Thứ ba, 28/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình Tháng 05.2018

Cập nhật lúc 22:25 04/05/2018

Lời Chủ Chăn Tháng 05.2018:  Sống Tháng Hoa Với Mẹ Maria
 
Kính thưa cộng đoàn dân Chúa Giáo phận, Tháng Hoa lại về với chúng ta. Do lòng yêu mến Đức Mẹ, mọi giáo xứ đều tổ chức dâng hoa, có nơi rầm rộ cả trăm “con hoa”, các hiền mẫu lớn tuổi cũng không ngần ngại tham gia. Đây là một trong những việc đạo đức bình dân được mọi nơi mọi người trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta đừng dừng lại ở việc dâng hoa lên Đức Mẹ mà thôi, dẫu cho hoành tráng đi nữa, mà còn phải noi gương nhân đức của Mẹ như lời Công đồng Vatican II khuyên như sau: “Lòng tôn sùng (Đức Mẹ) chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Ðức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, chương VIII, số 67).   Trong tháng Hoa của năm đồng hành với các gia đình trẻ, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria trong Tin Mừng, xin học một bài học của Mẹ thôi, để sống gia đình Công giáo của mình cách tốt đẹp, thánh thiện hơn. 1. Tin Mừng Luca thuật lại: “Đức Maria ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19). Đó là thái độ của Mẹ trước những biến cố xảy đến, bất luận vui hay buồn, mừng hay lo. Mẹ suy niệm trong lòng để tìm cho ra thánh ý Chúa và vâng theo. Chúng ta đan cử vài sự kiện điển hình: Trong biến cố Truyền Tin, khi nhận ra thánh ý Chúa thì Mẹ thưa “Xin Vâng” ngay! Biến cố Chúa giáng sinh đầy ắp các sự kiện, Mẹ ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Sau này, khi Chúa Giêsu đi loan báo Tin Mừng, từ xa Mẹ chăm chú dõi theo việc làm và lời giảng của Chúa để suy niệm. Lúc Chúa chịu đóng đinh, Mẹ đứng cạnh thánh giá, suy niệm mầu nhiệm cứu độ và hiệp thông với Chúa. Gương của Đức Mẹ mời gọi anh chị em, trong mọi biến cố “vui”, “thương” hay “mừng”, đen tối hay tươi “sáng” của cuộc sống hôn nhân và gia đình, biết xử sự như Đức Mẹ là ghi nhớ và suy niệm trong lòng hầu nhận ra thánh ý Chúa muốn anh chị em xử sự thế nào và làm theo. Chắc chắn trong cuộc sống chung, vợ chồng khó tránh khỏi những lúc hiểu lầm, cơm không lành canh không ngọt, dẫn đến xích mích cãi vã, hoặc khóc lóc giận hờn. Những thái độ đó không giải quyết được vấn đề mà còn làm vơi đi tình nghĩa vợ chồng hoặc tệ hại hơn, đổ vỡ hôn nhân. Tìm thánh ý Chúa và làm theo không phải là việc đơn giản dễ dàng. Cần có ơn Chúa và nỗ lực cộng tác của bản thân. Ơn Chúa thì luôn có sẵn như lời Chúa phán với Phaolô: “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12, 9), chỉ cần chúng ta tha thiết cầu xin. Còn làm theo ý Chúa thì không luôn như vậy. Nhiều khi chúng ta không tìm ý Chúa mà tìm ý mình, không vâng ý Chúa mà muốn Chúa vâng ý mình. Chúng ta hát thuộc lòng bài “Xin Vâng” mà chẳng làm theo. 2. Chúng ta không chỉ cầu nguyện riêng mà còn cầu nguyện chung trong gia đình, vì chúng ta là gia đình Công giáo. Chúa Giêsu có lúc cầu nguyện một mình, nhưng nhiều lần cầu nguyện với các môn đệ. Một hôm, các tông đồ xin Chúa dạy cầu nguyện, và Chúa đã dạy kinh Lạy Cha, là lời kinh tập thể: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6, 9-13). Chúa cũng hứa rằng: “Ở đâu có hai, ba người họp lại vì danh Ta, thì có Ta ở đó, giữa họ” (Mt 18,19-20). Đức Mẹ cũng có lúc cầu nguyện