Lời chủ chăn tháng 7. 2017 Anh chị em thân mến trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa,
Lịch Công giáo năm Phụng Vụ 2017 của giáo phận nhà, trang đầu tháng 7 có ghi
“THÁNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng: Cầu cho các Kitô hữu lầm đường lạc lối. Xin cho anh chị em đang xa lìa đức tin, nhờ lời cầu nguyện và chứng tá Phúc Âm của chúng ta, có thể tái khám phá lòng thương xót rất cận kề của Chúa và vẻ đẹp của đời sống Kitô hữu.” Hưởng ứng theo ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng, trong bối cảnh thực hiện chương trình
Mục vụ gia đình của HĐGMVN đề nghị cho ba năm (2016 - 2019), trong tháng này chúng tôi xin cùng với anh chị em chăm chú đọc lại Thư chung 2016 (TC) và Thư HĐGMVN gửi các Gia Đình Công Giáo (TGĐ) với tâm tình cầu nguyện, từ đó tìm biết nguyên nhân những khó khăn thử thách của các gia đình ngày nay và tìm cách giúp đỡ cách riêng cho các Kitô hữu
lầm lỗi trong lãnh vực hôn nhân gia đình. Nhìn vào hiện tình trong các giáo xứ, HĐGMVN viết: “Chúng ta không thể phủ nhận thực tế này là tình trạng vợ chồng Công giáo
ly thân và ly dị đang có chiều hướng gia tăng, cách riêng nơi các gia đình trẻ;
bạo hành gia đình vẫn là điều nhức nhối; một số bạn trẻ sa đà vào lối sống
buông thả về mặt tình dục, chủ trương sống chung, sống thử trước hôn nhân;
tệ nạn phá thai lan tràn đến mức coi thường...” (TGĐ,3).
Nguyên nhân thứ nhất là những
khó khăn về mặt kinh tế và xã hội, trong giai đoạn đất nước chuyển từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, kéo theo
tình trạng di dân phổ biến khắp nơi tại Việt Nam, gây tác động tiêu cực trên đời sống gia đình: “Vì hoàn cảnh, chồng phải đi làm xa, để vợ và các con ở lại quê nhà; hoặc hai vợ chồng đi làm xa, để các con lại cho ông bà chăm sóc; hoặc cả gia đình đưa nhau lên thành phố, sống trong những khu lao động chật chội. Tất cả đều gây tác động cụ thể trên đời sống vợ chồng cũng như việc giáo dục con cái. Ngoài ra, tình trạng nghiện ngập (ma túy, rượu chè, cờ bạc) cũng như nạn bạo hành đang gieo rắc đau khổ trên biết bao gia đình, không những gây khó khăn cho đời sống kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp lên sự bình an và hạnh phúc của cả nhà” (TGĐ,5).
Nguyên nhân thứ hai là
tác động của văn hoá thời đại toàn cầu hoá ngày nay trên các gia đình, cách riêng những gia đình trẻ. “Đó là nền văn hoá
đề cao cá nhân đến mức cực đoan, ai cũng coi bản thân mình là nhất, từ đó dẫn đến xung đột giữa các thành viên và làm suy yếu những mối liên kết trong gia đình. Đó còn là nền văn hoá đề cao
lối sống hưởng thụ, chỉ muốn tiêu xài và thụ hưởng chứ không muốn nhận trách nhiệm. Nền văn hoá này
biến quan hệ tình dục thành món hàng mua vui, nhìn người khác như dụng cụ và phương tiện cho mình thoả mãn, chứ không phải một chủ thể để tôn trọng và yêu thương. Đó cũng là nền văn hoá chủ trương sống nhanh,
sống gấp, do đó người ta chỉ muốn những quan hệ mau qua mà không muốn cam kết lâu dài”(TGĐ,5).
Để ứng phó với những nguyên nhân trên, HĐGMVN đề nghị những giải pháp khắc phục cấp thời và nêu lên những định hướng thực hiện nhằm tương lai vững bền cho các gia đình (x.TGĐ,9):
1- Trước hết cần
đồng hành với những gia đình di dân: các cha xứ cần nắm bắt kịp thời
các gia đình sắp di đi khỏi giáo xứ mình để chuẩn bị cho họ hành trang về mặt đức tin, liệu cách giới thiệu họ cho cha xứ nơi họ sẽ di đến, để họ đỡ gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Còn giáo xứ nơi nhận
di dân đến phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ mới là nhà của họ, họ được nâng đỡ vượt qua những khó khăn thử thách, tin tưởng bước tới tương lai.
