Đồng Hành Khôi Bình Tháng 08.2017
Cập nhật lúc 20:56 03/08/2017
HĐGMVN nhấn mạnh (điểm 9) Giáo dục đức tin là lãnh vực quan trọng nhất phải quan tâm: “Có thể nói gia đình là nơi mỗi chúng ta khám phá ý nghĩa và cảm nhận vẻ đẹp của đức tin. Vì thế cha mẹ hãy tập cho con ngôn ngữ đức tin từ những việc nhỏ bé nhất như tập làm dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, v.v…”
Lời chủ chăn tháng 8. 2017
Anh chị em thân mến trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa,
Tháng 8 này chúng tôi xin được tiếp tục cùng với anh chị em triển khai đề tài Mục vụ Hôn nhân Gia đình. Trong thư tháng 7 vừa qua chúng tôi đã tóm tắt thành 10 điểm HĐGMVN đề nghị thực hiện, trong đó 4 điểm là những giải pháp khắc phục cấp thời cho các gia đình trước những thách đố của thời đại, còn 6 điểm sau là định hướng HĐGMVN mời gọi các gia đình và các giáo xứ thực hiện việc giáo dục dự phòng cho giới trẻ, nhằm tương lai vững bền cho các gia đình trẻ (x.TC,5; TGĐ,10). HĐGMVN nhấn mạnh (điểm 9) Giáo dục đức tin là lãnh vực quan trọng nhất phải quan tâm: “Có thể nói gia đình là nơi mỗi chúng ta khám phá ý nghĩa và cảm nhận vẻ đẹp của đức tin. Vì thế cha mẹ hãy tập cho con ngôn ngữ đức tin từ những việc nhỏ bé nhất như tập làm dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, v.v…” Trong lá thư này chúng tôi xin được cùng chia sẻ cách riêng với anh chị em về lãnh vực Giáo dục đức tin trong đó Lời Chúa là yếu tố then chốt.
Một điều trùng hợp rất có ý nghĩa đó là từ ngày 17 đến 23 tháng Bảy 2017 vừa qua, Hiệp hội Kinh Thánh Đông Nam Á (CBF-SEA) thuộc Liên hiệp Kinh Thánh toàn cầu (CBF) đã khai mạc Hội nghị Kinh Thánh tại giáo phận Nha Trang với chủ đề “Biến đổi gia đình qua sức mạnh của Lời Chúa” (x. giaophannhatrang.org). Đặc biệt có 3 gia đình công giáo ở Nha Trang và Sài Gòn cũng hiện diện tại Hội nghị để làm chứng về tác động tích cực của Lời Chúa trong đời sống gia đình.
Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ khai mạc Hội nghị, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký HĐGMVN, đã nói về Giáo hội luôn tìm cách thực thi sứ vụ của mình trong thế giới, đưa niềm vui Tin Mừng vào mọi nơi, mọi thành phần của xã hội, làm cho Lời Chúa nhập thể trong thế giới loài người, vào ngôn ngữ, văn hoá, bối cảnh xã hội, đem Lời Chúa vào trong tâm hồn, cũng như lối sống của mỗi gia đình.
Cuối lễ, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, chia sẻ tâm tình với các tham dự viên Hội nghị, đại ý: Lời nói là phương tiện chuyển tải ý tưởng và tình cảm của chúng ta vào trí khôn vào tâm lòng của người khác, còn Lời Chúa là cách thế để chân lý và tình thương của Thiên Chúa chạm đến trí khôn và tâm lòng chúng ta. Lời nói của chúng ta có thể tác động mạnh mẽ, nhưng Lời Chúa thì luôn luôn là một uy quyền biến đổi mang ơn cứu độ cho nhân loại và củng cố sự hợp nhất trong đời sống gia đình.
Trong khi chờ đợi cập nhật thêm thông tin về những chứng từ sống động “Biến đổi gia đình qua sức mạnh của Lời Chúa” qua Hội nghị Kinh Thánh tại giáo phận Nha Trang nói trên, ta cùng nhau học tập và thực hiện giáo huấn chính truyền của Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa: Dei Verbum (DV).
Trong số 21, hiến chế DV viết: “Toàn thể việc rao giảng trong Giáo Hội cũng như chính nếp sống đạo của người Kitô hữu phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn. Quả thật, trong các Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo Hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo Hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng. Bởi thế, lời nói sau đây hoàn toàn đúng về Thánh Kinh: “Quả thật, Lời Thiên Chúa luôn sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), “có năng lực xây dựng và ban phần gia nghiệp cho tất cả những người đã được thánh hóa” (Cv 20,32).
