Thứ hai, 06/01/2025

Suy niệm Chúa Nhật IV Mùa Vọng - A

Cập nhật lúc 22:23 17/12/2016
Chúng ta biết rõ câu truyện về truyền tin cho Đức Mẹ. Hình ảnh truyền tin cho Đức Mẹ được phác họa qua rất nhiều bức ảnh nghệ thuật khác nhau. Nhưng câu truyện truyền tin cho Giuse thì ít được nhiều người biết đến.
Truyền tin cho Giu-se
------------------------
 
Chúng ta biết rõ câu truyện về truyền tin cho Đức Mẹ. Hình ảnh truyền tin cho Đức Mẹ được phác họa qua rất nhiều bức ảnh nghệ thuật khác nhau. Nhưng câu truyện truyền tin cho Giuse thì ít được nhiều người biết đến.
 
Giuse, chủ gia đình, một con người kín đáo nhưng rất năng lực, luôn sẵn sàng để hành động. Bài Tin mừng hôm nay, không đề cập đến Gioan Tẩy giả vào tuần cuối cùng trước Noel nữa, mà lại nói đến hình dáng quý tộc và hiền hậu của bác thợ mộc Nagiaret. Đó là Giuse, con người của giao ước mới, mẫu mực về đức tin và trung thành, là người biết đón nhận lời Chúa, phục vụ Chúa và nhiều người khác.
 
Trước hết, bài Tin Mừng mà Thánh Mátthêu đề cập đến, đó là một sự đau khổ lớn lao mà Thánh Giuse phải đón nhận. Dự kiến về gia đình của Ngài đổ vỡ vì Ngài nhận ra bạn đời mang thai. Mọi  giấc mơ của Ngài xem ra đều bị suy sụp. Chúng ta dễ hiểu sự đau khổ đó ẩn giấu qua sự dè dặt của bài Tin Mừng.
 
Thật đau lòng! Giuse quyết định bỏ bạn đời cách kín đáo. Điều đó cũng ám chỉ Giuse từ chối được coi là cha của đứa trẻ. Nhưng Thiên Chúa đề nghị Giuse thay đổi ý định từ bỏ và hãy nhận Maria làm vợ. Thiên Chúa cần Giuse và phó thác cho Giuse một trách nhiệm kép: nhận Maria về nhà mình và đặt tên cho đứa trẻ. Điều đó có nghĩa là nhận trách nhiệm của một người cha: “Này ông Giuse, đừng ngại đón Maria vợ ông về…Ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giê-su”.
 
Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy rất nhiều người sống như không cần đến Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, thế giới không thể tồn tại nếu không có Thiên Chúa. Riêng đối với nềm tin của người tín hữu chúng ta, Thiên Chúa không những hiện hữu, mà còn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hằng ngày.
 
Thiên Chúa ở với chúng ta để chia sẻ thân phận hữu hạn của con người giữa bao thử thách đau thương. Thiên Chúa không còn xa lạ với con người. Người là Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng có thể phá hủy hàng rào tội lỗi ngăn cách nhân loại với Thiên Chúa. Từ lòng mẹ, Con Thiên Chúa đã được sinh ra để đồng hình đồng dạng với con người: “Bà sẽ sinh con trai”.
 
Nhưng như thế, chưa đủ để Con Thiên Chúa có thể đi vào cơ cấu xã hội. Người phải thuộc về một dòng họ để đáp ứng những đòi hỏi pháp lý hòa nhập vào Dân Thiên Chúa: “Này ông Giuse, con cháu vua David, ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”. Như thế, Chúa Giêsu thuộc về dòng họ David, một dòng họ đã được thừa hưởng lời hứa. Chính trong dòng họ này, Chúa Giêsu có thể thực hiện chương trình cứu độ.
 
Đó là lý do tại sao Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người quả là một mầu nhiệm vĩ đại ngay từ lúc được dựng thai trong lòng Đức Mẹ: “Người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Trong cơn hoang mang, phải có niềm tin như thánh Giuse mới có thể chấp nhận một sự thật khó hiểu như vậy.
 
Kinh Thánh đã chứng minh Giuse là người công chính, nghĩa là người hết lòng tin tưởng và sống theo lề luật. Tấm lòng Thánh Giuse bị xé rách giữa đòi hỏi của lề luật và danh tiếng của Đức Maria. Giữa lúc phân vân như vậy, sứ thần Chúa đến giải thích cho Giuse. Giuse hết sức vui mừng, mừng vì được đón Đức Maria về, mừng vì “được đặt tên cho con trẻ là Giê-su.”
 
Từ đó nhân loại bước vào một thời đại mới, thời đại mà con người đồng hành với Thiên  Chúa. Nói đúng hơn, Thiên Chúa ở cùng chúng ta để ban muôn ”ân sủng và bình an” cho nhân loại. Từ đó, chúng ta được trở nên “những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh”. Cũng từ ơn gọi cao quý dó, chúng ta có thể đem “Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” cho hết thảy mọi người trên trái đất này, như lời Thánh Phaolo đã nói trong bài đọc II.
 
Sự hiện diện này là trung tâm của tất cả mặc khải: Chúa Giêsu, chính là Thiên Chúa cứu độ. Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Emmanuel có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nhờ mầu nhiệm nhập thể và xung quanh mầu nhiệm này mà toàn thể đời sống Giáo Hội đều hướng về.
 
Nếu Thiên Chúa ở với con người, người tín hữu chúng ta không thể lạnh lùng trước những đòi hỏi của Tin mừng cứu độ. Chỉ có Tin Mừng cứu độ mới có thể đáp ứng khát vọng lớn lao và sâu thẳm của con người. Tất cả nhân loại đang khát khao hòa bình. Thánh giáo hoàng  Gioan Phaolo II nói: “Hòa bình thực sự là hoa trái của công lý. Nhưng vì công lý của nhân loại luôn mỏng dòn và không hoàn thiện do tính ích kỷ của cá nhân và phe nhóm. Công lý cần phải được bao gồm và hoàn thiện bởi sự tha thứ có giá trị chữa lành và tái lập từ căn bản các mối quan hệ bị đổ vỡ giữa con người với nhau…Hòa bình là con đẻ của công lý và của sự tha thứ”.
 
Đức Thánh Cha Phanxico đã suy niệm: “Hôm nay mỗi người chúng ta bất cứ ở đâu trên trái đất này đều đón nhận “ân huệ và sứ mệnh” và có thể noi gương khiêm nhường và trung thành của Thánh Giuse, người công chính trước mọi vấn đề”.
 
Chúa Giê-su đã hiện diện: sự có mặt kín đáo và dấu ẩn của Chúa Giê-su trong cung lòng Đức Trinh nữ Maria, chính là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sâu thẳm của mỗi người chúng ta. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong các bí tích và nhờ các bí tích, sự hiện diện này chỉ có thể nhận ra nếu tâm hồn mỗi người chúng ta chú ý đến.
 
Lạy Chúa, xin mở con mắt chúng con trước sự hiện diện ẩn dấu của Chúa:
- Sự hiện diện ẩn dấu của Chúa trước công trình sáng tạo dựng nên đất trời,
- Sự hiện diện của Chúa nơi mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú,
- Sự hiện diện ẩn dấu của Chúa trong các loài hoa, trong các tài nguyên quý giá dưới lòng đất cũng như ngoài biển khơi, để con người cùng nhau khám phá và cùng nhau chia sẻ, đừng vì ích kỷ cá nhân của một quốc gia nào đó, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt.
-Sự hiện diện ẩn dấu của Chúa nơi tài năng của mỗi người, để những ai có tài giỏi hoặc giàu có, phải biết ơn Chúa, đừng tự cao tự đại khinh dể người nghèo và kém tài.
- Sự hiện diện ẩn dấu của Chúa nơi những người nghèo khó, đau khổ và bị bỏ rơi vì đó là hình ảnh của Con Chúa chịu đau khổ cùng với nhân loại, nhất là chịu đau khổ trên cây Thập giá.
- Sự hiện diện ẩn dấu của Chúa khi chúng con đoàn kết yêu thương nhau: Đâu có tình yêu thương thì đấy có Đức Chúa Trời.
-Sự hiện diện ẩn dấu của Chúa khi chúng con có 2 hoặc 3 người cùng cầu nguyện để trong gia đình chúng con biết siêng năng cầu nguyện hơn.
- Và nhất là sự hiện diển ẩn dấu trọng đại và quan trọng nhất của Con Chúa qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, để chúng con cử hành hoặc lãnh nhận các bí tích đó một cách sốt sắng hơn!
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn luôn biết nhận ra những sự hiện diện ẩn dấu đó để chúng con sống luôn có Chúa và đem Chúa đến cho người xung quanh chúng con! Amen.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 

Ôi Thật Diễm Phúc Vì Có Thiên Chúa Ở Cùng!
(Mt 1, 18 - 24 )
 
Theo nguồn tin của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (WMO: World Meteorological Organization) nói hôm Thứ Năm (27/01/2011). Trái đất này đang nóng dần lên, các lớp băng ở Bắc Cực tan thêm và bởi thời tiết cực đoan. Có một số khác lại cho rằng trái đất đang lạnh đi, ngày 06/01/2014 cơn bão Hercules đi qua khu vực phía bắc Mỹ khiến nhiệt độ nơi này xuống thấp kỷ lục trong vòng 20 năm  -31 độ C ở Chicago, thậm chí đến -60 độ C tại một số thành phố làm 13 người chết, gần 3.000 chuyến bay bị hủy. Ngày 7/1, 50 bang nước Mỹ đều có nhiệt độ dưới 0 độ C vào một thời điểm. Ngay tại Sapa, Việt Nam có tuyết phủ mấy ngày.
Số khác trung dung hơn, cho rằng nhiệt độ Trái đất đang thay đổi nóng lạnh bất thường và thay đổi đột ngột một cách bất thường, từ mức lạnh gần như thấp nhất chuyển sang mức nóng đỉnh điểm trong chưa đầy 100 năm, khoảng thời gian ngắn nhất trong lịch sử.
Hôm 2/5, các nhà khoa học sử dụng kính thiên văn TRAPPIST tại Chile để theo dõi và phát hiện ra ba hành tinh có kích thước giống Trái Đất quay quanh một ngôi sao lùn ở khoảng cách thích hợp, tạo điều kiện cho sự sống phát triển với hy vọng con người có thể sống được ở đó.
Tóm lại, sự sống trên mặt đất của con người và mọi sinh vật đang bị đe dọa, và người ta đi tìm một hành tinh xanh khác dễ sống hơn.
Về phương diện con người, nạn phá thai đã lến tới mức báo động chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Mỗi năm chỉ riêng Việt Nam đã có gần 3 triệu ca phá thai. Có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 8 ngàn ca phá thai. Thứ nhất là Sài Gòn, kế đến là Hà Nội, Huế, Cần Thơ... Duy trì sự sống là một yếu tố căn bản cho sự tồn tại của một dân tộc, ấy vậy mà họ đang tiêu hủy sự sống con người.
Con người đã dùng vũ khí sinh học giết người hàng loạt để hủy diệt nhau. Có những chuyện chưa từng nghe thì nay đã thấy, như "Bất hiếu với cha mẹ nơi cửa tử bệnh viện"  gây nỗi xót xa, tức giận trong cộng đồng, nghĩa là mẹ ốm có thể chữa được, 4 người con của bà có mặt tại viện (trong số tất cả 8 người con) tranh cãi nhau rồi quyết định mang mẹ về chờ chết (Vnexpress,Thứ ba, 27/8/2013). Hay cả năm người con đồng ý với án tử hình bố. Một vài dẫn chứng cụ thể trên cho thấy Trái đất này, con người ngay nay khó sống và khó yêu quá.
Trái đất và con người đang như thế, nhưng  Đức Giêsu con Thiên Chúa đã đến sống cùng chúng ta, như  Isaia loan báo: "Này đây, Chúa toàn năng đến: Người sẽ được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi". Những lời trên đây được lặp lại trong các ngày này, đặc biệt Chúa nhật thứ IV, để khẳng định rằng Trái đất vẫn rất đáng yêu và con người vẫn còn đáng mến. Thiên Chúa đến vì mến địa cầu, Thiên Chúa thương vì tình thương vấn vương khi tạo dựng.
