Chúa nhật, 26/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 03.2020

Cập nhật lúc 08:42 06/03/2020
Khôi Bình Hưng Hóa
Nội bộ sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Chúng ta bước vào Mùa Chay năm nay trong bầu khí đầy âu lo trước nạn dịch bệnh viêm đường hô hấp Covid - 19. Đã có rất nhiều cố gắng, nhiều phương thế được đưa ra để bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Trong bầu khí đó, với Mùa Chay, Giáo hội mời gọi mỗi người trong chúng ta chuẩn bị tâm hồn hướng về lễ Phục sinh sắp tới.
Sứ điệp Mùa Chay năm nay với chủ đề: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2Cr 5, 20), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi toàn thể Giáo hội trở về với Thiên Chúa, làm hòa với Ngài, như người con hoang đàng trong Kinh Thánh (x. Lc 15, 11-32), trở về với Cha của mình để làm hòa với Cha và nhận lại sự sống dư tràn trong nhà Cha. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa; ngay lập tức, tương quan giữa con người cũng bị rạn nứt. Chính ông Adam đã đổ lỗi cho vợ là Eva: “Người đàn bà Ngài cho ở với tôi, đã cho tôi trái cây ấy, nên tôi ăn” (St 3, 12). Đồng thời, tương quan giữa thiên nhiên với con người cũng bị phá hủy. Từ đó con người phải cực nhọc, đau khổ và cuối cùng là cái chết. Vì thế, trong Mùa Chay, Giáo hội luôn mời gọi chúng ta phải sám hối.
Chúng ta phải sám hối bằng cách nào? Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta cách sám hối đó là: Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5, 20). Làm hoà với Thiên Chúa là thành tâm sám hối, xin lỗi Chúa, trở về với đúng thân phận thụ tạo của mình, khiêm nhường xin ơn tha thứ và xót thương của Thiên Chúa. Làm hòa với Chúa là thật lòng nối lại mối tương quan với Thiên Chúa, tương quan con cái với người cha của mình, tạo hoá với tạo vật, để từ đây sống tốt hơn mỗi ngày.
Sám hối thật lòng trở về với Chúa còn được thể hiện qua việc thực hành việc bác ái, thành tâm cầu nguyện, chay tịnh hãm mình. Thực hành ba việc làm này chính là làm hoà, là làm mới lại mối tương quan với anh em, với Chúa và với bản thân
Trước hết là điều chỉnh lại cái nhìn và mối tương quan với anh em. Chúa Giêsu đặt việc bác ái lên trước hết: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em chớ phô trương… ” (Mt  6, 1- 4). Trong Mùa Chay này và trong suốt cuộc đời người tín hữu đừng bao giờ xao nhãng việc phúc đức và việc bác ái. Vì khi thực hiện việc bác ái và những việc lành, chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi anh chị em đau khổ, thiếu thốn và trái tim chúng ta sẽ mở ra với Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần nhớ rằng: Bác ái Kitô giáo không chỉ là việc từ thiện, cứu trợ, nhưng là san sẻ tình yêu thương của những người con cùng một Cha là Thiên Chúa. Khi làm những việc phúc đức và việc bác ái, chúng ta không tìm kiếm sự ca tụng, không phải để được ghi danh là ân nhân hoặc làm vì thành tích, chỉ tiêu, nhưng chúng ta làm vì trái tim thúc đẩy. Những việc bác ái, công đức được làm thường xuyên cách âm thầm, chỉ có mình Chúa biết, có sức chữa lành tâm hồn của chính chúng ta và thúc đẩy chúng ta tìm gặp Chúa qua những anh chị em đau khổ.
