Chúa nhật, 26/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 06.2020

Cập nhật lúc 09:33 04/06/2020
KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
ĐỒNG HÀNH
Tháng 06.2020
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Hàng năm, Giáo hội dành ngày thứ sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. “Thánh Tâm” tức là trái tim thánh, trái tim cực thánh của Chúa.
Chúa Giêsu cũng đã dùng hình ảnh trái tim để biểu lộ tình yêu của mình. Ngày 27.12.1673, Chúa đã hiện ra với thánh nữ Magarita Maria Alacoque, một nữ tu thuộc Dòng Thăm Viếng ở Paray le Monial, nước Pháp và cho thánh nữ thấy Trái Tim cực Thánh Ngài tỏa sáng như ánh mặt trời, mang dấu vết của ngọn giáo và vòng gai quấn quanh đâm sâu, phía trên là một cây Thánh giá. Ngài ban cho Thánh nữ thông điệp đầu tiên: “Thánh Tâm Cha tràn đầy niềm say mến nhân loại, và đặc biệt cho riêng con, không thể chứa hết ngọn lửa khao khát tình thương mến này, nên phải được tưới ra cho mọi người, qua khả năng của con.” Một năm sau, vào một ngày thứ sáu đầu tháng, Ngài lại cho thánh nữ thấy Trái tim của Ngài, một trái tim “tỏa sáng ánh vinh quang với năm vết thương lóng lánh giống như năm mặt trời” và than phiền với thánh nữ là nhân loại không đoái hoài đến tình yêu của Ngài. Nếu họ có đáp trả tình yêu của Ngài thì cũng quá ít. Rồi trong tuần bát nhật kính Thánh Thể, năm 1675, thêm một lần nữa, Chúa Giêsu cho thánh nữ thấy Trái Tim cực Thánh, và huấn dạy bằng những lời này: “Đây là Trái Tim đã yêu thương nhân loại không bờ bến, không quản ngại một thứ gì cho đến hơi thở cuối cùng để làm chứng cho Tình yêu, nhưng bù lại, Ta chỉ nhận được từ nhiều người, một bội bạc qua sự thiếu tôn kính và lòng xúc phạm, qua sự lạnh nhạt và đôi khi cả sự khinh thường [...] Nhưng điều làm Ta cảm thấy đau nhói hơn, đó là ngay cả những người mà trái tim đã dâng hiến cho Ta, cũng làm như thế.”
Ba thế kỷ sau, ngày 22.02.1931 tại Tu viện Plock, thánh nữ Maria Faustina Kowalska thuộc Dòng các Nữ tu Đức Mẹ Nhân Lành ở Ba Lan đã có một thị kiến và được Chúa Giêsu mạc khải Tình yêu và Lòng Thương xót của Ngài. Trong nhật ký thánh nữ có ghi: “Ðêm đó, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn thẳng vào Chúa không chớp mắt trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa phán với thánh nữ: Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tín thác vào Chúa.” Ngài cũng đã ủy thác cho thánh nữ một sứ mạng đặc biết: “Hiện nay Cha sai con đem tình thương của cha đến cho toàn thế giới, Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha” (NK 1588). Một lần khác, Chúa Giêsu đã phán với thánh nữ: “Hỡi thư ký của Lòng Thương Xót vô cùng thẳm sâu của Cha, con hãy biết rằng con có một nghĩa tình cá biệt với Cha. Công việc của con là ghi chép tất cả những điều Cha đã tỏ ra về Lòng Thương Xót của Cha, ngõ hầu những ai đọc những điều này thì được an ủi trong linh hồn và có can đảm đến cùng Cha. Vì vậy Cha muốn con hãy dành tất cả thời giờ cho việc ghi chép” (NK 1693), và một lần khác nữa: “Hỡi ái nữ của Cha, con hãy cho cha các linh hồn. Con hãy biết sứ mạng của con là cho Cha các linh hồn bằng lời cầu nguyện và hy sinh. Khuyến giục họ tín thác vào Lòng Thương Xót của Cha” (NK 1690).
Thưa anh chị em,
Những hạnh tích trên cho chúng ta thấy được tình thương vô bờ bến của Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Khi còn tại thế, Ngài cũng đã từng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28 - 30). Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại với tất cả trái tim của mình, một trái tim nhân hậu, khiêm nhường, cảm thông, thương xót và tha thứ. Xưa kia, ở Cana, Ngài đã biến nước thành rượu để niềm vui của tiệc cưới được trọn vẹn. Trong ba năm thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Ngài đã nuôi dưỡng đám đông đến nghe Ngài giảng dạy bằng việc hóa bánh ra nhiều, chữa lành bao nhiêu bệnh nhân phong cùi, bất toại, khiếm thị, và không ngần ngại làm cho người chết sống lại. Hôm nay, Ngài nuôi dưỡng chúng ta bằng chính Mình và Máu của Ngài để chúng ta luôn kết hiệp với Ngài và có được sự sống đời đời ngay từ đời này. Khi chúng ta buồn phiền thất vọng, Ngài đến với chúng ta để ủi an nâng đỡ và giúp chúng ta vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Khi chúng ta lạc bước giữa những tham sân si cuộc đời, Ngài đi tìm chúng ta như người mục tử đi tìm con chiên lạc để đưa chúng ta về sống trong tình yêu của Ngài.
Tình yêu của Chúa Giêsu còn là một tình yêu khiêm nhường. Tuy là Thiên Chúa, nhưng Ngài “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Vì khiêm nhường, Ngài đã nhập thể để chia sẻ trọn vẹn kiếp người với con người. Vì khiêm nhường, Ngài đã hạ mình cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Ngài sống khiêm nhường và dạy đức khiêm nhường: “Ai tự nâng mình lên, sẽ phải hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” (Lc 14,11). Khi bà mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan, con ông Zêbêđê, xin cho hai con trai, một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả trong Nước Chúa, Ngài dạy các môn đệ bài học về sự phục vụ (Mt 20, 28). Ngày nay, Ngài vẫn tiếp tục khiêm nhường phục vụ và giúp đỡ chúng ta qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa giải để nuôi sống tâm hồn chúng ta và ban ơn tha thứ khi chúng ta lỗi phạm. Ngài cũng hướng dẫn chúng ta qua lời Kinh Thánh để chúng ta luôn thực thi ý Chúa hầu được cứu độ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).
Hàng năm, ngoài lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo hội còn dành ngày Chủ nhật sau lễ Phục Sinh để kính Lòng Thương Xót Chúa. Chủ nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa do chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập để đáp lại lòng mong ước của Chúa Giêsu: Tôn sùng Tình yêu của Ngài, Đấng giàu lòng xót thương. Vì yêu con người, Ngài đã cho đi tất cả và chỉ mong sao con người đáp trả lại bằng chính tình yêu của mình qua đời sống yêu thương và phục vụ.
Thưa anh chị em,
Mỗi Khôi Bình viên hãy ca ngợi, cảm tạ Tình yêu Chúa Giêsu và hãy đổi mới quả tim thịt của mình nên như quả tim yêu thương, nhân hậu, khiêm nhường, khoan dung và tha thứ của Ngài. Như thế, ngọn lửa tình yêu của Chúa Giêsu sẽ cháy sáng trong lòng mọi người để thế giới này tràn ngập tình yêu thương như lời của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta đã nói: “Hãy phổ biến tình yêu khắp nơi bạn sinh sống, trước hết là trong gia đình: cha mẹ hãy yêu thương con cái, vợ chồng yêu thương nhau, mọi người yêu thương người thân cận, đừng để bất cứ ai đến với bạn mà lúc ra về lại không cảm thấy mình được trở thành tốt hơn, hạnh phúc hơn. Hãy biểu lộ hình ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa trong ánh mắt, nụ cười, trong lời nói việc làm.”
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa

I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT MÌNH MÁU CHÚA
Đnl 8, 2-3. 14-16; 1Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58 Ăn uống là nhu cầu phải có của con người. Việc ăn uống còn mang lại nhiều niềm vui cho con người. Niềm vui của sự ngon miệng. Niềm vui của sự bồi bổ và được nhân lên thêm sức sống. Vì thế, ăn không chỉ đơn thuần dừng lại ở động tác nhai hay nuốt, nhưng động tác ăn chỉ đạt tới mục tiêu cuối cùng của mình là tiến trình tiêu hóa. Thức ăn được chuyển hóa, được hấp thụ để trở thành sức sống, thành máu thịt cho người tiếp nhận.  Chúa Giêsu khi trao ban Thánh Thể mình qua tấm bánh là Ngài cũng muốn trao ban sự sống thần linh cho chúng ta. Ngài cũng muốn chúng ta tiếp nhận máu thịt Ngài để trở nên một với Ngài. Hấp thụ sức sống thần linh của Chúa con người cũng được tiếp nhận sự sống phục sinh từ Đấng đã từ cõi chết để mai sau cũng được sống lại với Người. Tin Mừng nói rằng: Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hiến trở nên tấm bánh, tấm bánh được bẻ ra và trao tặng, trao tặng cả cuộc đời, cả con người cho những kẻ mình yêu thương. Tấm bánh yêu thương ấy, ngày hôm nay vẫn không ngừng được ban tặng cho nhân loại. Không chỉ để được cầm lấy mà chúc tụng, cám ơn hay chiêm ngắm ở nơi cao trên bàn thờ, nhưng còn là để đón nhận như Lời Chúa mời gọi: "Anh em cầm lấy mà ăn", để tình yêu và sức sống của Ngài dâng trào trong từng đường thớ thịt, trong suy nghĩ và việc làm, trong khối óc và con tim của chúng ta, trong mọi lối nẻo của cuộc sống đời thường. Khi Chúa nói “hãy cầm lấy mà ăn” là Ngài muốn những ai đón rước Thánh Thể Ngài thì cũng phải trở nên giống như Ngài để có thể trao ban tình yêu ấy cho tha nhân. Nên một với Ngài trong suy nghĩ và trong hành động để có thể “yêu như Thầy đã yêu.” Như vậy, Tấm Bánh Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người không  chỉ được bẻ ra và trao tặng trong Thánh lễ hay trên bàn  thờ, mà còn có thể được bẻ ra và nhân lên nhiều hơn nữa trong cuộc sống của người Kitô hữu. Người Kitô hữu một khi đã thấm nhuần sức sống của Chúa thì cũng dám sống hết mình vì người khác, dám sống gieo rắc tình yêu và lòng thương xót của Chúa nơi nhân thế. Dám sống như Ngài là gì, nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường hơn, sống gần gũi và chân tình hơn với mọi người, nhất là những người anh em nhỏ bé, bị bỏ rơi bên lề cuộc sống?  Dám sống như Ngài là gì, nếu không phải là chấp nhận bị hao mòn, chấp nhận những thiệt thòi mất mát khi sống quên mình vì Chúa, vì mọi người, nhất là trong gia đình khi chúng ta dám bào mòn chính mình để mọi người được hạnh phúc?  Dám sống như Ngài là gì, nếu không phải là làm cho đời mình cũng trở nên một Tấm Bánh, luôn là niềm vui, là sức sống cho mọi người? Lời dặn dò của Con Thiên Chúa, là sứ điệp được công bố trong bữa tiệc của Chúa, và trong mọi cử hành Thánh Thể: Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, và cũng là điều được gợi lên cho chúng ta hôm nay: hãy bẻ tấm bánh đời mình nên nguồn sống, niềm vui cho tha nhân. Như vậy, bữa tiệc Thánh thể không chỉ được cử hành trong Thánh lễ, mà còn được nối tiếp vào trong cuộc sống, khi con người biết sống với nhau, biết tôn trọng quyền được sống của người khác và biết cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương, nền văn minh sự sống như lòng Chúa hằng mong ước.  Xin Chúa thương biến đổi cuộc đời chúng ta trở nên những tấm bánh của Chúa và để mạnh dạn thưa cùng anh chị em chung quanh bằng chính Lời của Chúa: “Anh em cầm lấy mà ăn” ngõ hầu cuộc đời chúng ta cũng dám bào mòn chính mình để trở nên nguồn sống cho tha nhân. Amen
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Khi anh chị Rước Lễ, đó có phải là thịt và máu thánh Chúa không? Điều gì làm anh chị tin như vậy?
2. Anh chị vẫn thường ăn uống để sống, vậy anh chị dùng gì để được sống đời đời?
3. Người Do Thái đã đặt câu hỏi với Chúa Giêsu về thức ăn thức uống đặc biệt này. Có bao giờ ai đã hỏi anh chị về đức tin "Chúa là bánh hằng sống?" Anh chị phản ứng và trả lời ra sao?
 
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 06: Ly nước rỗng
Bạn thân mến, chúng ta đã cùng nhau học hỏi năm bài học về sống tinh thần hiện tại. Trong bài cuối này, mời bạn hướng lòng mình về Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, Đấng luôn luôn sống trong hiện tại. Thiên Chúa không ở trong quá khứ và tương lai, Ngài là Đấng Hằng Hữu.
Chuyện kể rằng, có một môn sinh tìm đến vị đạo sĩ để tìm lời khuyên dạy về cuộc đời, về lẽ sống. Thay vì lắng nghe vị đạo sĩ, người môn sinh huyên thuyên không ngớt kể về  cuộc đời mình, và về những thành quả với thái độ kiêu hãnh, khoe khoang… Trước thái độ ấy, người đạo sĩ vừa lắng nghe người môn sinh nhưng đồng thời ông vẫn đều đặn rót nước chè vào ly. Nước chè ngập tràn ra ly, chảy ra bàn, thấm xuống đất mà người đạo sĩ vẫn cứ tiếp tục rót nó xem như không có chuyện gì xảy ra.
Người môn sinh liền nói, “thưa thầy dừng tay lại, nước tràn ly rồi.” Vị đạo sĩ ôn tồn đáp. “Đúng như vậy, nước tràn ra khỏi ly rồi! Bao lâu lòng con không trút bỏ những ý nghĩ của con, những tính toán của con, những lớp vỏ của con, thì cũng như ly nước này, con không thể chứa thêm được điều gì cả. Vấn đề là con phải làm cho hồn mình trở nên trống rỗng và sẵn sàng khiêm tốn đón nhận” [1].
Câu chuyện trên cho ta thấy rằng chúng ta nhất thiết phải mở lòng ra và trở nên trống rỗng để đón nhận ân sủng Thiên Chúa vào đời mình. Vậy làm thế nào để giúp lòng mình trở nên trống rỗng để cho Thiên Chúa ngự trị và làm chủ đời ta? Một trong những phương cách để giúp ta đón nhận thánh ý Chúa trong đời sống hiện tại chính là cầu nguyện trong thinh lặng. Mỗi một ngày, chúng ta nên dành ra ít nhất 15 cho tới 30 phút ngồi xếp bàng thẳng lưng (như các tu sĩ phật giáo, hoặc kiểu ngồi như các võ sinh Aikido) để tập trung tinh thần và kết hợp với hơi thở. Chúng ta hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Động tác nhẹ nhàng, khoan thai, thoải mái. Khi hít vào, chúng ta tin là chúng ta hít Thần Khí vào. Để ý và nghĩ như là một nguồn sáng chiếu thẳng từ trời vào chóp đầu, và vào trong cơ thể ta. Khi thở ra, chúng ta thở ra với ý thức: thở ra tình yêu, vị tha, quảng đại. Hoặc ta cũng có thể ý thức việc hít thở như là việc đón nhận Thiên Chúa vào lòng ta và để Ngài “làm sạch” tâm hồn ta, và như thế, càng đón nhận Thiên Chúa, thì tâm hồn ta càng được gội rửa những ưu phiền, lo lắng (thuộc quá khứ), sợ hãi, nghi ngờ (cho tương lai). Sự hiện diện của Thiên Chúa sẽ đẩy những ý nghĩa tiêu cực, thấp hèn ra khỏi lòng ta. Cũng như câu chuyện trên, càng làm cho “ly nước” của ta trống rỗng, thì chúng ta càng nhận thêm được nhiều ân huệ, nếu không trống rỗng đủ, thì ta không thể đón nhận những ân huệ tươi mát hằng ngày mà Chúa ban cho ta.
Nhiều người trong chúng ta đã áp dụng phương pháp hít thở tương tự như vậy và cũng đã nghe nhiều về hiệu quả của chúng, nhưng cũng không ít người bỏ cuộc vì nó quá khó để tập trung, hay không kiên nhẫn đủ để thực hành. Vậy đôi khi những chia trí lo ra, những cám dỗ bỏ cuộc, những mỏi mệt lười biếng đến thì chúng ta sẽ làm gì? Đơn giản là chúng ta chỉ sống – trong - hiện - tại. Nếu bị “lo ra” thì ta “lo vào” lại, nếu bị “chia trí,” thì chúng ta “gom trí” lại. Nếu bị những tư tưởng chạy lung tung trong đầu, thì nhớ - để ý nhìn quay trở lại với hiện tại. Khi một tư tưởng “lạ” xuất hiện trong đầu ta, chúng ta đừng “chiến đấu” với nó, nhưng hãy bình tĩnh nó và coi xem thử nó thuộc vào loại tư tưởng nào? Nó thuộc về quá khứ hay tương lai? Chắc chắn nó phải thuộc vào một trong hai loại ấy. Vậy nếu nó thuộc vào quá khứ hay tương lai thì nó là mộng tưởng, là không thực, là gian dối, là đánh lừa và dụ ta ra khỏi hiện tại. Như vậy thì ta quay về lại với hiện tại, nơi có Thiên Chúa hiện hữu, nơi mà ta đang hít vào Thần Khí và thở ra tình yêu.
Trong đời sống luân lý, đức tin của chúng ta cũng có phần nào tương tự như thế. Những tội lỗi, những bất toàn của quá khứ thường ngăn cản chúng ta trở về với Thiên Chúa. Cũng vậy, những toan tính ý riêng, lo lắng cho tương của ta thường xô đẩy hoặc dẫn chúng ta đi “hướng khác” hoặc  “đi trước” Thiên Chúa. Những ai vẫn cứ bám chặt vào quá khứ, và cứ âu lo toan tính cho tương lai thì họ không cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa mỗi ngày. Nơi không cảm được sự hiện diện của Thiên Chúa tức là nơi chỉ có đêm đen, lo sợ, ưu phiền, hoang mang, ray rứt, mộng tưởng,… Thiên Chúa không lệ thuộc vào quá khứ cũng như tương lai, Ngài chỉ sống hiện tại. Chúng ta đã chẳng tuyên xưng Ngài là Đấng Hằng Hữu đó sao?!
Không lạ gì khi chúng ta cầu nguyện kết hợp với hơi thở, chúng ta như bị xô kéo bởi hai thế lực: quá khứ và tương lai. Đó là trận chiến nhằm vào mục đích: tìm mọi cách xô đẩy chúng ta ra khỏi ý - thức -về - sự - hiện - diện của Thiên Chúa. Thực vậy, thế lực mà ngày đêm muốn xô đẩy chúng ta ra khỏi ý - thức - về - sự - hiện - diện của Thiên Chúa, nếu không phải là danh - lợi - thú, cũng như ma quỉ - thế gian - xác thịt thì còn ai vào đây nữa, phải không bạn?
Thưa bạn,  thật tuyệt vời và hữu ích cho chúng ta khi thánh I-Nha-Xi-Ô, tổ phụ dòng Tên đã khuyên mọi người xét mình hằng ngày. Trong năm bước xét mình ấy, thì bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là xét mình về ý - thức - sự - hiện - diện của Thiên Chúa trong ngày. Như thế, khi ta ý thức về sự hiện diện của Chúa trong ngày sống, tức là ta có sống với Thiên Chúa. Mà khi sống với Thiên Chúa, tức là ta sống hiện tại.
Chúc bạn sống hôm nay, giây phút này thật sung mãn và tròn đầy với Thiên Chúa tình yêu.
Br. Huynhquảng 

[1] Lược dịch từ Soul, ed. Elisa Davy Pearmain, (Oregon: Resource Publications, 1998), 39.
 
III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
PHẦN II: NGƯỜI TRẺ CHUẨN BỊ HÀNH TRANG
Trong phần I, bạn đã đọc qua nhũng tư tưởng chỉ đạo, giúp bạn nhìn cuộc đời với con mắt lạc quan, với quyết tâm cầu tiến.
Trong phần II này, bạn sẽ nhận ra mình phải sắm sửa những hành trang gì để vào đời.
Bài 01: MỘT THÂN THỂ TRÁNG KIỆT
Bài 02: MỘT TRÍ KHÔN MINH MẪN
Bài 03: MỘT Ý CHÍ VỮNG VÀNG
Bài 04: MỘT LINH HỒN TRONG TRẮNG
Bài 05: GIÁO DỤC NHÂN BẢN
Bài 06: SUY TƯ VỀ TlỀN CỦA
Bài 01: MỘT THÂN THỂ TRÁNG KIỆT
Lời Chúa:
“Người đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17).
Chia sẻ:
Trừ một vài trường hợp đặc biệt, còn phần đông chúng ta chỉ có thế vui sống, khi có một sức khỏe ít là tương đối, đúng như câu ngạn ngữ của Roma: “Tinh thần lành mạnh trong thân thể khỏe mạnh.”
1. Sức khỏe rất cần thiết
Đức Gioan XXIII khi lên ngôi Giáo hoàng đã 79 tuổi, thế mà vẫn khỏe mạnh, vui tươi. Dù chỉ làm Giáo hoàng không đầy 05 năm (1958-1963), người đã khai mở Công đồng Vaticanô II đem lại sức sống cho Giáo hội trong thời đại chúng ta.
Đọc Tin Mừng, không thấy chỗ nào nói Chúa Giêsu đau ốm, mà chỉ thấy Chúa trả sức khỏe lại cho những người bệnh tật. Chúa còn ban cho cácTông đồ quyền chữa trị các bệnh hoạn tật quyền. Từ đấy, ta có thê kết luận: Sức khỏe là một hồng ân, là một quà tặng Thiên Chứa ban cho con người, để họ sống, làm việc, và tiến tới thành công, đúng theo ý định yêu thương của Chúa.
+ Sức khỏe cần để sống vui tươi
Sự sống phát xuất từ Thiên Chúa và Thiên Chúa chính là sự sống (Xh 3; Ga 11, 25). Như vậy, sống là niềm vui, và ai cũng mong ước sống vui tươi. Phần đông những người lạc quan vui vẻ đều sống mạnh khỏe, ít ốm đau. Trái lại những người nay đau mai ốm, hết nhức đầu lại đau bụng, khó có thể sống vui tươi thoải mái.
+ Sức khỏe cần để làm việc và thành công
Dù lao động trí óc hay chân tay, bạn đều cần sức khỏe. Mà có làm việc mới có thành công. Vậy bạn cần khỏe mạnh để làm việc và thành công. Cả trong vấn đề tình yêu, sức khỏe giúp con người tìm được lạc thú dễ dàng hơn.
2. Bệnh tật
+ Nguyên nhân gây bệnh tật
Đã làm người, chẳng nhiều thì ít, ai ai cũng đụng chạm với bệnh tật. Do đấy, bạn đừng ngạc nhiên, khi thân thể bạn gặp những trục trặc do bệnh tật gây nên, chỉ vì bạn là một thọ sinh hữu hạn. Qua bệnh tật, con người cảm nghiệm được sự bất toàn bất lực của mình. Bệnh tật cũng lây lan do vi trùng vi khuẩn và ô nhiễm môi trường.
+ Làm sao chống lại bệnh tật ?
Bạn phải biết đề phòng để ít mắc bệnh, và biết chữa chạy khi chẳng may có bệnh. Trong cơ thể chúng ta, có những kháng thể để chống lại vi trùng xâm nhập. Khi thiếu những kháng thế này, khoa học tạo ra kháng thể bằng các thuốc ngừa, như ngừa lao, ngừa bại liệt. Bạn nên theo những chỉ dẫn của y tế. Ngoài ra, nếu bạn giữ vệ sinh sạch sẽ, bạn có thể tránh được nhiều thứ bệnh. Nếu chẳng may mắc bệnh, bạn đã có y khoa giúp đỡ. Bạn nên biết qua về thuốc, và nhất là theo sự hướng dẫn của y bác sĩ.
Một vấn đề nữa cần chú ý, đó là chăm sóc bệnh nhân. Ngoài việc chạy chữa bệnh nhân theo y khoa, bạn cần nhớ Giáo huấn của Giáo hội, có thể tóm trong hai điểm: Thứ nhất, là hết tình phục vụ bệnh nhân theo tinh thần của Chúa Kitô, đặc biệt khi bệnh nhân là cha mẹ hay người thân yêu. Thứ hai là liệu cho bệnh nhân, có thể gặp linh mục và lãnh nhận các bí tích như: Hòa giải, Thánh Thể, Xức dầu.
3. Giữ gìn sức khỏe
Sức khỏe là vàng, sức khỏe là hồng ân. Cần phải giữ gìn, phát huy và tăng cường.
Có một nguyên tắc quan trọng: Tâm lý ảnh hưởng đến sinh lý, và sinh lý ảnh hưởng đến tâm lý. Vậy bạn cần có thái độ tinh thần cho thích hợp.
Điều phải tránh: Tránh lo sợ, tránh ưu phiền, phải tránh bất cứ cái gì thái quá.
Điều phải có: Bạn hãy dùng tự kỷ ám thị để tăng cường sức khỏe. Nhiều lần, nhất là buổi tối, bạn lặp đi lặp lại: tôi khỏe mạnh, tôi cảm thấy dễ chịu, cả khi bạn đang đau ốm, bạn vẫn tự bảo mình: bệnh này không đáng ngại, vì tôi vẫn thấy vui tươi.
Vệ sinh môi trường: Gần một nhà máy luôn nhả khói, cạnh một kênh mương hôi hám, bên những đống rác, bạn thấy khó chịu và dễ hiểu ảnh hưởng của môi trường, cần có một chính sách thỏa đáng về môi trường. Nhưng bạn cũng phải góp phần xây dựng môi trường tốt đẹp hơn. Đừng xả rác nơi công cộng, đừng đổ rác bừa bãi, đừng làm tắc nghẽn cống thoát nước, đừng gây tiếng ồn không cần thiết, và còn nhiều cái đừng nữa. Bạn nhớ lời ông Tôbia dặn con ông: “Điều con không thích kẻ khác làm cho mình, thì cũng đừng bao giờ làm cho người ta” (Tb 4, 15). Hãy bảo vệ cây xanh, giữ gìn vẻ đẹp nơi mình sống, hãy tôn trọng nguồn nước, nhà ở, nơi làm việc v.v.
Vệ sinh cơ thể: Bạn đã học đã biết cả rồi, chỉ cần bạn thực hành: tắm giặt, rửa mặt, rửa tay, giữ gìn răng miệng...
Vệ sinh về ăn uống: Ăn đủ, ăn ngon, ăn tốt.
Ăn đủ: Trước hết là đủ calori. Ăn đủ còn có nghĩa: ăn uống điều độ, đừng bừa bãi, đừng thái quá.
Ăn ngon: Việc nấu nướng vừa vệ sinh, vừa ngon miệng.
Ăn tốt: Phải nhai kỹ.
Bạn vừa thấy: ăn uống gắn liền với cuộc sống con người. Có thế nói: Hầu hết sinh hoạt của con người cũng vì miếng ăn.
Lao động và sức khỏe: Sự lười biếng nhàn hạ không những gây tác hại cho tư cách con người, mà còn tác hại đến sức khỏe nữa. Những việc làm tay chân, nếu không thái quá, rất cần để cho cơ bắp phát triển. Dù bạn là ai, hãy tập có thói quen lao dộng. Lao động tay chân giúp cho tinh thần sáng khoái, thân thể vận động, nhờ đó sức khỏe được bảo đảm hơn.
Thể dục, thể thao: Hãy tập thể dục hàng ngày, đặc biệt là tập thở. Tập biết chơi một môn thể thao, như bóng đá, bóng chuyền, bóng nàn, cầu lông... Sự say mê thể thao vừa có ích cho sức khỏe, vừa làm thư giãn tinh thần.
4. Một chút tâm tình
Bạn có trong mình một năng lực hầu như vô tận, để bạn sống và làm việc: đó là sức khỏe. Hãy cảm ơn Chúa, và hãy khai thác kho tàng ấy. Đừng chôn vùi nó, đừng hủy hoại nó. Lười biếng sẽ thành nhu nhược; trác táng sẽ thành bất lực. Bạn cần sống khỏe.
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
1. Sức khỏe hiện nay của bạn như thế nào? Bạn có nghĩ cách để duy trì sức khỏe không?
2. Mỗi khi gặp người già yếu, hoặc các bệnh nhân... điều gì làm bạn xúc động nhất?
3.  Đến chốn ăn chơi, thấy đời màu hồng. Vào trong bệnh viện, đời hiện xám đen. Bạn nghĩ thế nào ?
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log