Thứ hai, 23/12/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 06 năm 2016

Cập nhật lúc 15:52 04/06/2016
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Giữa lòng Năm Thánh Lòng Thương Xót, Tháng Sáu là một thời gian đặc biệt hướng mọi người đến Thánh Tâm Chúa Giêsu như minh họa đỉnh cao của lòng thương xót. Trong huấn dụ về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu ban hành ngày 6/2/1965, dịp kỷ niệm 200 năm thiết lập lễ Thánh Tâm, Đức Phaolô VI đã viết: “Lòng tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và đặc biệt cần thiết cho thời đại này.” Vì thế trong Tháng Sáu này, chúng ta được mời gọi thực hành việc tôn sùng Thánh Tâm với cả tâm tình của mình, đặc biệt bằng việc chiêm ngắm và đền tạ.
Chiều ngày thứ sáu tuần thánh, khi Chúa Giêsu vừa tắt thở, một tên lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn của Người, tức thì máu cùng nước chảy ra. Đâm vào cạnh sườn là đâm vào chính trái tim. Đối với người lính Rôma, việc làm đó chỉ là một phép thử xem người tử tội đã chết thật chưa, nhưng đối với Giáo hội Công giáo, lại là một phép mầu rất giầu ý nghĩa thiêng liêng cho thấy Chúa Giêsu đã xót thương nhân loại đến cùng, đã trút hết cả máu mình ra, đã cho đi đến hết là chết trên thập giá thay cho mọi người để giải thoát con người khỏi án chết. Nếu trái tim là trung tâm của sự sống, là hình ảnh của tình yêu, thì trái tim với ngọn lửa bốc cháy như thường thấy trong ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là minh họa sống động cho một tình yêu cứu độ đã tự hiến, tận hiến để thánh hiến nhân loại. Tình yêu ấy tự bản chất đã đồng hóa với lòng thương xót, bởi lẽ con người đâu có công trạng gì để chờ đợi tình Chúa thương ngoài tội lỗi bất xứng, và Chúa Giêsu đâu có tội lỗi gì để phải chết ngoài sự hạ cố xót thương đền thay cho nhân loại.
Chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu một cách tổng quát là chiêm ngắm chính lòng thương xót của Chúa Cha dành cho nhân loại qua công cuộc nhập thể, khổ nạn và phục sinh ban ơn cứu độ của Chúa Giêsu; nhưng một cách thiết thực hơn, là tìm đến kín múc tận nguồn mạch xót thương cứu độ dư tràn, như nhãn giới của phụng vụ: “Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã để nước và máu chảy ra, hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh. Nhờ đó, khi mọi người chúng con được lôi kéo đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế, thì luôn được vui mừng múc tận nguồn ơn cứu độ muôn đời” (Kinh Tiền Tụng lễ Thánh Tâm).
Ước mong mỗi anh chị em trong Cộng đoàn Khôi Bình trong tháng Sáu này hãy dành nhiều thời giờ hơn để chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, mong nhận thức lại lòng Chúa thương xót nhân loại mà sống tinh thần đền tạ, bù lại những tội lỗi mà người ta xúc phạm đến tình yêu Thiên Chúa; đồng thời, chúng ta cũng mời gọi hãy họa lại tình yêu Thiên Chúa nơi chính bản thân chúng ta. Một tình yêu xóa bỏ mọi ngăn cách của văn hóa, của nghi kỵ, của hiểu lầm để sống hòa thuận yêu thương nhau. Một tình yêu dâng hiến để quên mình phục vụ tha nhân trong khiêm cung âm thầm.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XI THƯỜNG NIÊN
2Sm 12, 7-10. 13; Gl 2, 16. 19-21; Lc 7, 36 - 8,3
Nếu giả dụ như chúng ta là người đã từng có những lỗi lầm chúng ta sẽ cần điều gì nơi tha nhân? Có phải là định kiến không bao giờ thay đổi về ta? Có phải là sự xét đoán hà khắc? Có phải là xa lánh, thiếu cảm thông?
Và nếu giả dụ như cha mẹ hay anh chị em của mình phạm phải sai lầm thì chúng ta sẽ hành động ra sao? Liệu chúng ta có muốn người khác ghi nhớ mãi lỗi lầm của họ, hay chúng ta muốn họ được phán xét một cách công bằng và cho họ một cơ hội được làm lại từ đầu? Nếu vậy, tại sao chúng ta lại không có cái nhìn yêu thương, cảm thông với những yếu đuối của tha nhân?
Nơi một xóm đạo có một anh thanh niên mới ra tù, những đứa trẻ trong xóm thường len lén nhìn anh với ánh mắt sợ hãi. Người lớn thường bảo nhau: Cẩn thận, ngày xưa nó chém người đấy! Trong tâm trí những đứa trẻ non nớt ấy thì người thanh niên ấy thực sự rất đáng sợ.
Lớn lên, mọi người tưởng chừng như đã quên vết nhơ trong quá khứ nhưng chỉ cần trong xóm mất đồ hay bọn trẻ đánh nhau, tên anh ta lại được xướng lên với những tiếng chậc lưỡi đầy rẻ rúng: “Đấy đấy, lại học theo cái bọn trộm cắp, giết người!”
Thời gian, vạn vật luôn thay đổi. Con người cũng luôn luôn đổi thay. Có thể hôm nay họ lầm lỗi nhưng ngày mai họ đã sửa đổi. Có thể quá khứ của họ chẳng ra gì, nhưng hiện tại họ đang cống hiến cho cộng đồng. Thế nên, hãy để họ được sống và cố gắng sống thật tốt, đừng bao giờ tước đi cơ hội được làm một con người có ích với đời chỉ vì những định kiến và lời phê bình thiếu tình yêu của chúng ta. Người xưa từng nói: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.”
Hãy rộng lượng với tha nhân. Hãy nâng đỡ và cảm thông với những yếu đuối của họ. Tuy không đồng lòng với lỗi lầm của họ nhưng không đoạn tuyệt với họ, mà biết tạo cơ hội để họ canh tân cuộc đời.
Người phụ nữ tội lỗi trong Tin mừng hôm nay lòng tràn ngập niềm vui và bình an. Tội của chị rất nặng. Lỗi lầm của chị rất nhiều. Thế nhưng, Chúa đã không nhìn quá khứ của chị để kết án. Chúa nhìn hiện tại để cảm thông, để nâng đỡ, để cho chị cơ hội bày tỏ lòng ăn năn. Chị được đến gần Chúa. Chị được bày tỏ lòng tôn kính Chúa. Chị hôn chân Chúa và xức dầu thơm cho Chúa. Một cử chỉ biểu lộ lòng làm tôn kính Thầy Giêsu. Một cử chỉ của lòng biết ơn với Thầy Giêsu vì đã tạo cho chị cơ hội sửa đổi và canh tân.
Cuộc đời quanh ta cũng có biết bao phận người đang cô đơn thất vọng. Họ cô đơn vì cộng đoàn thiếu cảm thông. Họ thất vọng vì cộng đoàn không chỉ bỏ rơi mà còn kết án vì những lỗi lầm của quá khứ. Dẫu biết rằng, con người luôn có lầm lỗi. Con người luôn cần sự cảm thông tha thứ của tha nhân, nhưng chính con người lại thường hà khắc và kết án lẫn nhau.
Chúng ta thường có cái nhìn quá khắc khe như những người biệt phái năm xưa. Họ chỉ thấy quá khứ tội lỗi. Họ thiếu cái nhìn yêu thương để có thể nâng đỡ và giúp người tội lỗi chuộc lại lỗi lầm. Một thế giới thiếu tình yêu, thiếu cảm thông sẽ hoang tàn để thù hận lên ngôi.
Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự bất toàn của mình để sám hối ăn năn, và nhất là để cảm thông với những yếu đuối của anh em. Xin đừng vì tự cao tự đại mà thiếu khoan dung với tha nhân. Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa Giêsu luôn nhẫn nại yêu thương để nâng đỡ anh em. Amen
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị rút ra được những kinh nghiệm gì nơi người Pharisiêu trong bài Tin mừng?
  2. Qua người đàn bà tội lỗi đến với Đức Giêsu, anh chị có nhận thức gì về đời sống đạo đức hàng ngày của anh chị?
II. SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Đề tài 7. Công lý và hoà bình trong xã hội: khởi đầu cho lòng thương xót
1. Sự dửng dưng toàn cầu hoá
Dửng dưng là đóng kín con tim trước tha nhân, nhắm mắt không nhìn thấy xung quanh mình, hay tránh né không để bị đụng chạm bởi các vấn đề của người khác, nhất là của những người cùng khổ, gặp nạn. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thái độ dửng dưng ngày nay đã vượt quá ngưỡng cá nhân, thềm gia đình, để mang chiều kích toàn cầu[1]. Đức Thánh Cha nêu lên vài hình thức dửng dưng ngày nay:
Trước hết là sự dửng dưng đối với Thiên Chúa. Từ đó mà con người dửng dưng với tha nhân, với thiên nhiên, thế giới thụ tạo. Con người hiện đại, hậu hiện đại thường cho mình là tác giả của chính mình, của cuộc sống mình và của xã hội. Con người tự thấy mình đầy đủ không cần đến Thiên Chúa.
Nhiều người có thông tin về thảm cảnh của đồng bào, đồng loại, nhưng mù mờ. Họ không cảm thấy được lôi cuốn, không sống cảm thương, nghĩa là không có lòng từ bi lân ái. Đó là thái độ của người biết, nhưng có cái nhìn, tư tưởng, hành động hướng tới chính mình. Thời đại của chúng ta, rất tiếc, gia tăng thông tin quá nhiều, nhưng rất thiếu sự quan tâm từ con tim biết liên đới, từ lương tâm rộng mở.
Trường hợp khác: dửng dưng bởi thiếu chú ý đối với các thực tại xung quanh, đặc biệt là các thực tại ở xa. Không hỏi thăm tin tức, không tìm kiếm, họ điếc trước tiếng kêu than của nhân loại khổ đau, chỉ biết hưởng thụ của cải mình có. Không có khả năng cảm thương, chạnh lòng trước thảm cảnh, như thể tai hoạ, bất công xảy ra là trách nhiệm xa lạ của ai đó khác, không phải của tôi.
Sống trong một Ngôi Nhà Chung là Trái Đất, chúng ta không thể dửng dưng về tình trạng sức khỏe của nó. Ô nhiễm môi sinh: nguồn nước, không khí, khai thác rừng không phân biệt, là hậu quả của sự dửng dưng đối với người khác.
2. Hoà bình bị đe doạ
Dửng dưng tạo thái độ khép kín, không dấn thân, rốt cuộc nó góp phần đẩy Thiên Chúa ra xa thế giới con người, làm vắng bóng hoà bình. Sự dửng dưng đối với Thiên Chúa ngày nay vượt quá phạm vi cá nhân lấn nhanh vào phạm vi đời sống công cộng xã hội.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói có một nối kết mật thiết giữa việc làm vinh danh Chúa với việc xây dựng hoà bình của con người trên trái đất này[2]. Bởi thế, nếu “không rộng mở ra với Đấng siêu việt, con người dễ trở thành mồi ngon cho chủ thuyết duy tương đối và rồi sẽ khó mà hành động theo công lý và dấn thân cho hoà bình”[3]. Trước một số hiện tượng gây hấn, xâm lấn của một số thế lực lớn áp đảo dân nước nhỏ, ta thấy lời cảnh báo của Đức Giáo hoàng Bênêđictô là tiên tri: “Lãng quên và khước từ Thiên Chúa dẫn đưa con người tới chỗ không thừa nhận luật lệ cao hơn mình nữa, và chỉ lấy mình làm quy tắc, và chúng đã tạo ra sự tàn ác và bạo lực vô chừng mực”[4].
Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở: “Trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, sự thờ ơ đối với tha nhân, con đẻ của sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, mang dáng vẻ của sự bất động và không dấn thân, chúng dưỡng nuôi việc kéo dài các tình trạng bất công và mất quân bình xã hội trầm trọng. Tới lượt mình, chúng có thể dẫn đưa tới các xung đột, hay trong mọi trường hợp, làm nảy sinh một bầu không khí bất mãn có nguy cơ, mau hay chậm, bùng nổ thành bạo lực và bất an”[5].
3. Liên đới: khởi đầu của Lòng Thương Xót
Kỷ niệm 50 năm sau Công đồng hai tài liệu Nostra Aetate và Gaudium et Spes diễn tả cách hùng hồn ý thức liên đới của Hội Thánh với thế giới.
Trong Tuyên ngôn Nostra Aetate Hội Thánh được mời gọi rộng mở cho việc đối thoại với các tôn giáo không Kitô.
Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, từ lúc “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, của người nghèo và nhất là của tất cả những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”[6], thì Hội Thánh đã ước mong thiết lập một cuộc đối thoại với gia đình nhân loại liên quan tới các vấn đề của thế giới, như dấu chỉ của tình liên đới và sự trìu mến tôn trọng[7].
Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sứ điệp gửi thế giới Ngày Hoà Bình Thế giới 2016: “Trong viễn tượng này, cùng với Năm Thánh Lòng Thương Xót tôi muốn mời gọi Hội Thánh cầu nguyện và hoạt động để mọi tín hữu Kitô có thể có một con tim chín muồi khiêm nhường và từ bi, có khả năng loan báo và làm chứng cho lòng thương xót, “tha thứ và cho đi”, rộng mở “cho những ai sống trong các vùng ngoại biên rải rác nhất của cuộc sống, mà thế giới hiện đại tạo ra một cách bi đát”, không “rơi vào sự dửng dưng coi thường, không rơi vào thái độ thói quen máy móc làm tê liệt tâm hồn và ngăn cản khám phá những sự mới mẻ, không rơi vào thái độ hoài nghi cay độc hủy diệt”[8].
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận:
1. Trong gia đình, trong khu xóm, làng xã, trường học, trong giáo xứ anh chị, đã và đang có những hoạt động gì để làm sạch môi sinh? Có những “điểm nóng” nào cần thúc đẩy, cổ võ kêu gọi mọi người cùng hợp tác hơn nữa để kiến tạo công lý và hoà bình?
2. Anh chị cảm thấy gì trước tiếng kêu gào của các nạn nhân trong thảm hoạ môi trường ô nhiễm, tiếng kêu thét của thiên nhiên bị tàn phá bởi dã tâm và sự ích kỷ của con người?
3. Anh chị hiểu như thế nào về nối kết giữa việc người Kitô hữu chúng ta sống Lòng Thương Xót và bổn phận xây dựng công lý và hoà bình?
––––––––––––––––––––––
1] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2016, 3
[2] Cf. ĐGH Bênêđictô XVI, Diễn văn trước ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, ngày 7.01.2013
[3] Ibid.
[4] ĐGH Bênêđictô XVI, Phát biểu ngày liên tôn cầu nguyện cho công lý và hoà bình tại Assisi ngày 27.10.2011.
[5] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2016, 4.
[6] CĐ Vatican II, Hch. Gaudium et Spes, 1.
[7] Ibid. 3.
[8] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới, 2; cf. Misericordiae vultus, 14-15.

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log