Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 04.2020
Cập nhật lúc 09:06 01/04/2020
Khôi Bình Hưng Hóa
Nội bộ sinh hoạt hàng tháng Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Tất cả chúng ta đều biết chuyện gì đang là mối quan tâm lo lắng hiện nay trên thế giới, trong Giáo hội và tại Việt Nam. Chuyện Đại dịch Covid -19. Chúng ta cũng đã nghe biết các thông tin, chỉ thị và hướng dẫn từ các cấp chính quyền và giáo quyền.
Chúng ta hãy khôn ngoan và cẩn trọng nghe theo, để bảo vệ sự sống của mình, của gia đình và của mọi người, trong tinh thần ý thức, trách nhiệm, liên đới và hiệp thông.
Là thành phần của Giáo hội và Xã hội, cộng đoàn Khôi Bình chúng ta hãy luôn tuân giữ mọi hành vi bảo vệ, nâng đỡ và xây dựng công ích theo hoàn cảnh cụ thể từng nơi, từng lúc, như Chúa dạy chúng ta. Trong Thánh lễ mừng kính Thánh Giuse vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ: “Tất cả chúng ta là con người và trong tư cách là người, tất cả chúng ta ở trên cùng một con tàu. Không một con người nào có thể là kẻ xa lạ đối với các Kitô hữu. Chúng ta không được phân biệt người tin và người không tin. Hãy đi đến tận cội nguồn: Nhân loại. Đối với Thiên Chúa, chúng ta tất cả đều là con. Điều giúp chúng ta là cộng sinh, tương thân tương ái, cảm thức trách nhiệm và tinh thần hy sinh, hiện đang xảy ra ở nhiều nơi. Nơi đây chúng ta than khóc và đau khổ. Chúng ta chỉ có thể thoát khỏi tình trạng này cùng với nhau: như một nhân loại hiệp nhất … Hãy nhìn tới nhau với cảm thức liên đới… Cơn khủng hoảng này nhắc nhở con người rằng: nhân loại là một cộng đồng duy nhất. Và tình huynh đệ đại đồng thật quan trọng, mang tính quyết định biết bao." Nhắc đến biến cố trong Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói: "Tôi nghĩ đến các Tông đồ kêu cầu Chúa Giêsu trong cơn bão: “Lạy Thầy, chúng con chìm mất!.” Lời van xin làm cho chúng ta hiểu sự mỏng manh của mình. Đó là tiếng kêu van của người nghèo, của những ai đang bị chìm, cảm thấy mình bị đe dọa, lẻ loi. Trong hoàn cảnh khó khăn, thất vọng, điều quan trọng là mình biết có Chúa để bám lấy.” Đức Thánh Cha cũng xin chúng ta chớ quên “Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta nhiều cách. Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và ở gần chúng ta, như đã làm cho các môn đệ kêu xin giúp đỡ trong cơn bão.”
Anh chị em rất thân mến,
Đức Thánh Cha Phanxicô tha thiết xin chúng ta lần chuỗi Mân côi để cùng Mẹ Maria chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu, và cầu nguyện cùng Thánh Giuse, là người tin tưởng làm theo thánh ý Thiên Chúa, nhiều lúc trong tăm tối, bấp bênh không rõ ngày mai thế nào.
Là Khôi Bình viên; lúc này đây, chúng ta cần nâng đỡ nhau, cầu nguyện cho nhau, giúp nhau sống ơn gọi và sứ mạng của mình, là làm chứng tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, cho người nghèo và khổ đau. Ý thức sự yếu hèn của mình, chúng ta hãy dành giờ cầu nguyện với nhau, lắng nghe Lời Chúa và sống bác ái.
Mùa Chay chuẩn bị chúng ta họp mừng Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Trong đêm tối, chúng ta nhìn lên Ánh sáng và Niềm Hy vọng Chúa Phục sinh mang lại, tin vào tình yêu của Cha trên trời để vững bước theo Chúa tới cùng.
Chúc tất cả anh chị em tuần thánh đầy hồng phúc.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT PHỤC SINH
Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9
Báo Vietnamnet ngày 08/4/2018 đưa tin: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40 ngàn người tự tử, đa số những người tự tử là những người trẻ. Một con số đáng để chúng ta suy nghĩ và đặt câu hỏi: Tại sao? Các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội cho rằng, những người này bị căng thẳng công việc, gia đình bất ổn, bị stress dưới các áp lực cuộc sống. Nhưng nhìn dưới góc độ tôn giáo, đạo đức, người ta có thể thấy, những người đi đến quyết định tự tử thường là những người cảm thấy trống rỗng trong đời sống. Họ không tìm được ý nghĩa cho cuộc đời, nhất là khi họ thiếu vắng đời sống tâm linh, trống rỗng trong niềm tin, không hy vọng, sẽ dẫn đến tuyệt vọng và tự tử. Cuộc sống không hy vọng là một cuộc sống ngục tù trong chính con người mình.
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo hội mừng đại lễ Chúa Phục sinh. Tin Mừng Phục sinh chính là Tin Mừng đem lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng vào cuộc sống và tương lai. Niềm tin này cũng là động lực thúc đẩy con người sống và đương đầu với những khó khăn trong tin tưởng và hy vọng. Tin Mừng thánh Gioan kể lại sự biến đổi của các phụ nữ và các Tông đồ sau khi đón nhận Tin Mừng Phục sinh. Trước đó, Tin Mừng cho thấy, ngay từ sáng sớm khi trời con tối, bà Maria Madalena và một số phụ nữ đã ra thăm mộ và thấy tảng đá đã lăn ra. Bà về báo tin cho ông Simon Phêrô và người môn đệ Chúa thương mến: Người ta đã đem xác Chúa đi khỏi mộ; chúng tôi không biết họ để Người ở đâu. Chỉ qua một hai câu, Thánh Gioan đã cho thấy các phụ nữ đang sống trong bất an và tuyệt vọng. Đối với các phụ nữ, Thầy Giêsu của họ thực sự đã chết, bao nhiêu tình cảm thương mến dành cho Chúa cùng với bao hy vọng đặt ở nơi Người cũng đã bị chôn vùi. Trước mặt các bà là một bầu trời đen tối và các bà đi ra thăm mộ trong tâm trạng tối tăm mờ mịt của tâm hồn.
Khi thấy tảng đá đã bị lăn ra khỏi mộ, các bà cũng không thể nhìn thấy một dấu hiệu nào của sự hy vọng, trái lại, suy nghĩ của các bà bị sự tối tăm thất vọng bao phủ. Các bà chạy về báo tin cho các môn đệ trong hốt hoảng: Người ta đã lấy xác Chúa đi khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để Người ở đâu. Điều này chứng tỏ, những lời tiên báo của Chúa Giêsu về cái chết thập giá và phục sinh của Người không được các phụ nữ này quan tâm. Họ vẫn suy nghĩ theo thói quen thông thường như bao người khác. Vì thế, họ ra mộ không phải để tìm gặp Chúa Phục sinh, nhưng chỉ để ướp một cái xác đã chết mà thôi. Cũng giống như các phụ nữ, cái chết của Chúa Giêsu thực sự đã làm cho các môn đệ kinh hoàng, hoảng loạn. Các ông rơi vào sợ hãi tột cùng khiến người thì bỏ trốn, kẻ thì chối Chúa. Sau khi đã an táng Thầy Giêsu, các Tông đồ dù còn sống nhưng tâm hồn của họ đã chết trong sợ hãi. Họ đã quên hẳn những gì Thầy đã truyền dạy cho họ. Vì thế, các ông đã không dễ dàng đón nhận được Tin Mừng Phục sinh. Khi được các phụ nữ chạy về báo tin, chỉ có ông Phêrô và ông Gioan chạy ra mộ để xem sự gì đã xảy ra, các vị khác không phản ứng gì.
