“Hôm sau, ông Gio-an thấy Đức Giê-su tiến về phía mình, liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29)
Suy Niệm I
“Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, Ngài là Con Thiên Chúa”
(Ga 1, 29-34)
--------------------
Trải qua dòng lịch sử và cho đến ngày nay, người ta hiểu về Chúa Giêsu với nhiều hình thức khác nhau. Tháng giêng năm 1996, tuần báo Quan Sát viên Roma dành riêng để nói về Chúa Giêsu là người Dothái, sinh tại Bêlem, luôn có một quyền lực quyến rũ phi thường; thế mà trong khi đó 53% người Pháp từ 18 tuổi trở lên lại nói rằng Chúa Giêsu không còn chỗ trong đời sống của họ nữa; và cả ngày nay biết bao bộ phim xuyên tạc hình ảnh về Ngài.
Còn theo Gioan Tẩy giả và cũng là niềm tin của Giáo hội Công giáo chúng ta, Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian. Gioan Tẩy Giả giới thiệu cho chúng ta Chúa Giêsu là Đấng CứuThế, là Đấng Cứu Chuộc. Vì chưng công cuộc cứu chuộc chỉ có thể thực hiện được nếu Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là Chiên tinh tuyền của Thiên Chúa cho thế giới. Khi thấy Chúa Giêsu đến gần, Gioan Tẩy giả nói với đám đông dân chúng theo Ngài: “Anh em hãy xem kìa Đấng đang đến với chúng ta. Anh em không biết Ngài, nhưng tôi sẽ nói với anh em rằng Ngài là ai: Ngài là chiên Thiên Chúa Đấng xoá tội trần gian”.
Chiên theo nghĩa Kinh Thánh là một con vật để sát tế làm lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa. Thế nhưng, nhiều người thời nay không nghĩ theo Kinh Thánh và theo niềm tin của chúng ta. Họ muốn và nghĩ rằng:
Một Giêsu là thầy thuốc chữa bệnh cho thế giới,
Một Giêsu chống lại việc loại trừ,
Một Giêsu không thuộc đảng phái chính trị, thế mà lại bị người đời đóng đinh trên thập giá.
Cũng trong tuần báo Quan Sát viên Roma, nhiều người được hỏi về Chúa Giêsu là ai, họ liền trả lời: Nếu ngày nay Chúa Giêsu trở lại trần gian, thì Ngài sẽ là bác sĩ của một tổ chức nhân đạo và tìm cách giải quyết ưu tiên tình trạng của những người nghèo nhất và sự bất công giữa các quốc gia giàu và các quốc gia nghèo… Tuy nhiên, vai trò đích thực của Đấng Cứu Độ thế giới thì người thời nay lại quên mất. Ngài đã mang đến cho họ sứ điệp tình yêu là điểm khởi cho hoạt động bác ái mà nhiều vị thánh đã thực hiện như thánh Vincent de Paul hay thánh Têrêxa Calcuta. Nhưng việc Chúa Giêsu đến trần gian trước hết là để giao hoà nhân loại với Thiên Chúa và vạch ra cho nhân loại con đường tình yêu không vụ lợi.
Chúa Giêsu là Đấng đã xin Chúa Cha tha thứ cho nhân loại. Đúng thế, nhờ lễ hy sinh trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra như “con chiên vượt qua” bị sát tế để xin Chúa Cha tha thứ tội lỗi cho con người. Đúng ra, lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa không cần Chúa Giêsu phải đổ máu thì mới có thể tha thứ tội của nhân loại được. Thiên Chúa vẫn có thể tha thứ cho chúng ta mà không đòi hỏi một điều gì khi chúng ta trở về như trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn chọn cái chết đẫm máu để giúp con người cảm nhận được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa dành cho mình. Nếu Chúa Giêsu không đổ máu mình ra thì mãi mãi con người không thể biết được Thiên Chúa chính là Cha yêu thương, một người Cha đã không tiếc điều gì và sẵn sàng hy sinh ngay cả Con Một yêu dấu vì con người chúng ta. Chúa Giêsu đã dùng chính máu mình để thanh tẩy, để xóa bỏ tội lỗi của trần gian và mở ra con đường tình yêu dẫn chúng ta đến với Cha trên trời. Điều đó minh chứng: Tình yêu của Thiên Chúa vượt lên trên sự công bằng. Tình yêu đích thực không phải là tình yêu gia trưởng. Tình yêu gia trưởng không thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu bao dung và tha thứ.
“Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, Ngài là Con Thiên Chúa”. Không những Gioan chỉ giới thiệu cho chúng ta Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa xoá tội trần gian, mà còn là Con Thiên Chúa. Là người kitô hữu, chúng ta tin chắc chắc rằng Chúa Kitô là một con người thực sự và là một Thiên Chúa thực sự.
Gioan nhắc nhớ rằng: Đức Kitô là Con Thiên Chúa, người Con được Chúa Cha yêu mến cách đặc biệt. Nếu Chúa Kitô không là Thiên Chúa, cái chết của Ngài cũng chỉ là cái chết của một con người, thì cũng không có giá trị vô biên trước mặt Chúa Cha. Một giọt mồ hôi của Chúa đổ ra cũng có giá trị cứu độ thế giới, vì là một giọt mồ hôi của Thiên Chúa. Nếu đặt tất cả những ô nhục, những hèn hạ đê tiện, những hèn nhát, những khủng khiếp của nhân loại trên một đĩa cân, và trên đĩa cân kia đặt một giọt nước mắt của Chúa Kitô, chúng ta sẽ thấy cán cân thăng bằng tức khắc nghiêng về đĩa cân chứa nước mắt của Chúa Kitô.
Chúa Kitô không những là Con Thiên Chúa mà Ngài còn là Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rất nhiều về phẩm chất đáng tôn thờ của Chúa Kitô: là quyền lực và sự khôn ngoan của Thiên Chúa; là bình an và ánh sáng không bao giờ tắt vì Thiên Chúa ở trong Ngài; là Thầy Cả thượng phẩm và là ơn tha thứ tội lỗi; là đấng tạo dựng vũ trụ; là đá tảng và nước; là nền móng đức tin; là viên đá góc tường; là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình; là đầu của thân thể Giáo Hội; mọi loài đều tồn tại trong Ngài; Ngài là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại; Ngài là Con duy nhất đội triều thiên vinh hiển; Ngài là Vua công chính, là Vua hoà bình…Thánh Gioan Tông đồ còn thêm: Ngài là Alpha và Omega, là đầu và là cuối mọi sự.
Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói tại Manila (Philippin) năm 1970: “Chúa Kitô là trung tâm lịch sử thế giới; Ngài biết chúng ta và yêu chúng ta; Ngài là bạn đồng hành và nghĩa thiết của đời sống chúng ta, là con người đau khổ và hy vọng. Tôi không có thể nói hết về Ngài được: Ngài là ánh sáng và chân lý. Ngài là bánh, là suối nước hằng sống lấp đầy cơn đói khát của chúng ta. Ngài là Đấng chăn chiên, là thủ lãnh, là mẫu gương và là anh em của chúng ta. Chính vì anh em, những người kitô hữu. Tôi xin lặp lại danh Ngài: Chúa Giêsu Kitô là nguyên lý và là cùng đích, vua của thế giới mới, là giải nghĩa nhiệm mầu và tối ưu của lịch sử thế giới và định mệnh của chúng ta, là cây cầu nối kết giữa trời và đất. Ngài là Con người với ý nghĩa cao cả nhất vì Ngài là Con Thiên Chúa muôn thuở.”
Mọi thái độ và hoạt động của Chúa Kitô được nói lên trong Phúc Âm đều là của một con người ngang hàng với Thiên Chúa:
Chỉ một mình Ngài dùng một lời nói mà bão táp phải im lặng.
Chỉ một mình Ngài có quyền chữa bệnh và làm cho kẻ chết sống lại. Chỉ một mình Ngài nhân danh chính Ngài trừ được ma quỷ.
Chỉ một mình Ngài mới đòi hỏi một đức tin tuyệt đối vì Thiên Chúa là tất cả cho con người.
Chỉ một mình Ngài được gọi là hoàng đế xét xử nhân loại.
Chỉ một mình Ngài mới có thể nói rằng trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ngài không thể qua đi, vì lời Thiên Chúa thì muôn thuở.
Liệu chúng ta có hãnh diện vì được là môn đệ của một nhân vật như thế không? Làm sao lại dám xấu hổ vì thuộc về Ngài? Ngợi khen Ngài không phải là giương cao ngọn cờ và hoa lá theo bước đi của Ngài, nhưng là nghĩ như Ngài, bắt chước Ngài để dần dần trở nên một kitô khác. Nhất là nhận thấy rằng: sự nghiệp cứu chuộc của Ngài không phải chỉ là giao hoà giữa nhân loại với Thiên Chúa, tẩy sạch tội lỗi nhân loại, mà căn bản là có khả năng làm cho con người trở nên con Thiên Chúa. Dù con người và cả thiên thần không sa ngã, Chúa Kitô vẫn cứ được dự kiến đến trần gian.
Nếu xác định chắc chắn niềm tin vào Chúa Kitô, chúng ta có thể hoàn toàn đơn sơ nói với Ngài bằng tất cả con tim: “Lạy Chúa Kitô, con yêu mến Chúa. Con yêu Chúa vì Chúa bước đi trên khắp nẻo đường của con, Chúa cũng ăn uống như con, biết lạnh và biết đói khát như con; cũng khoác tay với các bạn bè như con, cũng phải sống những giây phút đau khổ trước khi chết như con… vì con. Nhưng con cũng yêu mến Chúa vì Chúa là Thiên Chúa làm người, Đấng vô biên lại trở nên trẻ nhỏ, Đấng Vĩnh Cửu lại đi vào thời gian, Đấng Toàn Năng lại tự nguyện giang tay trên thập giá cho người ta đóng đinh, vua thế giới nhưng chỉ cai trị bằng tình yêu. Amen”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=============
Suy Niệm II
Chính Ngài Là Con Thiên Chúa
(Ga 1, 29-34)
Bước vào Chúa nhật II thường niên A, thánh sử Gioan thuật lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ sinh động và đầy ấn tượng mà ông chứng kiến tận mắt giữa thầy mình là Gioan Tẩy Giả với Chúa Giêsu, ông viết: "Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình" (Ga 1, 29). "Thấy Chúa Giêsu tiến về mình", đây là một hành động tương lai, tiếng Hy bá còn diễn tả “ngày mai”. Nhưng tương lai này có sự liên tục với Giao Ước cũ, vì Gioan Tẩy Giả đã không nói về chính mình, lời của ông được rút ra từ Cựu Ước đan vào nhau để làm sáng tỏ các mầu nhiềm. Bằng từ “ngày mai”, chúng ta bắt đầu một ngày mới, Năm Phụng vụ mới khai mào. Gioan Tẩy Giả thấy sự huy hoàng rực rỡ của Giao Ước mới tiến lên thì nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian." (Ga 1, 29)
Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa
Gioan Tẩy Giả khẳng định, Chúa Giêsu đến trần gian với một sứ vụ đặc biệt là giải thoát con người khỏi tội lỗi. Nhưng người ta tự hỏi: Người giải thoát con người bằng cách nào? Thưa, bằng tình yêu. Bởi tình yêu là khí cụ duy nhất để chiến thắng sự dữ và sự tội. Chúa Giêsu yêu chúng ta bằng một tình yêu thế mạng. Người là Chiên duy nhất chết thay cho đoàn chiên là chúng ta. Không những thế, Người còn phục hồi tất cả những ai sống trên trần gian này và cứu chuộc mang về cho Thiên Chúa Cha. Một người chết thay cho toàn dân, để tất cả vâng phục Thiên Chúa; chỉ một mình Người đã chịu chết để cứu chuộc muôn người… Thật thế, con người đã trở nên hư hỏng, sống trong tội lỗi là lý do tại sao Chúa Cha đã cho Con mình tới làm giá chuộc muôn người (x. Ga 3,16; Mc 10, 45), Chúa Giêsu đã trở nên Con Chiên thật xóa bỏ tội trần gian.
Là Đấng xóa tội trần gian
Tội lỗi là nguồn gốc và là căn nguyên của sự chết, làm thế nào thoát khỏi cái chết đời đời? Chắc chắn phải hủy diệt sự chết. Chúa Giêsu là Đấng vô tội đã gánh chịu những đau khổ và mang lấy tật nguyền của chúng ta (x. Is 53,4) Người đã vui lòng chịu chết trên thập giá và hiến tế vì chúng ta, đúng thật Người là Con Chiên đã chịu chết và sống lại để tiêu diệt sự chết và tẩy xóa tội khiên. Khi cử hành lễ hy sinh của Con Chiên trong niềm vui, thánh Phaolô nói rằng: "Hỡi sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi sự chết, nọc đâu của người ở đâu? "(1Cr 15,55; Os 13,14...) "Ðức Kitô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật " (Gal 3, 13), để chúng ta có thể thoát khỏi lời nguyền của tội lỗi. Người đích thực là Con Chiên vượt qua, bị nhấn chìm trong dòng sống tội lỗi để thánh tẩy chúng ta.
Sống đời nhân chứng
Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Giêsu không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả đời sống mình. Ngài đã chỉ vào Chúa và nói với dân chúng: "Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh hết mọi tội trần gian". Ngài bước đi trên con đường khổ giá và làm chứng cho Chúa Giêsu, Đấng hiến mình chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ngày hôm nay chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta cũng cần phải noi gương thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Chúa để qua đời sống thánh thiện của mình khiến nhiều người nhận biết Chúa.
Có người đặt vấn nạn: Giữa một xã hội gian dối lọc lừa, ích kỷ, hưởng thụ, ghen ghét, hận thù và coi nhẹ sự thủy chung, chúng ta làm chứng cho Chúa thế nào được?
Ðức Thánh Cha Phanxicô gợi lên cho chúng ta câu trả lời: làm chứng cho Chúa có nghĩa là gì nếu không phải là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một "thành trì bị vây hãm", nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả mọi người, và lấy cuộc sống của chúng ta để chứng minh điều này: bước theo Ðức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn" (Kinh truyền tin Chúa nhật 19.01.2014).
Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin giúp chúng con biết dùng lời nói và việc làm để loan báo Tin Mừng của Chúa cho anh chị em chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
============
Suy Niệm III
SỐNG VÀ LÀM CHỨNG ĐỂ LOAN BÁO ĐỨC GIÊSU
(Is 49,3.5- 6; 1 Cr 1,1- 3; Ga 1,29- 34)
Trong một dịp ghé thăm điểm truyền giáo của các cha dòng Chúa Cứu Thế tại Chư Sê - Gia Lai, tôi được gặp một linh mục đáng kính cả về tuổi đời lẫn tuổi truyền giáo tại khu vực này. Trong buổi chia sẻ, ngài nói: “Tôi nhớ những năm đầu tiên đến điểm truyền giáo này, tôi gặp phải không ít khó khăn ở đây. Có những khó khăn rất tế nhị. Nhưng có lẽ khó khăn hơn cả là lòng dân ở đây sẵn có tục lệ và tín ngưỡng lâu đời, nên họ khó chấp nhận một tôn giáo mới. Tuy nhiên, dần dần, một phần vì tò mò, một phần vì cảm nghiệm được lối sống của các vị thừa sai, nên có một người anh em dân tộc đến hỏi về đạo”. Họ hỏi:“Tại sao ông lại sống như thế?” Vị Linh mục trả lời: “Tao sống như vậy là vì Chúa của tao dậy tao sống thế!” Họ hỏi tiếp: “Vậy Chúa của mày là ai? Có thương bọn tao không?” ngài trả lời: “Có chứ!” Anh bạn đó tiếp: “Vậy Chúa của mày là ai?” Không chần trừ, vị thừa sai trên Miền Thượng này đã đưa cho họ hình ảnh cây Thánh Giá có tượng Chúa chịu đóng đinh và nói: “Chúa của tao đây. Vì yêu thương, Ngài luôn bênh vực những người nghèo, chống lại những kẻ áp bức, bóc lột, nên bị chết như thế này đấy”. Anh bạn người dân tộc đó gật gù và nói: “Nếu Chúa của mày tốt như thế và yêu thương bọn tao thì tao sẽ về và nói cho bản của tao, nó đến, mày giới thiệu về Chúa của mày cho chúng nó nghe nhé”. Vị linh mục đó nói “Sẵn sàng”, và một ngày gần đó, ngài đã rửa tội cho hàng ngàn người. Tính đến thời điểm này, mỗi vị thừa sai trên Miền Thượng từ những giai đoạn đầu đến nay đã Rửa Tội được khoảng trên dưới 40.000 người.
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một vị ngôn sứ có lẽ không ai mà không biết đến, ông đã giới thiệu cho dân chúng về Đấng luôn yêu thương họ, Đấng ấy đã được tiên báo từ lâu, Ngài là: “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (X. Ga 1,29). Vị ngôn sứ đó là chính Gioan.
1. Chiên Thiên Chúa là ai?
Chiên Thiên Chúa mà Gioan hôm nay loan báo chính là vị Tôi Tớ hiền lành, khiêm nhường và chịu đau khổ mà tiên tri Isaia đã tiên báo trong Cựu Ước. Ngài được ví như: “Con chiên bị đem đi giết mà không một lời oán trách thở than".
Còn tiên tri Giêrêmia thì dùng chính hình ảnh của mình để tiên trưng về một Đấng Mêsia, là Cứu Chúa của nhân loại khi nói: “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều ác chống lại tôi”.
Hình ảnh con chiên gợi lên sự hiền lành, dễ dạy, thậm chí có vẻ quá yếu đuối và dễ bị đàn áp.
Những lời loan báo và hình ảnh đó hôm nay được Gioan vén mở cho dân thấy khi nói: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Ngài quả là Ðức Giêsu, Người Tôi Tớ Ðau Khổ của Giavê.
Gioan mạnh dạn và giới thiệu cho dân chúng về sứ vụ của Đấng Mêsia như vậy là vì ông đã được mặc khải cho biết: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người ấy chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”(Ga 1, 33b). Ngài đến để cứu chuộc con người và là Đấng xóa tội trần gian.
Tuy nhiên, để hiểu được Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian, thì trước tiên phải hiểu được hình ảnh con chiên trong Cựu Ước.
Con chiên trong Cựu Ước được biết đến như là một lễ vật để đền tội thay cho dân. Trong sách Xuất Hành, con chiên được nói đến nhiều hơn cả. Theo truyền thống Tư tế, thì hằng ngày, người ta sát tế hai con chiên, một con buổi sáng và một con ban chiều. Khi sát tế như thế, họ dâng nó lên Giavê để cầu xin ơn tha tội cho mình và đồng loại (x. Xh 29,38-42). Hình ảnh con chiên mang tội của dân được diễn tả khi kẻ có tội tiến đến bên cạnh con chiên chuẩn bị để làm của lễ, úp hai tay mình lại và đặt lên đầu chúng. Sau đó, vị Tư tế đại diện cho người có tội sẽ sát tế con chiên đó hoặc thả chúng vào rừng. Trong truyền thống của người Dothái thì đây là hình thức xóa tội cho mình và anh em: “Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng, con kia vào buổi chiều” (Xh 29,38-39).
Khi giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, một mặt Gioan muốn nói đến sứ vụ của Đức Giêsu là Đấng đền tội cho dân, mặt khác, ngài muốn nói đến vai trò cứu chuộc của Đức Giêsu. Dưới tước hiệu “Chiên của Thiên Chúa”, Đức Giêsu chính là Đấng vô tội và thánh thiện, dưới tước hiệu “Đấng xóa tội trần gian”, Ngài chính là Đấng đã được Cựu Ước loan báo như là Vị Tôi Tớ đau khổ, trung thành, chết thay và đền tội cho dân.
Nếu Đức Giêsu không phải là Chiên vô tội thì không thể cứu chuộc được nhân loại. Ngài là Đấng thánh thiện, tinh tuyền, khiêm tốn và tự hủy cho nên Ngài đã trở thành Vị Tôi Tớ của Giavê mà tiên tri Isaia đã loan báo, là Đấng xóa bỏ tội trần gian.
Chính nhờ Đấng Trung Gian đã giao hòa thế gian với Thiên Chúa bằng chính cái chết của mình nên Ngài đã trở thành Ađam mới, đã hoàn tất sứ mạng của mình bằng con đường hy sinh, gánh lấy tội lỗi của cả nhân loại để rồi đem lên trên cây thập giá và cùng với của lễ là chính bản thân để đền tội và tẩy xóa cho nhân loại.
2. Sứ điệp Lời Chúa
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Gioan được hiện lên như là một nhân chứng vĩ đại của Đức Giêsu, bởi vì ông đã thấy và ông xin làm chứng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”(Ga 1,29).
Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được đón nhận cùng một sứ mạng ngôn sứ như Gioan ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Vì thế, chúng ta cũng phải giới thiệu Chúa cho người khác.
Tuy nhiên, mỗi người mỗi hoàn cảnh, chẳng ai giống ai, nhưng chúng ta đều có trách nhiệm là men là muối trong đời sống thường ngày bằng việc sống chứng nhân qua gương sáng.
Thật vậy, nếu là ông chủ, hãy cư xử với nhân viên cách công bằng; nếu là công nhân, hãy làm việc vì bổn phận và tránh sự bất cẩn để thiệt hại cho người khác; nếu là bác sĩ, hãy sống đúng với lương tâm một vị: “Lương y như từ mẫu”. Đừng vì tiền, vì chiếc ghế chức quyền mà đi ngược lại với bản chất của một nghề đáng trân trọng; nếu là thầy cô giáo, hãy dạy cho học trò điều tốt đẹp từ bao đời là “tiên học lễ - hậu học văn”; nếu là quan trường thì hãy yêu thương dân, không đàn áp, bóc lột, tham nhũng để dân phải đói khổ và ân hận...
Tuy nhiên, hãy học cách giới thiệu của Gioan, ông đã luôn sống sự khiêm nhường thẳm sâu để cho Đức Kitô được nổi bật lên. Chúng ta cũng vậy, muốn chu toàn sứ vụ tốt đẹp, có lẽ không có cách nào tốt đẹp hơn bằng sự khiêm tốn, hiền hậu để khuôn mặt của Đức Giêsu được lộ hiện lên trên khuôn mặt cũng như nơi những công việc của chính chúng ta. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển