Từ khi nhậm chức đến bây giờ, Đức Phanxicô liên tục nói với các cha mẹ, ông bà, trẻ em. Đây là một vài lời khuyên đẹp nhất của ngài.
“Xin vui lòng”, “Cám ơn”, “Tha thứ”. Đó là những chữ giúp cho gia đình sống trong bầu khí bình an. Những chữ đơn giản nhưng không dễ để thực hiện! Nó bao gồm một sức mạnh lớn lao: sức mạnh bảo vệ tổ ấm gia đình dù phải qua muôn vàn thử thách và khó khăn. Nhưng nếu không có những chữ này thì gia đình sẽ có những nứt rạn có thể dẫn đến tan vỡ.
Chữ đầu tiên là “Xin vui lòng,” khi chúng ta nhẹ nhàng xin một chuyện, dù chúng ta nghĩ chuyện này là chuyện mình có quyền được, thì chúng ta đã bảo vệ được bầu khí cùng sống chung của vợ chồng và gia đình. (…) Dù chúng ta xem như đã biết nhau, nhưng đừng nghĩ một khi có là có mãi mãi.
Trước khi làm một cái gì trong gia đình, chúng ta cũng xin: “Xin vui lòng, tôi có thể?”. Ngôn ngữ lịch sự này đầy cả tình yêu và tạo nhiều điều tốt đẹp trong gia đình.
Một tín hữu không biết cám ơn là một tín hữu đã quên ngôn ngữ của Chúa.
Có một hôm, tôi nghe một người rất lớn tuổi, rất tốt, rất đơn sơ, rất khôn ngoan nhưng khôn ngoan của một tấm lòng mộ đạo, một tấm lòng yêu cuộc sống: “Lòng biết ơn chỉ lớn lên trong mãnh đất của những tâm hồn cao thượng”. Tấm lòng cao thượng này là ơn Chúa trong tâm hồn chúng ta, thúc đẩy chúng ta nói lên lời cám ơn, lên tâm tình tri ân.
“Tha thứ”. Đó là một chữ khó khăn nhưng lại rất cần thiết. Khi chữ này không được nói lên thì các rạn nứt nhỏ sẽ banh rộng ra (…).
Nhận biết mình sai lầm và muốn chuộc lại những gì đã bị lấy mất – lòng tôn kính, chân thành, tình yêu – là làm cho sự tha thứ thành chính đáng. (…) Nếu chúng ta không xin lỗi được, có nghĩa là chúng ta không biết tha thứ. (…) Bao nhiêu tổn thương tình cảm và rạn nứt trong gia đình bắt đầu vì không nói lên được chữ “tha thứ”.
Không thể nào tránh cãi vã trong đời sống vợ chồng nhưng tôi có một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà chưa làm hòa! (…) Và làm hòa như thế nào? Quỳ gối xuống? Không! Một cử chỉ nhỏ là đủ, chỉ một cử chỉ nhỏ, hòa khí trong gia đình sẽ trở lại (Buổi tiếp kiến chung 13 tháng 5-2015).
Chúa Giêsu được sinh ra trong một gia đình. Ngài có thể sinh ra là chiến binh, là hoàng đế… Không, Ngài xuống thế gian như một người con trong một gia đình.
Biết bao nhiêu người mẹ học được lòng quan tâm của Mẹ Maria cho Con của mình! Biết bao nhiêu người cha đã học từ Thánh Giuse, một người công chính, hiến cả cuộc đời mình để nâng đỡ và bảo vệ vợ con mình trong những lúc khó khăn! Và Chúa Giêsu ở tuổi vị thành niên đã khuyến khích các người tìm hiểu để thấy sự cần thiết và nét đẹp cần phải vun trồng cho ơn gọi sâu đậm hơn, ước mơ cao cả hơn!
Như Đức Mẹ và Thánh Giuse, mỗi gia đình đều có thể đón nhận Chúa Giêsu. Lắng nghe Ngài, nói chuyện với Ngài, cùng ở chung với Ngài, bảo vệ Ngài và lớn lên với Ngài; và như thế mới cải thiện được thế giới (…) Đó là sứ mệnh lớn lao của gia đình: dành một chỗ để Chúa Giêsu đến, đón nhận Chúa Giêsu vào gia đình để Ngài lớn lên về mặt thiêng liêng trong gia đình này (Buổi tiếp kiến chung 17-12-2014).
Các bà mẹ là chất khử độc mạnh nhất cho chủ nghĩa ích kỷ cá nhân. “Cá nhân” có nghĩa là “không chia được”. Ngược lại, các bà mẹ “chia sẻ” ngay khi họ đem đứa con ra chào đời và nuôi nó lớn lên. (…) Một xã hội không có các bà mẹ thì không phải là một xã hội của loài người vì, dù trong những giây phút đau buồn nhất, các bà mẹ cũng là chứng nhân của tấm lòng tận tâm, dịu dàng, chứng nhân của sức mạnh tinh thần. (…) Không có các bà mẹ, không những không có các tín hữu mới mà đức tin sẽ mất đi phần lớn sự nồng ấm đơn giản và sâu đậm (Buổi tiếp kiến chung 7 tháng 1-2015).