Suy niệm 1
Thiên Chúa, không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống
-----------------
Các bài đọc Phụng vụ hôm nay báo tin cho chúng ta một tin mừng: Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của kẻ sống. Ngài muốn chúng ta có một cuộc sống sung mãn. Chủ nhật hôm nay mở ra cho chúng ta những dự phóng về sự SỐNG LẠI. Đó cũng là nền tảng của Đức Tin kitô giáo.
Bài đọc I, tiên tri Ezekiel dẫn chúng ta đến sứ điệp hy vọng này. Ezekiel được sai đến dân tộc Do-thái đang phải lưu đày ở Babilon từ nhiều năm. Nhiều người trong họ đã chết vì kiệt sức. Còn đối với những người sống sót, tương lai xem ra là mịt mù và không còn hy vọng gì. Dân được chọn dường như sẽ bị tiêu diệt như bao người đi trước. Nhưng tiên tri Ezekiel đến thắp lên cho họ niềm hy vọng. Ngài kể cho họ nghe thị kiến của Ngài về những hài cốt đã khô cằn không còn da thịt gì cả, nhưng đang bắt đầu sống lại. Đó cũng chính là vì Thiên Chúa sẽ làm cho Dân Ngài sống lại. Với Thiên Chúa, chẳng có gì là thất vọng cả!
Thánh Phaolo trong bài đọc II còn khẳng định: “Anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần”. Trong ngôn ngữ của Thánh Phaolo, xác thịt chính là con người bị đóng lại trong chính mình và tập trung vào dục vọng. Tinh thần là một hình thức của đời sống mới được khơi dậy do Thần Khí của Thiên Chúa: “Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng làm cho xác phàm hay chết của anh em được sống nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em”.
Và qua bài Tin Mừng , chúng ta khám phá ra Tình Yêu của Chúa Giêsu mạnh mẽ và vĩ đại chừng nào! Mặc dù có những đe dọa giết Ngài, Ngài vẫn quyết định đến với người bạn thân thiết. Ngài không thể ở xa những người đang phải chịu đau khổ…
Đối với chúng ta, thường có khuynh hướng tránh xa đau khổ và những người bị đau khổ. Hãy nghĩ đến họ, những nạn nhân của chiến tranh, nghèo đói, cô đơn, buồn phiền. Chúng ta đã nghe trong bài Tin mừng về sự đau khổ của Martha đã giãi bày với Chúa Giêsu: “Thưa thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”. Lời trách móc này vẫn luôn có tính thời sự cho mọi thời đại. “Thưa Thầy, nếu Thầy ở gần, thì những khốn khó này sẽ không xẩy đến…” Tuy nhiên, nếu đọc kỹ bài Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra một điều mà ít ai nghĩ đến: Không phải là Thiên Chúa ở xa con người, nhưng con người ở xa Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn ở bên con người. Ngài khóc thương những người bạn của Ngài và Ngài đã khóc thương Lagiaro.
Nhìn Chúa khóc thương Lagiaro, chúng ta có thể có những suy nghĩ. Chúa rất yêu Lagiaro là bạn thân của Chúa. Nhưng Lagiaro vẫn phải chết và mọi người đều biết cuộc hành trình trên trái đất này đều hướng về cái chết.
Ở gần tất cả những đau khổ này, không phải là chuyện dễ. Chúng ta nghe phản ứng của 2 chị em Lagiaro khi Chúa Giêsu truyền lệnh mở cửa mộ Lagiaro: “Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày”.
Đúng thế! Đã nặng mùi rồi! Biết bao nhiêu sự đau khổ khác cũng đã nặng mùi, mùi của chiến tranh, mùi của nghèo khổ, mùi của thiên tai, mùi của khủng bố, và cả mùi của tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại. Tình cảm của Ngài đối với Lagiaro còn mạnh hơn cả sự nặng mùi và sự đành lòng cam chịu của 2 chị em. Tình yêu của Chúa Giêsu không có giới hạn, ngay cả sự chết. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng! Thiên Chúa làm được tất cả những gì mà con người nghĩ là không thể.
Đây là Tin mừng: Ngôi mộ không phải là nơi ở vĩnh viễn của những người bạn của Chúa Giêsu. Chúa mời gọi Lagiaro ra khỏi mộ. Anh nghe tiếng Chúa và anh đi ra.
Khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta khám phá ra Chúa Giêsu không đến với một người chết mà là đến với một người sống. Những khăn liệm bọc Lagiaro là biểu tượng tính ích kỷ, nguội lạnh, thờ ơ và cả tội lỗi của chúng ta. Chính vì thế mà Chúa Giêsu muốn giải phóng chúng ta.
