Thứ bảy, 23/11/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 01.2020

Cập nhật lúc 16:23 02/01/2020
           
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Theo truyền thống dân tộc Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn tụ, ngày con cháu sum vầy bên ông bà cha mẹ, ngày mà bao người đi xa cũng về với gia đình. Tuy tết chưa đến, nhưng trong lòng chúng ta đang xôn xao, rộn ràng vì biết rằng hương xuân của ngày Tết đang đến và đang gõ cửa mỗi nhà.
Tết, một từ linh thiêng in sâu vào tâm hồn của mỗi người Việt Nam dù ở bất cứ phương nào vì Tết là ngày khởi đầu một năm mới để mang lại bao niềm ước mơ và hy vọng cho mọi người. Tết cũng là dịp để mọi thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum họp, gặp gỡ nhau sau những tháng ngày xa cách. Đặc biệt, Tết còn là ngày để mỗi người nhìn lại những gì đã qua: niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại. Đó cũng là lúc để sưởi ấm tình người, bỏ qua những hận thù, ghen tương, quên đi những sai sót để bước sang một năm mới sống trong tình thương yêu “trên thuận dười hòa.”
Thưa anh chị em,
Một năm, chúng ta có 04 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi mùa mang một vẻ đẹp khác nhau. Nhưng Mùa Xuân, có thể nói là mùa làm ngây ngất lòng người nhất, bởi sau một mùa Đông giá buốt đã làm cho cảnh vật thiên nhiên thu mình và vùi trong giấc ngủ, mùa Xuân mang lại sức sống mới để cây cỏ tỉnh giấc và vươn mình tận hưởng ánh nắng ngọt ngào của ánh mặt trời. Xuân đến để tô thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên với muôn ngàn cánh hoa sắc thắm và tỏa hương thơm ngát ngạt ngào. Vì thế, cảnh vật mùa Xuân cũng giống như một bức tranh tuyệt đẹp mà người chiêm ngắm không bao giờ muốn đánh mất. Tuy nhiên, làm sao con người có thể giữ được giây phút hiện tại ấy trong khi con người chỉ là một tạo vật yếu hèn và mong manh? Chính con người còn không làm chủ được vận mạng của mình thì làm sao con người có thể làm chủ được thiên nhiên và nắm giữ giây phút hiện tại để nó đừng trôi qua? Từ đó, con người mới cảm nghiệm được giây phút hiện tại là quý giá, vì chỉ trong khoảnh khắc thì hiện tại đã trở thành quá khứ và lìa xa con người mãi mãi, chỉ trong phút chốc thì những gì của hiện tại đã trở thành những kỷ niệm khắc ghi vào trong ký ức mà thôi.
Hiện tại, quá khứ và tương lai tất cả là quà tặng Thiên Chúa ban nên mỗi người cần trân quý thời gian và cuộc sống của mình. Thời gian là một món quà vô giá, cuộc sống là một ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Vì thế chúng ta hãy trân quý từng giây, từng phút của thời gian. Tương lai chưa tới và quá khứ đã qua, điều chúng ta có, đó là giây phút hiện tại. Trân quý thời gian, chính là trân quý giây phút hiện tại. Năm mới Canh Tý (2020), chúng ta hãy xin ơn sống tín trung trong từng giây phút hiện tại như lời Thánh Phaolô khuyên nhủ thật chí lý, chí tình: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thúc nào thì hãy lánh cho xa. Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác của anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm(1Tx 5, 20-23).
Đón nhận giây phút hiện tại như một hồng ân Chúa ban để rồi thánh hoá nó bằng cách thực hành lời Chúa Giêsu đã được ghi lại trong Tin Mừng: “Anh em phải thắt lưng sẵn sàng, cầm đèn sáng trong tay (Lc 12, 35). Thắt lưng sẵn sàng đó là choàng tấm khăn quàng thắt lưng như những người hầu, những người phục dịch. Đây là hình ảnh biểu tượng lòng bác ái dấn thân phục vu cách vô vị lợi, phục vụ vì yêu như Chúa Giêsu, Đấng đã đến “không phải để được phục vụ mà để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (Mt 20, 28). Cầm đền sáng trong tay”, đó là sống niềm tin vào Thiên Chúa để  niềm tin đó phát sinh lòng yêu mến và tôn thờ qua việc giữ đạo và trở thành đông lực của những việc lành phúc đức: Yêu Chúa hết lòng và yêu người anh em như chính mình” (Mt 22, 37. 39).
Sống giây phút hiện tại như thế cũng là chuẩn bị một cách vững chắc cho tương lai của mình, vì tương lai là hiện tại nối dài. Yêu Chúa và yêu người hôm nay thì ngày mai sẽ được nhiều hoa trái tốt của Tình yêu. Tuy nhiên, chưa hẳn là tương lai sẽ diễn ra như chúng ta ước muốn, cho dù chúng ta đã chuẩn bị từ hôm nay. Vì tương lai có thể mang đến cho chúng ta những niềm vui bất ngờ, nhưng cũng có thể là những chuyện không hay mà chúng ta không lường trước được. Chính vì thế mà ngày đầu Xuân, chúng ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất: dồi dào sức khỏe, tràn đầy niềm vui, chứa chan hạnh phúc, luôn mãi thành công.
Chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất, có nghĩa là chúng ta đặt rất nhiều hy vọng vào ngày mai. Hy vọng để rồi mơ ước và mong sao điều ước mơ của chúng ta trở thành sự thật. Nhưng, nếu chúng ta đặt những mơ ước đó vào trong niềm tin và phó thác, thì dù tương lai có như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn được an bình, vì chúng ta xác tín rằng bàn tay quan phòng của Thiên Chúa luôn dắt dìu chúng ta trong từng giây phút và Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả những lúc bóng đêm bao phủ cuộc đời của chúng ta.
Hòa với niềm vui chung của ngày Xuân Mới, xin kính các Khôi Bình viên trong Gia đình Khôi Bình Hưng Hóa một Mùa Xuân Canh Tý luôn mãi Khang an - Thịnh Vượng, tràn đầy Hạnh phúc và chứa chan Niềm vui trong Tình yêu quan phòng của Thiên Chúa và dưới sự che chở của Mẹ Maria, của các Thánh và chân phước Khôi Bình.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa

I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT LỄ HIỂN LINH
is 60, 1-6; Ep 3, 2-3a. 5-6; Mt 2, 1-12
Với lễ Giáng sinh, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta để chúng ta có thể gặp gỡ Ngài. Gặp gỡ Ngài không phải chỉ ở trong đền thờ nguy nga, mà còn gặp gỡ Ngài nơi những con người bình thường. Ngài đó, một Hài nhi bé nhỏ, nằm trong máng cỏ ngoài đồng vắng Bêlem. Đồng thời, không phải chỉ có một hạng người nào đó mới có quyền được gặp gỡ Ngài, mà ngay cả những kẻ tầm thường như những trẻ mục đồng cũng có thể gặp gỡ Ngài. Để niềm vui của Chúa Giêsu được trọn vẹn, lễ Hiển Linh hôm nay đã gợi lên cho chúng ta một xác tín mới: Thiên Chúa không phải chỉ đến với dân Do Thái, mà còn đến với cả những người từ phương Đông, nghĩa là những người không thuộc về dân riêng của Chúa, những người vẫn bị liệt vào hàng dân ngoại. Xác tín này đã được thánh Phaolô diễn tả một cách rõ ràng trong bức thư gửi tín hữu Êphêsô: Nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, cùng một thân thể và cùng thông phần với lời hứa của Ngài trong Đức Giêsu Kitô.
Với lễ Hiển Linh, Thiên Chúa đã đến với tất cả mọi người, Ngài phá đổ những hàng rào tạo nên sự kỳ thị: Kỳ thị tôn giáo, kỳ thị giai cấp, kỳ thị màu da, kỳ thị tiếng nói. Thực sự, thì đó chỉ là những hàng rào do chính con người dựng lên để bảo vệ những quyền lợi cho riêng mình. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa của tất cả, và điều Ngài ước mơ vẫn là tập hợp muôn dân nước dưới ánh sáng của Ngài. Ngài đã đến với chúng ta, nhưng điều quan trọng đó là chúng ta có tiến tới để gặp gỡ Ngài hay không? Bàn tay Ngài đã giơ ra, nhưng điều quan trọng đó là chúng ta có nắm lấy để được cứu vớt hay không, bởi vì như lời thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta Ngài đòi chúng ta phải ưng thuận và cộng tác với Ngài.
Sự thực đã cho chúng ta thấy: Ánh sáng đã chiếu trong u tối, nhưng u tối lại không tiếp nhận ánh sáng. Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng những người thân thuộc đã không tiếp nhận Ngài. Thực vậy, Ngài đã đến nhưng không phải tất cả mọi người đều tới gặp gỡ Ngài. Một Hêrôđê cũng đã ngỏ ý muốn đến triều bái Ngài nhưng với một âm mưu thâm độc, ông muốn giết hại Ngài để được ngồi mãi mãi trên chiếc ngai vàng của ông. Các luật sĩ và tư tế thì lại thoả mãn với những hiểu biết của mình, để rồi chẳng biết lên đường tìm gặp Ngài? Còn dân thành Giêrusalem thì lại ngại đổi thay. Để đến với Chúa, chúng ta cần phải lên đường như ba nhà đạo sĩ phương Đông, không phải trong tối tăm mò mẫm, bởi vì chúng ta luôn có ánh sao lạ, đó là Tin Mừng, thập giá và sự phục sinh của Ngài soi đường dẫn lối.
Lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh chính là một cuộc gặp gỡ. Thiên Chúa đến với con người và con người nhận biết Ngài nơi hài nhi Giêsu. Như các nhà đạo sĩ phương Đông, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi lên đường đến với Hài Nhi Giêsu. Lên đường ở đây có nghĩa là từ bỏ những bảo đảm để tiến tới phía trước. Ngài đến trong những cái bất ngờ của những sự kiện diễn ra trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên chúng ta có sẵn sàng lên đường, đi theo ánh sao là Tin Mừng của Chúa hay không?
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Anh chị nghĩ gì về ba nhà đạo sĩ phương Đông? Điều gì ở họ làm cho anh chị xúc động nhất?
2. Ba nhà đạo sĩ phương Đông nhận ra Chúa qua hình ảnh một hài nhi nằm trong máng cỏ. Lối sống của anh chị đã thể hiện hình ảnh nào để mọi người thấy được Chúa ở trong anh chị?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 01: Cây kiếm gỗ
Chuyện xưa kể rằng, có một vị vua ngày đêm lo lắng về sự an nguy cho vương quốc của mình, về kho báu của mình, và đặc biệt về ngai vàng của mình. Ông không tìm thấy bình an trong cuộc sống; các vị quan trở nên mối nghi ngờ, và tương lai trở nên nỗi ám ảnh sợ hãi cho ông. Từ chốn cung điện nhìn xuống đám dân nghèo, ông cảm thấy như thèm muốn được như họ, vì ông thấy họ toát lên nỗi đơn sơ, chất phát và không lo lắng cho tương lai. Quá tò mò lối sống của dân nghèo, vị vua quyết định hóa trang thành người ăn mày để tìm hiểu nguyên nhân nào đã làm cho những dân nghèo được bình an và không lo lắng. Ngày kia, vị vua giả dạng người ăn mày gõ cửa một người nghèo để xin ăn. Người nghèo mời người ăn mày vào và cùng chia sẻ một ổ bánh mì với thái độ hạnh phúc và yêu đời. Vị vua giả dạng hỏi, “Điều gì đã làm ông hạnh phúc như vậy?” Người nghèo đáp, “Tôi có một ngày rất tốt. Tôi sửa giày và kiếm đủ tiền để mua ổ bánh cho buổi tối nay.” Vị vua giả dạng hỏi tiếp, “Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ngày mai ông không kiếm đủ tiền mua bánh mì?” “Tôi có niềm tin vào mỗi ngày. Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.” Người nghèo đáp.
Sau khi ra về, vị vua muốn thử niềm tin người thợ giày. Ông ra lệnh cấm những người sửa giày dép hành nghề. Khi biết mình bị cấm hành nghề sửa giày dép, người thợ giày nhủ thầm: “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.” Ngay lập tức ông thấy một vài phụ nữ đang gánh nước ra chợ bán rau, ông xin được gánh nước thuê cho họ. Và hôm đó, ông kiếm đủ tiền để mua bánh mì cho buổi tối. Tối đến, vị vua dưới dạng người ăn mày thăm người nghèo. Người nghèo vẫn thái độ ung dung, hạnh phúc với ổ bánh mì của mình. Hôm sau, vua cho ra lệnh cấm không cho phép hành nghề gánh nước thuê. Và cứ như thế, người nghèo đã thay đổi nhiều nghề khác nhau, nhưng nơi ông vẫn luôn có sự bình an và tin tưởng vào triết lý sống từng ngày của mình. Còn vị vua vẫn không thể nào hiểu nổi sự bình an và niềm tin của người nghèo kia. Mỗi lần bị cấm hành nghề, người nghèo vẫn thản nhiên tin rằng, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”
Vì quá tò mò trước triết lý sống của người nghèo này, vị vua ra lệnh và dàn xếp để người nghèo làm lính cho cung điện. Thật đáng thương, người nghèo không được phát lương hằng ngày, nhưng hằng tháng. Dầu vậy, ông đã bán lưỡi gươm và có đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Tối đến, ông vẫn có bánh mì và vẫn hạnh phúc. Vị vua giả dạng thăm ông và hỏi, “Hôm nay ông làm nghề gì mà kiếm tiền mua bánh mì?” “Tôi được làm lính cho vua.” Người nghèo đáp. Ông cũng đơn sơ kể rằng, “Làm lính nhận lương mỗi tháng, nên tôi đã bán lưỡi gươm thật và đủ tiền để mua bánh mì cho một tháng. Sau khi có lương, tôi sẽ chuộc lại lưỡi gươm và như thế tôi sẽ có cuộc sống tốt hơn. Hiện nay tôi đang dùng lưỡi gươm bằng gỗ.” Nhà vua giả dạng hỏi tiếp, “Nhưng nếu ông phái rút gươm ra vào ngày mai thì sao?” Người nghèo vẫn thản nhiên, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.” Quả thật, hôm sau người ta bắt được một tên trộm và bị kết án xử chém. Vua yêu cầu người nghèo trong trang phục lính thực hiện việc này. Vì nhà vua biết rằng, với lưỡi kiếm gỗ, ông người nghèo này sẽ không thể thực hiện được việc này, và như thế để xem thử niềm tin vào triết lý sống từng ngày của ông có thể giúp ông hay không. Tên tử tội quì mọp xuống chân anh lính và thống thiết van xin được tha mạng vì còn vợ và con nhỏ. Anh nhà nghèo trong tranh phục lính nhìn đám đông xung quanh và hô lớn tiếng. “Lạy Đấng Tối Cao, nếu người sắp bị hành quyết này là người có tội, thì xin cho con được phép thi hành lệnh của vua. Nếu người này vô tội, xin hãy biến lưỡi gươm này thành gươm gỗ.” Ngay tức khắc, anh rút lưỡi gươm và lưỡi gươm anh cầm trên tay là lưỡi gươm gỗ. Đám đông đồng thanh la lên: “Đây là phép lạ,” và người bị kết án được tha. Vị Vua truyền lệnh tha tên ăn trộm đồng thời tiến đến người lính nghèo thú nhận rằng. “Trẫm chính là người ăn mày mỗi tối tại nhà ngươi. Từ nay trở đi, trẫm muốn ngươi là bạn và là quân sư cho trẫm.”
Bạn thân mến, “Ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.”
Thế đó, cuộc sống chỉ thực sự tồn tại trong hiện tại, chứ không ở trong quá khứ hay trong tương lai. Cái triết lý của anh nhà nghèo ấy là triết lý thực và có giá trị hơn vàng bạc, địa vị, nhan sắc, và quyền lực. Dù giàu có và quyền lực bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu bạn không sống hôm nay, thì bạn không cảm nếm được giá trị của cuộc đời. Nếu bạn không sống cho giây phút hiện tại, thì cuộc đời của bạn vẫn như là những chuỗi ngày kiếm tìm, rượt bắt cái bóng “an toàn, hạnh phúc” một cách vô vọng. Thật hữu ý và hợp tình khi danh từ tiếng Anh “present” mang nghĩa “quà tặng” và cũng có nghĩa “hiện tại.” Như vậy, hiện tại là quà tặng. Ai không sống trong hiện tại là tự mình khước từ quà tặng. Khước từ quà tặng, tức là khước từ niềm vui, hạnh phúc, bình an, và tự chủ ngay trong từng giây phút này của đời mình. Chúc bạn sống giây phút này, ngay bây giờ thật tràn đầy, sung mãn.
Nguồn: Sống Sao Cho Đẹp - Br. Huynhquảng
 
III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ
       HƯỚNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TOÀN DIỆN
Cùng chung với định hướng của HĐGMVN và Bề trên Giáo phận, Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hóa qua Đại hội Khôi Bình lần III vừa (26 - 27/11/2019) sẽ thực hiện một hoạt động cụ thể đó là phát triển các thành viên là Giới trẻ tại các Giáo xứ đã có Cộng đoàn hiện diện.
Và để thực hiện hoạt động này, Ban Quản Gia Giáo phận hàng tháng sẽ gửi tới các Gia đình Giáo xứ bài gợi ý để các Ban quan gia và người phụ trách chia sẻ với các bạn trẻ.
Bài mở đầu: NGƯỜI TRẺ CHUẨN BỊ VÀO ĐỜI
Lời Chúa: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?” (Lc 12, 56).
Chia sẻ:
1. Làm việc gì dù lớn nhỏ, đều cần chuẩn bị. Chuẩn bị tốt, hy vọng kết quả tốt. Chuẩn bị không ra sao, kết quả chẳng là bao. Không chuẩn bị là khờ dại.
2. Người trẻ đang đứng trước hai biến cố lớn lao, chung và riêng. Biến cố chung cho mọi người, là nhân loại, trong đó có bạn, đã sống trong thiên niên kỷ thứ ba. Biến cố riêng cho mỗi bạn, là bạn sắp thực sự vào đời, với nhiều trách nhiệm và bao ước mơ.
3. Để giúp bạn hiên ngang vào đời, góp phần xây dựng quê hương và thế giới, xin giới thiệu năm phần chính trong chương trình HÀNH TRANG VÀO ĐỜI:
Phần I: Những tư tưởng chỉ đạo
Bài 01: Tương lai thuộc về người trẻ
Bài 02: Định hướng cuộc đời
Bài 03: Người trẻ đi tìm hạnh phúc
Bài 04: Sức mạnh nâng đỡ người trẻ
Phần II: Người trẻ chuẩn bị hành trang
Bài 01: Một thân thể tráng kiệt
Bài 02: Một trí khôn minh mẫn
Bài 03: Một ý chí vững mạnh
Bài 04: Một linh hồn trong trắng
Bài 05: Giáo dục nhân bản
Bài 06: Suy tư về tiền của
Phần III: Người trẻ làm đẹp cuộc đời
Bài 01: Niềm vui trong cuộc sống
Bài 02: Bạn bè
Bài 03: Lịch sự
Bài 04: Nghệ thuật nói trước công chúng
Bài 05: Nghệ thuật giải trí
Bài 06: Dinh dưỡng
Bài 07: Trang điểm, trang trí
Bài 08: Cách tổ chức một buổi lễ
Bài 09: Kinh tế gia đình
Bài 10: Tài chính ngân hàng
Phần IV: Người trẻ đi vào tình yêu
Bài 01: Ơn gọi hôn nhân trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa
Bài 02: Sự trưởng thành thể lý
Bài 03: Sự trưởng thành tâm lý
Bài 04: Trưởng thành trong đức tin
Bài 05: Thiên Chúa thiết lập hôn nhân gia đình
Bài 06: Mục đích của hôn nhân Công giáo
Bài 07: Đặc tính của hôn nhân Công giáo
Bài 08: Luân lý tính dục
Phần V:  Người trẻ sống giữa giòng đời
Bài 01: Lao động và nghề nghiệp
Bài 02: Giàu nghèo
Bài 03: Chiến tranh và hòa bình; hòa bình và công lý
Bài 04: Văn hóa - Văn hóa bản sắc dân tộc
Bài 05: Quyền con người. Vấn đề nhân quyền
Bài 06: Một xã hội yêu thương, công bằng và nhân ái
Tâm niệm:
Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy.
Cả đêm trường lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt.
Được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ (Tv 15).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
Muốn xây một căn nhà,chúng ta phải chuẩn bị những gì? Bạn có thế áp dụng việc chuẩn bị ấy vào đời sống của mình?
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log