SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: LẦM ĐƯỜNG LẠC LỐI
Mình quyết tâm đi bộ mỗi ngày từ 10 đến 20 cây số. Đi bộ để tăng sức khỏe cho đôi chân lười biếng. Đi bộ để cung cấp hình ảnh cho đôi mắt tò mò. Đi bộ để hiểu sâu thêm nhân tình thế thái. Đi bộ để tặng cho bộ não những kiến thức về lịch sử của thị xã Sơn Tây.
- Bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng đã cùng hai con Trưng Trắc và Trưng Nhị chiến đấu chống quân xâm lược Mã Viện. Bà đã hy sinh ở Sơn Tây này vào năm 43. Miếu thờ bà có tên là Miếu Mèn, tọa lạc giữa đê Sông Hồng và Quốc Lộ 32, cách Quốc Lộ 32 chừng 200 mét và cách Thủ Đô Hà Nội chừng 50 cây số.
Miếu Mèn là nơi thờ Quốc Mẫu. Mèn là một từ của thời thái cổ, ám chỉ một người phụ nữ có công lớn với tổ quốc, tương đương với từ Mẫu Quốc ngày nay.
- Ông Phùng Hưng (761 – 802) sinh tại làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Năm 791 ông khởi nghĩa chống nhà Đường vừa xâm lược, vừa bạo ngược. Ông chiến thắng và được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương. Ông qua đời vào năm 802, thọ 41 tuổi và được an táng tại làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
- Ông Ngô Quyền (898 – 944) quê ở làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Ông là danh tướng, dựng nghiệp nhà Ngô. Ông đã đánh thắng quân Nam Hán một trận thủy chiến lừng danh trên sông Bạch Đằng. Ông qua đời khi mới được 46 tuổi, tuổi bắt đầu vùng vẫy xây dựng sự nghiệp của đấng nam nhi. Mộ của ông được xây dựng tại làng Đường Lâm, cách Chợ Nghệ và Thành Cổ Sơn Tây chừng 5 cây số.
Hôm ấy, mình đi hết một vòng xung quanh Thành Cổ Sơn Tây, rồi giã từ nó ở giao điểm Nguyễn Thái Học – Phan Chu Trinh, để tiến vào vùng ngoại ô có tên là Nhà Máy Đường.
Mình nhẩn nha đếm bước trên đường phố. Phố buồn hiu. Chẳng có gì để ngắm nghía. Mình tò mò đi vào con ngõ. Chán ngõ thì vào ngách. Ngõ ngách nào cũng kín cổng, cao tường. Không thấy người. Chỉ nghe tiếng chó sủa gâu gâu. Sợ quá, bèn tìm lối ra, để tìm lối về. Tìm mãi chả thấy. May quá, thấy một cụ già đang đứng thơ thẩn ở ngã ba, bèn vội vã chạy tới ngỏ lời.
- Ông ơi, tôi lầm đường lạc lối rồi, xin ông chỉ cho tôi lối đi về Thành Cổ.
- Thì mời bác vào nhà tôi uống nước đã.
Ông già dìu mình vào căn nhà ở ngay đầu ngõ. Căn nhà cấp bốn: vừa hẹp; vừa thấp; vừa ọp ẹp. Phòng khách chỉ có một cái giường và hai cái tủ. Ông cụ mời mình ngồi trên giường, vì giường có nệm êm. Còn ông thì ngồi trên ghế mủ. Giữa chủ và khách là cái đôn nhỏ. Trên đôn nhỏ có một ấm trà và gói thuốc lá. Cả chủ lẫn khách đều hoan hỉ phì phà điếu thuốc lá và thưởng thức hương vị của tách trà đặc. Bỗng ông cụ nhìn mình lom lom rồi khẳng định như một ông thầy tướng số già đời:
- Tôi thấy cái mặt của ông nhân hậu lắm. Người nhân hậu thì không thể lầm đường lạc lối.
- Tôi lầm đường lạc lối về địa lý, mà ông lại lái sang con đường chân lý của đạo làm người. Xin cám ơn ông. Nhưng tôi không dám nhận lời khen của ông đâu.
Chuyện đạo, chuyện đời bắt đầu tuôn ra từ đây. Ông là Việt Kiều Thái Lan đang có sự nghiệp ổn định, thì hồi hương, để cứu quốc, theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Ông gia nhập ngành Công An. Khởi đầu, uy tín của ông rực sáng như mặt trời đúng giờ ngọ. Nhưng uy tín ấy cứ lu mờ dần như mặt trời cứ lặn dần xuống chân trời tây.
Mình tò mò hỏi: “Tại sao đời đang vi vu trên mây như diều gặp gió, mà lại lâm cảnh ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh?” Ông ngậm ngùi kể lại hai sai lầm lớn của ông.
Sai lầm 1. Ông cưới được một cô vợ xinh. Hãnh diện quá! Nhưng mặt thì xinh, còn lý lịch thì đen như mõm chó. Lý lịch đen vì là con của địa chủ.
Sai lầm 2. Một hôm kia, thủ trưởng của ông ra lệnh “Bỏ tù thằng này.” Ông cãi: “Chánh án mới có quyền bỏ tù chứ”. Thủ trưởng hét lên: “Quân phản động”.
Thế là từ đó, ông bị đổi đi liên tu hết chỗ này đến chỗ nọ. Từ đó, ông đánh mất niềm tin vào mọi đồng nghiệp. Trong tim của ông chỉ còn một người bạn thân thương là nhà văn Sơn Nam. Nhờ nhà văn Sơn Nam mà ông biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ông tặng mình bộ Thánh Kinh của Tin Lành, món quà quý nhất mà ông có trong tay.
Từ đó, cứ mỗi tuần, mình đến thăm ông một lần. Thế là từ quen đến thân, từ thân đến thương. Ông thôi không còn xưng hô “bác – tôi” nữa, mà chuyển sang cách xưng hô “cha – con”.
Mình kể chuyện này cho cha xứ Sơn Tây. Cha xứ mừng quá và cho ban hành giáo tới lợp cho ông ấy cái mái nhà. Mái nhà cũ rệu rạo biến thành mái tôn chống nóng và chống ồn. Vách tường thấp lè tè được nâng cao thêm bảy tấc nữa, biến bầu khí ngột ngạt thành thông thoáng và thoải mái.
Bây giờ thì ông biết thế nào là giáo xứ, thế nào là cha xứ và ban hành giáo. Ngày xưa thì ông ghét đạo. Bây giờ thì ông thương đạo. Cuối cùng thì ông ngỏ lời: “Xin cha cho con theo đạo của cha.” Mình trao cho ông cuốn Giáo Lý Dự Tòng và cuốn Dấu Chân Của Thầy. Ông đọc và ông hiểu, vì ông đã đọc Thánh Kinh của Tin Lành.
Hôm ấy mình đến thăm ông. Cổng đóng khít rịt. Bà con xóm giềng cho biết: “Ông ấy nhập viện rồi.” Mình quay ngoắt một cái, đi thật nhanh về phía bệnh viện. Viện cho biết ông bị ung thư phổi vào giai đoạn cuối cùng. Được tin này, cha xứ vội vàng đánh xe hơi ra viện, rước ông về nhà nguyện của Tòa Giám mục. Ông được lãnh Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể trong một Thánh lễ âm thầm lặng lẽ. Ông cảm động quá, lấy hai bàn tay vuốt nước mắt đang chảy ràn rụa trên hai má nhăn nheo.
Ông nhập đạo ngày 30.06.2016. Ông bước vào đời sống vĩnh hằng ngày 26.08.2016. Tất cả đều âm thầm và lặng lẽ như một hạt lúa nhỏ rơi nhẹ xuống thửa ruộng chưa kịp cày bừa, chưa kịp vun xới.
***
Nếu lầm đường lạc lối, thì hậu quả sẽ khôn lường. Đó là luật nhân quả. Thế nhưng, hôm ấy mình lầm đường lạc lối, mà hậu quả lại trên tuyệt vời. Mình không hiểu. Mình không thấy trước. Hoàn toàn vô tâm và vô tình. Quả thật, mình chỉ viết con số 0. Rồi Chúa Thánh Thần đến viết thêm con số 1 ở đàng trước. Thế là mọi người phải đọc là 10. Việc của mình chỉ là 0. Còn 10 thì là việc của Chúa. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô IIđã khẳng định rằng: “Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong mọi sinh hoạt truyền giáo.”