Toàn bộ phụng vụ xoay quanh lời ngôn sứ: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14 ; Mt 1,23). Nếu bài đọc I, ngôn sứ tuyên sấm lời Thiên Chúa hứa: "Sẽ cho các ngươi một dấu: này đây một trinh nữ sẽ thụ thai…" ((Is 7,14), thì lời hứa ấy được thực hiện trong Bài Tin Mừng : Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: "Này đây một trinh nữ sẽ mang thai …" Mt 1,23). Câu này tiếp tục lặp lại trong phần alleluia và cả phần Ca hiệp lễ nữa.
Thiên Chúa đến ở cùng chúng ta, vì Ngài vẫn còn tin tưởng chúng ta!... Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi buồn. Vì thế, Trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi Thiên Chúa đến cắm lều, gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người.
Thiên Chúa xuống thế làm người vì chúng ta, tất cả chúng ta đều cảm thấy mình được yêu thương và được đón nhận; chúng ta khám phá mình có phẩm vị quý giá và duy nhất trước nhan Ðấng Tạo Hoá.
Ðấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Khi sinh ra trong cảnh khó nghèo tại Bêlem, Chúa Giêsu đã muốn trở thành bạn đồng hành với mỗi người chúng ta. Trên mặt đất này, kể từ khi Người muốn "dựng lều" để cư ngụ, thì không còn ai là kẻ xa lạ nữa. Thật vậy, tất cả chúng ta là những khách lữ hành sống tạm qua trên trần gian này, chính Chúa Giêsu là Ðấng làm cho chúng ta có cảm nghiệm dường như mình đang sống tại nhà mình, trên mặt đất này, nơi được thánh hoá do bởi sự hiện diện của Chúa. Và Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy biến trái đất này trở thành căn nhà đón tiếp tất cả mọi người.
" Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (Is 7,14 ; Mt 1,23). Các Giáo Phụ đã giải thích. Con Thiên Chúa đã trở nên nhỏ bé, đến độ vào được trong máng cỏ. Ngài trở nên trẻ thơ để dạy chúng ta yêu thương những trẻ thơ và những kẻ yếu đuối. Bằng cách thế như vậy, Ngài dạy chúng ta tôn trọng trẻ thơ, những em đang đau khổ và bị lạm dụng trên thế giới, những em đã được sinh ra cũng như những trẻ không được sinh ra. Ngài dạy chúng ta nhìn đến những trẻ bị đưa vào trong thế giới của bạo lực, như làm lính, phải đi ăn xin, phải khổ vì nghèo vì đói, những trẻ em không được hưởng chút tình thương. Chính Thiên Chúa, Ðấng đã trở nên trẻ thơ, mời gọi chúng ta dấn thân, ngõ hầu sức mạnh của tình yêu Chúa chăm sóc cho tất cả các trẻ em này; để phẩm giá của các em được tôn trọng.
Nhưng khi Thiên Chúa chia sẻ thân phận con người của chúng ta, Ngài không hiện diện giữa nhân loại ở một nơi an nhàn lý tưởng, nhưng ở trong thế giới thực này, với bao điều tốt đẹp và xấu xa, với những chia rẽ, sự dữ, nghèo đói, lạm dụng quyền lực và chiến tranh. Ngài chọn tham gia vào lịch sử của chúng ta như lịch sử ấy vốn thế, với tất cả gánh nặng của những giới hạn và bi kịch của nó.... Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta... trong mọi nỗi khổ đau của lịch sử. Chúa Giêsu được sinh ra là minh chứng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía con người, một lần và mãi mãi, để cứu chúng ta và nâng chúng ta lên khