Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Lễ Mình Và Máu Thánh Chúa Kitô

Cập nhật lúc 17:00 15/06/2017
Suy niệm 1
"Thịt Tôi thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống".
------------------
Tất cả chúng ta đều mang trong mình một sự trống rỗng cần được lấp đầy. Chúng ta không biết rõ tại sao, nhưng sự trống rỗng hay cơn đói khát vẫn còn đó! Dù chúng ta cố gắng tìm mọi phương thế để chiến thắng bằng sức riêng mình, cơn đói khát vẫn cứ nằm ì ra đó. Nếu có thể giải quyết một cơn đói khát này, thì cơn đói khát khác lại dò đến. Cơn đói khát này cứ xếp hàng nối đuôi cơn đói khát khác trong tâm trí chúng ta.
Đói khát, tự bản chất là tốt, nhưng đói khát sẽ trở nên xấu khi đối tượng của nó là tội lỗi. Không khát không đói cơm ăn thức uống là điều bất bình thường và rất nguy hiểm cho tính mạng. Ai không khát không đói rất khó cảm thông với những người đói khát triền miên. Thế giới hôm nay tưởng chừng giầu có, nhưng thực tế vẫn còn 1/3 số người đói ăn. Chúa Giêsu, khi ăn chay trên rừng, cũng cảm thấy đói. Vì thấy Chúa đói, ma quỷ đến cám dỗ.. "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy biến hòn đá này nên bánh mà ăn". Cũng cảm nghiệm từ cơn đói khát, Chúa Giêsu thương và làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng ăn no.
Nhưng nếu chỉ đói khát cơm bánh thôi, thì chưa đủ. Chúa Giêsu đã cảnh cáo Sa tan, kẻ cám dỗ Người về của ăn vật chất: "Người ta sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra". Chúa Giêsu cũng phê bình đám dân chúng theo Người sau khi được Người làm phép lạ hoá bánh ra nhiều: "Các ông tìm tôi, không phải vì các ông thấy những dấu lạ, nhưng vì các ông được ăn bánh no nê".
Đói khát của ăn vật chất, đói khát danh vọng và quyền lực, nếu chỉ dừng lại ở đó, thế giới sẽ sa vào vòng bạo lực chiến tranh và khủng bố.
Người ta còn đói khát tình cảm. Nhiều người Việt Nam ở thành phố hoặc ở hải ngoại, tuổi đời từ 50 trở lên, của cải vật chất đầy dư, nhưng lại muốn trở về miền quê hay là trở về Việt Nam để sống cuộc sống tình cảm hơn với bạn bè và đàn con cháu.
Đói khát tình yêu. Ai sinh ra mà lại không thích yêu và thích được yêu. Thế giới hôm nay đầy dẫy những chuyện đổ vỡ tình yêu: Tình yêu bạn bè và tình yêu đôi lứa. Yêu vì lợi dụng tiền tài, danh vọng, và dục vọng. Yêu rồi lại phản bội hoặc bị phản bội. Càng những nước giầu, tỷ lệ hôn nhân ly dị càng lắm. Họ thất vọng đến nỗi thà rằng nuôi con chó, con mèo thì hơn vì chó và mèo là loài vật trung thành.
Tuy nhiên, tất cả những cơn đói khát như vậy: đói khát vật chất, đói khát tình cảm và đói khát tình yêu, nếu chỉ dừng tại đó, thì chỉ là những cơn đói khát ngẫu tượng, không có thể giải quyết cơn khát sâu xa trong lòng người, như lời thánh Phaolô tông đồ khiển trách giáo dân Êphêsô: "Tôi nói với anh em điều này, và chứng thực trong Chúa là anh em chớ ăn ở như dân ngoại, chiều theo sự giả trá của tâm tư mình.....Anh em hãy khử trừ lối sống xưa kia, hãy lột bỏ con người cũ, đã bị hư theo những đam mê lầm lạc".
Thiên Chúa dựng nên con người, và vì thế con người phải luôn luôn hướng về Thiên Chúa thì mới có thể giải quyết được cơn đói khát: "Ai đến với Tôi sẽ không hề đói, ai tin vào Tôi sẽ không hề khát bao giờ ". Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được chỗ an nghỉ. Thiên Chúa Là Tình Yêu mà chúng ta đang tìm kiếm và đang khát khao. Và chỉ có thế thôi! Thánh Augustinô đã cho chúng ta kinh nghiệm sâu xa về cuộc đời của ngài: Sau một thời gian tìm kiếm danh vọng, tình yêu nơi thụ tạo, nhưng Augustino vẫn không tìm được hạnh phúc, vẫn cảm thấy cuộc đời thật phũ phàng và vô nghĩa! Cuối cùng, Ngài đã trở về tìm kiếm hạnh phúc nơi chính Chúa và sung sướng kêu lên: "Lạy Chúa, Chúa ở sâu thẳm trong con hơn chính con, mà bấy lâu con không biết. Con luôn khao khát, cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa".
Chỉ nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta mới có thể cảm nhận, nghe và sờ thấy tình yêu của Thiên Chúa. Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, ở với chúng ta, dạy dỗ chúng ta, chữa lành chúng ta. Ngài chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để sau này chúng ta cũng được cùng sống lại vĩnh cửu trong Người. Ngài tự hiến cho chúng ta để chúng ta chia sẻ sự sống của Ngài, Máu Thịt Người. Ngài nuôi chúng ta và làm cho chúng ta sống đích thực hơn.
Không hiểu tại sao một số bạn trẻ chúng ta lại khinh thường Thiên Chúa đến thế: không muốn Rước lễ. Các bạn là một con người, một con người có đức tin! Các bạn hãy nghĩ lại! Đừng làm chết đi đời sống thiêng liêng của mình! Chắc chắn các bạn sẽ không hạnh phúc, nếu tình trạng này cứ kéo dài…
Chúng ta hãy khiêm tốn dâng lên Chúa lời cầu:
Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn biết đói,
- Biết đói không phải để gầy đi, để chống lại tỷ lệ cholesterol trong máu, nhưng là để thông cảm và cho đi đối với những ai đói nghèo trên thế giới.
- Xin Chúa ban cho chúng con ơn biết đói tình yêu Chúa để cuộc đời chúng ta có tình yêu Chúa làm tiêu chuẩn cho các giá trị tình yêu khác.
- Xin cho chúng con ơn biết đói Chúa, để nhận ra con đường theo Chúa không phải là một ý thức hệ hoặc gia sản cha ông để lại, nhưng là tình yêu say đắm Tình Yêu. Amen!

 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa

======================
Suy niệm 2
“CHÓP ĐỈNH VÀ NGUỒN MẠCH” CỦA GIÁO HỘI LÀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
(Đnl,8,2-3.14-16; lCr l0,16-17; Ga 6,51-58)
Nếu chiều thứ năm Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành Thánh lễ Tiệc Ly, kỷ niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể để ở lại với loài người mọi ngày cho đến tận thế, thì hôm nay, Giáo Hội long trọng cử hành Thánh lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể. Khi cử hành như thế, Giáo Hội cảm nghiệm và xác tín rằng: Bí tích Thánh Thể chính là trung tâm trong lịch sử của nhân loại, là "nguồn mạch"“chóp đỉnh” của mọi sinh hoạt trong phụng vụ của Giáo Hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo Hội.
Thật là ý nghĩa và tốt đẹp biết bao khi các tín hữu trong ngày Lễ này, quy tụ với nhau chung quanh Thánh Thể, để tôn thờ Người hiện diện trong bí tích cao trọng qua các hình thức đạo đức như chầu và rước kiệu Thánh Thể, sốt sắng tham dự Thánh lễ và rước Mình và Máu Thánh Chúa cách xứng đáng, để thể hiện niềm tin vào Chúa Giêsu hằng sống và nói lên niềm vui vì sự hiện diện của Ngài trong nhân loại và trên cuộc đời.
1. Sự cao trọng của Bí tích Thánh Thể
Trong Giáo Hội có Bẩy Bí tích, nơi các Bí tích này đều có sự liên hệ mật thiết với nhau làm nên tính toàn thể trong mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Bí tích cao trọng nhất và vĩ đại nhất vẫn là Bí tích Thánh Thể. Vì thế, Bí tích này được gọi là: “Bí tích của các Bí tích”: Thật vậy: “Tất cả các Bí tích khác đều quy hướng về Bí tích Thánh Thể như về cùng đích” (GLHTCG số 1211), và đời sống đức tin của chúng ta nơi Bí tích Thánh Thể như là cứu cánh của mình.
Vì thế, không có kinh nào, nghi thức nào và tổ chức nào cao trọng, quý mến cho bằng Thánh lễ, bởi vì trong Thánh lễ sẽ diễn ra một cuộc trao đổi kỳ diệu dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, làm cho bánh và rượu trở nên Thịt và Máu Chúa Giêsu qua lời truyền phép của linh mục. Bí tích Thánh Thể nói lên sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa Giêsu. Cũng qua Thánh lễ, cùng với của lễ tuyệt hảo là Chúa Giêsu trên Thánh giá, chúng ta nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng, tạ ơn và cầu xin.
Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu diễn tả tình yêu trọn vẹn khi trao hiến Thịt và Máu của mình làm của ăn, của uống cho nhân loại. Qua Bí tích Cực Thánh này, Chúa Giêsu hiện diện dưới hình bánh, hình rượu để trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng ta, làm cho đời sống tinh thần của chúng ta được lớn mạnh không ngừng.
Chính vì thế, Bí tích Thánh Thể là "Nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống kitô hữu" (x. LG 11). "Hy lễ Thánh Thể, tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa, tiếp diễn mãi mãi Hy Lễ Thánh Giá, là tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Kitô giáo. Nhờ Hy Lễ Thánh Thể, sự hiệp nhất của dân Chúa được biểu lộ và thể hiện, việc xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô được hoàn tất. Bởi đấy, các Bí tích khác và mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội đều quy hướng về và liên kết chặt chẽ với Bí tích Thánh Thể" (Giáo  Luật, số 897). Thật vậy, mỗi lần Hy tế Thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế (x. 1 Cr  5,7), thì công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện” (x. LG, số 3).
Như thế, tham dự và cử hành Bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn là việc vô cùng quan trọng trong đời sống của Giáo Hội và của mọi người tín hữu Chúa Kitô, vì đây chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả đời sống Kitô giáo” (x. LG, số 11) như Giáo Hội dạy.
Mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể hay tôn sùng Bí tích cao trọng này cách xứng đáng, ấy là lúc chúng ta tin nhận Bí tích Thánh Thể  là “nguồn mạch và tột đỉnh” của đời sống Kitô hữu. Nói cách khác, toàn thể đời sống tâm linh của Kitô hữu cũng như mọi cử hành phụng vụ của Giáo Hội được bắt nguồn từ Bí tích Thánh Thể.
Khi xác tín như thế, chúng ta cùng nhau hướng mục đích của cuộc đời mình về Chúa Giêsu như một sự quy chiếu đến cùng đích tối hậu của cuộc sống nơi mình. Đồng thời, mỗi khi cử hành và tôn sùng Bí tích Thánh Thể, Giáo Hội mời gọi con cái mình trở nên giống Chúa Giêsu ngày càng mật thiết hơn và sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống hằng ngày.
Như thế, đời sống tâm linh của chúng ta phải là con đường hai chiều. Con đường này khởi đi từ Bí tích Thánh Thể, rồi sau đó lại đưa dẫn chúng ta trở về với Thiên Chúa trong Bí tích này. Mối liên hệ trên được diễn ra trong tình yêu. Chính nhờ tình yêu, mà chúng ta cũng kết hợp với toàn thể Giáo Hội, là Nhiệm Thể Đức Kitô. Để rồi nhờ hồng ân Bí tích Thánh Thể, chúng ta thương yêu tha nhân như chính mình vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa.
2. Sống mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống người kitô hữu
Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông thư “Mane Nobiscum Domine – lạy Chúa, xin ở lại với chúng con” đã nhấn mạnh: “Mỗi lần ta dự phần vào Mình và Máu Người, chúng ta đã thực sự gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình niềm hân hoan mình đã cảm nghiệm. Việc gặp gỡ riêng tư với Chúa Kitô cách thường xuyên được tăng triển và đào sâu trong Bí tích Thánh Thể khơi lên trong Giáo Hội và nơi mỗi tín hữu một lời mời gọi khẩn thiết cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng” (Gioan Phaolô II, Mane Nobiscum Domine, số 24).
Người Kitô hữu chúng ta không thể sống khác đi được. Nếu đi ngược lại, chúng ta đánh mất chính mình vì đã mâu thuẫn nội tại.
Vì thế, mỗi khi tham dự Thánh lễ, nhất là rước Mình và Máu Chúa vào trong linh hồn chúng ta, hẳn là hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi để trở nên thánh thiện, trong sạch hầu xứng đáng với Mầu Nhiệm ta đã lãnh nhận.
Thông hiệp vào Mầu Nhiệm Cực Thánh này, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để đi vào tận sâu thẳm của tình yêu Thiên Chúa để cảm nghiệm được tình yêu tự hiến nơi Chúa Giêsu, Đấng đã “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, để qua đó, mời gọi chúng ta noi gương Ngài, phục vụ anh chị em mình với sự khiêm nhường trong lòng mến.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa ban cho chúng con thêm lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ, rước Mình và Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời luôn xác tín Bí tích Thánh Thể chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và nơi mỗi người chúng con. Amen.

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

=======================
Suy niệm 3
Này là Mình Thầy… Này là Máu Thầy hiến tế vì anh em
(Ga 6, 51-59) 
Theo truyền thống từ thế kỷ XIII, vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Lễ này do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264 còn gọi là lễ của Chúa, lễ Mình Máu Thánh Chúa. Vì hôm nay, Giáo hội không chỉ cử hành lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, Festum Corporis Christi, mà còn rước kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài : «Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê» (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền công khai rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Chúa Kitô là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Cử hành Thánh Thể
Giáo hội công khai cách long trọng Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn Giáo hội.
Trên bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm tin của chúng ta : Làm sao Bánh lại có thể là Mình Chúa Kitô và Rượu lại là Máu Chúa Kitô được ?
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, và dẫn dắt chúng ta trên đường về tới thiên đàng! Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã hứa: «Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28, 20). Người ở lại với chúng ta thế nào? Bí tích Thánh Thể là kho tàng cao quí thực hiện lời hứa trên.
Chúa Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta. Giáo hội quả quyết rằng : Sự hiện diện thật của Người trong Bí tích Thánh Thể là chân lý cơ bản của Đức tin Công giáo. Chúng ta phải tôn thờ, Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu.
Thánh Tôma Aquinô cho chúng ta biết : Con độc nhất của Thiên Chúa, muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã làm người. Để cứu chuộc con người, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.
Đây không phải là máu chiên, bò, nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và rượu trở nên Chúa Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Vì thế, Người được các tín hữu ăn : «Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống» (Ga 6,55-56). Từ phép lạ bánh hóa nhiều để nuôi đám đông trong hoang địa. Chúa Giêsu đã chính thức hứa ban cho chúng ta của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng ta (Lc 9, 11b-17).
Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người đối với chúng ta : «Trong đêm bị nộp, Người cầm lấy bánh và tạ ơn, bẻ ra và phán: «Các con hãy lãnh nhận mà ăn… ». Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén và phán: «Các con hãy cầm lấy mà uống. Chén này là Tân Ước trong Máu Ta; mỗi khi các con uống, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta» (1 Cr 11, 23-26). Thật là niềm an ủi cho những người đã buồn vì sự vắng mặt của Chúa» (Bài giảng của Thánh Thomas Aquinas, Booklet 57).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói : «Anh em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi, Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy ». (Thánh Gioan Kim Khẩu)
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta : «Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người đã mang lấy chính xác thân của ta». Người tan biến trong chúng ta, «làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài» (Thánh Gioan Kim Khẩu).
Việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh Chúa.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Khi kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ. Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà dành cho Chúa, đường đời ta là đường của Chúa Giêsu. Xin Chúa Giêsu luôn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta!
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là «Mặt Trời» : Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ «mặt nhật»)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc trên đường nhắc lại cuộc Rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.
Lạy Mẹ Maria, Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng đầu thai Vô Nhiễm, từ hai ngàn năm nay, đã chấp nhận, hiến dâng mọi sự, hiến dâng thân xác Mẹ hầu rước lấy thân xác Đấng Sáng Tạo, xin giúp chúng con chiêm ngưỡng, xin giúp chúng con thờ lạy và yêu mến, Đấng đã yêu thương chúng con dường ấy, hầu chúng con được sống đời đời với Người. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log