Kế đến là nối lại tương quan với Chúa qua việc cầu nguyện: “Khi cầu nguyện… đừng cho người ta thấy… hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6, 5-6). Cầu nguyện cùng Cha nơi kín đáo có nghĩa là Thiên Chúa muốn chúng ta đến với Chúa, gặp gỡ Chúa trong sự riêng tư của mỗi người. Qua việc gặp gỡ riêng tư này, chúng ta có thể dễ dàng trải lòng ra với Chúa, Chúa có thể soi dọi và chạm vào tận tâm hồn chúng ta, chúng ta có thể dễ dàng nghe được tiếng nhắc bảo của Chúa. Chắc chắn với việc gặp được Chúa cách riêng tư trong cầu nguyện như thế, Chúa sẽ ban sức mạnh để giúp chúng ta biến đổi, giúp chúng ta nối lại mối dây thân tình Cha - Con với Chúa và mạnh dạn làm hòa cùng Chúa khi chúng ta lỗi lầm.
Việc sau cùng là điều chỉnh lại tương quan với bản thân qua việc chay tịnh: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ để cho người ta trông thấy…Còn anh em khi ăn chay, hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm để không ai biết anh là người ăn chay ngoại trừ Cha của anh em,…” (Mt 6, 16-18). Cầu nguyện kèm theo việc chay tịnh, hy sinh hãm mình sẽ có sức lay động và chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế theo truyền thống Kitô giáo, chúng ta luôn được mời gọi cầu nguyện kèm theo sự chay tịnh hy sinh hãm mình. Chay tịnh của Kitô giáo không nhắm vào việc ăn uống cho bằng sự hy sinh tiết chế, làm chủ con người và bản năng của mình. Chay tịnh, hy sinh để giúp con người thực hành mỗi ngày việc kiểm soát bản năng ăn uống, điều khiển dục vọng và các ham muốn bản thân, giúp con người mỗi ngày sống thanh thoát nhẹ nhàng hơn và có nhiều giờ hơn dành cho Chúa và cho anh em.
Theo ý nghĩa đó, tôi muốn đề nghị anh chị em làm hai việc cụ thể:
Thứ nhất, cộng đoàn chúng ta được Giáo phận giao kết nghĩa với Giáo họ Nậm Mằn thuộc Giáo xứ Sông Mã. Trong khả năng giới hạn của mình, chúng ta hãy cùng nhau tạo điều kiện giúp Giáo họ Nậm Mằn về cả tinh thần cũng như vật chất. Để thực hiện điều này, tôi xin anh chị em giảm bớt chi tiêu trong Mùa Chay này và đóng góp cho Ban Quản Gia Giáo phận để thực hiện những công việc tại đây. Đó là việc bác ái rất nên làm như lời Chúa dạy trong Mùa Chay.
Thứ hai, chúng ta được mời gọi “làm hòa với thiên nhiên” qua việc tôn trọng và bảo vệ môi trường: không làm ô nhiễm qua việc xả rác bừa bãi, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi và trồng trọt …
Ước mong với sự nâng đỡ của ơn Chúa, cộng đoàn chúng ta sẽ sống 40 ngày hồng phúc này một cách sốt sáng, thánh thiện, qua việc “làm hòa” với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với môi trường.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT II MÙA CHAY
St 12, 1- 4a; 2 Tm 1, 8b -10 ; Mt 17,1-9
Cái quý nhất của con người là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Cái hạnh phúc lớn nhất của con người là gìn giữ nét đẹp cao qúy đó nơi phẩm giá làm người của mình. Và điều cần thiết nhất để có một cuộc sống tốt với mọi người là nhận ra tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Thế nhưng, nhiều người đã phủ nhận điều cao quý nơi phẩm giá làm người của mình. Họ không tin rằng có Thiên Chúa. Họ chối từ sự sống thần linh mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Từ đó người ta cũng không lo gìn giữ cái đẹp của phẩm giá làm người của mình. Họ chỉ thấy con người là một loài vật có ăn có uống. Thế giới của họ là một thế giới mạnh thắng, yếu thua, và "cá lớn nuốt cá bé." Họ không nhận ra sự liên đới giữa người với người đều là hình ảnh Thiên Chúa, cần phải tôn trọng và sống tốt với nhau. Con người đã tự khước từ phẩm giá cao qúy là hình ảnh Thiên Chúa nên cũng dễ dàng từ khước nhau và đầy đoạ lẫn nhau.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù. Một lần kia nó nói với sư tử rằng: Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: "Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó.” Thằng cha này không coi ai ra gì cả!. Sư tử tức giận và bảo rằng:  "Thế mày có nhắc đến tên tao không?" Thỏ trả lời: “Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng làm con cháu của nó mà thôi.” Sư tử càng tức điên người lên và hỏi: “Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay.” Thỏ liền dẫn sư tử đi, và chỉ một cái giếng ở đàng xa và bảo: “Đấy, nó ở trong đó đấy!” Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy ngay một tên, với cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử rống lên một tiếng, tên kia cũng rống lên một tiếng. Sư tử xù lông cổ lên tên kia cũng xù lông cổ lên. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ dồn hết sức mình nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một trận. Thế là, con sư tử ngạo mạn tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu... Thất bại của sư tử là không nhận ra mình nên đã lao vào cắn xé chính hình ảnh của mình. Sư tử chỉ muốn nhất. Sư tử chỉ muốn làm bá chủ nên sẵn sàng loại trừ tất cả các đối thủ có nguy cơ nguy hại đến vị trí số một của mình.
