Thứ năm, 05/12/2024

Đi tìm bạn: Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 09:17 19/01/2022
SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: ĐI TÌM BẠN
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu
Ngày 19.12.1974 lá cờ xanh đỏ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam phấp phới trên nền trời thị trấn Cái Nước. Thầy Hùng, Cô Hồng và Cô Xuân bị bắt. Giáo điểm Cái Nước vừa mới chào đời được ba tháng, chưa kịp trưởng thành, thì đã lìa đời.
Cha Hoạch và Thầy Thành lấy xuồng máy chạy một mạch từ Cái Nảy đến Cái Nước để gặp Ban Quân Quản, xin bảo lãnh ba cán bộ truyền giáo. Ban Quân Quản hẹn ngày 24.12.1974 sẽ giải quyết. Buồn, nhưng không thất vọng, hai anh em trở về Đầm Cùng cười nói vô tư.
Vào thời điểm ấy, mình đang giảng tĩnh tâm ở Sài Gòn, nên chẳng biết gì. Chẳng biết gì, nên mình cũng vô tư.
Sáng 22 tháng 12 mình bình thản ra xa cảng miền Tây đón xe về Cà Mau. Sáng hôm sau cũng bình thản ra bến đò Kinh Mười Sáu, để đón tàu đò về Năm Căn. Đường tàu Cà Mau – Năm Căn bị phong tỏa. Các chủ tàu đò cho biết: “Các đồn lính Quốc gia bị bao vây hết rồi! Các kinh rạch bị Việt Cộng kiểm soát hết rồi.” Thất vọng! Nhưng chưa tuyệt vọng. Mình cứ đi lòng vòng, thăm dò dư luận để may ra tìm được một phương tiện đi về Năm Căn. Nhà mình ở Năm Căn, thì bằng mọi giá mình phải về đấy. Thiếu gì người ở Năm Căn như mình cũng đang tìm phương tiện để về đấy. Cũng bằng mọi giá…
Đúng thế thật! Có một chiếc đò nhỏ sẵn sàng đưa khách về Đầm Cùng. Chủ đò chơi liều để móc túi khách, khách chơi liều vì không còn cách nào khác nữa.
Xế chiều tối, con đò mới dám rời bến. Nó không dám chạy vào kinh xáng Đội Cường, vùng đang giao tranh. Nó phải lén lút chạy vào các rạch nhỏ và ngoằn ngoèo. Trước hết, nó chui vào Rạch Rập. Mình chỉ biết thế thôi. Sau đó là vùng nào, rạch nào, thì mình mù tịt. Chỉ biết chỗ nào cũng là vùng xôi đậu, thời điểm nào cũng là nhố nhăng nhất. Những viên đạn đang bay cheo chéo trên đầu kia chẳng biết là của phe nào. Nếu vô tình nó ghim vào ngực ai, thì chẳng phe nào chịu trách nhiệm.
Trăng mồng mười đã lên cao thật sớm. Nhưng trăng mồng mười là trăng nửa vời, không tròn không khuyết, chẳng sáng chẳng mờ, y như lịch sử lúc ấy: cứ ỡm ờ, cứ lững lờ, chẳng biết đi về đâu. Hành khách ngồi trong tàu đò mờ mờ ảo ảo. Chẳng biết ai hiền ai dữ, ai phe này, ai phe kia. Đành ngồi ngậm miệng. Đành phó mặc cho Chúa.
Chủ tàu đò và tài công chưa nắm vững địa bàn, cứ hỏi nhau ơi ới. Con đò như thằng khùng: quẹo phía tay trái, rồi lại quay ra; quẹo phía tay phải, rồi lại quay ra nữa. Hành khách đua nhau chỉ chỏ. Chỉ trật nhiều hơn chỉ đúng. Cà Mau – Đầm Cùng, nếu đi ngả kinh xáng Đội Cường thì chỉ có 40 cây số. Thế mà đi đường trong, vòng vo mãi từ 4 giờ chiều ngày hôm trước, đến 8g30 phút sáng hôm sau mới tới!
Mệt đứ đừ, mình thất thểu đi về giáo điểm Đầm Cùng. Thầy Lương Quang Chung hớt hải chạy ra đón và báo tin sốt dẻo: “Tình hình căng lắm rồi. Thầy Hùng, Cô Hồng và Cô Xuân bị bắt ngày 19 tháng 12. Thầy Vân, Thầy Đức và Cô Hạnh ở giáo điểm Cái Keo cũng bị bắt trên đường di tản. Cha Hoạch và Thầy Thành mới đi Cái Nước được 20 phút, để bảo lãnh nhóm truyền giáo Cái Nước. Nguy quá! Không biết có đi mà có về hay không. Nếu Cha Hoạch và Thầy Thành đi mà không về, thì quân ta mất đứt tám mạng”.
Đầm Cùng – Cái Nước chỉ có 9 cây số, thế mà chờ mãi chả thấy Cha Hoạch về. Chờ đến trưa, không thấy. Chờ đến chiều và chờ đến tối, vẫn không thấy. Thế là hết hy vọng… Vậy là mình mất một cha phó, bốn ông thầy và ba cô giáo. Đau quá! Mình quyết tâm cứu bồ.
Sau lễ Giáng Sinh buồn hiu hắt, mình lần mò đi vào Bàu Sen, huyện Đầm Dơi, để gặp chính quyền tỉnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hy vọng mỏng manh lãnh được đàn em.
Ngày 29 tháng 12 mình cử hành Thánh lễ Giáng Sinh muộn mất bốn ngày. Sau Thánh lễ, mình được mời dự Đại hội Công giáo họ đạo Bàu Sen. Ông Tám Lâm là ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh Cà Mau ngồi ghế chủ tọa. Mình ngồi kế bên. Mình thỏ thẻ!
  • Ông Tám ơi, nhóm truyền giáo của tôi đã bị cách mạng bắt và bỏ tù tám mạng rồi. Tôi nhờ ông Tám can thiệp trên tỉnh giùm. Chúng tôi bị chụp mũ “gián điệp”. Chúng tôi có biết gián điệp là cái quái gì đâu.
  • Thôi được. Cha cứ về Đầm Cùng xem. Nếu Cha Hoạch và các thầy cô về rồi thì thôi. Nếu chưa, thì móc nối với tôi, tôi sẽ can thiệp cho.
Mình vội về Đầm Cùng. Tin về Cha Hoạch vẫn bặt tăm. Bây giờ làm thế nào để móc nối với ông Tám Lâm. Đành phải liều thôi. Năm ăn, năm thua. Mình biểu anh Hai Nhà Mới lấy xuồng máy đưa mình vào Cái Nước gặp ban Quân Quản. Nếu thành công, thì đưa anh chị em về. Nếu thất bại, thì ngồi tù với đàn em. Nếu phải chết vì đàn em, thì cũng mát cái bụng của thằng đàn anh.
Một buổi tối, ngồi tâm sự với anh chị em trong giáo điểm Đầm Cùng. Không ai dám góp ý. Im thin thít.
Sáng sớm ngày 05 tháng 01 năm 1975, mình bắt tay giã từ anh chị em truyền giáo trong giáo điểm. Nụ cười của Thầy Tư Chung vẫn còn tươi rói. Đàn ông con trai là thế. Nụ cười của ba cô giáo thì héo hắt, gượng gạo. Đàn bà con gái là vậy. Thấy ba cô giáo sắp đẫm lệ, mình tưởng nhớ đến Cha Hoạch, một người đã từng nhiều lần tuyên bố với nụ cười tếu táo: “Quần hồng cản chân ngựa chiến, đàn bà là hữu thể cản chân ta.”
Mình dõng dạc bước xuống xuồng, ngồi xếp bằng, mặc áo dòng đen, cổ quấn khăn choàng tắm rằn ri, nhìn thẳng hướng Cái Nước, miệng thì thầm: “Xin đừng theo ý con, chỉ theo ý Cha mà thôi.”
Vừa rời giáo điểm Đầm Cùng được chừng một cây số thì một thanh niên đội nón tai bèo giơ tay ngoắc, gọi mình vào con rạch nhỏ. Hai xuồng nằm song song, rợp bóng dừa nước. “Nón tai bèo” lên tiếng:
  • Anh tên gì?
  • Tên tôi là Ngô Phúc Hậu.
  • Anh thứ mấy?
  • Tôi thứ tám. Tám Hậu.
  • Tôi được lệnh giữ anh ở đây.
  • ?... Tôi vô Cái Nước để gặp cán bộ các anh mà.
  • Anh đi theo tôi.
Được lệnh lên đường. Xuồng máy của mình phải kéo theo chiếc xuồng chèo của anh du kích. Anh du kích làm chủ và hướng dẫn viên. Anh Hai nhà Mới làm tài công. Cứ đi hoài, chẳng biết đấy là đâu. Chỗ nào cũng ô rô, cóc kèn, chang đước và cặc mắm. Chỗ nào cũng thấy xuồng chèo và miệng đáy. Phong cảnh rất nên thơ. Nhưng lúc này, thơ chỉ là thơ thẩn, chẳng còn lòng dạ nào để mà thưởng ngoạn.
Bỗng anh du kích giơ tay thật cao. Xuồng ghé bến. Anh du kích giã từ mình.
  • Ở đây có quán. Anh ghé ngồi uống nước, chờ anh em cấp trên đến làm việc.
  • Đây là đâu vậy?
Anh du kích không trả lời. Có lẽ anh ta cho mình là gián điệp, nên im lặng là đúng nhất.
Mình vô quán uống cà phê để giết thời giờ. Mình có cảm tưởng đây là thủ đô của vùng giải phóng, vì có quán giải khát, có tiệm tạp hóa và có cả tiệm chụp hình nữa.
Chờ hoài. Chờ mãi. Thời giờ dài như vô tận. Đói và buồn ngủ quá chừng.
Bốn giờ chiều thì có lệnh xuống xuồng, một người đàn ông tuổi tri thiên mệnh, mặc bộ đồ màu cứt ngựa, đứng trên bờ nói vọng xuống:
  • Tôi được lệnh dẫn anh lên gặp cấp trên theo yêu cầu của anh. Nhưng để bảo mật trên đường di chuyển, yêu cầu bịt mắt và trói.
Một anh du kích lấy một khúc dây điện đến lùa vào hai cánh tay mình, rồi bẻ quặt ra sau lưng. Bịt mắt thì không sao. Nhưng trói tay thì đau lắm. Mình bèn đấu tranh:
“Tôi đã gặp cán bộ của các anh nhiều lần rồi, từ Cấp Miền trở xuống. Chưa bao giờ bị đối xử như thế này. Các anh cứ bịt mắt và trói tôi, nhưng các anh phải nhớ để trả lời cho cấp trên sau này.”
Im lặng chừng 15 giây, có tiếng từ trên bờ vọng xuống: “Thôi, khỏi trói, khỏi bịt mắt. Nhưng phải nằm xuống và đậy lá lên trên.”
Mình và anh Hai Nhà Mới nằm bẹp xuống lòng xuồng. Anh du kích lấy dao chặt lá dừa nước, thảy lên một đống. Máy Kohler nổ bành bạch. Xuồng lao ra giữa dòng. Xuồng quay hướng nào, không biết. Cấp trên ở đâu, không biết. Mình xoay người nằm ngửa, để thấy ánh mặt trời qua kẽ lá. Nhờ ánh sáng mặt trời, mình biết được đâu là Đông, Tây, Nam, Bắc. Bỗng có một xuồng chèo đi cùng chiều. Người đàn bà nói giọng Quảng cứng ngắc. Thế là mình hiểu chỗ này là xóm người Quảng được đưa vào đây từ thời ông Ngô Đình Diệm. Chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ biết mình đang ở trên vị trí nào của bản đồ tỉnh An Xuyên (tên cũ của Cà Mau). Tò mò tìm hiểu, thấy vui vui.
Bỗng xuồng ghé bờ. Anh du kích đến bịt mắt mình rồi dẫn lên bờ và ra lệnh: “Anh ngồi xuống đây.” Mình tưởng tượng sắp có một mũi dao găm ghim vào lưng, hoặc có một viên đạn xuyên vào đầu. Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc theo cột sống. Bấy giờ mình mới hiểu câu nói “Lạnh buốt xương sống” là có thật. Mình quên sợ từ lâu lắm rồi. Hôm nay, mới lại thấy sợ: Sợ quá! Sợ buốt xương sống! Sau mười lăm giây đồng hồ sợ, mình nhớ đến Chúa, nỗi sợ biến mất.
Lại tiếp tục tò mò tìm hiểu. Thì ra chỉ là kéo xuồng qua đập. Anh du kích lại dắt mình xuống xuồng, bắt nằm và phủ lá lên trên. Vẫn bị bịt mắt. Anh du kích không còn cho máy nổ nữa, anh lấy sào chống xuồng. Có lúc anh phải nhảy xuống đẩy xuồng. Cành lá hai bên quét vào mạn xuồng. Mình hiểu đây là rừng, là chiến khu.
Bỗng có mùi hôi hôi, mùi hôi của khu dân cư thiếu vệ sinh. Nhưng vừa ngửi thấy mùi hôi, thì xuồng cập bến. Anh du kích dắt mình lên bờ, cởi khăn bịt mắt, đưa mình tới cửa trại giam, lột áo dòng, tịch thu tràng hạt, đẩy vào trại giam. Anh đội cho một tô cơm nguội ăn với muối hột. Ăn xong, anh đọc nội quy trại giam và trao cho mình một cái quyện hình chữ U.
Mình chính thức trở thành tù nhân, kết thúc một chuyến đi tìm bạn.
***
Sau này, khi được trả tự do, Cha Hoạch “chửi yêu” mình một trận tơi bời hoa lá:
  • Anh Tám có khùng không đấy? Tám đứa đi tù rồi chưa đủ hay sao mà còn mò vô. Thấy người ta bị tù rồi, thì phải tìm đường mà chạy xa ra chứ!
  • Tôi muốn bảo lãnh anh về. Nếu không được thì phải ngồi tù với anh chứ. Đàn em ngồi tù, mà đàn anh bỏ chạy thì nhục lắm.
  • Anh hùng rơm! Ngang như cua!
  • Ừ đấy. Đã sao chưa.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo họ Khâu Pùm chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận
Giáo họ Khâu Pùm chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận
Giáo họ Khâu Pùm, cộng đoàn người H'mông, vui mừng chầu Mình Thánh Chúa thay mặt Giáo phận vào đúng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng – khai mạc năm Phụng vụ mới. Dưới sự hướng dẫn của quý cha Giáo xứ Sơn La, Giáo họ đã chầu từ chiều thứ Bảy cho đến trưa Chúa Nhật trong sự nghiêm trang và sốt sắng.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log