Thứ năm, 26/12/2024

Đồng Hành Khôi Bình Tháng 02.2018

Cập nhật lúc 22:24 11/02/2018

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Ngày 14/02/2018, chúng bước vào Mùa Chay. Mùa Chay là mùa sám hối để chuẩn bị cho những ngày Đại Lễ Vượt Qua, tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kiô. Bài Tin Mừng trong ngày thứ tư Lễ Tro sẽ nhắc nhớ chúng ta những việc làm truyền thống trong Mùa Chay là ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái.
Ăn chay theo luật của Giáo hội chỉ có hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh; trong hai ngày đó, đối với những người từ 18 đến 60 tuổi, trừ bữa ăn trưa, hai bữa ăn sáng và tối thì tự nguyện ăn ít lại, và trong suốt ngày tuyệt đối không ăn vặt; cũng không dùng các đồ uống nào khác ngoài nước lọc. Ngoài ra, những ai trên 14 tuổi phải kiêng thịt. Theo tinh thần của Mùa Chay, ăn chay không phải chỉ là nhịn bớt và kiêng khem về chuyện ăn uống, nhưng cốt là biết hy sinh, hãm mình, sống tinh thần từ bỏ những gì không tốt hay không cần thiết, và hy sinh làm điều thiện hay cố gắng thực thi đức công bằng.
Cầu nguyện trong Mùa Chay phải siêng năng hơn và sốt sắng hơn. Trong ngày, cố gắng nhớ đến Chúa và dâng cho Chúa mọi việc mình muốn thực hiện. Cụ thể là phải biết sắp xếp để có thể đọc kinh chung trong gia đình. Nhất là đi tham dự Thánh lễ, vì Thánh lễ là cao điểm của việc cầu nguyện. Không có lời cầu nguyện nào tốt đẹp cho bằng Thánh lễ.
Còn làm việc bác ái không phải là ban phát ít tiền lẻ cho người ăn xin, nhưng là biết chia sẻ cho người khác, theo khả năng của mình, những nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần. Những lời động viên, những lời an ủi, những giúp đỡ kịp thời trong những hoàn cảnh éo le ngoài ý muốn, là những món quà quý giá thể hiện lòng bác ái Kitô giáo.
Mùa Chay năm nay lại trùng vào dịp Tết Nguyên Đán, là những ngày đại lễ theo truyền thống của dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu thương đùm bọc theo đạo lý “lá lành đùm lá rách” của người Việt thường được thể hiện thật đậm nét trong những ngày Tết. Đón Tết trong bầu khí Mùa Chay, ngoài việc sum họp vui chơi thường lệ, chúng ta được mời gọi ý thức sống tình liên đới yêu thương cách tích cực, qua những hy sinh và các việc bác ái. Mỗi người hãy giảm bớt những chi tiêu không cần thiết để góp phần vào các việc làm ý nghĩa trong những ngày đầu Xuân: chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn túng thiếu, quan tâm đến người già yếu neo đơn, giúp đỡ các trẻ em nghèo, khuyết tật…
Trước thềm Xuân Mới, tôi xin thay lời cho Ban Quản Gia Giáo phận kính chúc toàn thể anh chị em Một Năm Mới dồi dào sức khỏe, tràn ngập niềm vui và sự bình an của Chúa Xuân.
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA SẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT I MÙA CHAY
St 9, 8-15 ; 1 Pr 3, 18-22 ; Mc 1,12-15
 
