“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19, 9-10)
Suy Niệm I
Hôm nay nhà này được cứu độ
-----------------
Trở nên thánh không phải do việc nghiên cứu thần học hoặc trí thức sâu xa, nhưng là cậy dựa vào nhân vật đáng tôn thờ là chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu chúng ta muốn gặp gỡ Ngài, Ngài có thể thay đổi cuộc sống chúng ta, sớm hay muộn Ngài sẽ gặp chúng ta như đã gặp người phụ nữ Samaria và Da-kêu. Nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ có thể thay đổi được, nếu chúng ta khát khao đợi chờ Ngài. Chính vì Da-kêu khát khao Ngài nên Ngài đã trở nên Đấng Cứu Độ cho ông.
Da-kêu ư? Hôm nay ông được mô tả là một con người chẳng hay ho gì, vì ông cộng tác với giặc ngoại xâm.. Không những ông là một nhân viên thu thuế bóc lột dân nghèo và thỏa hiệp với đế quốc Rôma, mà còn là thủ lãnh, hay nói cách khác, ông là kẻ bất lương nhất. Hơn nữa, ông chẳng có một thân hình vạm vỡ gì: ông có một dáng vóc nhỏ bé không phù hợp với nghề nghiệp của ông chút nào. Ông nhỏ về thể lý và nhỏ cả về luân lý! Nhiều lần ông dám trà trộn vào đám đông để xem vị tiên tri mà nhiều người nói tới, nhưng không tìm được chỗ. Nếu len lỏi trước mặt người khác, thì bị người ta khinh bỉ. Nếu đứng đằng sau, thì chẳng thấy gì vì thân hình ông nhỏ bé. Cuối cùng, ông trèo lên cây xung, ở đó ông xem thấy tất cả và cũng chẳng ai để ý đến ông.
Da-kêu ư? Dù người đương thời đánh giá ông nhỏ về thể lý và nhỏ cả về luân lý, nhưng ông lại là người anh hùng trong bài Tin Mừng hôm nay, một con người mà Thiên Chúa đã liệt kê là rất hay. Ông đã khát khao nồng cháy được thấy Chúa Giêsu bằng mọi giá, bất chấp nguy cơ có thể ngã gãy cổ. Ông trèo lên chỗ cao không phải chỉ vì tò mò để chụp ảnh hoặc quay camera. Không! Điều mà ông muốn biết, biết một nhân vật nổi tiếng mà thiên hạ đang nói về. Nhân vật đó không nề hà dùng bữa với những kẻ thu thuế và còn tha thứ cho các tội nhân. Đúng thế, ông khao khát thấy Ngài!
Về phần chúng ta,
- Chúng ta có sống buông thả theo xã hội tiêu thụ hôm nay mà người ta đánh mất ý nghĩa về giá trị đích thực, dần dà dẫn tới tình trạng tội lỗi không?
- Chúng ta có thực sự muốn gặp gỡ Chúa Kitô không?
- Chúng ta có sẵn sàng gặp Ngài, dù hậu quả của những lần gặp gỡ đó ảnh hưỏng không lợi đến đời sống kinh tế của chúng ta? (ví dụ như mất 2 hoặc 3 trăm ngàn đồng một ngày công, chỉ vì đi lễ chủ nhật, đi họp ban hành giáo, giáo lý viên hoặc một công việc vì lợi ích chung của giáo xứ, giáo họ)
- Chúng ta có sẵn sàng gặp Ngài trong bài Tin Mừng hằng ngày không?
- Chúng ta có sẵn sàng gặp Ngài trong yên lặng không? Thánh Bernard de Clairvaux nói: “Muốn nghe tiếng Thiên Chúa nói, cần phải rút lui vào nơi thanh vắng. Tiếng của Thiên Chúa nói không vang lên trên các quảng trường. Một lời khuyên kín đáo đòi hỏi sự lắng nghe cũng phải kín đáo”.
- Chúng ta có sẵn sàng gặp Ngài trong những người nghèo khó không? Đoạn kết trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu loan báo cho chúng ta rằng: tất cả những khuôn mặt của người nghèo khó sẽ trở nên khuôn mặt của Ngài: “Ta đói mà ngươi đã không cho Ta ăn”.
- Chúng ta có biết giữ chặt cơn khát Thiên Chúa trong chúng ta không? ĐHY Martini cầu nguyện cùng Chúa: “Lạy Chúa, con xin Chúa thức tỉnh cơn khát lớn nhất trong đời con là luôn có Chúa”.
Trở lại với nhân vật Da-kêu hôm nay, chỉ mình Chúa Giêsu thấy ông. Chúa nhìn ông và ông nhìn Chúa. Sự trao đổi nhiệm màu của hai cái nhìn đang nói với nhau:
- Chúa Giêsu nhìn và đọc được ước vọng của Da-kêu.
- Còn Da-kêu, ông muốn nói với Chúa: “Thưa Thầy, tôi rất muốn mời Thầy vào nhà tôi, không biết có được không? Tôi là người ngoại đạo, nếu Ngài vào nhà tôi, sợ rằng người ta sẽ phê bình Ngài”.