2-
Can đảm dứt khoát với hành động phá thai: Gia đình phải là nơi đón nhận và trân trọng sự sống, không ai và không điều gì có thể biện minh cho việc tước đoạt sự sống của các thai nhi. Với ơn Chúa, anh chị em hãy trở thành người xây dựng nền văn minh tình thương và văn hoá sự sống, thay cho nền văn hoá chết chóc.
3-
Đồng hành với những cặp hôn nhân khác đạo: để nâng đỡ người (vợ hoặc chồng) Công giáo trong đời sống đức tin. Tích cực hơn nữa, giúp họ có cơ may làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu đạo Chúa cho người bạn đời và anh em họ mạc.
4-
Đồng hành với những gia đình bị đổ vỡ: (x.TGĐ,10) Nhiều người rơi vào tình trạng ly thân và ly dị vì hoàn cảnh bất đắc dĩ chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế chúng ta cần cảm thông và đồng hành hơn là loại trừ họ, cách riêng
trong việc nuôi dạy con cái, vì trẻ thơ chính là thành phần chịu thiệt thòi nhiều nhất do những cuộc ly thân ly dị: “Chăm sóc cho những người như thế không làm suy yếu đức tin của cộng đoàn và việc làm chứng cho sự bất khả phân ly của hôn nhân, trái lại, chính trong sự chăm sóc này mà cộng đoàn thể hiện đức ái của mình” (
Niềm vui của tình yêu, 243).
Đó là những việc cấp thời cần làm để giúp “chữa cháy” cho các gia đình trong hoàn cảnh đã rồi. Tích cực hơn là phải “phòng cháy hơn chữa cháy.” HĐGMVN thiết tha mời gọi các gia đình và các giáo xứ lưu tâm hơn đến việc
giáo dục dự phòng cho giới trẻ, trang bị cho con em những kiến thức và đức tính nhân bản, các nhân đức luân lý Kitô giáo, để
phòng ngừa tác động của văn hoá thời đại toàn cầu hoá ngày nay ảnh hưởng tới hạnh phúc tương lai của các gia đình trẻ (x.TC,5; TGĐ,10), cụ thể như sau:
5- Cần xác tín
gia đình là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản. Giáo dục là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất, cũng là quyền ưu tiên của gia đình, nhất là về mặt nhân bản, đạo đức và đức tin tôn giáo.
6-
Gia đình là nơi trẻ thơ tập sống mối liên hệ với người khác, tập lắng nghe và tôn trọng tha nhân; nhờ đó, khi bước vào đời sống xã hội, các em sẽ
sống tử tế và hoà hợp với mọi người, thay cho lối sống ích kỷ và chỉ tìm cách thống trị người khác.
7- Trong thời đại ngày nay, các bậc cha mẹ không thể không lưu tâm đến việc sử dụng
các phương tiện truyền thông. Phải giúp con cái tập làm chủ những phương tiện này thay vì làm nô lệ của thế giới ảo đến nỗi xa rời thế giới thực, không quan tâm con người thực, ngay cả trong gia đình.
8-
Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân: Kết hôn là một quyết định rất quan trọng, vì thế cần được chuẩn bị chu đáo hết sức có thể. Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ
tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo, phải giúp cho các bạn trẻ thấy đích điểm không chỉ là ngày cưới mà là cả đời sống gia đình lâu dài sau này.
9-
Giáo dục đức tin là lãnh vực quan trọng nhất phải quan tâm. Có thể nói gia đình là nơi mỗi chúng ta khám phá ý nghĩa và cảm nhận vẻ đẹp của đức tin. Vì thế cha mẹ hãy tập cho con ngôn ngữ đức tin từ những việc nhỏ bé nhất như tập làm dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, hôn ảnh Chúa và Đức Mẹ,v.v… Hạt giống gieo xuống tuy nhỏ bé nhưng mai này sẽ thành cây to (x. Mt 13,31-32).
Lời khuyên nhủ chí tình của Đức Thánh Cha Phanxicô: “
Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (
Niềm vui của tình yêu, 318).
10- Cần khuyến khích con em
tham gia các lớp giáo lý và sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ, để đời sống đức tin nơi giới trẻ được phát triển cả chiều kích cá nhân lẫn chiều kích cộng đoàn. Những sinh hoạt này không những giúp con em chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết đức tin, mà còn làm phát triển nơi các em ý thức về Hội Thánh cũng như những kỹ năng sống trong xã hội.
Anh chị em thân mến, Cuối trang tâm thư này, chúng tôi xin được nhắc lại lời mời gọi trong Thư chung HĐGMVN gửi cộng đồng Dân Chúa ngảy 07 tháng 10 năm 2016:
“Xin anh chị em hãy coi mục vụ gia đình là thành phần chính yếu trong công tác mục vụ của mình, vì gia đình là con đường Hội Thánh phải đi và mọi chương trình mục vụ của Hội Thánh phải đi qua gia đình” (TC,6). Lời mời gọi đó chúng tôi không chỉ gửi tới các linh mục, mà còn tới các tu sĩ và giáo dân, cách riêng tới các gia đình công giáo. Chúng tôi biết rằng: để thực thi 10 điểm mà chúng tôi rút ra từ Thư chung gửi Công đồng Dân Chúa và Thư gửi các Gia đình Công giáo của HĐGMVN, như trình bày trên đây, mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận đều phải hy sinh rất nhiều. Chúng ta hãy nhìn lên
gương sáng các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mà chúng ta kính nhớ trong tháng 7 này. Các ngài đã hy sinh tới cả mạng sống để làm chứng cho Tin Mừng đạo Chúa trong hoàn cảnh thời đại đương thời của các ngài. Xin các Thánh bầu cử cho chúng ta, là con cháu mang dòng máu tử đạo, được hoàn thành nhiệm vụ làm chứng nhân cho Tin Mừng trong thời hiện đại này, bằng quyết tâm thắng vượt mọi thách đố, thực hiện cho tốt chương trình Mục vụ Gia đình 2016-2019 do HĐGMVN đề nghị.
Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho các giám mục chúng tôi được ơn Chúa Thánh Thần trợ lực để đồng hành với anh chị em thực hiện chương trình này.
Sơn Tây, ngày 29 tháng 6 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
An-phong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
Lá thư Đồng hành: Hoa trái tình yêu hôn nhân
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Khi Giáo hội nói đến “sinh con” và “dưỡng dục”, là Giáo hội muốn nhắc lại cho tất cả những ai đã, đang và sẽ sống bậc sống gia đình về một trong những bản chất của hôn nhân gia đình Công giáo. Một phần là để loại trừ quan niệm: cưới vợ về để bầu bạn kết nghĩa anh em, để người vợ chỉ là một người nội trợ và phục dịch trong gia đình không hơn không kém. Mặt khác, Giáo hội muốn nhắc lại giao ước hôn nhân mà chính vợ chồng đã thề hứa, và là một nhiệm vụ. Đồng thời việc sinh con là dấu chỉ cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng như Lời Chúa đã phán: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1, 28a), qua đó mà tỏ lòng thần phục suy tôn, và dâng lời ca ngợi, chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa.
Ngôn sứ Giêrêmia ( 626-586) đã nói rằng: “Trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hiến ngươi” (Gr 1, 5). Đức Thánh cha Phanxicô đã kết luận theo lý chứng Thần học và Niềm tin: “Một đứa trẻ tượng hình trong dạ mẹ là thuộc kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa Cha và tình yêu vĩnh cửu của Ngài…mỗi đứa trẻ tự muôn đời đã có một chỗ ở trong trái tim Thiên Chúa, và vào chính lúc nó được thụ thai là lúc giấc mơ vĩnh cửu của Đấng Tạo Hóa trở thành hiện thực” (Amoris laetitia, 168).
Trở lại với cuộc sống ngày hôm nay, có rất nhiều quan niệm để bảo vệ cho sự ích kỷ của con người. Con người thường chạy theo chủ thuyết “kế hoạch hóa gia đình”, phải chăng con người đang chạy trốn một thực tại mà chính mình không làm chủ được. Một là để thỏa mãn dục vọng về thể xác. Hai là vì nhiều lý do đa phức: chẳng hạn vì kinh tế gia đình, vì tìm người con được sinh ra phải hợp tuổi với cha mẹ mới làm ăn phát đạt, hoặc vì những lý do nào đó… Như thế, vợ chồng thiếu khả năng tự chủ kiểm soát về bản năng và dục vọng mà dẫn đưa đến tình trạng mất kiểm soát về ý thức mà sinh ra sự ích kỷ, thiếu trách nhiệm và nhiệm vụ bảo vệ sự sống. Do đó các đôi bạn cần phải học biết trân trọng những chọn lựa phù hợp nhất dựa trên cơ sở thiện ích của chính mình và con cái mình, những đứa con đã sinh ra lẫn những đứa con dự kiến sẽ sinh ra, dựa trên hoàn cảnh sống phù hợp về thời gian và điều kiện vật chất và tinh thần của đôi bạn.
Cầu chúc các đôi bạn và những người đã làm cha làm mẹ cố gắng để có những quyết định phù hợp đúng lúc, tìm kiếm chân thành những gì tình yêu Chúa đang mong đợi ở họ.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
Dcr 9, 9-10; Rm 8, 9. 11-13; Mt 11, 25-30
Có một anh chồng chịu không nổi vợ, Anh ta đã thuê ba tên chuyên môn sát nhân để thủ tiêu vợ. Anh bị bắt và điều tra. Anh đáp: “Nó cằn nhằn tôi suốt ngày, làm cho đời tôi thành địa ngục.” Biết bao kẻ phạm tội ác như thế, chỉ vì không sống hiền lành và khiêm nhường. Chị vợ nóng nảy gắt gỏng đã biến gia đình thành địa ngục, đã biến anh chồng thành kẻ sát nhân. Vua Salômon đã nói: “Thà phải sống trong lẫm lúa nóng hừng hực còn hơn là sống trong ngôi nhà xinh đẹp với một bà vợ gắt gỏng” (Carnegie, Giúp chồng thành công, Nguyễn Hiến Lê dịch, tr. 128).
Nhiều gia đình không đến nỗi khủng khiếp như thế; nhưng cũng chất đầy những đau khổ để giết nhau dần dần bằng lối sống bẳn gắt, từ giận chửi nhau đến đánh nhau. Hết chiến tranh nóng lại tới chiến tranh lạnh, buồn bực, âm ỉ, mặt nặng mặt nhẹ, rêu rao bêu xấu, thù vặt. Muốn sống bình an thật sự, muốn được sống êm ấm, an vui, phải sống theo lời Chúa mời gọi: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ mát bồi dưỡng” (Mt 11, 29).
Học cùng Đức Giêsu hiền hậu và khiêm nhường như thế nào?
Sự hiền hậu của Đức Giêsu không phải là đi tìm sự thỏa hiệp với thế gian. Ngài không im lặng trước sự dữ. Ngài đã từng lên án gắt gao thói giả hình và gian tà của những người biệt phái. Ngài đã từng xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ. Chính vì những điều Đức Giêsu làm, những lời Ngài nói đã ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của các biệt phái mà người ta tìm cách giết Ngài.
Sự hiền hậu của Đức Giêsu là vì công lý mà chịu nhiều thiệt thòi. Vì sự thật mà phải chết nhục nhã trên cây thập giá, nhưng Ngài không chống cự, và còn xin cùng Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 34). Ngài đấu tranh nhưng bất bạo động, vì “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm.” Trong tám mối phúc, có mối phúc mà Ngài chúc phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Như thế, hiền lành ở đây là sống thật và làm chứng cho sự thật. Không thỏa hiệp với sự gian dối, lừa lọc.
Sự hiền hậu của Đức Giêsu còn hệ tại ở sự cảm thông với lỗi lầm của người khác. Không thành kiến đối với những người bị xã hội ruồng bỏ. Ngài yêu thương họ. Ngài đến để đối thoại với họ. Ngài mở cho họ một con đường mới. Ngài giúp họ làm lại cuộc đời như bà Madalena, như ông Giakêu, như người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình …
Sự hiền hậu thường đi song song với sự khiêm nhường. Hiền hậu để tha nhân dễ gần ta và khiêm nhường để ta dễ hòa đồng với tha nhân. Tuy hai nhưng là một mục đích. Tạo cơ hội cho ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Người kiêu căng thường phân loại để chơi. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Người hiền hậu ai cũng muốn tới gần. Kẻ gian ác ai cũng chạy xa. Đức Giêsu hiền hậu và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài luôn có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người từ em bé đến người già. Từ người giầu có đến người nghèo khó. Từ người công chính đến tội lỗi.
Chân phước Clément Hofbauer đã nêu cao gương hiền hậu và khiêm nhường ấy một cách tuyệt vời. Vào khoảng năm 1800, ngài đi vào một quán ăn tại Varsovia để xin những thực khách tại đây giúp cho các trẻ mồ côi mà ngài đang coi sóc.
Một thực khách, đang chơi bài, nhổ nước bọt vào mặt ngài. Vị linh mục thánh thiện nầy vừa chùi má, vừa nói: “Thưa ông, đây là phần ông cho tôi; bây giờ, xin ông cho các em mồ côi một chút gì đi.” Ông đánh bạc này quá xúc động, lấy tất cả tiền đánh bạc của mình ra và cho ngài. Vài ngày sau, ông nầy tìm đến ngài để xin xưng thú tội lỗi.
