Thứ bảy, 23/11/2024

Đường hướng cộng đoàn Gia đình Chúa

Cập nhật lúc 09:21 15/01/2015

 

ĐƯỜNG HƯỚNG CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA

I. TỔNG QUÁT

Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA là một lối sống đạo và Loan Báo Tin Mừng theo từng nhóm nhỏ - được gọi là “Gia Đình” - như những Cộng đoàn Giáo hội cơ bản, nhưng có liên kết và thống nhất thành cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA với một linh đạo chung.

1. Nguồn gốc

- Từ bản chất Tình yêu Chúa Ba Ngôi.
- Từ gương mẫu Gia Đình THÁNH GIA.
- Từ lời Chúa: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em đã yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15:12).
- Từ lời mời gọi của Giáo hội: “Thiên Chúa là CHA chung muốn mọi người phải làm nên một gia đình và sống với nhau như anh em.” (Hcmv.HTTG#24).
- Dưới sự soi dẫn của Thánh Thần, một số Kitô hữu giáo dân Việt Nam, đã liên kết với nhau thành một Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA. Sống với nhau theo gương Cộng đoàn Tiên khởi (Cv 2:42-46)

2. Danh hiệu

Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA (còn gọi là Gia Đình  Thiêng Liêng)

3. Những người sáng lập

Một nhóm anh em giáo dân và anh Vinh Sơn Bùi Văn Minh (qua đời năm 1990), người xuất thân từ Tu hội Na-Gia, đã bắt đầu sinh hoạt với nhau từ trước năm 1975.

4. Được chính thức công nhận

- Ngày 11/12/2002, Đức Tổng Giám Mục GioanBaotixita Phạm Minh Mẫn giới thiệu trong Giáo phận Tp. HCM và các Đức Giám Mục.
- Ngày 12/12/2002 Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức công nhận Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA là một cộng đoàn Công Giáo nhằm thăng tiến các gia đình Kitô hữu.
- Ngày 30 tháng 12 năm 2011 Đức Giám Mục Giuse Châu Ngọc Tri Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giới thiệu Cộng đoàn Gia Đình Chúa đến Quý Cha  đặc trách Mục vụ Gia đình các Giáo phận.

5. Linh hướng Cộng đoàn Gia Đình Chúa Việt Nam

- Linh Mục Hilario Hoàng Đình Thiều
- Linh mục đồng hành:
*  Lm. Gioan Baotixita Hoàng Văn Minh
*  Lm. Giuse Nguyễn Minh Sơn
*  Lm. Antôn Phạm Khắc Liêm
*  Lm. Phêrô Vương Văn Tuyên
*  Lm. Vinh Sơn Ngô Văn Tất.
*  Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
*  Lm. Inhaxiô Bùi Sĩ Đức

6. Linh hướng cộng đoàn tại giáo phận Hưng Hóa

* Lm. Giuse Nguyễn Văn Ngoạn

II. TÔN CHỈ VÀ MỤC ĐÍCH

1. Tôn chỉ
“NÊN THÁNH QUA ƠN GỌI GIA ĐÌNH”
2. Mục đích
Liên kết các gia đình Kitô hữu thành những nhóm nhỏ, sống Tình GIA ĐÌNH CHÚA. Theo gương Cộng đoàn Tiên khởi (Cv 42-46) để thánh hóa bản thân và canh tân gia đình.

III. LINH ĐẠO

1. Linh đạo Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA

“SỐNG VÀ GIÚP NGƯỜI KHÁC SỐNG VỚI CHÚA LÀ CHA, VỚI NHAU VÀ VỚI MỌI NGƯỜI LÀ ANH CHỊ EM CON CHA TRÊN TRỜI, THEO TIN MỪNG CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ.”

2. Nền tảng

- Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.
- Công đồng Vatino II.
- Giáo huấn của Giáo Hội (Tông huấn Kitô hữu giáo dân; Tông huấn Đời sống gia đình của ĐGH. G.P. II).
   - Khuôn mẫu Thánh Gia Nazarette.

IV. LÝ TƯỞNG TÔNG ĐỒ

1. Hoạt động

- Cứ mỗi tuần hoặc 2 tuần, các nhóm nhỏ Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA họp nhau lại để lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ Đời sống ơn phước của mỗi thành viên. Hiệp thông ca ngợi chúc tụng ơn Chúa, giúp nhau sống Lời Chúa một cách triệt để hơn, nhất là thể hiện đức ái với nhau và với mọi người.
- Tổ chức tĩnh tâm cho các cặp vợ chồng, cho các giới: người cha, người mẹ, con cái…
- Tổ chức các lớp trau dồi nhân bản, nâng cao về giáo lý, học hỏi đào sâu Lời Chúa, cho các liên nhóm, theo vùng hay theo từng miền tùy theo nhu cầu từng địa phương.
- Tổ chức các khóa huấn luyện dành cho những anh chị em có thiện chí phục vụ và truyền giáo theo phương cách linh đạo GIA ĐÌNH CHÚA.

2. Công tác chính

- Xây dựng và phát triển Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA trên các Giáo phận, liên kết từ 10-12 hộ gia đình Kitô hữu (cặp vợ chồng) thành một Cộng đoàn GIA ĐÌNH CHÚA cơ bản.
- Con cháu của các anh chị em trong GIA ĐÌNH CHÚA cũng được kết thành các GIA ĐÌNH CHÚA trẻ.
- Những người có hoàn cảnh riêng cũng được liên kết, sống thành nhóm nhỏ như những Gia Đình Chúa, tự vươn lên và giúp nhau sống tâm tình con cái cùng một Cha.
- Cộng tác với Ban Mục vụ Gia Đình các Giáo phận,Giáo xứ giúp thăng tiến Hôn nhân Gia Đình.

3. Các hoạt động khác

- Tham gia mục vụ Tư Vấn Hôn nhân gia đình.
- Cộng tác với các Giáo xứ tổ chức lớp Giáo lý Hôn nhân và Giáo lý Dự tòng.
- Giúp huấn luyện Hội Đồng Giáo Xứ thành một gia đình yêu thương phục vụ theo tinh thần Cộng đoàn Kitô hữu Tiên khởi (Cv 42-46).

V. ĐƯỜNG HƯỚNG CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA

10 ĐIỀU CĂN BẢN

1-  Cộng đoàn Gia Đình Chúa là một lối sống Đạo và truyền Đạo một con đường thánh hóa bản thân, Gia Đình và xã hội theo một chiều hướng mới là thực hiện Lý Tưởng Gia Đình, dựa trên một học thuyết tạm gọi là Học thuyết Gia Đình. (Xem phần Gia thuyết)
2- Cộng đoàn Gia Đình Chúa không phải là một tổ chức, một đoàn thể, bởi vì:
- Không có nội quy (bản kỷ cương này chẳng qua chỉ là những hướng dẫn sống Đạo, chứ không phải là những quy luật. Luật, nếu có là luật Chúa và luật Giáo hội) không phải làm thêm một luật nào khác.
- Không có Chủ tịch.
- Không có Thư ký, Thủ quỹ, không có huy hiệu...
- Không phải đóng nguyệt liễm.
3. Trong Cộng đoàn Gia Đình Chúa, cứ ai lớn tuổi hơn thì làm anh chị Cả, Hai, Ba... nhỏ nhất là Út v.v... không kể trình độ văn hóa, đạo đức.
Anh Chị Em trong Gia Đình Chúa thường xuyên minh xác với nhau, với Chúa một vài lời nguyện ước, đoan hứa quyết tâm ra sức học tập và làm theo qua kinh Gia Đình, đó là bản tóm lược vừa tổng quát, vừa cụ thể toàn bộ đường lối lý tưởng sống đạo của Gia Đình Chúa theo tinh thần phúc âm Chúa Kitô (xem phần Gia nguyện).
4- Cộng đoàn Gia Đình Chúa là một nhóm, bắt đầu từ một số ít người nắm tay liên kết với nhau thành một Gia Đình, quyết tâm triệt để sống giới luật yêu thương, yêu Chúa là Cha, yêu nhau như anh chị em ruột thịt, đáp lại tiếng gọi của hơn 2000 đại diện Chúa khắp năm châu trong Công đồng Vatican II: “Thiên Chúa là Cha chung, muốn mọi người phải làm nên một Gia Đình và sống với nhau như anh em”.(HC/MV HTTGNN #24)
5- Khi chịu phép rửa tội, được làm con Chúa, chúng ta đã long trọng tuyên hứa bỏ ma quỷ, bỏ cách thức suy nghĩ, yêu ghét và hành động theo đường lối ma quỷ và xác thịt thế gian, cởi bỏ con người cũ, sống một đời sống mới trong nước Chúa. Nhưng năm tháng trôi qua, khi ít khi nhiều xao lãng Chúa, xa lìa Chúa khi ta sống xa lạ, lạnh lùng thiếu tình thương anh em. Có lúc sống lây lất, sống mà như chết, vì Kinh thánh dạy rằng: “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta thương yêu anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. (I Ga 3:14)
6- Vào Cộng đoàn Gia Đình Chúa là chúng ta đứng dậy, sống lại một lần nữa, long trọng tuyên hứa một cách có ý thức và quyết tâm cao hơn, làm theo lời thánh Tông đồ: “Đức Kitô đã sống lại trong kẻ chết thế nào, chúng ta phải bước đi trong cuộc đời mới như thế.”

