SUY TƯ TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO: LÁ THƯ NGỎ GỬI ÔNG BẠN TIN LÀNH
Anh Hai mến!
Hôm ấy, trên chuyến xe đêm đi về miền lục tỉnh, anh ngồi kế bên tôi, trên một chiếc băng hà tiện. Anh thì lưng dài vai rộng. Tôi thì rộng vai dài lưng. Dù muốn dù không phải bắt buộc vai kề vai. Anh thấy chiếc phô-côn trắng trên cổ áo của tôi, bèn hiểu ngay tôi là linh mục Đạo Công Giáo. Anh tự giới thiệu là “nhà truyền đạo Tin Lành”, rồi dìu tôi vào cuộc đối thoại.
- Tôi xin hỏi: bên đạo Công Giáo có còn giữ luật độc thân không?
- Còn chứ. Ông thánh Phaolôđã tuyên bố rõ rồi: “Người có vợ có chồng, thì lo cho chồng cho vợ. Người không chồng không vợ, thì lo cho Chúa”.
- Đúng thế thật. Bên đạo Tin Lành chúng tôi, mục sư có vợ, nên bê trễ việc nhà Chúa nhiều quá.”
Để phụ họa ý kiến của anh, tôi kể cho anh nghe một câu chuyện xảy ra tại nơi tôi đang sinh sống. Nhà tôi và nhà ông mục sư chỉ cách nhau chừng mười phút đi bộ.
Vợ của ông mục sư đau nặng phải đi nằm viện ở Sài Gòn. Ông mục sư phải bỏ nhà để lên Sài Gòn chăm sóc cho “nửa kia” của mình. Vợ chồng là một xương, một thịt. Chính ông tổ loài người là Ađam đã công bố như thế. Quyền lợi của họ đạo phải lùi bước để nhường chỗ cho quyền lợi của gia đình. Đành phải vậy thôi. Khẩn trương không cho phép chờ đợi.
Sau một thời gian dài, “nửa kia” của ông mục sư được xuất viện. Nhưng sức khỏe mới chỉ tạm ổn, chứ chưa tiến bộ khả quan. Thế là “nửa bên này” vẫn phải tiếp tục dành trọn thời giờ và công sức để lo cho “nửa bên kia”.
Một mục sư biết lo lắng cho vợ mình như thế là rất đúng. Nhưng chỉ mới đúng nhì, chứ chưa đúng nhất. Chính Chúa đã sáng tạo ra người nam và người nữ, để họ kết hợp với nhau nên một mà sinh sôi nảy nở cho tràn đầy trái đất. Nhưng cũng chính Đức Giêsu đã kêu gọi môn đệ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài trăm phần trăm. Môn đệ nào cũng gãi đầu gãi tai, để chỉ theo Chúa năm mươi phần trăm thôi. Chúa đã phải cho họ trúng một mẻ cá cực kỳ sốc, bấy giờ họ mới chịu cúi đầu giã từ gia đình thân thương, để đi theo Chúa mà phục vụ Tin Mừng mãi cho đến chết.
Cuộc đối thoại trên đây đã đem lại cho anh một chút mặc cảm tự ti. Nhưng mặc cảm tự ti ấy chỉ nhỏ tí xíu thôi. Anh vẫn tủm tỉm cười như người không thua cuộc. Đúng vậy, vì cả hai chúng ta chỉ tranh luận để phục vụ cho chân lý, chứ không phải để xem ai thắng, ai thua.
Cười tủm tỉm một lúc, anh lại mở màn cho cuộc đối thoại: “Tại sao Chúa đã dạy rằng chúng ta chỉ có một Cha trên trời, thế mà bên Công Giáo lại cứ gọi linh mục là cha? Trong nhà thờ, khi linh mục giang tay chào: “Chúa ở cùng anh chị em”, thì mọi người đều đáp lại: “Và ở cùng cha”. Thế là bên Công Giáo sai. Cái sai ấy được lặp đi lặp lại hằng tỉ lần mỗi ngày. Khi thì “và ở cùng cha”. Khi thì “con chào cha”. Khi thì “cha tha tội cho con”. Sai từ trong nhà thờ ra tới ngoài đường phố… Sai, sai và sai.
Anh Hai ơi, suy nghĩ của anh hay quá khiến tôi giật mình và ước mơ một ngày nào đó không còn ai gọi linh mục là cha nữa. Nhưng ước mơ ấy của tôi cứ phai mờ theo thời gian và cuối cùng nó trở thành một trò hề. Tại sao vậy? Anh hãy vui lòng chờ câu trả lời của tôi ở cuối lá thư này. Còn bây giờ thì…
Đức Giêsu dạy chúng ta không được gọi ai dưới đất này là Cha, vì chúng ta chỉ có một cha trên trời, còn mọi người dưới đất này đều chỉ là anh em mà thôi. Sau đó, Ngài lại bảo chúng ta đừng gọi ai dưới đất này là Thầy, vì chúng ta chỉ có một Thầy là Đức Kitô. Nếu bên Công Giáo sai vì gọi linh mục là “Cha”, thì bên Tin Lành cũng sai vì có từ “Mục sư”. Sư là Thầy, chứ đâu phải là người đồng vai đồng vế.
Kết thúc câu chuyện là: hai bàn tay siết lấy nhau thật chặt; hai ánh mắt chớp chớp nhìn nhau thật lâu; hai cặp môi cùng nở nụ cười chúm chím chân thành. Tin Lành và Công Giáo phải là thế. Tôi với anh là thế. Mong rằng nó mãi mãi là thế.
Anh Hai mến!
Tôi chỉ gặp anh có một lần ấy. Tôi chỉ được tâm tình với anh một đêm hôm ấy. Rồi biệt tăm luôn, biệt tin luôn. Nhưng cuộc gặp gỡ và tâm tình hôm ấy lại mở đường cho nhiều cuộc đối thoại giữa “tôi Công Giáo” và “các đồng đạo Tin Lành” của anh. Sau đây là những lần ấy:
1. Đã có một thời tôi được chia sẻ Lời Chúa với một cô giáo Tin Lành. Cô Nga là giáo viên tiểu học. Trường tiểu học lại nằm ngay trong khuôn viên nhà thờ. Cứ mỗi buổi chiều, sau khi tan học vào lúc 4g30 thì cô lại sang nhà xứ chia sẻ Lời Chúa với tôi. Sau buổi chia sẻ Lời Chúa, cô lại vào nhà thờ dự Thánh lễ.
Bỗng có một lần kia, cô ngỏ lời với tôi:
- Cha ơi! Xin cho con rước Mình Thánh Chúa với.
- Không dám đâu. Bên Tin Lành không tin Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Cô nên trao đổi với mục sư về vấn đề này.
- Bên Công Giáo sướng quá, vì được rước Mình Thánh Chúa hằng ngày, còn bên Tin Lành thì không.
Giọng nói và ánh mắt của cô Nga có vẻ hờn dỗi. Nhưng hờn dỗi chứ không giận dỗi. Những buổi chia sẻ Lời Chúa vẫn tiếp diễn.
Cô Nga Tin Lành ước mong được rước Mình Thánh Chúa khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện không vui đã xảy ra giữa một cô sinh viên Công Giáo và một cô sinh viên không Công Giáo.
Sau Thánh lễ sáng ngày mồng một tết, một cô sinh viên đến đứng ở trước cửa phòng của tôi. Cô đon đả lên tiếng:
- Ông cố ơi! Ông cố có huỡn không? Xin ông cố cho con vài phút.
- Cho con vài chục phút luôn. Chuyện chi vậy?
Tôi tưởng là chuyện tình duyên trắc trở, ai ngờ lại là chuyện rước Mình Thánh Chúa. Đây là nội dung của câu chuyện.
Ở Sài Gòn có hai cô sinh viên: một cô theo đạo Công Giáo, một cô không theo đạo nào. Cả hai cô đều phải sống xa quê hương thân thương, nên coi nhau như chị em ruột. Mà đã yêu nhau, thì phải cắn nhau đau. Cô không tôn giáo trêu chọc cô Công Giáo:
- Đạo Công Giáo của mày kỳ cục thấy mồ.
- Tại sao mày dám biểu đạo tao là kỳ cục?
- Thì rõ như ban ngày: đạo mày ăn thịt và uống máu ông Giêsu.
- ?!
Cô sinh viên Công Giáo ớ ra, chẳng biết đường trả lời. Đành cười trừ, để chống thẹn.
Anh Hai mến!
Nghe tôi kể câu chuyện này, chắc anh Hai cười thầm trong bụng. Còn tôi, khi nghe cô sinh viên Công Giáo kể chuyện này, tôi muốn chắp tay, cúi đầu để cảm nghiệm và muốn truyền đạt đến cô sinh viên không Công Giáo ấy niềm tin sâu thẳm của tôi:
“Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu không phải là kỳ cục, mà là kỳ diệu và siêu kỳ diệu”.
“Ăn thịt và uống máu Đức Giêsu là điểm tới của một thứ tình yêu siêu việt, ngoài tầm với của loài người”.
Tôi xin mời anh Hai cùng tôi tay trong tay, lội ngược thời gian gần hai mươi thế kỷ, để nhìn ngắm bữa tiệc vượt qua của Thầy Chí Thánh chúng ta. Tiệc ấy là tiệc cực vui mừng. Vậy mà không có một tiếng cười, không có một ánh mắt bừng sáng. Tất cả đều ngồi im thin thít. Tất cả đều buồn đến rơi lệ. Thầy Chí Thánh tuyên bố bữa tiệc này là bữa tiệc cuối cùng. Thầy Chí Thánh cũng nghiêm nghị tuyên bố có một kẻ phản bội. Thầy Chí Thánh cũng không ngần ngại thông tin rằng: chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi, Ngài sẽ bị bắt, bị tra tấn và sẽ bị giết.
Trong bầu không khí buồn tê tái ấy, Thầy Chí Thánh của chúng ta bất ngờ đứng dậy, hai tay cầm ổ bánh mì, cặp mắt đăm đăm, giọng nói trầm buồn và rành rọt:
“Đây là thân thể của Thầy sẽ bị nộp vì anh em. Anh em hãy cầm lấy mà ăn”.
Mười một cái đầu lúc lắc. Mười một cặp mắt chớp chớp. Mười một bộ não ngu muội chẳng hiểu gì, cứ im lặng ngồi nhai nhóp nhép.
Ăn hết ổ bánh mì một cách trang trọng, Thầy Chí Thánh lại đứng lên, hai tay bưng ly rượu nho, lại với giọng nói trầm buồn và rành rọt:
“Đây là máu của Thầy sẽ đổ ra để cứu chuộc anh em. Anh em hãy bưng lấy mà uống”.
Để kết thúc bữa tiệc, Thầy Chí Thánh long trọng tuyên bố:
“Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy”.
Sau khi lặng lẽ chiêm ngắm bữa tiệc chia tay của Thầy Chí Thánh, tôi cảm nghiệm được hết cả tâm lẫn tư của Ngài. Đây là lúc Thầy phải giã từ các môn đệ mà về với Chúa Cha. Thế mới khổ: bỏ các môn đệ mà đi, thì cầm lòng không nổi. Cứ ở lì với các môn đệ, mà không về với Chúa Cha, thì lòng con thảo đau như thắt. Bởi thế, Ngài phải thực hiện một kế hoạch nhất cử lưỡng tiện. Đó là cứ về với Chúa Cha, đồng thời vẫn cứ ở lại với các môn đệ. Kế hoạch đó được gọi là Bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là biến bánh mì thành thịt của Chúa và biến rượu nho thành máu của Ngài. Ăn thứ bánh ấy và uống thứ rượu ấy, thì Chúa và ta trở thành một.
Chưa hết đâu, bây giờ tôi lại mời anh cùng tôi đi đến nguyện đường Caphácnaum, để nghe Chúa giảng. Bài giảng này được thực hiện sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Uy tín của Chúa lúc ấy như con diều đang vi vu trên chín tầng trời mây. Thính giả thì trùng trùng điệp điệp. Hàng ngàn cặp mắt không chớp. Hàng ngàn đôi vành tai vểnh lên…
Với giọng nói sang sảng, Chúa tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống đến muôn đời.”Hàngcặp môi của thính giả banh ra: “Tại sao ông ta lấy thịt mình, để cho chúng ta ăn?” Chúa không rút lời, mà còn nhấn mạnh thêm: “Ai không ăn thịt và không uống máu tôi, thì không có sự sống muôn đời.” Nhóm đệ tử hạng hai của Ngài nghiến răng ken két và phản đối: “Lời gì mà chói tai như vậy, ai mà nghe cho nổi”. Hết tình thầy trò luôn.
Dòng người xoay lưng, ùn ùn rút lui, vừa đi vừa chê “quê ơi là quê!”
Trong nguyện đường chỉ còn mười ba Thầy – trò. Trò thì bịt mặt và gục đầu. Thầy thì cứ tỉnh bơ, cười tủm tỉm, không chấp nhất… Phải chờ mãi cho tới bữa tiệc Vượt Qua tối hôm ấy, Thầy mới bật mí. Bấy giờ các môn đệ của Thầy mới dần dần mở mắt ra mà hiểu.
Anh Hai ơi, mắt tôi cũng đã mở, mà còn mở rất to. Vì thế, sau khi thấy tình Chúa, tôi lại thấy tình đời. Ở trên đời này, những người yêu nhau đều muốn trở nên một với nhau:
- Hai vợ chồng yêu nhau. Hứng quá, hai đứa nhìn nhau thắm thiết rồi cùng nhau tuyên bố một câu chắc nịch như đinh đóng cột: “Ta với mình tuy hai mà một”. Tuyệt vời! Thế nhưng, có lúc lại cụt hứng, hai đứa không nhìn nhau mà chỉ nhìn ra cổng, rồi nói bâng quơ “Ta với mình tuy một mà hai”. Tịt vòi!
- Ở trên đời này không có tình yêu nào lớn hơn tình mẫu tử. Mẹ mang bầu 278 ngày. Mẹ nuôi con bằng những giọt máu tinh tuyền từ nhà máy lọc là cái nhau. Cuống rốn là quan lộ dẫn máu đến bào thai để nâng cái thai từ vài ba gram lên đến vài ba ký.
Cái thai ra đời làm bé thơ. Mẹ lại lấy sữa từ trong cơ thể của mình, để nâng bé thơ từ ba bốn ký lên đến hàng chục ký. Suốt hai quá trình ấy lúc nào người mẹ cũng cảm thấy hai mẹ con chỉ là một. Thế nhưng, cái cảm nghĩ ấy không thể tồn tại được. Một ngày nào đó con cái ra riêng, cảm nghĩ “mẹ và con là một” sẽ giảm đi từ từ. Rồi nó sẽ kết thúc khi một trong hai nhắm mắt lìa đời.
Đức Giêsu, Thầy của chúng ta phá banh quy luật ấy. Ngài yêu chúng ta và quyết tâm biến Ngài với chúng ta thành một thật, thành một trong tinh thần và thể xác, thành một hôm nay và mãi mãi.
Ăn thịt và uống máu Chúa là thế. Hiệu quả tuyệt vời là vậy.
***
Anh Hai mến!
Để kết thúc lá thư này, tôi xin thi hành lời đã hứa với Anh.
Xin mời anh cùng tôi trở về thời thơ ấu, để thi hành bài giáo huấn của Chúa. Ngài bảo rằng: Đừng gọi ai dưới đất này là Cha, vì chỉ có một Cha trên trời thôi. Cũng đừng gọi ai dưới đất là Thầy, vì chỉ có một Thầy là Đức Kitô.