chung với các tông đồ, đó là sau khi Chúa về trời, Mẹ cùng các ông tụ họp trong nhà Tiệc Ly cầu nguyện, dọn lòng đón Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1,14). Cuộc sống hôm nay có nhiều lôi cuốn khiến các gia đình Công giáo mất đi thói quen đạo đức là cầu nguyện chung trong gia đình. Nhà nào cũng có bàn thờ Chúa, nhưng tẻ lạnh vì chẳng bao giờ cùng nhau cầu nguyện. Chúng tôi xin các bậc cha mẹ, vợ chồng lưu tâm tổ chức hoặc tái lập việc cầu nguyện trong gia đình. Gia đình nào biết cùng nhau cầu nguyện thì gia đình đó hạnh phúc và bền vững, con cái được nuôi dưỡng lòng đạo và đức tin. Anh chị em thân mến, 3. Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta dành Chúa Nhật thứ II của tháng Năm gọi là Ngày Của Mẹ (Mother’s Day) để tỏ lòng tri ân và yêu quý người mẹ đã sinh ra mình. Phật giáo có lễ Vu Lan vào rằm tháng Bảy để báo hiếu mẹ cha. Ngày đó, ai còn mẹ sẽ cài lên áo một bông hồng đỏ ngụ ý mình có phúc vì còn có mẹ trong đời; ai đã mất mẹ thì cài bông hồng trắng ngụ ý mình bất hạnh vì không còn mẹ bên mình. Thật là một tập tục đáng trân quý. Ngày của Mẹ năm nay là Chúa Nhật 13.5, trùng với ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần đầu ở Fatima nước Bồ Đào Nha (13.5.1917). Chúng tôi đề nghị các gia đình và đặc biệt các bạn trẻ ghi nhớ ngày 13.5 tới đây, để hôm ấy anh chị em vừa tỏ lòng yêu mến và biết ơn người mẹ đã sinh thành dưỡng dục mình, đồng thời cũng tỏ lòng yêu mến Đức Maria, Mẹ của mọi tín hữu công giáo chúng ta. Trong những cách thức tỏ lòng yêu mến Mẹ, kể cả việc dâng hoa, anh chị em đừng quên bắt chước Mẹ ghi nhớ và suy niệm trong lòng những gì xảy đến trong cuộc sống hôn nhân và gia đình của mình, để tìm thánh ý Chúa và làm theo, như thế anh chị em đang đi trên con đường nên thánh trong đời sống. Nguyện xin Đức Mẹ là Gương Nhân Đức, là Đấng Thông Ơn Thiên Chúa và là Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành luôn ở cạnh để dìu dắt chúng ta đến với Chúa. Amen.
 
Sơn Tây, ngày 01 tháng 5 năm 2018
 
+ Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận

+ Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
 
 
  
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT VI PHỤC SINH
Cv 10, 25-26. 34-35. 44-48; 1Ga 4, 7-10; Ga 15, 9-17

Cách nay khá lâu, trong chương trình “the voice of Holland”, có một thí sinh tên là Charly Luske, khi anh ta  vừa cất tiếng hát ca khúc “It's a Man's Man's Man's World”, lập tức cả khán phòng bùng nổ bởi những tiếng vỗ tay reo hò, có năm vị giám khảo, bất ngờ thay, cả năm vị cùng nhấn chiếc nút để xoay cái ghế mình đang ngồi, từ vị trí “dấu mặt” với thí sinh, thành diện đối diện với Charly Luske.
Vì sao năm vị giám khảo lại cùng một lúc đồng thuận như thế? Vì sao khán thính giả lại phấn khích với bản nhạc này? Phải chăng là vì chất giọng anh ta? Phải chăng là bởi ý nghĩa của bài hát? Đúng vậy, chất giọng anh ta rất tốt, nhưng phải nói thêm rằng, thành công của anh ta là do ý nghĩa của bài hát. Chúng ta hãy nghe, thật ý nghĩa thay, khi bài hát có lời rằng: “This is a man’s world. This is a nam’s world… But it wouldn’t nothing, nothing… without a woman or a gril - Đây là thế giới của đàn ông; Đây là thế giới của đàn ông.  Nhưng nó sẽ chỉ là vô nghĩa.  Vô nghĩa nếu thiếu đi người phụ nữ.”