Chúng ta quyết tâm sống mạnh

- Sống một đời sống mới, đời sống Tình Yêu.
- Học nói một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ của Tình Yêu.
- Theo một lề luật mới, luật lệ của tình yêu “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau như thầy đã yêu thương anh em.”(Ga 13:34)
7- Cộng đoàn Gia Đình Chúa không chỉ liên kết cá nhân với cá nhân - nhưng là liên kết tất cả mọi phần tử trong Gia Đình ruột thịt này với toàn thể Gia Đình khác, tuy rằng lúc bắt đầu có thể mới là các bác gái hoặc / và các bác trai.
8. Cộng đoàn Gia Đình muốn tập trung ý chí hành động vào việc gia tăng và làm nổi bật Tình Gia Đình Chúa hay:
- Lòng mến Chúa là Cha tức là chữ HIẾU với Cha.
- Tình thương yêu anh em tức là chữ ĐỄ với Anh Em.
-  Đối với Cộng đoàn Gia Đình, bất kể việc gì, dù đọc kinh xem lễ hay liên hoan, cái gì làm gia tăng tình Chúa hơn, cái gì có lợi cho lý tưởng Gia Đình hơn - thì tốt hơn.
-  Cộng đoàn Gia Đình Chúa lấy tình Gia Đình làm thước đo giá trị mọi sự.
9- Không nên biến Cộng đoàn Gia Đình thành một đoàn thể, thành hội đọc kinh, tuy rằng trong Cộng đoàn Gia Đình cũng có đọc kinh v.v... Nhưng mục đích Gia Đình không phải để làm những việc đó. Mục đích Cộng đoàn Gia Đình Chúa là để làm tròn chữ HIẾU với Cha trời, tròn chữ ĐỄ với Anh Chị Em dưới đất, còn mọi chuyện khác đều là phương tiện phụ thuộc.
10- Cộng đoàn Gia Đình khuyến khích con cái mình tích cực tham gia vào mọi sinh hoạt tốt trong họ đạo, Gia Đình sẽ góp ý yểm trợ để mỗi người hoàn thành tốt các sinh hoạt trong họ đạo cũng như ngoài đời. Tuy nhiên, không nên lấy danh nghĩa Cộng đoàn Gia Đình để làm. Chẳng hạn lấy danh nghĩa Gia Đình Chúa để nhận hoặc đòi hỏi một giờ Chầu, một việc đạo đức sùng kính, thực hiện một công tác trong họ, trong làng xã...

CHỦ TRƯƠNG

11- Để bảo vệ và phát triển Cộng đoàn Gia Đình, Gia Đình đòi hỏi các phần tử triệt để:
- Có tinh thần tự do vô điều kiện.
- Không ai được để lòng giận ghét người khác (vi phạm điều này là tự rút ra khỏi Cộng đoàn Gia Đình)

TINH THẦN TỰ DO VÔ ĐIỀU KIỆN

12. Gia Đình kiên quyết khai trừ những gì bóp nghẹt tự do, cản trở tình Gia Đình. Gia Đình là “vùng giải phóng đầy tự do”.
- Mọi người phải được hoàn toàn tự do sống hạnh phúc trong Gia Đình. Không nên đem các cổ hủ tục, lệ của thói đời, thế gian ma quỷ vào Gia Đình.
- Gia Đình Chúa là Nước Chúa, là thế giới mới của những con người mới, con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô dạy: “Đừng khuôn rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần “ (Rm 12:2).
- Không nên nói: “Lẽ ra phải thế này, lý ra phải thế kia”. Chúng ta chỉ có một lý lẽ là lý lẽ của trái tim, hơn nữa của chính trái tim Chúa Giêsu”.
13- Tinh thần tự do vô điều kiện là một đặc điểm quan trọng của Cộng đoàn Gia Đình Chúa:
- Giúp đỡ vô điều kiện: không cần mong tìm kiếm ân nghĩa, danh lợi... làm việc không mong đền đáp trả ơn dưới bất cứ hình thức nào... làm ơn xong rồi quên luôn.…
- Vì đã làm cho Chúa, Chúa đã trả công thanh toán cho ta rồi. Anh Chị Em không còn mắc nợ ta gì hết.
* “Nếu các ngươi cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ơn với nghĩa?” (Lc 6:34)
* “Còn anh, khi bố thí đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để viêc bố thí được kín đáo, và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” (Mt 6:3-4)
- Từ đó Cộng đoàn Gia Đình không làm gì thành lệ, thành luật: đám cưới, đám tang,... Gia Đình muốn làm thế nào tùy từng trường hợp, cụ thể, không làm gì thì thôi, không ai được có mảy may ý nghĩ đòi hỏi so sánh, suy bì phàn nàn gì với bất cứ trường hợp nào.
- Gia chủ muốn mời ai, mời cách nào... hoặc không mời, luôn luôn được tự do tùy ý.
-  Mỗi người trong Cộng đoàn Gia Đình ai muốn tham dự cách nào theo ý của gia chủ hoặc không tham dự giúp đỡ gì cũng vẫn được hoàn toàn tự do. Không tự do là không yêu, không yêu thì chớ làm. Hễ làm phải được thoải mái tự do vui vẻ. Ai phàn nàn vì đã làm việc nọ việc kia là chưa hiểu đường lối và thiếu tình Gia Đình.
14- Tự do vô điều kiện không có nghĩa là điều gì thích làm thì làm, không thích thì không làm.
-   Tình Gia Đình đòi hỏi là làm những điều tốt, những điều có lợi cho tình Gia Đình chứ không phải chỉ làm những điều ta thích.
-   Tự do vô điều kiện mới là một điều cần, nhưng chưa đủ. Nó như khí trời cần cho lửa cháy, nhưng chỉ có Khí trời chưa đủ cho Lửa cháy. Muốn có ngọn Lửa tình yêu cháy mạnh, cháy luôn, muốn được hưởng Ánh sáng Hạnh phúc từ ngọn Lửa tình yêu phát ra, mỗi người cần thường xuyên đổ thêm dầu Hy sinh vào Cây đèn Gia Đình. Dĩ nhiên hy sinh cách nào, thì được tự do vô điều kiện.
-         Bao lâu còn sống trên đời, muốn thương yêu thì dứt khoát phải có hy sinh. Nói thương yêu mà không hy sinh thì đó chỉ là nói suông, ảo tưởng, viễn vông, vô nghĩa. Ngọn lửa đèn cần dầu bấc thế nào, Tình yêu cần Hy sinh nuôi dưỡng như thế.
-         Khi mọi người đều lo đổ dầu Hy sinh, đồng thời tạo cho được bầu khí tự do vô điều kiện, thì chắc chắn Cây đèn Gia Đình sẽ có ngọn lửa Tình yêu cháy mạnh, cháy sáng luôn sẽ chiếu tỏa Ánh sáng Hạnh phúc Nước Trời ngay từ bây giờ.
-         Mỗi Người nên năng tự hỏi: “Tôi đã làm gì cho Anh Chị Em, cho Gia Đình?”, chứ không nên hỏi: “Gia Đình và Anh Chị Em đã làm gì cho tôi?”.
- Hãy lo đổ dầu Hy sinh vào, chứ đừng lo lấy dầu ra (xem kinh Hòa Bình).
15. - Cộng đoàn Gia Đình Chúa không đòi hỏi một cá nhân hay tập thể nhóm đọc thêm kinh hay một việc đạo đức.
Mọi người được tự do sống đạo theo lương tâm, khả năng, ý muốn của mình vì thế đừng ai đòi buộc lẫn nhau. Nhưng khuyến khích nên đào sâu học hỏi tinh thần phụng vụ của Hội Thánh. Để mỗi lần tham dự bí tích, phụng vụ giúp ta gia tăng lòng mến Chúa hơn, yêu anh em nhiều hơn.

THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN

16. Cộng đoàn Gia Đình đòi hỏi phải tha thứ vô điều kiện, tha thứ không cần người nhận lỗi xin lỗi: không cần biết hữu ý hay vô tình, không cần biết ai phải ai trái...
*“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:23-24)
Phải tha thứ trong lòng, và tìm cách làm hoà với người Anh Em  mình bất kể lỗi về phía nào.
Cộng đoàn Gia Đình đòi hỏi gắt gao điểm này:
Tha thứ, làm hoà đã: không cần trình bày phải trái hơn thiệt, ai phải ai trái chưa cần biết, phải vui vẻ với nhau, trở lại thương nhau như chưa bao giờ làm lỗi với nhau. Rồi một thời gian sau sẽ phân giải nếu có lợi và cần thiết, không cần rút kinh nghiệm thì cho qua luôn.
Gia Đình là tình thương yêu, ai không ở trong tình thương thì không ở trong Gia Đình, thương yêu là tha thứ, không tha thứ là không thương yêu.
Chấp Nhận Thương Yêu Tha Thứ Đùm Bọc Lẫn Nhau.
17 - Cộng đoàn Gia Đình không đòi hỏi các người vào Gia Đình phải là tốt lành, nhưng đòi hỏi sự quyết tâm chấp nhận thương yêu tha thứ đùm bọc lẫn nhau.
Một người dù lỗi nặng mấy, dù công khai đi chăng nữa, Gia Đình vẫn cứ thương, vẫn cứ kể là người trong Gia Đình, vì:
*“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13; Lc 5:32).
*“Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta.” (1 Ga 1:8)
*“Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông.” (Mt 21:31)
Gia Đình là đạo “Đạo là châu báu của người lành, là nơi nương tựa của người chẳng lành” (Lão Tử).

