Thứ ba, 28/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình Tháng 6.2018

Cập nhật lúc 07:01 11/06/2018
Lời Chủ Chăn Tháng 06.2018
ĐẾN VỚI THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, NGUỒN SUỐI TÌNH YÊU

 
Cộng đoàn dân Chúa giáo phận Hưng Hóa thân mến,
Tháng Hoa vừa kết thúc, nhường cho tháng Thánh Tâm. Trong tháng qua, mọi giáo xứ đều tổ chức những cuộc rước kiệu dâng hoa. Việc đạo đức bình dân đó cho thấy lòng anh chị em yêu mến Đức Mẹ thật nồng nàn thắm thiết. Ước gì tình yêu ấy dẫn anh chị em đến với Chúa, bởi chính Ngài mới thật là Đấng mà tình yêu của chúng ta phải hướng đến.
Thánh Gioan đã định nghĩa một cách ngắn gọn nhưng súc tích bản chất của Thiên Chúa chúng ta: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật và con người vì yêu thương. Khi con người bất trung, Chúa vẫn thương yêu vì Ngài luôn trung tín (x. 2Tm 2,13). Ngài đã sai Con Một là Đức Giêsu Kitô đến trần gian làm người, chịu khổ hình để đền tội và phục hồi địa vị làm con Chúa cho nhân loại. Chúa đã sống vì yêu và chết vì yêu. Thật vậy, dù đã gục đầu tắt thở trên thánh giá, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ tình yêu tuyệt độ đối với nhân loại, nên đã để trái tim mở ra, dốc đến giọt máu cuối cùng. Ôi tình yêu Chúa quá thẳm sâu, chúng con xin đội ơn Chúa muôn trùng!
Giữa thế kỷ XVII, Chúa đã tỏ cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque, người Pháp, thấy trái tim của Ngài bị vòng gai đâm thủng và ngọn lửa bừng bừng cháy. Chúa nói với thánh nữ: “Này là trái tim đã yêu thương loài người không còn tiếc rẻ gì, đến độ mỏi mòn tiêu hao để làm chứng tình yêu đối với họ.” Đến đầu thế kỷ XX, Chúa lại chọn thánh nữ Faustina Kowalska, người Ba Lan, làm tông đồ cho lòng thương xót của Ngài. Chúa nói: “Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ôm chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim thương xót của Cha.”
Để đáp lại trong muôn một tình yêu cao cả của Chúa, chúng tôi xin gợi ra một số thực hành sau đây trong tháng Thánh Tâm.
1. Chúa nhật đầu tháng, ngày 3.6, Giáo Hội mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là bằng chứng tình yêu cao vời của Chúa. Chúa yêu thương chúng ta đến độ lấy Thịt Máu Ngài nuôi linh hồn chúng ta trên đường dương thế. Anh chị em hãy đáp lại tình yêu Chúa bằng việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật cách trọn vẹn và ý thức, sốt sắng rước Mình Máu Thánh Chúa. Một thực tế đáng buồn đang xảy ra trong giáo phận, đó là nhiều người bỏ lễ Chúa Nhật, nhiều người dự lễ mà không rước lễ. Những người ấy đang thờ ơ hững hờ với tình yêu Chúa. Cha mẹ hãy nêu gương sáng đạo đức cho con cái, nhắc nhở chúng đi dự lễ, rước lễ ngày Chúa Nhật, sau đó còn học giáo lý và tham gia sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể.
2. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm nay nhằm ngày thứ sáu, 8.6.2018. Lịch phụng vụ giáo phận ghi như sau: “Theo truyền thống của giáo phận nhà, thánh lễ này có thể kính trọng thể vào Chủ Nhật tới, các xứ tổ chức chầu Mình Thánh Chúa như ngày chầu lượt, để đền tạ Thánh Tâm Chúa. Cha xứ dâng giáo xứ cho Thánh Tâm Chúa.” Xin các cha tổ chức lễ trọng này cho giáo xứ như lịch phụng vụ giáo phận đã dạy.
3. Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu còn được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chọn làm ngày thánh hóa các linh mục. Xin các cha ý thức tình yêu lớn lao Chúa đã dành cho mình, và nỗ lực sống thánh thiện, quên mình, noi gương Chúa Giêsu, vị Mục Tử tối cao, để phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em bằng đức ái mục tử. Xin anh chị em giáo dân cầu nguyện cho các linh mục của giáo phận chúng ta được nên thánh bằng đời sống và sứ vụ của mình.
4. Ngày 19 tháng 6 tới đây kỷ niệm tròn 30 năm ngày 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam được tôn vinh Hiển Thánh (19.6.1988 – 19.6.2018). Các ngài là ai? Thưa là những người đã anh dũng bước theo Chúa đến cùng, dám chết vì tình yêu. Á thánh Anrê Phú Yên, trên đường ra pháp trường chịu tử đạo, đã hô to: “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu của ta, ta hãy lấy tình yêu đáp lại Tình Yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì ta, ta hãy lấy sự sống đáp lại Sự Sống.” Cha Đắc Lộ, chứng kiến cuộc tử đạo của thầy Anrê, làm chứng rằng mình nghe rõ thánh danh “GIÊSU” phát ra không phải từ miệng lưỡi mà từ cổ họng thầy. Lòng yêu mến Chúa đã khiến thầy kêu Tên Cực Trọng Chúa từ trái tim bừng cháy của thầy!
Trong thời gian toàn xá mừng 30 năm phong thánh tử đạo Việt Nam, mong anh chị em sắp xếp tham dự hành hương viếng đài tưởng niệm các thánh tử đạo tại pháp trường Năm Mẫu (Sơn Tây), nơi mà hơn 30 chứng nhân đức tin đã đổ máu làm hiến tế dâng lên Chúa. Hãy học hỏi, cử hành, và sống Năm hồng ân đặc biệt này, theo hướng dẫn của Đức giám mục giáo phận. Đó cũng là cách chúng ta đáp lại tình yêu Chúa.
5. Sau cùng, trong khuôn khổ của năm đồng hành với các gia đình trẻ, chúng tôi kêu mời các đôi vợ chồng kết hợp tình yêu-hôn nhân-gia đình của anh chị em với tình yêu Chúa. Tình yêu đích thật thì đòi buộc đôi vợ chồng quên mình đi để yêu thương bạn đời và con cái mình, chứ không ích kỷ yêu bản thân. Sự hy sinh trong hôn nhân đôi khi thật đắng cay, khó chấp nhận, trải dài tưởng như vô tận khi đôi vợ chồng không yêu thương nhau, không mang lại hạnh phúc cho nhau. Xin anh chị em khi phải đối diện những thách đố này biết chạy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu, phó dâng cho Ngài những đau khổ, nài xin ơn trợ giúp để vượt qua, giữ cho hôn nhân bền chặt không tan vỡ.
Chúng tôi nguyện chúc anh chị em được ngụp lặn và tắm mát trong nguồn suối tình yêu vô biên lai láng của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót giáo phận Hưng Hóa chúng con. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót gia đình công giáo chúng con. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót các linh mục của chúng con.
+ Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận
+ Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
Lá thư Đồng hành

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Năm Thánh mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam sẽ được toàn thể Giáo hội Việt Nam khai mạc ngày 19/6 và kết thúc ngày 24/11/2018. Trong thư công bố Năm Thánh, ngoài việc hướng dẫn một số điều cụ thể cho việc cử hành Năm Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam còn đặc biệt kêu gọi toàn thể Dân Chúa sống tinh thần của các Thánh Tử Đạo, áp dụng vào môi trường và bậc sống của mỗi người.
Trong tinh thần của thư công bố Năm Thánh của Hội Đồng Giám Mục, tôi mời gọi tất cả Khôi Bình viên sốt sắng cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí tích, gia tăng hy sinh hãm mình và thực thi bác ái, đồng thời tích cực tham dự các cử hành Năm Thánh cấp giáo phận cũng như tại các Giáo hạt với chương trình như sau:
1. Thánh lễ khai mạc Năm Thánh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Giáo phận nhà sẽ được cử hành vào lúc 08h00, ngày 20/6/2018 với chương trình cụ thể như sau: Viếng Các Thánh Tử Đạo tại Khu Di tích CTTĐ Sơn Tây (Trên trục lộ 32); Hành hương về Nhà Thờ Chính Tòa Sơn Lộc và Thánh lễ Khai Mạc Năm Thánh.
2. Các Khôi Bình viên sẽ đăng ký hành hương chung với Giáo xứ của mình khi có thông báo. Khi chúng ta hành hương viếng nơi ghi dấu tử đạo của các bậc tiền nhân là lúc chúng ta được gợi nhắc hào khí của các ngài đã hy sinh mạng sống vì đức tin và thúc bách chúng ta là con cháu tiếp nối gương chứng nhân của các ngài. Nếu Khôi Bình Hưng Hóa có ngày hành hương riêng, BQG Giáo phận sẽ thông báo sau.
3. Các Gia đình Khôi Bình Giáo xứ sẽ cùng học hỏi gương sống đức tin và chiêm ngắm chứng tá tử đạo với quyển sách “Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam” do Văn phòng Hội Đồng Giám Mục phổ biến trong dịp Năm Thánh. Hoặc tài liệu do UBVH Giáo phận đã phát hành.
Trong Năm Thánh, các tín hữu được hưởng Ơn Toàn Xá khi tham dự Lễ khai mạc và Lễ bế mạc Năm Thánh, khi hành hương tại Di tích CTTĐ Sơn Tây.
Nguyện chúc quý anh chị em được tràn đầy ơn phúc, biết noi gương chứng nhân của các Thánh Tử Đạo Việt Nam để mỗi gia đình, mỗi Khôi Bình viên chúng ta luôn ý thức góp phần tích cực dựng xây Hội Thánh và trung kiên làm chứng cho Chúa Kitô giữa lòng thế giới hôm nay.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB Hưng Hóa
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XII THƯỜNG NIÊN
G 38,1.8-11; 2Cr 5,14-17; Mc 4,35-41

 
Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.
Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.
Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các Tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.
Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.
Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.
Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa nhiều hơn. Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.
Gm. Giuse Ngô Quang Kiệt
Gợi ý chia sẻ:
  1. Thử thách giúp chúng ta trưởng thành thế nào?
  2. Chúng ta phải sống thế nào trong thử thách để vượt lên trên thử thách?

II. ĐỒNG HÀNH VỚI GIA ĐÌNH TRẺ

Anh nhận em làm vợ…”
 
Lời hứa khi kết hôn “anh (Giuse)… nhận em (Maria)… làm vợ…” (hay ngược lại “em… nhận anh… làm chồng..”) rất có ý nghĩa trong một hoàn cảnh như ngày nay khi mà người ta có lẽ không còn xem lời hứa ấy là đương nhiên. Trong xã hội chúng ta ngày nay, bởi nhiều lí do khác nhau, người ta càng ngày càng ít muốn cam kết dấn thân sống với nhau mãi mãi. Bên cạnh lối sống phổ biến cá nhân chủ nghĩa thời nay người ta thực sự ngại ngùng nhau, khó có thể chấp nhận nhau. Với tâm trạng bất an, họ cứ đồng hóa mình với ai đó hay với phẩm cách nào đó, vốn không có hoặc ít có liên hệ gì đến cuộc sống thực tế của mình. Thay vì chấp nhận nhân cách của chính mình, người ta đào thoát vào trong một thế giới ảo và tự sắm những vai nào đó không thích hợp với mình. Thế nhưng, chính khi ta thực sự chấp nhận bản thân ta mới có thể chấp nhận tha nhân.Người ta cần chấp nhận bản thân khi bước vào hôn nhân. Xã hội có khuynh hướng giản lược các mối quan hệ giữa cá nhân trở thành chỉ như là liên hệ ảo ngắn hạn, đang khi hôn nhân công giáo chủ yếu lại đưa ra lời hứa hôn “anh nhận em làm vợ” / “em nhận anh làm chồng” thực sự và kéo dài mãi mãi. Chính điều này đây diễn tả tính cách đặc thù của tình yêu hôn nhân.
Đón nhận nhau làm vợ - chồng có nghĩa là trở thành ngôi “nhà” của nhau
Khi hai bạn nhận nhau làm vợ - chồng là hai người đang trao cho nhau và nhận từ nhau một ngôi “nhà.” Bạn nói về người bạn đời với mọi người: “đây là ‘nhà’ tôi.” Mỗi người có thể cảm thấy thoải mái trong cuộc sống hôn nhân, cảm thấy an toàn có một chỗ ấm áp như trong nhà của mình. Trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay, các công dân thế giới này cần hơn bao giờ hết một mái ấm an sinh như thế. Khi hai người kết hôn, điều đó giúp họ thực hiện ước vọng có được một tổ ấm trong đời nơi đó mình cảm thấy được an toàn, nhìn nhận, cảm thông, thương yêu, sự dịu dàng và gần gũi. Kinh nghiệm bản thân được đón nhận giúp làm tăng phẩm giá người bạn đời, cho họ chiếc chìa khóa tự khám phá bản thân qua sự kết hợp trong tự do yêu thương. Đón nhận con người của nhau hàm chứa cả chiều kích tình dục nhưng đó chỉ là một phần trong toàn thể mối quan hệ. Nó khích lệ ta tiến tới trong hi vọng thực hiện khát vọng Vô Biên và Tuyệt Đối.
Lấy một người có nghĩa là dấn thân với những nguy cơ trước mắt có thể có trong cuộc sống chung với người ấy, bằng cách cùng nhau phát triển trong đối thoại, cùng nhau khám phá và thực hiện tiềm năng đầy đủ nhất của người kia. Tuy nhiên, lấy một người không có nghĩa là xây dựng một mối quan hệ cộng - sinh mà tình yêu thuở ban đầu khát khao lưu luyến. Đúng hơn, đó là cùng nhau xây dựng sự hợp nhất trong đó những dị biệt của hai người, những cá tính khác nhau không bị đe dọa. Tình yêu trong hôn nhân không có nghĩa là chối bỏ bản thân mình để tìm một sự tan hòa hoàn toàn vào trong một sự ‘thống nhất’ không thành. Tình yêu luôn liên hệ đến hai con người, luôn có trước mặt một ‘đối tượng’ ta hướng tới. Tinh yêu tinh tuyền chỉ có thể từ một con người hướng đến một con người. Nó luôn tìm sự hài hòa nhưng tôn trọng khoảng cách, biết kính trọng nhau, dành một chỗ cho tha nhân với nét dị biệt của họ, và để không gian cho người ấy sống. Sự hấp dẫn của cuộc sống chung xuất phát từ chính sự khác biệt này (dẫu cũng đồng thời họ cần thuận vợ thuận chồng trong những vấn đề cơ bản của cuộc sống chung). Đôi bạn mở rộng chân trời cho nhau, thách thức nhau, và yêu nhau. Con người vẫn luôn là cái gì đó ‘mầu nhiệm’, không bao giờ tỏ lộ hết bản thân mình. Bản ngã mình chắc chắn là có thay đổi, chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Điều đó có nghĩa là ta phải không ngừng chấp nhận bản thân và trao hiến chính mình cho người bạn đời. Trao hiến thì tốt hơn là nhận lãnh. Ích kỉ thì nhốt kín ta lại, còn tình yêu đích thật thì trao ban và đón nhận tha nhân.
Nói “anh nhận em …” có nghĩa là dành chỗ cho cái gì đó mới mẻ phát triển
Đó là cách thức để một người chiến thắng được nỗi bận tâm về bản thân để mà lo lắng cho người khác. Làm như thế, ta mở lòng mình ra với người kia, thoát khỏi vòng vây vị kỉ, và từ đó đi ra ngoài các liên hệ gia đình riêng mình (cf. St 2,24), rồi nhờ đó mà tạo dựng được một đơn vị gia đình mới. Trong bối cảnh đó, dị biệt và hợp nhất nên một không đối nghịch nhau, nhưng được kinh nghiệm như là nguồn mạch của một tiềm năng lớn. Lời xác nhận “anh nhận em…” dẫn đến sáng tạo ra một khoảng không giữa hai người nơi dành cho điều gì đó mới mẻ sẽ xuất hiện và phát triển.
Nói “anh nhận em…” có nghĩa là anh không ngừng liên hệ đến thực tế con người của em
Nhận nhau làm vợ - chồng là chấp nhận nhau tất cả, sẵn sàng đón nhận người bạn vô điều kiện, cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của người ấy. Đôi bạn có thể chỉ thấy thoáng hiện một chút tương lai cuộc sống chung phía trước hay những điều họ mong đợi sẽ đến từ cuộc hôn nhân, thế nhưng kinh nghiệm thực tế hằng ngày cuộc sống hôn nhân lại có thể được ghi dấu ấn đậm đà bởi những kinh nghiệm thực tế mà mỗi người mang đến. Có thể chúng có những hiệu quả tích cực mà cũng có thể là gánh nặng cho cuộc sống chung. Bởi thế, đón nhận nhau hàm nghĩa là cởi mở với nhau và chia sẻ những kinh nghiệm chung. Giữ riêng điều chi đó do một nỗi sợ hãi không đúng chỗ có thể gây ra vấn đề, không những cho cá nhân mình mà còn cho chính quan hệ hôn nhân. Thế nên, điều quan trọng là phải lo ‘lau sàn’ trước khi cưới. Có những chuyện quan trọng trong khi cứ đi tới tìm hiểu nhau mà không được chia sẻ cho nhau biết (ví dụ như mình bị vô sinh, hoặc đã có một đứa con trong một quan hệ trước, hoặc đã từng bị án tù, hoặc đang mắc một bệnh tật hiểm nghèo, vân vân). Vấn đề không chỉ đơn giản là thiếu cởi mở, thực ra phải hiểu đó là một sự lừa dối, một sự lừa dối có thể tàn phá hôn nhân thậm chí có thể đi đến kết cuộc là hôn nhân bất thành sự.
Đón nhận làm vợ/chồng có nghĩa là tôi luôn đi vào thực tế của người bạn đời của tôi. Một thái độ như thế đòi hỏi tôi phải bước ra khỏi mình và như thế trao ban cho người bạn đời của tôi một sự an toàn, tin tưởng, có nghĩa là chúng tôi có thể tin tưởng nhau vô điều kiện. Một con người cá thể đơn độc thì không viên mãn được. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Xã hội ngày nay có một quan niệm sai lầm về tự do của con người, tôn vinh tự do cá nhân đến mức tuyệt đối trong khi không quan tâm tới tình liên đới giữa người với người, cởi mở với tha nhân và phục vụ tha nhân (cf. Evangelium vitae19). Kitô hữu làm chứng ngược lại, cho rằng “con người, là loài thọ tạo duy nhất trên trần gian này được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, và họ chỉ có thể gặp lại bản thân khi chân thành trao ban chính mình” (Gaudium et Spes 24). Lời hứa “tôi nhận em (anh) làm vợ (chồng) …” là lời tuyên bố, từ chối quan niệm cá nhân chủ nghĩa ấy, ưng thuận người bạn đời vô điều kiện và vì nàng (chàng), và sẵn sàng chia sẻ chung số phận với người suốt cả hành trình trần gian.
Câu hỏi chia sẻ hay để thảo luận:
  1. Bạn đã biết và đối diện với những điểm mạnh và điểm yếu của bạn chưa?
  2. Bạn có thể đối diện với chính mình không, và bạn thấy mình cần thay đổi bản thân ở điểm nào?
  3. Bạn có còn giấu kín bạn đời mình điều gì không? Đó có phải là những sự đã chưa được đả thông?
  4. Bạn đang tìm kiếm gì nơi người bạn đời của mình?
  5. Bạn có thể giải hòa với vợ/chồng bạn những điểm mạnh và yếu ấy của nàng/chàng chăng?

VP HĐGMVN
 
 
III. TÌNH GIA ĐÌNH CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
 
1. Thánh Valentiô Berriô-Ochoa, giám mục: sinh ngày 14-2-1827 tại làng Elorriô, địa phận Vich, Tây Ban Nha. Sang Việt Nam ngày 30-3-1858. Bị chém đầu tại pháp trường Năm Mẫu, Hải Dương ngày 1-11-1861.
Tháng 8-1860, Đức cha đã viết thư cho mẹ: “Mẹ chí yêu của lòng con, mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao? Mẹ qúi mến của con ơi. Con sống vui tươi lắm, con làm Giám mục cơ mà ! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm Giám mục là phải ngồi ngựa à ? Không, chúng con tuột giầy ra giữa đêm hôm tăm tối, nhoài hết chỗ lội này đến quãng lội khác. Vậy mà cứ vui thôi. Một hôm con lội sáu dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn trơn, con ngã soành soạt không biết bao nhiêu lần. Tuy là Giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Những giáo hữu ở đây tốt lắm, về tới nhà đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị dâng lễ…
“Ồ có lẽ mẹ bảo: Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm ! Không, chả buồn chả xìu tí nào mẹ ạ. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi vui, nhanh nhẹn lắm. Chúa an ủi chúng con trong lao nhọc. Con tuy là “trai già” mà nhảy qua vũng lội vẫn lẹ như sóc vậy. Mẹ ạ, Vinh trước là đứa con nhảy nhót qua núi đồi thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên qủi già nhất ở trong hỏa ngục phải run sợ…” (trang 347-348).
2. Thánh Giaxintô Castanêđa Gia, linh mục: sinh năm 1743 tại Jativa thuộc giáo phận Valencia, Tây Ban Nha. Sang truyền giáo ở Việt Nam ngày 23-2-1770. Tử đạo tại Đông Mơ ngày 7-11-1773.
Tin tức linh mục Castaneda tử đạo đã về tới quê hương Tây Ban Nha. Em trai thánh nhân là Clêmenê biết trước tiên, đã hết sức thận trọng báo tin cho thân mẫu. Bà sửng sốt hỏi: “Tại sao Giacintô của mẹ lại chết. Anh ấy chết bệnh hay bị giết” ? Clêmentê chợt nghĩ anh mình mới 30 tuổi, sợ mẹ buồn nên hỏi lại: “Vậy mẹ muốn anh ấy chết cách nào” ? Bà đáp: “Mẹ mong vì đức tin mà Giacintô, con mẹ, bị giết.” Clêmentê liền nói: “Thưa mẹ, chính vì đức tin, người ta đã chém đầu anh ấy.” Ngay chiều hôm đó, bà mẹ đến nhà thờ dòng Đaminh, để cùng các tu sĩ hát lời tạ ơn (trang 367).
3. Thánh Martinô Thọ, viên thuế: sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông tên thật là Nho, còn Thọ là tên của con trai thứ chín. Tuy gia đình đông con, nhưng ông đã khéo léo giáo dục chúng bằng đời sống gương mẫu của chính mình. Vì ngay thẳng, liêm khiết, không nhận hối lộ, không ăn chặn của ai, cũng không qụy lụy cấp trên, cứ theo lẽ công mà làm, nên dân trong làng cử ông phụ trách việc thâu thuế đinh. Ông thức khuya dậy sớm lao động như mọi người, vừa làm ruộng vừa nuôi tằm. Ông thường khuyên các con: “Sống công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện.”
Năm 1838, khi nghe tin hai ông trùm Đích và ông Lý Mỹ bị xử trảm ở pháp trường Bẩy Mẫu, ông thu xếp công việc đến viếng xác, và về nhà dặn dò các con: “Các con yêu dấu, nếu Chúa cho cha theo chân hai đấng ấy, các con hãy vui lòng. Phần các con, nếu bị bắt, hãy can đảm giữ vững đức tin.”
Ngày 30-5-1840, nghe tin làng Kẻ Báng có linh mục, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đem hàng ngàn lính về bao vây. Sau hai ngày lục soát, họ bắt được cha Thịnh, cha Nghi, cha Ngân. Ông Thọ và ông Cỏn bị bắt vì chứa chấp các cha. Khi các con vào thăm ông trong tù, ông nói: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cho cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy  vâng lời mẹ. Các con lớn hãy quan tâm đến em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng và vâng lời anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một Thánh Giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa.”
Ngày 8-11-1840, ông cùng với ba cha và ông Cỏn, bị chém đầu ở Bẩy Mẫu, Nam Định (trang 378-379).
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log