Thứ năm, 26/12/2024

Đồng Hành Khôi Bình Tháng 01.2018

Cập nhật lúc 20:37 16/01/2018
Lời ngỏ

Anh chị em Khôi Bình thân mến,

Vào dịp đầu năm mới chúng ta cùng chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa đã tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa con người trong thời gian. Thời gian là ân sủng và trách nhiệm, như là nén bạc Chúa trao cho từng người trong chúng ta. Vì thế, chúng ta cùng cầu nguyện với dụ ngôn nén bạc theo Tin Mừng thánh Luca (Lc 19,12-27) với ba ý tưởng chính để bước vào năm mới với nén bạc thời gian 365 ngày của năm 2018.
Thứ nhất, Thiên Chúa trao tặng thời gian cách thật công bằng vì “Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc.” Quả thật, mọi người đều được hưởng 365 ngày trong một năm, 24 giờ trong một ngày, 60 phút trong một giờ, và 60 giây trong một phút. Khi trao tặng thời gian, Ngài cũng tôn trọng tự do vì “ông chủ trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về.” Ông ra đi nhưng để một khoảng không gian và thời gian của sự tự do cho con người hành động. Cộng đoàn Khôi Bình chúng ta bước vào năm mới với ý thức về ân sủng thời gian, cùng với sứ vụ và trách nhiệm. Cộng đoàn chúng ta hãy lắng nghe lời dặn dò của Thầy Chí Thánh Giêsu: "Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến."
Thứ hai, con người chọn lựa thái độ sử dụng ân sủng thời gian, đáng khen hay đáng trách, tùy hình ảnh vị Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Trong dụ ngôn, có hai hạng người. Một là hạng người có hình ảnh tích cực về Thiên Chúa. Họ cảm nhận được sự tín nhiệm của Thiên Chúa khi trao ân sủng. Đối với họ, sự tín nhiệm này trở thành động lực để họ thi hành sứ vụ và trách nhiệm. Họ sống tích cực và dấn thân làm lời nén bạc tùy khả năng từng người. Hai là hạng người có một hình ảnh tiêu cực về Thiên Chúa; Thiên Chúa đối với họ là một ông chủ khắc nghiệt và đòi hỏi. Nên họ sống trong sợ hãi, và ngại dấn thân cho sứ vụ làm lời nén bạc: "Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo” (Lc 20, 21). Nhìn lại chặng đường lịch sử gần 20 năm hình thành và phát triển, Cộng đoàn chúng ta cảm nhận được hình ảnh của một vị Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương quan phòng. Với cảm nghiệm này, mỗi thành viên trong Cộng đoàn cần dấn thân một cách tích cực hơn nữa trong việc sử dụng ân sủng thời gian của năm mới 2018 này, để tiếp tục tô đậm hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa trong lịch sử.
Thứ ba, vì có tự do nên có trách nhiệm, vì có trách nhiệm nên có thưởng phạt. Phần thưởng dành cho người sống tích cực là tăng thêm tín nhiệm và cơ hội để có thể tiếp tục bày tỏ sự tín trung đối với Thiên Chúa Tình Yêu. Ngược lại, hình phạt cho những kẻ sống tiêu cực là mất tín nhiệm và mất cơ hội: "Lấy lại nén bạc nó giữ mà cho người đã có mười nén” (Lc 20, 24).
Cuối cùng, để có thể sử dụng ân sủng thời gian một cách hiệu quả, Cộng đoàn chúng ta cùng đọc lại từ số 222 đến số 225 trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng – Evangelii Gaudium” của Đức Thánh Cha Phanxicô về nguyên tắc “thời gian lớn hơn không gian.” Theo Thánh Cha, “thời gian lớn hơn không gian” là nguyên tắc đầu tiên trong việc xây dựng một cộng đoàn. Số 223 viết: “Nguyên tắc này giúp chúng ta hoạt động từ từ nhưng chắc chắn, không bị ám ảnh bởi những kết quả tức thì. Nó giúp chúng ta kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn và nghịch cảnh, hay những thay đổi không tránh khỏi trong các kế hoạch của mình. Nó mời gọi chúng ta chấp nhận sự căng thẳng giữa sự viên mãn và sự giới hạn, và dành ưu tiên cho thời gian. Một trong các khuyết điểm chúng ta thường gặp trong hoạt động chính trị xã hội là người ta  thích không gian và quyền lực hơn thời gian và các qui trình. Dành ưu tiên cho không gian có nghĩa là điên cuồng tìm cách níu kéo tất cả trong hiện tại, cố gắng chiếm hữu tất cả các không gian của quyền lực và sự tự khẳng định mình; là cô đọng các qui trình và cố níu kéo chúng. Dành ưu tiên cho thời gian có nghĩa là quan tâm tới việc khởi động các qui trình hơn là chiếm hữu không gian. Thời gian điều khiển các không gian, soi sáng chúng và biến chúng thành những mắt xích trong một chuỗi xích kéo dài, không có khả năng quay ngược trở lại. Vì vậy cái chúng ta cần là dành ưu tiên cho các hành động phát sinh các qui trình mới trong cộng đoàn và lôi kéo sự tham gia của những người khác và những nhóm khác, những người có thể phát triển chúng tới chỗ chúng sinh hoa kết quả trong các biến cố lịch sử quan trọng. Không lo âu, nhưng đầy những xác tín rõ ràng và sự bền bỉ.”
Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta bước vào năm mới 2018. Xin Chân phước Khôi Bình đồng hành với chúng ta. Và chúng ta, mọi thành viên trong Cộng đoàn Khôi Bình cùng đồng hành với nhau tiến về phía trước, với tinh thần tham gia, hiệp thông và đồng trách nhiệm vì sứ vụ của Giáo phận Hưng Hoá trong năm đồng hành với các gia đình trẻ này.
 
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT III THƯỜNG NIÊN
Gn 3, 1-5. 10; 1Cr 7, 29-31; Mc 1, 14-20
 
Sau khi chịu cám dỗ và chiến thắng Satan, Đức Giêsu công khai loan báo Tin Mừng. Người bảo rằng: Thiên Chúa đã hoạch định chương trình cứu độ và thời gian thực thi chương trình ấy đã đến. Nhưng xin hỏi: Ai sẽ thực thi chương trình ấy? Và  khi nghe bài Tin mừng hôm nay, chúng ta phải phản ứng như thế nào?
Trước hết, Tin Mừng là gì? Tin Mừng là tin tốt và trong trường hợp của chúng ta, tin ấy đến từ Thiên Chúa. Tin ấy tốt, vì tin ấy liên hệ đến với chúng ta và có sức cứu độ chúng ta. Hơn nữa, thời gian cứu độ ấy đã đến, vì Thiên Chúa đã sai phái Đấng Cứu Độ đến. Đó là Đức Giêsu Kitô. Về phần chúng ta, muốn được cứu độ, chúng ta phải đáp lại lời mời gọi. Đáp lại là phải làm hai việc: Ăn năn tội lỗi và đón nhận Đức Giêsu. Ai đón nhận Đức Giêsu, người ấy được cứu độ; và như thế, Thiên Chúa và triều đại của Người đã đến với người ấy, ngay ở đời này.
