Thứ tư, 22/01/2025

Mất tất: Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 08:29 03/11/2021

 
SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: MẤT TẤT
Mình và Mai đặt chân lên đất Năm Căn vào lúc 15g30 ngày 24 tháng 5 năm 1971.
“Vạn sự khởi đầu nan”: không có một túp lều để ở; không có một cái giường để nằm. Đành phải ở đậu nhà anh Tư Quang. Đành phải ngủ chung một cái phản.
Anh Tư Quang là thợ may, nên có khách liền liền: khách đến đo may; khách đến lấy đồ đã may. Khách đến thì không hẹn giờ: đến sáng, đến trưa, đến chiều, đến tối. Thế là tụi mình không được ngủ trưa.
“Cung” thì thế, mà “Cầu” thì cứ gào thét. Giáo điểm phải tăng lên. Cán bộ phải tăng theo. Một giáo điểm ra chào đời, thì phải có thêm ba cán bộ. Trong vòng ba năm đã có sáu giáo điểm ra chào đời. Thêm đầu người, thì phải thêm bát đĩa và mùng mền. Mùng mền và bát đĩa, thì mình lo được. Nhưng mỗi giáo điểm phải có một cái xuồng và một cái máy đuôi tôm. Xuồng máy thì vượt tầm tay của mình. Đành phải đi “ăn xin”; mà “ăn xin” thì xấu hổ quá.
Mình sực nhớ lời Đức Phaolô VI trong một lá thư truyền giáo: “Chúng tôi không xấu hổ, khi phải chìa tay xin anh chị em giúp chúng tôi phương tiện truyền giáo”. Đức Giáo Hoàng còn dẫn chứng: “Đức Giêsu đã mượn xuồng của ông Phêrô để ngồi giảng; đã mượn con lừa để long trọng tiến vào Giêrusalem; cuối cùng Chúa đã được an táng trong ngôi mộ của ông Giuse, người Arimathê.
Lời của Đức Phaolô VI giống như một liều thần dược: vừa giảm đau, vừa kích thích. Mình vừa thôi xấu hổ, vừa hung hăng xách túi đi ăn xin. Mình đến một trung tâm nọ, để móc túi ông giám đốc. Gặp ông đang tản bộ ở hành lang, mình vào đề ngay:
  • Ông Bảy ơi! Trung Tâm Truyền Giáo Năm Căn của giáo phận Cần Thơ đã có năm giáo điểm. Giáo điểm nào cũng phải có xuồng máy làm phương tiện đi lại. Vậy xin ông Bảy giúp chúng con một máy Kohler 7.
  • Một máy Kohler 7 trị giá bao nhiêu?
  • Thưa ông Bảy, một Kohler 7 trị giá 25.000 đồng.
Ông giám đốc nhún vai một cái theo kiểu Tây và bỡ ngỡ kêu lên một tiếng cũng rất Tây: “Ê-bẹ”. Kêu “Ê-bẹ” xong, ông đi lên lầu mất hút.
Mình lủi thủi rút lui. Ngậm ngùi. Buồn tủi. Lòng tự ái bùng lên, mình tự nhủ lòng mình: “Từ nay tao sẽ tự lực mưu sinh, không thèm ăn xin ai hết”.
Mình thảo ngay một kế hoạch:
1. Ở Ấp Hai đã có hai lò than. Nay xây thêm một cái nữa. Ba lò than ăn hết 450.000 đồng tiền vốn. Hy vọng chúng nó sẽ đẻ ra cho mình mỗi tháng 100.000 đồng tiền lời. Dư gạo nuôi cán bộ.
2. Hùn hạp với anh bạn Nguyễn Thanh Hưởng làm một vuông tôm ở Cái Keo. Mỗi cổ phần là 300.000 đồng. Mình tâm sự với anh Hưởng: “Anh cho tôi mượn 300.000 đồng làm cổ phần của tôi. Sau khi xổ tôm lần đầu, tôi sẽ trả nợ cho anh”. Anh Hưởng đồng ý tức thời.
3. Ở Năm Căn có một tổ hợp nuôi tôm gồm chín cổ phần. Mỗi cổ phần là 100.000 đồng. Họ mời mình gia nhập với điều kiện: “Cha không phải đóng tiền, nhưng cha phải đứng tên chủ tổ hợp, để tránh chuyện lính tráng làm khó, làm dễ”.
Con nước đầu tiên thu hoạch được hơn 1.000.000 đồng. Mỗi cổ đông được bỏ túi 100.000 đồng; lại còn dư tiền để ăn mừng. Một con heo được mổ tại chỗ luôn. Vừa mừng vừa sướng. Mình không tốn của, không tốn công, mà vẫn được hưởng 100.000 đồng tiền lời! Ôi, sướng ơi là sướng!
4. Thừa thắng xông lên. Mình mời Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn bỏ ra 600.000 đồng để làm một vuông tôm ở Cái Nai. Mình nhủ lòng: “Mỗi tháng sẽ có thu nhập không dưới 400.000 đồng. Dư sức mua vài chục máy Kohler. Khỏi phải đi ăn xin”.
5. Song song với vuông tôm Cái Nai, mình mượn 800.000 đồng để mở một trang trại trồng khóm ở Đầm Cùng. Đất hoang không phải mua. Mình chọn một miếng đất dài 500 mét, rộng 200 mét. Trại khóm có diện tích 10 héc ta sắp ra chào đời. Cứ nghĩ như thế cũng đủ sướng rồi. Khách đến thăm tha hồ mang khóm về làm quà kỷ niệm. Năm đầu sẽ thu hoạch gần 1.000.000 trái khóm. Bán rẻ cũng thu được 10.000.000 đồng/1 năm. Tha hồ mở thêm giáo điểm. Tha hồ xây nhà thờ. Dư tiền cấp học bổng cho học sinh nghèo…
Mọi công trình được hoàn thành vào cuối tháng 11 năm 1974. Tổng chi phí là 1.845.000 đồng (tương đương với 184 tấn gạo).
Mình đang hí hửng nhìn về tương lai, thì… lịch sử sang trang. Mất tất!
Đang lo không biết phải làm thế nào, để trả số nợ kếch sù ấy, thì may quá: một lần kia gặp anh Hưởng ở bên Mỹ, mình hỏi ngay:
  • Hồi trước năm 1975, tớ mượn cậu 300.000 đồng để hùn hạp làm vuông tôm. Bây giờ cậu tính sao?
  • Cho cha xù luôn đấy.
  • Cám ơn! Nếu cậu không tha nợ, thì tớ cũng không trả nổi.
Hai món nợ 600.000 đồng và 800.000 đồng cũng được giải quyết bằng lòng quảng đại y như thế. Mình thở phào nhẹ nhõm. Bây giờ chỉ còn cúi đầu ngẫm nghĩ. Ngẫm nghĩ chưa xong, thì nhớ đến lời tâm sự của Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình.
Giáo phận Sài Gòn bán vườn cao su ở Tân Hòa được một số tiền khổng lồ. Cha quản lý dùng số tiền đó để kinh doanh. Nguyên tắc của kinh doanh là bắt vốn đẻ ra lời; rồi lấy lời đập vào vốn, để vốn to hơn đẻ ra lời lớn hơn. Thế là ngân hàng Đại Nam ra chào đời. Đại Nam Bố đẻ ra Đại Nam Con. Cứ đẻ mãi và đẻ mãi tới mức độ ở Cà Mau xa tắp tít cũng có ngân hàng Đại Nam.
Cái nguyên tắc lấy lời đập vào vốn khiến giáo phận Sài Gòn có rất nhiều tiền, nhưng lại không có tiền để truyền giáo.
Thế rồi, lịch sử sang trang. Mất tất! Mất sạch sành sanh!
Sau khi mất tất, thì Đức Tổng Bình lại phấn khởi tuyên bố: “Khi có nhiều tiền, thì không có tiền để truyền giáo. Bây giờ mất tất rồi thì lại có tiền truyền giáo: Hôm nay có người cho một phong thư; ngày mai lại có phong thư nữa. Cứ thế và cứ mãi như thế…
***
Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã khuất núi rồi. Nhưng, đứng bên này triền núi, mình vẫn cứ gọi sang triền núi bên kia:
“Bố Bình ơi! Con cám ơn Bố, vì Bố đã cho con một bài học quý giá vô cùng. Bài học ấy là: “Có nhiều tiền, mà không truyền giáo là MẤT TẤT; không có tiền, mà có truyền giáo, thì sẽ có TẤT TẦN TẬT”.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log