Thứ tư, 22/01/2025

Những kỷ niệm về trại giam Kiến Vàng - Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 16:10 18/03/2023

 
SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: NHỮNG KỶ NIỆM VỀ TRẠI GIAM KIẾN VÀNG
Sáu giờ chiều ngày 05.01.1975, mình vô ngồi tù tại trại giam Kiến Vàng, thuộc huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Lần đầu tiên trong đời được ngồi tù, được thấy và được biết những điều mà nếu không đi tù, thì phải hối tiếc vì khối óc của mình vẫn còn một khoảng trống. Thời gian ngồi tù chỉ có 15 ngày, nhưng những kỷ niệm đáng nhớ và những suy tư quý giá, thì nhiều hơn mình ước muốn.
1. Mình đang ngồi thưởng thức tô cơm nguội ngon tuyệt vời, vì bụng đang đói quá trời, thì một đồng cảnh đến đưa cho mình một đôi đũa. Một anh khác cho một cái chai bằng mủ, để đựng nước uống và rửa mặt. Anh thứ ba cho một cái chén để đựng cơm. Anh nào cũng nhìn mình với một ánh mắt vừa trìu mến, vừa xót xa. Anh nào cũng nói lí nhí bên tai mình: “Con có đạo cha ạ.”
Anh em đồng đạo gặp nhau trong hoàn cảnh éo le như thế này, tự nhiên thấy lòng mình hết buồn hết sợ. Một tín đồ được ngồi tù chung với linh mục tự nhiên thấy lòng mình ấm hẳn lên, y như thấy một vòng tay ủ ấp. Linh mục được ngồi tù chung với tín đồ, tự nhiên thấy mình là con gà mẹ muốn dang rộng cả hai cánh để ấp ủ bầy con. Thương quá là thương! Nỗi đau như thu nhỏ lại. Niềm tin yêu như bùng vỡ. Bây giờ mình mới cảm nghiệm được tình cha – con của mục tử và thế nào là thiên chức linh mục.
2. Vừa vét sạch xong chén cơm, anh đội đọc cho mình nội quy của trại giam rồi trao cho mình một cái quyện làm bằng sắt 6 uốn cong hình chữ U. Mình chỉ bị quyện một chân. Nhưng quyện của mình lại phải liên kết với các quyện của bảy đồng cảnh kia, bằng một cây sắt dài chừng 4 mét. Mười sáu cái cẳng của tám thằng đàn ông nằm song song với nhau suốt ngày và đêm. Bực bội quá chừng. Nếu ai bảo phải cưa giò đi để được hưởng tự do, thì chắc mình chịu liền. Khổ quá đến chịu hết nổi.
Ngày thứ tám, ông Tư Thi, công an tỉnh xuống làm việc. Ông mở lời:
  • Chúng tôi cố tình bắt anh, vì tại Đầm Dơi, anh có liên quan chánh trị. Yêu cầu anh tự thú.
  • Tôi chưa bao giờ liên quan chánh trị, nên không có gì để tự thú. Nếu quý vị có gì thắc mắc, thì cứ hỏi, tôi sẽ trả lời.
  • Cách mạng không điều tra, không hướng cung như thằng địch. Anh phải tự thú. Tại sao tại nhà thờ Bàu Sen anh tuyên bố thầy Năm Phú không phải là thầy có chức Năm, mà chỉ là người con thứ năm trong gia đình? Chúng tôi đã điều tra và biết rằng thầy Năm Phú không phải là người con thứ năm trong gia đình.
  • Tôi biết chắc trăm phần trăm: thầy Năm Phú là tu sĩ Dòng Kitô Vua nhưng đã xuất tu. Còn việc thầy ấy là con thứ năm hay không thì không có vấn đề. Trong nhóm truyền giáo của tôi có một người tôi đặt tên là “Thầy Ba Nam”, không phải vì anh ta là con thứ ba, mà vì anh ta cùng đi truyền giáo song song với một người có tên là “Thầy Hai Học”.
  • Thôi được. Chừng nào thầy Năm Phú tới, anh sẽ nói chuyện mí ổng.
Sau ba buổi làm việc dằng dai, ông Tư Thi thất vọng ra về. Ông kết thúc công việc một cách hờn dỗi:
  • Làm việc với anh ba buổi mà không có kết quả. Tôi về. Anh cứ ở đây. Tôi yêu cầu anh em xả quyện cho anh. Không phải vì anh cải tạo tốt, mà vì anh là lãnh đạo cao cấp tôn giáo.
  • Xin cám ơn ông Tư.
Vừa về tới phòng giam, mình vội vàng mang cái quyện ra cửa, đưa cho anh đội, nói với một giọng ngọt ngào: “Ông ban xả quyện cho tôi rồi. Tôi trả cho anh nè.”
Mình về chỗ của mình, ngồi xếp bằng, rung đùi sung sướng. Sướng ơi là sướng! Từ nay được tự do nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm ngay, nằm co. Muốn nằm tư thế nào cũng được. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã là thiên đàng của trần gian rồi. Hạnh phúc có thể chỉ đơn giản như thế thôi.
3. Đêm đầu tiên, mình được lệnh ngủ chung mùng với một người tuổi U40. Đêm cuối tháng chẳng có một tí ánh trăng nào. Nếu có chút tia sáng nhạt nhòa của đèn canh đêm thì cũng bị rừng đước bịt bùng nuốt hết.
Mình không nhắm mắt được, vì diễn biến của sự cố quá bất ngờ và quá mịt mù. Mình nằm ngửa thẳng băng. Mắt đăm đăm nhìn vào bóng đêm. Bâng khuâng. Hồi hộp. Mình bắt đầu đọc kinh “Lạy Nữ Vương”. Không đọc bằng lời, mà chỉ đọc bằng trí tưởng tượng. Bỗng người đồng cảnh, đồng mùng ghé miệng sát tai mình và ngân nga thật nhỏ: “Bêlem ơi! Đêm nay Chúa sinh ra ở trong nhà ngươi.” Mình cũng ghé tai hắn, hỏi thiệt nhỏ:
  • Có đạo hả?
  • Dạ, con là lính của cha Nguyễn Lạc Hóa.
  • Được rồi. Thôi nhá. Cầu nguyện thật nhiều nha.
Sau đó là im lặng tuyệt đối. Chỉ còn tiếng thở khò khò, tiếng trở mình cót két. Mình thấy lòng vui vui. Một giấc ngủ an bình ập tới. Mọi nỗi lo tắt lịm. Đồng cảnh cộng với đồng đạo là tuyệt vời.
Dường như có ăng-ten báo cáo. Sáng hôm sau, mình được lệnh đổi chỗ, ngủ chung mùng với một chàng thanh niên tuổi xấp xỉ đôi mươi.
4. Hắn xấp xỉ đôi mươi, còn mình thì xấp xỉ bốn mươi. Hai người chẳng dám nhìn thẳng vào mặt nhau, vì chẳng ai dám tin ai. Đêm ngủ thứ nhất: êm ả. Đêm thứ hai: chẳng có gì xảy ra. Đêm thứ ba: có vấn đề rắc rối.
Có một bàn tay đặt trên bụng mình, cụ cựa và nhúc nhích. Mình nằm bất động theo dõi ý đồ của địch. Bàn tay năm ngón tiến về hướng nam, vừa luồn vừa lách điệu nghệ như biệt kích xuyên rừng. Bàn tay dừng lại nghỉ xả hơi bên cạnh biên giới vùng trên và vùng dưới. Một vài giây trôi qua, đường biên giới được hắn nâng lên. Thế là rõ rồi: Hắn muốn “xắn tay bẻ khóa động đào”. Năm ngón tay của hắn bò xuống vùng tam giác. Láo thật! Mình giơ cao tay chém phập xuống. Hắn vội rút tay về, lật lưng và quay mặt về phía bên kia. Im thin thít…
Bây giờ mình mới cảm nghiệm được rằng “sex” là một vấn đề lớn, một vấn đề của muôn thuở. Nó dằn vặt từ bậc vua chúa đến hàng lê thứ; từ thằng khố rách áo ôm đến bọn giàu có ú nu thịt mỡ; thằng tù chỉ ăn gạo lức với muối hột mà “sex” vẫn không buông tha. Trại tù nữ, trại tù nam đều nhan nhản chuyện đồng tính hì hục. Chỉ hì hục thôi chứ chẳng luyến ái gì. Vậy thì đáng thương hay đáng ghét? Đừng thương, đừng ghét, những hãy thương xót và ra tay cứu độ. Ôi nhân tình thế thái!
5. Năm 1974 mình đọc cuốn sách “Người tù khổ sai” của Charrière. Mình ước mơ xa xôi được đi tù một lần. Đi tù để cảm nghiệm được thân phận của kiếp tù đày. Đi tù để may ra tìm được một triết lý nhà tù. Nhưng khi vô trại tù Kiến Vàng rồi, mình mới vỡ mộng. Muốn có triết lý thì phải suy tư. Muốn suy tư thì phải thấy nhiều, nghe nhiều và gặp gỡ nhiều. Cả ba điều đó đều bị cấm kỵ tuyệt đối. Cụ thể là sáng hôm sau, khi 21 bạn đồng cảnh xếp hàng một cùng nhau đi về khu vệ sinh. Các bạn của mình thì nghiêm chỉnh cúi mặt mà đi. Còn mình thì ngó ngang, ngó dọc, ngó trên, ngó dưới. Ngó nhiều để có nhiều kiến thức về rừng đước của miền cuối Việt. Thế là bị anh đội mắng cho: “Anh Hậu cúi xuống mà đi. Không được vô kỷ luật”. Cụt hứng!
6. Nội quy trại giam cấm mọi tiếng nói, cấm cả mọi tiếng động. Nếu có tiếng động thì phải báo cáo. Ví dụ: “Thưa anh đội, có con chuột chạy xòng xọc”; “Báo cáo anh đội: cái quyện của anh Hậu kêu leng keng.” Hễ có báo cáo, anh đội sẽ vào phòng giam chiếu đèn pin lên mái nhà, vì nghi vấn có người trốn trại; hoặc đi kiểm tra các hệ thống quyện, vì nghi có người bẻ quyện.
Hai mươi mốt tù nhân ngồi thành hai hàng đối diện nhau, y như hai mươi mốt pho tượng câm. Thế nhưng, luật nào cũng có kẽ hở. Mọi tiếng động đều bị cấm tuyệt đối. Nhưng vẫn có một thứ tiếng động được ưu đãi, không bị cấm mà còn được anh đội mỉm cười xí xóa.
Cứ mỗi buổi sáng, khi các tù nhân đang xếp mùng, hoặc đang ngồi chờ đi vệ sinh tập thể, thì một cuộc tập trận bùng vỡ. Ở chỗ này có tiếng súng trường bắn lẻ. Ở chỗ kia có tiếng súng liên thanh rền rĩ. Lâu lâu lại có tiếng đại pháo nổ ầm. Tất cả chỉ là “súng da, đạn hơi, nhằm chân bắn mũi”.
Hôm ấy, ông già ngủ chung mùng với mình đang đứng để gấp mùng. Mình thì phải ngồi, vì chân còn bị còng. Nòng súng da của ông kê sát đầu mình. Ông cho nổ “Bủm” một phát thật to. Mình nắm gấu quần của ông giật giật hai cái. Ông cúi xuống thật thấp để nghe và nói thật nhỏ. Mình thì thào:
  • Già mà giỡn vậy đó hả?
  • Buồn quá ông ơi!
Tội nghiệp cho một kiếp người chỉ có một niềm vui duy nhất trên đời này là “súng da, đạn hơi, nhằm chân, bắn mũi.” Khổ đến thế là cùng.
7. Ông Sáu Khôi ở Cái Keo kể chuyện về trại giam của Việt Cộng: “Đi cầu, giòi rớt trên đầu”. Mình nghe mà cứ ngơ ngơ chẳng hiểu gì. Bây giờ thì mình hiểu rồi. Hiểu bằng lý luận khoa học, hiểu bằng cả thị giác lẫn xúc giác và khứu giác nữa.
Nhà vệ sinh công cộng của trại giam Kiến Vàng được thiết kế theo mẫu giàn mướp, chỉ khác là nó rất kiên cố để hai mươi mốt tù nhân ngồi xếp hàng trên đó mà nó không sập. Giàn cao bằng tầm người khổng lồ, có bậc thang leo lên. Xung quanh là dừa nước cao vượt tầm người. Phía dưới là phân người ngồn ngộn, trộn lẫn với sình đen. Hàng tỉ con giòi đè lên nhau mà di chuyển. Một hình ảnh ghê tởm khủng khiếp.
Ai nấy đều ì ạch rặn tối đa, để giải quyết xong vấn đề trong một thời gian ngắn nhất. Mình ngồi ở đầu hàng và đang cố gắng như mọi người, thì bỗng có vật lạ rơi trên đầu mình. Mình lấy bàn tay vuốt một cái, rồi đưa xuống mũi để ngửi. Đúng nó rồi. Một con giòi tài ba hy hữu bò lên cành lá dừa nước. Bò mãi mà không rớt. Chỉ chịu rớt khi không còn chỗ để bò nữa.
Đó là một sự hiểu biết nhỏ nhoi mà mình phải trả giá cao đến như vậy. Ôi trí tuệ của loài người!
8. Mình nhập trại xế chiều ngày 05.01.1975, thì sáng sớm hôm sau, anh đội phát cho mình hai miếng vỏ dừa khô. Mình chẳng hiểu gì. Mình chỉ biết công dụng của xơ dừa là rửa chén đĩa, cọ sàn nhà, cọ nồi niêu và hun khói chống muỗi. Vậy thì hai mảnh vỏ dừa khô này để làm gì? Phải chờ một lúc sau mình mới hiểu.
Trước khi xếp hàng đi vệ sinh, anh tù nào cũng ngồi xé xơ dừa, vò và đập cho rụng hết bụi cám. Mình bắt chước làm theo, nhưng làm chẳng bằng ai. Bụi cám rơi rụng thì ít. Bụi cám lì lợm không chịu rơi rụng thì nhiều. Bởi vậy, sau khi sử dụng xơ dừa vào mục đích ấy, thì suốt ngày phải chịu cái cảm giác “trĩ ngoại” ở “cánh cổng phía sau”. Khổ ơi là khổ! Nguyên nhân cái khổ chỉ là vài hạt bụi cám của xơ dừa. Nguyên nhân thì nhỏ, mà hậu quả thì to. Có kiến thức về triết học, khoa học và thần học, mà thiếu kiến thức về xơ dừa, thì đời vẫn còn là “Trời ơi, đất hỡi”.
9. Ở dãy tù nhân ngồi đối diện với mình có một ông già lãng tai. Ông bị xếp vào loại tù nhân không tiến bộ, nên bị còng cả hai chân suốt thời gian gần hai năm.
Theo nội quy, khi có tù nhân nào phải xuất ngoại thì khi mở cửa phải hô “Cửa”. Khi nghe “Cửa”, thì mọi người phải nằm xuống. Ông già điếc không nghe được, nên bao giờ cũng nằm xuống sau mọi người. Thế là bị xếp vào loại không tiến bộ.
Mình thương ông già điếc, nên thích theo dõi mọi cử chỉ của ông. Có một thời gian ông cứ rỉ rả xé cái hộp các-tông thành từng miếng nhỏ bằng bàn tay, rồi xếp thành một đống rất ngăn nắp. Cứ xé mãi, xé mãi, y như một ông khùng. Mình suy nghĩ mông lung mà vẫn không hiểu ý ông muốn dùng những miếng các-tông dày cộm đó để làm gì.
Thế rồi, một buổi sáng nọ bí mật ấy được bật mí. Khi các tù nhân xếp hàng để đi vệ sinh, thì đội của mình đi trước. Ông già điếc đi sau mình chừng tám mét. Ông luồn lách để tới tiếp cận với mình. Ông ấn vào tay mình xấp giấy các-tông ấy và nói thật lẹ: “Con cho cha để cha chùi đít.”
Mình cầm xấp giấy các-tông trong tay, mà lòng thì nao nao. Nao nao xấu hổ và nao nao sung sướng. Xấu hổ vì mình hiểu rằng, khi mình đi vệ sinh, thì ông theo dõi sát sao. Ông thấy tất tần tật. Quê ơi là quê! Nhưng xấu hổ xong, thì lại sung sướng và hãnh diện, vì được ông già yêu thương và được chùi đít oách hơn mọi người. Mình cười thầm trong bụng: “Tù cha” vẫn hơn “tù người ta”.
Sau này, mình mới biết ông già điếc ấy là ông Sáu Trai, thành viên Hội đồng giáo xứ Cây Bốm. Ông bị bỏ tù vì nghi vấn gián điệp. Ông được minh oan và được chánh quyền cách mạng đến xin lỗi tại nhà.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log