Hóa ra sự hiền hậu có thể hóa giải lòng người. Sự hiền hậu thể hiện sự bản lĩnh của người mạnh. Sự hiền hậu giúp cho con người sống nhường nhịn lẫn nhau, tha thứ cho nhau và cùng nhau xây dựng một xã hội đầy yêu thương.
Ước gì sự hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu luôn là mẫu mực để mỗi người chúng ta noi theo. Xin cho chúng ta luôn là chứng nhân cho lòng nhân hậu của Chúa giữa một thế giới còn đầy hận thù hôm nay.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Theo anh chị thế nào là hiền hậu?
- Theo anh chị thế nào là khiêm nhường?
- “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Hẳn hai nhân đức này quý giá đặc biệt, nên Đức Giêsu mới tự mô tả mình như thế. Anh chị có như vậy không? Anh chị có cần học thêm gì từ hai nhân đức này của Đức Giêsu?
- Một hôm Sói hỏi Sóc: “Vì sao mà họ nhà Sóc của mi suốt ngày cứ nhảy nhót, còn bọn Sói chúng ta lại luôn buồn sầu?” Sóc trả lời: “Ông buồn vì ông ác! Tính độc ác đã bóp nghẹt tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi hiền lành và không làm điều gì ác cho một ai” (Tolstoi). Anh chị nghĩ sao về mẩu đối thoại này?
II. TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Dự vào Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia) và những gợi ý Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong năm 2017, trong tháng 7 này xin anh chị em cùng chia sẻ về chủ đề: Kitô hữu sống đời hôn nhân và Gia đình.
Giáo luật điều 1134: “Từ cuộc hôn nhân thành sự giữa những người phối ngẫu nảy sinh một mối dây liên kết vĩnh viễn và độc hữu tự bản chất; ngoài ra, trong hôn nhân Kitô giáo, những người phối ngẫu được củng cố và như được thánh hiến do một bí tích đặc biệt để chu toàn nghĩa vụ và nâng cao phẩm giá bậc sống của mình.” Cho nên, do cuộc hôn nhân thành sự và do một bí tích đặc biệt, những người phối ngẫu Kitô giáo phải sống đời hôn nhân.
Sống đời hôn nhân trong Kitô giáo đòi hỏi: tính duy nhất và tính bất khả phân ly, sự chung thủy và sẵn sàng đón nhận con cái. Chấp nhận những đòi hỏi trên để sống đời hôn nhân. Nhưng làm thế nào để đời sống hôn nhân được bền vững kéo dài suốt cuộc đời? Có nhiều ý kiến cho rằng sự khác biệt và đa dạng về văn hóa, giáo dục, niềm tin, sẽ làm cho đời sống hôn nhân thêm phong phú. Điều đó cũng đúng, nhưng với điều kiện là phải cùng nhau chấp nhận và xây dựng nó. Có ý kiến khác dễ chấp nhận hơn cho rằng cùng có chung một nền văn hóa, giáo dục và đức tin và đặc biệt là có những mục tiêu chung: sống chung là một sự lựa chọn, làm cho người phối ngẫu được hạnh phúc.
Dĩ nhiên, đời sống nào cũng khó, đời sống hôn nhân cũng không dễ. Những khác biệt có thể dẫn đến những tranh luận, cãi nhau…. Điều làm cho đời sống hôn nhân được bền vững đó là biết cần nhau, cần cho, cần tha thứ, cần yêu thương và cần nhận biết nhau vì “cả hai nên một thân thể” (St 2, 24). Chấp nhận người khác cần phải hết sức là kiên nhẫn, cần chia sẻ, đối thoại mà không nản lòng, nản chí. Sau cùng phải nói đến tình yêu, bởi vì tình yêu là yếu tố chính làm cho đời sống hôn nhân bền vững. Tình yêu là cố gắng nhìn người khác như Chúa nhìn: Chúa không nhỏ mọn, vạch lá tìm sâu, nhưng luôn luôn tha thứ, chia sẻ, và yêu thương, Chúa chú ý, ưu ái và có sự kính trọng đối với từng người. Noi gương Chúa để sống đời hôn nhân, nhờ đó mà có thể kéo dài đời sống hôn nhân, kéo dài mãi mãi.
Cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho tất cả các gia đình Kitô giáo luôn quan tâm và học hỏi giáo lý của Chúa để càng ngày các gia đình Kitô giáo càng hoàn thiện đời sống hôn nhân của mình.
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá