Thứ năm, 21/11/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 08.2020

Cập nhật lúc 09:43 07/08/2020
KHÔI BÌNH HƯNG HÓA
ĐỒNG HÀNH
Tháng 08.2020
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tái phát với nhiều diễn biến rất phức tạp và nguy hiểm khó lường. Chúng ta liên tiếp đón nhận nhiều thông tin và những cảnh báo ngày càng khẩn cấp hơn. Nếu dịch bệnh chưa được khống chế, rất có thể trong thời gian tới chúng ta sẽ phải tạm dừng việc cử hành Thánh lễ. Trong hoàn cảnh này, tôi xin chia sẻ với anh chị em đôi điều để chúng ta cùng sống niềm tin thời đại dịch khi không có Thánh lễ.
Trước hết, chúng ta cần phải xác tín rằng: Thánh lễ là hồng ân vô giá, quý báu nhất. Thánh lễ với hồng ân Thánh Thể mà Chúa Giêsu truyền cho Hội Thánh cử hành để nhớ đến Ngài, là quà tặng quí báu nhất Chúa Kitô Phục Sinh để lại cho chúng ta. Thánh lễ là điểm hẹn của Thiên Chúa Ba Ngôi với Dân Chúa: Người tín hữu của Chúa Kitô được qui tụ lại như Cộng đồng Dân Chúa: "Vì ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ" (Mt 18,18). Thánh lễ là nơi để thờ phượng, tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa và được Ngài thánh hóa nhờ Thánh Kinh, Thánh Thể trong Thánh Thần, giữa lòng Hội Thánh. Trong Thánh lễ, chúng ta được sai đi, thánh hiến các thực tại trần gian, bằng việc loan báo Tin Mừng, yêu thương người nghèo bằng việc bẻ bánh đời mình, rửa chân cho anh chị em …
Thứ đến, Thánh lễ nhắc nhở mỗi người chúng ta: Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh, và Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế… Ngài tiếp tục đồng hành với con người khắp nơi khi Thánh Kinh được rao giảng và Tấm Bánh được Bẻ ra. Chúa có mặt giữa chúng ta khi chúng ta họp lại nhân danh Ngài, để thờ phượng Thiên Chúa "trong Thần Khí và sư thật" (Ga 4, 23).  Đức Kitô hiện diện giữa cộng đoàn khi Tin Mừng được công bố. Và người Kitô hữu phải tiếp tục Thánh lễ ở ngoài nhà thờ bằng việc làm chứng, loan báo Tin Mừng và thực thi bác ái.
Thứ ba, Thánh lễ là số MỘT nhưng không chỉ là MỘT. Chúng ta đừng quyên rằng: Người tín hữu của Chúa Kitô nhờ được thánh tẩy biết rằng mình là con Thiên Chúa, mang Chúa Kitô trong mình, như thánh Phaolô nói: "Tôi sống, nhưng không phải là tôi, nhưng là Chúa Kitô sống trong tôi", và sống nhờ Chúa Thánh Thần. Được thánh tẩy, thêm sức trong Thánh Thần, người Kitô hữu được tham dự vào chức năng ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Kitô (1Pr 2, 4-9). Gia đình cũng là Giáo hội tại gia, là nhà cầu nguyện là nơi loan báo Tin Mừng và bí tích của tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (Ep 5).
Sau cùng, hãy tận dụng hoàn cảnh khó khăn này để cùng nhau khơi lại  và sống hết mình các khả năng thiêng liêng bằng cách: Dành thời gian, biết vào phòng thinh lặng "đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của anh em" (Mt 6, 6). Cùng nhau tổ chức giờ kinh gia đình để thờ phượng Chúa trong Thần Khí, với Thánh Kinh, thánh ca và chuyển cầu cho mọi người (Cl 3,16-19). Tận dụng thời gian để củng cố giáo lý cho nhau và con cái. Chấp nhận những khó khăn, thách đố, hy sinh để "vác thánh giá bước theo Chúa.” Cầu nguyện và hỗ trợ cho người nghèo khổ, bệnh tật hay hấp hối do đại dịch.
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Giuse và Chân phước Khôi Bình, nguyện xin Thiên Chúa là Cha nhân từ, nâng đỡ lòng tin cậy mến của anh chị em và cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
1V 19, 9. 11-13; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-23
Nếu hiểu theo nghĩa đen thì câu chuyện Tin Mừng hôm nay ít liên quan hay chẳng liên quan gì đến chúng ta. Nhưng dường như ở câu chuyện này, thánh Mátthêu muốn nói đến ý nghĩa tượng trưng. Con thuyền biểu trưng cho Giáo hội, sóng gió biểu trưng cho những bách hại ập xuống trên các Kitô hữu. Đức Giêsu không ở với họ cách thể lý, Người ở trên trời, cầu nguyện cùng Chúa Cha. Tuy nhiên, ngay khi cần thiết, Người cho họ cảm thấy sự hiện diện của Người ở giữa họ, làm cho họ thôi sợ hãi và được bình an. Hiểu như thế, câu chuyện trên quả là có liên quan nhiều đến mỗi người trong chúng ta.
Một số người nghĩ rằng, nếu bạn có đủ đức tin thì cuộc sống bạn sẽ êm trôi suông sẻ. Nhưng không phải vậy, đức tin không che chắn cho chúng ta khỏi những va chạm đau thương của cuộc đời. Chúng ta thấy điều này qua trường hợp của vị đại ngôn sứ Êlia trong bài đọc thứ nhất. Hẳn nhiên, ngôn sứ Êlia là người kiên vững đức tin. Vì ông chống đối việc sùng bái ngẫu tượng nên hoàng hậu I-gia-ven muốn giết ông. Do đó, ông phải trốn vào sa mạc và trú ẩn trong một cái hang. Bị bầm dập và tan nát, ông chỉ muốn chết quách đi cho rồi. Tuy nhiên, chính trong cái hang đó, ông đã cảm nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa và cảm nghiệm này làm ông mạnh sức để có thể tiếp tục dấn bước.
Chúng ta cũng thấy điều này nơi cuộc sống của các Kitô hữu thời Giáo hội sơ khai. Họ cũng là những người vững tin. Tuy nhiên, khi gặp cơn bách hại, họ nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ và đức tin của họ bắt đầu lung lay. Thế nhưng, họ khám phá ra rằng dù Chúa không ở với họ cách thể lý, nhưng Người vẫn ở với họ và tiếp tục trợ giúp họ. Vì vậy, đức tin của họ được hồi sinh và họ có thể đương đầu với những thử thách và gian nguy.
Thánh Phêrô là một ví dụ hết sức điển hình. Câu chuyện thánh Phêrô bị chìm và được Chúa Giêsu cứu là một câu chuyện lạ. Nhưng nó vẫn nói lên điều gì đó thực sự đã xảy ra với thánh Phêrô. Nó ám chỉ sự thất bại của ngài trong cuộc thương khó và sự hồi phục của ngài sau sự kiện phục sinh. Ban đầu, ngài đầy đức tin khi bước đi trên mặt nước. Chúng ta nhớ những lời nói can đảm của ngài trong bữa tiệc ly: "Lạy Thầy, nếu cần, con sẵn sàng chết với Thầy." Nhưng rồi vì nghi ngờ và hèn nhát, ngài bắt đầu chìm nên Chúa Giêsu đã phải cứu ngài. Thánh Phêrô tượng trưng cho mẫu môn đệ tiêu biểu ngày nay, bị giằng co giữa tin tưởng và ngờ vực.
Thật an ủi cho chúng ta khi thấy rằng đôi khi các tông đồ và các Kitô hữu thời sơ khai cũng đã yếu đuối và sợ hãi. Nói cách khác, họ cũng giống như chúng ta hôm nay. Khởi đầu cuộc mạo hiểm, chúng ta có thể cảm thấy đức tin của mình hết sức kiên vững. Tuy nhiên, trên con đường dài, khi gặp khó khăn, chúng ta mới khám phá ra rằng đức tin của mình quả là yếu đuối. Khi đó, chúng ta phải hướng về Chúa để xin trợ giúp.  Chính những lúc chúng ta yếu đuối lại là lúc chúng ta cảm nhận được sức mạnh của Thiên Chúa. Nếu chưa tự mình nếm trải, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được quyền năng cứu chữa của Thiên Chúa. Đức tin không cứu chúng ta khỏi thử thách và khó khăn, nhưng đức tin ban cho chúng ta sức mạnh để đương đầu với chúng. Người có đức tin thì có được nguồn sức mạnh và hứng khởi, đặc biệt là khi gặp khó khăn trắc trở. Không phải chúng ta giữ đức tin nhưng chính đức tin giữ gìn chúng ta. Ông Gandhi đã nói: "Người đặt niềm tin vào Thiên Chúa không bao giờ thất vọng." Nói cách khác, người không có đức tin thì không có nơi nương tựa khi gặp trắc trở. Họ hoàn toàn lẻ loi, chẳng được an ủi cũng chẳng thấy niềm hứng khởi gì. Câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta nhận biết sức mạnh của niềm tin, và giúp chúng ta thấy điều mà Chúa Giêsu luôn thực hiện cho dân của Người, khi họ đi ngược gió và khi họ rơi vào nguy hiểm vì bị phủ lấp bởi bão táp cuộc đời.
Với những ai có đức tin, Chúa Giêsu không phải là bóng ma của quá khứ. Người là Con Thiên Chúa, Người đang hiện diện với chúng ta và ân sủng của Người hỗ trợ chúng ta khi chúng ta phải đương đầu với những gì vượt quá sức mình. Điều quan trọng là chúng ta có ý thức rằng: Ngài hiện diện bên cạnh chúng ta hay không? Và chúng ta có cần Ngài hay không?
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Đức tin của anh chị lớn tới độ nào? Anh chị có kinh nghiệm gì trong cuộc sống để tuyên xưng rằng "Ngài là con Thiên Chúa"?
2. Đời anh chị đã gặp những sóng gió nào? Có làm anh chị sao lãng việc trung thành với Chúa không? Hiện giờ anh chị đang sợ những sóng gió nào?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 07: Hoa dại
Cuộc đời như thoáng mây trôi.
Hôm qua tưởng đó, hôm nay mất rồi!
Bạn thân mến, câu thơ ngắn ngủi ấy cũng nói lên kiếp người thật vắn vỏi của chúng ta. Cậu bé 10 tuổi sẽ không hề có kinh nghiệm gì khi người lớn nói về những sự kiện xảy ra 5 năm trước. Khi cậu ta 20 tuổi, cậu ta vẫn chưa có kinh nghiệm gì nhiều khi nghe cha mẹ nói, “cách đây 10 năm…” Nhưng khi con người sống 40 năm cuộc đời, con người bắt đầu hiểu và kinh nghiệm những câu chuyện của 20 năm trước. Và cứ như thế, con người có cơ hội nhìn cuộc đời rõ hơn, thấu hơn, và thật hơn khi con người lớn khôn hơn. Nhưng liệu rằng, khi hiểu thấu và rõ hơn về cuộc đời, con người có hiểu thấu và rõ hơn về chính mình?
Trong mục “thăng tiến đời sống nhân bản”, xin tiếp tục gửi đến bạn loạt bài mới với chủ đề: Sống tích cực trong nghịch cảnh với hy vọng chúng ta cùng suy tư và nâng đỡ nhau để để lắng nghe những khát vọng trong con người mình, để hiểu biết chính mình, và để nhận ra những cơ hội tốt đẹp đang tiềm ẩn trong những nghịch cảnh trái ngang của cuộc đời.
Trong một giờ thực hành môn sinh vật, vị giáo sư khôn ngoan đáng kính yêu cầu các họ trò của ông tìm trong sân trường, hoặc  ở những con đường hẻo lánh vắng người qua lại những bông hoa dại mà không có ai để ý. Ông yêu cầu mỗi học sinh hãy tìm một bông hoa và dành thời gian thật lâu để ngắm nhìn và nghiên cứu nó. “Các con hãy mang theo kính lúp và nhìn cho rõ gân của lá, sắc thái của hoa, và ngửi mùi hương của chúng. Các con hãy nhớ rằng, những cánh hoa dại này có thể sẽ tàn đi hôm nay và mãi mãi không một ai để ý và ngưỡng mộ chúng.” Sau giờ thực hành, thầy giáo giảng dạy các học trò rằng. “Mỗi người mỗi chúng ta cũng như những cánh hoa kia. Mỗi con người đều sở hữu những khả năng diệu kỳ độc nhất vô nhị. Nhưng để nhận ra điều đó, chúng ta cần dành thời gian với họ, lắng nghe họ, và tìm hiểu họ. Đã rất nhiều người trong cuộc đời đã ra đi mà ta không hề hay biết những khả năng độc đáo của họ, là vì ta thiếu khả năng nhận ra tính ưu việt nơi con người ấy. Các con hãy biết trân trọng từng người mà các con gặp gỡ hằng ngày.”
Có thể nói rằng, một lúc nào đó bạn và tôi dừng chân lại trong dòng đời xuôi ngược để nhìn hành trình đời mình, và chợt nhận ra rằng: mong manh quá, chóng qua quá, bất toàn quá, và cũng mệt mỏi quá. Đâu là niềm vui, đâu là nụ cười giữa một xã hội bận rộn với sự kiếm tìm, tích trữ, bôn ba? Biết là mong manh, mệt mỏi nhưng dòng đời cứ trôi, con người vẫn phải cứ ngụp lặn trong bận rộn lo âu mà không đủ hơi để nghỉ, để thưởng ngoạn, để làm chủ đời mình. Và thực là như thế! Ta không thể lẩn trốn khỏi thế giới này để vào rừng sâu tìm nơi ẩn thân trốn đời; ta cũng không thể gạt bỏ trách nhiệm làm người bằng cách bưng tai bịt mắt trước những bận rộn mưu sinh của anh em ta đang nhọc công cố gắng xây dựng xã hội, xây dựng cộng đoàn, và xây dựng gia đình. Không thể chạy trốn và cũng không được trốn chạy, nhưng là làm chủ.
Ta không làm chủ thời gian, nhưng ta được quyền quản lý thời gian. Ta không làm chủ xã hội con người, nhưng ta được quyền làm chủ chính ta. Ta không làm chủ lấy vận mệnh sự sống của ta, nhưng ta có trách nhiệm chăm sóc cuộc sống của ta.  Nói tóm lại, nếu ta không thể sở hữu được tất cả những gì ta thích và mơ ước, thì ta vẫn có thể lấy làm vui thích những gì ta đang sở hữu. Không học biết yêu thích những gì ta đang có, thì khi điều mà ta mơ ước trở thành hiện thực, nó cũng sẽ dễ dàng trôi vào quên lãng thôi - vì sự vật đến rồi đi, mới rồi cũ.
Như thế, sống tích cực trong nghịch cảnh trước hết là sống tâm tình biết ơn. Biết ơn khi đôi mắt ta vừa mở ra bừng tỉnh cho một ngày mới; biết ơn vì hôm nay đôi mắt ta vẫn còn thấy, đôi tai vẫn còn nghe, đôi chân vẫn còn khập khiểng đi lại; biết ơn khi cánh hoa vẫn nở và tiếng chim vẫn hót; biết ơn khi ta vẫn còn sống chung dưới mái nhà của người thân, vẫn còn những người bạn để trò chuyện,…
Vâng, nếu mọi ngày ta vẫn than vãn về những trái ngang nghịch cảnh trong đời ta, nếu mọi ngày ta vẫn hối tiếc muốn giữ lại thật lâu những hào quang của một thời oanh liệt, nếu mọi ngày ta vẫn khao khát được lấp đầy những khát vọng sâu thẳm trong trái tim ta, thì hôm nay bạn hãy làm một việc khác cho hôm nay thôi – không cần nghĩ đến hôm qua và ngay mai. Tức là bạn đếm những ân huệ ngay trong hôm nay, trong gia đình, trong bạn hữu, trong môi trường, trong cảnh vật xung quanh. Làm đi, bạn sẽ thấy khác rất nhiều!.
Br. Huynhquảng
III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
Bài 02: MỘT TRÍ KHÔN MINH MẪN
Lời Chúa:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha vì Cha đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn” (Mt 11, 25).
Chia sẻ:
Thời đại chúng ta là thời đại khoa học kỹ thuật. Kiến thức đó đây là cần. Xin gợi với bạn ít nhiều nhận định của các nhà tâm lý và giáo dục về vấn đề trau dồi kiến thức.
1. Thế nào là học tốt ?
Trước hết là những nhận xét về việc học, rồi từ đó rút ra câu trả lời.
1.1. Những nhận xét
Một số học sinh ham chơi hơn thích học. Ngồi trong lớp mà không biết thầy cô giảng gì. Về nhà không học bài, không làm bài. Kiểu này gọi là học lười.
Một số đông khác chỉ lo học thuộc lòng. Thuộc rất nhiều, có khi thuộc lòng cả những bài luận văn. Những bài thuộc lòng, điểm bao giờ cũng cao, cha mẹ rất hài lòng. Nhưng quên một câu là lúng túng, vì khi không hiểu rõ bài học. Ta gọi đó là học nhồi sọ, học từ chương.
Một số em khác chơi ra chơi, học ra học. Ngoài sân, em chạy nhảy cười đùa. Trong lớp, em chăm chú lắng nghe lời giảng, không phân tâm, không chia trí. Em tìm hiểu bài trước khi học thuộc lòng. Đây ta gọi đó là học thông minh.
1.2. Câu trả lời
Qua những nhận xét trên, ta thấy rằng: chỉ loại người thứ ba, loại học thông minh, loại thực sự học tốt; học nhiều cũng chưa hẳn là tốt; biết học mới là tốt.
Kiến thức đối với trí khôn, cũng giống như thực phẩm đối với thân thể. Đồ ăn cần phải tiêu hóa tốt mới giúp cho thân thể khỏe mạnh. Những điều ta học cũng cần phải đồng hóa, mới giúp ích cho trí óc.
Muốn như thế, cần những điều kiện gì?
2. Những điều kiện để trau dồi kiến thức
Điều kiện thứ nhất là suy nghĩ. Bạn cần hiểu điều mình học. Người ta thường nói đến phương pháp khoa học gồm ba bước: Biết quan sát. Biết ngạc nhiên trước những sự kiện xảy ra, ví dụ trái táo rơi, nước sôi. Biết sáng tạo. Sau khi quan sát sự kiện, nhà khoa học nghĩ ra những giả thuyết để cố cắt nghĩa hiện tượng. Biết kiếm chứng. Nhà khoa học thí nghiệm nhiều lần các giả thuyết, để chọn lấy cái nào đúng nhất. Phương pháp khoa học trên đây đòi hỏi nhiều suy nghĩ. Bạn hãy tập suy nghĩ và hiểu rõ điều bạn học.
Điều kiện thứ hai là tập trung tư tưởng, tập trung chú ý. Làm việc gì mà để hết tâm trí vào việc đó thì dễ thành công. Bạn đã xem bộ phim Tây Du Ký, bạn đã biết cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa, bạn đã nghe truyện Phạm Ngũ Lão, truyện các thánh... Khi học hành, bạn đừng để trí khôn tản mát, đủ truyện, hãy tập trung chú ý vào bài đang học. Sự chú ý có thể đến từ bên ngoài ví dụ từ một thầy giáo có biệt tài. Điều này rất quý, nhưng sẽ rất hiếm. Sự chú ý có thể từ bên trong, nghĩa là từ việc bạn biết tập trung chú ý vào bài đang học.
Điều kiện thứ ba là tạo bầu khí học tập. Những điểm sau đây có thể giúp bạn rất nhiều: Sự yên tĩnh bên ngoài giúp bạn dễ tập trung tư tưởng. Khi có quá nhiền tiếng ồn ào, bạn sẽ dành một số giờ ban đêm để học, bạn cũng có thể đến học tại thư viện, hoặc một nơi tương đối ít ồn ào. Vệ sinh giúp bạn học tốt. Tập thở, tập thư giãn, đôi khi ngồi học ngoài trời. Đừng học sau khi vừa ăn xong. Hãy yêu điều bạn học, tất sẽ dễ thuộc, dễ thành công.
Điều kiện thứ bốn là học tập có phương pháp. Mỗi môn học có phương pháp riêng. Nhưng nói chung, bạn nên có cây bút trên tay, ghi lại những điều bạn suy nghĩ, tự làm những bảng tóm lược. Viết là học hai lần, bạn ạ. Lúc ấy, bạn dễ phân biệt điều chính, điều phụ, dễ nắm bắt điều cốt yếu; nên sau, dù có quên bài, ít ra bạn còn giữ được điều chính yếu.
3. Một vài phương pháp trau dồi kiến thức
Không như xưa kia, chỉ một số người được đi học. Ngày nay ai cũng có thể đến trường. Ngoài ra, thời đại chúng ta còn cung cấp rất nhiều phương tiện trau dồi kiến thức.
Trước hết là NGHE: Bạn nghe giáo viên giảng bài, bạn đi nhiều cuộc hội thảo hay xem qua các phương tiện truyền thông đại chúng nói với bạn nhiều điều. Có những điều nghe qua rồi bỏ, nhưng cũng có những điều cần thiết và bổ ích. Bạn hãy lắng nghe.
Phương tiện thứ hai là XEM. Xem gây ấn tượng hơn nghe. Hằng ngày, bạn xem TV, video, clip trên internet. Bao hình ảnh đi qua mắt để vào tâm hồn bạn. Hãy biết chọn lựa, nếu không bạn sẽ hối hận thì đã muộn. Cũng là xem, nhưng đây là một hình thức khác: ĐỌC. Đọc sách, đọc báo, đọc truyện. Đọc điều hay điều tốt, bạn dễ nên tốt. Đọc nhảm nhí, bạn mất tiền mất giờ. Đọc bậy bạ, bạn cũng trở nên bậy bạ. Bạn cần cảnh giác về những gì minh đọc.
Phối hợp vừa xem vừa nghe, là những cuộc du lịch, du khảo, tham quan. Đây là hình thức học tập rất tốt, vừa cụ thể, vừa sống động, lại vui tươi thoải mái.
Học đi đôi với hành. Tự làm bài tập, tự làm bản tóm tắt, lúc đầu còn lung tung, sau quen dần sẽ tiến bộ khả quan.
Bạn có thích dạy học không? Dạy học là học nhiều lần, vì khi dạy cho người khác, đòi bạn phải tìm hiểu bài chu đáo.
Điều cuối cùng muốn nói với bạn là: học thuộc lòng. Hãy nhớ câu sau đây: Hiểu trước, học sau, thuộc mau, nhớ kỹ.
Một chút tâm tình:
Bạn ơi, bạn thấy có nhiều người rất giỏi, đi đâu cũng được người ta kính phục. Bạn muốn được như thế không? Đó là một ước vọng chính đáng. Nhưng xin bạn nhớ hai câu này:
Có công mài sắt có ngày nên kim.
Thành Rôma không phải một ngày mà xây dựng được.
Tâm niệm:
Khởi đầu của khôn ngoan là ước ao học hỏi (Kn 6, 17).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
1. Trong các môn học, bạn thích môn nào nhất ? Cho biết lý do.
2. Bạn thử nói: Thế nào là một học sinh tốt.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log