Chúa nhật, 26/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 05.2020

Cập nhật lúc 06:16 02/05/2020
Khôi Bình Hưng Hóa
Nội bộ sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến, 
Người ta thường nói: “
Tháng Năm là tháng đẹp nhất so với các tháng khác của năm.” Thật vậy, tháng Năm đẹp bởi tháng Năm có ánh nắng mới, chính ánh nắng đó làm cho muôn cây đâm chồi nẩy lộc; hay nói một cách khác, nó đã mang đến một sự hồi sinh cho tất cả cỏ cây, hoa lá sau những ngày ủ rũ héo tàn bởi mùa đông giá rét. Tháng Năm đẹp còn bởi mùa hoa về, chúng ta nhìn thấy khắp muôn phương đều rợp hoa và nắng. Chính ánh nắng và màu hoa hòa quện với nhau tạo nên một màu hương sắc đặc biệt của tháng Năm.
Đối với người Công giáo, tháng Năm không chỉ đẹp về cảnh sắc mà tháng này còn mang một ý nghĩa thiêng liêng cao quý, tháng kính Mẹ Maria - Tháng Hoa.
Tháng Hoa chính là tháng để bày tỏ lòng thành kính của người Kitô hữu đến Mẹ Maria, một người Mẹ ví như Người Nữ tuyệt vời, đẹp nhất trong muôn ngàn phụ nữ, Mẹ đẹp tâm hồn, Mẹ đẹp thể xác. Vì thế, Tháng Năm dâng hoa cho Mẹ vì nơi hoa tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, tượng trưng cho các nhân đức nơi Mẹ: “Đức Mẹ như hoa Quỳnh thánh thiện. Đức Mẹ như hoa Sen tinh khiết. Đức Mẹ như hoa Lê đầy phúc. Đức Mẹ như hoa Cúc vãn Thu. Đức Mẹ như hoa Mai đỉnh núi. Đức Mẹ như hoa Đơn phú Quý. Đức Mẹ như hoa Lan vương giả.”
Hơn nữa, những sắc màu của hoa tượng trưng cho Đức Mẹ là Mẹ muôn loài khi đón nhận vai trò làm Mẹ Thiên Chúa. Mẹ Maria được ví như bông hoa thơm ngát trước tòa Chúa, nhưng trước đó Mẹ cũng là những con người rất đỗi bình thường như bao người phụ nữ khác. Tuy nhiên, được Thiên Chúa tuyển chọn, và qua tiếng “Xin Vâng” nên Mẹ đã trở nên tuyệt mỹ hơn muôn ngàn phụ nữ. Mẹ đã trở nên đóa hoa thơm ngát trước Ngai tòa Thiên Chúa. Mẹ đã trở nên đóa hoa độc nhất vô nhị của thế giới loài người.
Thưa anh chị em,
Tháng Hoa năm nay, hoa vẫn nở đẹp, nhưng chúng ta không thể tổ chức dâng hoa long trọng để tôn kính Mẹ Maria vì dịch Covid - 19. Nhưng chúng ta vẫn có thể dâng lên Mẹ những đóa hoa lòng rất đẹp, những lời kinh Mân Côi sốt sắng tại gia đình, những nghĩa cử bác ái cụ thể để giúp những người đang đau khổ thiếu thốn trong dịch bệnh. Như thế, Tháng Hoa trong mùa đại dịch này lại trở nên có ý nghĩa vô cùng. Chắc chắn chúng ta sẽ đặc biệt cảm nhận được tình thương của Mẹ Maria, Đấng đang đứng sát bên cạnh chúng ta trong thương đau, như ngày xưa Mẹ đã kiên cường đứng cận kề bên thánh giá để an ủi Con yêu dấu của Mẹ.
Mẹ Maria không bao giờ vô tình trước lòng kính yêu dành cho Mẹ dù cho nó có nhỏ bé. Xin Mẹ cho chúng ta luôn biết yêu mến Mẹ và noi gương Mẹ để sống niềm tin của chúng ta ngày nay hầu mai sau, chúng ta cũng được vào dự tiệc vui với Mẹ nơi Thiên quốc.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT V PHỤC SINH
Cv 6,1-7; 1 Pr 2,4-9; Ga 14, 1-12
Đoạn Tin Mừng hôm nay là một phần trong bài diễn từ cáo biệt của Đức Giêsu với các tông đồ sau bữa tiệc ly. Trong phần đầu của bài diễn từ, Đức Giêsu gợi ý là Người không còn ở lâu với các ông nữa; Người sẽ ra đi và trở về nhà Cha của Người nơi đó Người sẽ dọn chỗ cho các ông. Người nói: "Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, thì anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi." Nhưng các tông đồ là những con người cụ thể, nên đã hiểu "cuộc ra đi" và "con đường" của Đức Giêsu theo nghĩa vật chất, nên ông Tôma mới hỏi Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?" Trước câu hỏi ngây thơ của tông đồ Tôma, Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu nói lạ lùng mà chưa chắc lúc ấy ông Tôma và các tông đồ khác đã hiểu: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa cha mà không qua Thầy."