Theo lời Thánh Công đồng dạy trên đây, để đạt mục đích giáo dục Đức tin cho gia đình, chúng ta phải tạo điều kiện để mỗi thành viên của gia đình được tiếp cận với Lời Chúa. Thiết tưởng không có cách nào thuận lợi hơn để đem Lời Chúa vào gia đình là đọc Thánh Kinh trong giờ kinh nguyện chung của gia đình mỗi ngày. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên mỗi gia đình công giáo có cuốn Thánh Kinh hay ít nhất cuốn Tin Mừng trong nhà và mở ra đọc mỗi ngày trong giờ kinh nguyện. Ngài nói: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương…” (Niềm vui của Tình yêu, 318). Trong bầu khí cầu nguyện như thế tâm hồn ta tiếp nhận Lời Chúa cách hữu hiệu nhất, và hoàn toàn phù hợp với lời giáo huấn của Thánh Công Đồng: “Kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các lời Người tuyên phán”(DV 25).
Sau nữa, để việc đọc Thánh Kinh trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, mỗi người phải đọc từng trích đoạn Thánh Kinh, không phải như đọc một văn bản pháp luật hoặc như một bài miêu tả tường thuật sự kiện khách quan nào đó không liên hệ trực tiếp tới cá nhân mình, nhưng phải đọc trích đoạn đó với tính chất thực là Lời Chúa nói với chính cá nhân mình, như là “bức tâm thư Thiên Chúa ưu ái gửi cho chính mình”, ngay trong hoàn cảnh thực tế hiện sinh của mình. Với cách đọc Thánh Kinh như thế, mỗi người sẽ dần dần cảm nhận được “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”, “Lời Chúa sắc bén như gươm hai lưỡi, dĩ chí chia sẻ tâm linh” có sức mạnh sửa dạy, biến đổi, mang ơn cứu độ đến cho từng cá nhân và gia đình.
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi tin chắc rằng mỗi gia đình trong toàn thể giáo phận đều đã sẵn có cuốn Thánh Kinh, ít là cuốn Tin Mừng Tân Ước. Chúng tôi chân thành mong ước các gia đình từ đầu tháng này bắt đầu thực hiện đọc Lời Chúa trong giờ kinh nguyện chung cả gia đình hằng ngày, và ngay trong năm Mục vụ Gia đình này cảm nhận được tác động tích cực của Lời Chúa trong đời sống gia đình của mình. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho các giám mục chúng tôi được ơn Chúa giúp để đồng hành cùng toàn thể các gia đình trong giáo phận trong chương trình thực hiện dự phóng “Biến đổi gia đình qua sức mạnh của Lời Chúa”, như Hiệp hội Kinh Thánh Đông Nam Á đã đề ra trong Hội nghị tổ chức tại giáo phận Nha Trang tháng 7/2017 vừa qua. Sơn Tây, ngày 30 tháng 7 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
An-phong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
Lá thư Đồng hành: Nên thánh
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo dạy cho biết: “Đức Kitô đã muốn được sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh không là gì khác hơn là “gia đình của Thiên Chúa”” (GLHTCG. 1655). Gia đình thánh của thánh Giuse và Mẹ Maria, trong đó thánh Giuse và Mẹ Maria giúp đỡ nhau sống và vâng giữ điều luật của của Tôn giáo mà hai ông bà đã gia nhập, đồng thời, hai ông bà cũng làm gương, khuyến khích trẻ Giêsu sống cuộc sống thánh thiện trước mặt Thiên Chúa và trước mặt con người. Gia đình là một môi trường thích hợp để mọi thành viên trở nên thánh.
Gia đình là một Hội thánh tại gia lưu truyền đức tin Kitô giáo. Cha mẹ làm gương cho con cái về cách sống Lời Chúa, sống bác ái, sống tha thứ…. Gia đình tạo nên một khung cảnh, một nơi chốn để cầu nguyện, để đọc một vài đoạn Tin mừng hằng ngày, đọc kinh trước và sau khi ăn cơm, đọc kinh trước khi đi ngủ…Cũng như cha mẹ truyền dạy cho con cái và anh chị truyền dạy cho các em của mình những giá trị nhân bản thế nào thì họ cũng phải biết truyền dạy những giá trị đạo đức Kitô giáo cho con cháu mình như vậy. Cho nên Công đồng Vaticanô II gọi gia đình là “Hội thánh tại gia là rất chính xác.
Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng cũng có một lập luận tương tự: “Hôn nhân Kitô giáo, phản ánh sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, được thực hiện một cách trọn vẹn trong sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, … họ được thánh hiến bởi bí tích trao ban ân sủng để xây dựng một Hội Thánh tại gia và men của sự sống mới cho xã hội” (Amoris Laetitiae 292).