 Gia Đình làm Trạng Sư Bào Chữa

18. Một người nào đó bị tất cả thế giới lên án ruồng rẫy hất hủi,thì Cộng đoàn Gia Đình vẫn giang tay đón nhận đùm bọc. Dĩ nhiên với điều kiện người đó vẫn còn muốn thuộc về Gia Đình (không buồn giận một ai trong Gia Đình).
- Gia Đình Chúa làm trạng sư bào chữa cho anh em,
- Bắt chước Chúa: “Đấng gánh tội trần gian”
*“Chính Đức Giêsu Kitô là Của Lễ đền tội cho chúng ta không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2:2)
*”Đấng đến “để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Mt 20:28)
Đồng thời bắt chước Đức Mẹ:
- Đấng “Hằng Cứu giúp”
“Bầu chữa kẻ có tội”
Chúng ta long trọng hạ quyết tâm trong Kinh Gia Đình:
- Quyết tâm luôn làm trạng sư cho nhau bằng cách nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho nhau.
- Gia Đình Chúa bầu chữa cho con cái, bầu chữa không nổi thì xin khoan hồng, xin khoan hồng không được sẽ đền tội thay.
- Gia Đình sẵn sàng chịu nhục, bị mất danh dự để bảo vệ con cái mình, theo gương Chúa: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức KiTô” (Gl 6:2)
- Chẳng những bầu chữa cho nhau trong lời nói, mà còn từ trong tư tưởng, ý nghĩ nữa.
Một ví dụ nhỏ:
Có một anh chị em đến trễ hoặc vắng mặt, mọi người có mặt suy nghĩ tìm mọi cách để bào chữa cho anh chị em ngay trong tư tưởng của mình và với chính mình: “Nào: có thể đau, xe hư, khó đón xe, chưa được thông báo rõ, bận quá, hay quên, chưa hiểu rõ... hiểu lầm... cùng nữa là ít ơn Chúa”. Chớ có ai tỏ vẻ nóng lòng sốt ruột, khó chịu ngược lại phải có tâm tình cảm thông, thương cảm, tội nghiệp và cầu nguyện ngay trong lòng: “Chắc lúc này anh chị em đó muốn tới lắm đấy, mà không đến được... chờ một ít phút rồi bắt đầu sinh hoạt vui vẻ, và đừng cho đó là mất thời giờ”. Lần sau những người có mặt cũng không được tỏ một chút gì trách móc người trễ, kẻ vắng.
Người trễ, vắng cũng không phải nghĩ ngợi, lo lắng phân bua xin lỗi gì. Nếu quả mình có lỗi, hãy tự nhận trước mặt Chúa, quyết tâm sửa chữa. Nếu có hỏi có nói đến lý do chẳng qua là để thông cảm, chia sẻ khó khăn của anh chị em, chứ không phải để trách móc hoặc để bào chữa xin lỗi.
Nếu nhiều lần vắng, trễ... là giấu hiệu nên đổi lại giờ, ngày, nơi... hoặc cách thức sinh hoạt.
Nếu cần, mỗi người hãy đổ lỗi cho chính mình, cho hoàn cảnh, cho sự việc, chớ có bao giờ dại dột đổ lỗi cho Anh Chị Em.
Chấp Nhận Giới Hạn Và Khuyết Điểm của Anh Em

19. Chấp nhận giới hạn và khuyết điểm của Anh Em. Để giúp Anh Em tiến bộ là biết sống thương yêu. Mục đích của Cộng đoàn Gia Đình cũng không phải để sửa lỗi tập đức, nhưng là để thương yêu nhau, và vì thương yêu nhau muốn trở thành niềm vui cho nhau, nên mỗi người ra sức làm cho mình mỗi ngày tốt hơn, dễ thương hơn.

Sửa Lỗi Tập Đức Chỉ Là Phương Tiện

20. Sửa lỗi tập đức chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Chính vì thế, thấy anh chị em nào bề ngoài có sai lỗi khuyết điểm, ta đừng nên nóng vội vàng khuyên bảo đòi sửa chữa, nhưng vui vẻ chờ đợi:
- Trước hãy làm tốt hơn điều mà người đó thiếu sót.
- Cầu nguyện cho anh chị em đó nhiều hơn, không phê bình góp ý chung. Đồng thời bàn thảo riêng với một vài người khôn ngoan, nhân đức trong Gia Đình, tìm cách nào tốt nhất sửa chữa. Sửa lỗi có khác chi giải phẩu chữa bệnh. Không phải ai cũng có thể giải phẫu hoặc cho uống thuốc được. Nên nhớ rằng dù Anh Chị Em đã nhận ra lỗi, họ cũng cần có thêm ơn Chúa và thời gian, chứ không dễ gì một sớm một chiều sửa đổi được. Ai khó chịu nôn nóng đòi hỏi Anh Chị Em sửa chữa khuyết điểm gấp, cần cẩn thận kẻo mất ân sủng của Thiên Chúa, để rồi chính mình có thể sẽ bị rơi vào một tội cùng loại trầm trọng hơn cho hết đường kiêu ngạo. Chúa thương yêu người có tội, nhưng chống trả, tru diệt kẻ kiêu ngạo.
*“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cây xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi mới thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.” (Mt 7:3-5)
“Lỗi lầm nặng nhất của ta là bận tâm đến lỗi lầm của kẻ khác” (Kahlil Gilbran)

Cấm Xét Đoán, Cấm Làm Quan Tòa

21. Cộng đoàn Gia Đình Chúa hết sức lưu tâm tới điểm quan trọng mà Kinh Thánh gắt gao cấm đó là cấm xét đoán, cấm làm quan tòa.
* “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.” (Mt 7: 1-2)
* “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2:1)
* “Chỉ có một Đấng ra lề luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận” (Gc 4: 12)
* “Bạn là ai mà đi xét đoán người nhà của kẻ khác? Nó đứng hay nó ngã đó là việc của chủ nó. Nhưng nó sẽ đứng, vì Chúa có khả năng làm cho nó đứng... Thế mà bạn sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em ?”(Rm 14: 4-10)
Công đồng Vatican 2 nói: “Chỉ có Thiên Chúa mới xét đoán và dò thấu mọi đáy lòng, cho nên Thiên Chúa cấm chúng ta không được xét đoán tội trạng bên trong của bất cứ ai.” (HT/TGNN #28.CĐ Vat.2)

LƯU Ý QUAN TRỌNG

Buồn Giận Anh Chị Em là Tự Rút Ra Khỏi Gia Đình

22- Đối với Cộng đoàn Gia Đình, buồn giận Anh Chị Em là tự rút ra khỏi Gia Đình
*“Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:15)
*“Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11:26)
*“ Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18: 35)
*“Ta không nói với các ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18: 22)

THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG

Trở Nên Niềm Vui Cho Người Khác

23- Trước khi tham gia Cộng đoàn Gia Đình Chúa, ta có thể tìm hiểu xem nếp sống Gia Đình Chúa có thể đem lại lợi ích gì cho ta không? Nhưng sau khi đã vào Gia Đình rồi mà ta còn đòi hỏi người khác phải làm thế này, thế nọ cho ta thì không đúng. Cũng như khi lấy vợ lấy chồng, ta cần tìm hiểu xem bạn ta có điều kiện, có thể giúp ta sống hạnh phúc không. Nhưng khi đã thành vợ chồng, nên một gia đình, ta không nên đòi hỏi nữa mà nên cống hiến. Ai có cảm tưởng mình bị bỏ rơi, thấy khó chịu với anh em nhiều nhất, thì chính họ là người đã lơ là thiếu bổn phận, bỏ rơi và đã làm anh chị em khó chịu nhiều nhất. Chính người đó là người đòi hỏi nhiều nhất. Người đòi hỏi nhiều nhất là người yêu ít nhất, thậm chí có thể là người không còn biết yêu hay đã chết, đã hết lửa sống của Chúa.
*“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống là vì chúng ta thương yêu anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết.” (1Ga 3:14)
24- Nghĩ tới người khác: luôn ra sức trở nên niềm vui cho người khác, là đặc điểm lớn của tinh thần Gia Đình Chúa (xem Gia đạo).
- Biết nghĩ tới người khác là biểu hiện của một người có lòng bác ái lớn lao đích thực, dù người đó quê mùa dốt nát thế nào đi chăng nữa, thì đó chính là người trưởng thành về nhân bản.
- Ngược lại, không biết nghĩ đến người khác là biểu hiện của người thiếu lòng nhân ái. Dù cho người đó học rộng, hiểu sâu, có danh vị nào đi chăng nữa, thì họ cũng chưa phải là người trưởng thành về nhân bản.
- Khi hiện diện ở một đám đông nào bấy kỳ, với tinh thần làm chủ cao độ, ta lo tiếp đón phục vụ, tìm mọi cách làm vui lòng người khác, chứ đừng thụ động để được phục vụ.
- Đó là biết nghĩ tới người khác.
25 - Nhà ai có đám có việc, mọi người nên chú ý: đây là một dịp may hiếm có, nên tìm mọi cách lợi dụng để biểu lộ và gia tăng tình Gia Đình. Gia chủ nên nhớ coi anh chị em trong Gia Đình Chúa là người nhà, cứ thành thật cởi mở đem ra bàn hỏi chung riêng, có khó khăn, thuận lợi gì, muốn tổ chức giúp đỡ tinh thần vật chất ra sao cứ ngỏ ý, và đừng e ngại mặc cảm, tự ti tự tôn gì, giữ kẽ, đừng coi, đừng mời Gia Đình như một người khách lạ.
-   Với tinh thần Cộng đoàn Gia ĐìnhTự do vô điều kiện, Gia Đình Chúa dĩ nhiên sẵn sàng góp ý, yểm trợ giúp đỡ tùy theo hoàn cảnh và khả năng từng người, trong sự kính trọng ý kiến quyết định của gia chủ cũng như của họ hàng ruột thịt gia chủ tối đa.
-   Cần tâm niệm rằng chúng ta tới để phục vụ hầu hạ cầu nguyện, đem vui tươi hạnh phúc cho gia đình họ hàng nhà đám chứ không phải để được phục vụ, cũng không phải đến để khoe tài tổ chức, biểu dương lực lượng, quảng cáo Gia Đình.
26- Mỗi khi có dịp cưới xin, ma chay, lễ Bổn mạng chung riêng, Giáng sinh, ngày Giỗ, lễ Thánh Tổ, ngày Tết... nên làm theo tinh thần Giáo hội, theo Công đồng Vatican II.
- Phù hợp với truyền thống mỹ tục Việt Nam
- Với tinh thần tự do vô điều kiện.
- Để củng cố và gia tăng tình Gia Đình Chúa trước mắt và lâu dài.
- Nên tránh rình rang tốn kém, phải nghĩ đến chuyện về lâu về dài, với tinh thần siêu nhiên, kính tôn mọi người và hết sức khiêm tốn.
27- Nên dùng những việc Cộng đoàn Gia Đình cổ võ, khuyến khích để mừng lễ, cầu ngyện cho nhau hơn là đọc thêm kinh... hay làm những việc đạo đức khác. Sau đây là một số việc Cộng đoàn Gia Đình khuyến khích và cổ võ:
- Học tập tìm hiểu về tinh thần sâu xa của mỗi dịp lễ.
- Học tập, đọc và làm theo từng điều trong kinh Lạy Cha, kinh Gia Đình, kinh Hòa Bình
- Thực hiện Gia đạo (tinh thần Gia Đình)
- Thể hiện Gia nghĩa (ý nghĩa Gia Đình)