Làm sao Đức Giêsu lại có thể là con đường được? Để hiểu điều đó, trước hết chúng ta phải tìm hiểu kiểu nói "đến với Cha." Kiểu nói này được bổ túc bởi những kiểu nói khác như  "biết" Chúa Cha hay là "thấy" Chúa Cha. Hai động từ "biết" và "thấy" đã gợi ý cho chúng ta phải hiểu kiểu nói "đến với Cha" theo hướng nào rồi.
Trong bài diễn từ về bánh hằng sống, Đức Giêsu nói: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ" (Ga 6, 35) hoặc "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống" (Ga 7, 37-38). Qua hai câu nói này, chúng ta thấy kiểu nói "đến với" đồng nghĩa với  "tin." Cho nên trong câu nói "Không ai đến với Chúa Cha mà không qua thầy", thì kiểu nói "đến với" phải được hiểu không phải theo nghĩa vật chất, nhưng theo nghĩa tinh thần: đó là "tin",  nghĩa là nhận biết Chúa Cha trong bản tính đích thực của Người.
Vậy Đức Giêsu là con đường, theo nghĩa Người là Đấng mang lại cho chúng ta sự hiểu biết đích thực về Thiên Chúa. Người là con đường, vì Người là sự thật, là sự khôn ngoan, và chỉ duy mình Người có thể đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Không có Chúa Giêsu là Đấng ở trong cung lòng Chúa Cha, thì chúng ta không thể biết Thiên Chúa là ai, và nhất là không thể nhận biết Thiên Chúa là một người Cha. Kiểu nói "thấy Chúa Cha" ở đây cũng vậy, không có nghĩa là thấy với cặp mắt xác thịt, nhưng là thấy với cặp mắt tinh thần, là hiểu biết Thiên Chúa theo đúng bản tính của Người. Và sự hiểu biết này không phải là một sự hiểu biết suông, nhưng nó đưa lại cho chúng ta sự sống, sự sống đời đời, là nguồn hạnh phúc tuyệt đỉnh của con người. Đó là điểm quan trọng thứ nhất.
Điểm quan trọng thứ hai trong lời khẳng định của Đức Giêsu, đó là chúng ta không cần phải chờ đợi một tương lai xa xôi mới "thấy" được Thiên Chúa, nhưng ngay bây giờ. Người nói: "Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em  biết Người và đã thấy Người." Người ta thường quan niệm là sau này, khi con người chết rồi và sang thế giới khác mới biết được Thiên Chúa. Đức Giêsu khẳng định với các tông đồ là ngay bây giờ, nếu người ta tin vào Người, thì nhờ Người và qua Người, người ta đã có thể sống hiệp thông với Thiên Chúa. Sở dĩ Đức Giêsu có thể là con đường dẫn tới Chúa Cha, sở dĩ Người có thể nói cho chúng ta một cách chính xác, một cách chân thật về Thiên Chúa, là vì Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha. Giữa loài người chúng ta, chúng ta chỉ ở bên cạnh nhau thôi, chứ không thể nào ở trong nhau được. Chỉ có Ba ngôi Thiên Chúa mới có thể hiện diện trong nhau. Câu nói của Đức Giêsu: "Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy" là khởi điểm cho suy tư của Giáo hội qua 20 thế kỷ vừa qua về sự hiệp nhất trong Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa có ba ngôi vị là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng các ngài không ở bên cạnh nhau: trong trường hợp này người ta có thể nói là có ba Thiên Chúa. Nhưng các ngài hiện diện trong nhau, nên một với nhau, và bởi thế chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Đức Giêsu quả quyết: Những việc Người làm, những lời Người nói, đó là Chúa Cha làm và Chúa Cha nói trong Người.
Sự hiện diện kỳ diệu này, thần học gọi là "sự tương diện", nghĩa là một sự hiện diện trong nhau và cho nhau. Đó là dấu chỉ Đức Giêsu không chỉ là một người phàm, mà Người cũng là một ngôi vị Thiên Chúa. Và vì Người là Thiên Chúa thật, nên Người có thẩm quyền để nói về Thiên Chúa. Tôn giáo nào cũng nói về Thiên Chúa, nhưng thực ra không ai đã dám cả quyết mình từ Thiên Chúa mà đến và biết rõ Thiên Chúa. Tất nhiên các ngôn sứ trong Cựu ước đều tự giới thiệu là họ được Thiên Chúa sai đến. Nhưng không ai trong các ngài dám táo bạo khẳng định: Chúa ở trong tôi, tôi ở trong Chúa và Thiên Chúa với tôi là một. Chỉ một mình Đức Giêsu, vì là Con Một Thiên Chúa, nên mới dám khẳng định một cách mạnh mẽ: "Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy", và nhất là câu: "Thầy và Cha, chúng ta là một." Bởi vậy Người là con đường duy nhất đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.
Trong lời cầu nguyện và chiêm ngưỡng Chúa của chúng ta, chúng ta phải ý thức Đức Giêsu là trung tâm, nơi chúng ta có thể gặp gỡ Chúa Cha. Qua các trang Tin Mừng, chúng ta được mời gọi hãy chú ý xem Đức Giêsu nói gì và làm gì, rồi qua trung gian của Người, chúng ta ý thức là chúng ta đang được nghe Chúa Cha nói và đang được thấy Chúa Cha hành động, vì Chúa Giêsu đã nói: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha." Việc "thấy" này  không dựa trên con mắt xác thịt, nhưng con mắt tinh thần. Và khi nói tới con mắt tinh thần, chúng ta phải nghĩ tới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Con mắt xác thịt chỉ nhìn thấy Đức Giêsu như một con người mà thôi. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới cho phép chúng ta nhận ra con người Giêsu đó cũng là Con Một của Thiên Chúa, và trong Người Con đó chúng ta lại gặp thêm ngôi vị Chúa Cha, nguồn gốc của sự sống đời đời. Trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành cũng vậy, khi chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, thì Chúa Thánh Thần cũng giúp chúng ta nhận biết là chúng ta đang đến với Chúa Cha.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Hãy hình dung bạn đang dự buổi tiệc ly cùng Chúa Giêsu và các môn đệ. Khi ấy bạn sẽ nghĩ gì? Thái độ của bạn ra sao? Bạn có đặt câu hỏi là Chúa sẽ đi đâu và tại sao Người lại ra đi không?
2. Thánh Tôma hỏi: "Chúng con không biết Thầy đi đâu thì làm sao chúng con biết được đường đi?" Nếu Thánh Tôma hỏi bạn, bạn sẽ trả lời như thế nào?
3. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đi dọn chỗ cho bạn ở nhà Chúa Cha. Vậy bạn phải chuẩn bị như thế nào để được Người tiếp đón?
4. Giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu, có một liên hệ đầy thương yêu, trung tín, và mật thiết. Còn liên hệ của bạn với Chúa thì sao?
5. Chúa Giêsu nói: "Nếu anh em biết Ta, anh em cũng biết Cha Ta." Bạn biết Chúa đến chừng nào?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 05: Lệnh Hồ Xung
Để minh họa cho đề tài sống hiện tại mà chúng ta đang học hỏi, xin mượn nhân vật Lệnh Hồ Xung trong tác phẩm võ hiệp lừng danh “Tiếu Ngạo Giang Hồ” của Kim Dung. Nhân vật Lệnh Hồ Xung không phải là một nhân vật hoàn hảo, nhưng là một nhân vật được Kim Dung mượn để nói lên vấn nạn của con người qua nỗi trăn trở về “phe chính” và “phe tà” trong chốn giang hồ. Nói cách khác, đó là sự kiếm tìm không ngơi nghỉ đâu là đúng, đâu là sai trong xã hội cũng như trong mỗi tâm hồn con người. Làm sao ta bảo đảm được những chọn lựa của ta hôm nay sẽ cho ta tương lai ổn định? Làm sao ta biết những chọn lựa của ta là đúng và thuận lòng trời?  Xin được nêu lên hai ví dụ sau để minh họa cho vấn đề trên.
Thứ nhất, thời gian bị lưu đày sám hối trên ngọn núi Hoa Sơn, Lệnh Hồ Xung may mắn được Phong Thanh Dương truyền thụ cho Độc Cô Cửu Kiếm. Trong quá trình tập luyện kiếm pháp, Lệnh Hồ Xung thường bị lẫn lộn giữa kiếm pháp cũ của phái Hoa Sơn mà mình đã học từ nhỏ và kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm mà mình vừa mới học. Sự phân vân do dự này làm cho Lệnh Hồ Xung tự hỏi là mình có nên tiếp tục luyện Độc Cô Cửu Kiếm hay không? Nhận ra sự khó khăn này của Lệnh Hồ Xung, Phong Thanh Dương đã chỉ giáo cho Lệnh Hồ Xung như sau: Việc luyện kiếm phải được ví như “nước chảy mây trôi.” Nhờ lời chỉ giáo này, Lệnh Hồ Xung đã luyện thành công Độc Cô Cửu Kiếm.
Thứ hai, sau khi vô tình học được Hấp Tinh Đại Pháp của giáo chủ ma giáo Nhậm Ngã Hành, nội công của Lệnh Hồ Xung trở nên rất thâm hậu. Tuy nhiên việc tự học này cũng có mặt hạn chế của nó. Vì tất cả các luồng chân khí đôi khi xung khắc nhau làm cho cơ thể nóng lên và đau đớn. Biết được nhược điểm này, Nhậm Ngã Hành muốn giúp Lệnh Hồ Xung hóa giải chúng nhưng với điều kiện Lệnh Hồ Xung phải gia nhập ma giáo. Lệnh Hồ Xung thầm nghĩ: Mạng sống mình còn sống được ngày nào là may mắn ngày đó, hà tất gì mà phải lệ thuộc vào ai. Với suy nghĩ này, Lệnh Hồ Xung chấp nhận mang sự bất toàn trong cơ thể để sống đúng với lòng mình.
“Triết học và tôn giáo phiêu lưu qua bao dòng suối dòng sông, cuối cùng cũng chỉ đến được một bến tiêu sơ: trở về lại lòng ta.” Đó là lời nhận định của nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Đúng như vậy, cuộc sống con người với nhiều trăn trở, phân vân cho tương lai cho ngày mai cũng ví như chàng Lệnh Hồ Xung phân vân trong việc luyện kiếm cũ hay kiếm  mới. Luyện kiếm như “nước chảy mây trôi” cũng như là lời nhắc chúng ta rằng chúng ta hãy cứ sống tự nhiên như trong một dòng suối chảy. Nghĩa là trong giây phút này, trong hoàn cảnh hiện tại này mà chúng ta đang sống, đang hiện hữu thì chúng ta hãy cứ sống trong đó một cách tròn đầy, không khao khát thay đổi hay trốn chạy. Cái gì đến rồi nó cũng sẽ đến và rồi nó cũng sẽ đi. Hoàn cảnh khó khăn đến rồi nó cũng sẽ đi như dòng nước vậy.
Sau khi luyện Hấp Tinh Đại Pháp, Lệnh Hồ Xung thà chấp nhận những giới hạn và trở ngại của môn công phu này, chứ chàng không chịu qui đầu vào ma giáo để tìm cách giải quyết những trở ngại này. Chấp nhận sự bất toàn trong thể lý để hoàn thiện tinh thần chính mình; chấp nhận trong sự thiếu thốn từ ngoại cảnh, để để lòng mình được no thỏa với ý chí tự chủ làm người. Đó là sống trong hiện tại với tất cả ý thức về phẩm giá của mình, sống thật với lòng mình.
Sống hiện tại không có nghĩa là đã thoát ra khỏi những giới hạn, những bất toàn của kiếp người. Những khiếm khuyết vẫn còn đó, những vấp ngã vẫn có thể xảy ra, nhưng sống hiện tại giúp đưa ta về thật với con người của mình, về với lòng mình. Dù khiếm khuyết có hiện hữu trong ta, nó cũng chỉ hiện hữu trong giây phút này mà thôi; sau một giây, nó cũng bị trôi theo dòng thời gian.
Br. Huynhquảng
 
III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
PHẦN I: NhỮng tư tưỞng chỈ đẠo
Bài số 04: Sức mạnh nâng đờ người trẻ Công giáo
Lời Chúa:
“Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Chia sẻ:
Tuổi trẻ yêu đời, hăng say, nhiệt tình, dấn thân, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, không thiếu gì khó khăn phải vượt qua. Ngoài nghị lực bản thân, ngoài những giúp đỡ người thân và xã hội, người trẻ Công giáo may mắn có sẵn một trợ giúp vô song; đó là sức mạnh của niềm tin, sức mạnh của ân sủng, sức mạnh của Thiên Chúa.
A. THIÊN CHÚA LÀ SỨC MẠNH
1. Lưu Bị trong chuyện Tam Quốc Diễn Nghĩa bên Trung Hoa lận đận nửa đời người, mà công không thành danh không toại. Nhưng khi gặp dược Khổng Minh, thì như cá gặp nước, rồng gặp mây, lập nên sự nghiệp. Lưu Bị luôn yêu quý, tin cậy, và nghe lời Khổng Minh. Như thế, được một nhân tài tận tình giúp đỡ, thật là may mắn.
2. Thiên Chúa chính là người Cha, là ân nhân, là sức mạnh của chúng ta. Thiên Chúa đã dựng nên ta giống hình ảnh Chúa, luôn nâng đỡ chúng ta, lại giầu lòng thương xót và thành tín. Bạn hãy đọc lại lịch sử cứu độ, để nhận rõ lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa đối với Abraham, Môsê, David, và với dân Israel.
3. Vậy không lý do gì mà bạn sợ. Bạn hãy tin tưởng, cậy trông, phó thác nơi Thiên Chúa là Cha từ nhân, là tình yêu vĩnh cửu. "Núi có thể tan bay, đồi có thế sụp đố, nhưng tình yêu của Ta đối với ngươi sẽ không bao giờ tàn phai" (Is 54, 10). Có Chúa giúp, bạn sẽ có đủ sức vượt thắng gian nan thử thách, và tiến tới thành công: "Thiên Chúa luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn thử thách" (2Cr 1, 4).
 
B. CHÚA KITÔ ĐI VỚI BẠN
1. Bạn hãy mở Tân ước, nhất là các sách Tin Mừng, để nhìn rõ bàn tay quyền năng, khuôn mặt dễ thương, dễ mến, trái tim nhân hậu từ bi của Chúa Giêsu. Đức Kitô hôm nay vẫn thế Người vẫn ở cùng bạn (x. Mt 28, 20); chính Người mời gọi bạn kết hợp với Người như chim liền cánh, như cành liền cây (x. Ga 10). Lúc ấy, bạn có thể làm được mọi cái: "với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể chịu đựng hết" (Pl 4, 13).
2. Bạn vẫn hay đọc truyện các thánh phải không? Một con người tầm thường như ông Phêrô, một hạng người nóng nảy như ông Phaolô, một thiếu nữ bệnh hoạn như Têrêsa Hài đồng Giêsu, một lớp người run sợ như các vị tử đạo. Vậy mà họ  thành công đấy!. Nhờ sức mạnh Chúa Kitô đấy!.
3. Phần bạn, bạn hãy đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu. Người là Thiên Chúa quyền năng và hay thương xót; Người là Đấng Cứu Thế đến để ban sự sống dồi dào (x. Ga 10); Người là Thầy (x. Ga 13, 14), là bạn (x. Ga 15, 15). Người hứa ban Thánh Thần soi sáng và giúp sức (x. Ga 14-16); Người hứa nhận lời ta cầu xin (x. Ga 14, 12-14); Người khuyến khích chúng ta can đảm giữa trăm chiều thử thách, vì Người đã thắng thế gian (x. Ga 16, 33).
C. MỘT CHÚT TÂM TÌNH
Bạn ơi, đường đời còn dài, chông gai nhiều lắm. Nhưng ngại gì, bạn ơi ! Giáo hội, hiền thê của Chúa Giêsu, luôn cung cấp cho bạn những phương tiện lên đường, đó là các bí tích và lời Chúa.
Tâm niệm:
Núi đá và thành lũy bảo vệ con, chính là Chúa
Vì danh dự Ngài, xin dẫn dường chỉ lối cho con.
Hết những ai cậy trông vào Chúa,
Mạnh bạo lên, can đảm lên nào (Tv 30).
 
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
1. Bạn có ai là bạn thân không? Có người bạn thân được lợi những gì ? Làm cách nào dể duy trì tình bạn ?
2. Bạn thường nói chuyện với Chúa Giêsu vào những lúc nào? Bạn rút ra được kinh nghiệm gì qua những cuộc nói chuyện ấy ?
CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC THÁNG KÍNH ĐỨC MẸ THEO HƯỚNG DẪN CỦA ỦY BAN PHỤNG TỰ GIÁO PHẬN
Đọc sách tháng kính Đức Mẹ (nếu có sách), lần hạt Mân Côi, kinh Cầu Đức Bà, kinh Lạy Nữ Vương, kinh Hãy Nhớ, đọc 01 trong 02 kinh nguyện với Đức Mẹ sau đây.
LỜI KINH DÂNG MẸ (01)
Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng trên mọi nẻo đường chúng con đi.
Chúng con tín thác vào Mẹ, là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn, khi đứng bên chân Thánh Giá, Mẹ đã thông dự vào nỗi khổ đau của Chúa Giêsu, và luôn kiên vững đức tin.
Lạy Mẹ là Đấng bảo vệ dân thành Rôma, Mẹ biết những gì chúng con đang cần, và chúng con biết chính Mẹ sẽ giúp chúng con, như xưa tại Cana xứ Galilê, để niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau cơn thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Thiên Chúa, xin giúp chúng con vâng theo điều Chúa Cha muốn và thực thi điều Chúa Giêsu dạy, vì chính Người đã gánh lấy nỗi thống khổ của chúng con, và mang lấy những đau thương của chúng con, để qua thập giá, Người đưa chúng con đến niềm vui Phục sinh.
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng, hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ.  Amen.
 
LỜI KINH DÂNG MẸ  (02)
“Chúng con trông cậy Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời.”
Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, trong nghịch cảnh này, khi cả thế giới đang sầu khổ âu lo, chúng con chạy đến ẩn náu nơi Mẹ để được chở che.
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin đưa mắt nhân từ nhìn đến chúng con đang trong cơn đại dịch Corona. Xin Mẹ an ủi những người đang khổ đau than khóc thân nhân đã lìa trần, và những khi phải an táng một cách đau đớn hơn. Xin nâng đỡ những ai đang âu lo vì người thân nhiễm bệnh, nhưng không thể ở gần bên để tránh bị lây nhiễm. Xin ban niềm trông cậy cho những người đang khủng hoảng vì một tương lai quá bấp bênh và do hậu quả kinh tế và công việc.
Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa là Cha giàu lòng thương xót, để gánh nặng đau thương này chóng qua, để hy vọng và bình an sớm ló rạng. Như xưa ở Cana, xin Mẹ ngỏ lời với Con chí thánh của Mẹ, để Người ban thêm sức mạnh cho gia đình các bệnh nhân và nạn nhân, để Người mở lòng họ đón nhận niềm tin tưởng cậy trông.
Xin Mẹ bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và tình nguyện viên, những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này và đang liều mạng sống của chính mình để cứu mạng người khác. Xin Mẹ đồng hành nâng đỡ những nỗ lực anh hùng của họ, xin ban cho họ nghị lực, lòng quảng đại và được an mạnh.
Xin Mẹ luôn ở gần bên những người đang ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, và các linh mục, trong thao thức mục vụ và dấn thân vì Tin Mừng, đang tìm cách trợ giúp và nâng đỡ mọi người.
Lạy Rất Thánh Đồng Trinh, xin soi sáng tâm trí các nhà nghiên cứu khoa học, giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để chế ngự mầm bệnh này.
Xin Mẹ trợ giúp các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết khôn ngoan, ân cần và quảng đại hỗ trợ những ai đang thiếu thốn những gì thiết yếu cho cuộc sống, và biết hoạch định những giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa rộng và tình liên đới.
Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin đánh động lương tâm con người, biết sử dụng ngân sách khổng lồ cho việc đẩy mạnh các công trình nghiên cứu thích hợp để ngăn ngừa những thảm họa tương tự trong tương lai thay vì sử dụng để cải tiến và tăng cường các loại vũ khí.
Lạy Mẹ dấu yêu, xin cho chúng con nhận thức rằng tất cả mọi người đều thuộc về một đại gia đình duy nhất, nhận ra mối dây liên kết chúng con, để với tinh thần huynh đệ và liên đới, chúng con có thể giúp đỡ cho biết bao người còn đang sống trong túng nghèo khốn khổ. Xin Mẹ giúp chúng con luôn giữ vững đức tin, kiên trì phục vụ và liên lỉ cầu nguyện.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng an ủi kẻ âu lo, xin Mẹ ấp ủ đoàn con của Mẹ đang trong cơn gian nan khốn khó, xin Mẹ cầu cùng Chúa dang cánh tay uy quyền để giải thoát chúng con khỏi cơn đại dịch kinh hoàng này, để cuộc sống của chúng con được trở lại bình thường trong an lành.
Chúng con tin cậy nơi Mẹ, Mẹ luôn tỏa sáng như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng trên mọi nẻo đường chúng con đi, ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log