Nếu con người của mọi thời đại biết nhìn nhận mình là hình ảnh của Thiên Chúa và mọi người là anh em với nhau, sẽ có những cách hành xử tốt với nhau hơn. Nếu con người nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân, chắc chắn sẽ không đối xử tàn bạo với nhau. Nhưng tiếc thay, nhiều người chỉ muốn làm chúa sơn lâm nên lao đầu vào cắn xé đồng loại, hành hạ đồng loại của mình và sẵn sàng làm đủ trò để loại trừ đồng loại. Chồng đánh đập vợ. Cha mẹ đánh đập con cái. Anh em đầy đoạ nhau. Hàng xóm láng giềng đáng lẽ "tối lửa tắt đèn có nhau", nhưng lại "bới lông tìm vết" nói xấu, tranh chấp và làm hại lẫn nhau.
Phụng vụ Lời Chúa trong Chủ nhật II Mùa Chay diễn tả biến cố Chúa hiển dung; nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Ba môn đệ đã cúi mình kính phục trước dung nhan thật của Chúa Giêsu. Đó chính là sứ điệp mà Mùa Chay đang mời gọi chúng ta: Hãy tỏ hiện dung nhan thật của chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa ra qua lời nói và việc làm của mình. Hãy thể hiện sự thánh thiện của hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình để anh em được chiêm ngưỡng. Hãy biểu lộ lối sống "nhân chi sơ tính bản thiện" của phẩm giá làm người để anh em được hạnh phúc khi sống với chúng ta.
Mùa Chay là mùa Giáo hội mời gọi chúng ta hãy tìm lại hình ảnh ban đầu của tạo dựng. Hãy gạn đục khơi trong để hình ảnh của Chúa luôn tỏ hiện ra nơi bản thân của chúng ta. Hãy tìm lại hình ảnh tinh tuyền ban đầu của mình, một hình ảnh chưa bị lòng ham muốn danh lợi thú làm hoen ố, mới thấy phẩm giá cao đẹp của con người thật cao qúy hơn muôn loài. Có ý thức được sự cao qúy nơi phẩm giá làm người mới biết trân trọng và gìn giữ cho mình và cho tha nhân. Phẩm giá con người cao quý hơn mọi danh lợi thú trần gian, thế nên đừng bao giờ vì một chút lợi lộc vật chất trần gian, một chút vui sướng mau qua mà đánh mất phẩm giá của mình và làm tổn thương đến phẩm giá của người khác. Xin Chúa giúp chúng ta can đảm tẩy rửa những bợn nhơ tội lỗi làm hoen ố lương tri, và xin Chúa thêm ơn trợ giúp để chúng ta luôn gìn giữ nét đẹp nơi phẩm giá làm người của mình và của tha nhân.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Có bao giờ anh chị được Chúa Giêsu mạc khải sự vinh quang cao sáng của người không? Anh chị có những tâm tình nào vào lúc ấy?