Charly Luske tiếp tục cất tiếng hát rằng “…Đàn ông tạo ra xe hơi, để đưa ta đi qua những con đường dài. Đàn ông làm ra tàu hỏa để vận chuyển đồ trọng tải lớn. Đàn ông tạo ra đèn điện, để thắp sáng mọi bóng tối vây quanh ta. Đàn ông tạo ra tàu thủy, cũng như tạo ra rương (ark)… Đây là thế giới của đàn ông.  Nhưng nó sẽ chỉ là vô nghĩa nếu thiếu đi người phụ nữ. Cô ấy đâu có cần tới tôi. Tất cả chỉ là vô nghĩa.”
Tất cả chỉ là vô nghĩa, chỉ với sáu chữ, nó gợi cho chúng ta nhớ đến một lời ví von đã được chép trong sách Huấn ca:  “Không có hàng rào, trang trại bị cướp phá, vắng bóng đàn bà, đàn ông sẽ lang thang, rên rỉ” (Hc 36, 23). Có lẽ, không ai trong chúng ta có thể phủ nhận, tác giả của bài hát nêu trên, qua tiếng hát nỉ non của người ca sĩ, đã muốn ca ngợi về một thứ tình yêu: “tình yêu đôi lứa.” Tình yêu đôi lứa, đó là món quà tặng của Thiên Chúa, Người đã ban tặng cho con người, ngay từ tạo thiên lập địa. Sách Sáng thế ký đã thuật lại rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm một trợ tá tương xứng với nó… Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (St 2, 18 - 22).
Con người có nhận không? Thưa có. Con người đón nhận trong tiếng reo hò mừng vui:  “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi.” Tình yêu đôi lứa, hay tình yêu giữa con người với con người được khởi đầu như thế đấy. Nó đồng hành suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Nó đã được mô tả “mãnh liệt như tử thần… đam mê dữ dội như âm phủ… nước lũ không dập tắt nổi, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp” (Dc 8, 6-7).
Chỉ tiếc rằng,  tội lỗi mà con người vấp phạm đã làm cho tình yêu, với một chút lãng mạn của “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy; Ngàn năm chưa dễ đã ai quên”, nay bỗng chốc trở thành nỗi đau chất ngất, chất ngất bằng những từ ngữ: tại - bị - bởi vì… bởi vì “người đàn bà Ngài cho ở với con”, tại -bị - bởi - vì “Con rắn đã lừa dối con” v.v…  Để rồi, hôm nay, vẫn biết rằng, tình yêu là quà tặng của Đấng Tạo Thành, nhưng khi đối diện, con người vẫn thở than, “đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn”…  Vâng, làm sao không “vạn lần buồn” khi con người ngày nay, do ảnh hưởng bởi những chủ thuyết lệch lạc: chủ thuyết vô thần, chủ thuyết hiện sinh, do ảnh hưởng của những lối sống hưởng thụ v.v… nên đã làm cho “Tình Yêu - món quà tặng của Thiên Chúa” trở nên trần trụi, trơ trẽn như một món hàng đổi chác. Tình yêu như thế… chết là cái chắc… vạn lần buồn là điều không tránh khỏi…
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu bền vững. Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu với những đặc tính: đi bước trước, dâng hiến và trao ban. Và Đức Giê-su, Con Một Thiên Chúa, Ngài đã đến thế gian để gửi đến thế gian tình yêu đó. Nếu thế gian quan niệm, tình yêu thương được thể hiện qua việc “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại.” Thì, với Đức Giê-su, tình yêu của Ngài, đó là thứ tình yêu “nhưng không - vô hạn.”  Nếu thế gian dạy rằng: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” thì Đức Giêsu đã lớn tiếng dạy rằng: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44). Nếu thế gian khuyên rằng: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, thì Đức Giêsu đã khuyên rằng: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12). Nếu thế gian dạy rằng: “mắt đền mắt, răng đền răng” thì Đức Giêsu khuyên dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo anh  em, đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”
Trong đêm mừng lễ Vượt Qua,  cũng là đêm Đức Giê-su sẽ thể hiện tình yêu nhưng không và vô hạn của mình, qua  cuộc tử nạn trên thập giá tại Golgotha, Ngài đã đưa ra một giáo huấn mới về tình yêu, giáo huấn rằng:  “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người  mình yêu” (Ga 15, 13). Đúng là một thứ tình yêu mới và đã được Đức Giê-su gọi là “điều răn mới.” Và như một chiếc cầu ân sủng nối kết các môn đệ với tình yêu của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phán: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15, 9).
Yêu anh em như vậy là như thế nào? Thưa là, Đức Giê-su coi các môn đệ như là: “bạn hữu” của Ngài. Chính việc trở thành bạn hữu, chính việc không gọi các môn đệ là tôi tớ, Đức Giê-su đã mở ra một cánh cửa cho tình yêu thâm nhập vào từng con người, từng cá nhân, nói tắt một lời, từng người môn đệ của Ngài. Có thể nói rằng, với những điều Đức Giê-su đã giảng dạy nơi công chúng cũng như những gì Ngài đã truyền dạy cho các môn đệ trong chốn riêng tư, nó chính là mẫu mực cho một tình yêu nhưng không, vô vị lợi, một tình yêu hoàn hảo mà mỗi người môn đệ của Ngài phải thể hiện để “yêu  thương nhau.”
“Anh em hãy yêu  thương nhau.” Đây là một lệnh truyền. Với lệnh truyền này, tông đồ Gioan, sau này, tiếp tục truyền dạy cho chúng ta, rằng: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4, 8). Chúng ta có thể nói ngược lại! Không biết Thiên Chúa con người thiếu vắng tình yêu thương!. Hãy nhìn xem,  xã hội chúng ta đang sống, một xã hội cổ vũ cho chủ nghĩa vô thần, người ta hô hào: “Thiên Chúa chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người” điều gì đã và đang xảy ra! Thưa, dối trá, gian lận, lừa bịp khắp nơi. Từ nơi học đường lẫn nơi công sở. Trộm cắp, cướp bóc xảy ra nhan nhản. Và rất nhiều, rất nhiều sự gian ác xảy ra chỉ vì: “Không biết Thiên Chúa.”
“Anh em hãy yêu  thương nhau.” Là một Kitô hữu, không ai được phép từ chối thực thi lệnh truyền này. Bởi vì, đó chính là dấu chỉ để “thiên hạ nhận biết (chúng ta) là một đệ của Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 13, 35). Thế nên, chúng ta đừng quên, hành động chạnh lòng thương xót của người Samaria trước nạn nhân bị cướp đánh đập giữa đường; không tránh qua lối khác mà đi, nhưng đã đứng lại cứu giúp, trong dụ ngôn “người Samaria nhân hậu”, phải chăng là tấm gương mẫu mực cho mỗi Kitô hữu chúng ta. Cũng đừng biến mình thành  ông nhà giàu trong câu chuyện “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” để rồi cuồi cùng “phải chịu khốn khổ” về đời sau ( Lc 16, 19-31).
Tôi tin rằng, tất cả chúng ta đây đều được hơn một lần dạy dỗ: "thương người như thế thương thân", hoặc "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ", hay "một miếng khi đói bằng gói khi no" v.v... Vì thế, để thể hiện tình yêu thương, hãy nhớ lời Kinh Thánh trong sách Huấn ca đã dạy: “Đừng xoè tay ra nhận, rồi nắm lại khi phải cho đi” (Hc 4, 31). Đó cũng là điều thánh Phaolô khuyên: “Cho có phúc hơn nhận.”
Tất cả chỉ là tình yêu, cho nên, một nhà thơ trẻ với cảm nhận của mình đã chia sẻ, rằng:  “Kinh Thánh dạy một tình yêu thuần khiết; Là tình yêu không vị lợi cho mình. Là thực hành một nghĩa vụ thiêng liêng, Để ánh sáng Tin Mừng soi rọi thế giới” (nguồn: internet). Nói cách khác: “Để ánh sáng Tin Mừng soi thế giới. Hãy thể hiện một nghĩa vụ thiêng liêng. Đó chính là tình yêu vô vị lợi. Điều mà xưa kia, Đức Giê-su truyền dạy.”
Vâng, hôm đó, Người truyền dạy một điều duy nhất, đó là: “Không phải anh em đã  chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em sẽ tồn tại…. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau” ( Ga 15, 16-17).
Thế giới hôm nay có quá nhiều khổ đau, khổ đau đến từ nhiều phía, và hầu như nguyên nhân là bởi thiếu tình yêu thương. Thiếu tình yêu thương là bởi thế giới hôm nay vẫn tồn tại sự vênh vang tự đắc, nơi con người vẫn còn đó sự hận thù, sự gian ác, thiếu sự tha thứ. Thế nên, là một Ki-tô hữu, chúng  ta phải là cánh tay nối dài của Đức Giê-su, để đem những hoa trái của tình yêu thương, đó là: “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy sự chân thật…”, đến cho mọi người, ít nhất là trong gia đình chúng ta.
Trong gia đình,  người chồng “không làm điều bất chính”, không dám xem chuyện “vợ cả, vợ hai, cả hai đều là vợ cả”… vâng, ai dám phủ nhận gia đình đó là một gia đình mẫu mực về tình yêu thương, lòng chung thủy!  Trong gia đình,  người vợ luôn “nhẫn nhục, hiền hậu”… ai dám phủ nhận, gia đình đó là một gia đình mẫu mực về tình yêu thương, lòng bao dung! Đa phần những gia đình đổ vỡ, nguyên nhân đều thiếu “đức mến.” Mà, theo thánh Phao-lô, những hoa trái của đức mến chính là những điều đã được nêu trên, những điều đem đến cho mọi người “tình yêu thương.”
Albert Camus có nói: “Tôi chỉ biết một nghĩa vụ,  đó là  yêu thương.” Albert Camus rất đúng, bởi, cũng như cảm nhận của một nàng thơ, thì:  “Mọi năng tài sẽ đi vào... mai một; Trên đời này chỉ tồn tại ba điều: Là đức tin, hy vọng, và tình yêu. Nhưng tình yêu được kể là trọng nhất!” (nguồn: internet).
Tình yêu thương được kể là trọng nhất!. Thưa, đúng như vậy, bởi như chúng ta đã biết: “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.” Và hơn nữa, là bởi, đó là điều Đức Giê-su truyền dạy cho chúng ta là: “Hãy yêu thương nhau.”
 Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Từ trước tới nay, anh chị hiểu tình yêu thế nào?
  2. Đối với anh chị, yêu thương người khác dễ hay khó?
  
II. TÌNH GIA ĐÌNH CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
1.Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng: Thân phụ nguyên quán ở Đại Đăng, Ninh Bình, đến lập nghiệp và kết hôn ở Kẻ Vĩnh, Nam Định. Cậu Micae Nguyễn Huy Mỹ sinh năm 1804. Mồ côi cha lên 10 và 02 năm sau mồ côi mẹ. Được người tận tâm nuôi dưỡng giáo dục, cậu tỏ ra thông minh đạo đức, thông thạo chữ Hán và nghề thuốc, siêng năng đọc kinh sáng tối, tham dự và lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Cậu thường tìm nơi thanh vắng yên tĩnh trong vườn để lần chuỗi và cầu nguyện.
Năm 20 tuổi kết duyên với cô Maria Mến (Miều), con gái ông trùm Antôn Nguyễn Đích. Cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc với 08 người con đạo hạnh, khiến hết thảy dân làng đều mến phục kính nể. Họ đồng thanh chọn ông làm chánh tổng, nhưng ông từ chối. Sau cùng vì vâng lời Đức cha Havard Du, để trợ giúp chủng viện và giúp đỡ giáo dân trong thời cấm đạo, ông nhận chức lý trưởng.
Dù đời sống gia đình và xã hội nhiều phức tạp, ông luôn sống xứng đáng là một gia trưởng đạo đức gương mẫu. Bà Lý Mỹ khai trong cuộc điều tra phong chân phước như sau: “Gia đình tôi sống hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày, nếu vợ con hay người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm, mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình hai ngày trước. Mùa chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bao giờ.”
Ngày 02/7/1838, quan Tổng đốc Nam Định bao vây làng Kẻ Vĩnh, ông bị bắt vì chứa chấp cha Giacôbê Mai Năm trong làng. Ông bị đánh 40 roi, rồi bị giải về tỉnh Nam Định. Bị đánh đòn nhiều lần, tổng cộng trong suốt thời gian bị giam giữ, ông Lý phải chịu đến 500 roi, kể cả ba lần chịu đòn thay cho nhạc phụ.
Nhìn ông trùm Đích tuổi già sức yếu, ông Lý ngày đêm lo lắng, thiết tha cầu khẩn Thiên Chúa trợ giúp ban ơn cho bố vợ vững tin cho đến giờ phút cuối cùng. Ông Lý thường khuyến khích nhạc phụ: “Cha đã tuổi cao sức yếu, chẳng sống được bao lâu nữa, nếu không chết vì đạo thì cũng chết vì bệnh; nhưng nếu tử đạo sẽ làm vinh danh Thiên Chúa và được phúc thiên đàng. Cha đừng luyến tiếc sống thêm ít ngày. Con đây còn khỏe mạnh, đời còn dài, vợ trẻ với đàn con thơ dại thật đáng yêu đáng quý, nhưng con tin Thiên Chúa sẽ lo liệu thật tốt đẹp cho chúng. Hơn nữa, khi cha con ta được lên thiên đàng, sẽ cầu bầu trước nhan Thiên Chúa thì có ích hơn cho cả gia đình dòng tộc. Cha đừng lo về những hình khổ phải chịu, con sẽ chịu đòn thay cho cha hết thảy. Cha hãy can đảm làm chứng và sẵn lòng chết vì yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta.”
Bà Lý bồng con mới sinh được mấy tháng ra thăm chồng, trao con cho chồng ẵm một lúc, bà thấy những cực hình chồng phải chịu, bà không cầm được nước mắt, bà nói trong nghẹn ngào: “Vợ con ai mà chẳng thương chẳng tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh Giá rất nặng vì Chúa, hãy trung thành với Chúa cho đến cùng, đừng lo nghĩ về mẹ con tôi. Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả. Đến thăm ông lần này có lẽ là lần sau hết, cầu xin Chúa cho ông vâng theo thánh ý Chúa.”
Ông bình tĩnh an ủi vợ: “Lời bà khuyên nhủ đốt thêm lửa kính mến Chúa trong lòng tôi, bà đem con về săn sóc chúng thay tôi, sớm tối cầu nguyện nhiều cho tôi vững lòng xưng đạo Chúa trước mặt thiên hạ, hẹn ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là nước thiên đàng.”
Ông bị chém đầu tại pháp trường Bẩy Mẫu, Nam Định, ngày 12/8/1838 (trang 271-273).
2.Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục: Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh năm 1756 tại làng Kim Long, Huế. Thân phụ là ông cai Nguyễn Văn Lương, một võ quan Công giáo phò chúa Nguyễn, đã bị tử trận trong cuộc chiến với Tây Sơn. Sớm mồ côi cha, cậu sống với mẹ ở Thợ Đúc và gia nhập quân đội năm 1771 khi mới 15 tuổi. Năm 1774 khi vua Lê chúa Trịnh chiếm được Phú Xuân, anh gia nhập quân đội của vua Lê. Khi Tây Sơn chiếm Huế, vệ binh Nguyễn Văn Triệu theo Trịnh Khải rút ra Thăng Long (1786). Rồi Tây Sơn đem quân ra chiếm Thăng Long, Trịnh Khải phải mổ bụng tự tử. Trong cảnh nhiễu nhương đó, Anh vệ binh thấy đời là mau qua, và anh xin đi tu. Anh được một cha dòng Tên ở Hà Nội hướng dẫn. Sau được Đức cha Obelar Khâm địa phận Đông nhận vào học ở chủng viện Trung Linh. Năm 1793 được Đức cha Alonsô Phê phong chức linh mục.