Xin Chúa ban ơn trợ giúp cho tất cả các gia đình trong Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hoá luôn quan tâm và học hỏi giáo lý của Chúa để càng ngày các gia đình càng hoàn thiện đời sống hôn nhân của mình: Mỗi thành viên trong gia đình là một vị thánh là lý tưởng mà chúng ta mơ ước.
Trung kiên với Khôi Bình, Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
1V 19, 9. 11-13; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-36
Hiểu theo nghĩa đen, câu chuyện thánh Phêrô định đi trên mặt nước có lẽ chẳng liên quan gì đến chúng ta. Nhưng hiểu theo nghĩa tượng trưng thì câu chuyện có liên quan rất nhiều đến chúng ta hôm nay.
"Bước đi trên mặt nước" tượng trưng cho một điều gì đó mà tự sức mình, con người không thể làm được. Có rất nhiều tình huống khiến chúng ta cảm thấy mình yếu đuối và bất lực. Không lúc này thì lúc khác, mỗi một môn đệ Đức Giêsu đều phải đối diện với những hoàn cảnh hết sức thử thách, với những quyết định hết sức khó khăn, với những nỗi buồn chán thật ê chề và với những cơn cám dỗ thật mãnh liệt. Đó chính là lúc chúng ta được mời gọi để "bước đi trên mặt nước." Sau đây là vài ví dụ về những trường hợp mà người Kitô hữu ngày nay có thể gặp phải.
Một chàng sinh viên sống xa nhà. Một sáng Chủ nhật trời lạnh giá, anh cuộn mình trong chăn ấm nệm êm. Anh có nên rời khỏi giường để đi dâng lễ hay không? Anh biết anh sẽ bị bạn bè nhạo cười vì họ chỉ tham dự Thánh lễ trên gường thôi. Liệu anh có nghe theo lời nói dịu dàng của Chúa đang mời gọi anh “bước đi trên mặt nước” của sự nhạo báng để đi đến nhà thờ và lắng nghe Lời Chúa hay không?
Một cô gái còn độc thân và đang mang thai. Cô biết rằng khi sự việc bại lộ, cô sẽ ngập chìm vào cơn bão những lời la mắng của cha mẹ và những lời đàm tiếu của hàng xóm. Cô được bạn bè đề nghị một giải pháp để cứu gỡ, đó là âm thầm phá thai. Không một ai sẽ hay biết chuyện này. Nhưng rồi cô nghe lời mời gọi của Đức Kitô bảo cô rằng phá thai là giết người. Cô có đủ can đảm để lắng nghe lời mời gọi đó hay không?
Một bà mẹ trẻ với hai đứa con thơ. Chồng cô bỗng dưng bỏ cô để đi theo một phụ nữ khác. Cô cảm thấy bị xúc phạm, bị phản bội, cô cảm thấy cô đơn và oán hận. Thế rồi cô nghe lời Đức Kitô mời gọi cô hãy sống phó thác. Cô có đủ can đảm tin cậy vào lời Đức Kitô để “bước đi trên mặt nước” dập dờn đó chăng?
Một viên cảnh sát được một gã buôn ma tuý đút lót cho anh một số tiền lớn để anh bỏ qua phi vụ làm ăn của hắn. Quả là một cám dỗ lớn. Nhưng rồi anh nghe tiếng Đức Kitô nói: "Đừng có mà tham nhũng." Anh có đủ can đảm để “bước đi trên mặt nước” đầy hôi thối và nhớp nhơ đó không?
Một người thầu xây dựng thường xuyên xa nhà. Một đêm nọ, anh gặp một phụ nữ rất quyến rũ. Gần đây vợ chồng anh không được đầm ấm lắm. Dẫu anh không trung tín với vợ thì ai mà biết được. Anh có đủ sức mạnh để “bước đi trên mặt nước” của sự trung tín theo lời mời gọi của Đức Kitô, Đấng bảo với anh rằng ngoại tình là điều sai trái hay không?
Chúng ta có thể đan cử thêm nhiều ví dụ khác, nhưng tôi cho rằng điểm chính đã được nêu bật. Trong cuộc sống, không lúc này thì lúc khác, mọi người đều phải đối diện với những hoàn cảnh đầy thử thách. Chính những lúc đó, Thiên Chúa mời gọi chúng ta "bước đi trên mặt nước.” Nhưng đồng thời, Người cũng chìa tay ra nâng đỡ chúng ta. Những lúc như thế, chúng ta có thể múc lấy can đảm từ câu chuyện của thánh Phêrô hôm nay. Thánh Phêrô đại diện cho loại môn đệ bị giằng co giữa niềm tin và sự ngờ vực. Ngài mau mắn vâng theo Chúa Giêsu, nhưng ngay khi thấy gió thổi, nghĩa là gặp bách hại, đức tin của ngài liền chao đảo. Lời Chúa Giêsu khiển trách: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" cũng nhắm đến chúng ta hôm nay nữa. Như thánh Phêrô, chúng ta thường khởi sự rất hăng say nhưng khi gặp khó khăn, thử thách là chúng ta nhụt chí ngay.