Tuần này chúng ta đang đi vào chặng đường cuối để chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh. Nhưng để mừng lễ Phục Sinh được hiệu quả, các anh chị em dự tòng phải chuẩn bị thật tốt để đón nhận Bí tích Thánh Tẩy; và cả chúng ta, những người đã lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy rồi, cần phải nhận biết tội lỗi của mình và khẳng định chắc chắn rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng chúng ta khỏi tội và cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.
Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu báo cho chúng ta một sứ điệp rất quan trọng: “Tôi là sự sống lại và là sự sống; ai tin Tôi, thì dù có chết cũng sẽ được sống”. Martha đã thưa lại: “Vâng con tin”. Martha nhìn thấy trong con người của em mình dù đã chết nhưng đang sống đời đời, sống nhờ chính sự sống của Chúa Kito sống lại.
Đó là HY VỌNG! Hy vọng cứu độ! Hy vọng giải thoát! Tin vào quyền năng Thiên Chúa nhờ Thần Khí Đức Kitô giải thoát những ai đã chết khỏi tội lỗi để được sống muôn đời.
Khi gọi Lagiaro ra ngoài, Chúa Giêsu cũng muốn gọi tất cả mọi người. Ngài gọi từng người với tên của họ. Cái chết không phải là từ ngữ cuối cùng đối với Chúa. Cái chết đã trở nên một cuộc vượt qua, một cánh của mở ra để vào cõi vĩnh hằng. Hôm nay, chúng ta hãy cùng với Martha tuyên xưng đức tin của mỗi người: “Thưa Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian”, để chúng ta được sống đời đời.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
CHUYỂN RỜI, ĐẾN GẶP VÀ TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG
(Ed 37, 12- 14; Rm 8, 8- 11; Ga 11, 1- 45)
Chúng ta đang sống trong tinh thần Mùa Chay. Mùa Chay nhắc nhớ chúng ta ăn chay, hãm mình và làm việc bác ái. Thiết nghĩ, làm những việc đó để làm gì nếu không phải hy vọng được tha thứ tội lỗi, và mong đạt được sự sống đời đời sau cái chết!
Vì thế, bài Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta chân trời hy vọng ấy khi trình thuật phép lạ Đức Giêsu cho anh Ladarô chết sống lại!
Qua phép lạ cho Ladarô hồi sinh sau khi chết, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy Ngài chính là nội dung của niềm hy vọng phục sinh; đồng thời cũng mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và phó thác nơi Ngài, thì cũng sẽ được sống. Vì thế, chính Ngài đã nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Các bài đọc sẽ lần lượt giúp cho chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay.
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Trước tiên là bài đọc I (Ed 37, 12-14), trình thuật việc dân Israel sống trong cảnh cơ cực bần cùng tại Babylon trong thân phận lưu đầy. Khi sống trong cảnh tối tăm như thế, họ không biết gì đến tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ, nên đã sai tiên tri Êdêkiel đến để nâng đỡ, an ủi và loan báo cho họ một tương lai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn và tràn đầy hạnh phúc hơn khi dân Israel được hồi hương nếu họ trung thành và sẵn sàng nghe theo huấn lệnh của Thiên Chúa.
Tiếp theo, bài đọc II (Rm 8, 8-11), thánh Phaolô đã lay động tâm hồn tín hữu Rôma bằng việc đưa ra những hình ảnh gợi cảm nhằm biểu đạt một niềm hy vọng cho tương lai. Vì vậy, ngài đã ví những người sống trong cảnh buông thả, dung dưỡng xác thịt, không sống theo Thần Khí thì chẳng khác gì một người đang bị nấm mồ thần chết vô hình do tội lỗi vây hãm. Tuy nhiên, thánh nhân cũng củng cố niềm tin và mời gọi hãy gắn bó với Đức Giêsu nhờ Thánh Thần của Ngài, để Ngài giải thoát chúng ta khỏi ách thống trị của tội và ban cho chúng ta sự sống lại.
Cuối cùng, bài Tin Mừng đem lại cho chúng ta tràn đầy hy vọng khi trình thuật việc Đức Giêsu cho anh Ladarô là bạn thân tín của Ngài đã chết 4 ngày được sống lại. Sự hồi sinh Ladarô, một mặt nhờ niềm tin của Martha, mặt khác để tôn vinh Thiên Chúa Cha, và để củng cố niềm tin nơi các môn đệ cũng như những người hiện diện, đồng thời cũng tiên báo một cuộc sống mới sau cái chết của những người tin vào Đức Giêsu.