Là một linh mục địa phận Đông Đàng Ngoài, với biết bao bận rộn vì công tác mục vụ, nhưng cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu vẫn không quên người mẹ già ở quê nhà. Năm 1798 giữa cơn bách hại gay gắt của vua Cảnh Thịnh, nhất là tại kinh đô, cha đã xin phép Bề trên về Thợ Đúc, Phú Xuân (Huế) thăm mẹ…
Thật bùi ngùi cảm động sau 12 năm xa cách, hai mẹ con lại gặp nhau. Giờ đây mái tóc của người mẹ đã bạc phơ, còn con nay đã 42 tuổi và là linh mục của Chúa. Cha Triệu thấy xót xa trước cảnh mẫu thân phải ăn nhờ ở đậu người khác. Cha quyết định ở lại, cùng bà con lối xóm, dựng cho mẹ một mái nhà nhỏ, để có nơi nương thân.
Ngày 07/8/1798, họ Thợ Đúc bị bao vây và cha bị bắt. Lúc đầu họ không biết cha, nhưng cha tự khai mình là linh mục. Thấy cha bị bắt, mẹ cha khóc lóc, nhưng cha nói: “Thiên Chúa đã cho con vinh dự làm chứng cho Ngài. Xin mẹ đừng khóc nữa. Mẹ hãy vui lòng vâng theo thánh ý Chúa.”
10 giờ sáng ngày 17/9/1798 cha bị điệu ra pháp trường Bãi Dâu, Huế và bị chém đầu trưa ngày 17/9/1798 (trang 286-287).
3. Thánh Phanxicô Trần Văn Trung, cai đội: sinh khoảng năm 1825 tại Phan Xá, Quảng Trị. Thân phụ là cai đội, nhưng đã về hưu. Theo chí hướng của cha, ông Trung tham gia binh nghiệp và lên tới chức cai đội.
Ngày 01/9/1858, Pháp đánh hải cảng Đà Nẵng, ông cùng 11 đồng bạn Công giáo tình nguyện vào Đà Nẵng để chống lại quân Pháp. Nhưng trước khi ra trận, họ bắt các binh sĩ Công giáo phải bước qua Thánh Giá bỏ đạo. 11 người kia bỏ đạo, còn ông Trung thì không. Họ hỏi: “Tại sao không chịu đạp lên Thập Giá? Có phải mi theo đạo không? Ông thưa: “Phải, tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi lại bỏ đạo.”
Dầu sắp chịu án tử, ông đội Trung vẫn bình tĩnh thu xếp việc gia đình cách khéo léo. Ông căn dặn vợ  “Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé ! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé!”
Đứa con nhỏ 8 tuổi của ông tên là Catarina Thông được phép ở lại giúp đỡ ông một tháng. Đến khi nghe tin ở xứ nhà có lớp giáo lý, ông bắt nó về nhà theo học giáo lý và khuyên con vâng lời dạy bảo của các linh mục.
Khi nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ông tỏ vẻ lo lắng vì sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại vừa có thể quên cả đạo nghĩa nữa, nên ông căn dặn vợ rất kỹ lưỡng, những đồ đạc nào trong nhà cần bán để thanh toán nợ nần, thì bán. Ông bị chém đầu tại pháp trường An Hòa, Huế sáng ngày 06/10/1858 (trang 308).
4. Thánh Giuse Lê Đăng Thị, cai đội: sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ giữ chức cai đội. Lớn lên Lê Đăng Thị cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ. Một thời gian sau được thăng Chưởng Vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây ngài lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.
Ngày 15/12/1859, vua Tự Đức ra chiếu chỉ: “Những quan nào có đạo, dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức… Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ ‘tả đạo’ vào má và bị phát lưu.”
Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Được chấp thuận, ông về quê cũ, để vợ con ở lại Nghệ An. Ngày 29/01/1860, ông bị bắt và bị giải về Quảng Trị, vì có người tố giác. Khi bị giam ở khám đường Huế, ông viết thư về cho vợ: “Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày.”
Bị quấn một sợi giây vào cổ, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi tắt thở, tại pháp trường An Hòa, Huế ngày 24/10/1860 (trang 325).
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log