá Chúa và nói lên một điều làm mất vui trong gia đình. Một cặp cầu nguyện: Lạy Chúa, con chưa biết cám ơn và tặng quà cho vợ con, con rất ân hận.
Sau đó là Thánh lễ sám hối tại phòng học do 3 cha đồng tế.
Trong bài giảng, cha Giuse chia sẻ: Chúa Giêsu đã làm gương về tha thứ cho chúng ta. Khi ta làm lỗi với ai, xin lỗi người ấy rất khó. Nhưng Chúa muốn chúng ta phải xin lỗi người gây lỗi cho ta lại còn khó hơn nữa, tức là yêu kẻ thù. Để làm hoà như vậy, cần phải khiêm nhường là chịu nhục. Của lễ chúng ta dâng hôm nay là lời cầu nguyện tự phát. Xin dâng một điều gì, làm mất lòng vợ chồng, con cái trong gia đình và hàng xóm. Hứa sẽ về xin lỗi để làm Chúa vui, người vui, mình vui.
3. Buổi tối (19g00 - 21g00) “Yêu thương gần gũi bằng việc làm”.
Cha sáng lập: Yêu thương bằng việc ăn ở, quan hệ vợ chồng để tránh dâm ô. Yêu thương gần gũi chưa đủ, cần bằng việc làm nữa. Yêu thương cũng cần tìm hiểu ý thích của nhau, tạo sự thông cảm sẽ không là gánh nặng cho nhau. Cảm thông trong nhiều lãnh vực: trang trí, giáo dục, kinh tế, việc chăn gối.
Áp dụng nghệ thuật cảm thông trong lý trí là biết tìm hiểu, sáng kiến và thích ứng; trong tình cảm là có trái tim chân thật; trong tự do là tôn trọng việc riêng tư. Cảm thông và lắng nghe: Lắng nghe tiêu cực là không chú ý vào lời nói của người khác. Lắng nghe tích cực là hai người cùng lắng nghe ý kiến của nhau, thông cảm nhau.
Sau mỗi chia sẻ là Chầu Thánh Thể, xin Chúa ban ơn giúp sức thực hành lời cha dạy.
Chủ đề “Yêu thương gần gũi bằng việc làm” mang tính độc đáo của đời sống gia đình. Với sự trình bày khéo léo, tâm lý, thực tế, dễ hiểu, tính hài ước, cha sáng lập đã thu hút các khoá sinh lắng nghe, và có những trận cười giải toả căng thẳng.
Ngày thứ II:
4. Buổi sáng: “Song nguyền cùng con”
Con cái trong gia đình là bông hồng tươi đẹp dâng lên Chúa, cảm tạ Chúa.
Cha Giuse chia sẻ Tin Mừng: Chúa dạy ai thi hành 8 mối phúc sẽ được hưởng hạnh phúc cả đời này và đời sau. Nhìn lại xem gia đình chúng ta có phúc nhiều hay hoạ nhiều.“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” nhưng mới có mất vài ngàn thì la toáng lên. “Phúc cho ai bị bách hại vì danh Cha”, thường thì chúng ta đau khổ vì người khác, nhưng đây chúng ta lại đày đoạ người khác. Gương tốt thì lôi cuốn, gương xấu thì ảnh hưởng.
Phương pháp giáo dục con: 5 tiêu cực, 8 tích cực. Anh chị Bình + Lý trong Ban Điều hành chia sẻ kinh nghiệm:
Tiêu cực: không nuông chiều, phạt con, cãi nhau trước mặt con, chê bai chỉ trích nhau, bỏ bê con cái đi kiếm tiền.
Tích cực: nói nhẹ nhàng, không gắt gỏng, cho vài giải pháp cho con lựa chọn, không áp đặt, khích lệ, không chửi rủa, ra kỷ luật phân công, chỉ sửa phạt, bình tĩnh, không la mắng, tổ chức sinh hoạt gia đình để được bày tỏ, ra quyết định để cùng nhau thi hành, cầu nguyện.
Chầu Mình Thánh Chúa, mời tự nói “Song nguyền cho con”: các cặp lên nói một vài yếu đuối, hứa về xin lỗi con, xin lỗi người háng xóm.
5. Buổi chiều, chủ đề “Duy trì và phát triển sau khoá”.
Cha sáng lập hướng dẫn cách sinh hoạt để duy trì CTTTHNGĐ sau khoá học và công bố danh sách Ban Điều hành CTTTHNGĐ tạm thời của giáo xứ Nhân Hoà. Tiếp theo, các song nguyền chia sẻ cảm nghiệm sau 2 ngày học.
Một song nguyền rất trẻ chia sẻ: Vợ chồng chúng con sống với nhau được 2 con. Con sống trong sự kiêu căng, không cảm thông với vợ con, làm bầu khí gia đình lâu nay mất vui.Qua khoá học, vợ chồng khiêm nhường xin lỗi nhau; bây giờ, con cảm thấy hạnh phúc, con cám ơn cha, cám ơn chương trình.
Thánh lễ “Thệ hôn một đời”
Kết thúc khoá học là Thánh lễ tạ ơn vào lúc 17g30 tại nhà thờ Nhân Hoà. Cha Phanxicô Asissi Lê Quang Đăng chủ sự Thánh lễ. Đồng tế với ngài có cha sáng lập Phêrô Chu Quang Minh, Cha Giuse Nguyễn Văn Quảng. Tham dự có các khoá sinh và đông đảo giáo dân Nhân Hoà.
Trong Thánh lễ, các khoá sinh sẽ tuyên thệ lại lời thề năm xưa khi lãnh nhận bí tích Hôn Phối để cố gắng sống với lời thề ấy.
Trong bài giảng, dựa vài Tin Mừng của Thánh Luca, cha Giuse nói: Chúa đã tuyển chọn, huấn luyện và sai các tông đồ từng hai người một, ra đi rao giảng lời của Chúa, đem bình an của Chúa là tình yêu và hạnh phúc cho mọi người. Ngày nay, trong gia đình, song nguyền cũng giữ vai trò truyền giáo cho con, cho những người chung quanh, nhưng không phải dễ, bởi vì sống trong một xã hội đầy những bất công, tội lỗi lan tràn, chúng ta cần tin tưởng, phó thác, xin ơn Chúa giúp. “Thày sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bày sói”. Mục đích của gia đình là vợ chồng con cái, mang hạnh phúc cho nhau, nhưng điều gì đã làm cho các gia đình mất hạnh phúc, phải chăng đó là tiền bạc, danh vọng?
Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, cuộc sống trần gian sẽ qua đi, nhưng cái còn lại là hạnh phúc mai sau trên Trời. Nhưng hạnh phúc ấy lại bắt nguồn từ cuộc sống ở trần gian này.Sống trong Năm Đức Tin, chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc. Hội Đồng Giám Mục kêu gọi hãy Tân Phúc Âm hoá, để Lời Chúa thấm nhập, làm mới đời sống của mình và tái truyền lại cho con cháu và những người chung quanh.
Kết thúc Thánh lễ, quý cha, quý Ban Điều hành CTTTHNGĐ và các khoá sinh chụp hình lưu niệm ngày mãn khoá.