Chúng ta không chỉ đấu tranh với những trở ngại bên ngoài, mà còn phải đấu tranh với những trở ngại bên trong nữa. Nói một cách nào đó, đời sống mỗi Kitô hữu là một cuộc hành trình "bước đi trên mặt nước", nghĩa là bước đi trong đức tin vì họ chỉ cậy dựa vào lời Đức Kitô. Nhiều lần chúng ta được mời gọi mau mắn sống theo lời của Người. Chúa Giêsu không phải là một bóng ma thuộc về quá khứ. Người là Con Thiên Chúa, Đấng đang sống giữa chúng ta.
Một ngày nào đó, chúng ta phải rời bỏ con thuyền dương thế này, con thuyền đã mang chúng ta vượt qua những cơn bão táp trên biển thế gian, và vượt qua vùng biển u tối của sự chết. Nếu trong những giây phút cam go thử thách của cuộc sống, chúng ta đã chọn Chúa Giêsu, thì vào giờ phút lâm tử, hẳn nhiên chúng ta sẽ hướng về Người, nắm lấy bàn tay Người để Người dẫn đưa chúng ta đến bến bờ vĩnh cửu.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ: - Khi gặp thử thách trong cuộc sống, anh chị có thái độ nào?
- Anh chị có hốt hoảng như thánh Phêrô khi anh chị hoài nghi tình thương và quyền năng của Chúa hay không?
- Anh chị có buồn phiền trách Chúa khi gặp thất bại trong cuộc đời hay không?
II. TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Dự vào Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia) và những gợi ý Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong năm 2017, trong tháng 8 này xin anh chị em cùng chia sẻ về chủ đề: Bất khả phân ly
Chúng ta nhận nhau làm vợ chồng để nâng đỡ nhau mọi ngày trong suốt đời chúng ta. Sau thánh lễ Hôn phối, đôi vợ chồng sẽ xây dựng một mái ấm, đôi vợ chồng tìm cách yêu thương nhau ngày càng nhiều hơn và họ dõi theo gương Chúa Kitô, Ngài là Đấng đã yêu thương con người đến chết trên thập giá.
Việc Thiên Chúa giữ lời cam kết cứu độ con người, không bỏ con người, và Chúa giữ lời cam kết với con người cho đến cùng, bằng cái chết của chính con mình trên thánh giá là một ví dụ để chúng ta và đặc biệt là các người phối ngẫu phải noi theo. Hôn nhân là một giao ước liên minh, phỏng theo hình ảnh sự kết hợp của Thiên Chúa với nhân loại và của Chúa Kitô với Giáo hội. Theo hình ảnh của Chúa Kitô đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, cho đến phú sự sống mình, các người phối ngẫu cũng phải thương yêu nhau suốt đời mình.
Bất khả phân ly của Hôn nhân là một mối dây thiêng liêng, trong đó Thiên Chúa đã khởi đầu, con người không thể phá hủy. Mối dây thiêng liêng này được ban cho chúng ta để hỗ trợ sự chung thủy của vợ chồng: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6).
Kéo dài cuộc sống hôn nhân mãi mãi, đó là một niềm hy vọng. Nhưng cũng có thể nghĩ rằng dám chia sẻ cuộc sống của mình với ai đó, là đánh cược với nhau vào tương lai. Thật vậy, đời sống hôn nhân là một thách thức lớn, là một gánh nặng cho đời sống vợ chồng. Các người phối ngẫu đầy những giới hạn. Đôi khi cũng có những va chạm, những hiểu lầm, từ đó có thể sinh ra những sứt mẻ. Có những sứt mẻ có thể hàn gắn, nhưng cũng có những sứt mẻ gây nên sự mất mát làm tan rã gia đình. Nhưng “nếu cặp vợ chồng nào có thể nghĩ ra được một dự án sống chung lâu dài, họ vẫn có thể yêu thương nhau và sống với nhau như một, vui hưởng sự thân mật phong phú, cho tới lúc sự chết phân rẽ họ” (Amoris Laetitiae 163).
Cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho tất cả các gia đình sống cuộc sống gia đình đã chọn một cách chân thành mang lại nhiều hoa thơm trái ngọt và càng ngày càng hoàn thiện đời sống hôn nhân của mình.
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá