Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VII Phục Sinh

Cập nhật lúc 16:21 25/05/2017
"Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: "Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha." (Ga 17, 1)
Suy niệm 1
“Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và cầu nguyện…”
-------------------------
Qua các bài đọc chủ nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hiệp nhất với nhau và cùng với Mẹ Maria để cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến trên Giáo Hội và trong mỗi người chúng ta. Nhất là chúng ta hãy cầu nguyện theo mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giêsu.
1- Hiệp thông với nhau để cầu nguyện.
Sau khi lên trời, Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ của Ngài không được rời Giêrusalem và phải ở đó chờ đợi điều mà Cha Ngài đã hứa. Họ hiệp nhau trong nhà Tiệc Ly để cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần. Đó là một thái độ căn bản của sự hiệp thông và cầu nguyện, và cũng là mẫu gương cho các cộng đoàn chúng ta hôm nay.
Có biết bao phòng tiệc ly hiện đại trên thế giới này của các giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn tôn giáo. Họ cũng là một Giáo Hội, họ cũng họp nhau dâng hiến cho việc cầu nguyện. Mỗi một cộng đoàn và mỗi phòng tiệc ly đó đều có những căng thẳng và khó khăn riêng của mình cũng như xưa thời các Tông Đồ. Nhưng dù sao họ vẫn duy trì được việc hiệp thông cầu nguyện. Họ hiệp thông cầu nguyện để đón nhận Chúa Thánh Thần thông ban hơi thở thiêng liêng cần thiết cho công cuộc loan báo Tin Mừng.
Ở lại cùng nhau đó là điều kiện Chúa Giêsu yêu cầu để đón nhận Chúa Thánh Thần đến và cầu nguyện kéo dài cũng là rất cần thiết để nối kết lại với nhau. Đó là một bài học tuyệt vời cho mỗi cộng đoàn kitô chúng ta hôm nay. Có thể chúng ta nghĩ rằng hiệu quả của công cuộc truyền giáo phụ thuộc chính vào việc thiết lập một chương trình chu đáo và khôn ngoan, rồi  bắt tay vào làm việc với lời cam kết cụ thể. Điều đó là cần thiết! Tuy nhiên, nên nhớ rằng Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính của truyền giáo.
Một điểm khác nữa mà chúng ta cần lưu tâm, đó là sự có mặt của Đức Mẹ Maria bên cạnh các tông đồ.
- Mẹ là con tim của việc hiệp thông thiêng liêng.
- Mẹ luôn ở với các tông đồ và cả chúng ta hôm nay.
- Mẹ có cảm nghiệm về Chúa Thánh Thần một cách sâu xa đến nỗi người ta có thể gọi Mẹ là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần.
Vì thế, Mẹ đã có thể hướng dẫn các tông đồ đón nhận Chúa Thánh Thần và tất nhiên Mẹ cũng có thể hướng dẫn chúng ta:
“Lạy Thánh nữ đồng trinh Maria,
- Khi Sứ Thần truyền tin cho Mẹ, Mẹ đã thưa tiếng xin vâng và vì thế Mẹ đã ban Chúa Kitô cho chúng con.
- Tại tiệc cưới Cana với một tâm hồn biết quan sát, Mẹ đã chỉ cho chúng con biết hành động thế nào cho có trách nhiệm. Mẹ không thụ động chờ con Mẹ can thiệp. Mẹ đã đi trước và nói với người giúp việc: Người bảo gì thì cứ làm theo, vì Mẹ tin chắc con Mẹ sẽ thực hiện điều Mẹ muốn.
- Dưới chân thập giá, Mẹ vâng theo Con Mẹ để làm Mẹ Giáo hội và các tín hữu.
- Tại phòng Tiệc Ly, các tông đồ nhận ra trong Mẹ có uy quyền tình yêu ngọt ngào và sự phục vụ tận tình. Xin giúp chúng con hiểu rằng tất cả mọi quyền uy đích thực phải là vâng nghe Thánh Ý Thiên Chúa và mỗi người chúng con cũng phải trở nên thứ uy quyền đó cho mọi người xung quanh chúng con nhờ việc chúng con vâng nghe Thiên Chúa”.
2- Cầu nguyện thế nào? Hãy quan sát Chúa Giêsu để học biết cách cầu nguyện!
Cách cầu nguyện tốt nhất bắt nguồn từ bài Tin Mừng hôm nay:
Trong Thánh Lễ khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể I, linh mục chủ tế bắt chước thái độ của Chúa Giêsu trước khi truyền phép và đọc kinh nguyện hiến tế hướng về Chúa Cha như sau: “Hôm trước ngày chịu khổ hình, Người cầm bánh trong tay thánh thiện khả kính, ngước mắt lên trời, hướng về Chúa là Cha toàn năng của Người, tạ ơn Chúa, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói…”. Chúa Giêsu cũng làm một cử chỉ như vậy trước khi làm cho bạn Người là Lagiarô sống lại và Người ngước mắt lên trời hướng về Cha dâng lời tạ ơn Cha: “Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì Cha đã nhận lời con”. Khi dâng Thánh lễ, linh mục nhân danh Đức Kitô để làm những cử chỉ như vậy.
Đức Thánh Cha Benedicto XVI giải thích thêm:
“Chúa Giêsu dạy chúng ta ngước mắt lên nhất là hướng con tim chúng ta. Hướng cái nhìn lên, là tách khỏi mọi sự trần thế, hướng chúng ta lên Thiên Chúa bằng cầu nguyện và cũng là để chúng ta được nâng lên… Chúng ta cầu nguyện để sự dữ không đi vào được trong chúng ta. Nhất là chúng ta cầu nguyện để con mắt chúng ta có một cái nhìn sự thật, trong sáng và thánh thiện; để chúng ta có khả năng nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới này. Chúng ta cầu nguyện để nhìn thế giới này bằng con mắt tình yêu, con mắt của Chúa Giêsu, nhận ra người anh em, chị em chúng ta nữa. Nếu là linh mục, tôi cũng phải ân cần sống và cử hành tốt tinh thần Phụng Vụ, nhờ đó dạy cho giáo dân biết cầu nguyện, nhưng nhất là để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện biểu lộ tất cả tình yêu của tôi… Nếu là một giáo dân, hôm nay tôi có thể nhìn thấy Chúa Giêsu trong con người của linh mục, bằng cách kết hợp mật thiết với những lời nói sâu xa và của lễ đời tôi với của lễ Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể”.
Trở lại bài Tin Mừng hôm nay và cũng là Lời nguyện Hiến Tế của Chúa Giêsu, chúng ta biết rằng: Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Kitô, lớn tiếng thưa với Chúa Cha những lời mang ý nghĩa rất quan trọng: “Sự sống đời đời là họ nhận biết Cha và Đấng mà Cha sai đến”. Sự sống đời đời này không phải chỉ là sự sống ở thế giới bên kia sau khi chết, vì ngay khi mỗi người hiện hữu, đó là một sự sinh ra, là đã biết Thiên Chúa.
Không ai có thể từ tình trạng hoàn toàn cô đơn để rồi phát triển. Người đó phải sinh ra từ người khác và nhờ người khác. Sự trao đổi, trao ban và chia sẻ tạo nên sự sống, cũng như sự sống được sinh ra trong sự trao đổi giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần.
Chúa Giêsu cầu nguyện “Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất…Con cũng ban cho họ được vinh hiển mà Cha đã ban cho Con, để chúng trở nên một như Chúng Ta là một, Con ở trong họ như Cha ở trong Con để họ đạt tới sự hiệp nhất trọn vẹn”. Thánh Irene viết: “Vinh hiển của Thiên Chúa là con người được sống và nhìn thấy Thiên Chúa”. Sự vinh hiển này được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong Lời nguyện Hiến Tế muốn nói lên rằng: đó là sự viên mãn của sự sống được thực hiện trong Thiên Chúa. Sự Vinh Hiển là như vậy.
Sự vinh hiển cũng được thực hiện nơi các môn đệ. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là một cuộc sống hiệp nhất. Khi chúng ta sống hiệp nhất trong Chúa Kitô, chúng ta cũng được hiệp nhất vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Rất khó có thể diễn tả được sự sống này. Chỉ có một điều là mỗi người chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu để trở nên người sống động với một mình Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta.: “Lạy Cha, con muốn rằng Con ở đâu thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh hiển của Con, vinh hiển mà Cha đã ban cho Con…Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật”.
Sự sống đời đời là kết quả của việc: Chúa Giêsu ban cho chúng ta và chúng ta sẵn sàng đón nhận để sống hằng ngày nhờ đức tin. “Con đã ban cho họ Lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con”.
Trong tuần này, chúng ta cố gắng kết hợp sâu xa với Bí tích Thánh Thể nhờ Lời Nguyện Hiến Tế của Chúa Giêsu:
- Hãy xin Chúa Thánh Thần đến với Giáo Hội và đến với mỗi người chúng ta!
- Hãy sống sâu xa tinh thần cầu nguyện theo Phụng vụ: “Lạy Chúa, xin nghe lời chúng con cầu nguyện. Chúng con tin rằng Đấng Cứu Độ nhân loại đang ngự bên Chúa trong vinh quang. Xin hãy làm cho chúng con tin rằng Đấng Cứu Độ vẫn ở với chúng con mãi cho đến tận thế để chúng con được sự sống đời đời Amen!”
 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
========================
Suy niệm 2
CÙNG VỚI ĐỨC GIÊSU ĐỂ TÔN VINH THIÊN CHÚA CHA
Cv 1, 12-14 ; 1 Pr 4. 13-16 ; Ga 17, 1-11)(
Sau khi Đức Giêsu được đưa về trời để ngự bên hữu Thiên Chúa Cha và làm chủ tể mọi loài, thì Giáo Hội mà Ngài thiết lập bắt đầu chính thức hoạt động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua các Tông đồ.
Khi chính thức hoạt động, các Tông đồ luôn luôn xác tín rằng: đời sống cầu nguyện trong sự hiệp nhất là điều căn cốt để xây dựng và phát triển Giáo Hội. Mặt khác, sự ghét ghen, chống đối, sỉ nhục, đánh đập và ngay cả giết chết… sẽ làm cho người môn đệ trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu hơn.
Như vậy, nếu Đức Giêsu đã tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng chính đời sống chứng tá, nhất là cái chết trong đau thương trên thập giá, thì người môn đệ của Đức Giêsu cũng không thể có con đường nào tốt đẹp và làm vừa ý Thiên Chúa Cha khi chúng ta tôn vinh Người cùng một cách thức như Đức Giêsu.
Đây chính là những nét quan trọng trong sinh hoạt Giáo Hội thời sơ khai mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay qua các bài đọc đã lần lượt mặc khải cho chúng ta.
1.  Cầu nguyện là nền tảng căn cốt để xây dựng Giáo Hội
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy hình ảnh và đời sống của các Kitô hữu thời ban sơ thật là lý tưởng, chân tình và chất phác. Họ đồng tâm nhất trí với nhau trong mọi sự, nhất là đời sống cầu nguyện. Cùng một tâm hồn và một tấm lòng là điều mà các Kitô hữu tiên khởi đã sống.
Quả thật, các Tông đồ đã thấy được tầm quan trọng của việc cầu nguyện, nên các ngài đã không ngừng làm gương và thúc đẩy các Kitô hữu gia tăng cầu nguyện, để củng cố đức tin, lòng mến và nhất là tìm ra thánh ý Chúa để thi hành.
Không cầu nguyện, sẽ không có niềm xác tín mạnh mẽ. Không cầu nguyện sẽ kiêu ngạo. Không cầu nguyện sẽ làm cho tâm hồn chai lỳ, u mê chẳng còn nhạy bén với thánh ý Thiên Chúa. Không cầu nguyện sẽ không biết yêu thương và phá vỡ sự hiệp nhất…
Xác tín được tầm quan trọng của cầu nguyện, nên các Tông đồ đã trung thành với lời cầu nguyện qua mọi hoạt động tập thể, chẳng hạn như: trong các cuộc quy tụ cộng đoàn để tham dự nghi thức bẻ bánh (x. Cv 2, 42-46), chọn ông Mátthia (x. Cv 1, 24), xin Chúa ban Thánh Thần xuống (x. Cv 8,15), khi bị bách hại (x. Cv 4, 24-31; 12,5-12), cầu cho các vị truyền giáo (x. Cv 13,3; 14,23).  Việc cầu nguyện riêng cũng thường gặp ở nhiều trường hợp, như ông Têphanô cầu nguyện khi bị ném đá (x. Cv 7,59-60), ông Saolô khi trở lại (x. Cv 9, 11), ông Phêrô tại nhà ông Conêliô (x. Cv 10, 9; 11,5).
Như vậy, cầu nguyện trong sự hiệp nhất là yếu tố rất cần thiết trong tiến trình xây dựng Giáo Hội. Không hiệp nhất, Giáo Hội sẽ có nguy cơ tan rã. Thấy được tầm quan trọng này, nên Đức Giêsu đã không ngớt cầu nguyện để xin Chúa Cha cho các môn đệ của mình được hiệp nhất theo khuôn mẫu của chính Thiên Chúa Ba Ngôi, ngõ hầu các ông đứng vững trước những thử thách đau thương khi thi hành sứ vụ.
2. Giáo Hội được lớn lên nhờ thử thách
Nếu đời sống và hoạt động của Đức Giêsu luôn luôn bị chống đối gắt gao, đến nỗi Ngài đã phải chấp nhận cái chết để tôn vinh Thiên Chúa Cha, thì vẫn cùng một hệ quả như vậy, các môn đệ sẽ gặp những chống đối, bắt bớ, đánh đập và ngay cả bị giết chết… Nói cách khác, đời sống của người môn đệ được gắn liền với thập giá và cái chết. Đây chính là mẫu số chung cho tất cả những ai bước theo Đức Giêsu trên con đường sứ vụ.
Điều này đã được chứng minh nơi Giáo Hội sơ khai. Cộng đoàn tiên khởi đã chịu sự bách hại, bắt bớ tàn khốc kéo dài suốt 300 năm trường. Sự bách hại ấy đã không ngừng buông tha con cái của Chúa trên khắp năm châu ở mọi thời.
Trước biết bao nhiêu khó khăn thử thách như vậy, người môn đệ Đức Kitô đôi khi vì yếu đuối do sợ hãi nên bị những cám dỗ bỏ cuộc, buông xuôi. Thấu hiểu điều đó, nên thánh Phêrô, trong tư cách là người đứng đầu Giáo Hội, đại diện Chúa Kitô ở trần gian, ngài đã lên tiếng an ủi: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4, 13). 
Chính vì điều này đã làm cho tinh thần của người môn đệ được củng cố, bởi vì nhờ nó mà được thông phần với Đức Kitô chịu đóng đinh để mai ngày được phục sinh vinh hiển với Ngài.
Tuy nhiên, vì sức con người có giới hạn, nên Chúa Thánh Thần sẽ là thầy dạy luôn bên cạnh để giúp cho người môn đệ thêm sức mạnh, biết nói gì, làm gì để đáp trả trước những khó khăn do con người gây nên (x. Mc 13,11).  
Như vậy, dù trong hoàn cảnh nào, người môn đệ vẫn luôn tự hào và hãnh diện trong sự khiêm tốn để tôn vinh Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật.       
3. Thiên Chúa Cha được tôn vinh
Khi nói về việc tôn vinh Thiên Chúa Cha, chúng ta thấy Đức Giêsu chính là mẫu mực để mỗi người noi theo. Thật vậy, trong suốt cuộc đời tại thế của Ngài, từ lời giảng dạy đến hành động, tất cả đều hướng con người về việc tôn vinh Thiên Chúa Cha. Việc tôn vinh mà Đức Giêsu đã thi hành và dạy cho các môn đệ cũng như mọi người thực hiện, đó là giúp cho họ “biết danh Cha, thuộc về Cha và tuân giữ lời Cha”.  
Biết danh Cha qua chính Đức Giêsu, vì Ngài đã phán: ai biết Ta là biết Đấng đã sai Ta. Khi biết Chúa Cha, chúng ta được ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa Cha nếu chúng ta ở lại trong Đức Giêsu và vâng nghe lời Ngài chỉ dạy.
Nhưng lựa chọn để thuộc về Chúa Cha khi đã biết Người không phải lúc nào cũng êm xuôi, mà ngược lại, luôn luôn gặp phải những cạm bẫy chông gai, chống đối, thử thách và ngay cả cái chết.
Khi đã hoàn tất sứ vụ tôn vinh Thiên Chúa Cha trên trần thế, Đức Giêsu đã trao phó sứ mạng tôn vinh Chúa Cha cho Giáo Hội, để Giáo Hội tôn vinh Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu.  
Kể từ khi nhận lãnh trách nhiệm, từ thời các Tông đồ cho đến ngày nay, Giáo Hội không ngừng tôn vinh Thiên Chúa Cha trong Đức Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần.
4.  Sống sứ điệp Lời Chúa
Cùng một sứ vụ và trách nhiệm trong lòng mến, người tín hữu Kitô luôn được mời gọi hãy ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa Cha qua Đức Giêsu để tôn vinh Người.
Một trong những điều mà chính Đức Giêsu đã tôn vinh Thiên Chúa Cha và đã được Người rất ưng ý, đó là làm chứng cho sự thật và thể hiện tình yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người.
Trong xã hội hôm nay, sự thật luôn luôn bị coi thường nếu không muốn nói là bị đe dọa. Ngược lại, sự gian dối lại lộng hành và lên ngôi đến chóng mặt.
Trước thực trạng ấy, người môn đệ là người thuộc về Đức Giêsu, mà Đức Giêsu đến để làm chứng cho sự thật, đồng thời Ngài cũng mời gọi ai đứng về phía sự thật thì thuộc về thần dân trong Nước của Ngài.
Như vậy, người tín hữu Kitô phải là người làm cho sự thật được sáng tỏ trong những lời nói, lựa chọn, quan điểm và hành vi của mình. Chúng ta không thể chấp nhận một người tín hữu với những khái niệm và lựa chọn mù mờ giữa sự thật và gian dối.
Mặt khác, vì Thiên Chúa là tình yêu, nên chúng ta thuộc về Thiên Chúa, thì chắc chắn chúng ta phải thi hành luật yêu thương trong cuộc sống của mình. Nếu không yêu thương, nhất là không yêu thương những người kém may mắn và bị loại ra bên lề, thì bấy lâu chúng ta đang phản lại bản chất của Thiên Chúa và mâu thuẫn với chính chúng ta.
Thiết nghĩ, sống và chu toàn những điều trên, ấy là chúng ta đang tham gia vào công việc tôn vinh Thiên Chúa Cha cách thiết thực nhất, bởi vì Thiên Chúa sẽ được tôn vinh khi chúng ta làm cho hình ảnh của Người được tỏa sáng qua hành vi, lời nói và việc làm của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con để chúng con biết nhận ra, ở lại và tôn thờ Thiên Chúa Cha cách trung thành và yêu mến. Xin cho chúng con biết hãnh diện để tôn thờ Thiên Chúa Cha trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, ngõ hầu mai ngày chúng con được trực diện trước tôn nhan Chúa để tôn thờ Người mãi mãi không ngừng. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

========================
Suy niệm 3
Xin Cha Danh Thánh Chúa Được Cả Sáng
(Ga 17, 1-11) 
Bước vào Chúa nhật thứ VII Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly là không bỏ chúng ta mồ côi, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến, để trong mọi sự con người tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.
Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu nguyện, noi gương các ngài, chúng ta cũng hãy hăng hái chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện và thực hành đức bác ái, đón Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha hiện xuống trên chúng ta, và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng nghe, alléluia ; hồn con thưa cùng Chúa : mắt con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, xin đừng ẩn mặt, alléluia, alléluia”.
Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin  “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17, 1).
Hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về vinh quang mà Người đã chia sẻ từ đời đời với Chúa Cha; vinh quang mà Chúa muốn chia sẻ với chúng ta cũng như các môn đệ của mình qua cái chết và sự phục sinh của Chúa. Cách đây ít ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa lên Trời, và tuần sau chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi suy tư về mọi điều Chúa Giêsu đã dạy khi Người còn tại thế và cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông Đồ. Chúa Giêsu luôn làm gương cho chúng ta noi theo: “Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất. Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con” (Ga 17,4); mọi thành phần trong Giáo hội phải tiếp tục công việc tương tự trên trần gian.
Chúa Giêsu từ Chúa Cha mà đến để hoàn thành công việc mà Chúa Cha đã trao phó, cụ thể là cứu chuộc loài người, được các môn đệ biết đến. Đối với các ông, chắc chắn Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người: “Chúng biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 8).
Nên Chúa Giêsu xin cho các môn đệ : “Con cầu xin cho chúng; Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con” (Ga 17, 9). Người cầu xin cho cả chúng ta là những kẻ nhờ các môn đệ mà tin vào Chúa. Chúng ta có mở lòng mình ra và tin chắc như thế không ? Với đức tin vững vàng, chúng ta sẽ tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Ignatio Loyaga khuyên chúng ta: “Nếu anh em yêu mến vinh quang, thì hãy tìm kiếm trong sự thật duy nhất là Thiên Chúa”.
Chúa Giêsu được tôn vinh và nay trở về cùng Cha, tuy nhiên, Người sẽ không bỏ chúng ta mồ côi và Người sẽ xin Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta. Chúa Giêsu Kitô, Đấng bầu cử cho các môn đệ sẽ luôn hiện diện trong Hội Thánh, chúng ta sẽ tiếp tục công việc của Người và Người sẽ giúp chúng ta trong những lúc khó khăn mà chúng ta gặp phải trong thế gian.
Thánh Công Đồng Vaticanô II nhắn nhủ chúng ta rằng, muốn thi hành ý muốn của Chúa Giêsu, việc cần thiết phải làm là hiệp nhất : “Vì ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên Thánh Công Ðồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất.
Phải hiểu danh từ “phong trào hiệp nhất” là những hoạt động và sáng kiến được phát động và tổ chức nhằm cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, tùy theo những nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và những thời cơ thuận tiện. Trước hết như là mọi cố gắng loại bỏ những lời nói, phán đoán và việc làm không đúng với hoàn cảnh của các anh em ly khai xét theo công bình và chân lý, vì nếu không sẽ gây thêm khó khăn trong việc giao tiếp với họ. Thứ đến là trong các buổi hội thảo với tinh thần tôn giáo giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội hay Cộng Ðoàn khác nhau, có sự “đối thoại” giữa các nhà chuyên môn thấu triệt vấn đề, và mỗi người sẽ giải thích cặn kẽ giáo lý của Cộng Ðoàn mình và trình bày minh bạch những nét độc đáo của giáo lý ấy. Có đối thoại như thế mọi người mới hiểu biết đúng hơn và tôn trọng đúng mức giáo lý cũng như đời sống của mỗi Cộng Ðoàn; cũng nhờ đó mà các Cộng Ðoàn dần dần hợp tác được với nhau rộng rãi hơn trong mọi công cuộc mưu ích chung mà lương tâm Kitô hữu nào cũng đòi hỏi; lại cũng nhờ đó, họ hợp nhau cầu nguyện chung mỗi khi có cơ hội thuận tiện. Sau cùng mọi người hãy kiểm điểm coi mình có trung thành với ý muốn của Chúa Kitô về Giáo Hội không, để rồi hăng hái tiến hành việc canh tân và cải tổ đúng như bổn phận đòi hỏi.
Khi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện tất cả các điều ấy dưới sự giám sát của các chủ chăn tức là họ đã đóng góp cho việc thực hiện công bình và chân lý, sự hòa thuận và hợp tác, tình huynh đệ và đoàn kết. Với đường hướng này, khi đã vượt được mọi trở ngại ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn của Giáo Hội, dần dần mọi Kitô hữu sẽ đoàn tụ qua việc cử hành Phép Thánh Thể duy nhất, hiệp nhất trong một Giáo Hội độc nhất; sự hiệp nhất mà Chúa Kitô từ ban đầu đã rộng ban cho Giáo Hội của Người. Chúng tôi tin rằng sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Giáo Hội Công Giáo và hy vọng rằng mỗi ngày sẽ bành trướng thêm cho đến tận thế”. (Công Đồng Vaticanô II Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, “Unitatis redintegratio số 4)
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con, xin cử Chúa Thánh Thần đến, để Ngài giúp chúng con thực hành những điều Chúa muốn. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log