Hai người được Thánh Gioan nhắc đến tên, như hai nhân chứng đầu tiên, đó là Simon Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến. Ông Phêrô là người đứng đầu trong các anh em, là thủ lãnh của Giáo hội, ông cũng là người yêu mến Chúa hơn hết mọi người và ông Gioan là người được Chúa thương mến hơn hết trong anh em. Chi tiết này cho thấy, những người có một tương quan tình yêu đặc biệt với Chúa Giêsu thì mới có thể đón nhận được Tin Mừng Phục sinh. Hai ông đã có hai cách tiếp cận và tin khác nhau khi thấy những dấu chứng của cuộc phục sinh.
Cả hai ông Phêrô và Gioan đều chạy ra mộ khi vừa nghe báo tin. Điều đó chứng tỏ rằng, với sự thúc đẩy của tình yêu và sự khao khát gặp lại Chúa, các Tông đồ đã chạy thật nhanh ra mộ. Với sự kính trọng dành cho ông Phêrô là thủ lãnh của Giáo hội và là người có tiếng nói chính thức trong Giáo hội, ông Gioan dù chạy nhanh hơn, nhưng đã nhường bước cho ông Phêrô vào mộ trước. Ông Phêrô bước vào mộ, ông thấy những dấu chỉ còn lại, không phải là dấu chỉ của người đã chết, mà là dấu chỉ của người đang sống, đó là những băng vải, khăn liệm, khăn che đầu không bị xáo trộn, nhưng được gấp gọn gàng và để riêng từng thứ. Dấu chỉ này cũng loại bỏ sự hồ nghi của các phụ nữ cho rằng: Người ta đã lấy xác của Thầy. Nếu đây là một vụ trộm xác như các phụ nữ đã nói, thì hiện trường sẽ là một mớ hỗn độn, xáo trộn chứ không thể mọi thứ được gấp lại và xếp đặt gọn gàng.
Khác với ông Phêrô đã tin Chúa Phục sinh nhờ các dấu chỉ là ngôi mộ trống, các băng vải được xếp gọn gàng, ông Gioan đã tin nhờ trực giác của tình yêu và lòng cung kính tôn thờ. Ông Gioan đã đến mộ trước ông Phêrô, khi nhìn thấy ngôi mộ trống, phản ứng đầu tiên của ông là cúi mình xuống. Đây chính là thái độ cung kính của ông Gioan trước một mầu nhiệm vượt quá sức tưởng tượng và lý lẽ thông thường của loài người. Với thái độ cung kính tôn thờ, ông Gioan đã bước vào mộ theo sau ông Phêrô. Chi tiết này một lần nữa cho thấy dù ông Gioan tin nhờ trực giác của tình yêu, nhưng ông vẫn chờ đợi tiếng nói của ông Simon Phêrô là thủ lãnh của Giáo hội. Ông kể lại: Ông đã bước vào, ông đã thấy và đã tin. Đức tin của ông Gioan được củng cố và xác định nhờ đức tin củaông Simon Phêrô.
Cả hai môn đệ cùng đi đến niềm tin Chúa đã Phục sinh, tác giả tin Mừng Gioan cho thấy, hai ông đã phải vượt qua rào cản của lý trí tự nhiên và lý luận thực tiễn để có thể đón nhận được Tin Mừng vĩ đại này. Tin Mừng kết luận: Thật vậy, trước đó hai ông chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Kinh nghiệm đức tin của hai môn đệ chỉ cho các thế hệ sau phương thế có thể đón nhận được niềm tin Phục sinh, đó là hiểu và tin lời Kinh Thánh. Sau khi đón nhận đức tin qua dấu chỉ ngôi mộ trống và những băng vải, các Tông đồ cho thấy rằng, Kinh Thánh chính là lời chứng mạnh nhất, uy thế nhất về mầu nhiệm Phục sinh. Những người dù không được thấy mộ trống, cũng không thấy những băng vải liệm vẫn có thể đón nhận được niềm tin Phục sinh qua việc suy gẫm, hiểu và tin vào những gì Kinh Thánh đã viết.
Niềm tin vào Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi hoàn toàn các Tông đồ, biến các ông từ những con người nhút nhát trở nên can đảm mạnh mẽ, từ những người nhà quê bình dân trở thành những con người thông thái. Niềm tin Chúa Phục sinh cũng sẽ biến đổi cuộc đời của mỗi tín hữu, đem lại cho mỗi người niềm vui và hy vọng, giúp họ vượt qua mọi khó khăn. Đó cũng là điều Thánh Phaolô đã kinh nghiệm và dạy lại cho chúng ta: Thưa anh em, anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Như thế, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phải trở thành niềm tin thúc đẩy chúng ta sống cao thượng, sống vui và sống đẹp, chú tâm làm điều thiện, điều tốt. Sống như thế là sống có mục đích, có ý nghĩa và là cuộc sống đầy tràn niềm vui. Chúng ta không thể tuyên xưng Chúa Phục sinh mà lại sống trong buồn bã thất vọng, chết chóc. Chúng ta không thể nói về Chúa Phục sinh khi lời nói và hành động của chúng ta thiếu tình yêu, thiếu bao dung và cảm thông với anh chị em.
Cũng vậy, niềm tin Chúa Phục sinh phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta canh tân đổi mới lại nếp sống của bản thân và gia đình, đem lại cho gia đình mình một nếp sống mới. Hãy phá bỏ tảng đá chết chóc, giận hờn thù oán đang đè nặng cuộc sống chúng ta để chúng ta bước đi trong ánh sáng của sự thật, bao dung và tha thứ.
Xin Chúa cho chúng ta có một thái độ khiêm tốn như các Tông đồ, cúi mình cung kính thờ lạy để đón nhận Mầu nhiệm Phục sinh; và xin cho mỗi chúng ta luôn lắng nghe lời dạy bảo của Giáo hội, đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh để đức tin của chúng ta được củng cố và nâng đỡ mỗi ngày. Amen.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ: - Khi Chúa sống lại, Tin Mừng diễn tả nhiều phản ứng: vui, sợ, bất động, trốn chạy. Phản ứng của anh chị ra sao?
- Hãy tưởng tượng nếu Chúa hiện ra trước mặt anh chị, chúc bình an cho anh chị, và anh chị sẽ thờ phượng Người ra sao?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 04: Cây phiền muộn
Ở một ngôi làng nhỏ tại Ba Lan có một nhà thông thái được nhiều người nể trọng; dân làng thường tìm đến ông để tâm sự, chia sẻ những nỗi phiền muộn trong cuộc sống với ông. Hằng ngày ông lão nghe rất nhiều nỗi phiền muộn trong từng gia đình. Họ cho rằng, ông trời không công bằng khi để cho họ mang quá nhiều gánh nặng so với những người hàng xóm. Tại sao ông ấy thảnh thơi hơn tôi? Tại sao chồng chị ấy lại chăm chỉ còn chồng tôi lại ngày đêm nhậu nhẹt? Tại sao vợ của tôi chỉ thích đi mua sắm còn vợ của anh ấy thì lại đảm đang lo cho gia đình? Tại sao tôi phải mang căn bệnh nan y này còn ông hàng xóm thì sống bê tha mà lại tỉnh bơ phây phây? Dù tôi không làm gì sai trái nhưng tại sao đời tôi vẫn không bình an như ông kia? Đó là những nỗi phiền muộn trách cứ mà dân làng tìm đến để nhờ ông lão giúp tìm câu trả lời. Sau một thời gian, ông lão nảy ra một sáng kiến như sau. Ông sẽ tổ chức một ngày hội. Trong ngày ấy, mỗi người hãy chuẩn bị một cái bao với tên của mình được ghi ngoài bao. Mỗi người dân trong làng hãy mang nỗi phiền muộn của mình, những khó khăn của mình và “đặt” chúng trong cái bao ấy và treo chúng lên một cây có tên gọi là “cây phiền muộn” ở giữa làng nơi sẽ diễn ra lễ hội. Sau