Thứ tư, 22/01/2025

Một tam giác hoàn hảo: Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 09:58 16/12/2021


SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: MỘT TAM GIÁC HOÀN HẢO
Mùa hè năm 2007, mình được cha Việt Hưng mời sang Baton Rouge, LA, USA để thuyết trình về vấn đề truyền giáo cho Đại Hội Giáo Lý Viên Toàn Quốc. Mình thuyết trình hai bài, rồi lấn sân một bài của Đức Cha Mai Thanh Lương, vì ngài bận công việc khẩn trương.
Ba bài thuyết trình của mình đều khai triển một câu định nghĩa về truyền giáo của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ: “Truyền giáo chỉ là trình bày tình yêu của Thiên Chúa được ngỏ bày trong Đức Giêsu Kitô” (SVĐCĐ 2).
Đức Giêsu yêu thế nào và yêu đến mức độ nào, thì ta cứ yêu như thế. Đó là truyền giáo đúng đắn nhất.
Trước hết, Đức Giêsu đã yêu thương loài người tới mức độ sẵn sàng đón nhận một cái chết cực kỳ oan khiên, cực kỳ đau đớn và cực kỳ nhục nhã, để hoàn thành sứ vụ cứu độ. Sau khi bị đày đọa đến như thế, Ngài mới hài lòng và tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất”.
Suốt ba năm rao giảng, Chúa Giêsu đã ưu tiên yêu người nghèo đói, người bệnh tật, người lỡ lầm và lương dân. Để thực hiện mẫu yêu thương ấy, mình làm nhà tình thương, cấp học bổng cho học sinh không đủ khả năng cắp sách tới trường, thăm viếng và an ủi người bệnh hoạn tật nguyền. Đặc biệt nhất là xây cầu bê tông thay thế cầu khỉ lắt lẻo và nguy hiểm chết người. Cụ thể là ở cách nhà thờ chừng 200 mét, có một bé gái đi học giáo lý phải qua cầu khỉ. Vì sơ ý em trượt chân rớt xuống kinh. Bạn bè nhào xuống, hụp lặn để mò, nhưng không thấy. Khi người lớn biết, thì mới nhảy xuống mò được xác, nhưng trễ mất rồi…
Mình kể chuyện về một ông già mơ ước có một cây cầu bê tông. Ông mơ ước suốt ba chế độ: thời Pháp thuộc; thời Việt Nam Cộng Hòa; thời Xã Hội Chủ Nghĩa. Thời gian mơ và chờ dài ba phần tư thế kỷ. Khi mình xây xong cây cầu, ông mừng quá. Mừng tới mức độ ông bưng mâm cơm lên cầu ngồi cụng ly với bạn bè trong xóm. Niềm vui cực kỳ lãng mạn. Niềm vui bùng vỡ vì bị dồn nén hơn ba thế hệ nhân sinh.
Sau bài thuyết trình, thì có hội thảo. Hội thảo về nội dung bài thuyết trình. Hội thảo về công tác cụ thể trong tương lai. Nhưng cũng có những câu thắc mắc ngoài lề. Thắc mắc để tìm hiểu. Cũng có thắc mắc để đâm thọc. Một giáo lý viên giơ tay thẳng tắp:
  • Thưa cha, có rất nhiều linh mục tha thiết làm công tác xã hội như: làm đường bê tông, xây cầu, làm cống… Nhưng Nhà nước không cho làm; hoặc cho làm, nhưng với nhiều điều kiện khó hiểu. Vậy tại sao cha làm được, làm nhiều và làm dễ dàng như thế? Có điều gì bí mật ở phía hậu trường không?
  • Dĩ nhiên là ở trên đời này có rất nhiều việc tốt mà không làm được. Lý do thì rất phức tạp. Phức tạp do hoàn cảnh địa phương. Phức tạp do cá tính của cá nhân. Bởi thế, tôi không trả lời được về những cái khó của nơi này hay nơi kia, của người này hay của người nọ. Phải là người trong cuộc, thì mới hiểu được. Còn cái “dễ quá” của tôi, thì rất giản dị. Câu chuyện nhỏ xíu sau đây sẽ giải thích chuyện lớn lao ấy.
Hôm ấy, tôi đến thăm một gia đình trong họ đạo, thấy một bà mẹ bồng một thằng cu tí chưa tới hai tuổi. Bé thơ nào cũng như thiên thần. Bé thơ nào cũng dễ thương quá chừng. Tôi gạ bé:
  • Bé ơi, cho ông cố bồng một cái.
  • (Bé quay mặt đi, ôm lấy cổ mẹ)
Mẹ của bé lấy một cái bánh lén lút trao cho tôi bằng cách đưa vòng qua sau lưng. Tôi cũng lén lút và vội vã nhận lấy cái bánh, rồi dứ dứ trước mặt bé. Bé nhận cái bánh, vừa cười, vừa giơ hai tay xin tôi ẵm.
Hình ảnh này là một đề tài suy nghĩ lớn lao của tôi. Tôi gọi nó là một “tam giác hoàn hảo”. Tam giác được tạo nên bởi ba người: bé, mẹ của bé và cha xứ.
1. Bé là người sung sướng nhất. Không tốn một đồng xu, không phải nhỏ một giọt mồ hôi, mà được ăn bánh ngon, được mẹ và cha xứ yêu thương và bồng ẵm.
2. Bà mẹ thì tốn tiền mua bánh, nhưng được sung sướng quá chừng, vì con của mình được cha xứ bồng ẵm, một hân hạnh hy hữu và còn mơ tưởng xa xôi là con mình được Chúa chúc lành.
3. Cha xứ là tôi, thì không tốn một giọt mồ hôi, không đánh rơi một đồng xu trong túi rách, thế mà lại được bé thơ giơ cả hai tay trao phó đời mình. Sướng ơi là sướng.
Từ hình tam giác hoàn hảo ấy, tôi nghĩ đến những cây cầu bê tông, những mái ấm tình thương… Nhưng cây cầu bê tông là hình ảnh sống động nhất. Muốn có cây cầu bê tông, thì phải có tấm lòng quảng đại của ân nhân, phải được chánh quyền cho phép, phải có người thảo kế hoạch. Khi cây cầu được hoàn thành thì:
  1. Người sung sướng nhất là nhân dân, đặc biệt là học sinh. Những người này không tốn tiền, không tốn công, không tốn sức. Họ giống như thằng cu tí: hưởng LỢI trăm phần trăm.
  2. Người sướng thứ hai là chánh quyền địa phương. Không tốn công, không tốn sức, mà lại được cấp trên khen ngợi. Công tác dân sinh này được đưa lên báo chí, truyền thanh và truyền hình. Chánh quyền và nhân dân các xã bạn tấm tắc khen ngợi. Cái sướng này của chánh quyền địa phương được tôi gọi là DANH.
  3. Người sướng thứ ba là tôi. Một cục tiền to tổ bố từ đâu đi tới. Mình chỉ có công lấy tiền ấy để mua vật tư và trả công thợ. Khi xong cây cầu thì thấy hàng trăm, hàngngàn người được đi chợ, đi học, đi thăm nhau mà không phải chật vật, lo âu. Thấy người ta sướng, thì mình sướng lây. Cái sướng lây này tôi gọi là ĐỨC.
Tam giác: DANH – LỢI – ĐỨC là vậy.
Chính cái tam giác “DANH – LỢI – ĐỨC” ấy đã đem lại cho Giáo hội nhiều lợi ích. Người ghét Giáo hội thì thôi ghét. Người vô tâm vô tình với đạo Chúa thì bắt đầu yêu đạo và có thể theo đạo.
Mình vừa dứt lời, thì 450 giáo lý viên vừa vỗ tay bốp bốp, vừa đập bàn bình bình.
Tam giác hoàn hảo ơi! Cám ơn mi nhá.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log