Ngay lúc đó, Chúa Giêsu hành động nước trước: “Này anh Da-kêu, hôm nay chính tôi mời anh đấy: tôi tự mời tôi đến nhà anh. Vậy anh hãy trèo xuống mau! Vì khát vọng của anh lên cao lắm rồi! Anh hãy về chuẩn bị một bữa nhẹ nhàng thôi! Một vài phút sau tôi sẽ tới”.
Da-kêu nhảy xuống ngay, lòng phấn khởi khôn xiết. Thế là phép lạ được thực hiện. Ông thưa với Chúa: “đây phân nửa gia tài tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Vâng, thế là Da-kêu đã được giải phóng khỏi tiền bạc.
Nếu không có lòng tế nhị và tình thương vô bờ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ giải thích thế nào sự thay đổi đột ngột của Da-kêu?
- Trong lúc chú ý đến con người tội lỗi này và chọn ông giữa muôn người, Chúa Giêsu đã tỏ cho ông thấy rằng ông ở trong tầm ngắm của Ngài không chỉ vì quen thuộc, nhưng còn vì ông đáng được quan tâm và có khả năng trở về. Ngài nói với ông: “Tôi còn lớn hơn tội của ông đấy! Tôi không nhìn ông như một tội nhân, nhưng là con cái Abraham. Và còn hơn thế nhiều, ông có khả năng trở nên con cái Thiên Chúa”.
- Da-kêu xúc động như viên sĩ quan trong Tin Mừng đã thưa với Chúa: “Lạy Ngài, Ngài là ai? Tôi không đáng để Ngài đến nhà tôi.” Và thế là Da-kêu đã cho Chúa Giêsu cơ hội tốt nhất của chính Ngài, vì Ngài là Đấng cứu Độ. Thực vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện đầy đủ sứ mệnh cứu độ của Ngài: “Này anh Da-kêu, anh đã được cứu độ. Tôi đã đến trần gian để làm điều đó”.
Phần chúng ta? Chúng ta có là những Da-kêu để cho Chúa Kitô cứu độ không? Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Hỡi các bạn trẻ hãy để cho Thiên Chúa là ơn cứu độ và là nguồn hạnh phúc của các bạn”.
Điều đó muốn nói lên rằng chúng ta hãy chấp nhận Chúa Giêsu đến quấy rầy chúng ta khỏi các tiện nghi của cuộc sống và chấp nhận chúng ta là tội nhân. Chúng ta hãy chấp nhận ra đi tìm kiếm Ngài, khám phá tình yêu vô bờ của Ngài theo gương Da-kêu mau chóng trở về.
Mỗi người chúng ta đã được dựng nên để gặp gỡ, và gặp gỡ lớn lao với Chúa Kitô sớm hoặc muộn là vào giờ sau hết của cuộc đời. Chúng ta chỉ có thể vào được Nước Ngài nếu chúng ta trở về và thay đổi cuộc sống tội lỗi của mình.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy Niệm II
Hãy Thương Xót Như Cha Trên Trời
(Lc 19, 1-10)
Vào lúc Giáo hội đang chuẩn bị đóng Cửa Thánh bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, phụng vụ Lời Chúa lại vang lên như tiếng chuông nhắc bảo chúng ta chiêm ngắm Lòng Thương Xót và thực thi lòng thương xót.
Chúa thương xót mọi loài, và yêu thương mọi tạo vật (x.Kn 11,21-26). Thương xót đến độ “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người …không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa tác thành” (Kn 11, 23). Lòng thương xót ấy được cụ thể hóa nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ, Ðấng đã khẳng định rằng Người đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32). Trình thuật về cuộc hoán cải của ông Da-kêu trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay là một bằng chứng (x. Lc 19, 1-10).
Da-kêu, người thấp bé. Đây không phải là một chuyện nhỏ, nhưng là một nỗi đau đối với ông. Trong trí ông luôn mang trong mình sự ảm ảnh mình bị chế giễu và loại trừ, ông là người đau khổ. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để trả miếng: thậm chí trở thành người thu thuế cho ngoại bang. Đây là nghề không lành mạnh, dễ bị loại ra khỏi đời sống tôn giáo và xã hội, vì thông đồng với người Rôma, kẻ chiếm đóng và bóc lột đồng bào. Nhưng điều đó không quan trọng đối với ông, ông biết, ông có thói quen bị loại trừ. Trở thành một viên thu thuế quyền thế giàu có. Da-kêu, như những người khác, đã thu về một khoản tiền lớn từ bàn thu thuế, nhưng sự yêu mến tiền bạc không phải là động lực chính của ông, ông muốn có được sức mạnh trên những kẻ coi thường ông. Vì thế, ông xa cách họ, tránh xa các cuộc tấn công của họ, và ở trên họ.
Nhưng điều trên không làm cho Da-kêu chìm vào bóng tối. Con người biết tính độc ác đích thực của mình. Trong sâu thẳm của coi lòng, có cái gì đó lợi hơn: khát khao Thiên Chúa. Da-kêu là người con của lời hứa và Thiên Chúa đã không quên ông. Thế là, Chúa Giêsu rảo khắp các ngả đường, giảng dạy trong hội đường. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu thấu đến tai Da-kêu như cá gặp nước, củi khô gặp lửa. Người đã nhóm lên trong lòng Da-kêu ngọn lửa không hề bị dập tắt từ Thiên Chúa. Da-kêu, kẻ thu thuế đã nghe nói về các phép lạ của Đấng Tiên Tri, và rằng Chúa Giêsu không bao giờ từ chối những người tội lỗi. Ông chộp lấy cớ hội, quyết định tiến lại gần Chúa Giêsu.
Để đến được với Chúa Giêsu không phải là dễ, ông gặp phải sự cản trở của bản thân vì thấp bé, của đám đông. Họ sẽ nhận ra và lại chế giễu ông thấp bé, quyền lực, giàu có, bóc lột đồng bào. Họ sẽ khinh thường ông, làm cho ông xấu hổ, báo thù khơi dậy báo thù. Nhưng Da-kêu không bỏ lỡ cơ hội, ông sẽ thấy Chúa Giêsu đang đến gần, không gì có thể cản trở ông được.
Vì thế, ông trèo lên cây, ẩn mình trong những tán lá để xem Chúa Giêsu mà không bị ai nhìn thấy, ông tìm cách tiếp cận, với hy vọng những tán lá sẽ bảo vệ ông khỏi đám đông. Nhưng Chúa Giêsu đi ngang qua. Người tiến lại gần, ngước mắt nhìn ông và gọi “Da-kêu”. Da-kêu có nghĩa là “Chúa nhớ lại”. Thiên Chúa nhớ đến kẻ yếu người nghèo, với lòng thương xót “Da-kêu, hãy xuống mau” (Lc 19,5).
Cố gắng của con người xem ra vô dụng, khi dùng cả sức mạnh của mình để vươn lên tới Chúa, tới Trời: “các ngươi sẽ nên như các thần” con rắn cám dỗ Ađam như thế. Da-kêu khi ở trên cao, ông khám phá ra rằng để có được điều ông tìm kiếm, ông phải đi xuống. Thiên Chúa đã hạ mình xuống với con người. Thiên Chúa đã trở nên thấp và nhỏ bé, ở dưới gốc cây. Da-kêu vui sướng thấy Chúa.
Chúa Giêsu đã giao hòa Da-kêu với Thiên Chúa, và với mọi người. Tiếng gọi của Chúa Giêsu đặt Da-kêu vào giữa cộng đoàn, khiến ông quên đi sự báo thù, mở lòng ra để đón nhận ơn tha thứ, niềm vui này Da-kêu chia sẻ với anh em. Chúng ta đừng có nhầm: Da-kêu không vứt bỏ tiền vì đã gặp được Chúa, ông không còn thích nữa. Chính sự dâng cúng này, Da-kêu cho thấy ông không còn cần quyền lực để bảo vệ mình giữa mọi người nữa. Cuối cùng, ông đã nhận ra họ là anh em. Trước kia ông sống trong cô đơn, nay ông khám phá ra niềm vui của một tình yêu sâu thẳm vô điều kiện ở nơi Chúa Giêsu. Vì vậy, hạnh phúc của ông là đáp lại anh em mình, bằng cách chia sẻ tài sản của ông, mở ra một mối quan hệ mới với họ, dựa trên công lý.
Trong một văn bản khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định rằng, người giàu rất khó vào Nước Trời (x. Mt 19,23). Trong trường hợp của ông Da-kêu, điều xem ra không thể, lại được thực hiện: thánh Girolamo giải thích rằng “ông Da-kêu đã cho đi sự giàu có của ông và lập tức thay thế nó bằng sự giàu có của nước trời” (Bài giảng 83,3). Và thánh Massimo thành Torino nói thêm: “Ðối với những người dại dột, của cải giàu sang dưỡng nuôi sự bất chính, trái lại đối với những người khôn ngoan chúng trợ giúp nhân đức; cơ may cứu rỗi được cống hiến cho những người khôn ngoan, còn đối với những người dại dột sự vấp ngã khiến cho họ hư mất” (Bài giảng, 95).
Chúa Giêsu kết thúc: “Con người đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10), “điều đã hư mất” chứ không phải là “kẻ bị mất”. Đây không phải là Da-kêu đã mất. Khi cô lập với anh em mình, ông đã mất niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa. Chúa Giêsu mang lại cho ông niềm hy vọng khi nói với ông: “Da-kêu, hãy xuống mau!”.
Thiên Chúa không loại trừ ai hết, người nghèo cũng như người giàu. Thiên Chúa thấy nơi mỗi người một linh hồn cần cứu vớt. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta: hãy noi gương Chúa và thực thi lòng thương xót như Cha trên trời! Hôm nay ơn cứu độ của Chúa đến với chúng ta; “Hôm nay, Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19,5). Mỗi ngày, hãy đến với Chúa Giêsu, là chủ nhà của tâm hồn chúng ta và là Thầy của đời ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