Thứ tư, 22/01/2025

Lá Rụng Về Cội: Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 09:16 17/09/2021

SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: LÁ RỤNG VỀ CỘI
Mình xuất tịch giáo phận Hưng Hóa năm 1954. Sau đó lại tái nhập tịch vào năm 2011. Hiện tượng tái nhập như thế được gọi là “Lá rụng về cội”.  Lá rụng về cội là chuyện thường tình của thế gian. Nhưng khi mình rụng về cội, thì sự việc lại nhiêu khê quá. Bây giờ mình ngồi phân chia thời gian, phân tích nguyên nhân và hậu quả của sự cố, để vui buồn với nhân tình thế thái.
1. Muốn về mà không được về
 Mẹ mình qua đời năm 1976. Mình nôn nóng làm đơn lên ủy ban Quân Quản tỉnh Cà Mau. Ông Chánh văn phòng trả lời: “Nếu anh về Bắc, thì chúng tôi phải bố trí người hộ tống. Điều đó chúng tôi không thể làm được. Để anh đi một mình, lỡ có điều bất trắc xảy ra, sẽ liên quan đến chính sách. Vậy xin anh thông cảm”.
 Năm 1977, bố mình vĩnh viễn lìa đời. Mình lại nôn nóng xin về để tang bố. Lại bị từ chối. Chỉ còn biết khóc. Khóc vì thương. Khóc vì tức. Hai chữ “không được” cứ song hành mãi với thời gian dài đằng đẵng, cho tới khi mình quyết tâm “sinh Bắc, tử Nam”.
2. Không về Bắc, vì không dám về
 Cha Nguyễn Hữu Văn đi Bắc về và tâm sự với mình: “Ngoài Bắc nghèo lắm. Nếu muốn về Bắc, thì phải có trong túi ít nhất là một cây vàng. Họ đạo này xin một cái Amply. Họ đạo kia xin một cây đàn. Họ đạo nọ xin một cái chuông… Thấy bà con nghèo, thì cầm lòng không nổi. Cho thì lấy tiền đâu mà cho, không cho thì… khổ ơi là khổ”.
 Nói đến vàng, thì mình phải giơ cả hai tay, hai chân để đầu hàng. Trong suốt cuộc đời,  mình chưa bao giờ được nhìn tận mắt một chỉ vàng. Sau năm 1975, có một người nhờ mình giữ hộ một cái dây chuyền bằng vàng: “Cha giữ hộ con. Nếu con gặp may, thì biếu cha luôn. Nếu chẳng may mà con thất nghiệp, thì con xin lại”. Thế là lần đầu tiên trong đời mình được cầm vàng trong tay.
Nghèo như thế, thì làm sao dám về Bắc. Đành bỏ cuộc. Bỏ cuộc là phải. Bỏ cuộc là hợp cả tình lẫn lý. Quyết tâm “Sinh Bắc tử Nam” là vậy.
3. Đổi ý 180 độ
Đức Cha Lê Phong Thuận đã họp Thường Vụ Hội Đồng Giám mục ở Hà Nội. Khi về, ngài kể chuyện miền Bắc cho linh mục và tu sĩ hạt Cà Mau nghe: … Địa phận Bắc Ninh có hai giám mục và một linh mục rưỡi”. Cả hội trường cười hì một cái. Mình cũng cười. Cười là phải.
Trước khi đi ngủ, thì đọc kinh tối. Đọc kinh tối thì có mục xét mình. Xét mình, thì hối hận quá! Hối hận vì đã cười hì, khi thấy anh em miền Bắc thiếu linh mục như vậy. Lẽ ra không được cười, mà còn phải khóc nữa mới đúng. Cười lúc đó là vô tâm, vô tình và là vô duyên.
Thế là từ tối hôm ấy, mình lại quyết tâm về Bắc. Nhưng…  nhiêu khê quá  chừng!
Năm 1989, mình được xả chế, sau 14 năm ngồi tù, quản thúc và quản chế. Xả chế là được hưởng quyền tự do và vãng lai trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đức Cha Nguyễn Ngọc Quang tâm sự với mình: “Ra ngoài Bắc, Nhà Nước cho ở bao lâu, thì cha cứ ở. Nội bộ Giáo hội thì dễ thôi”. Như vậy thì rõ ràng là Đức Cha Cần Thơ sẵn sàng chia sẻ nhân sự với miền Bắc.
Mình hí hửng lên đường, lòng nhủ lòng: “Sinh Bắc, tử Bắc”. Ra tới Sơn Tây, mình xin tạm trú dài hạn tại Tòa Giám mục, nhưng bị chính quyền từ chối. Đành phải về quê hương Hiền Quan yêu dấu.
Về Hiền Quan, thì ghé nhà chị cả. Công an huyện và xã đang ngồi chờ mình ở đấy. Công an huyện phát biểu rành rọt như sau:
a. Linh mục về đây với tư cách là công dân, nên không được ở trong nhà xứ, mà phải về nhà quê. Nhưng linh mục mà ở nhà quê, thì kỳ quá. Vậy linh mục cứ ở nhà xứ.
b. Linh mục thì phải làm lễ, nhưng không được giảng, vì ở đây có cha xứ rồi. Nhưng… linh mục xa quê hương mấy chục năm, nay về làm lễ mà không giảng, thì bà con kêu chết đấy. Vậy linh mục cứ giảng.
Công an huyện giải quyết như thế, thì tình nghĩa chan hòa. Mình xin tạm trú hai tháng. Suốt hai tháng trời, mình được làm lễ, giảng lễ trong thánh lễ và được giảng ngoài thánh lễ nữa. Sướng quá!
Hết hạn tạm trú hai tháng, mình làm đơn xin thêm hai tháng nữa. Hy vọng chan chứa. Ai ngờ ông phó giám đốc Sở Công an tỉnh Vĩnh Phúc tuyên bố một câu ngắn gọn: “Ông về thăm quê hai tháng, tình nghĩa chan hòa rồi. Ông về Nam đi. Chúng tôi chỉ chấp thuận cho ông ở đây cho tới ngày 02 tháng 11”.
Nghe tin này, đồng hương Hiền Quan buồn tê tái. Họ kéo nhau đến nhà xứ, để cầm chân không cho mình đi. Công an đến yêu cầu giải tán, họ cứ trơ lì ra. Mình dự đoán sẽ có một hậu quả khôn lường, làm oằn vai cha xứ và Đức Giám mục giáo phận. Mình tìm đường thoát hiểm.
Sáng hôm sau, trước khi kết thúc thánh lễ, mình tâm sự với bà con đồng hương: “Tôi xin tạm trú thêm hai tháng, mà tỉnh chỉ cho có ba ngày. Như thế có khác gì xin một con cá, mà chỉ cho cái đầu. Cái đầu chỉ là xương với xương. Sáng mai, tôi sẽ xuống Huyện xin thêm. Nếu không được một con cá, thì cũng phải được thêm vài khứa nữa”. Bà con nghe bùi tai, mất cảnh giác, không đến chiếm giữ nhà xứ nữa. Thế là mình xách đồ chuồn thẳng về Sơn Tây, rồi về miền Nam. Êm ru!
Tuy không được nhập khẩu, nhưng mình vẫn cứ thậm thụt ra Hưng Hóa hàng năm.
Năm 2009, mình chính thức làm đơn xin Đức cha Cần Thơ cho nhập tịch Hưng Hóa. Lý do duy nhất là muốn đền ơn Hưng Hóa đã đào tạo ơn gọi mình từ năm 1945 đến năm 1954. Đức Cha Thuận yêu cầu làm thủ tục theo giáo luật. Nhưng ngài lại báo trước là khó được chấp thuận. Mình bỏ cuộc.
Năm 2010, mình làm đơn xin nghỉ hưu, để dễ được cho phép “Lá rụng về cội”. Ba lý do được nêu lên là: mắt đã gần mù; tai đã cận điếc; tuổi đã cận hưu. Đức Cha Thuận nhận đơn, nhưng lại nói đùa: “Tai thì điếc, mắt thì đui, nhưng miệng thì còn dẻo quá”. Đơn xin hưu bị nghiên cứu hơi lâu. Nhưng cuối cùng vẫn được chuẩn thuận.
Mừng quá, mình ôm đồ về nhà hưu linh mục ở Cần Thơ gọi là “nghỉ hưu”, nhưng mình lại thích “đi hưu”. May quá, Đức Cha Tri Bửu Thiên đã ủng hộ ý đó. Ngài tuyên bố: “Cha muốn đi đâu thì đi. Chỉ cần cho cha niên trưởng Viễn biết là được rồi”.
Từ đó, mình hóa thân làm con chuồn chuồn: bay một tí; đậu một tí. Nay đậu chỗ này, mai đậu chỗ khác. Nhưng Hưng Hóa là nơi đậu nhiều nhất và lâu nhất.
Đức Cha Chương, Giám mục Hưng Hóa, sợ con chuồn chuồn mỏi cánh và gãy cánh. Ngài khuyên mình nên nhập tịch Hưng Hóa luôn. Thủ tục xuất nhập theo giáo luật cũng như dân luật, thì ngài thuộc lòng như thuộc lòng bàn tay năm ngón. Thủ tục tiến hành nhanh như chớp. Năm 2011, mình nghiễm nhiên trở thành linh mục của giáo phận Hưng Hóa.
Về Hưng Hóa, mình giành ngay năm kỷ lục: cao niên nhất; thâm niên linh mục nhất; điếc nhất; đui nhất và ăn mặn nhất. Buồn vui đắp đổi. Buồn nhiều hơn vui, vì hồi hương quá trễ. Đền ơn giáo phận thì chưa biết, nhưng ăn hại giáo phận thì chắc như đinh đóng cột. Mặc cảm “ăn hại đái nát” cứ lẩn quẩn trong đầu và trong tim.
4. Hưng Hóa trước mắt và trong tim
Trở về Hưng Hóa, mình cảm thấy một niềm kiêu hãnh là được trở về với cội nguồn của Tổ quốc Việt Nam.
  •  Huyền thoại Sơn Tinh và Thủy Tinh đánh nhau chỉ cách thị xã Sơn Tây chừng 22 cây số.
  • Đền thờ Vua Hùng chỉ cách thị xã Sơn Tây chừng 42 cây số.
  • Nơi an nghỉ của bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng) chỉ cách Tòa Giám mục hơn 4 cây số.
  • Nơi an nghỉ của Bố Cái Đại Vương và ông Ngô Quyền cũng chỉ cách Tòa Giám mục chừng 4 cây số.
  • Nơi hai Bà Trưng tuẫn tiết chỉ cách thị xã Sơn Tây 16 cây số.
  • Hưng Hóa là giáo phận Cực Tây Bắc của Giáo hội Việt Nam. Một giáo phận có diện tích bằng 1/6 diện tích toàn quốc (58.000 km2/ 323.000 km2). Giáo phận mênh mông, thì giáo xứ cũng mênh mông. Cha xứ Lào Cai cho biết: diện tích giáo xứ Lào Cai lớn gấp bốn lần diện tích Giáo phận Phát Diệm. Cứ coi Đức Giám mục đi ban phép thêm sức và các cha xứ đi xức dầu bệnh nhân, thì cũng đủ chóng mặt rồi. 
Một lần kia, mình ngồi tòa ở Cốc Lếu, Lào Cai, có một nữ hối nhân than thở vì một năm chỉ đi lễ hai lần. Đó là lễ Giáng sinh và Phục sinh. Hỏi tại sao bỏ đi lễ các ngày Chúa Nhật, thì bà nói là vì nhà bà ở xa nhà thờ. Mình hỏi “xa bao nhiêu?” thì bà trả lời: “hơn 100 cây số”. Mình thầm nghĩ trong bụng: “Bỏ lễ hết cả năm cũng chẳng có tội”.
  • Cả nước Việt Nam có 54 dân tộc, thì giáo phận Hưng Hóa đã có 28 dân tộc. Số dân tộc ít người nhiều đến mức mình chỉ nhớ thuộc lòng được các dân tộc H'Mông, Thái, Mường, Tày, Dao, Dáy và Nùng. Điều đáng tiếc là chưa có một linh mục nào xuất thân từ các dân tộc ít người. Cũng chưa có một linh mục nào nói giỏi tiếng dân tộc. Nghe đồn là có một cha nói tiếng “Mông” sõi lắm. Mình không tin, bèn hỏi một ông H'mông đang dự buổi thường huấn của hội đồng giáo xứ:
  • Nghe nói cha xứ của ông nói tiếng H'Mông như ngỗng ỉa. Có thật không?
  • Không có đâu. Ngài nói cũng chỉ đường được thôi.
  • Nghe vậy thì vui, nhưng vẫn thấy buồn buồn.
Một ngày kia, mình tháp tùng Đức Cha Vũ Tất đến thăm giáo họ Chiềng Ân. Đức Cha giảng bằng tiếng Kinh. Phiên dịch viên chuyển ý sang tiếng H'Mông. Đây là lần đầu tiên Chiềng Ân được Đức Giám Mục đến thăm. Vậy mà hôm ấy ngài ban phép thêm sức cho 480 người. Mình tò mò thắc mắc.
  • 480 người này được ai dạy giáo lý và rửa tội?
  • Giáo lý viên H'mông làm tất tần tật.
  • Ai dạy giáo lý cho giáo lý viên?
  • Họ đi học tại các lớp sư phạm giáo lý của giáo phận.
  • Thế thì là trên tuyệt vời rồi!
Nhu cầu truyền giáo và mục vụ của giáo phận Hưng Hóa là như thế đó. Cũng chỉ vì vậy mà mình tái nhập giáo phận Hưng Hóa. Chỉ tiếc một điều là tái nhập quá muộn. Muốn “đền ơn đáp nghĩa”, thì lại “ăn hại đái nát”; “có mà như không”.
Chỉ còn một tia hy vọng cuối cùng, đó là “có còn hơn không”. Ôi! Nhân tình thế thái!
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log