Cụ thể hơn:

- Làm tốt bổn phận trong gia đình và xã hội.
- Vâng lời cha mẹ, ôn hòa với con cái.
- Tìm dịp, tìm cách giúp đỡ, làm vui lòng người khác.
- Với lòng biết ơn, vui vẻ đón nhận Thánh Ý Chúa qua những biến cố thăng trầm của cuộc đời.

28- Các buổi tĩnh tâm, lễ lớn cần đến tài chánh... không nên bổ bán đóng góp... Ai có khả năng yểm trợ bao nhiêu tùy lòng. Ai không có cũng không nên nghĩ ngợi gì cả. Có nhiều làm nhiều có ít làm ít, chưa có đủ thì chưa làm...
Anh Chị Em nào được Chúa ban cho có thiện chí có khả năng về tài chánh, nên sung sướng tự động tăng thêm phần yểm trợ của mình. Gấp hai ba hoặc là thêm một chút nào đó để bù cho người có ít hoặc không có. Nên nhớ rằng đồng tiền bỏ ra xây dựng Gia Đình Chúa là đồng tiền quý hóa và có ý nghĩa tồn tại, bởi nó đã đóng góp xây dựng tình yêu thương, tình Gia Đình.

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

29- Thành lập một Gia Đình Chúa: khoảng mười đến mười hai gia đình ruột thịt liên kết với nhau thành một Gia Đình Chúa. Có thể bắt đầu từ sự liên kết của một hoặc hai người (bác trai, bác gái) trong gia đình ruột thịt.
- Để chuẩn bị cho ngày chính thức nhận nhau làm Anh Chị Em, thành một Gia Đình Chúa, các bác cần phải làm xong mấy điều kiện sau đây (khi bắt đầu hình thành Gia Đình là đã nêu ra những điều kiện này):
- Thăm viếng gia đình nhau hết lượt ít nhất một lần.
- Gặp gỡ chung ba bốn lần, mỗi lần một vài giờ để chia sẻ và thông cảm, học tập tìm hiểu về nếp sống Gia Đình Chúa.
- Mỗi người đều thấy mình chấp nhận, ưng thuận toàn thể và từng người trong Gia Đình Chúa đang thành hình này.
- Làm cho mọi người trong gia đình ruột thịt ưng thuận, có thiện cảm với tất cả Anh Chị Em trong Gia Đình Chúa, ít ra không chống đối việc mình vào Gia Đình.
- Thuộc lòng kinh Gia Đình (ít ra đọc chung thuộc).
Sau khi mọi người hoàn tất những điều trên, sẽ ấn định nơi chỗ tĩnh tâm chung với nhau một ngày, do đại diện Gia Đình Vị Tha hướng dẫn, dưới một hình thức mới mẻ.
30- Sau khi đã chính thức nhận nhau và gia đình của nhau thành Anh Chị Em nên một Gia Đình Chúa rồi, thì:
- Mãi mãi là Anh Chị Em với nhau.
+  Dù người đó tội lớn công khai cũng vậy. (Xem số 11, 12, 13)
+ Dù người đó ít hoặc không tham gia đọc kinh, sinh hoạt chung,... Cộng đoàn Gia Đình vẫn kể là người trong Gia Đình, mọi người lo cầu nguyện, thăm viếng giúp đỡ nhiều hơn nữa, càng cần tìm hiểu thông cảm kính yêu một cách tế nhị hơn.
- Ngoại trừ trường hợp:
+ Người đó nói ra hoặc tỏ thái độ rõ ràng không muốn tham gia Gia Đình nữa.
+ Để lòng buồn giận, không chịu tha thứ vô điều kiện cho một Anh Chị Em nào đó trong Gia Đình.
- Không nên nhận thêm người mới vào trong Gia Đình, trừ trường hợp đặc biệt cần được sự đồng ý của tất cả Anh Chị Em (ai trong Gia Đình cũng có quyền phủ quyết), đồng thời có sự chấp thuận của Gia Đình, Từ Bi, Vị Tha. Thường nên khuyên người đó chờ vào Gia Đình mới
31- Cộng đoàn Gia Đình có đề ra một số bài tập luyện để thực hành làm gia tăng tình Gia Đình và dĩ nhiên muốn làm được những bài tập này, cần khá nhiều hy sinh
-Tổng quát: ra sức làm theo từng điều trong Gia nghĩa, Gia đạo và Gia nguyện (xem số 17)
- Năng lui tới thăm viếng gia đình nhau, để tìm hiểu thông cảm tâm tư nguyện vọng của nhau và của gia đình mỗi Anh Chị Em ngày càng nhiều hơn.
- Ra sức thực hành, làm theo những điều đã học hỏi, những bài tập đã đề ra trong các buổi cầu nguyện, tĩnh tâm...
- Siêng năng cầu nguyện, học tập, sống đường lối, lý tưởng Gia Đình Chúa, qua các buổi đọc kinh, nhất là trong các buổi tĩnh tâm ba bốn tháng một lần).
32- Một Gia Đình mới chào đời, bước đầu nên củng cố và gia tăng tình thân thiện thương yêu nhau trong Gia Đình của mình, chưa nên vội mở rộng. Sau này, khi tình Gia Đình Chúa đã lớn mạnh sẽ mở rộng lòng mình… (hãy lo tập bơi lội trong hồ nhỏ, bơi giỏi rồi sẽ bơi ra biển cả mênh mông).
33- Khi có một Gia Đình mới thì mọi người trong các Gia Đình cũ vui mừng cầu nguyện và tìm hết cách để thông cảm, khích lệ quý mến từng người trong Gia Đình mới như các anh chị lớn trong gia đình ruột thịt thương yêu em út vậy.
34- Mỗi Gia Đình Chúa đều được một hoặc hai anh (chị) trong Gia Đình Từ Bi, Vị Tha hầu hạ giúp đỡ hướng dẫn. Mọi sinh hoạt của Gia Đình cần bàn hỏi thảo luận để đồng tâm nhất trí với nhau và với đường lối, lý tưởng Gia Đình.
35- Cá nhân với cá nhân kính trọng quý mến lẫn nhau như thế nào, thì tình thương yêu giữa các Gia Đình Chúa với nhau cũng phải thể hiện theo tinh thần đó. Kinh Gia Đình chẳng những được áp dụng giữa những Anh Chị Em trong cùng một Gia Đình nhưng còn được thể hiện giữa các Gia Đình với nhau... để rồi lan rộng dần ra ngoài nữa.

