Thứ sáu, 22/11/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 08-2016

Cập nhật lúc 10:48 12/08/2016

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Chúng ta đang sống trong những tháng cuối cùng của “Năm Thánh Lòng Thương Xót” và “Phúc âm hoá đời sống xã hội.” Qua bản báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Ban Quản Gia (2013 -2016) sẽ trình Đại hội sắp tới, tôi được biết các Gia đình trong Cộng đoàn chúng ta đã tích cực sống tinh thần của Năm Lòng Thương Xót (xưng tội, rước lễ, đi hành hương …). Tuy nhiên, hình như việc sống “Năm Phúc  âm hoá đời sống xã hội” còn chưa được chú ý đến.
Chính vì thế,  trong tháng này, tôi muốn nhắc lại một vài điểm về Phúc âm hoá đời sống xã hội mà tôi đã thưa với anh chị em trong tờ Đồng Hành của tháng 01/2016.
Để có thể Phúc âm hoá đời sống xã hội, người tín hữu phải nhớ rằng “trong bất cứ lãnh vực trần thế nào, họ luôn phải để cho lương tâm Kitô hữu hướng dẫn, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể tách khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa” (Hiến chế Giáo hội, số 36). Một đàng, phải nhìn nhận rằng “thành đô trần thế, vì liên hệ đến các việc trần thế, nên được điều hành theo những nguyên tắc riêng của mình”; đàng khác, “phải loại bỏ chủ trương sai lầm muốn xây dựng xã hội mà không hề lưu tâm đến tôn giáo, để rồi chống lại và tiêu diệt quyền tự do tôn giáo của công dân” (Ibid., 36).
Để thực hiện đường hướng Phúc âm hóa đời sống xã hội, giáo dân đóng vai trò quan trọng nhất, vì tính trần thế là nét riêng biệt đặc thù của giáo dân, và “những phận vụ, sinh hoạt trần thế chính là lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ” (Hiến chếVui mừng và Hy vọng, số 43). Vì thế, “dù phải bận rộn với những công việc trần thế, người giáo dân vẫn có thể và phải thực thi công trình cao cả là Phúc âm hóa thế giới,” đến nỗi “như linh hồn ở trong thân xác thế nào, người Kitô hữu cũng ở giữa thế giới như vậy” (Hiến chế Giáo hội, số 35. 38).
Từ những hướng dẫn trên, anh chị em là những người hiện diện và làm việc trong mọi lãnh vực trần thế: gia đình, trường học, bệnh viện, công xưởng, kinh doanh…và chính ở đó, anh chị em được Thiên Chúa mời gọi “trở nên những nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng tá đời sống tỏa sáng đức tin, đức cậy, đức mến” (Ibid., 31). Để được như thế, người giáo dân phải thấm đẫm tinh thần Phúc Âm, “mang trong lòng mình những tâm tư của Chúa Giêsu” (Phil 2,5), để những tâm tư đó hướng dẫn phản ứng và cư xử của mình trong mọi hoàn cảnh. Phúc âm hóa bản thân luôn là khởi đầu cho những công việc khác.
Thưa anh chị em,
Phúc âm hóa đời sống xã hội là đòi hỏi của sứ vụ, nhưng cũng là một thách đố lớn cho chúng taNếu xem đây là dự án phải thực hiện xong trong một năm thì quả là bất khả thi, bởi lẽ yêu cầu thì quá lớn mà thời gian lại giới hạn. Có khi chỉ vừa nghe triển khai thì đã hết năm rồi. Cách cụ thể, bảo vệ môi sinh, an toàn giao thông, đồng hành với anh chị em di dân là những chuyện khó có thể hoàn thành trong một năm. Chính vì thế, cần phải đặt chủ đề này vào trong tầm nhìn tổng thể, để hiểu rằng sự sống đức tin không chỉ giới hạn trong nhà thờ nhưng còn được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày giữa lòng xã hội, hơn thế nữa, còn cố gắng làm cho đời sống xã hội mang chất Phúc âm nhiều hơn. Đó là hướng đi không của một năm nhưng của cả đời, làm nên những Kitô hữu dấn thân phục vụ trong tầm nhìn của Vương quốc Đức Kitô, vương quốc của sự thật và sự sống, yêu thương và an bình. Ngoài ra, khi chung ta muốn Phúc âm hóa xã hội, có thể chúng ta sẽ gặp những va chạm, kể cả chống đối, từ những anh chị em có những lối nhìn khác. Kể cả giữa người Công giáo với nhau, cũng có thể xảy ra những va chạm, vì tuy cùng một niềm tin nhưng lại khác nhau trong cách nhìn và đánh giá về một vấn đề nào đó.
Điều quan trọng đối với chúng ta là chọn thái độ đối thoại hơn là đối đầu: “Phải luôn nỗ lực dùng cách thức đối thoại chân thành để cùng nhau tìm hiểu vấn đề, bảo toàn tình yêu thương nhau và trên hết phải nhắm đến lợi ích chung” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 43). Thái độ ấy được thể hiện qua phương châm “yêu thương trong sự thật, sự thật trong yêu thương.” Cất lên tiếng nói của sự thật vì yêu thương chứ không vì hận thù và oán ghét. Thể hiện tình yêu thương trong sự thật chứ không vì đồng lõa với gian dối và lừa mị. Đó chính là lộ trình của Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN        
Is 66, 18-21; Dt 12,5 -7.11-13; Lc 13, 22 -30
Trong chuyện ngụ ngôn của Lafontaine có kể lại câu chuyện chạy đua của thỏ và rùa. Con thỏ rất nhanh chân, còn rùa thì bước đi không thể so bì được với ai. Thế mà kết cuộc rùa đã thắng thỏ. Rùa biết thân phận mình, nên cố hết sức, tận dụng hết khả năng của mình để vượt chặng đường qui định. Rùa vẫn biết khả năng thắng cuộc rất mong manh. Nhưng chính sự cần cù vượt khó: vượt qua sự mệt nhọc, vượt qua khả năng giới hạn của bản thân, vượt qua sự chê cười của đối phương. Chính những cố gắng đó đã đưa rùa đến chiến thắng. Còn thỏ, quá ỷ lại vào tài năng bản thân, nên cứ lo rong chơi thoải mái, tìm của ăn để thưởng thức. No nê rồi mà thỏ vẫn còn nhìn thấy rùa đang lê từng bước chân nặng nề chưa đi đến đâu. Thỏ mỉm cười ung dung đánh một giấc ngon lành. Khi chợt tỉnh dậy, thỏ không còn nhìn thấy rùa đâu nữa. Thỏ bèn tăng tốc, vận dụng hết khả năng mình có, khi nhìn thấy bóng dáng rùa từ xa, thì không còn kịp nữa, rùa đã đến nơi. Thỏ đành ôm hận mà quay trở về với thất bại.
Có tài năng, nhưng quá ỷ lại, không biết vận dụng, không biết cố gắng, thì cũng trở nên vô dụng. Còn biết cố gắng vượt khó, sẽ thành công.
Chúa Giêsu bảo các môn đệ và những người thời bấy giờ: "Hãy cố gắng vào qua cửa hẹp." Ngài bảo thế và Ngài đã làm gương. Ngài đã đi qua cửa hẹp của con đường Thập giá. Ngài đã đi qua cửa hẹp của sự vâng phục, vâng phục đến hy sinh mạng sống. Ngài đã đi qua cửa hẹp của sự nhục nhã, bị người đời khinh chê. Ngài đã vượt qua tất cả và đã chiến thắng để đem sự sống đến cho con người. Vì yêu thương mà Ngài đã kiên trì vượt qua những khó khăn trở ngại để chiến thắng. Mặc dù là Con Thiên Chúa, Ngài không ỷ lại, không tự hào, nhưng với tất cả sự khiêm nhường và nhẫn nhục, mang lại chiến thắng, chứng tỏ tình yêu thương của Ngài. Chính vì thế Ngài kêu gọi mọi người đi trên con đường chiến thắng đó.
Trong mọi thời đại loài người luôn đi tìm con đường sự sống. Biết bao người đã nhìn thấy được con đường nhưng họ vẫn đi tìm, vì con đường mà họ nhìn thấy không đúng như họ mong muốn, nên họ cứ mãi đi tìm, để rối đành ôm nỗi hận trong sự thất bại. Rất nhiều người không muốn đi trên con đường mà họ đã có được chiếc chìa khóa trên tay, họ không muốn mở cửa con đường, vì họ không muốn bước vào: nó chật hẹp quá, nó khó khăn quá và nhiều lúc không biết con đường đi đến đâu mới đạt được mục đích. Chiếc chìa khóa họ có trong tay trở nên vô dụng, vì không giúp gì được cho họ. Họ cũng đành ôm nỗi thất bại trong cuộc đua về đích.
Chúng ta, những người của thời đại mới, Chúa Giêsu cũng trao cho mỗi người chiếc chìa khóa của con đường sự sống: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp." Chúng ta đã nghe, đã biết rất nhiều. Chúng ta biết rất rõ con đường dẫn đến sự sống là con đường như thế nào. Nhưng chúng ta dễ mang tâm trạng của con thỏ trong cuộc đua với rùa.
Trước tiên vì quá ỷ lại vào sức khỏe. Chúng ta ngỡ rằng thời gian còn dài, nên cứ mặc tình tìm sự hưởng thụ cho thân xác mà một ngày kia nó sẽ bị tiêu hao, vậy mà nó vẫn được phục vụ hết sức chu đáo, nhiều khi quá mức cần thiết, để rồi bất chấp tất cả, bất chấp cả tiếng nói của lương tâm ngay chính, bất chấp cả tiếng nói của con tim yêu thương, bất chấp cả tiếng kêu than của sự bất công mà chúng ta đã gây nên. Chúng ta cũng ngỡ rằng, mình làm một số việc mà mình cho là đạo đức, những việc đó bảo đảm an toàn cho sự sống vĩnh cửu. Chính vì thế chúng ta cứ cho con người mình thoải mái trong lời nói, trong suy tư, trong những toan tính, và trong cách đối xử với người khác. Coi chừng chính những gì chúng ta ngỡ là đạo đức theo như mình muốn. Những gì chúng ta cho là bảo đảm, nó sẽ phản bội chúng ta. Giống như tài năng chạy nhanh của con thỏ đã phản bội nó vì sự ỷ lại và khinh dể kẻ khác. Không lẽ cuối cùng chúng ta sẽ lãnh nhận một câu nói phủ phàn: "Ta không biết các ngươi từ đâu tới."
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết tìm đúng con đường đi đến sự sống và can đảm bước đi cho đến cùng.
Lm. Gioan Lê Tiến Thiện
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị hiểu thế nào về câu trả lời của Đức Giêsu: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào …” ?
  2. Thánh Augustinô nói rằng: “Thiên Chúa dựng nên bạn không cần có bạn. Nhưng để cứu chuộc bạn, Ngài cần sự cộng tác của bạn.” Anh chị có muốn được cứu chuộc không? Xin chia sẻ những cách thế cộng tác với Chúa.
II. SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Đề tài 9. Lòng Thương xót: động lực của tân Phúc Âm hoá nền kinh tế chính trị
1. Đức ái thúc đẩy thăng tiến con người trong lĩnh vực kinh tế chính trị
Không có gì liên quan đến cộng đồng nhân loại mà nằm ngoài công cuộc Phúc-âm-hóa. Việc Loan báo Tin mừng sẽ thiếu sót nếu không xét tới các đòi hỏi liên tục của Tin Mừng đối với đời sống cá nhân và xã hội cụ thể của con người.[1] Giữa việc Loan báo Tin mừng và việc thăng tiến con người có những mối liên hệ sâu xa, “trong đó có mối liên hệ thuộc phạm vi thần học, vì chúng ta không thể tách rời bình diện sáng tạo với bình diện cứu chuộc. Bình diện cứu chuộc đụng chạm tới chính những tình huống bất công cụ thể cần phải đấu tranh và những tình huống công bằng cụ thể cần phải được khôi phục. Trong đó còn có mối liên hệ nổi bật thuộc phạm vi Tin Mừng, tức là phạm vi đức ái: làm sao có thể công bố điều răn mới mà không tìm cách thăng tiến con người một cách đích thực trong công lý và hòa bình?”[2] Bởi thế, Tình yêu – Lòng thương xót phải là động lực của công cuộc Phúc-âm-hóa mới cả trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, kinh tế-chính trị.
2. “Của Cêsar, trả về cho Cêsar. Của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa” (Mc 12, 16-17)
Đức Giêsu không chấp nhận đồng hóa Cêsar với Thiên Chúa, mà yêu cầu tách biệt Cêsar với Đấng Siêu Việt. Không thể đồng hóa hay lẫn lộn hai lĩnh vực, trái lại phải chu toàn một nghĩa vụ kép: Trả lại cho Cêsar những gì của Cêsar và trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài. Khi phân biệt như thế, Đức Giêsu cũng đồng thời công nhận sự hiện hữu và tính độc lập tương đối của thực tại trần thế. Nhà Nước và các thực tại trần thế có vai trò và ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực riêng của mình. Nhân danh công ích, Nhà Nước có quyền ban hành luật pháp, thu thuế và đòi hỏi công dân nghiêm chỉnh chấp hành.[3] Bên trên Nhà Nước vẫn còn một thẩm quyền khác đó là Thiên Chúa.[4] Nhà Nước không thể tiếm quyền hay đòi hỏi người công dân những gì mà họ chỉ phải trả lại cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhà Nước không thể chống lại quyền lợi của Thiên Chúa, cấm đoán việc thờ phượng Ngài hoặc đi ngược lại chương trình của Ngài.
 3. Lòng thương xót thúc đẩy dấn thân
Theo tinh thần nhập thế và Nhập thể của Đức Kitô, Hội Thánh Công giáo coi hành động dấn thân để xây dựng một xã hội phát triển, công bằng và nhân ái như thành phần của sứ vụ Loan báo Tin Mừng.[5] Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII khuyến khích người Kitô hữu tham gia vào sinh hoạt chính trị, cần phải hăng say thâm nhập vào cơ chế của cuộc sống, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị và hành động cách hữu hiệu trong đó.[6]
Trước những phức tạp của bối cảnh kinh tế ngày nay, người tín hữu giáo dân cần được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Huấn Quyền về xã hội trong hoạt động, trên hết là nguyên tắc con người phải là trọng tâm của mọi hoạt động kinh tế. “Các nhà kinh tế, những người làm việc trong lĩnh vực này và những nhà lãnh đạo chính trị phải ý thức được nhu cầu cấp bách là phải xem xét lại nền kinh tế, một mặt là xét đến sự nghèo túng bi thảm về vật chất của hàng tỉ người, và mặt khác, xét đến một sự thật là “các cơ cấu kinh tế, xã hội, văn hóa hiện nay không được trang bị đầy đủ để đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển chính đáng”[7]. Những tiêu chuẩn phải gợi hứng cho người giáo dân trong hoạt động chính trị của họ phải là: theo đuổi công ích trong tinh thần phục vụ, phát triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến những tình trạng đói nghèo và đau khổ, tôn trọng quyền tự trị của các thực tại trần thế, nguyên tắc bổ trợ, cổ vũ đối thoại và hòa bình trong tình liên đới.[8]
Sau cùng, cũng cần nhắc lại rằng sứ mạng của Đức Kitô, xuất phát tự Lòng Thương Xót, truyền lại cho Hội Thánh, không phải thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội, nhưng là mục tiêu Người trao cho Hội Thánh là mục tiêu tôn giáo. Nhưng sứ mạng tôn giáo này có thể là nguồn động lực đưa tới những dấn thân, đường hướng và sức sống để Hội Thánh tìm cách thiết lập và củng cố cộng đồng nhân loại cho đúng với luật Chúa.[9]
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
  1. Tại sao người Kitô hữu phải quan tâm đến đời sống chính trị-xã hội-kinh tế của đất nước, của thế giới?
  2. Cá nhân và cộng đoàn (gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận…) của anh chị đã và đang làm gì để loan báo Tin Mừng cách mới mẻ trong lĩnh vực xã hội, chính trị, nghề nghiệp, kinh tế?
  3. Anh chị có ý kiến gì cho Hội Thánh trong vùng, và Hội Thánh toàn cầu trong mối quan tâm đến các thực tại xã hội này?
 
 
 
 
 
––––––––––––––––––––
 [1] X. Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 29.
 [2] Ibid. 33.
 [3] Bất chấp kinh nghiệm đắng cay đối với nhà cầm quyền Do thái và Rôma,, thánh Phaolô vẫn khuyến khích các Kitô hữu tuân phục nhà cầm quyền, vì lý do lương tâm. Vì mọi quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. X. Rm 13,1-2.
 [4] Đức Giêsu nói với Philatô: “Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ông” (Ga 19, 9-11).
 [5] CĐ Vatican II, Gaudium et Spes, 1.
 [6] X. Gioan XXIII, Pacem in Terris 174.
 [7] Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 564.
 [8] Ibid.
 [9] X. Gaudium et Spes, 42.

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log