Thứ đến, Đức Giêsu loan báo Tin Mừng cho mọi người được cứu độ. Nhưng Người chỉ ở giữa loài người một thời gian ngắn, khoảng 36/37 năm. Vì thế, để tiếp tục loan báo Tin mừng, Đức Giêsu đã kêu gọi một số người làm môn đệ. Người gọi các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Bốn ông này làm nghề đánh cá. Vì thế, khi gọi các ông, Đức Giêsu đã nói một câu như chơi chữ: bắt cá, rồi bắt người. Người nói: các ông làm nghề bắt cá, Người sẽ làm cho các ông thành những kẻ bắt người. Nghĩa là các ông sẽ ra đi loan báo Tin Mừng, quy tụ và mọi người về với Thiên Chúa, ai chấp nhận Tin Mừng thì được vào Nước Thiên Chúa. Mời gọi là phần của Đức Giêsu. Còn phần các môn đệ, là đáp lại. Thánh sử Máccô cho biết, một khi đã được gọi, các môn đệ đã bỏ chài lưới, cha mẹ, để đi theo Đức Giêsu, để sống với Thầy, một lối sống mới lạ. Và đó cũng là lối sống của người môn đệ sau này.
Từ những bài học của bài Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy nhìn của các môn đệ mà suy gẫm. Hai thánh Phêrô và Anrê đang “quăng lưới” xuống biển, nghĩa là các ngài đang hành nghề để nuôi sống bản thân và gia đình; thế mà, Đức Giêsu vừa gọi, các ngài liền bỏ chài lưới để theo Đức Giêsu, để làm môn đệ Người. Cũng vậy, hai thánh Giacôbê và Gioan đang “vá lưới”, nghĩa là các ngài tiếp tục hành nghề. Thế mà, Đức Giêsu vừa gọi, các ngài liền bỏ, chẳng những bỏ chài lưới, mà còn bỏ cả cha mình cùng những người đồng nghiệp, để theo Đức Giêsu.
Bỏ nghề nghiệp, bỏ cha mẹ, bạn bè để đi theo Đức Giêsu, là sống một cuộc đời mới, là chia sẻ nếp sống của Đức Giêsu, là chấp nhận chia ngọt sớt bùi, chia cay xẻ đắng với Đức Giêsu. Và trước hết, là cùng Thầy loan báo Tin Mừng cho mọi người được nghe hầu được cứu độ. Chia sẻ nếp sống như vậy, dù không biết những gì sẽ xảy đến ngày mai. Khi theo làm môn đệ Đức Giêsu, thánh Anrê có biết chăng mình sẽ phải chết hai ngày sau khi bị treo trên thập giá? Chia sẻ nhiệm vụ loan báo Tin Mừng như vậy, dù phải chết cùng Thầy, và nắm chắc sẽ được ân thưởng bội hậu đời sau.
Ngày nay, nhờ sự giới thiệu và bảo lãnh của cha mẹ, người thân và cộng đoàn Giáo hội, chúng ta đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu qua bí tích Thánh tẩy. Nhưng xin hỏi, chúng ta có noi gương các môn đệ ngày xưa sống trọn vẹn cho Đức Giêsu hay không? Người không đòi hỏi tất cả chúng ta phải lìa bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp. Người chỉ đòi chúng ta phải dứt khoát với tội lỗi, với lô đề cờ bạc, rượu chè..... ; rồi chia sẻ với nếp sống của Giáo hội có lúc vui, nhưng cũng có lúc buồn. Và nếu có những tiếng gọi đặc biệt, ta có dám lìa bỏ cha mẹ, hy sinh cả mạng sống của mình như các môn đệ đầu tiên, để trung thành với Người, với Tin Mừng hay không? Đó là câu hỏi để mỗi người chúng ta trả lời với Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Một hôm, thánh Phêrô hỏi Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, chúng con bỏ mọi sự mà theo Thầy, thì chúng con được gì?  Đức Giêsu đáp lại: Ai bỏ mọi sự mà theo Thầy, người ấy sẽ được gấp trăm. Nhưng trước khi được gấp trăm, người môn đệ phải biết bỏ mà theo. Vậy anh chị đã bỏ được những thói hư tật xấu nào để theo Đức Giêsu?
  2. Nhiều lần Đức Giêsu mời gọi chúng ta làm việc tông đồ, phục vụ Giáo hội. Nhưng chúng ta cứ giả điếc làm ngơ. Anh chị hãy chia sẽ những lần giả điếc làm ngơ đó.

