Chúa nhật, 26/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 02.2020

Cập nhật lúc 18:25 03/02/2020
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Năm Mới Canh Tý là quà tặng Chúa ban, để cuộc sống chúng ta luôn được làm mới. Thời gian là để trái xanh được chín, chim non được chắp cánh bay. Mùa Xuân cho trẻ thơ thêm sức mạnh, bạn trẻ thêm kinh nghiệm, người lớn thêm khôn ngoan. Năm Mới tiếp nối năm cũ, cho chúng ta cơ hội sửa sai chuộc lỗi, cho vết thương được lành, để hoàn thành kế họach còn dang dở trong cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Năm Canh Tý đem lại cho Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hóa điều gì mới?
Thứ nhất, lần đầu tiên cử hành Chủ nhật LỜI CHÚA, đúng vào Chủ nhật III Thường Niên, nhằm Mồng Hai Tết để khuyến khích mọi tín hữu đọc và sống Kinh Thánh, theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 30.9.2019 vừa qua, nhân kỷ niệm 1600 năm ngày mất của thánh Hiêrônimô. Ngài là người đầu tiên dịch sách Kinh Thánh Cựu ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh và đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.”
Thứ hai, theo phương hướng của Đại hội Khôi Bình vừa qua, năm nay chúng ta quyết tâm đẩy mạnh việc qui tụ các Gia đình Khôi Bình Trẻ làm một thành phần riêng, và ước mong có thành viên trẻ mới để thực hiện được “Trại Khôi Bình Trẻ” lần thứ II trong dịp hè.
Thứ ba, năm nay Cộng đoàn chúng ta kỷ niệm 20 năm Cộng đoàn hiện diện tại Giáo phận Hưng Hóa thân thương này.
Anh chị em thân mến,
Nhân dịp đầu Năm Mới Canh Tý, tôi tha thiết cầu chúc cho mọi anh chị em và cho từng người luôn nhớ lại tình thương của Thiên Chúa để nhận ra nguồn sống của mình và nhìn tới sứ mạng của Cộng đoàn Khôi Bình là “thăng tiến xã hội.”
Muốn được như vậy, trong năm mới, chúng ta hãy cùng nhau tập luyện ba việc sau đây:
1. Tập cho Thân biết thinh lặng lắng nghe để có thể nghe mình, nghe Chúa và nghe anh chị em.
2. Tập cho Trí nhớ lại quá khứ, nhận ra hiện tại và nhìn tới tương lai.
3. Tập cho Tâm hiện diện với Chúa, hiệp thông với Cộng đoàn và hành động với Hội Thánh.
Nguyện xin Chúa là chủ tể của mùa Xuân, qua lời chuyển cầu của Chân phước Khôi Bình hướng dẫn và trợ lực cho anh chị em, để anh chị em sử dụng thời gian quý báu này làm mới bản thân, đổi mới gia đình và canh tân môi trường sống của mình.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa

I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT V THƯỜNG NIÊN
Is 58, 7-10; 1Cr 2, 1-5; Mt 5, 13-16
Trong những Chủ nhật vừa qua, Chúa nói với mỗi chúng ta qua miệng ngôn sứ I-sai-a: Ta đã đặt người làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của ta đến tân cùng trái đất, hôm nay Chúa lại dùng một hình ảnh khác để mời gọi chúng ta sống và loan báo Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài cho mọi người và dùng đời sống Ki-tô hữu để làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn, đó là hình ảnh muối: Các con là muối cho đời.
Muối là một loại gia vị tự nhiên rất tốt và rất cần cho cuộc sống và có nhiều công dụng trong nhiều lãnh vực. Thiếu muối trong cơ thể, sẽ dẫn đến tình trạng co giật và bị choáng váng, ngất xỉu. Trong y khoa, từ rất lâu và cho đến hôm nay, nước muối vẫn là chất sát trùng và rửa đồ ăn, rửa vết thương. Trong cuộc sống, muối dùng để làm cho bữa ăn thêm đậm đà ngon miệng hơn, dù có phải kiêng ăn mặn, nhưng vẫn không thể thiếu muối trong các đồ ăn, đặc biệt để giữ cho thực phẩm khỏi hư thối, cá thịt để được lâu, người ta phải dùng đến muối.
Với tính đa dụng và cần thiết của muối trong cuộc sống, mà hôm nay Chúa Giê-su đã mời gọi chúng ta: Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà lạt đi thì lấy gì mà ướp cho mặn lại, Nó đã thành vô dụng, chỉ còn quăng ra ngoaì cho người ta chà đạp lên thôi. Như thế Chúa cũng muốn mỗi chúng ta phải có những đặc tính và mang sự hữu dụng của muối đối với thế giới. Là môn đệ của Đức Ki-tô, trước hết mỗi chúng ta phải để cho vị mặn của Tin Mừng biến chúng ta thành những thứ muối tốt, muối nguyên chất, muối đủ mặn để ướp giữ bản thân mình, không bị biến chất, không bị thoái hóa, và không bị ôi thối giữa trần gian này. Một khi mang trong mình sự mặn mà yêu thương của Tin Mừng, chúng ta sẽ trở thành người gìn giữ và bảo vệ thế giới này khỏi sự tấn công của các thứ vi trùng vi khuẩn nguy hiểm đó là tội lỗi, là sự ích kỷ và chết chóc.
Là muối cho đời, người Ki-tô hữu được mời gọi làm cho cuộc sống lạt lẽo tại trần gian này thêm đậm đà yêu thương, thêm hương vị cho đời, để mọi người có thể nhờ sự cống hiến của chúng ta, cuộc sống của họ thêm tốt đẹp hơn, nhờ sự phục vụ vô vị lợi của chúng ta, cuộc sống xã hội thêm hạnh phúc hơn, và nhờ đời sống khiêm nhường và bác ái, quảng đại và thứ tha, cuộc sống của các gia đình sẽ gắn bó với nhau hơn. Nhất là con người ngày nay đang bị hủy hoại từ trong tâm hồn bởi những tư tưởng trào lưu sai lạc, những phim ảnh xấu, đến sự hủy hoại bên ngoài qua những lối sống buông thả, tự do thác loạn, lối sống cạnh tranh ích kỷ, lối sống duy lợi nhuận… nó đang làm cho con người giảm bớt “phần người” và gia tăng “phần con” và quên phẩm giá của mình là con Thiên Chúa, cao quý hơn mọi loài mọi vật. Vì thế người tín hữu sẽ phải là muối, phải đem vị mặn của Tin Mừng để gìn giữ thế giới này khỏi bị sự phân hủy bới những lối sống đó.
Chúng ta sẽ phải sống và làm thế nào để có thể là thứ muối tốt của Tin Mừng? Thánh Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm đem vị mặn Ki-tô cho thế giới và ngài căn dặn chúng ta: Khi tôi đến với anh em, tôi không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo Thiên Chúa…ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết (và không nói điều gì khác)  ngoài Đức Giê-su chịu đóng đinh. Như thế trong nhiệm vụ làm muối cho đời, chúng ta cũng không thể cậy dựa vào sự tài khéo của bản thân hay tài hùng biện cá nhân, nhưng phải dựa vào Thánh Thần và quyền năng của Thiên Chúa và để cho quyền năng của Thiên Chúa thực hiện nơi những người nghe. Điều đó có nghĩa là chúng ta đem vị mặn là chính Đức Ki-tô và Tin Mừng của Ngài để Ngài biến đổi và ướp mặn thế giới, chứ chúng ta không ướp thế giới bằng khả năng hay bằng tài khéo của bản thân mình.
Muối đã ra lạt tức là đánh mất bản chất mặn của mình, thì nó thành vô dụng, cũng vậy, người Ki-tô hữu mà không còn Chúa Ki-tô, không có Tin Mừng của Ngài trong cuộc đời thì cũng cũng chỉ là những thứ vô dụng, biến chất, chỉ đáng đổ ra ngoài đường cho người khác chà đạp lên mà thôi. Với lời cảnh báo: muối mà không còn vị mặn nữa thì nó thành vô dụng, là lời nhắc cho chúng ta rà soát và đánh giá lại bản thân mình xem trong cuộc sống là người Ki-tô hữu, trong mọi lãnh vực của cuộc sống xã hội, độ mặn của Tin Mừng trong chúng ta còn bào nhiêu phần trăm?  Chúng ta đang là muối ướp cho đời khỏi hư thối, hay mình đã để cho đời ướp lại chúng ta và làm mất vị mặn Ki-tô trong chúng ta?
Với vai trò là muối, các Ki-tô hữu sẽ phải là những người chung tay góp sức làm cho Tin Mừng thấm nhập vào trong xã hội và thế giới, trong mọi lãnh vực của cuộc sống, bất cứ nơi nào người tín hữu hiện diện, nơi đó vị mặn của Tin Mừng phải được lan tỏa. Là muối cho đời, chúng ta sẽ phải là những người không chỉ nhắm tới nước trời mai sau, mà còn phải làm cho Nưới Trời hiện diện và biến đổi thế gian này, làm cho chính Chúa Giê-su Ki-tô được hiện diện trong xã hội và trong tâm hồn của mọi người. Là Ki-tô hữu, chúng ta không thể giữ riêng Chúa cho mình, mà chúng ta còn phải cảm thấy bị thôi thúc, và thao thức ướp thế giới này bằng giới răn lề luật của Chúa, bằng Tin Mừng yêu thương của Chúa.
Trong quá khứ đã có những người từng mơ “bao phủ thế giới này bằng một màu đỏ” hoặc sẽ “quét cả thế giới này bằng một màu sơn.” Tại sao người Ki-tô hữu lại không dám mơ và cố gắng bao phủ thế giới này bằng Tin Mừng của Đức Ki-tô?
Chúng ta không dám mơ bao phủ thế giới bằng Tin Mừng, vì phải chăng ta không còn đủ mặn, không còn Tin Mừng của Đức Ki-tô trong cuộc sống, chúng ta đang bị biến chất, bị nhạt nhòa, bị “đời hóa.” Mang danh là Ki-tô hữu nhưng nhiều người lại không biết gì nhiều về Đức Giê-su, không thể nói về Tin Mừng của Ngài cho người khác, và vì thế nhiều Ki-tô hữu bị xô đẩy, bị hòa tan trong dòng chảy của xã hội. Khi gặp những vấn đề trong cuộc sống hoặc khi đối diện với những lý thuyết và tranh luận của xã hội cũng như của các tôn giáo khác, vì không học Tin Mừng, không biết giáo lý, nhiều người đã không thể nói chuyện được với họ, và đành xuôi tay, chấp nhận theo họ.
Các bậc cha mẹ, và các bạn trẻ hãy dùng tình yêu thương trong sáng và tinh thần phục vụ để ướp cho gia đình, cho cuộc đời mình thêm mặn mà, khỏi hư thối bất hạnh đổ vỡ. Nhất là hãy làm cho gia đình, cho cuộc sống của mình luôn có vị mặn của Tin Mừng, hãy đem Chúa Giêsu vào trong mọi sinh hoạt của gia đình, của bạn bè, từ việc làm ăn sinh sống đến những bữa cơm gia đình, đến giờ kinh sáng tối và kể cả những việc riêng tư của mỗi thành viên, hãy mang Chúa theo cùng. Đừng bao giờ ướp gia đình mình và con cái, bạn bè bằng những thứ hóa chất độc hại, đó là chất lười biếng, chất ích kỷ. Đừng bao giờ mang về cho gia đình mình những thứ nhiễm hóa chất độc hại là sự nóng nảy cãi vã, phim ảnh sách báo xấu, sự thù hằn bạo lực, những của làm ăn gian dối mà có … nó là những hóa chất gây ung thư trong tâm hồn các thành viên gia đình.
Xin Chúa giúp chúng ta biết giữ cho cuộc đời mình luôn có vị mặn bằng gắn bó với Chúa, bằng siêng năng học hỏi giáo lý và Tin Mừng, để chúng ta có thể trở nên muối tốt cho gia đình, xã hội và thế giới hôm nay. Amen.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Những biến cố nào trong đời sống đã cho anh/chị thấy rằng anh/chị là muối, là ánh sáng cho thế gian?
  2. Muối và lửa tự nó không có gì đặc sắc cả. Tuy nhiên, khi dùng chung với các thứ khác sẽ làm nổi bật hương vị cũng như đặc tính của các thứ đó. Anh/chị có những hiệu năng gì như muối và lửa?
  3. Khi làm việc tông đồ, anh/chị làm để "sáng danh Thiên Chúa" hay để "sáng danh bản thân" ?
  4. Nếu người ta nhìn vào anh/chị như ngọn đèn được đặt trên giá hay thành được xây trên đồi thì anh/chị phải làm gì để đáp ứng nhu cầu?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 02: Chiếc Nhẫn Thần
Chúng ta đang cùng nhau học hỏi về chủ đề Sống Hiện Tại. Tháng này mời anh chị suy nghĩ về sự chóng qua của những giá trị vật chất hay những hư danh hảo huyền để tập trung vào giá trị thật của giây phút hiện tại.
Truyền thuyết người Do Thái có kể câu chuyện như sau. Beneiah là vị quan vốn thường hãnh diện cho rằng ông sẽ chu toàn mọi nhiệm vụ mà nhà vua giao phó. Nghe như vậy, vua Solomon ra lệnh cho quan Benaiah trong vòng sáu tháng, ông phải tìm cho nhà vua một chiếc nhẫn thần vừa có khả năng mà làm cho ai mang nó thì đều cảm thấy mình hạnh phúc và cũng cảm thấy mình đau buồn. Dù là người rất tài giỏi, Benaiah cảm thấy lo âu vì làm sao có thể tìm chiếc nhẫn nào vừa làm cho người ta hạnh phúc và đau buồn được! Thời gian thấm thoát trôi qua, Benaiah miệt mài bôn ba tìm kiếm chiếc nhẫn thần khắp mọi nơi mà cũng không nghe ai nói là có chiếc nhẫn thần như vậy. Ngày qua ngày, Benaiah càng hiểu rằng mạng sống của mình sắp bị lấy đi, vì không thể tìm cho nhà vua chiếc nhẫn thần được. Cuối cùng, khi đang ngồi nghỉ chân trong quán nước, ông chia sẻ câu chuyện này với người chủ quán nhằm tìm sự cảm thông và trút bớt phần nào nỗi phiền muộn lo sợ trong lòng ông. Nghe xong câu chuyện, ông già chủ quán thưa lại. “Tôi đang có chiếc nhẫn mà ông đang kiếm tìm.” Nghe vậy, Benaiah sáng mắt và quì xuống van xin được mua lại chiếc nhẫn đó với bất kỳ giá nào. Ông già đáp, “Tôi không bán, nhưng tôi chỉ tặng vì dù giá trị nó có lớn lao bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng sẽ qua đi.” Ông già trao cho Benaiah chiếc nhẫn, chiếc nhẫn thần rất đẹp với hàng chữ: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi.”
Hôm sau, Benaiah trình nhà vua với chiếc nhẫn, nhà vua hoan hỷ và trọng thưởng cho Benaiah. Cầm chiếc nhẫn trên tay, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của nhà vua, nhưng khi đeo chiếc nhẫn thần vào, nhà vua thấy hàng chữ: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi” điều này làm cho nhà vua buồn, vì ông hiểu rằng, chính địa vị của ông, vương quốc của ông, danh tiếng của ông rồi cũng sẽ qua đi như hàng chữ trên chiếc nhẫn nhắc nhở: “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi.”[i]
Anh chị thận mến, câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng không có gì là bất biến vĩnh hằng trong kiếp nhân sinh. Niềm vui hay nỗi buồn, giàu sang hay nghèo hèn, được tán dương hay bị khinh chê,… Cũng vậy, tất cả chúng cũng sẽ qua đi. Thông điệp “Cũng vậy, nó cũng sẽ qua đi” là một thông điệp đơn sơ nhưng hùng hồn để nhắc nhở chúng ta về sự thật của cuộc đời.
Trong tiến trình làm người, nhiều người thường trải qua hai giai đoạn suy nghĩ đối lập nhau. Những người trẻ tuổi nhìn cuộc đời như bất biến, vĩnh hằng. Họ tin rằng sức khỏe, sắc đẹp, và sức sống của mình sẽ mãi mãi không thay đổi. Ngược lại, đối với những người lớn tuổi, họ âu lo, sợ hãi cho sức khỏe, cho sắc đẹp của mình; cuộc đời không còn là bất biết vĩnh hằng như họ đã từng suy nghĩ như trước đây. Như vậy, thái độ nào là hợp lý và giúp ta nhận ra giá trị thật khi ta quan sát cuộc đời? Xin thưa, có thể nói rằng thái độ hợp lý đó là trân trọng giây phút hiện tại nhưng không bám víu vào chúng. Nói cách khác, sống trân trọng tức là sống từng giây phút hiện tại với tất cả khí lực của tuổi trẻ. Mỗi giây phút hiện tại dẫn ta đi vào hành trình khám phá giá trị con người. Mỗi giây phút hiện tại cũng đẩy lùi những bám víu vào quá khứ, dù là những giây phút huy hoàng hay xót xa cho những lầm lỗi. Và cũng chỉ có giây phút hiện tại mới thực sự giúp ta xây dựng tương lai cho đời ta một cách thực nhất.
Sư Cô Ayya Khema trong tác phẩm “Being Nobody, Going Nowhere” đã chia sẻ rằng: “Hành trình tâm linh không phải hành trình để học nhằm đạt được điều này điều nọ, nhưng là học biết từ bỏ.”[ii] Cũng vậy, học làm người không gì khác hơn chính là học biết cách biết bỏ đi, thả xuống chứ không phải nhặt lên và góp giữ lại. Biết thả xuống quá khứ và đừng góp giữ tương lai. Bạn thử nắm bàn tay bạn lại thì sẽ biết. Bàn tay nắm lại là bàn tay nóng, không hưởng được khí thiên nhiên; bàn tay mở là bàn tay mát vì hưởng được khí trời ban tặng. Sống hiện tại là sống mở ra như bàn tay mà không giữ lại quá khứ và cũng không cố gắng bắt chộp tương lai.
Br. Huynhquảng

[i] Lược dịch từ Wisdom Tales (Atlanta: August House:1996),70.
[ii] Ayya Khema, Being Nobody, Going Nowhere (Boston: Wisdom Publication: 1987),4.

III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
Phần I: Những tư tưởng chỉ đạo
Bài 01: Tương lai thuộc về người trẻ
Lời Chúa: “Mọi người trong chúng ta sẽ phải trả lời về chính mình trước Thiên Chúa” (Rm 14, 12).
Chia sẻ:
1. Người trẻ thuộc tuổi nào?
Về mặt thể lý, đời người đại khái có bốn giai đoạn lớn:
Tuổi nhỏ: từ bé đến 15, 16 tuổi
Tuổi thanh niên: từ 17, 18 đến 30
Tuổi trưởng thành: từ 30 tuổi trỏ đi
Tuổi già: từ 60 tuổi trở đi.
Sự nghiệp đời người thường được xây dựng vào tuổi thanh niên và trưởng thành. Trong khóa học này, người trẻ hiểu là các bạn trong tuổi thanh niên, nhất là vào lứa tuổi 17 - 25.
Tuy nhiên tuổi đời không chỉ đo bằng thời gian, mà còn bằng tinh thần. Có những người già trước tuổi; lại có những người, tuy tuổi đời chồng chất, mà tinh thần vẫn trẻ trung:
Soi gương thì thấy mình già,
Soi lòng lại thấy mình là thanh niên.
2. Môi trường sống của người trẻ hôm nay
Người trẻ cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái mới mẻ, cái đáng yêu của cuộc đời. Họ hướng về tương lai, muốn góp phần xây dựng cuộc đời cho mình và xã hội, nhưng họ đừng ảo tưởng, mà phải nhìn vào thực tế quanh mình.
Từ năm 1995, Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của Asean, và từ đó đến  nay đã là thành viên của nhiều tổ thức trên thế giới. Nói chung, loài người đang sống trong thế kỷ 21, thời đại công nghệ 4.0 (Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0; hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Nếu định nghĩa từ Gartner còn khó hiểu, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”). Những nét đặc trưng của thời đại 4.0 là:
Khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, nhất là trong các ngành vi tính, viễn thông, sinh học, không gian. Sự phát triển này kéo theo những nhu cầu tiện nghi. Nhưng cần nhớ lời Chúa Giêsu: “Không phải, hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy, nhờ của cải mà được bảo đảm đâu (Lc 12, 15).
Sự bùng nổ và phát triển kinh tế trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kinh tế thị trường trở thành phổ biến, nhưng cũng rất là tàn nhẫn. Đồng tiền dễ trở thành ngẫu tượng, và lợi nhuận có thể làm cho con người mù quáng (x. Mt 6,24; Lc 16, 13).
Sự bùng nổ về dân số là mối lo ngại cho thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển. Sự bùng nổ này làm tăng thêm sự cách biệt giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Môi sinh và môi trường xã hội được cả xã hội và Giáo hội quan tâm (x. Thông điệp Laudato si - Chăn sóc ngôi nhà chung của chúng ta, ĐGH. Phanxicô, 2015).
Vai trò của phụ nữ ngày càng được đề cao, trong mọi lĩnh vực, kế cả lĩnh vực tôn giáo.
Con người thấy cần trở về với những giá trị tinh thần, tâm linh, và tôn giáo. Nghệ thuật được tôn quý, văn hóa dân tộc được đề cao. Luân lý và tôn giáo được kể là phương cách chống lại sa đọa, ích kỷ, và giúp con người sống bác ái hơn, tin tưởng hơn. Người ta nhận ra:
Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi
Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn (Tv 61).
3. Thái độ sống của người trẻ
Ý thức được trách nhiệm cao cả của mình, lại nhận biết môi trường sống hôm nay, người trẻ sẽ vào đời như thế nào? Dù muốn dù không, người trẻ cũng vào đời. Nói chung, có ba thái độ:
Thái độ e dè, sợ sệt, bi quan, yếm thế. Từ đó sẽ đi đến chỗ bất cần, bất mãn, tiêu cực. Bạn đừng làm thế, nhưng hãy biết cậy trông nơi Chúa, Đấng đã nói: Hãy an tâm, Thầy đây, đừng sợ (x. Mt 14, 27).
Thái độ háo hức, nôn nóng, nhưng lại không chuẩn bị, chỉ gặp đâu hay đó. Người môn đệ Chúa Giêsu thì luôn sẵn sang: "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12, 35. 40).
Thái độ ung dung, tin tưởng, lạc quan, vì đã sẵn sàng và có Chúa hằng nâng đỡ (x Pl 4, 13).
Bạn chọn thái độ nào? Chắc bạn muốn chọn thái độ thứ ba. Nhưng muốn thế, bạn cần chuẩn bị hành trang sẵn sàng.
4. Người trẻ chuẩn bị những gì ?
Bạn cần có kiến thức phổ thông và cái nhìn bao quát về mọi vấn đề, sao cho phù hợp với hoàn cảnh và thời đại.
Bạn trau dồi khả năng nghiệp vụ chuyên môn, để có một nghề vững chắc, bảo đảm cuộc sống của mình và gia đình.
Nhất là bạn cố gắng học cách sống làm người (nhân bản), và sống làm con Thiên Chúa, vất vả lắm nhưng thật là hãnh diện, vui tươi.
“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125).
Một chút tâm tình: Tôi đang nắm trong tay tương lai của tôi, của gia đình tôi, của xã hội và Giáo hội tôi. Tôi không thể sống ươn hèn, biếng nhác, tầm thường. Tôi nhất định chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng để tiến tới tương lai.
Tâm niệm: “Trong mọi cơn thử thách, chúng ta toàn thắng, nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 37).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
1. Người trẻ hiện nay cảm thấy những khó khăn nào trong cuộc sống? Bạn nghĩ có cách gì đế giải quyết những khó khăn ấy không?
2. Tương lai thuộc về người trẻ. Bạn nhận định câu nói ấy thế nào?
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log