2. Đức Giêsu là sự sống
Nếu Chúa Nhật 4 Mùa Chay, câu chuyện Tin Mừng mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu chính là sự sáng thế gian qua trình thuật việc Đức Giêsu làm phép lạ cho người mù được sáng mắt, thì Chúa Nhật này, như một sự tiệm tiến để dẫn đến một mặc khải quan trọng hơn, mặc khải về Đức Giêsu chính là sự sống.
Trình thuật được khởi đi từ việc Đức Giêsu quyết định đi lên Giêrusalem. Đi lên Giêrusalem vào thời điểm này thì đồng nghĩa với việc đón nhận cái chết. Nhưng vì vâng lời Chúa Cha và yêu thương con người, nên Ngài đã sẵn sàng.
Vì vậy, khi nghe thấy có người đưa tin về Ladarô bạn của Ngài đau mệt, Đức Giêsu đã không đi ngay, mà phải đợi đến khi Ladarô chết và được an táng tới 4 ngày trong mồ, Ngài và các môn đệ mới tới.
Khi đến Bêtania, Ngài thổn thức vì thấy nỗi đau khổ của hai chị em Martha và Maria mất em, của những người hàng xóm thương khóc bạn thân. Thấy Đức Giêsu, Martha đã chạy lại và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết" (Ga 11, 21). Lời nói này có thể là một lời trách nhẹ và cũng là một lời tuyên xưng niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu. Thật thế, ngay sau câu nói đó, Martha tiếp: "Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy" (Ga 11, 22).
Đức Giêsu đã không để cho Martha thất vọng và những người Dothái phải chờ đợi, vì thế Ngài đã trấn an ngay: "Em chị sẽ sống lại!". Tuy nhiên, Martha hiểu về việc thân xác của Ladarô sẽ được phục sinh trong ngày sau hết: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết” (Ga 11, 24). Nhưng Đức Giêsu đã khẳng định rằng Ngài có toàn quyền trên sự chết khi nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Tuy nhiên, vì quá đỗi hồi hộp và luýnh quýnh, niềm tin lại một lần nữa bị thử thách đối với Martha, vì thế bà thưa: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày". Nhưng Đức Giêsu đã đòi Martha phải đặt trọn niền tin vào Thiên Chúa: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11, 39). Và như một sự minh định, Ngài đã truyền lệnh cho lăn phiến đá lấp cửa mồ ra, và lớn tiếng truyền lệnh cho Ladarô ra khỏi mồ. Ngay lập tức, Ladarô tiến ra và thần chết đã bị đẩy lui cho sự sống hồi sinh.
Qua lệnh truyền và hình ảnh các mảnh vải quấn thân xác của Ladarô được tháo cởi, có ý muốn nói lên sự chết không còn có quyền chi đối với Đức Giêsu nữa, và khi con người được giải thoát khỏi nấm mồ sự chết thì cũng là lúc con người được tự do đích thực và cái chết không thể chế ngự được gì trước Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Như vậy, việc Đức Giêsu cố tình chậm trễ như thế là để nhằm cho người ta thấy rằng, Ngài làm chủ trên sự sống và sự chết của con người. Khi Đức Giêsu đã chiến thắng thần chết trên Ladarô thì cũng là lúc giờ Thiên Chúa Cha được tôn vinh nơi Ngài.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Dưới ngòi bút của một nhà thần học siêu nghiệm, thánh Gioan muốn nhấn mạnh đến sự “chuyển rời” hiện tại để hướng đến một bước tiến mới.
Trước tiên là sự “chuyển rời” của người đưa tin cho Đức Giêsu về việc Ladarô đang bệnh nặng; rồi Đức Giêsu và các môn đệ “chuyển rời” từ bên kia sông Giođan để đến Bêtania; Martha đã “chuyển rời” từ trong nhà để ra đón Ngài; Đức Giêsu, các môn đệ, hai người chị của người chết và những người Dothái đã “chuyển rời” từ nhà của người chết để đến nơi đã an táng; và cuối cùng là Ladarô “chuyển rời” để ra khỏi mồ.
Hình ảnh này cho chúng ta thấy rằng, đời sống của con người chúng ta cần phải “chuyển rời” để thay đổi nếp sống cũ, con đường cũ, nói chung là con người và hành vi tội lỗi của chúng ta, để thay vào đó là một cuộc đời mới, cuộc đời thánh thiện, công chính; một cuộc đời và một sự sống có Chúa. Khi có Chúa, chúng ta đạt được sự sung mãn trong tình yêu của Chúa.
Thật vậy, nếu chúng ta sống dung túng và hào phóng trong tội. Không gắn bó với Chúa, chúng ta cũng sẽ chết. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi nếp sống cũ là ích kỷ, tham lam, hà tiện, kiêu ngạo... và tin tưởng vào Đức Giêsu, thì chúng ta cũng sẽ được sống đời đời: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25).
Khi tin như thế, cả con người và hành vi của chúng ta hướng về Chúa, về Nước Trời và như một sự “chuyển rời” để từ ích kỷ đến lòng bao dung; từ thất vọng đến niềm hy vọng; từ miền u tối đến miền ánh sáng; từ sự chết đến nguồn sự sống. Như vậy, nhờ có sự “chuyển rời” mà sự chết nơi chúng ta là những người tin, không trở nên bi đát, ngõ cụt. Nhưng chỉ là một cuộc chuyển mình hầu vượt qua cái chết để tiến đến vinh quang mà thôi.
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã làm phép lạ cho Ladarô chết 4 ngày sống lại, nhằm củng cố niềm tin của những người đương thời với Chúa, và cũng mặc khải cho mỗi người chúng con biết rằng: chính Chúa là sự sống lại và là sự sống. Xin cho mỗi người chúng con ý thức được điều đó để thêm tin, thêm mến, thêm cậy trông vào Chúa hầu được sự sống đời đời. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
====================
Suy niệm 3
Chúa Kitô là sự sống lại và là sự sống
(Ga 11, 1 - 45)
Với Chúa nhật của Niềm Vui (Lætare) vừa qua, màu hồng Phụng Vụ của Giáo hội là màu của bình minh, hé mở ánh sáng huy hoàng của Đại Lễ Phục Sinh sắp tới. Dù còn hai tuần nữa, nhưng niềm vui ấy đã ló rạng trong các bài đọc Chúa nhật hôm nay, tuy không nói về sự sống lại của Chúa Giêsu vì đó là điều tất yếu, nhưng nói về sự phục sinh của chúng ta, chính Chúa Kitô ban cho chúng ta: trỗi dậy từ trong cõi chết.
Phục sinh Lagiarô báo trước cái chết của Chúa Giêsu
Sự kiện Lagiarô sống lại như một bi kịch giữa Sự Sống và Sự Chết, giữa Đấng được Chúa Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô, Chúa của Sự Sống, và thủ lãnh sự chết tiềm ẩn nơi: bệnh tật, cái chết của Lagiarô, cũng như các âm mưu chống lại Chúa Giêsu.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu cho thấy những thử thách về bệnh tật của bạn mình, cũng như cái được cái mất trong cuộc thương khó của Ngài: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa" (Ga 11, 4). Chúa Giêsu biết rõ, Lagiarô chết và việc của Ngài nên nói với các môn đệ: "Lagiarô đã chết" (Ga 11, 14). Nhưng Ngài sẽ cho sống lại, vì "sáng danh Thiên Chúa" (Ga 11, 4).
Đây là phép lạ thứ bẩy và cuối cùng thu hút sự chú ý nhất của dân chúng vào Chúa Giêsu trước khi Ngài bị bắt. Khi loan báo cho các môn đệ biết về ý muốn trở lại Giuđêa của Chúa Giêsu để gặp Lagiarô đã chết, các ông hết sức ngạc nhiên và lo lắng nên nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư ? "(Ga 11, 8). Quả thật, các nhà lãnh đạo Do thái đã để mất Chúa Giêsu vào dịp này: "Bởi vậy từ ngày đó, họ quyết định giết Người" (Ga 11, 53 ). Nhưng phản ứng của Chúa Giêsu là: "Lagiarô đã chết, chúng ta hãy đi với anh ta" (Ga 11, 15), Ngài sẽ đánh bại sự chết, cứu con người khỏi chết và ban cho sự sống.
Niềm hy vọng của chúng ta
Trọng tâm của Tin Mừng hôm nay là câu: "Ta là sự sống và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ" (Ga 11, 25-26). Nếu chúng ta đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, Chúa Cha "Đấng đặt Thánh Thần của Ngài trong chúng ta, và chúng ta đang sống" sự sống của Người (Ez 1, 13) thì chúng ta sẽ được Thiên Chúa cho sống lại ngày sau hết.
Chúa cho Lagiarô sống lại như Ngài đã làm cho con gái ông Giairô, con trai của bà góa thành Naim trở lại sự sống tự nhiên lần thứ hai trong một thời gian ngắn. Trái lại, "Ðức Kitô sống lại từ cõi chết, không còn chết nữa, sự chết không còn bá chủ được Ngài nữa" (Rm 6, 9) vì Ngài sống sự sống của Thánh Thần Thiên Chúa. Nhưng "nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em" (Rm 8, 11). Sao chúng ta không thể hy vọng được.
Phần lớn chúng ta mong đợi trở lại cuộc sống tự nhiên. Chắc chắn chúng ta sẽ chết, bởi vì "thân xác chúng ta đã chết vì tội lỗi " (Rm 8, 10) nhưng "nếu Đức Kitô ở trong chúng ta" và chúng ta ở trong Ngài với đức tin sống động, thì linh hồn chúng ta sẽ sống bằng sự sống của Thiên Chúa và được tham dự vào sự bất tử của Ngài. Hơn nữa: chúng ta tin vào phép rửa "Vậy nhờ thanh tẩy, ta đã được mai táng làm một với Ngài trong sự chết, ngõ hầu như Ðức Kitô, nhờ bởi vinh quang của Cha, mà được sống lại từ cõi chết, thì cả ta nữa, ta cũng bước đi trong đời sống mới ". (Rm 6, 4).
Thật là đại tin mừng: "Nơi Ngài là sự sống, và sự sống là sự sáng cho nhân loại. Và sự sáng rạng trong tối tăm, và tối tăm đã không tiêu diệt được sự sáng" (Ga 1, 4-5). Nếu như tác giả Tin Mừng đã hai lần thuật lại điều Martha và Maria than với Chúa về đau khổ của hai bà: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết", há không phải muốn nhấn mạnh rằng, từ nay, tiếng khóc không còn nữa đó sao? Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Đã an táng Lagiarô ở đâu?" Nước mắt Chúa như mưa, Lagiarô như hạt giống, và ngôi mộ như một thửa đất. Chúa Giêsu hô lớn tiếng, tiếng Ngài làm cho sự chết run sợ, Lagiarô đã bung lên như hạt giống, anh bước ra khỏi mồ và tôn thờ Đấng đã cho anh sống lại.
Mãnh lực của sự chết đã thống trị Lagiarô bốn ngày. Chúa Giêsu đã đánh bại sự chết ngày thứ ba, đúng như lời Ngài đã hứa rằng, Ngài sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chết (x. Mt 16, 21).
"Hãy đẩy tảng đá ra " (11, 39). Cái gì vậy, Đấng đã làm cho kẻ chết sống lại, nay không thể mở cửa mồ hay phán một lời để di chuyển tảng đá đóng cửa mồ hay sao? Chắc chắn, Ngài có thế khiến tảng đá lăn ra khỏi mồ bằng lời Ngài phán, khi Ngài bị treo trên thập giá, Ngài đã từng chẻ đôi tảng đá và mở tung các cửa mồ (Mt 27,51-52 ).
"Hãy cởi ra cho anh ấy đi "(11, 44). Chúa bảo người chung quanh cởi cho anh để họ nhận ra chính anh là người họ đã bọc vào trong khăn an táng, thân xác đã phân hủy, nay sống lại nhờ quyền năng Chúa.
Hình ảnh báo trước và là lời hứa phục sinh cho các dự tòng
Là người thật, Ðức Kitô đã khóc Lagiarô, bạn hữu Người; là Thiên Chúa hằng sống, Người đã truyền cho Lagiarô sống lại ra khỏi mồ. (Kinh Tiền Tụng ). Hôm nay Chúa cũng tuyên bố: "Ta là sự sống lại và là sự sống" và hỏi "Con có tin điều đó không?" Cùng với Martha chị của Lagiarô các anh chị em dự tòng thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian” (Ga 11, 27). Chúa phục sinh Lagiarô, là hình ảnh báo trước sự phục sinh cho các dự tòng - những người mong đợi trong Đêm Vọng Phục Sinh. Khi dìm mình trong nước Rửa tội, người dự tòng được giải thoát khỏi sự chết và sống lại với Chúa Kitô. Sự sống lại này, như lời tiên tri Êgiêkiel: "Ta sẽ mở cửa mồ cho các người, Ta sẽ kéo các người ra khỏi mồ" (Ez 37, 12-14). "Ta đặt thần khí ta vào tâm hồn anh em" (Ez 37, 6): nhờ Phép Rửa tội, Thần Khí Đức Kitô ngự vào trong chúng ta (Rm 8, 8-11), Thần Khí kết hợp người chịu phép rửa trong tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con; khi đón nhận, chúng ta được tham dự vào tình yêu này của Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