Thứ tư, 22/01/2025

Ngày về buồn hiu: Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Cập nhật lúc 09:59 03/05/2022
Suy tư trên đường truyền giáo
Ngày 11 tháng 6 năm 1975 anh Hai Nhà Mới và thầy Út Niệm từ Năm Căn đến Bến Bọng thăm nuôi tụi mình. Quà thăm nuôi là một chục trái khóm và một nồi thịt chó.
Tình cờ, cũng ngày này, ông Mười Thân, chánh văn phòng Ty An Ninh Nhân Dân Cà Mau đến và báo tin chúng mình sẽ được trả tự do.
Sáng 12 tháng 6, anh chị em nhóm Truyền giáo Năm Căn đang bị quản thúc, tập trung đông đủ tại nhà chị Chín. Ông Mười Thân long trọng tuyên bố: “Chúng tôi bắt các anh chị vì nghi vấn chánh trị. Điều tra thấy không có, thì cho các anh chị về. Lẽ ra các anh chị được về trước tết, nhưng vì anh em cán bộ chúng tôi mắc đi tiếp thu, không có người làm việc. Xin các anh chị thông cảm… Riêng anh Hậu lẽ ra còn phải cải tạo lâu. Nhưng anh em cấp trên lỡ giải quyết cho anh về, thì anh cứ về. Không sao, chúng tôi còn gặp anh nhiều.”
Im lặng vài giây, ông Mười Thân nói tiếp: “Anh Hậu đừng đánh giá quá thấp anh em cán bộ như thế.” Cuối cùng, ông kết thúc như sau: “Chúng tôi bố trí tàu đò đưa các anh chị về Cà Mau, không được trở về Năm Căn. Nhưng lỡ có xuồng đến đón, thì chúng tôi đồng ý cho các anh chị về Năm Căn chơi vài bữa. Chúng tôi sẽ viết thư cho các anh em cán bộ ở bển.”
Được trả tự do, ai nấy đều hứng khởi quá thể. Riêng mình thì cứ lững lờ. Vui thì có vui, nhưng vui không trọn vẹn. Khó khăn thì tạm ngưng, nhưng lại thò ra những khó khăn mới. Nồi thịt chó kia béo ngầy ngậy bỗng dưng trở thành vô duyên quá chừng!
Rõ ràng là cấp trên thấy mình vô tội, nên đã giải quyết cho về. Vậy tại sao ông Mười Thân lại hối tiếc về chuyện ấy?” Mình suy nghĩ mãi mới biết rõ nguồn cơn. Nguồn cơn ấy tập trung hết vào đêm 11 tháng 6 năm 1975. Mình đặt tên cho đêm ấy là “Đêm ăn trái cấm ngu xuẩn”, vì chưa bao giờ mình đánh mất cảnh giác và ngu xuẩn như đêm hôm ấy.
Ông Mười Thân bố trí cho mình và Út Niệm ngủ chung một giường. Giường thứ hai dành cho chú bảo vệ. Còn ông Mười Thân thì ngủ tại nhà ông bạn, cách nhà chị Chín chừng một công đất (36m).
Đêm mùa hè nóng quá không ngủ được. Thêm vào đó là mình thèm nói chuyện quá, vì phải khóa miệng suốt gần năm tháng trời. Thế là mình rủ Út Niệm ra ngồi ở hành lang nói chuyện. Chuyện nói đến nửa đêm vẫn chưa có hồi kết. Nội dung chuyện nào cũng là bêu diếu cán bộ.
Út Niệm khai khẩu:
  • Mấy ổng đang chuẩn bị cho ủi hết thị xã Cà Mau, để xây dựng một tân thị xã toàn là nhà Việt Nam.
  • Thế nào là nhà Việt Nam?
  • Nhà Việt Nam là nhà có vách trét bằng bùn trộn với cứt trâu đó.
  • Cà trớn! Chỉ có thằng ngu mới nghĩ như thế.
  • Mấy ổng còn cho biết là tỉnh mình kết nghĩa với tỉnh Hà-Nam-Ninh. Các bạn Hà-Nam-Ninh sẽ vô xây cho tỉnh ta cây cầu Đầm Cùng. Kỹ thuật xây cất của Hà-Nam-Ninh cao lắm. Cầu Đầm Cùng họ chỉ làm một tuần là xong.
  • Cầu xây một tuần, thì chỉ là cầu khỉ thôi. Bê tông phải ba tuần mới chết. Muốn xây cầu Đầm Cùng thì phải mất tối thiểu là hai tháng. Ngu vừa vừa thôi chứ. Nói thật với cậu, tôi đã tiếp xúc với cán bộ từ cấp Miền trở xuống, tôi thấy trình độ học vấn của họ thấp tè tè, cỡ từ đầu gối trở xuống. Mình chỉ thấy có hai người có trình độ tương đối khá, đó là ông Hai Đô và ông Mười Thân.
Út Niệm kể chuyện Cà Mau. Mình đáp lễ bằng chuyện Bến Bọng.
  • Mấy đứa ở đây đi tiếp thu Cà Mau về, kể chuyện cho bạn nghe: “Ra Cà Mau, tao đứng trên cầu nhìn xuống, thấy xuồng ghe chạy ào ào, coi đã hết sức. Còn nhà ngoài đó á hả! Tầng này xếp lên tầng kia, coi ngộ hết biết luôn… Chưa hết đâu. Ra ngoài đó, chun vô mùng vợ người ta, thơm bể lỗ mũi luôn. Về nhà, chun vô mùng vợ mình, toàn mùi nước đái con nít…”
Gần như suốt đêm, hai anh em chỉ nói xấu cán bộ. Cứ tưởng mình chỉ nói thủ thỉ, thì chẳng ai nghe. Ai ngờ…
Ông Mười Thân không ngủ ở bên nhà ông bạn, nhưng lại đổi chỗ với chú bảo vệ, mà ngủ ngay trên bộ ván chỉ cách chỗ mình thủ thỉ chừng hai mét. Chúng mình nói nhỏ, nhưng gió lại lùa qua vách lá thưa đưa hết chuyện bí mật vào tai ông Mười Thân.
Hậu quả của cái đêm ngu xuẩn ấy là những chuyện buồn nối tiếp xảy ra trong suốt 14 năm quản chế vô duyên.
  1. Cuối năm 1975, mình và Cha Hoạch chuyển thư của Đức Cha Quang lên sở Công An tỉnh Minh Hải. Đức Cha Quang đề nghị cho cha Hoạch làm cha sở Vĩnh Mỹ. Còn mình thì được đề nghị cho về Cần Thơ. Sở giải quyết cho cha Hoạch theo yêu cầu. Còn mình thì “Anh Hậu còn phải ở đây lâu.”
  2. Năm 1976, mẹ mình qua đời. Năm 1977, mình xin về Bắc để thăm bố, sợ bố chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ông Hoàng Minh Nhất, đại diện Ban Quân Quản trả lời như sau: “Nếu anh về Bắc, thì chúng tôi phải cho người đi hộ tống. Đó là điều chúng tôi không thể làm được. Nếu anh đi một mình, mà lỡ xảy ra chuyện sai chính sách, thì phiền lắm. Mong anh thông cảm.”
  3. Hằng năm, cha quản hạt Lê Văn Tỏ vẫn làm đơn xin cho các linh mục Minh Hải đi cấm phòng ở Cái Răng. Lần nào cũng được Mặt Trận Tỉnh trả lời: “Chấp thuận cho các linh mục Minh Hải đi cấm phòng tại Cái Răng, trừ Ngô Phúc Hậu, vì còn bị quản chế.”
  4. Có một thời, tỉnh lỵ Minh Hải được dời về Bạc Liêu. Thế là các linh mục và tu sĩ tỉnh Minh Hải không còn cấm phòng ở Cà Mau nữa, mà dời về Bạc Liêu. Thế là mình bị kẹt. Có một lần Ủy Ban Nhân Dân thị xã Bạc Liêu sơ ý duyệt cho mình được cấm phòng ở Bạc Liêu. Mừng quá, mình xách đồ đi lên Bạc Liêu từ chiều hôm trước. 9 giờ đêm, cha quản hạt Lê Văn Tỏ kéo mùng của mình và nói: “Công An thị xã kêu đi làm việc. Chịu khó đi với người ta cho xong.” Mình lồm cồm bò dậy. Ông thầy Chánh lấy xe máy chở mình ra phòng Công An.
  • Ông còn bị quản chế, tại sao ông dám đi cấm phòng?
  • UBND thị xã duyệt cho tôi đi, thì tôi đi.
  • Chúng tôi hỏi Mặt Trận Tỉnh, thì Mặt Trận Tỉnh không nhất trí. Chúng tôi đưa ông vô khách sạn ngủ, rồi sáng mai ông phải về Cà Mau.
  • Nếu không cho tôi cấm phòng, thì cho tôi về nhà thờ ngủ. 8 giờ sáng mai mới cấm phòng. Tôi sẽ ra bến xe về Cà Mau trước 8 giờ.
Chẳng nói chẳng rằng, một anh Công An lấy xe Honda chở mình ra khách sạn rồi bỏ mình ở đó.
Đồ đạc mình để hết ở bên nhà thờ. Trong tay không có một cái khăn, cũng không có một tờ giấy để lau chùi. Sáng hôm sau, mình đi vệ sinh theo thường lệ, thì nhà vệ sinh lại không có giấy. Kẹt quá! Đành bới thùng rác để tìm giấy đã xài rồi. May quá, có ai đó chơi bảnh: chùi bằng hai tờ pơluya. Mình gỡ lấy tờ sạch, để chơi bảnh như ai đó. Vừa chùi, vừa lẩm nhẩm bài thơ của Trần Dần:
“Giấy trắng một mặt xé toang chùi đít
Trong khi đó con cái nhân dân ta
Rọc lá chuối non đóng vở, học i - tờ.”
  1. Năm 1984, con mắt trái của mình có dấu hiệu sắp bị hư như mắt bên phải. Mình làm đơn lên Cảnh Sát 1 xin đi học khóa dưỡng sinh ba tháng rưỡi ở Sài Gòn. Mình nhờ ông Chế Ủ dẫn đi. Ông Chế Ủ quen biết nhiều, nên thủ tục tiến hành rất mau.
Ba tháng rưỡi trôi qua rất êm ả. Ngày cuối khóa, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, cha đẻ của khoa Dưỡng Sinh, đến đọc tham luận. Mình đang ngồi chăm chú nghe, thì có một em bé đến, đặt trước mặt mình một miếng giấy nhỏ xíu. Đó là thư báo của văn phòng: “Mời chú Hậu vô văn phòng.” Cô văn phòng dòm mình bằng cặp mắt thương cảm.
  • Chú Hậu là linh mục phải không?
  • Đúng, tôi có ghi đủ trong hồ sơ mà.
  • Có hai chú công an tỉnh Minh Hải đến đây hỏi chú. Vì chú làm ở bên đạo có nhiều khó khăn, nên cháu nói dối thế này: “Chú Hậu vẫn đến lớp thường xuyên. Nhưng riêng hôm nay thì chú ấy vắng mặt”. Cháu báo cho chú hay, để chú lo giấy tờ cho chu đáo.
  • Cô yên tâm. Tôi đi học, có giấy tạm vắng và tạm trú đầy đủ.
Ngay tối hôm ấy, Công An phường 6, Tân Bình đến nhà thờ Lộc Hưng nhắc mình:
  • Giấy tạm trú của ông hết hạn rồi đấy.
  • Đúng. Ngày mai tôi sẽ về Cà Mau.
Về Cà Mau mới biết thêm một chuyện nữa. Một anh Cảnh Sát bật mí cho một bạn nhậu Công giáo: “Thủ trưởng mày đi học dưỡng sinh làm thủ trưởng tao bị xì nẹt. Phó Giám đốc Sở Công An đặc trách chánh trị quản lý thủ trưởng mày, chứ không phải thủ trưởng tao, vì thủ trưởng mày còn đang bị quản chế.”
  1. Năm 1987, tờ báo Xuân của Công An Minh Hải có đăng một bài của ông Phạm Văn Hệ. Ông Hệ viết về tổ chức Giáo hội hạt Minh Hải. Trong bài này, ông Hệ viết về mình như sau: “Ngô Phúc Hậu là linh mục chống phá cách mạng trắng trợn nhất và cầm đầu các linh mục phản động Minh Hải”. Bài báo làm nhiều người nổi da gà và nhìn mình bằng cặp mắt thương cảm. Báo Công An Tỉnh mà viết về mình như thế, thì… còn gì nữa đâu.
  2. Năm 1989, khi thấy ông Nguyễn Văn Linh cởi mở, có vẻ như đang mở một trang sử mới, mình làm đơn xin được hưởng trọn vẹn quyền công dân. Mình không dùng từ xin xả chế, vì mình bị quản chế bằng miệng chứ không bằng giấy tờ, không nói lý do và không cho biết thời hạn.
Ông Tư Dân, Chủ tịch Mặt Trận Tỉnh, cho biết mình được xả chế rồi. Mừng quá, bèn tổ chức một bữa tiệc nhỏ gồm có ông Tư Dân và các linh mục trong thị xã Cà Mau. Để khai mạc bữa tiệc, mình đứng dậy mời mọi người nâng ly. Ông Tư Dân nắm tay mình kéo xuống và tuyên bố: “Tôi nâng ly, chứ không phải ông. Tôi xở được cái lấn cấn này cho ông, ông mừng một phần, còn tôi thì mừng mười phần. Tôi khổ vì ông quá rồi. Các ban ngành hỏi tôi ‘ông Hậu có tội gì mà bị quản chế’, thì tôi trả lời không được. Hỏi bên Sở Công An, thì thằng này đổ thừa cho thằng kia, không đứa nào biết gì hết.
Vì mừng quá mà hóa ngu. Vì ngu quá nên mới ăn vụng trái cấm. Vì ăn vụng trái cấm lần ấy, mà mình phải trả giá 14 năm quản chế. Oan khiên quá chừng!
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Ngày hội đời sống thánh hiến 2025 với chủ đề “Cùng với Hội Thánh xây dựng một cộng đoàn loan báo Tin Mừng”
Đây không chỉ là một ngày hội ngộ với niềm vui và tình huynh đệ, mà còn là cơ hội đặc biệt để các tu sĩ cùng nhau suy tư, cầu nguyện và tái khẳng định sứ mạng làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log