Sinh hoạt theo cộng đoàn nhỏ

36- Sau buổi tĩnh tâm chính thức nhận nhau và gia đình của nhau làm Anh Chị Em thành một Gia Đình Chúa. Buổi đầu, sẽ có các bài thực hành thể hiện tình Gia Đình để luyện tập sống nếp sống mới trong 3, 4 tháng
37- Mỗi Gia Đình Chúa nên luân phiên họp nhóm tại từng nhà của mỗi thành viên, một hoặc hai tuần một lần. Mục đích chính không phải để đọc kinh, nhưng để gia tăng tình thân với nhau và với Chúa, bằng cách gặp gỡ chia sẻ vui buồn, cùng nhau học tập sống Đạo Chúa

Tĩnh tâm từng cộng đoàn nhỏ

38- Cứ khoảng 3, 4 tháng, mỗi Gia Đình cần tĩnh tâm một ngày, để củng cố và gia tăng tình Gia Đình bằng cách:
- Kiểm điểm việc tập luyện.
- Chia sẻ đời sống ơn phước, kinh nghiệm tâm linh.
- Học tập thêm những đề tài mới, đề ra những bài tập luyện mới cho thời gian tiếp.
39- Các buổi tĩnh tâm do các anh (chị) hầu việc của Gia Đình Từ Bi, Vị Tha hướng dẫn dưới một hình thức mới. Để tĩnh tâm gặt được kết quả tốt, mỗi người tham dự cần chuẩn bị tinh thần cả tháng trước đó và quyết tâm làm những bài tập luyện đề ra cho các tháng sau.
- Trong các cuộc tĩnh tâm của Cộng đoàn Gia Đình thường không nên mời người ngoài Gia Đình Chúa, trừ trường hợp đặc biệt có sự đồng ý của người hướng dẫn cuộc tĩnh tâm đó.
40- Để nắm vững căn bản đường lối, lý tưởng Cộng đoàn Gia Đình, Gia Đình Chúa có khoảng hai mươi đề tài cần học tập và đi tới sự đồng tâm nhất trí với nhau. Mỗi cuộc tĩnh tâm có thể trao đổi, học tập một hay hai đề tàiHọc biết không khó, nhưng sống được với những điều đã học mới quan trọng, cho nên cần có thời gian thực hành lâu dài.
41- Chúng ta quan niệm những chuyển biến sau các ngày tĩnh tâm mới thật sự quan trọng hơn chính buổi tĩnh tâm. Và trong ngày tĩnh tâm, những thái độ, ngôn ngữ, cử chỉ của ta đối với nhau lúc rảnh rỗi còn quý hơn chính lúc thảo luận.… Tĩnh tâm là gieo trồng, vun xới hạt Tình thương yêu, thái độ liên đới với nhau làm cho hạt nẩy mầm, cây đâm rễ... chuyển biến, thay đổi đời sống những ngày sau, là giúp cho cây mọc, cây lớn đâm chồi nẩy lộc, sinh hoa kết trái.
42- Nếu cả hai vợ chồng tĩnh tâm chung ngay từ buổi đầu tiên là điều tốt nhất. Nhưng trong trường hợp chỉ có vợ hoặc chồng tĩnh tâm, thì Gia Đình cần liệu sao cho người còn lại cũng được tĩnh tâm, để cả hai cùng chính thức nhận người khác là Anh Chị Em của mình.
Tiếp đến Cộng đoàn Gia Đình cần lo liệu cho các cháu cũng tĩnh tâm theo từng lứa tuổi, lứa tuổi nào thuận tiện thì làm trước, để các cháu cũng gắn bó và thương yêu nhau như cha mẹ của chúng.
43- Hơn nữa, mỗi Gia Đình liệu sao cho mọi người “yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (I Ga 3:18). Chẳng hạn, hướng dẫn các cháu lớn lo cho các cháu nhỏ cả chuyện đạo lẫn chuyện đời (không đóng khung trong gia đình ruột thịt).

 Rất Thận Trọng Vấn Đề Tiền Bạc

44- Các Gia Đình Chúa cần rất thận trọng vấn đề tiền bạc, nhất là trong đóng góp làm ăn chung với nhau. Hễ làm việc gì chung bất kỳ, cần tự hỏi:
- Đã yêu thương nhau đủ để làm ăn chung với nhau chưa?
- Việc này có được thúc đẩy bởi yêu.
- Có được nuôi dưỡng bởi yêu.
- Sau khi làm, liệu việc này có gia tăng Tình yêu thương Anh Chị Em trong Gia Đình Chúa không?
- Nếu lỡ thất bại vì bất cứ lý do gì liệu vẫn yêu thương nhau hơn không?
Nếu tất cả mọi câu hỏi đều trả lời là “CÓ” thì mới nên làm ăn chung.

Tách khỏi Gia Đình

45. Mỗi Gia Đình ra sức phát huy sáng kiến, tìm cách nào tốt hơn, tốt nhất để gia tăng tình Gia Đình, nhưng cũng cần nhất trí với anh (chị) hầu việc Gia Đình mình. Nếu nhiều việc không nhất trí được với anh (chị) hầu việc do Gia Đình Vị Tha cử tới. Anh (chị) hầu việc và đại diện nhóm gia đình phải báo cáo toàn bộ sự việc cho Gia Đình Vị Tha. Nếu nhận thấy rằng quả thực họ muốn đi theo con đường khác, Gia Đình Vị Tha có thể quyết định chấm dứt việc hầu hạ, hướng dẫn Gia Đình đó, và để cho họ được tự do sinh hoạt theo sở thích của mình (dĩ nhiên các mối liên hệ sẽ đặt lại dưới hình thức khác).
46- Khi một Gia Đình tách ra sinh hoạt biệt lập, thì mọi người trong tất cả các Gia Đình vẫn cần kính trọng, yêu thương và cầu nguyện cho Gia Đình đó. Biết đâu Chúa Thánh Linh chẳng hướng dẫn theo một chiều hướng mới phù hợp với các người trong Gia Đình đó hơn, tốt đẹp hơn? (dĩ nhiên các hình thức liên hệ có khác trước).
47- Trong trường hợp trên, những Anh, Chị, Em nào vẫn còn muốn theo đường lối chung của Đại Gia Đình Chúa, sẽ được sát nhập vào bất cứ Gia Đình nào mình muốn, và tiếp tục sinh hoạt bình thường với Gia Đình sau này. Đồng thời vẫn duy trì Tình thương yêu với các người đã ra đi.

NGUYÊN TẮC CHIA SẺ

Những điều tích cực nên làm

48- Mọi người có bổn phận bảo vệ, giữ gìn tình Gia Đình Chúa như con ngươi trong mắt mình. Thà mất tất cả chứ không làm sứt mẻ tình Gia Đình.
49- Tích cực góp ý kiến đầy đủ, vừa phải, không dài, không nhiều quá, không ít quá; tìm cách khích lệ làm cho người khác dễ dàng phát biểu, tạo cho cuộc thảo luận một bầu khí vui tươi phấn khởi.… Đó là biết nghĩ tới người khác.
50- Ngay cả lúc cầu nguyện tự phát, hay chia sẻ đời sống ơn phước sốt sắng, cũng nên nhớ rằng thời giờ có hạn, nhiều người khác cũng đang muốn được cầu nguyện, chia sẻ, do đó ta cần vắn tắt cô đọng. Đó là biết nghĩ tới người khác.
51- Trong khi người khác nói, ta hết sức chăm chú thành thật lắng nghe, dù họ nói hay, nói dở cũng không ngắt lời, không nói chuyện riêng, không làm việc riêng (như mở sách, lần hạt...). Đó là biết nghĩ tới người khác.
Nói chuyện, làm việc riêng, lơ đãng lo ra trong khi người khác đang nói là một thái độ chứng tỏ không biết nghĩ tới người khác, thiếu đức bác ái lớn, điều này rất dễ mắc phải, chúng ta cần hết sức tránh.
Gia Đình Chúa coi trọng con người hơn sự việc, người cho hơn của cho, chuộng người nói hơn lời nói. Do đó trong bất cứ một cuộc gặp gỡ nào, việc quan trọng hơn hết, trước hết là làm cho mọi người tham dự quen biết nhau, thân thiện nhau rồi làm gì thì làm. Đừng bao giờ sau cuộc họp mặt, còn có người cảm thấy mình là người xa lạ, hoặc chưa biết tất cả mọi người hiện diện. Việc giới thiệu cần thực hiện lúc đầu hoặc ngay khi có thể. Tùy trường hợp mỗi người nên được dành từ một đến năm phút giới thiệu, chia sẻ đời sống ơn phước.

Những điều tiêu cực nên tránh

52- Nên nhớ phải tránh tranh luận như là tránh rắn độc, bất cứ ở đâu, với bất cứ ai, về bất cứ vấn đề gì. Nếu thấy cuộc thảo luận sắp biến thành tranh luận, thì hãy khéo léo, tế nhị tìm cách chuyển sang chuyện khác. Nếu vấn đề không có hại gì, ta hãy chịu thua sớm, tình Gia Đình mới là quan trọng. Đó là biết nghĩ đến người khác.
Mấy kinh nghiệm tranh luận như: khoai - sắn, gà - vịt, bánh - kẹo, đã cho ta thấy tranh luận bất lợi và nguy hiểm như rắn độc rồi.
Chia sẻ Phúc âm mà lại dẫn tới tranh luận làm sứt mẻ tình anh em, thì đó là một bị kịch khủng khiếp, ta chớ có bao giờ để xảy ra trong Gia Đình Chúa, thà không chia sẻ Phúc âm chứ đừng sỉ nhục Chúa bằng thảm kịch trên.
53- Mỗi người trong Cộng đoàn Gia Đình Chúa cần tránh hết sức những lời nói, việc làm nào xem ra như nói xấu, chỉ trích gia đình, đoàn thể hoặc cá nhân nào khác. Tuy nhiên để rút kinh nghiệm, trong những buổi học tập có hướng dẫn, có thể đề cập tới. Nhưng cũng cần thận trọng kẻo trở nên nói xấu, kiêu ngạo tập thể, điều này còn nguy hiểm hơn kiêu ngạo cá nhân, vì chúng ta dễ vi phạm, khi vi phạm lại khó nhận ra.
54- Các vấn đề Anh Chị Em chia sẻ mang tính cách riêng tư, nhất là những chuyện không được đẹpkhông được mang nói lại ngoài phạm vi các bác (có sinh hoạt đều) trong Gia Đình Chúa của mình và Gia Đình Vị Tha, kẻo mắc tội nói xấu làm mất tình Gia Đình.
“Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo” (Gc 3:2).
55- Trong các buổi gặp gỡ, chia sẻ, không bàn hoặc loan tin các vấn đề thời sự, chính trị.
Bất cứ ở đâu, cũng không nên loan truyền những cái gọi là “phép lạ” do chính mình “thấy” hoặc “nghe” nói lại - trừ khi có Giáo quyền, Tòa Tổng Giám mục, công khai xác nhận và cổ võ.

