SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: CHUYỆN HY HỮU NGÀN NĂM MỘT THUỞ
Mình đến thăm một ngôi chùa, tọa lạc trên bờ một con rạch, cách xa nhà thờ Cái Rắn chừng 8 cây số. Mục đích của chuyến đi này là mở đường đi vào “Đối Thoại Liên Tôn”. Kế hoạch được phác họa chi tiết như sau:
1. Nhà thờ và nhà chùa cùng nhau đan tay để làm công tác xã hội: xây cầu bê tông, để xóa cầu khỉ ọp ẹp nguy hiểm; làm nhà tình thương, để tạo bầu khí ấm cúng cho gia đình nghèo khổ; khoan giếng để lấy nước ngọt bảo đảm sức khỏe cho dân vùng ngập mặn; cấp học bổng cho học sinh nghèo, để cặp vợ chồng DỐT – NGHÈO phải từ từ lùi bước…
2. Nhà thờ và nhà chùa là hai vườn hoa vừa đẹp vừa thơm sẽ có dịp để tặng cho nhau những thứ hoa bên này có mà bên kia thì không. Bên nhà chùa thì ngồi thiền để thấy đời không còn là bể khổ. Bên nhà thờ thì vừa cười vừa vác khổ giá đi vào vinh quang.
Mình đang mơ màng như thế thì xuồng ghé bến. Cửa chùa đóng im ỉm, không một tiếng động, không một bóng người. Mình bị hớ, nhưng không thất vọng, vì cảnh chùa đẹp quá!
Mình đang mải mê ngắm nghía, thì bỗng có một cánh cửa hé mở. Một bóng áo nâu vọt ra, xun xoe chắp tay chào:
- Con chào cha.
- Ủa, tại sao thầy biết tôi là linh mục?
- Cha quên con rồi. Con là thằng Ninh nè. Hồi đó, cha dạy giáo lý và rửa tội cho con mà.
- Ủa, con là thằng Ninh đó hả? Xin lỗi con. Bây giờ con khác ngày xưa quá, cha không nhớ ra. Con theo đạo Phật và tu chùa từ hồi nào?
- Cũng vài chục năm rồi cha ạ.
Ông cha nhà thờ và ông sư nhà chùa bá vai nhau nói chuyện tíu tít. Cứ xưng hô “cha – con” ngọt lịm như thuở nào. Đôi khi mình lỡ miệng còn xưng hô “mày – tao” nữa kia. Lỡ miệng nhưng không xấu hổ và không xin lỗi. Cứ tỉnh bơ như thiên thần. Tình cha – con vẫn tràn đầy…
Sau câu chuyện hy hữu ngàn năm một thuở này, mình ôn lại chuyện xưa. Lúc ấy, mình là cha xứ Cà Mau. Ở đấy có một gia đình rối rắm: chồng theo đạo Công Giáo; vợ theo đạo Phật; hai đứa con đều theo đạo của mẹ. Vợ là một tín đồ thuần thành của đạo Phật, nên quyết tâm không theo đạo của chồng. Mình hướng dẫn họ làm đơn xin chuẩn hôn nhân khác đạo. Được Đức Giám mục chấp thuận, mình dạy giáo lý và rửa tội cho hai đứa con, mà Ninh là con cả, đồng thời chứng hôn cho hai vợ chồng theo đúng giáo luật.
Mọi chuyện đạo nghĩa đang êm ả, thì bỗng dưng Ninh đi bụi đời. Sau một thời gian, hắn nghe lời mẹ khuyên bỏ bụi đời và vô chùa tu thân tích đức. Như vậy thì mình vừa buồn vừa vui. Buồn năm mươi. Vui năm chục. Buồn năm mươi do lỗi của ai? Một phần có thể do chính mình, vì chính mình dạy giáo lý và rửa tội cho Ninh. Vui năm chục vì Ninh đã quay đầu trở lại cuộc sống tu thân tích đức. Chuyện đã rồi, mình chỉ còn biết cầu nguyện, để “ý Cha thể hiện”. Mình chỉ ước mong một điều là Ninh từ vườn hoa bên ấy, trở về vườn hoa bên này. Vườn hoa bên ấy do thánh nhân vun trồng. Vườn hoa bên này do Đấng Tối Cao tạo dựng.
Chuyện “vui buồn năm mươi, năm chục” này đưa tâm tư của mình trở về quá khứ, để cảm nghiệm nhiều hơn về tinh thần “Đối Thoại Liên Tôn”. Chuyện kể thì nhiều, nhưng vui buồn chỉ gói ghém trong một số chuyện gây ấn tượng mạnh mà thôi.
CHUYỆN MỘT:
Mình may mắn được chia sẻ Lời Chúa với hai ni cô ở Bạc Liêu. Có một lần, một ni cô thắc mắc với mình.
- Linh mục ơi, đọc Cựu Ước, con thấy buồn nôn quá à.
- Tại sao vậy?
- Sứ ngôn Êlia đã nỡ tâm cho giết hơn bốn trăm sãi thần Baal trên núi Carmel. Máu đổ ra làm đỏ ngàu cả con suối.
- Tôi cũng buồn về chuyện ấy lắm. Luật cấm sát sinh của đạo Phật làm cho ni cô buồn hơn tôi là phải rồi. Nhưng thôi, chúng ta cùng nhau quên chuyện ấy đi. Cựu Ước chỉ là con đường dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu là lâu đài huy hoàng ở trên đỉnh núi. Đường mòn thì gồ ghề và quanh co. Hai bên đường vừa có hoa đẹp, vừa có sâu bọ và rắn rết. Cựu Ước chưa có mạc khải trọn vẹn. Mạc khải trọn vẹn chỉ có ở trong Đức Giêsu mà thôi. Êlia thì là thế. Còn Đức Giêsu thì dạy ta phải yêu thương và chúc lành cho kẻ thù, thì mới xứng đáng là con của Cha trên trời, Đấng cho mặt trời mọc lên để soi sáng cho cả người lành lẫn người dữ…
Một lần khác, chính ni cô ấy đã tâm sự với mình: Cái chết của Đức Giêsu đẹp quá! Oan khiên như thế, đau đớn như thế, nhục nhã như thế, mà vẫn cứ một niềm cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ.”
CHUYỆN HAI:
Một nữ phật tử từ bên Canada gửi thư về cho mình. Bà khoe rằng bà được kết hôn với một người Công giáo mà không vi phạm giáo luật, vì được chuẩn “Hôn nhân khác Đạo”. Bà được chồng dẫn đến nhà thờ dự đủ các thứ nghi lễ: lễ Chúa nhật, lễ an táng, lễ hôn phối, lễ bổn mạng giáo xứ… Ngoài ra, bà còn được tham dự các buổi đọc kinh tại tư gia nữa.
Sau bấy nhiêu lần tiếp cận với người Công Giáo, bà than thở với mình: “Người Công Giáo chỉ biết đọc kinh ra rả; chỉ có khẩu tụng mà không có tâm suy”. Bà còn cho mình biết mỗi ngày bà ngồi thiền ba tiếng đồng hồ.
Lá thư của nữ phật tử này bắt mình phải suy nghĩ thật nhiều. Trí thì ngẫm, mà tâm thì hơi buồn buồn. Trong lá thư phúc đáp, mình có lời cám ơn rất chân thành về sự đóng góp có tính xây dựng rất cao của bà. Mình cũng rất thành thật nhận sự thiếu sót của người Công Giáo trong vấn đề cầu kinh. Nói là “đọc kinh ra rả”, thì chẳng sai chút nào. Bảo là “chỉ có tụng mà không có niệm”, thì chỉ sai vài phần trăm. Suốt một Thánh lễ kéo dài chừng 30 phút, thì chỉ có vài phút im lặng, đó là lúc chủ tế đọc lời “truyền phép”. Cầu nguyện mà không có im lặng, thì không có chiều sâu.
Sau khi nhận khuyết điểm của mình, mình không quên cho bà ấy thấy rằng đằng sau cái ra rả như vô tâm ấy lại tạo được một sự đồng tâm nhất trí của một tập thể. Hàng trăm người mà chỉ có một lời. Cái tâm thì không sâu, nhưng cái lời thì mênh mông. Không cho 10 điểm, nhưng cũng phải cho 5 điểm.
Để biện hộ cho lý luận của mình, mình kể cho bà một câu chuyện tếu. Ngày tết, con cháu sum họp về nhà ông bà. Hàng chục đứa cháu tranh nhau kể chuyện cho ông bà nghe. Đứa thì khoe mình có bằng khen. Đứa thì khoe mình có bộ đồ xịn. Đứa thì khoe mình có kẹo cao cấp… Đua nhau nói khiến ông bà không còn muốn nghe nữa. Nhưng… tình yêu thì sâu thẳm, niềm vui thì chan hòa, khiến ông bà phải móc túi lấy tiền lì xì một cách hào phóng.
CHUYỆN BA:
Mình có một người quen chưa hề diện kiến. Đó là bà Trương Thị Diệu Đế. Chỉ nghe cái tên Diệu Đế thôi cũng đủ để biết bà là một phật tử chân chính như thế nào.
Mình đã viết cho bà một lá thư. Nội dung lá thư là buồn phiền và than phiền về luật cấm sát sinh của đạo Phật. Mình cho rằng cấm sát sinh là không thực tế, là không tưởng. Luật này dồn ngành y tế vào chân tường. Mỗi ngày các bệnh viện trên thế giới phải phạm tội sát sinh hàngtỉ tỉ lần. Sát trùng là sát sinh. Không sát trùng thì ngành y tế phải giải thể, bác sĩ và y tá phải nhìn nhau mà khóc rấm rứt.
Theo sát ngành y tế thì có ngành nông nghiệp. Không sát sinh thì không còn xịt thuốc diệt rầy nâu, diệt châu chấu và cào cào. Không sát sinh thì không còn trại gà, trại heo… và không còn những bữa cơm thịnh soạn. Không sát sinh thì không ai dám đun nước sôi, không ai dám nấu cơm nữa, vì phải giả thiết rằng vi trùng có thể hiện diện ở khắp mọi nơi. Nó hiện diện trong bó rau siêu sạch, trong bồn nước trong sạch và cả trong không khí trong lành. Nếu giết một con vi trùng là giết một kiếp nhân sinh, thì tội của loài người trùng trùng điệp điệp, cao hơn ngọn Everest, mênh mông hơn Thái Bình Dương. Chỉ nghĩ thế thôi cũng đủ để lương tâm cắn rứt, cắn mãi cho đến khi không còn ai sống sót trên trái đất này.
Lá thư của mình được gửi đi, thì hai tháng sau mình nhận được hồi âm. Đọc lá thư của bà Diệu Đế, mình có cảm tưởng như bà đang thỏ thẻ bên tai mình.
Luật sát sinh không thể thi hành hết được. Sát sinh là quy luật của thiên nhiên: cọp bắt nai; mèo bắt chuột; cá đớp cá; loài người phải ăn cá ăn thịt để lấy chất đạm cho cơ thể…
Luật cấm sát sinh chỉ yêu cầu sát sinh cách nào để con người không đánh mất đức từ bi, hỷ xả. Vẫn phải mổ bò, mổ gà để ăn. Nhưng đừng để cho con bò, con gà phải chết một cách đau đớn.
Đọc xong lá thư của phật tử Hà Lan, mình cảm thấy vui vui. Vui vì lối giải thích luật như thế là rất bao dung và đầy lòng từ bi hỷ xả. Giải thích luật như thế được mình gọi là “Ngày Sabát vì con người”.
Chị phật tử Diệu Đế ơi! Cám ơn chị vô vàn!
CHUYỆN 4:
Mình đến thăm Đức Hồng Y Mẫn ở Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn. Với tình bạn xưa, ngài nhắn nhủ mình: “Trên đường truyền giáo, cậu phải thận trọng. Người đạo mình có thói quen nói là ‘người ngoại trở lại đạo’. Nói như vậy là xúc phạm đấy”.
Mình chả hiểu gì cả, cứ đứng trơ ra như người vô hồn, cứ cúi mặt làm thinh y như thằng học trò bị ông thầy bắt quả tang đang cóp bài. Tại sao nói “người ngoại trở lại đạo” là một lời xúc phạm? Tại sao câu nói ấy được lặp đi lặp lại hàngtriệu lần trong suốt dòng lịch sử năm thế kỷ, thế mà chưa ai bảo là xúc phạm đến các tôn giáo bạn? Tại sao người ngoại trở lại đạo đang làm một niềm vui tưng bừng, bây giờ lại phải mang mặc cảm xúc phạm, mặc cảm tội lỗi?
Mình thì đang bù đầu suy nghĩ. Còn Đức Hồng Y Mẫn thì cứ tủm tỉm cười, tỉnh bơ như giáo sư siêu sao. Bỗng dưng, ngài thôi cười và bắt đầu nghiêm chỉnh kể chuyện.
Nhóm Tông đồ Giáo dân báo cáo lên Đức Hồng Y rằng có một cô ACB (họ gọi thế vì cô làm việc trong ngân hàng Á Châu) mới được rửa tội. Là tân tòng, nhưng cô sống đạo sốt sắng hơn cả cựu tòng, hơn cả nhóm truyền giáo. Nghe tin vui ấy, Đức Hồng Y cảm thấy như ruột gan dãn ra. Mừng quá!
Niềm vui thì quá lớn, nhưng rồi cũng phải phôi pha, vì công tác mục vụ dồn dập và trập trùng. Nhưng rồi trong một dịp lễ lớn, Đức Hồng Y đang bắt tay lia lịa những tín đồ đến xin phép lành, thì nhóm Tông đồ Giáo dân dẫn đến một phụ nữ tuổi xồn xồn và niềm nở giới thiệu: “Thưa Đức Hồng Y, đây là “Cô ACB” đấy ạ. Đức Hồng Y xởi lởi hỏi:
- Cô trở lại đạo hồi nào?
- Thưa Đức Hồng Y, con không trở lại đạo. Trước đây, con theo đạo Phật. Đạo Phật quá hay. Bây giờ, con thấy đạo Công Giáo hay hơn, nên con tiến lên thêm một bước nữa là gia nhập đạo của Chúa. Con theo Chúa, con nhập đạo Công Giáo, chứ không phải là trở lại. Đi lạc đường, đi sai đường thì mới trở lại. “Cô ACB” nói thao thao như một cô giáo từng trải, khiến Đức Hồng Y giật mình và ngẫm nghĩ. Vừa ngẫm nghĩ vừa giơ tay ban phép lành cho “Cô ACB”. “Cô ACB” cúi đầu chào giã từ Đức Hồng Y. Cô ra về, hãnh diện ngước mắt nhìn trời như học sinh ưu tú ra vẻ ta đây. Còn Đức Hồng Y thì ra về, vừa mừng, vừa vui, vừa quyết tâm phải đổi mới phương pháp truyền giáo.
Sau khi nghe Đức Hồng Y kể chuyện và nhắn nhủ mình “trên đường truyền giáo, cậu phải thận trọng. Nói ‘người ngoại trở lại đạo’ là xúc phạm đấy”, thì mình muốn gửi ngay tới “Cô ACB” lời và tâm sau đây:
“Cô ACB ơi! Cám ơn cô nhá! Từ nay tôi coi cô như cô giáo tuyệt vời của tôi. Tuyệt vời thật đấy”.