Chúa nhật, 26/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 09.2020

Cập nhật lúc 08:59 11/09/2020
Khôi Bình Hưng Hóa
Đồng Hành Tháng 09.2020
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng


Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,

Tòa Thánh rất mong muốn các Hội Giáo hoàng Truyền giáo được chính thức thiết lập tại Việt Nam. Mong muốn này được thể hiện rõ ràng qua chuyến thăm của Đức Tổng Giám Mục Giampietro Dal Toso để trình bày với Hội đồng Giám mục Việt Nam trong dịp họp thường niên kỳ I/2019 (25/4/2019). Sự kiện này cho thấy ý định thiết lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam của Đức Thánh Cha Phanxicô là minh nhiên và trực tiếp, vì “Đức Giáo hoàng Roma thi hành quyền của Ngài trên các Hội Giáo hoàng Truyền giáo qua Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân Tộc.”  Như vậy, đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha là điều thật khẩn thiết và quan trọng đối với Giáo hội Việt Nam hiện nay.
Trong Đại Hội lần thứ XIV của Hội đồng Giám mục Việt Nam tại Hải Phòng từ ngày 30/9 - 04/10/2019, Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Ủy Ban Loan báo Tin Mừng cũng đã trình bày về việc thiết lập các Hội này. Ngày 20/10/2019, cha Giêrônimô Nguyễn Đình Công - Giám đốc các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Việt Nam đã có thư thỉnh nguyện với Bề trên Giáo phận đề nghị thiết lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Giáo phận Hưng Hóa.
Nghị quyết Hội nghị Mục vụ Giáo phận năm 2020 (06 - 08/12/2019) cũng đã quyết định sẽ thiết lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo tại Giáo phận và giao cho Ủy ban Loan báo Tin Mừng chịu trách nhiệm điều phối các Ủy bản Mục vụ khác thực hiện. Theo bản cẩm nang sinh hoạt các Hội Giáo hoàng Truyền giáo - Việt Nam, Cộng đoàn Khôi Bình được đề nghị gia nhập Hội Truyền Giáo Thánh Phêrô Tông Đồ.
Thưa anh chị em,
Thực hiện kế hoạch 06 tháng cuối năm 2020, Ban quản gia đang thực hiện các buổi thường huấn tại các Giáo hạt để giới thiệu về các Hội Giáo hoàng Truyền giáo và cổ võ các Khôi Bình viên gia nhập Hội Truyền Giáo Thánh Phêrô Tông Đồ. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng các Hội Giáo hoàng Truyền giáo sẽ làm sinh động tinh thần và nhiệt tâm truyền giáo nơi mọi Khôi Bình viên, vì các Hội này là một trong những phương pháp mục vụ truyền giáo hữu hiệu của Hội Thánh hằng trăm năm qua và đến nay vẫn còn giá trị. Hơn nữa, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo giúp chúng ta thi hành Sứ vụ ngày càng sát với giáo huấn của Hội Thánh hơn.
Về cả hai mặt thần học và thực tế, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo luôn xứng đáng là cơ quan chính thức và giữ vị trí hàng đầu trong việc hợp tác truyền giáo của tất cả các Giáo hội địa phương cũng như các Kitô hữu.
Trước hết, các Hội này “trực thuộc Giáo hoàng Rôma, thủ lãnh của hàng Giám mục, nền tảng và dấu chỉ của sự hiệp nhất và phổ quát của Hội Thánh” do đó các Hội này cũng thuộc về hàng giám mục để phục vụ tình hiệp thông sâu xa giữa vị người kế vị thánh Phêrô và các mục tử khác trong Hội Thánh.
Kế đến, thực tế hằng trăm năm qua, các Hội này vẫn chu toàn trách nhiệm được giao một cách hiệu quả. Vì thế, thiết lập các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là cách làm vững mạnh tình hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ.
Xin anh chị em cũng hiệp thông cầu nguyện với Giáo phận nhà trong dịp đặc biệt này. Ngày 29/8/2020, Tòa thánh đã chấp thuận đơn từ nhiệm Giám mục Chính tòa của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất; đồng thời, bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên - Giám mục Phụ tá Giáo phận Vinh làm Giám quản Tông tòa Giáo phận.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Chân phước Khôi Bình, xin Chúa chúc lành cho anh chị em.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa

I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN
Hc 27, 30 - 28, 7; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35
Chủ nhật XXIII thường niên, Chúa Giêsu dạy: Hãy đi sửa lỗi cho nhau trong tinh thần huynh đệ. Chủ nhật tuần này, Chủ nhật XXIV thường niên Chúa dạy: Hãy tha thứ cho nhau. Nếu việc sửa lỗi là một khía cạnh, một khuôn mặt của tình yêu, thì tha thứ những lỗi lầm của nhau lại là một khuôn mặt khác của tình yêu. Tình yêu tha thứ theo Chúa Kitô, phải là một tình yêu không giới hạn.
Thánh Phêrô, trong câu hỏi của mình, đã vô tình để lộ ra cái ý muốn giới hạn tình yêu của mình. Ngài đưa ra con số 07 mà hỏi Chúa: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần, có phải đến bảy lần không?" Có lẽ thánh Phêrô nghĩ rằng mình đã tha thứ đến 07 lần như vậy, đã là nhiều lắm rồi, đã là không thể tưởng rồi. Nhưng thánh Phêrô đã lầm. Đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Kitô, giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn. Câu trả lời của Chúa Giêsu: "Thầy không bảo các con hãy tha 07 lần, nhưng 70 lần 07", trở thành điểm qui chiếu cho tình yêu tha thứ của chúng ta. Tha thứ đến 70 lần 07 nghĩa là tha thứ không giới hạn, tha thứ vô cùng, tha không tính toán, không đếm bằng những con số. Vì khi đếm là đã giới hạn lòng yêu thương của mình.
Trong cuộc sống thường ngày, chắc ai cũng từng nghe những kiểu nói: "Nó với tôi không đội chung trời, hoặc sống để bụng, chết đem theo." Là người Công giáo, chúng ta đã có ai ý thức những kiểu nói đó đi ngược với tinh thần Tin Mừng, đi ngược Lời Chúa dạy hay không? Thầy không bảo các con hãy tha 07 lần, nhưng 70 lần 07. Hãy nghe Lời Chúa dạy để đừng đặt giới hạn của lòng tha thứ, mà hãy tha thứ không giới hạn. Có những chuyện chúng ta tưởng chừng rất nhỏ nhặt trong cuộc sống, lại sinh ra oán thù lớn. Chẳng hạn: hai đứa bé đánh nhau, thay vì chỉ bảo chúng, hai bà mẹ, hai người hàng xóm, vì bênh vực con, lại mắng chửi nhau, rồi không thèm nhìn mặt nhau. Có khi chỉ là một câu nói lỡ lời, chạm tự ái, dẫn đến chuyện trách móc, phàn nàn nhau. Tệ hại hơn, không thể tha thứ cho nhau, nên dẫn tới chỗ hạ nhục nhau, chửi bới hoặc tìm cách trả thù nhau, chí ít thì cũng nói xấu nhau. Những điều đó đã là xấu đối với những người không có quan hệ họ hàng. Vậy mà những điều xấu đó lắm lúc lại xảy ra trong dòng tộc, trong gia đình: vợ chồng, cha mẹ, anh chị em. Những người thân của nhau mà còn không thể tha thứ cho nhau, thì huống hồ là người dưng, người ngoài.
Hàng ngày chúng ta đọc kinh Lạy Cha. Ngay trong từng Thánh lễ, chúng ta cũng sẽ đọc kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha cho những người có nợ chúng con." Hãy ý thức hơn nữa mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, để lời cầu nguyện ấy trở nên sự thật trong cuộc đời mình. Hãy nhớ rằng, Cha tha nợ cho chúng ta khi chúng ta hết lòng tha cho anh em mình. Bởi thế mỗi lần đọc kinh Lạy Cha, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta và cho từng người khả năng tha thứ. Tha thứ không phải 07 lần, nhưng là 70 lần 07; nghĩa là tha thứ liên tục, tha thứ không giới hạn.
Xin Chúa gia tăng đức tin, đức cậy và đức mến cho chúng ta, để chúng ta can đảm sống theo Lời Chúa dạy.
Câu hỏi gợi ý suy gẫm và chia sẻ:
1. Anh chị hãy đặt mình làm một trong ba người trong dụ ngôn: ông vua, người đầy tớ, người đồng bạn. Anh chị nghe thấy gì? Anh chị cảm thấy ra sao? Anh chị lý luận những gì trong cuộc gặp gỡ?
2. Động cơ nào thúc đẩy anh chị tha thứ? Tại sao anh chị phải luôn tha thứ? Anh chị được lợi gì và thua thiệt gì khi anh chị tha thứ?
3. Chúa Giêsu dạy trong kinh Lạy Cha: "Xin Cha tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có lỗi chúng con." Anh chị hãy hồi tưởng lại những dịp anh chị đã tha thứ người khác, và so sánh với sự tha thứ Chúa ban cho anh chị qua Bí tích Hòa giải.
4. Anh chị cảm nghiệm ra sao khi anh chị được tha thứ và khi anh chị tha thứ cho ai khác?

II. CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO (tóm lược cẩm nang sinh hoạt các Hội Giáo hoàng Truyền giáo - Việt Nam)
A. Sự cần thiết và lợi ích của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo
1. Cần thiết
Định hướng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam chưa mang tính đồng bộ ở tầm vĩ mô và toàn diện. Cần có một “cơ quan” nối kết nhân lực, vật lực trong Giáo hội tại mỗi địa phương nhằm khích lệ và phát triển công cuộc Loan báo Tin Mừng (LBTM).
Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo vừa được trao trách nhiệm vừa có khả năng đảm nhận trách nhiệm này, vì các Hội Giáo hoàng Truyền giáo có nền tảng vững chắc về cả hai mặt: thần học lẫn thực hành. Về mặt thần học, đặc biệt Giáo hội học, các Hội này diễn tả đặc tính hiệp thông trọn vẹn trong Hội Thánh, hiệp thông trong đức Tin và hiệp thông trong sứ vụ. Về mặt thực hành, các Hội này vừa mang tính quốc tế vừa mang tính quốc gia, vừa có thuộc tính giáo hoàng (pontifical) lại vừa có thuộc tính giám mục (episcopal), nên có đủ khả năng và uy tín để nối kết các thành phần Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân) tại một hay nhiều giáo phận cũng như hội dòng nhằm mục đích loan báo Tin Mừng.
2. Lợi ích
Ở cấp độ quốc gia, mạng lưới các Hội Giáo hoàng Truyền giáo trong giáo phận sẽ giúp hoạt động truyền giáo nơi đó sống động hơn và hòa nhập với các giáo phận khác. Trong phạm vi quốc tế, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo sẽ giúp Giáo hội tại các quốc gia liên kết với nhau ở khu vực cũng như thế giới. Sự cộng tác, hòa nhập và nối kết này tốt hơn trong việc trao đổi về kinh nghiệm truyền giáo, kiến thức, nhân sự cùng với chuyên môn khác… Đặc biệt các Hội Giáo hoàng Truyền giáo diễn tả rõ nét mối hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ.
B. Sứ mạng của mỗi Hội Giáo hoàng Truyền giáo
Trong bối cảnh Giáo hội tại Việt Nam hiện nay không cần thiết lập thêm bất cứ Hội nào, mà chỉ cần đưa tinh thần LBTM và gợi ý một số thực hành Truyền giáo trong các hội đoàn đã có sẵn tại mỗi Giáo phận.
1. Hội Truyền Bá đức Tin (Pontifical Society for the Propagation of the Faith: Giúp các tín hữu có đời sống đức Tin vững vàng và có kinh nghiệm riêng tư với Thiên Chúa. Giúp họ ý thức hơn về sứ vụ LBTM và nhiệt tâm thi hành sứ vụ ấy.
2. Hội Nhi đồng Truyền giáo (Pontifical Society of Missionary Childhood): Giúp trẻ nhận ra những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của mình và của các trẻ khác, từ đó các em biết sử dụng và đáp ứng các nhu cầu ấy theo tinh thần người con Chúa. Giúp các em nhận thức sâu hơn về những nhu cầu của các bạn xung quanh mình, đồng thời dạy các em biết giá trị cũng như sức mạnh của tình liên đới và tương trợ lẫn nhau. Làm cho tinh thần Truyền giáo được lớn mạnh nơi các em và ngấm sâu trong cuộc đời chúng, dù chúng sống đời giáo dân hay đời thánh hiến, đồng thời làm cho chúng trở nên người có giá trị và có trách nhiệm trong xã hội.
3. Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông Đồ (Pontifical Society of Saint Peter the Apostle): Giúp các thành viên ý thức và nhiệt tâm hơn về sứ mạng LBTM. Giúp họ ý thức tầm quan trọng của chức linh mục và đời sống thánh hiến, đồng thời mời gọi họ khích lệ con cháu mình dấn thân trong đời sống này.
4. Hiệp hội Giáo sĩ Truyền giáo (Pontifical Missionary Union): Hướng dẫn và đào luyện giáo dân, tùy theo hoàn cảnh của họ, hăng say thi hành sứ mạng LBTM theo hướng dẫn của Hội Thánh.
C. Giới thiệu Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ
1. Mục đích và sứ mạng
Đào tạo các tín hữuný thức và nhiệt tâm hơn về sứ mạng LBTM trong Hội Thánh tại các địa phương.
Giúp họ hiểu rõ tầm quan trọng của chức linh mục và đời sống thánh hiến, đồng thời mời gọi họ khích lệ con cháu mình dấn thân trong đời sống này.
2. Thành viên
Thành viên nòng cốt: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Bà Mẹ Công giáo (giới hiền mẫu), Thăng Tiến hôn nhân gia đình, Gia Đình Cùng Theo Chúa, Gia Đình Khôi Bình, Hiệp hội Lòng Thương Xót và các đoàn thể khác.
Các thành viên khác: Những chủng sinh và tu sĩ trong giai đoạn tập viện và học viện.
3. Hoạt động cụ thể
Vẫn chu toàn bổn phận và đặc sủng riêng của đoàn thể mình bằng cầu nguyện và dâng lễ hằng ngày.
Mỗi ngày dâng một (01) kinh Kính Mừng (trong giờ kinh tối gia đình) cầu nguyện đặc biệt cho công cuộc LBTM của Hội Thánh. Mỗi tháng chầu thầm lặng trước Thánh Thể 15 phút để cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo trong Hội Thánh.
Sống chứng tá Tin Mừng bằng đời sống chân thật và công bằng trong ngành nghề của mình.
Tiết kiệm chi tiêu gia đình (mỗi tháng góp 2.000 = 24.000/ năm) để cộng tác hỗ trợ công việc đào tạo linh mục và tu sĩ (các nhà Truyền giáo) tại Việt Nam. Mỗi năm một lần có cuộc tổng lạc quyên (hoặc bằng hình thức khác) để gửi về Tòa Thánh giúp công việc đào luyện ơn gọi linh mục và tu sĩ trên toàn thế giới.
4. Đồng hành và hướng dẫn
Cấp Giáo xứ: Quý cha xứ/phó hoặc quý tu sĩ làm tuyên úy trong các Hội đoàn Công giáo Tiến hành.
Cấp Giáo phận: Cha đặc trách các Hội đoàn phối hợp với cha đặc trách Ủy ban LBTM.
Cấp quốc gia: Chọn một cha đặc trách các Hội đoàn Giáo phận làm thư ký cấp quốc gia, phối hợp với cha Giám đốc quốc gia các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.
5. Tóm tắt quá trình hình thành
Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ được một nữ Giáo dân người Pháp tên là Jean Bigard cùng với người mẹ của mình thành lập năm 1889 với mục đích xây dựng một chủng viên ở bên Nhật. Sáng kiến này đã nhanh chóng trở nên phổ biến và liên tiếp với mục đích cụ thể là ủng hộ việc đào tạo các Giáo sỹ và Tu sỹ địa phương trong những vùng truyền giáo. Cho đến ngày nay, nhiệm vụ cao cả này vẫn được tiếp tục.
Năm 1922, Đức Giáo hoàng Piô XI đã nâng Hội này lên vị trí "Hội Giáo hoàng" cùng với các Hội khác là: Hội Truyền bá Đức tin, Hội Nhi đồng Truyền giáo. Hiện nay, Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ đang hiện diện và hoạt động trong 120 quốc gia.

III. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 08: Ông Stephen Hawking
Hằng ngày, qua báo chí, tin tức chúng ta gặp được những gương sống tích cực, những con người đã hoàn thành sứ mạng làm người của họ. Thế nhưng dù những tấm gương này rất đáng cho ta ngưỡng phục, nhưng chúng ta gặp nhiều khó khăn trong việc noi theo gương sống của họ. Hay nói một cách khác, ta gặp được họ trong báo chí, sách vở, nhưng ta vẫn chưa gặp được họ trong cuộc sống riêng của ta. Tại sao?
Khi nhìn những người thành đạt, chúng ta thường nhận định họ theo tiêu chuẩn “có” (tài năng, sắc đẹp, địa vị). Nhưng đối với những người này, những điều họ “có” cũng chưa đủ để  giúp họ cảm nghiệm được giá trị cuộc sống cho đến một lúc nào đó họ khám phá ra họ “là.” Như thế, khi chúng ta nhìn người khác vì họ “là” thì chúng ta sẽ dễ thấy họ trong mình, và mình cũng trong họ. Còn khi chúng ta nhìn người khác theo tiêu chuẩn họ “có” thì ta khó tìm thấy họ trong ta, và ta trong họ. Đó cũng là rào cản lớn trong việc giúp cho ta có đủ nội lực tập sống cao thượng.
Ông Stephen Hawking, giáo sư vật lý thiên văn tại đại học Cambrige, Anh quốc, được cho là một trong những người thông minh nhất thế giới vì chính ông đã phát triển thuyết Tương đối tuyệt hảo nhất từ thời Einstein. Thế nhưng, khi bác sĩ cho biết ông chỉ có thể sống thêm hai năm nữa vì do chứng bệnh Lou Gehrig, chính lúc đó ông mới nhận ra giá trị của cuộc sống. Ông tâm sự rằng, trước khi phát hiện ra bệnh, ông chẳng tỏ vẻ thích thú gì về cuộc đời, ông gọi đời ông là sự “hiện hữ vô vị.” Sau khi biết cuộc sống mình sắp đến ngày hạn định, ông chợt nhận ra rằng, “Khi sự kỳ vọng của một con người chỉ còn lại số zero, người ấy bắt đầu trân trọng giá trị của từng sự vật và hoàn cảnh hiện tại.” Thật lạ lùng thay, trong thời gian hai năm ngắn ngủi ấy, chính là lúc ông Hawking cảm nghiệm được giá trị cuộc đời hơn bao giờ hết. Ông thấu chạm được ông là ai, và cuộc đời là gì. Với ông, những gì cuộc đời trao ban đều là quà tặng. Những nụ cười, những bước dạo bộ, những ánh bình minh, và thậm chí cả căn bệnh ông đang mang. Tất cả là quà tặng!
Thưa bạn, lúc khỏe mạnh, ông Hawking có nhiều điều mà nhiều người mơ ước. Ông có trí tuệ, địa vị, bằng cấp, danh tiếng. Thế nhưng ông vẫn cho đời ông là “sự hiện hữu vô vị” cho đến khi ông nhận thức đầy đủ về con người của ông. Căn bệnh, hoàn cảnh tưởng chừng như đánh gục được con người vốn coi mình là sự “hiện hựu vô vị,” nhưng không, khi đặt mình vào “số zero”, mình chợt nhận ra giá trị thật của đời mình. Giá trị thật đời mình không phải những gì mình “có”, nhưng chính là sự cảm nghiệm mình “là.” Chính khi thấu chạm được sự thật về mình “là,” mình sẽ tìm thấy giá trị tuyệt hảo của chính con người mình và của người khác.
Khi nhận thức đầy đủ về mình “là” (ai), con người tự nhiên sẽ có cái nhìn tích cực về con người, về cuộc đời, và hoàn cảnh. Những nỗ lực không ngơi nghỉ của một vĩ nhân, sự kiên trì đấu tranh cho nhân quyền của một chiến sĩ dân chủ hoà bình, một sự tận tụy chăm lo chồng con của mỗi người mẹ, một sự tín trung với lời đoan hứa của một tu sĩ, hay sự chăm chỉ học tập của một học sinh, tất cả những con người này điều biểu lộ rõ khát vọng hoàn thiện con người của họ, nhưng không theo tiêu chuẩn “có,” nhưng theo tiêu chuẩn “là.” Họ là những người đã nhận thức đầy đủ về phẩm giá con người, vì thế họ không ngơi nghỉ trong nỗ lực hoàn thiện chính họ trong phận vụ họ đang sống.
Câu chuyện sau đây của linh mục Giuse Trương Đình Hiền2 minh hoạ cho thấy sự nỗ lực không ngơi nghỉ của những vĩ nhân giữa đời thường khi nhận ra giá trị tích cực trong hoàn cảnh hạn hẹp của mình. Năm 2003, Phân khoa Xã Hội Học Trường Đại Học Xã hội và Nhân văn tại  Sài gòn trao bằng cử nhân thủ khoa cho sinh viên Nguyễn Thị Mai, với luận văn đề tài: “Tìm Hiểu Một Số Thuận Lợi và Hạn Chế Trong Tiến Trình Hội Nhập và Phát Triển của Người Khuyết Tật tại Việt Nam.” Khi danh xưng của ứng sinh nhận bằng thủ khoa được xướng lên, mọi người đều kinh ngạc thấy một cô bé bại liệt cả tứ chi được đưa lên lễ đài trên một chiếc xe lăn!  Không kể những nỗ lực của em trong bốn năm đại học, thì muốn viết cuốn luận văn 70 trang kia, em đã chỉ sử dụng hai cổ tay kẹp một chiếc đũa để gõ từng ký tự trên bàn phím vi tính.  Không cần phải đi sâu vào cuộc đời cũng thấy quyết tâm sắt đá của cô gái trẻ này…  Cách đây không lâu, một cô gái khuyết tật âm thầm qua đời trong bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch trước cái nhìn bất lực của các bác sĩ.  Cô đã được đưa vào bệnh viện quá muộn, khi bệnh lao vào thời kỳ cuối đã đặt cô vào tình trạng hấp hối. Cô gái ấy chính là sinh viên Nguyễn Thị Mai, người bạn trẻ đã tốt nghiệp danh dự thủ khoa ngành Xã hội học năm 2003.  27 năm cuộc đời của một cô gái luôn phải nằm sát mặt đất vì không thể nào ngồi được!  27 năm phấn đấu với tật nguyền, với nghèo khó, với thua thiệt, với số phận hẩm hiu, để rồi chưa kịp nở một nụ cười mãn nguyện thì đã về với thiên thu.
Vậy đó, như một nụ hoa nở cho trọn phận, mỗi con người chúng ta luôn được mời gọi sống hết khả năng làm người của mình. Thấy được nét đẹp nơi chính mình và trân trọng những nét đẹp ấy là khởi điểm cho những suy nghĩ tích cực về mình và về cuộc đời. Những gì mình có, dù là những giá trị vật chất hay tinh thần, những điều ấy cũng chỉ thực sự giá trị khi ta biết dùng chúng để khám phá ra ý nghĩa thật của đời người. Nét đẹp nơi cô Nguyễn Thị Mai chính là không gom góp những cái “có, được” để chiếm hữu cho mình, nhưng chính là dùng chúng để trang điểm cho mình thêm đẹp và sống trọn vẹn nhân phẩm con người. 
Mời bạn sống tích cực thêm chút nữa, nhưng không phải để bạn “có” thêm điều gì, nhưng mà để bạn hoàn thiện con người mình như mình “là.”
Br. Huynhquảng
1. James Dobson, New Man, October, 1994, p. 36.
2. Từ  Suy niệm hằng ngày, Tro Bụi Cuộc Đời.

IV. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
Bài 03: MỘT Ý CHÍ VỮNG VÀNG
Lời Chúa:
"Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, và ai mạnh sức thì chiếm được" ( Mt 11, 12).
Chia sẻ:
Những người thành công phải có tài tổ chức, và đồng thời có một nghị lực để theo đuổi công việc định làm. Do đấy, việc huấn luyện ý chí là một nhu cầu khẩn thiết, quyết định sự thành công của bạn.
A. HAI HẠNG NGƯỜI
1. Ý chí yếu kém
Nói chung, họ hầu như không có nghị lực trong cuộc sống.
1.1. Người không nghị lực
Bạn còn nhớ Trư Bát Giới hay Lưu Thiện (con Lưu Bị)? Họ lười biếng, ươn hèn, ngại khổ, ngại khó, không muốn làm gì. Cũng thuộc loại này là những người chỉ biết sống theo thói quen, theo sở thích.
1.2. Người thiếu nghị lực:
Nói chung, những người này không bền chí, gặp khó khăn thì bỏ cuộc.
Họ là những người nhu nhược, nhẹ dạ, dễ đổi thay, ai nói gì cũng nghe. Họ là những người nhát dầm, sợ hãi, không dám làm vì sợ thất bại. Họ còn là những người bồng bột, việc gì cũng vơ vào, nhưng không làm được việc gì ra trò.
2. Ý chí vững mạnh
Nhìn chung, ta thấy họ luôn cố gắng, luôn kiên tâm bền chí, không sợ gian nan, không lùi bước trước khó khăn thất bại. Họ suy tính cẩn thận, quyết định đúng lúc và bền chí thi hành.
2.1. Người hoạt động
Họ say mê làm việc, vì thế rất dễ thành công. Càng khó khăn trắc trở, họ càng say mê thích thú. Họ thích mạo hiểm, ham chinh phục.
2.2. Người tự chủ
Những người này muốn chiến thắng chính bản thân mình. Họ không sợ định mệnh, không ngại hy sinh, bắt tình cảm khuất phục ý chí, làm việc gì thì đem hết tâm trí, hết khả năng vào công việc, đến thành công mới thôi.
2.3. Bạn nghĩ sao ?
Sự phân tích trên đây có tính lý thuyết. Con người cụ thể có tính tốt này, khuyết điểm kia. Điều quan trọng chính là: khắc phục điều thiếu sót, phát triển những cái hay, để dần dần trở nên có nghị lực. Công việc ấy gọi là: huấn luyện ý chí.
B. HUẤN LUYỆN Ý CHÍ
1. Cải biến con người
Chắc chắn con người có thể thay đổi nên tốt hơn, hoặc xấu hơn.
Nhìn vào thiên nhiên, ta thấy có nhiều khắc nghiệt tưởng như không thể vượt qua, thế mà con người có thể cải tạo thiên nhiên. Sa mạc thành ruộng đất phì nhiêu, thác dữ biến sông có thể thành nguồn thủy điện dồi dào.
Đọc lịch sử danh nhân và các thánh, ta thấy rõ: con người có thế làm chủ vận mệnh mình, từ tầm thường nên anh hùng, từ tội lỗi thành thánh nhân.
Kết luận là: tính tình, tư cách, ý chí của chúng ta có thể thay đổi được, đúng như ngạn ngữ Việt Nam: Nước chảy đá mòn, có công mài sắt có ngày nên kim.
2. Làm sao để cải biến con người ?
Cần làm ba công việc sau đây:
Thứ nhất, là gieo giống tốt: Trước tiên, ban cần có một tư tưởng tốt, một ước muốn tốt. Làm việc gì cũng phải bắt đầu. Tư tưởng chính là khởi đầu, là hạt giống. Về ảnh hưởng của tư tưởng đối với hành động, các nhà tâm lý học đem ra ba định luật sau: Không có tư tưởng, không có hành động. Chỉ có một tư tưởng, tất nhiên xảy ra hành động tương ứng. Có nhiều tư tưởng, tư tưởng nào mạnh nhất sẽ dẫn tới hành động. Do đó, bạn cần gieo trong đầu óc những tư tưởng tốt, như là hạt giống tốt. Lời Chúa chính là hạt giống tốt. Hãy đọc và suy niệm lời Chúa (x. Lc 8, 12-15).
Thứ hai là nhổ cỏ xấu: Ban đọc lại dụ ngôn người gieo giống (x. Mt 13). Hạt giống tốt mà rơi vào bụi gai cũng sẽ chột và chết luôn. Gai góc và cỏ xấu có thể là thù trong hay giặc ngoài. "Thù tron" đó là sự lười biếng ươn hèn, đam mê khoái lạc, nó đẩy con người chỉ sống theo bản năng. "Giặc ngoài" có thể là một nền giáo dục thiếu sót,  nhất là ở gia đình. Đó có thể là một môi trường sống như: sách báo, phim ảnh, dư luận, bạn bè v.v. Đó cũng có thể là những quyến rũ bên ngoài như: tiền bạc, địa vị, ý thức hệ v.v.
Thứ ba là chăm tưới: Nước và phân cần cho cây, những điều sau đây cũng cần thiết và ích lợi cho việc rèn luyện ý chí. Tô điểm cho cuộc đời bằng những tình cảm đẹp, đặc biệt là tình yêu. Sự dịu dàng và  nước mắt của người mẹ; sự chăm sóc của người yêu; lòng danh dự tự trọng; niềm vui của sự thành công v.v. Hãy có môt lý tưởng, năng nghĩ đến nó. Có thể diễn tả lý tưởng bằng một châm ngôn, như: hãy cho con các linh hồn, thà chết còn hơn phạm tội, trở nên mọi sự cho mọi ngươi, chết vinh hơn sống nhục. Bạn cần tin vào gương sáng nơi người khác: ông nọ bà kia làm được sao tôi làm không nổi. Bạn cần cố gắng thường xuyên, lại kiên tâm bền chí. Là Công giáo, bạn có một sự trợ lực vô song, đó là ơn Chúa. Hãy năng cầu nguyện, tập nói chuyện với Chúa.
C. MỘT CHÚT TÂM TÌNH
Bạn muốn là một người với tất cả ý nghĩa cao đẹp. Mơ ước của bạn thật là chính đáng. Hãy cố gắng và cậy trông. Chúc bạn đạt tới điều mơ ước.
Tâm niệm:
"Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay" (Tv 36).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
1. Khi gặp khó khăn chướng ngại, thường bạn có thái độ nào ?
2. Không thành công thì thành nhân. Bạn cắt nghĩa câu ấy, rồi áp dụng vào đời sống thường ngày.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Thánh lễ nhận xứ của Cha Phêrô Nguyễn Duy Trường tại Giáo xứ Mỹ Hưng
Vào lúc 8 giờ sáng ngày 23 tháng 01 năm 2025, tại Giáo xứ Mỹ Hưng, cha Giuse Chu Văn Khương – Quản hạt Nghĩa Lộ, cùng quý cha, quý thầy, quý dì, và đông đảo giáo dân trong và ngoài Giáo xứ Mỹ Hưng đã quy tụ để chúc mừng và chia sẻ niềm vui với cha Phêrô Nguyễn Duy Trường, người vừa được bổ nhiệm làm Linh mục Chính xứ Giáo xứ Mỹ Hưng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log