2. Làm sao anh chị có thể giữ những tâm tình đó trong lòng để đức tin của anh chị được bền đỗ trên đường đồng hành với Chúa Kitô
3. Anh chị có thật sự tin vào sự toàn thắng của Đức Kitô và sự hoàn hảo của Triều Đại của Ngài không? Hành vi của anh chị có phản ảnh lòng tin này không?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 03: Tiếng dế kêu
Có hai người bạn đang cùng nhau đi giữa đường phố nhộn nhịp với bao tiếng xe cộ ồn ào. Giữa hàng trăm loại âm thanh hỗn hợp của xe cộ, của người, của nhạc cụ, … một cô bạn bỗng nói, “Tôi nghe tiếng dế kêu.” Người bạn kia sửng sốt đáp lại, “Làm gì có, làm sao có thể nghe được tiếng dế giữa hàng trăm thứ tạp âm trong thành phố? Bạn khéo tưởng tượng thật!” Người bạn đáp, “Không, mình thực sự nghe tiếng dế mà. Nào hãy theo mình.”
Cả hai cùng đi về một góc đường, và tiến đến một bụi cây. Càng đến gần, tiếng dế càng rõ hơn. Bên dưới những chiếc lá khô, họ thấy một chú dế đang cất tiếng gáy say sưa.
“Chao ơi, thật là lạ. Tai bạn thật là tuyệt vời. Bạn có bí quyết gì vậy?” Người bạn kia hỏi. “Ồ không, tai mình cũng như bạn thôi, đâu có bí quyết gì đâu.” Nhưng hãy xem đây. Cô bạn liền lấy trong túi áo ra vài đồng tiền cắc và tung ra bên vệ đường. Ngay tức khắc, mấy chục người bộ hành ngừng lại và quay nhìn về phía phát ra âm thanh của những đồng tiền cắc. Cô bạn nói tiếp, “Bí quyết là ở chỗ đó. Vấn đề là bạn muốn nghe điều gì trong cuộc sống của bạn.”
Bạn thân mến, vấn đề là bạn muốn nghe điều gì trong cuộc sống chứ không phải tiếng gọi đó nhỏ hay lớn. Đúng như vậy. Hai người yêu nhau tuy ở xa ngàn dặm nhưng vẫn có thể nghe nhau, hiểu nhau; có đúng không bạn? Ngược lại, dù có ở bên nhau nhưng nếu họ không có tình yêu thì cũng không nghe nhau, không hiểu nhau. Vấn đề là bạn tìm điều gì trong cuộc sống mỗi ngày của bạn; vấn đề là bạn có ý thức và quan tâm đủ đến từng ngày sống của bạn, từng công việc bạn làm, từng con người bạn gặp gỡ? Vấn đề là bạn có thực sự muốn kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa đời làm người của mình trong từng giây phút hiện tại hay không?!
Sống giây phút hiện tại là một điều dễ dàng cho những ai đặt mình trong hiện tại, nhưng thật khó khăn cho những ai không đặt mình trong giây phút hiện tại. Sống trong giây phút hiện tại tức là đặt mình vào từng hoàn cảnh mình đang sống, từng công việc mình đang làm, từng lời mình đang nói, và từng tư tưởng mình đang suy nghĩ. Thật buồn thay, nhiều người trong chúng ta sống trong hiện tại nhưng vẫn lẩn trốn giây phút hiện tại, hoặc chạy trốn không dám dối diện với giây phút hiện tại, hoàn cảnh hiện tại, và suy nghĩ hiện tại. Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen là khi ngồi vào xe là mở Radio hay mở nhạc. Thói quen này có thể là cách để né tránh sự im lặng “đáng sợ” trong lòng mình; cũng có thể là để mình tìm một điều gì đó nhằm lấp đầy nỗi khao khát khó hiểu trong con tim. Nhiều người cầm ly nước uống ừng ực mà không hề để ý trên tay mình cầm cái gì, mình uống cái gì, hương vị ra sao. Nhiều người vừa ăn cơm mà mắt vừa liếc tờ báo, tai nghe iPod, và có khi còn xem TV nữa. Ôi thật tội nghiệp cho con người trong thời hiện đại. Những hành động này có phải vì chúng ta quá cực khổ; không đủ thời gian để giải trí; hay vì chúng ta sợ sự thinh lặng, sợ mất thời gian, hay sợ rảnh rỗi?