II.  ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ
 
Hội đồng Giám mục Việt Nam ấn định chủ đề mục vụ cho năm Phụng vụ 2017-2018 là: “Đồng hành với các gia đình trẻ.”
Thư Mục vụ ngày 13/10/2017 gửi cộng đồng Dân Chúa (số 3) viết: “Chính vì thế, đồng hành với các gia đình trẻ là yếu tố quan trọng trong Mục vụ gia đình. Mục vụ hôn nhân không chỉ dừng lại ở khoá chuẩn bị nhưng phải đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ trong những năm tiếp theo, bằng cách giúp họ hiểu rằng: (1) Hôn nhân là một hành trình dài, trong đó mỗi người phải gạt đi những ảo tưởng để đón nhận bạn đời của mình như họ là, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày; (2) Hành trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại;(3) Hành trình đó giúp đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn quyết định của họ khi bước vào đời sống hôn nhân (Niềm vui của tình yêu, số 223).”
1. Khái niệm về gia đình - gia đình trẻ
1.1. Gia đình, một tổ ấm tình yêu
Ngay từ nguyên thuỷ, con người đầu tiên được dựng nên vì Tình Yêu. Nếu chỉ có một con người duy nhất thì Tình yêu đó không trọn vẹn, cũng không nảy nở và phát triển được. Vì thế Thiên Chúa đã dựng nên thêm một người nữ từ xương và thịt của người nam. Chưa hết, khi thể hiện tình yêu bằng cách cho đi và nhận lại giữa 2 người, thì điều tất yếu là trổ sinh hoa trái. Sự trổ sinh hoa trái đó chính là kết quả của Lời phán dạy: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 1, 28). Vì thế, con người không thể sống mà không có tình yêu. Cuộc sống con người sẽ mất hết ý nghĩa nếu không nhận biết về tình yêu, không có kinh nghiệm về tình yêu, để từ đó nhận lấy kinh nghiệm ấy làm của mình và tích cực dự phần vào đó.
Khởi nguyên của gia đình xuất phát từ tình yêu, phát triển vì tình yêu, nên có thể khẳng định một cách chắc chắn: Gia đình là tổ ấm tình yêu, không có tình yêu thì gia đình không thể tồn tại. Cũng bởi vì: “Không có tình yêu, gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị, thì cũng thế, không tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị. Điều tôi (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II) đã viết trong Thông điệp “Đấng cứu chuộc con người” được áp dụng độc đáo và ưu tiên trước hết nơi gia đình” (x. Fc. 18).
1.2. Gia đình, một cơ cấu xã hội
Kể từ khi rời khỏi vườn Địa đàng, Gia đình nguyên thuỷ là cái mốc đầu tiên hình thành xã hội loài người. Sau đó, Thánh Giu-se và E-và Mới (Đức Maria) đã đón nhận Trưởng Tử Giêsu (A-đam Mới), hạ sinh nơi một miền quê hẻo lánh và nghèo nàn, ngay giữa lòng xã hội. Vì thế, Đạo Công giáo là đạo nhập thế. Một cách nôm na, chủ đích của Ki-tô Giáo là đi vào đời, vì gia đình vị thủ lãnh tối cao sống ở giữa đời. Có thể xác quyết: Không có gia đình thì không có xã hội và tất nhiên không có xã hội thì Giáo hội cũng không thể tồn tại. Quả thực vai trò của gia đình đối với xã hội là rất quan trọng. Nói đến vai trò xã hội của gia đình, người ta thường chỉ nghĩ đến việc truyền sinh và giáo dục, bởi đó là hai công việc mang hình thức đầu tiên không thể thay thế được. Ngoài hai công việc căn bản đó, gia đình - dù biệt lập hay kết thành hiệp hội - đều có thể và phải dấn thân cho nhiều công cuộc phục vụ xã hội, cách riêng là trong mọi trường hợp, lo cho những người nghèo, lo cho những người trong những hoàn cảnh mà các tổ chức từ thiện và cứu tế công cộng không thể quán xuyến hết được.
Sự đóng góp xã hội của gia đình là một bổn phận tất yếu. Về điểm này, thiết tưởng cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng thưong người (đơn giản chỉ là mở rộng cửa nhà mình, mở rộng lòng mình trước những nhu cầu của người anh em). Với gia đình Ki-tô hữu, xin hãy lắng nghe lời khuyến dụ của thánh Gio-an Tẩy giả: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 10); để từ đó, theo chân Đức Ki-tô và với lòng bác ái của Người (“Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” Mc 9, 41), tiếp sức những anh chị em đang gặp cảnh khó khăn, thiếu thốn. Gia đình Ki-tô hữu cùng lúc có hai bổn phận phải chu toàn: Bổn phận công dân nước trần thế và bổn phận công dân Nước Trời. Thi hành trọn hảo cả hai bổn phận ấy mới xứng đáng là môn đệ của Thầy Chí Thánh, xứng đáng là thần dân của vị Vua Công Chính Giê-su Ki-tô.
1.3. Gia đình, một Hội Thánh tại gia
Tông huấn Gia Đình “Familiaris Consortio” (số 15) còn dạy: “Gia đình nhân loại, bị phân hoá vì tội lỗi, được phục hồi trong sự hợp nhất của nó nhờ quyền năng cứu chuộc do cái chết của Đức Ki-tô. Nhờ tham dự vào hiệu năng cứu độ của biến cố ấy, hôn nhân Ki-tô giáo trở thành môi trường tự nhiên để cho nhân vị được hội nhập vào trong đại gia đình Hội Thánh.” Xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi, một cuộc hôn nhân được thiết lập giữa Trưởng Tử Thiên Chúa là hôn phu Giê-su với hiền thê Giáo hội, sinh sản đàn con đông đúc là các Ki-tô hữu.
Đó chính là Đại Gia Đình Ki-tô giáo, được hình thành và phát triển chính là nhờ những gia đình Ki-tô hữu và vì thế, gia đình Ki-tô hữu được coi là Hội Thánh tại gia: “Thánh Thần được đổ tràn xuống trong việc cử hành các bí tích chính là nguồn mạch sống động và lương thực vô tận cho sự hiệp thông siêu nhiên, nối kết các tín hữu với Đức Ki-tô và quy tụ họ lại với nhau trong sự hợp nhất của Hội Thánh Thiên Chúa. Gia đình Ki-tô hữu là một mạc khải, là một thực hiện đặc biệt mối hiệp thông trong Hội Thánh. Vì thế, gia đình Ki-tô hữu có thể và phải được gọi là “Hội Thánh tại gia” (FC. 21).
1.4. Thế nào là gia đình trẻ ? 
Gia đình trẻ nói chung phải được hiểu là những gia đình mới được thiết lập, mới bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Gọi là gia đình trẻ bao gồm những cặp vợ chồng trẻ tuổi, kể cả những cặp vợ chồng đã lớn tuổi nhưng mới bước vào đời sống gia đình. Trẻ ở đây đồng nghĩa với “không thâm niên” trong đời sống hôn nhân gia đình.
2. Đồng hành với các gia đình trẻ
2.1. Hôn nhân là một hành trình dài
Hôn nhân Ki-tô giáo là một bí tích bao hàm cả thế tục và thần linh, là dấu chỉ của ơn cứu độ, là phản ánh chính tình yêu và bản thân của Thiên Chúa Ba Ngôi. Hôn nhân là một cuộc hành trình dài đối với từng đôi vợ chồng để thể hiện tính bí tích của họ. Đức Giê-su Ki-tô là bí tích đầu tiên, Người là bí tích của Thiên Chúa Cha (“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” Ga 14, 9), vì thế chạm tới được Đức Ki-tô là chạm tới Chúa Cha, chạm tới ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Tin vào Đức Ki-tô là tin Người là trung gian giữa thế giới vô hình và hữu hình, và niềm hạnh phúc của những kẻ tin Người, là có Đấng Emmanuel (Thiên Chúa ở cùng chúng ta) đang ở giữa cộng đồng, ở ngay trong lòng mọi người. Khi người Ki-tô hữu tham dự vào Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh thể là tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Phục Sinh (“Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” Mt 28, 20). Thiên Chúa luôn hiện diện và ở giữa những cộng đoàn nhân danh Người mà quy tụ lại, đó chính là Hội Thánh, là những chi thể được hội tụ lại trong cùng một Nhiệm thể là Đức Ki-tô. Bí tích nối kết giữa thiêng liêng và thế tục, giữa phàm nhân và Thiên Chúa, là dấu chỉ hữu hình mầu nhiệm về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Ki-tô Phục Sinh luôn hiện diện và cùng đồng hành với mọi người. Như thế, mỗi đôi vợ chồng là dấu chỉ, là bí tích của tình yêu Thiên Chúa. Mỗi đôi bạn có khả năng luôn tiến bước trên con đường hướng tới tình yêu hoàn hảo, là hình ảnh năng động và sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp thông trong tình yêu. Bí tích Hôn nhân Ki-tô giáo chỉ có nghĩa trong Đức Ki-tô và trong Giáo hội, vốn được thực hiện trong một thực tại lịch sử cụ thể rõ ràng. Hiến chế Mục Vụ khẳng định: “Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được nâng đỡ và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Ki-tô và hoạt động cứu rỗi của Giáo hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiện cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ. Bởi đó, vợ chồng Ki-tô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích riêng để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ; nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô mà chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin - cậy - mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và sự thánh hóa lẫn nhau; và bởi đấy, cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (GS. 48).
2.2. Những đòi hỏi của hành trình hôn nhân
Ở giai đoạn đầu, đôi bạn hiểu hết lòng nhau; đôi khi cũng có những khó chịu nho nhỏ nhưng chúng đều được vượt qua một cách dễ dàng vì cả hai đều sẵn sàng bỏ qua cho nhau. Không có thời gian nào trong mối quan hệ của đôi bạn tốt đẹp hơn thế. Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn. Tất cả qua đi, đôi bạn đi từ giấc mơ hạnh phúc đến vỡ mộng, hàng trăm vấn đề thực tế bắt đầu xuất hiện, những chuyện lặt vặt quấy rầy. Chưa hết, những mâu thuẫn cứ ngày một tăng dần trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
Cả hai đồng ý rằng hôn nhân không phải là mâm cỗ có sẵn cứ ngồi vào ăn, mà phải lao động cật lực để có nó. Nhiều khi phải vượt qua giông tố, bão bùng mới đến được.
Lúc này đôi bạn mới tin rằng tuy đối tác chẳng hoàn hảo gì nhưng thực ra có thể sống chung với nhau được. Đôi bạn cũng cảm thấy tin ở chính mình và bắt đầu đánh giá những sự khác nhau giữa hai người và nhận ra chính những khác nhau đó làm cho cuộc sống đỡ đơn điệu và trở nên phong phú hơn. Từ đó, ý thức được cuộc sống lứa đôi đòi hỏi sự kiên nhẫn, hiểu biết, hy sinh và quảng đại.
2.3. Hành trình hôn nhân giúp đôi bạn đào sâu và làm phong phú hơn đời sống hôn nhân
Chính nghĩa vụ hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa. Qua bí tích Hôn phối, đôi bạn được mời gọi cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa bằng việc sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng nên người, tạo nên một tổ ấm phục vụ cho sự sống. Chính là “Nhờ sức thiêng của bí tích Hôn phối, các đôi vợ chồng Ki-tô hữu biểu hiện và tham dự vào mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Đức Ki-tô và Hội Thánh (Ep 5, 32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; nhờ đó, họ nhận được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa. Được ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Ki-tô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào cũng đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người” ( LG. 11). Khi cử hành bí tích hôn phối, đôi bạn trao đổi với nhau lời thề hứa chung thủy trọn đời. Ơn bí tích hôn phối giúp hai vợ chồng nên thánh trong việc sống lời cam kết trên mỗi ngày một trọn vẹn hơn. Khi nỗ lực  sống yêu thương và trung thành với nhau, đôi vợ chồng phản ánh tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, cũng như tình yêu của Đức Ki-tô đối với Hội Thánh. Đó là một tình yêu son sắt không đổi thay. Tình yêu đó tạo nên sự hiệp thông thâm sâu giữa vợ chồng với nhau, cũng như giữa cha mẹ và con cái, phản ánh mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh.
Đời sống hôn nhân và gia đình có rất nhiều thập giá (những khuyết  điểm và tính xấu của nhau, những va chạm và xung khắc, những thất bại và rủi ro, những khi gặp tai ương và bệnh hoạn, cảnh hiếm muộn cũng như việc chấp nhận từ bỏ ý riêng để sống theo giáo huấn Hội Thánh về việc sinh sản có trách nhiệm…). Đó là những thập giá cần được đón nhận với tình yêu, để từ đó đón nhận tình yêu Phục sinh. Gia đình còn phải cởi mở đón nhận Lời Chúa, rồi loan báo cho mọi người. Việc làm chứng trước hết là trong chính gia đình: cha mẹ loan báo Tin Mừng cho con cái bằng những lời dạy dỗ và nhất là bằng gương sáng. Ngược lại, con cái cũng có bổn phận góp phần làm cho cha mẹ nên thánh.
3. Kết luận
Nói tóm lại, trước viễn tượng một xã hội thực dụng hoá, vật chất hoá, dung tục hoá, gia đình đang có nguy cơ trở thành một thứ quán trọ cho người ta sống thử, sống ngoài hôn nhân giá thú, hoặc sống tự do buông thả “thích thì ở, không thích thì … ly dị, chia tay”; gia đình là một nơi tù ngục chất chứa những bất hoà, bạo hành, giam hãm con người trong đày đoạ tội lỗi. Chính vì thế, vấn đề đồng hành với các gia đình trẻ nhất thiết phải được “đặt lại” (vì nó đã được “đặt ra” từ lâu, nhưng người ta đã thờ ơ, chểnh mảng, thậm chí quên bẵng đi mất!).
Và để kết luận, xin mượn lời giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn “Familiaris Consortio” (phần kết luận, số 86): “Sau cùng tôi tha thiết kêu gọi tất cả Ki-tô hữu hãy thật lòng và can đảm cộng tác với tất cả những người thiện chí đang thể hiện trách nhiệm của họ đối với các gia đình. Những người đang hy sinh vì thiện ích gia đình, trong lòng Hội Thánh cũng như nhân danh Hội Thánh và dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh, dù họp thành những nhóm hay cá nhân, phong trào hay hiệp hội, ước gì tất cả những người ấy biết liên kết với những người và những cơ chế khác nhau đang hoạt động cho cùng một lý tưởng. Khi trung thành với những giá trị Tin Mừng cũng như con người, và tôn trọng sự đa diện chính đáng trong các sáng kiến, việc cộng tác như thế sẽ giúp cho gia đình được thăng tiến mau chóng và toàn diện hơn.”
 
Trầm Thiên Thu
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong bầu khí linh thiêng của đêm cực thánh, đêm mà nhân loại được đón chờ Ngôi Hai xuống thế làm người, như một sự an ủi, khiến con người ta tạm quên đi những lo âu thường ngày, giáo xứ Cát Ngòi đã long trọng tổ chức đêm hoan ca – diễn nguyện và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 24.12.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log