Nhiều người hôm nay không tin ma quỷ, không tin sự cám dỗ của ma quỷ. Họ cho rằng tội là do mình tự ý phạm. Họ tin vào sự ý thức của con người. Họ không nghĩ đến sự yếu đuối của con người là do ngã lòng chiều theo cám dỗ. Chính do sự mất cảnh giác của cám dỗ nên con người dễ mất mắc sai lầm theo chủ quan, dễ hành động theo bản năng mà không hề kiểm soát hành vi của mình. Đó cũng là điều tệ hại dẫn con người đến mất ý thức về tội. Vì lấy mình làm trung tâm nên luôn cho mình là đúng, luôn biện minh cho hành vi sai trái của mình.
Khi con người mất ý thức về tội là lúc ma quỷ chiến thắng. Nó luôn tìm cách chứng minh không hề có sự hiện diện của nó. Nó chỉ tác động dưới những hình thức đẹp đẽ, tốt lành để hướng con người hành động theo ý mình. Và điều tệ hại là hành động theo ý mình thì luôn sai lầm vì thích chiều theo bản năng, chiều theo sự dễ dãi mà không cần đến lề luật.
Chuyện kể rằng: Có một người đầy tớ hộ tống ông chủ đi săn vịt trời. Anh ta là một Kitô hữu. Nhân dịp nói chuyện về vấn đề tôn giáo, ông chủ hỏi người đầy tớ: “Tao chẳng hiểu tại sao mày thường xuyên nói đến tội, đến chống trả các cơn cám dỗ, nói đến ma quỷ. Tao chẳng phải chống trả ma quỷ bao giờ, mà tao vẫn sống tịnh, chẳng bao giờ bị quấy phá hoặc tấn công gì hết.”
Người đầy tớ lúc đó mới trả lời: “Con xin phép được giải thích việc này. Ông và con đang đi săn vịt. Những con nào bị ông bắn và chết liền khi rơi xuống, thì con để yên đó. Nhưng con nào chỉ bị thương khi rơi xuống và tìm cách chạy trốn, thì con đây sẽ dùng sào này mà phang cho chết hoặc không nhúc nhích được mới thôi. Ông được ví như con vịt đã bị ma quỷ bắn chết rồi, nên nó để yên ông; còn con được ví như con vịt mới bị thương và đang tìm cách trốn thoát, do đó ma quỷ đang giơ sào và tìm mọi cách đập con cho chết thật mới thôi.”
Ma quỷ cám dỗ là một sự thật. Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ con người đi nghịch lại với đường lối của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng từng bị cám dỗ. Ma quỷ đã bủa vây Chúa Giêsu bằng nhiều lời hứa đường mật, nhưng luôn theo một chủ đích là từ bỏ Chúa Cha để hành động theo ý mình. Quả thực, trên đời chẳng có gì cho không. Ai cho chúng ta điều gì thì thường họ cũng muốn đòi lại chúng ta một điều nào đó, huống hồ là ma quỷ, nó sẽ không bao giờ cho không chúng ta. Năm xưa trong vườn địa đàng ma quỷ đã chiến thắng Adam - Eva, khi hai ông bà quay lưng lại với Thiên Chúa. Ma quỷ cũng chiến thắng dân Chúa chọn trên hành trình đất hứa khi thờ con bò vàng để tìm kiếm miếng ăn. Nhưng ma quỷ đã hoàn toàn thất bại trước Con Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu đã nhắc ma quỷ phải tuân phục Thiên Chúa. Ngài cũng nhắc ma quỷ cuộc sống này cái ăn cái mặc rất đáng quý nhưng thực thi ý Chúa còn đáng quý hơn nữa.
Hôm nay Chủ nhật khởi đầu Mùa Chay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sám hối. Sám hối vì đã có những lần chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa. Sám hối vì đã có những lần chúng ta chiều theo cám dỗ của ma quỷ mà hành động theo tính xác thịt, thiếu tự chủ bản thân. Sám hối là nhìn nhận sự yếu đuối của bản thân mình để trông cậy lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới có thể chiến thắng các cơn cám dỗ, chiến thắng những yếu đuối của bản thân.
Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng các cơn cám dỗ ban ơn sức mạnh để chúng ta vực dậy sau những lần vấp ngã, và canh tân đời sống theo tinh thần Tin Mừng. Xin cho chúng ta đừng bao giờ tự phụ về khả năng tự chủ của mình, nhưng luôn khiêm tốn  trông cậy vào ơn Chúa giúp để nói không với sự xấu, với điều nghịch lại với lề luật của Chúa. Amen

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị có quen chấp nhận những điều khó chịu không?
  2. Anh chị đã bị cám dỗ bao giờ chưa? Anh chị đã chống trả thế nào?
  3. Mùa Chay này, anh chị sẽ sống thế nào để thêm lòng mến Chúa yêu người?
  4. Anh chị có thường từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa không?
 