Sao bạn không thử đối diện với sự im lặng trong xe, trong con người mình một lần xem sao? Sao bạn không thử để ý những gì mình đang cầm trên tay (ly nước, cây viết, tờ báo, điện thoại…) để chỉ học cảm giác là mình đang cầm một vật gì đó cụ thể với tất cả sự tự chủ? Sao bạn không thử dẹp tất cả báo chí, Radio, TV, điện thoại trong bữa ăn hôm nay để tự mình cảm nghiệm và thưởng thức hương vị ngọt, cay, chua, đắng, thơm nồng… của thức ăn mà mình đang dùng?
Thưa bạn, sống giây phút hiện tại chỉ đơn giản là như thế đó bạn. Cứ trung thành để ý đến những gì bạn đang làm, đang cầm, đang nói, đang ăn, và đang thở… thì dần dần bạn sẽ yêu đời hơn; bạn sẽ dễ dàng cảm nghiệm vẻ đẹp của cuộc đời hơn. Giá trị hiện tại sẽ dần dần lộ ra cho bạn và chúng sẽ đẩy lùi những tư tưởng của hối tiếc về quá khứ, đồng thời chúng cũng sẽ lấn át những âu lo toan tính cho tương lai. Hiện tại là ngay lúc này, bạn đang đọc những dòng này, vật bạn đang cầm trên tay, … hãy để ý đến chúng.
Mong bạn áp dụng bài thực hành này thành công.
Br. Huynhquảng
III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
Phần I: Những tư tưởng chỉ đạo
Bài số 02: Người trẻ đi tìm hạnh phúc
LỜI CHÚA:
“Phần các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con thật có phúc vì được nghe” (Mt 13, 16).
CHIA SẺ:
Con người ước mơ và đi tìm hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc giống như một con chim đậu trên cành, hễ mình tới gần, thì nó cất cánh bay đi. Vậy người trẻ có thể tìm ra hạnh phúc không ?
A. HẠNH PHÚC LÀ GÌ ?
Hạnh phúc có thể là ảo ảnh, mà cũng có thể là sự thật.
1. Hạnh phúc giả tạo
1.1. Nhiều người cho rằng: Hễ thỏa mãn các nhu cầu vật chất, là có niềm vui và hạnh phúc, cần có nhiều tiền; có tiền rồi thì tiêu xài thỏa thích, tìm những khoái lạc trong cuộc sống. Tiền là tất cả, có tiền mua tiên cũng được. Bạn có thể hỏi những người giàu, xem họ có hạnh phúc không? Chỉ thấy một điều: đa số những người tự tử thường là rất giàu (x. Lc 12, 15).
1.2. Một số bạn trẻ lại tưởng rằng: Sống phóng túng, sống không kỷ luật, sống bất cần đời, đó là niềm vui. Phần nhiều các bạn ấy đều thú nhận: Họ chán đời, họ hận đời, họ trả thù đời, vì đời đáng chán.
1.3. Có người mong rằng: Hễ mình có danh vọng địa vị, có quyền sai khiến người khác, là mình có hạnh phúc. Có bao giờ bạn nghĩ xem: những người có địa vị cao, họ lo lắng thế nào không. Câu truyện của của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay sẽ trả lời cho bạn. Họ phải có cận vệ, họ nơm nớp lo sợ bị ám hại, bị ghen tương, bị mất địa vị. Quả thật, địa vị danh vọng không làm cho họ an tâm. Vậy chẳng lẽ không có hạnh phúc ư?
2. Hạnh phúc chân thật
Khó có thể định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra:
2.1. Một người sống khỏe mạnh, có một nghề nghiệp vững chắc, có một gia đình thân thương, người ấy dễ có một tâm hồn thanh thản vui tươi. Sự thành công trong cuộc đời giúp người ấy an vui phấn khởi.
2.2. Có người, tuy điều kiện sống có nhiều khó khăn, mà lúc nào cũng vui tươi. Tại vì họ đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm. Họ là người chồng tốt, người vợ đảm đang, người bạn của mọi người. Họ sống cho người khác, và cảm nghiệm rằng: cho thì quý hơn nhận. Họ chấp nhận cuộc đời, và tìm ra những lý do để vui sống.
2.3. Nhất là ta nhìn đến các thánh nhân. Họ nhận ra Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Những khó khăn thử thách đều trở nên dịu dàng. Họ chấp nhận thánh giá hằng ngày. Niềm tin và ân sủng đã làm cho họ nhìn mọi sự là hồng ân, và mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Chúa (x. Rm 8, 28). Lúc ấy họ thật tâm đắc về tám mối phúc thật mà Chúa đã công bố (x. Mt 5, 3-12). Gương của Thánh Phanxicô khó khăN, của Thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu, của các thánh tử đạo Việt Nam, của bao vị Thánh nam nữ khác, cho chúng ta xác tín về niềm hạnh phúc chan  hòa này.
2.4. Cuối cùng, chúng ta phải nói rằng: Hạnh phúc đời này chỉ là hình ảnh và là bảo chứng hạnh phúc bất diệt trên thiên đàng, nơi không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc khóc than và đau khổ nữa (x. Kh 21, 4).
B. LÀM SAO ĐẾ CÓ HẠNH PHÚC ?
Một ai đó đã nói: Điều bất hạnh duy nhất cho bạn, là bạn nghĩ rằng: Mình không hạnh phúc. Bạn muốn hạnh phúc, xin nhớ ra điều này:
1. Hãy lạc quan, tin tưởng và hy vọng. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống. Hãy chấp nhận những gì bạn đang có rồi cố gắng tiến lên. Năm 1987, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đến thăm California, Hoa Kỳ. Người ta không quên được hình ảnh cảm động, khi vị Giáo hoàng rời bỏ lễ dài, bước xuống ôm hôn một thanh niên đang vừa hát vừa chơi đàn guitar. Chàng tên là Tony, là hiện thân của hy vọng. Tony đã chào đời thiếu hẳn cả hai cánh tay, nhưng đã vận dụng những ngón chân thay cho đôi tay. Với đôi chân, Tony tập chơi đàn guitar và làm hầu hết những việc mà ta phải dùng tay. Được hỏi về bí quyết giúp anh sống bình thường, Tony trả lời: Tôi đã cầu nguyện. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động, và Chúa đã nhận lời tôi. Bà Helen Keller là một tấm gương nhẫn nại, hy vọng, và thành công.
2. Hãy tạo cho bạn một căn bản đạo đức, những hiểu biết cần thiết, một khả năng làm việc. Những người thành công thường là biết làm việc, cộng thêm một chút may mắn.
3. Gần nhất là bạn phải có nghị lực, một lòng quả cảm, một ý chí phấn đấu, không chùn bước trước khó khăn thử thách. Alexandre đại đế đã để lại một tấm gương sáng để bạn noi theo.
4. Là Kitô hữụ, bạn có một bí quyết tuyệt hảo để sống hạnh phúc, đó là luôn sống trong ân sủng Chúa Kitô. Chỉ trong Chúa bạn mới tìm được hạnh phúc chân thật vững bền. Bạn hãy cầu nguyện, hãy suy niệm những lời chúc phúc trong Kinh thánh (x. Mt 5; Lc 10; Ga 20; Tv 1).
C. MỘT CHÚT TÂM TÌNH
Cầu chúc bạn vui tươi và hạnh phúc, cầu chúc bạn thành công, luôn tươi cười. Cầu chúc bạn có công ăn việc làm. Cầu cho bạn gặp được một người bạn đời như lòng mong ước. Cầu chúc bạn đạt tới niềm vui trọn vẹn tràn đầy ơn Nước Trời.
Câu hỏi gợi ỷ thảo luận:
1. Chúng ta thường tự làm khổ mình nhiều hơn người khác làm khổ chúng ta. Bạn có đồng ý điều đó không? Bạn thử nói xem, bạn tự làm khổ mình như thế nào ?
2. Có thể nào xây dựng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?
3. Cuộc đời sao nhiều đau khổ thế? Bạn thử chia sẻ một vài khổ đau bạn đã gặp và bạn đã làm gì để vượt qua.
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log