Thế là tôi và anh cùng xách túi đi học, khiêm tốn cúi đầu chào hai đấng sinh thành: “Xin chào anh chị, chúng em đi học”. Khi đến trường, tôi và anh lại cúi đầu chào thầy, cô: “Xin chào anh chị, chúng em đến trường rồi ạ”. Trên đường về, chúng ta gặp bà cụ già còng lưng, chống gậy đi lom khom, bèn ngả mũ: “Chào chị Còng ạ”.
Ngày Chúa nhật, anh và tôi chia tay nhau. Anh đến nhà thờ Tin Lành để cùng đọc Kinh Thánh. Gặp mục sư đang đứng ở cổng nhà thờ, anh đề nghị: “Từ nay Tin Lành chúng ta không có mục sư nữa, mà chỉ có mục huynh và mục đệ thôi”. Mục sư hỏi: “Tại sao vậy?” Anh đon đả trả lời: “Tại Chúa dạy vậy”.
Còn tôi thì khi đến nhà thờ dự lễ mà linh mục chào: “Chúa ở cùng anh chị em”, thì tôi phải cùng mọi người đáp lại thật to: “Và ở cùng anh.”
Cứ theo lý luận này, thì phải tin rằng: Đức Giêsu ngày xưa cũng gọi Đức Maria là chị và Thánh Giuse là anh. Khi đến nguyện đường, Ngài không chào trưởng hội đường là Thầy, mà cứ chào là anh hoặc là em thôi.
Anh Hai ơi! Anh thử tưởng tượng xem, nếu toàn thế giới đều thi hành giáo huấn của Chúa như thế, thì có buồn cười không? Điều đó chứng tỏ rằng Chúa chỉ cường điệu lời giáo huấn ấy, để nhấn mạnh tinh thần huynh đệ là cực kỳ quan trọng mà thôi. Đừng vâng lời Chúa theo nghĩa đen.
Trong đời sống hằng ngày, mẹ chúng ta cũng hay cường điệu hóa lời nói như vậy. Ví dụ: Khi mẹ buồn giận đứa con bất hiếu, mẹ vẫn thường nói: “Biết thế, tao không đẻ ra mày. Tao đẻ ra quả trứng để luộc ăn còn sướng hơn đẻ ra mày”. Có thật không đấy? Nếu tâm và ý của mẹ là thật như thế, thì nên mua cho mẹ một quả trứng, rồi cuốn gói ra đi. Đi mút mùa luôn! Và… trên thế giới này chỉ còn những người đàn bà biết đẻ và lỡ đẻ, chứ không còn tình mẫu tử bao la như biển Thái Bình nữa.
Tái Bút:
Anh Hai mến!
Lá thư ngỏ gửi anh đã kết thúc. Nhưng tình cảm tha thiết giữa anh và tôi lại không cho phép hạ bút. Công Giáo và Tin Lành phải yêu nhau như chị em gái chứ không được nhái nhau như chị em dâu. Tinh thần đối thoại giữa hai chị em gái phải mãi mãi tồn tại.
Hôm ấy, tôi đến thăm mục sư Hồ Xuân Phong. Chuyện anh em trao đổi thì từ Thánh Kinh đến văn hóa, từ xã hội đến tôn giáo và chính trị. Bỗng tôi hứng lên:
- Mục sư ơi! Tin Lành giàu quá, in hằng triệu bản Kinh Thánh và tặng miễn phí cho hàng triệu người ngoại đạo.
- Không phải vậy đâu. Công Giáo giàu hơn Tin Lành, nhưng có đồng nào, thì đem xây tháp chuông và mua chuông hết rồi, còn tiền đâu mà in Thánh Kinh.
Đúng thế thật. Đây là một bài học thấm thía mà tôi vừa ghi khắc trong lòng, vừa cám ơn mục sư Hồ Xuân Phong như cám ơn một thầy giáo uyên thâm.
Một lần nữa, xin chào tạm biệt anh.