 Đón Nhận Ưu Khuyết Điểm

56- Gặp ai muốn tìm hiểu Gia Đình Chúa, ta cứ khiêm tốn thành thật chia sẻ những ơn phước Chúa ban cho riêng ta, cho anh chị em ta, hãy cho họ biết những kinh nghiệm cụ thể tình thương yêu trong Gia Đình đã thể hiện ra sao, nên nhấn mạnh đến khía cạnh tinh thần hơn vật chất. Chớ nên bịa đặt khoe khoang.
57- Có ai phê bình khuyết điểm của ta, của Gia Đình Chúa, ta hãy khiêm tốn lắng nghe thầm nguyện xin Chúa tha tội cho mình, cho Gia Đình, cho người Anh Chị Em được họ nhắc tới, chớ có chứng minh tranh luận.
- Họ có thể nói đúng.
- Họ có thể nói sai, hoặc vô tình hoặc cố ý xuyên tạc.
- Hãy để cho họ nói hết lời, hết ý, và trước hết ta hãy thành thật cảm ơn họ, vì họ đã cho ta biết những khuyết điểm dù là đúng hay sai.
 - Sau đó ta xác nhận rằng những điểm họ nói rất có thể đúng, và Gia Đình Chúa không phải chỉ tuyển lựa những người lành.
- Khuyết điểm chúng ta còn nhiều, muốn sửa được cần ơn Chúa, cần thời gian.
- Thứ đến, nếu chúng ta chưa thấy rõ, ta cũng xin ghi nhận để tìm hiểu... Đồng thời ta cũng cho họ biết rằng nếu đúng như lời họ nói thì đó cũng chỉ là xét bên ngoài, còn trước mặt Chúa, ta đâu có quyền xét đoán tội trạng bên trong. Đồng thời ta cũng nên kể một số ưu điểm của Gia Đình, của người anh chị em đó mà ta biết.

GIA ĐÌNH RUỘT THỊT - GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG

58- Cộng đoàn Gia Đình Chúa ủng hộ việc các thành viên (còn độc thân) trong Gia Đình, con cái các bác kết hôn với nhau. Các đôi bạn này được rất nhiều thuận lợi:
- Cả hai hiểu rõ nhau, gia đình của nhau, dễ ý hợp tâm đầu hơn các trường hợp khác.
- Đều được học tập chuẩn bị hôn nhân giống nhau.
- Cả hai gia đình cùng theo một đường lối sống Đạo, cùng chung một lý tưởng, dễ đồng tâm nhất trí với nhau.
Được vậy, chúng ta có quyền tin tưởng đôi tân hôn này sẽ dễ dàng sống hạnh phúc theo lý tưởng Gia Đình. Mỗi cuộc hôn nhân như vậy lại càng củng cố và gia tăng tình Gia Đình Chúa của chúng ta rất nhiều.
59- Kinh nghiệm cho thấy nhiều Anh Chị Em trong Gia Đình Chúa, sống vui tươi thoải mái, quý mến thương yêu nhau hơn cả ruột thịt. Điều này dễ hiểu, còn có thể nói hợp tình hợp lý nữa. Đây chính là một vấn đề cần học tập. Tại sao lại hợp tình hợp lý?
Sau đây là vài lý do:
- Trong gia đình ruột thịt, con người gắn bó với nhau, quý mến nhau hơn loài vật xa, chính vì con người có liên hệ tinh thần, còn loài vật chỉ có liên hệ khí huyết. Tinh thần quý hơn vật chất khí huyết thế nào, thì những liên hệ tinh thần cũng giá trị hơn những liên hệ khí huyết vật chất bấy nhiêu.
- Tinh thần lại có hai loại: tự nhiên và siêu nhiên - Siêu nhiên có giá grị hơn tự nhiên gấp bội. Thế mà chúng ta không những gắn bó với nhau bằng tinh thần tự nhiên mà còn siêu nhiên nữa.
Bởi thế chúng ta quý mến gắn bó với nhau hơn là ruột thịt là điều hợp tình hợp lý.
Chúa Giêsu đã chẳng quý trọng thiêng liêng hơn ruột thịt sao?
“Người còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:46-50).
“Khi Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”” (Lc 11:27-28).
60- Là thành viên trong cộng đoàn Gia Đình Chúa nhưng nếu lơ là, sao lãng bổn phận gia đình ruột thịt, không để tâm tìm cách cải thiện tình gia đình ruột thịt, thì lại phạm một sai lầm lớn vậy.
61- Chúng ta mang tất cả cái hay, cái đẹp của gia đình ruột thịt đem ra học tập và sống với nhau trong Gia Đình Chúa. Học tập được kinh nghiệm nào hay tốt nơi Gia Đình Chúa, ta đem trở về tập sống và cải thiện gia đình ruột thịt được chừng nào hay chừng nấy.
62. GIA ĐÌNH RUỘT THỊT và GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG nâng đỡ nhau. Hai đàng thúc đẩy nhau mà tiến.
Nên nhớ rằng gia đình ruột thịt là nơi Thiên Chúa long trọng trao ban cho ta sứ vụ làm tông đồ và làm chứng nhân của tình yêu Ngài. Bởi thế, chúng ta cần phấn đấu không mệt mỏi tìm cách cải thiện tình gia đình ruột thịt.
Nhiều gia đình đã méo mó. Chính lẽ gia đình ruột thịt là thao trường (nơi tập luyện) đã biến thành chiến trường (nơi chiến đấu) khiến ta hết sức lúng túng khó khăn. Thật may mắn cho chúng ta có Gia Đình Chúa là nơi giúp ta tập luyện
Cộng đoàn Gia Đình Chúa là cơ may, là niềm vui, là nơi nương tựa, trợ giúp, rèn luyện để ta dễ dàng hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa đã trao phó cho ta trong gia đình ruột thịt cũng như ngoài xã hội.
63- Như thế, Gia Đình Chúa đúng là một GIA ĐÌNH viết hoa, là cha ra Cha, mẹ ra Mẹ, con ra Con, anh ra Anh, chị ra Chị, em ra Em tất cả  giúp đỡ động viên nhau làm tròn chữ HIẾU với Cha trên trời, chữ ĐỄ với mọi người là Anh Chị Em. Gia Đình Chúa cho ta bầu khí vui tươi thoải mái tự do, sức nóng ấm của lửa tình Gia Đình phát ra ánh sáng hạnh phúc Nước Trời.
64- Tình Gia Đình Chúa không những là lý tưởng, là mục đích, mà còn vừa là động cơ thúc đẩy, đồng thời là kỷ cương hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta.

 
 GIA DÌNH CHÚA QUYẾT TÂM

              *Sống một đời sống mới, đời sống tình yêu
              *Học nói một ngôn ngữ mới, ngôn ngữ tình yêu.
             *Theo một lề luật mới, lề luật tình yêu.
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”

 
 TÌM HIỂU THÊM

 

Gia lý

Lý Tưởng Gia Đình Chúa

* SỐNG và giúp người khác sống
với CHÚA là CHA
với nhau và với mọi người
là Anh Chị Em Con Cha trên trời
Theo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
Nói cách khác:
*  Sống và giúp người khác sống hạnh phúc Nước Trời
với Chúa là Cha
với nhau và với mọi người
là Anh Chị Em con Cha trên trời.
Lý tưởng Gia Đình Chúa dựa trên hình ảnh

Người Con yêu dấu của Chúa.
Theo Kinh Thánh, Người Con yêu dấu của Chúa có những đặc điểm sau:

1.   Được sinh ra bởi chính Thiên Chúa

Họ được sinh ra không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa. (Ga 1: 13)

2.     Được tràn đầy Thần Khí tràn đầy sức mạnh của Ngài

  • “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta,
    nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta.” (Rm 5:5)
  • “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta nhút nhát,
nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ.” (2Tm1:7)
  • “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ,
Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ,
Ta đã thánh hóa ngươi,
Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”(Gr 1:5)
  • “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào

 Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1Ga 3:1)

Gia Nghĩa

Ý NGHĨA CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA

 
1- Gia Đình Chúa là một đại Gia Đình  nơi đó Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là anh cả, tất cả chúng ta đều là con cái Thiên Chúa và đương nhiên là anh chị em với nhau
2- Gia Đình Chúa là hình ảnh Trái Tim Chúa Giêsu như lò lửa mến hằng cháy.
3-    Gia Đình Chúa là đèn sáng, là ngọn lửa, là hải đăng, là đài tiếp vận, lửa sáng yêu thương hạnh phúc Cha gởi xuống đêm tối trần gian.
4- Gia Đình Chúa là Nước Trời, tức Nước Thiên Đàng đầy yêu thương hạnh phúc của Cha ngay từ dưới thế.
5-  Gia Đình Chúa là trường học tập sống Đạo và truyền Đạo của Cha -là Đạo của yêu thương hạnh phúc Nước Trời
6- Gia Đình Chúa là Đạo, "là châu báu của người lành, là nơi nương tựa của người chẳng lành".
7- Gia Đình Chúa là con tàu của yêu thương hạnh phúc Thiên đàng vượt biển ghen ghét, hận thù, khổ đau trần gian, hướng về quê Cha bất diệt trên Trời
8- Gia Đình Chúa là thế giới mới của những con người mới được Chúa cứu thế giải phóng khỏi đêm tối khổ đau, ghen ghét hận thù, nô lệ tội lỗi...
9- Gia Đình Chúa theo gương Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse là hình ảnh sống động của Chúa Ba Ngôi.
10- Gia Đình Chúa là Hội thánh nhỏ của Chúa Kitô.
 