khi chờ mọi người treo “bao phiền muộn” của mình lên cây, họ có quyền chọn bao của người khác và mang nó về nhà. Việc tìm kiếm trao đổi “bao phiền muộn” rất sôi nổi, vì ai ai cũng muốn bỏ đi bao của mình và tìm bao “nhẹ” hơn, “dễ chịu” hơn của người khác. Sau một hồi tìm kiếm, ai cũng tìm được cho mình một bao mà theo họ là vứa ý nhất. Nhưng khi về đến nhà, những “bao phiền muộn” mà họ ôm lấy từ người khác cũng chẳng khác gì bao nhiêu so với “bao phiền muộn” của họ. Không ai bảo ai, người dân làng hiểu rằng ai ai cũng mang nỗi phiền muộn, không ai nặng hơn và không ai nhẹ hơn. Cách tốt nhất là đừng tìm cách đổi chác hay chạy trốn khỏi chúng, nhưng chấp nhận nỗi phiền muộn như là phương cách giúp họ đồng cảm và chia sẻ thân phận làm người với nhau. Họ cũng nhận ra rằng khi cảm thấy nỗi đau của đồng loại là lúc họ trưởng thành hơn, biết yêu nhau hơn, và từ đó họ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống nhiều hơn.
Câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy việc chạy trốn nỗi khổ đau, hay tìm phương cách để thay đổi chúng không phải là cách tốt nhất để hóa giải sự đau khổ, phiền muộn trong đời mình. Theo Đức Phật, đời người là biển khổ: “Sinh khổ, hủy diệt khổ, chết khổ, và không sở hữu được điều mình muốn cũng khổ” Chúng ta có thể ví đau khổ và phiền muộn trong kiếp người như con rắn rượt đuổi mỗi chúng ta. Nếu chúng ta không dừng lại và can đảm đối diện với nó, thì một lúc nào đó chúng ta sẽ bị kiệt sức với trò rượt bắt này. Chỉ có phương cách là chấp nhận nó, đón nhận nó và sống với nó từng ngày như là một phần của đời chúng ta.
Với một cảm nghiệm siêu phàm, thánh Gioan Thánh Giá đã khuyên những ai đang gặp khó khăn đen tối trong cuộc đời với những lời khuyên rất tâm huyết: “Hãy tìm kiếm sự khó khăn nhất thay vì sự dễ dàng thoái mái;… hãy sẵn sàng mang lấy bất lợi, sự cô đơn hơn là sự thuận lợi, an ủi…” Thật là nghịch lý và khó hiểu khi chúng ta học hỏi những suy nghĩ và lối sống của các bậc thánh nhân, nhưng đó là con đường mà họ đã đi qua với bao kinh nghiệm xương máu. Chính trong kinh nghiệm xương máu với lòng can đảm đón nhận và ôm chầm lấy đau khổ muộn phiền, họ gặp được niềm vui vô cùng lớn lao mà như thánh nhân gọi là: “Ôi đêm tối ngọt ngào và dịu êm.”
Mời bạn suy nghĩ về cái “bao phiền muộn” của mình. Ngoài những phiền muộn do ngoại cảnh gây ra, chúng ta thường đối diện với sự phiện muộn xuất phát từ trong lòng mình. Sự phiền muộn mà mình đang gánh chịu có thể là vì một điểm chuẩn hay một ước vọng xuất phát từ con tim của mình mà mình chưa đạt được hay chưa sở hữu được. Cũng có khi sự phiền muộn của mình là do mình mong được như một người nào đó, cung cách của một ai đó, lối sống và suy nghĩ như một ai đó mà mình gặp phải. Ta vô tình lấy họ làm điểm chuẩn cho đời ta; ta mong muốn ta được như họ (về một khía cạnh nào đó). Bao lâu ta không được như họ thì ta còn phiền muộn đau khổ. Càng phiền muộn hơn khi ta cứ nhìn những bất toàn của ta và đâm ra nản lòng, bỏ cuộc, và thất vọng. Thật ra ta đâu có hiểu, những con người xem chừng như rất lý tưởng ấy cũng trăn trở và phiền muộn một khía cạnh nào đó trong đời họ mà ta không biết đấy thôi. Hiểu như thế để ta cảm nghiệm giá trị hiện tại trong chính con người mình.
Thưa bạn, bạn hãy khẳng định với lòng mình rằng: Giây phút này, hoàn cảnh này, vị trí này là hoàn cảnh tốt nhất, hoàn hảo nhất cho chính con người của ta, cho cuộc đời của ta. Ta không cần tìm kiếm hay so sánh với ai khác, mà ta chỉ cần cố gắng hết sức để những đức tính và khả năng của ta được vươn nở mà thôi.
Br. Huynhquảng
III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
PHẦN I: NhỮng tư tưỞng chỈ đẠo
Bài số 03: Người trẻ đi tìm hạnh phúc
LỜI CHÚA:
“Phần anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe” (Mt 13, 16).
CHIA SẺ:
Con người ước mơ và đi tìm hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc giống như một con chim đậu trên cành, hễ mình tới gần, thì nó cất cánh bay đi. Vậy người trẻ có thể tìm ra hạnh phúc không ?
A. HẠNH PHÚC LÀ GÌ ?
Hạnh phúc có thể là ảo ảnh, mà cũng có thể là sự thật.
1. Hạnh phúc giả tạo
1.1. Nhiều người cho rằng: Hễ thỏa mãn các nhu cầu vật chất, là có niềm vui và hạnh phúc, cần có nhiều tiền; có tiền rồi thì tiêu xài thỏa thích, tìm những khoái lạc trong cuộc sống. Tiền là tất cả, có tiền mua tiên cũng được. Bạn có thể hỏi những người giàu, xem họ có hạnh phúc không? Chỉ thấy một điều: đa số những người tự tử thường là rất giàu (x. Lc 12, 15).
1.2. Một số bạn trẻ lại tưởng rằng: Sống phóng túng, sống không kỷ luật, sống bất cần đời, đó là niềm vui. Phần nhiều các bạn ấy đều thú nhận: Họ chán đời, họ hận đời, họ trả thù đời, vì đời đáng chán.
1.3. Có người mong rằng: Hễ mình có danh vọng địa vị, có quyền sai khiến người khác, là mình có hạnh phúc. Có bao giờ bạn nghĩ xem: những người có địa vị cao, họ lo lắng thế nào không. Câu truyện của của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay sẽ trả lời cho bạn. Họ phải có cận vệ, họ nơm nớp lo sợ bị ám hại, bị ghen tương, bị mất địa vị. Quả thật, địa vị danh vọng không làm cho họ an tâm. Vậy chẳng lẽ không có hạnh phúc ư?
2. Hạnh phúc chân thật
Khó có thể định nghĩa thế nào là hạnh phúc. Nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra:
2.1. Một người sống khỏe mạnh, có một nghề nghiệp vững chắc, có một gia đình êm ấm, người ấy dễ có một tâm hồn thanh thản vui tươi. Sự thành công trong cuộc đời giúp người ấy an vui phấn khởi.
2.2. Có người, tuy điều kiện sống có nhiều khó khăn mà lúc nào cũng vui tươi. Tại vì họ đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm. Họ là người chồng tốt, người vợ đảm đang, người bạn của mọi người. Họ sống cho người khác, và cảm nghiệm rằng: cho thì quý hơn nhận (x. Cv 20, 35). Họ chấp nhận cuộc đời, và tìm ra những lý do để vui sống.
2.3. Nhất là chúng ta nhìn đến các thánh nhân. Họ nhận ra Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Những khó khăn thử thách đều trở nên dịu dàng. Họ chấp nhận thánh giá hằng ngày. Niềm tin và ân sủng đã làm cho họ nhìn mọi sự là hồng ân, và mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Chúa (x. Rm 8, 28). Lúc ấy họ thật tâm đắc về tám mối phúc thật mà Chúa đã công bố (x. Mt 5, 3-12). Gương của Thánh Phanxicô khó khăn, của Thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu, của các thánh tử đạo Việt Nam, của bao vị Thánh nam nữ khác, cho chúng ta xác tín về niềm hạnh phúc chan hòa này.
2.4. Cuối cùng, chúng ta phải nói rằng: Hạnh phúc đời này chỉ là hình ảnh và là bảo chứng hạnh phúc bất diệt trên thiên đàng, nơi không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc khóc than và đau khổ nữa (x. Kh 21, 4).
B. LÀM SAO ĐẾ CÓ HẠNH PHÚC ?
Một ai đó đã nói: Điều bất hạnh duy nhất cho bạn, là bạn nghĩ rằng: Mình không hạnh phúc. Bạn muốn hạnh phúc, xin nhớ ra điều này:
1. Hãy lạc quan, tin tưởng và hy vọng. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống. Hãy chấp nhận những gì bạn đang có rồi cố gắng tiến lên. Năm 1987, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đến thăm California, Hoa Kỳ. Người ta không quên được hình ảnh cảm động, khi vị Giáo hoàng rời bỏ lễ dài, bước xuống ôm hôn một thanh niên đang vừa hát vừa chơi đàn guitar. Chàng tên là Tony, là hiện thân của hy vọng. Tony đã chào đời thiếu hẳn cả hai cánh tay, nhưng đã vận dụng những ngón chân thay cho đôi tay. Với đôi chân, Tony tập chơi đàn guitar và làm hầu hết những việc mà ta phải dùng tay. Được hỏi về bí quyết giúp anh sống bình thường, Tony trả lời: Tôi đã cầu nguyện. Tôi đã tự hiến cho Chúa như một của lễ sống động, và Chúa đã nhận lời tôi. Bà Helen Keller là một tấm gương nhẫn nại, hy vọng, và thành công.
2. Hãy tạo cho bạn một căn bản đạo đức, những hiểu biết cần thiết, một khả năng làm việc. Những người thành công thường là biết làm việc, cộng thêm một chút may mắn.
3. Gần nhất là bạn phải có nghị lực, một lòng quả cảm, một ý chí phấn đấu, không chùn bước trước khó khăn thử thách. Alexandre đại đế đã để lại một tấm gương sáng để bạn noi theo.
4. Là Kitô hữụ, bạn có một bí quyết tuyệt hảo để sống hạnh phúc, đó là luôn sống trong ân sủng Chúa Kitô. Chỉ trong Chúa bạn mới tìm được hạnh phúc chân thật vững bền. Bạn hãy cầu nguyện, hãy suy niệm những lời chúc phúc trong Kinh thánh (x. Mt 5; Lc 10; Ga 20; Tv 1).
C. MỘT CHÚT TÂM TÌNH
Cầu chúc bạn vui tươi và hạnh phúc, cầu chúc bạn thành công, luôn tươi cười. Cầu chúc bạn có công ăn việc làm. Cầu cho bạn gặp được một người bạn đời như lòng mong ước. Cầu chúc bạn đạt tới niềm vui trọn vẹn tràn đầy ơn Nước Trời.
Tâm niệm:
Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân,
chẳng bước vào đường quân tội lỗi,
không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng,
nhưng vui thú với lề luật CHÚA,
nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.
Người như thế làm chi cũng sẽ thành.
Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay.
Nên ngày xử án, bọn ác nhân làm sao đứng vững,
quân tội lỗi đâu được hợp đoàn với chính nhân!
Vì CHÚA hằng che chở nẻo đường người công chính,
còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong (Tv 1).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
1. Chúng ta thường tự làm khổ mình nhiều hơn người khác làm khổ chúng ta. Bạn có đồng ý điều đó không? Bạn thử nói xem, bạn tự làm khổ mình như thế nào?
2. Theo bạn có thể nào xây dựng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc không?
3. Cuộc đời sao nhiều đau khổ thế? Bạn thử chia sẻ một vài khổ đau bạn đã gặp và bạn đã làm gì để vượt qua.