Chúa nhật, 26/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 12.2019

Cập nhật lúc 16:38 09/12/2019
 
   
 
Tháng 12.2019
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Ngày 04/10/2019 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) gửi cho cộng đồng Dân Chúa thư chung về định hướng mục vụ ba năm tới (2020 - 2022), theo đó, Mục vụ Giới trẻ là chủ đề được chọn. HĐGM đã phác thảo 3 bước để đồng hành với người trẻ: (1) Lắng nghe cuộc sống của người trẻ với những thuận lợi và thách đố đối với người trẻ tại Việt Nam hôm nay; (2) Cùng với người trẻ phân định thánh ý Chúa dưới ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng; (3) Giúp người trẻ hành động để sống tuổi trẻ cách phong phú.
Với những bước được vạch ra, HĐGMVN đề nghị một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện (năm 2020); Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình (năm 2021); Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội (năm 2022).
Một cách chi tiết năm 2020, các Đức Giám mục cùng với Đức Thánh Cha trong Tông huấn Đức Kitô Đang Sống - Christus Vivit  “mời gọi các bạn trẻ chiêm ngắm tuổi trẻ của Đức Giêsu để lớn lên và trưởng thành cách toàn diện theo gương của Người.” Đồng thời, các ngài đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành theo năm khía cạnh: Thể lý, tâm lý, tâm linh, văn hoá và phân định ơn gọi.
Cùng chung với định hướng của HĐGMVN và Bề trên Giáo phận, Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hóa qua Đại hội Khôi Bình lần III vừa qua (26 - 27/11/2019) sẽ thực hiện những hoạt động cụ thể sau đây trong năm 2020:
1. Tiếp tục chương trình phát triển các Gia đình trong Giáo phận; quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư về nhân lực và tài chính để phát triển các thành viên là Giới trẻ.
2. Tổ chức 09 khóa thường huấn cho các Giáo hạt để tiếp tục đào sâu về linh đạo Khôi Bình, nhắc nhớ bổn phận Truyền giáo, mời gọi các Khôi Bình viên gia nhập Hiệp Hội Truyền giáo Thánh Phêrô theo lời mời gọi của HĐGMVN.
3. Ngoài những buổi sinh hoạt thường kỳ để bồi dưỡng đời sống tâm linh như CHIA SẺ LỜI CHÚA và CHIA SẺ ĐỜI SỐNG, các Gia Đình Khôi Bình cần “biến Phúc Âm thành hành động” qua việc phát huy TÍNH XÃ HỘI bằng cách: Tích cực tham gia những công việc Bác Ái; Nêu gương sống tốt và cộng tác cách tích cực trong việc Bảo Vệ Môi Trường; Tạo cơ hội và việc làm cho những người đang thực sự cần giúp đỡ để có cuộc sống ổn định và bền vững.
4. Tổ chức trại hè cho Khôi Bình trẻ vào tháng 8/2020.
Anh chị em thân mến,
Bước vào năm mới với chương trình mục vụ mới, nhưng chúng ta vẫn được mời gọi tiếp tục dành tâm sức cho những hoạt động mà chúng ta đã thực hiện tốt trong những năm vừa qua và đang tạo nên những truyền thống tốt đẹp trong đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của toàn Khôi Bình Hưng Hóa.
Nguyện xin Chúa Ba Ngôi, nhờ lời bầu cử của Chân phước Khôi Bình, tuôn tràn ân phúc trên chúng ta, để những cố gắng của mọi thành viên trong Cộng đoàn trong năm Phụng vụ mới này, đem lại nhiều hoa trái tốt lành cho mọi người, đặc biệt là cho các bạn trẻ.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT III MÙA VỌNG
Is 35,1-10; Gc 5,7-10; Mt 11, 2-11
Bước vào Chủ nhật thứ I Mùa Vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta: “Hãy tỉnh thức” (Mt 24, 44). Sang Chủ nhật thứ II, tiếng hô lớn của Gioan Tẩy Giả vọng vang: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến.” Chủ nhật thứ III hôm nay, Phụng vụ Giáo hội đang màu tím chuyển sang hồng như Chủ nhật IV Mùa Chay, đánh dấu một giai đoạn sám hối, nay nghỉ một chút để nhìn lại chặng được đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, và lấy thêm đà mới chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh, nên Giáo hội mời gọi con cái mình “Gaudete - Hãy vui lên.”
Vui lên, vì theo ngôn sứ Ôsê loan báo: “Với Ít-ra-en Đức Giêsu sẽ như làn sương mai làm nó vươn lên như bông huệ ” (Os 14, 6). Chúng ta tỉnh thức, làm việc lành chứng tỏ lòng thống hối nhưng không buồn rầu, trái lại vui tươi “anh em hãy vui luôn trong Chúa…vì Chúa đã gần đến” (Ph 4, 4-5). Với những lời trên của thánh Phaolô làm tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên. Niềm vui này nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với con người sinh động là Chúa Giêsu.
“Gaudete - Hãy vui lên” là chủ đề của Chúa nhật này: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!” (Ph 4, 4-5). Lời nguyện nhập lễ hôm nay đưa chúng ta vào chính niềm vui thiêng thánh ấy: “Lạy Chúa, xin đoái xem, này dân Chúa đem tất cả niềm tin đợi chờ ngày lễ Sinh Nhật Đấng Cứu Thế. Xin hướng niềm vui chúng con về chính nguồn hoan lạc của mầu nhiệm Giáng Sinh cao cả để tâm hồn chúng con hoàn toàn đổi mới mà họp mừng ngày cứu độ đã gần kề,” Chúng ta bước vào mầu nhiệm của niềm vui ơn cứu độ: “Các tầng trời, hãy trổ hoa công chính, và ngàn mây hãy mưa ơn cứu độ! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao! Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng! Hãy cất tiếng cao đừng sợ, hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực” (Is 40, 9).
Làm sao không thể không vui khi nghe những lời loan báo đầy niềm vui của Isaia: “Hãy nói với những kẻ nhát gan: Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em” (Is 35, 4). Và làm sao không thể không mừng khi mà: “nơi hoang địa cằn cỗi sẽ vui mừng, cõi tịch liêu sẽ hân hoan và nở bông dường như khóm huệ, sẽ nẩy chồi non và hoan hỉ vui mừng” (Is 35, 1).
Lại nữa: “Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy, và tai những người điếc sẽ được nghe. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, những người được Chúa cứu chuộc, sẽ trở về, và đến Sion với lời khen ngợi; và trên đầu họ mang hoan hỉ triền miên, họ sẽ được vui mừng khoái trá, họ sẽ không còn đau buồn; rên siết sẽ trốn xa” (Is 35, 6).
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp một nhân vật có vai trò đặc biệt trong việc chuẩn bị đón Chúa Giêsu Giáng sinh đến với nhân loại là  Gioan Tẩy giả. Ngài xuất hiện trong tư cách là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước, là hy vọng cuối cùng của một dân tuyệt vọng. Ngài được các ngôn sứ báo trước: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, người sẽ dọn đường cho con đi ” (Mt 11, 10).
Chúng ta đang vui sẵn, sự xuất hiện của ngài làm cho chúng ta vui thêm, vì lời hứa đã trở thành hiện thực. Việc ngài sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu có phải là Đấng phải đến không cho chúng ta câu trả lời đầy niềm vui vì Chúa đã đến thật rồi.
“Gaudete” Hãy vui lên, chúng ta lặp lại lời thánh Phaolô một lần nữa: “Anh em hãy vui lên!”  (Ph 4,4). Niềm vui chân thực không phải là kết quả sự vui chơi giải trí, nhưng gắn liền với một cái gì sâu xa hơn, đó là quan hệ với Thiên Chúa.
Ai đã gặp được Chúa Kitô trong cuộc đời, người ấy sẽ cảm nghiệm sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn mà không một ai hoặc hoàn cảnh nào có thể tước mất. Thánh Augustinô đã hiểu điều đó rất rõ. Trong cuộc tìm kiếm của ngài đối với chân lý, an bình và mừng vui, sau khi đã kiếm tìm trong nhiều sự mà không có kết quả, thánh nhân đã kết luận với câu thời danh rằng: “Tâm hồn bất an của con người chỉ tìm được thanh thản và an bình cho đến khi được an nghỉ trong Chúa” ( Le Confessioni, I,1,1).
Niềm vui đích thực không phải chỉ là một tâm trạng chóng qua, cũng chẳng phải là điều ta đạt tới bằng sức riêng của mình, nhưng là một hồng ân, nảy sinh từ sự kiện ta dành chỗ cho Chúa trong ta.
Trong Mùa Vọng này, chúng ta hãy củng cố xác tín Chúa đã đến giữa chúng ta và tiếp tục đổi mới sự hiện diện an ủi, yêu thương và vui mừng của Ngài. Chúng ta hãy tín thác nơi Chúa; như thánh Augustinô cũng đã quả quyết, do kinh nghiệm của ngài: “Chúa gần chúng ta hơn chúng ta gần chính mình” (Le Confessioni, III, 6,11).
Chúng ta hãy phó thác hành trình của chúng ta cho Ðức Maria, thần trí của Mẹ đã vui mừng trong Chúa là Ðấng Cứu Thế. Xin Mẹ hướng dẫn tâm hồn chúng ta trong sự vui mừng chờ đợi Chúa Giêsu đến, một sự chờ đợi đầy kinh nguyện và việc lành.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
(1). Chúa Giêsu nói gì và làm gì? Và người ta phản ứng ra sao?
(2). Tôi nghĩ và cảm nhận những gì Chúa Giêsu nói và làm?
(3). Tôi có tin rằng nước Chúa cao trọng, cao trọng nhất?
(4). Tôi có nghe và thấy nước Chúa cao trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày không?
(5). Tôi có phải là người nghèo đón nhận Tin Mừng không?
(6). Tôi có thể nào tin rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu là cho kẻ nghèo khó không?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 01: Nghỉ ngơi hiện tại
Cuộc sống con người vốn ngắn ngủi nhưng thật nhiều biến động thay đổi. Sự sống của mỗi con người chỉ kéo dài nhiều nhất khoảng chừng 100 năm; đa số con người chỉ sống được 70 năm là hết. Nhưng dù sự sống con người vắn vỏi như vậy, nhưng khát vọng của họ thì vô cùng. Ai ai cũng trải qua những năm tháng khắc khoải kiếm tìm cái gọi là “hạnh phúc, bình an, êm đềm.” Dù những tên gọi có thể khác nhau, nhưng xem chừng như bao lâu trái tim con người còn đập, thì khát vọng mong được lấp đầy, mong được no thỏa vẫn là một điều gì đó mà con người luôn mong ước, hoài vọng. Vậy thời gian nào là thời gian hạnh phúc nhất của một đời người? Có người cho là tuổi thơ là thời đẹp nhất của đời người. Có người cho là thời thanh niên khi biết yêu, hẹn hò là thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Và cũng nhiều người cho là khi người ta bắt đầu nghỉ hưu nhìn con cháu xum họp vây quanh mình thì đó là lúc bình an đẹp nhất. Vậy theo bạn, lúc nào là đẹp nhất, hạnh phúc nhất, hoàn mỹ nhất trong đời bạn?
Mục “thăng tiến đời sống nhân bản” năm nay, xin được chuyển sang một đề tài mới, Sống Hiện Tại, một đề tài xem chừng như khô khan, không hấp dẫn, nhưng nó thực sự thiết thực và hữu ích cho cái mà chúng ta dành cả đời mình để kiếm tìm và lấp đầy. Thực ra cái mà chúng ta khát vọng mong được lấp đầy không gì khác hơn chính là “hạnh phúc, bình an” cho cuộc đời của mình.
Anthony de Mello kể rằng, có hai người làm nghề đánh cá. Một người làm việc rất cực nhọc cả ngày đêm; anh mong ước kiếp thật nhiều tiền để có một cuộc sống sung sướng và thoải mái. Ngược lại, người kia làm việc chăm chỉ, nhưng chừng mực; anh hy vọng việc đánh bắt cá sẽ giúp anh có một cuộc sống ổn định và bình an.
Một ngày nọ, người mong kiếm được nhiều tiền qua việc đánh bắt cá thấy người kia đang nằm ung dung hút xì-gà trên bến thuyền, anh ta liền hỏi: “Này bạn, sao bạn không lo đánh cá mà nằm thoái mái như vậy?” Anh hút thuốc trả lời, “Đánh bắt cá nhiều để làm gì?” Người kia đáp, “Để có thêm nhiều tiền.” Người hút thuốc hỏi tiếp, “Thêm nhiều tiền để làm gì?” “Để tôi mua thêm tàu lớn.” Anh làm việc vất vả trả lời. Nhưng người hút thuốc hỏi tiếp, “Anh mua thêm tàu lớn để làm gi?” Người kia đáp, “Thì tôi sẽ đi xa bờ và đánh bắt thêm nhiều cá.” Anh hút thuốc tiếp tục, “Sau khi bắt được nhiều cá anh làm gì?” “Thì tôi sẽ có thêm tiền.” “Rồi anh sẽ làm gì với số tiền ấy?” Anh hút thuốc hỏi. Người kia đáp, “Sau khi có nhiều tiền tôi sẽ nghỉ ngơi thoái mái.” Người hút thuốc với điếu xì gà trên tay phì phà nói, “Cần gì phải đợi đến lúc đó. Những gì mà anh đang mệt nhoài để mong thưc hiện được trong tương lai thì tôi đang làm một cách dễ dàng ngay bây giờ.”
Câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy rằng giá trị của giây phút hiện tại thật cao quý. Hiện tại mới quyết định giá trị đời người và khả năng làm người của chúng ta chứ không phải tương lai hay quá khứ. Thật buồn thay, những toan tính, âu lo cho tương là một căn bệnh của nhiều người trong thời đại chúng ta. Con người thời đại văn minh ngày nay xem chừng như biểu lộ sự “chao đảo, lo lắng” cho tương lai hơn là thời đại trước. Những gia đình sống tại Việt Nam chỉ là những nông dân cày cấy chỉ đủ miếng ăn, nhưng xem chừng như tinh thần họ mạnh mẽ hơn những người có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ tại Âu Mỹ.  Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, có tiền chưa chắc đã là “ổn định, bình an, hạnh phúc.” Hóa ra, mối nguy hiểm không phải là ở chỗ có tiền hay không có tiền, nhưng mối nguy hiểm nằm ở chỗ lo sợ về cuộc đời của mình đang ở phía trước. Lo cho sự an toàn, ổn định là nỗi lo đáng sợ nhất của con người thời nay. Cái “ngày mai ấy, nắm tới ấy, tuổi già ấy” trở thành một thứ ám ảnh và lo âu cho nhiều người vốn đã có đầy đủ bảo hiểm. Cũng vì tương lai mà hôm nay tôi phải “cày”; chỉ vì tương lai mà tôi phải làm cả ngày Chủ nhật. Chỉ vì tương lai mà tôi làm việc đến nỗi tôi quên mất những người thân, gia đình và bạn hữu của tôi.
Ai sẽ bảo đảm là những vun đắp thiếu trách nhiệm của bạn hôm nay sẽ cho bạn một tương lai ổn định? Nếu hôm nay bạn không sống đủ trách nhiệm cho sức khỏe mình, cho gia đình mình, cho người thân mình, thì liệu rằng trong tương lai bạn sẽ sống có trách nhiệm cho mình và cho họ?
Nguồn: Sống Sao Cho Đẹp - Br. Huynhquảng
III. BAN QUẢN GIA GIÁO PHẬN NHIỆM KỲ 2019 - 2023
  1. Gia trưởng: Giuse Nguyễn Văn Nuôi (Nỗ Lực)
  2. Gia phó: Phêrô Kiều Văn Hoan (Cần Kiệm)
  3. Quản gia: Giuse Nguyễn Văn Hạnh (Thanh Lâm)
  4. Thư ký: Gioan B. Khuất Duy Chinh (Vĩnh Thọ)
  5. Các ủy viên bao gồm:
  • Các Trưởng ban điều hành các Giáo hạt;
  • Ủy viên phụ trách Giới trẻ: Maria Nguyễn Thị Thắm (Xóm Đình) và Luca Nguyễn Hoàng (Hạ Hiệp).
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log