Gia đạo

TINH THẦN CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA

 

1- Con Chúa hiểu rõ say mê kiên trì phấn đấu thực hiện lý tưởng Gia Đình, quy hướng trọn đời mình cho lý tưởng, đặt lý tưởng trên tất cả.
2- Con Chúa sống tâm niệm, bám sát kinh Lạy Cha, kinh Gia Đình, kinh Hòa Bình.
3- Con Chúa muốn cảm nghiệm sống động thực sự hơn là chỉ bận tâm học hỏi để mở rộng kiến thức suông.
4- Con Chúa hợp nhất với mọi người, vui buồn chung thế giới.
5- Con Chúa có tinh thần làm chủ cao độ: đến trước (về sau) giờ, luôn thành thật nghĩ tới người khác, lo cho việc được tốt, mọi người được vui.
6- Con Chúa tìm việc ra mà làm, sáng tạo làm cho tốt
7- Con Chúa trọng con người hơn vấn đề, sự việc.
8- Con Chúa có bổn phận làm nhiều và làm trước, quyền lợi hưởng ít và hưởng sau
9- Con Chúa khó nhọc dành cho mình - dễ nhẹ cho người khác - làm tôi tớ anh em.
10- Con Chúa có thái độ, ngôn ngữ, cử chỉ hành động hiền lành hòa nhã, khiêm tốn sẵn sàng hầu hạ mọi người.
11- Con Chúa làm tất cả đều vì yêu, tự do vô điều kiện, yêu đủ để thành công, yêu nhiều khi thất bại.
12- Con Chúa ra sức suy nghĩ, yêu ghét và hành động theo đường lối của Chúa
13- Con Chúa ra sức làm vui cho người khácngười khác là niềm vui.
14- Con Chúa biết lắng nghe, khích lệ người khác nói và phát triển khả năng họ, không bao giờ nói chuyện riêng, thường nói ít hơn người đối thoại
15- Con Chúa dễ dàng tha thứ vô điều kiện, không để lòng buồn giận bất cứ ai.
16-  Con Chúa có thói quen làm trạng sư cho người khác: Muốn, Tìm, Nghĩ, Nói, Làm tốt cho người khác.
17-  Con Chúa không bao giờ tranh luận với bất cứ ai về bất cứ vấn đề gì.
18- Con Chúa biết phê bình, nghiêm túc nhận phê bình vui vẻ (số này dành cho Gia Đình Chúa cấp hai: tức Gia Đình Vị Tha mà thôi)
19- Con Chúa thất bại nhận về mình, thành công của mọi người, kết quả đều do Chúa
20. Con Chúa bình tĩnh an vui, tin tưởng phó thác, cậy trông vô bờ bến, luôn cảm tạ ơn Chúa trong mọi biến cố lớn nhỏ, chung riêng và trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Gia Đình được mời gọi trở thành:
+ Một cộng đoàn tình yêu
+ Một cộng đoàn sự sống
+ Một cộng đoàn đức tin
                                 (Tông huấn Familiaris Sonsortio)

Gia ngôn

TUYÊN NGÔN CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA

Anh Chị Em đáng kính mến!   
Thiên Chúa là Tình yêu.
Thiên Chúa là Gia Đình.
Thiên Chúa là Tình Gia Đình.
Thiên Chúa đã sáng tạo loài người giống hình ảnh Ngài, nghĩa là dưới hình thức Gia Đình.
Đến khi con người chống đối, phá hoại Gia Đình, Thiên Chúa đã CỨU CHUỘC và THÁNH HÓA con người cũng nhờ Gia Đình và qua Gia Đình.
Quả thế, Gia Đình Chúa: Đức Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse là câu trả lời, là giải pháp, là phương thuốc cho tất cả những thắc mắc băn khoăn, lo âu và tội lỗi khốn cùng của loài người chúng ta, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, tương lai. Đức Phaolô VI nói:
"Nhân loại ngày nay đang đau yếu trầm trọng, nguyên nhân của bệnh này không phải là tài nguyên thiên nhiên đã kiệt quệ hay lòng tham vơ vét của một số người, nhưng chính là thiếu tình thương anh em giữa người với người..." (TĐ/PTCDT #66.CĐ.Vat II)
"Hơn ai hết người có tình thương anh em (tình Gia Đình) sẽ có biệt tài khám phá ra nguyên nhân của bần cùng và tìm thấy phương thuốc để diệt trừ nó." (TĐ/PTCDT #75 CĐ. Vat II)
Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi đã xuống ở với chúng ta qua Gia Đình Thánh Nazareth. Do đó, Thánh Gia phải là lý tưởng, là gương mẫu tuyệt vời của mỗi gia đình ruột thịt cũng như Cộng đoàn Gia Đình của chúng ta. Gia Đình Thánh phải là Bổn Mạng - Thánh Vương- Thánh Tổ của tất cả chúng ta. Còn hình ảnh nào tuyệt vời và đầy đủ ý nghĩa về Gia Đình hơn là hình ảnh đôi vợ chồng trẻ với đứa con đầu lòng mới sinh: Cha là Đại Thánh, Mẹ là Thánh trên hết các Thánh, và Người Con là Nguồn vuisự Cậy trông và là Đấng Cứu Tinh nhân loại. Điều đó chứng tỏ rằng: Trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể sống thánh thiện, chúng ta có thể sống hạnh phúc, chúng ta có thể nhận được ơn cứu chuộc, nhân loại giải phóng khỏi ách nô lệ đau khổ bằng giải pháp Gia Đình.
Anh chị Em đáng kính mến!
Công đồng Vatican II minh xác: "Thiên Chúa là Cha chung muốn mọi người phải làm nên một Gia Đình và sống với nhau như anh em" (Hcmv. HTTGNN #24)
Thiên Chúa khác nào như khối lửa mặt trời nóng cháy tình Gia Đình chiếu tỏa ánh sáng hạnh phúc khắp nơi nơi.
-  Một mảnh phát xuất từ khối lửa mặt trời. Tình yêu ấy, Gia Đình ấy là Gia Đình nguyên tổ, sống hạnh phúc trong vườn địa đàng, Thiên đàng tràn trề.
- Nhưng Nguyên tổ đã dập tắt dúm lửa tình Gia Đình đầu tiên ấy, biến địa đàng thành địa ngục, biến thế giới đầy ánh sáng thành thế gian lạnh lẽo, tăm tối khổ đau.
- Hạnh phúc thay trong đêm lạnh lẽo tối tăm ấy, Chúa đã đích thân đem ngọn lửa tình Gia Đình mới vạn vạn lần đẹp hơn xưa, đó là Gia Đình Thánh Nazareth. Lò lửa Gia Đình này phát ra sức nóng, ánh sáng tuyệt vời, sưởi ấm và soi sáng thế gian và đang dần dần biến thế gian thành thế giới mới, thành địa đàng, thành thiên đường trần thế.
     "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người... Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1:9.12)
-  Chúng ta hãy đến lò lửa tình Gia Đình Thánh nơi hang đá máng cỏ, để đốt lên trong trái tim chúng ta ngọn lửa yêu thương ấy, đem về gia đình để cha mẹ vợ chồng, con cái chúng ta gắn bó, hội tụ lại với nhau, làm cho tổ ấm ấm lại, và chiếu ánh sáng Hạnh phúc khắp nơi. Đó là sứ mạng, là hạnh phúc của chúng ta.
-  Nhưng muốn hoàn thành sứ mạng vinh quang cao cả này các gia đình ruột thịt có bổn phận phải xe kết hội tụ lại với nhau thành Gia Đình lớn hơn, ngọn lửa lớn hơn đó là Cộng đoàn Gia Đình Chúa mà chúng ta đang thể hiện hôm nay. Có thế, ngọn lửa tình Gia Đình của chúng ta mới mạnh đủ để đương đầu với sương lạnh gió bão.
     Anh Chị Em đáng kính mến!
    Lý tưởng Gia Đình của chúng ta tuyệt vời biết bao: "Sống và giúp người khác sống với Chúa là Cha, với nhau và với mọi người là anh chị em con Cha trên Trời, theo Tin mừng Đức Giêsu Kitô”
    Chúng ta đang đáp lại lời kêu gọi của Thánh Công đồng Vatican II: "Thiên Chúa là Cha chung, muốn mọi người phải trở nên một Gia Đình và sống chung với nhau như anh em" (Hcmv.HTTGNN #24)
    Chính Chúa KiTô nói:
     "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên?" (Lc12:49).
    Nhiệm vụ của chúng ta thật vĩ đại cao cả. Sứ mạng chúng ta vô cùng vinh quang, chúng ta được cộng tác với Cha, đem lửa tình Gia Đình Chúa đốt lên khắp nơi, biến địa ngục trần gian tối tăm lạnh lẽo khổ đau này thành thiên đàng hạ giới ấm áp tràn ngập ánh sáng hạnh phúc Nước Trời.
    Chúng ta hãy vui lên, hát lên ngàn lời ca chúc tụng Thiên Chúa.
    Chúng ta hãy vui lên, hát lên ngàn lời ca ngợi khen tình thương của Ngài
     Tình Gia Đình Chúa bất diệt.
    Lý tưởng Gia Đình Chúa sáng ngời.
    Một ngày không xa sẽ phổ biến lan rộng khắp trái đất này

------ooOoo-----

 

Gia thuyết

CHỦ THUYẾT CỘNG ĐOÀN GIA ĐÌNH CHÚA

1-  THIÊN CHÚA LÀ GIA ĐÌNH

"Thiên Chúa là Tình yêu" (lGa 4:8) và lệnh truyền của Đức Giêsu: "Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15: 12)
Thiên Chúa sống tình Gia Đình:
"Chúa Giêsu xưa cũng không ở một mình, Ngài đã xuống thế trong khung cảnh một Gia Đình. Suốt ba mươi năm, Ngài đã sống trong Gia Đình với mẹ ruột và cha nuôi. Trong ba năm truyền giáo, Ngài cũng đã sống chung với Gia Đình Chúa gồm các môn đệ của Ngài.
Chính Thiên Chúa cũng không ở một mình. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã ở chung. Từ thuở đời đời Thiên Chúa đã là một thứ Gia Đình có Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. " (Đgm. Bùi Tuần, "Nói với chính mình", tr. 10)
"Tình Gia Đình là hạnh phúc của Thiên Chúa. Tình Cha Con làm cho Chúa Con và Chúa Cha hạnh phúc. Thiên Chúa chỉ hạnh phúc khi có các mối tương giao. Thiên Chúa không thích và không thể sống một mình". (Đgm. Bùi Văn Đọc, "Tình yêu Ba Ngôi")
- Chúa sống Gia Đình: Đó là hình thức Chúa sống.
- Chúa sống Yêu thương: Đó là bản chất Chúa sống.
- Chúa sống Hạnh phúc: Đó là kết quả của việc Chúa sống tình Gia Đình.

2-  TẠO DỰNG NÊN GIA ĐÌNH

Từ nền tảng Kinh Thánh
"Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (x.St. 1:26-27) “Nên chỉ có tình Gia Đình mới làm cho con người được hạnh phúc". (x. Đgm. Bùi Văn Đọc "Tinh yêu Ba Ngôi")
"Chính đôi vợ chồng là hình ảnh Thiên Chúa hằng sống, đang sống đời sống đích thực của con người. Họ phải đồng tâm nhất trí với nhau, giúp nhau nên Thánh" (HTTGNN#5 CĐ.Vat II)
Có nghĩa là Thiên Chúa đã tạo dựng con người dưới hình thức Gia Đình. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài có thể dựng nên con người bằng nhiều hình thức có thể dễ dàng giản dị hơn nhiều: như phán một Lời sẽ có những con người lớn khôn đầy mặt đất ngay... Nhưng không, Ngài đã chọn hình thức Gia Đình cho giống hình ảnh Ngài.

3-  CỨU CHUỘC BẰNG GIA ĐÌNH

Thiên Chúa đã thông truyền sức sống của Ngài cho con người, bằng việc "thổi sinh khí vào lỗ mũi" (St 2:7) và đã ban cho con người được tự do. Nhưng con người đã lạm dụng sự tự do làm hỏng Gia Đình đầu tiên - cho nên Chúa cần cứu chuộc con người, nghĩa là xây dựng lại Gia Đình. Qua Gia Đình Thánh: Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse.
"Trong khi đôi vợ chồng Adam - Eva là nguồn sự dữ lan tràn trên trần gian, thì đôi bạn Giuse - Maria lại là cao điểm. Từ đó sự thánh thiện lan tràn trên trái đất. Thiên Chúa muốn  thanh tẩy và thánh hóa Gia Đình là Ngôi đền Thánh của Tình yêu và là cái nôi của sự sống". (TH/ Đấng Gìn Giữ Chúa Cứu Thế. ĐGH. GP II)
Dĩ nhiên, Ngài cũng có thể cứu chuộc bằng nhiều hình thức khác chứ: chẳng hạn Chúa có thể hiện xuống như một vị vua oai quyền, với một đạo binh các Thiên Thần đánh Đông dẹp Bắc... Nhưng không, Ngài đã chọn giải pháp Gia Đình với tất cả những phiền toái rắc rối của nó: chín tháng cưu mang, ba mươi năm ẩn dật.... Sao Chúa đã không dùng hình thức nào khác? Như vậy quả Gia Đình phải là giải pháp tốt nhất để cứu chuộc, giải phóng chúng ta.

4-  THÁNH HÓA NHỜ GIA ĐÌNH

Thánh Thần Chúa tiếp tục công việc giáo dục, thánh hóa con người. Chúa cũng đã không dùng đến một hình thức nào khác ngoài Gia Đình.
Chỉ trong Gia Đình, con người mới dễ được yêu thương và dẩn dần biết tập sống thương yêu. Từng bước, từng bước nhờ tình Gia Đình Chúa, con người biết nghĩ tới người khác, biết trở nên niềm vui cho người bằng cách hoàn thiện mình, lo cho người khác... rồi cảm thấy người khác là niềm vui của mình. Do đó con người dần dần gột bỏ được tính ích kỷ do bản năng sinh tồn thuộc lãnh vực sinh vật thúc đẩy, tránh tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu sinh tồn của mình. Thánh Phaolô viết: "Chúa Cha là nguồn gốc mọi gia tộc" (Ép 3:15). Chính vì thế, con người được cha mẹ yêu... và biết yêu cha mẹ anh chị em... Qua Gia Đình con người có được kinh nghiệm về mọi thứ Tình yêuNhờ kinh nghiệm này, khi Thiên Chúa mặc khải Ngài là Cha và chỉ một tiếng "Cha" thôi cũng đủ diễn tả thật nhiều. Qua kinh nghiệm sống Tình yêu thương trong Cộng đoàn Gia Đình Chúa, chúng ta có thể cảm nếm được Tình yêu thương của Thiên Chúa, sống với Chúa là Cha.
5-  Chính bởi thế chúng ta thấy: Gia Đình và tất cả những gì liên hệ tới Gia Đình đều hàm chứa một cái gì thân thiện, thương yêu, hạnh phúc, thoải mái và tự do.
    Mọi người từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đều nhìn nhận "Gia Đình là nền tảng xã hội và của quốc gia." (HC/LHQ#16) "Gia Đình là Hội thánh tại gia" (HC/TL về Gia Đình, CĐ. Vat II #11)
    Như thế Gia Đình có tốt thì xã hội và Giáo hội mới tốt.
6-  Nhưng con người đã lạm dụng tự do để phá hoại Gia Đình. Nhiều Gia Đình đáng lẽ phải là thiên đàng trần gian, đã biến thành địa ngục khổ đau. Nhiều Gia Đình thay vì là tổ ấm yêu thươngđã biến thành nhà tù ganh ghét hận thù.
7- Bởi thế chúng ta, những người con của Chúa, phải quyết tâm đem hết sức hết trí khôn, hết linh hồn để xây dựng lại mái ấm Gia Đình. Làm sao cho mỗi Gia Đình được sống đúng tình trạng tuyệt vời của nó như dự liệu trong chương trình của Chúa, là hình ảnh của Chúa, là Thiên đàng ngay trần gian.
8- Do đó chúng ta chủ trương:
*  Mỗi gia đình phải trở thành GIA ĐÌNH viết hoa đúng như Thánh Ý Chúa...
* Làm sao cho mỗi phần tử trong Gia Đình thương yêu nhau hết mực, ra sức làm việc cho Hạnh phúc chung nghĩa là mỗi phần tử trở nên phần tử Lý tưởng, cha ra Cha, mẹ ra Mẹ, vợ chồng ra Vợ Chồng, con ra Con, Gia Đình ra Gia Đình Chúa.
* Làm cho mỗi đoàn thể, mỗi khu xóm giáo xứ, làng mạc ... sống với nhau, thương yêu nhau như Anh Chị Em trong một Gia Đình Chúa.
* Mỗi quốc gia dân tộc phải trở nên một Gia Đình Chúa.
* Và tất cả nhân loại cũng trở nên một Gia Đình Chúa.
     Thực hiện lời Công đồng Vatican II mời gọi: "Thiên Chúa là Cha chung muốn mọi người phải làm nên một Gia Đình và sống chung như Anh Em" (Hcmv. HTTGNN #24 CĐ. Vat II) Chúng ta quyết tâm biến thế giới này thành: "Đại Gia Đình Chúa" một thế giới đại đồng như bao người mong đợi, trong đó mọi người sống với nhau đầy tình thương yêu trong bầu khí hết sức tự do hạnh phúc...
* Qua môi trường Cộng đoàn  Gia Đình Chúa:
-  Nghĩa là sống tình Gia Đình Chúa với nhau, và đem tình Gia Đình Chúa vào từng gia đình, khu xóm, Giáo xứ, Giáo phận...
- Tự do nhưng chặt chẽ.
-  Hạnh phúc mà giản dị...
Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mời gọi: "Con người phải gặp con người, các quốc gia phải gặp các quốc gia. Gặp nhau như anh em con cái của Thiên Chúa. Hiểu biết nhau, thân thiện nhau, và cảm thông thiêng liêng nhau rồi, chúng ta phải bắt đầu hoạt động chung với nhau để xây dựng tương lai chung của nhân loại" (TĐ/PTCDT #43. CĐ. Vat II)
Có thế chúng ta mới có thể nói: Chúng ta sống như Chúa sống, "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (GI 3:20).
* Sống dưới hình thức Gia Đình:
- Sống bản chất yêu thương.
- Sống hết sức hạnh phúc, sống như Thiên đàng... vì đó là kết quả tất nhiên của việc sống tình Gia Đình Chúa.
Để biến Gia thuyết này thành hiện thực, chúng ta có LÝ TƯỞNG GIA ĐÌNH
Cụ thể sống theo: aĐường hướng Cộng đoàn Gia Đình Chúa dành cho mọi thành viên trong Cộng đoàn Gia Đình Chúa.
 
.

http://giadinhnazarethvietnam.com/direction/detail/cong-doan-gia-dinh-chua-27/




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log