Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXXIII Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 07:56 11/11/2016
“Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 19)
Suy Niệm I
Anh em hãy coi chừng kẻo bị lường gạt
-------------------------
 
Nghe đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sợ vì Chúa báo trước một số tai nạn khủng khiếp sẽ xẩy đến, trong đó có sự kiện thành Giêrusalem sẽ bị phá huỷ. Tuy nhiên, phần kết của bài Tin Mừng này lại rất lạc quan: hãy tin tưởng, đừng sợ, đừng hốt hoảng. Tốt nhất là hãy trở về!
Vừa ra khỏi đền thờ Giêrusalem, các tông đồ thưa với Chúa Giêsu: “Thầy ơi, Đền Thờ của chúng ta đẹp tuyệt vời!” Chúa Giêsu không phủ nhận điều đó, nhưng Ngài dội cho họ một gáo nước lạnh: đẹp thì đẹp thật, nhưng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, nó sẽ chỉ là đống gạch vụn. Và khoảng năm 70, Đền Thờ đã bị thiêu trụi. Qua biến cố này, Chúa Giêsu muốn chúng ta hướng tới những thử thách lớn lao mà lịch sử nhân loại sẽ phải hứng chịu:
- Trước hết là sự phá huỷ thân xác Ngài, nhưng chính thân xác đó sẽ trở nên Đền Thờ đích thực mà Thiên Chúa ưa thích: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Tin Mừng còn nói thêm: “Chúa Giêsu có ý nói về Thân Xác của Ngài sẽ sống lại”.
- Ngài còn báo trước sự bách hại đối với các Kitô hữu thời kỳ sơ khai và mọi thời đại khác. Nhưng cần ý thức rằng GH của chúng ta vẫn cứ là Đền Thờ mới.
- Ngài báo trước ngày tận số của mỗi người. Và Ngài cũng báo trước ngày tận thế!
Chúa Giêsu báo trước một số điều khủng khiếp như vậy, cũng là để niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa được tăng lên. Ngài biết rõ chúng ta được dựng nên để hạnh phúc, để thành công và để phát triển. Tuy nhiên, trên đời này chẳng có gì là tuyệt đối, ngay cả sự vô phúc cũng không tuyệt đối. Con người bị kết án tử hình, nhưng cũng có thể trở nên thánh.
Vì thế, chúng ta đừng hốt hoảng: những vấn đề lớn của thế giới vẫn có thể giải quyết được, nếu con tim và khối óc của con người biết tìm ra giải pháp. Nếu thế giới đừng chi phí 600 tỷ đô-la cho vũ khí, mà dùng cho việc giáo dục và an ninh xã hội thì chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc!
Đừng hốt hoảng! Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta, Thay vì chờ đợi ngày trở lại của Chúa, chúng ta cứ nói với nhau rằng Chúa đang ở đây và hãy tin tưởng vào Ngài.
Đừng hốt hoảng và tiêu cực vì sự thăng tiến chậm chạp của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa tại trần gian này đang va phải bức tường của tiền bạc và quyền bính đang làm nhiều người hư hỏng…Tuy nhiên, cũng cần phải có thời gian để cây Giáo Hội được lớn lên nhờ sự thánh thiện của chúng ta dù chỉ là chậm chạp, và để ngọn lửa tình yêu của mỗi người lan tỏa tới tận cùng trái đất. Chính sự nhẫn nại mới là điều căn bản sâu xa.
Đừng hốt hoảng khi chúng ta nghĩ đến cái chết của mình:  Chúng ta biết rõ chết không phải là hết. Chết không phải là con người trở về hư vô hoàn toàn. Chết là biến đổi!
Đừng hốt hoảng vì ngày tận thế ! Thế giới hôm nay có những tiêu cực, nhưng trước mắt chúng ta sẽ có nhiều điều tích cực. “Nguy hiểm lớn nhất của thời đại chúng ta hôm nay, đó là đánh mất niềm hy vọng”. Chúng ta hãy luôn hy vọng và tin tưởng vào Thiên Chúa. Hy vọng thế giới sẽ biến đổi.
Tuy nhiên, muốn biến đổi thế giới, hãy biến đổi chính chúng ta! Chúa Giêsu đã nói: “Nếu anh em không trở về,  anh em sẽ bị phá huỷ hoàn toàn.”!
Chỉ có một việc khẩn cấp là hãy trở về!
- Trở về không có nghĩa là chứng tỏ mình sẽ có nhiều thành tích trong năm mục vụ tới!
- Trở về không có nghĩa là sẽ làm cho giáo xứ, giáo họ mình được nổi danh
- Trở về là nhổ bỏ cái chủ nghĩa coi mình là trung tâm, là kiểu mẫu, là nhất.
- Trở về là góp phần mình vào sự trở về của thế giới.
Nhưng sự trở về trước hết vẫn là từ chính chúng ta. Hãy nhận ra khuyết điểm của mình và giao hòa với Thiên Chúa và với mọi người xung quanh. Lúc đó chúng ta sẽ tìm lại được bình an thẳm sâu trong tâm hồn và  sẽ đem bình an đó cho những người thân cận xung quanh..
Trở về cũng sẽ giúp chúng ta thay đổi cuộc sống.
a- Nhưng trước hết, hãy để cho Thiên Chúa xô đổ chúng ta. Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy:
- Abraham, lúc đang yên ổn ở thành Ur, thì Chúa lệnh cho ông phải bỏ tất cả để đến ở một nơi mà ông chẳng hay biết gì.
- Môsê đang chăn cừu, Chúa bảo phải bỏ, và đi gặp vua Pharaô để cứu dân tộc Dothái.
- Thánh Giuse, Đức Maria, các tông đồ đã có một cuộc sống đảo lộn sâu xa.
b- Trở về cũng là để cho Thiên Chúa hành động
“Trở về, không phải là mơ về điều không có thể, cũng không phải là ngay lập tức, và cũng không phải là nản lòng trước tội lỗi của mình, nhưng là quay về với Thiên Chúa và để cho Ngài thay đổi, khi chúng ta không có khả năng nghĩ ra”.
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối năm phụng vụ. Trong năm qua, có những việc tốt chúng ta đã làm được, chúng ta hãy quy về cho Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, và thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, con chỉ  là đầy tớ vô dụng”; cũng có những việc chúng ta chưa làm được hoặc vẫn tồn tại nhiều lỗi lầm khuyết điểm, chúng ta hãy trở về và sốt sắng dâng lên Chúa lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa chờ đợi nơi con điều gì?...Phải chăng là một sự thay đó nào đó làm vui lòng Chúa?”.
Là người Kitô hữu, chúng ta đừng sợ tương lai, vì tương lai ở trong tay Thiên Chúa rất tốt lành. Chỉ có một điều đang thôi thúc chúng ta, là chúng ta hãy yêu Chúa vì Chúa quá yêu chúng ta!

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

============
Suy Niệm II
Trung Thành Và Bình An
(Lc 21, 5 - 19)
 
Chu kỳ Năm Phụng vụ mở ra với ngày tháng dần trôi đang từ từ khép lại. Chúng ta đang ở Chúa Nhật áp chót của năm, cũng như Chúa Nhật cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Nhưng tâm điểm vẫn là Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, chịu chết và sống lại, lên trời và sẽ trở lại trong vinh quang như lời Người đã phán. Sống đời Kitô hữu là sống niềm tin và hy vọng vào Chúa, nhất là trung thành với Đức tin đã lãnh nhận ngày chịu phép Rửa Tội, chúng ta sẽ được bình an trong ngày Chúa đến.
Chúa Nhật thứ XXXIII thường niên C làm chúng ta nhớ lại, khởi đầu Năm Phụng vụ, Giáo hội đã kêu gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Kitô đến lần thứ nhất mang ơn cứu độ là chính Người đến cho nhân loại. Chúa Nhật hôm nay, Giáo hội lấy lại lời Chúa Giêsu báo trước về ngày giờ Chúa đến lần thứ hai, giúp chúng ta nghĩ về những thực tại mai hậu của con người là: sự chết, sự phán xét, thiên đàng và luyện ngục. Nhưng trước khi những việc ấy xảy ra thì sẽ có các tiên tri giả, nên lời Chúa mời gọi chúng ta cảnh giác và sống trong tỉnh thức cũng như hy vọng, nhất là bền đỗ đến cùng trong niềm tin cậy vào Chúa (x. Lc 21, 5 – 19).
Nghe đoạn Tin Mừng Luca (21, 5 – 19) hôm nay với những lời tiên báo của Chúa Giêsu như: Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy, xuất hiện các tiên tri giả, các dân nước chống lại nhau, nạn ôn dịch xảy đến… Dĩ nhiên người ta hỏi Chúa: Khi nào thì điều ấy xảy ra? Ðâu là những dấu hiệu? Nhưng Chúa Giêsu chuyển sự chú ý của họ đối với những khía cạnh cụ thể bao giờ xảy ra, sẽ như thế nào, sang những vấn đề đích thực. Có hai vấn đề. Thứ nhất: là đừng để mình bị những tiên tri giả đánh lừa, và đừng để mình bị tê liệt vì sợ hãi. Thứ hai: sống thời gian chờ đợi như thời gian làm chứng và kiên trì. Và chúng ta đang ở trong thời gian chờ đợi Chúa đến.
Lời cảnh tỉnh xưa của Chúa Giêsu vẫn luôn có tính chất thời sự, kể cả đối với chúng ta là những người đang sống trong thế kỷ 21. Chúng ta cần phải phân định, đâu là tinh thần của Chúa và đâu là tinh thần của thần dữ. Ðúng vậy, ngày nay cũng có những cứu thế giả, toan tính thay thế Chúa Giêsu: thủ lãnh của thế gian này muốn thu hút về mình tâm trí của người khác, nhất là của những người trẻ. Chúa Giêsu cảnh giác chúng ta: “Các con đừng đi theo chúng!”.
Trong thực tế, những gì mà Chúa Giêsu tiên báo liên quan đến ngày tận thế đã, đang và chắc chắn sẽ xảy ra. Chẳng hạn gần với thời của Người là Đền Thánh Giêrusalem đã bị phá tan bình địa vào năm 70 sau đó như Người tuyên bố. Các biến cố khác như chiến tranh, giặc giã, đói khát, động đất, chết chóc, nước này nổi lên chống đối nước kia... đang không ngừng ập đến trong nhân loại từ nơi này đến nơi khác dưới mọi hình thức, rõ ràng nhất là sự tận cùng đời người của mỗi chúng ta. Hằng ngày có không biết bao nhiêu nhân mạng tan biến đi thành tro bụi trên trái đất này. Như thế, điều Chúa Giêsu tiên báo về ngày tận thế không phải là sự dọa nạt, nhưng thức tỉnh chúng ta, hướng chúng ta về cuộc sống an bình, hạnh phúc trong sự đợi chờ của niềm tin và lòng cậy trông vững vàng vào sự quan phòng và quyền năng Thiên Chúa.
Chúa nhắc nhở rằng: “Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất” (Lc 21,18). Chúng ta hoàn toàn ở trong tay Thiên Chúa! Những nghịch cảnh chúng ta gặp vì đức tin và vì lòng gắn bó với Tin Mừng là những cơ hội để làm chứng tá; những nghịch cảnh ấy không làm chúng ta xa Chúa, nhưng thúc đẩy chúng ta càng phó thác vào Chúa, sức mạnh của Thánh Linh và ơn thánh của Ngài.
Lời Chúa nói đây: “Các con cứ bền đỗ đến cùng, các con sẽ giữ được linh hồn các con” (Lc 21,19). Những lời trên của Chúa Giêsu chứa chan niềm hy vọng. Lời ấy như tiếng mời gọi chúng ta sống hy vọng và kiên nhẫn, chờ đợi những thành quả của ơn cứu độ, tín thác nơi ý nghĩa sâu xa của cuộc sống và lịch sử: những thử thách và khó khăn là điều thuộc về một kế hoạch rộng lớn hơn; Chúa là chủ tể lịch sử, Ngài hướng dẫn mọi sự đến chỗ viên mãn. Dầu có những xáo trộn và tai ương làm chao đảo thế giới, nhưng kế hoạch từ nhân và thương xót của Thiên Chúa sẽ viên mãn! Và đây là niềm hy vọng của chúng ta: tiến bước như thế trên con đường này, trong ý định của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con tin cậy vào Chúa, Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng con bước, là Ánh Sáng chỉ đường cho chúng con đi, Lời ấy tồn tại mãi cho dù mọi sự qua đi.
Lm.  Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log