II.  ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH TRẺ
 
Trong năm nay chúng ta sẽ suy nghĩ về 12 đề tài của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về Đồng Hành với các Gia Đình Trẻ. Cộng đoàn Khôi Bình chúng ta trong gợi ý mục vụ tháng 02/2018, sẽ nói về: Hôn nhân, chuyện một đời. 
Hai người nam nữ trẻ tìm hiểu, gắn kết và thề hứa với nhau sống trọn đời, nhưng cuộc sống hôn nhân không luôn luôn là dễ dàng, nó đòi hỏi cả hai bên phối ngẫu phải có tình yêu, lòng trung thành trong tình yêu. Hôn nhân chỉ là một câu chuyện mới bắt đầu. Hôn nhân là một chuyện đời. Hôn nhân không chỉ là nghi lễ một lần mà bạn sống ngày hôm đó. Nó đã được chuẩn bị và nó sẽ được mở rộng mỗi ngày. Nếu bí tích là mối quan hệ cam kết giữa cá nhân trước mặt Thiên Chúa, thì bí tích vẫn sống động bao lâu mối quan hệ tình yêu của con người với Thiên Chúa còn tiếp tục. Hôn nhân cũng thế, còn trung thành trong tình yêu chân thật thì hạnh phúc hôn nhân sẽ còn kéo dài.
Lễ Tân Hôn là một câu chuyện mới bắt đầu. Một câu chuyện thiêng liêng có cái giá của nó. Hôn nhân như là một dự án của tình yêu cần phải được xây dựng, được sửa chữa, được bảo vệ, bởi vì nó rất mong manh. Hôn nhân cần đôi phối ngẫu tiếp tục con đường mà mình đã chọn: cởi mở với nhau, đối thoại, điều chỉnh để cùng nhau phát triển và phát triển mạnh về tình yêu và về những phương diện khác. Hôn nhân cần đôi phối ngẫu có thể tha thứ cho nhau, bởi vì con người chúng ta có những hạn chế, những cãi vã và những sai lầm. Đôi phối ngẫu phải biết tôn trọng sự khác biệt, sự độc lập và những không gian riêng tư khác nữa. Cuộc sống chung bao hàm cuộc gặp gỡ của hai quyền tự do, trong đó, đôi phối ngẫu phải kiên nhẫn học cách đón tiếp chấp nhận nhau, để sống hài hòa, và để tình yêu được củng cố và phát triển. 
Chính vì khó khăn đó mà trong Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu Đức Phanxicô khuyên:  “…không nên đặt lên hai con người hữu hạn gánh nặng khủng khiếp phải lặp lại một cách hoàn hảo sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo hội, vì hôn nhân, trong tư cách dấu chỉ, bao hàm ‘một diễn trình năng động…, một diễn trình từ từ diễn tiến với việc hội nhập tiệm tiến các ân ban của Thiên Chúa” (NVTY. 122). Mặt khác, Đức Giáo hoàng mạnh mẽ nhấn mạnh đến cách cư xử của đôi phối ngẫu: cần “…. quan tâm tới thiện ích của người kia, tính hỗ tương, sự thân mật, sự dịu dàng, tính ổn định và sự tương đồng bằng hữu cần được thiết lập từ một đời sống chung. Nhưng Hôn nhân còn thêm vào đó tính đơn nhất bất khả phân ly được diễn tả trong dự phóng ổn định cùng chia sẻ và xây dựng toàn bộ cuộc sống” (NVTY. 123) và chính “trong một tổng hợp tất nhiên của những hoan lạc và khổ nhọc, những căng thẳng và nghỉ ngơi, những đau khổ và giải thoát, những thỏa mãn và kiếm tìm, những phiền muộn và khoan khoái…” (NVTY. 126), mà hôn nhân đã được lập thành.
 
Hôn Nhân, chuyện một đời là như thế, nó kéo dài suốt đời. Nhờ Ơn Chúa giúp, sống trung thành với Chúa, trung thành với Bí tích mà mình lãnh nhận, thì đôi phối ngẫu sẽ được hạnh phúc trong cuộc sống Hôn nhân của mình. Xin Chúa chúc phúc lành cho gia đình Kitô hữu sống đời sống Hôn nhân. 
 
III. TÌNH GIA ĐÌNH CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
 
1. Thánh Anê Lê Thị Thành: Sinh khoảng năm 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, Giáo phận Phát Diệm. Năm 17 tuổi, cô kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hòa, sinh được hai trai là Đê và Trân, với bốn gái là Thu, Năm, Nhiên và Nụ. Hai ông bà hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái.
Ngày lễ Phục sinh 14/04/1841, tổng đốc Nam Định, Trịnh Quang Khanh, cùng với 500 lính đến vây làng Phúc Nhạc. Bà đã bị bắt vì chứa chấp cha Lý. Bà chết rũ tù tại Nam Định ngày 12/07/1841.
Cô Luxia Nụ, con gái út, cung khai khi giáo quyền thẩm vấn trong việc điều tra phong chân phước như sau: “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục các con. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự Thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban Thiếu Nữ Thưa Kinh ở nhà thờ.”
Một người con khác, cô Anna Năm, cũng xác minh: “Song thân chúng tôi chỉ gả các con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần người dạy tôi: ‘Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận Thánh giá Chúa gửi cho.’ Người cũng khuyên vợ chồng tôi: ‘Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ.’”
Cô Luxia Nụ đến thăm mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lổ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”?
Bà còn khuyên: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng.” 
(Trích trong Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, San Jose, Cal, 1990, trang 213- 216).
2. Cha Phêrô Đoàn Công Qúy: Cha mẹ của cha tên là Antôn Đoàn Công Miêng và Anê Nguyễn Thị Thường. Hai ông bà sinh sống ở Bắc Việt cho đến năm 1820. Cả gia đình di cư vào Nam ở tại họ đạo Búng, Bình Dương. Năm 1826, người con trai út Phêrô Đoàn Công Qúy chào đời. Đây là người con thứ sáu trong gia đình.
Vì thấy cậu út thông minh, nên ông Miêng lo liệu cho cậu chăm chuyên theo đường học vấn, với hy vọng mai sau nối dòng thi lễ, làm vẻ vang cho cả gia tộc. Nhưng Thiên Chúa lại muốn cho người con út này đi theo con đường khác. Cậu Qúy thường lui tới gặp gỡ và học hỏi cha Tám ở nhà thờ Búng. Một thời gian sau, cậu xin phép cha mẹ được ở luôn với cha.
Năm 1847, cha Tám giới thiệu chàng trai 21 tuổi cho cha Gioan Michel Mịch, để học tiếng La Tinh. Rồi cậu được nhận vào học chủng viện thánh Giuse ở Thị Nghè. Năm 1848 được du học Pênăng, Mã Lai. Học xong triết và thần học, thầy về nước. Tháng 09/1858 thày chịu chức linh mục. Ngày 27/12/1858, cha được bổ nhiệm về họ Cầu Đước, An Giang. Ngày 27/12/1859, mười ngày sau, cha bị bắt khi đang ẩn trốn ở nhà ông câu Lê Văn Phụng.
Dù sống trong cảnh tù ngục, cha Qúy vẫn tưởng nhớ đến thân mẫu của mình (thân phụ đã qua đời). Cha gửi thư kính thăm và báo tin cho thân mẫu biết tin mình sắp được phúc tử đạo:

 
Ký vụ thân mẫu đôi chữ tường tri
Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi
Lòng lã chã lụy rơi luồng lụy
Ngỡ tới đây hành công biện sự
Một hai tháng về viếng từ thân
Ai ngờ rầy sớm tách lìa phân
Trời cùng nước không hề vầy hiệp
Hễ đạo làm tôi đua giữ lời răn dạy
Cho nên con vâng lệnh chỉ sai
Đàng xa xôi cách trở lại chi nài
Miễn đặng tiếng vâng lời chịu lụy
Khi con tới An Giang tạm nghỉ
Gặp chân trời mở hội khoa thi
Nên con phải liều công ứng cử
Ấy là Thiên Chúa nhi sổ nhiên
Nhơn tất tùng chi, nhi dĩ hỉ
Dầu trăng trói, gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử
Chí con dốc đền công ơn Chúa
Dạ con làm báo nghĩa mẹ cha
Xin mẫu tử chớ chút phiền hà
Một cam chịu cho Danh Cha cả sáng.
Cha bị chém đầu ở xóm Chà Và, Châu Đốc ngày 31/7/1859.
(Trích trong Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, San Jose, Cal, 1990, trang 248 - 249).

Tải file pdf tại đây
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong bầu khí linh thiêng của đêm cực thánh, đêm mà nhân loại được đón chờ Ngôi Hai xuống thế làm người, như một sự an ủi, khiến con người ta tạm quên đi những lo âu thường ngày, giáo xứ Cát Ngòi đã long trọng tổ chức đêm hoan ca – diễn nguyện và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 24.12.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log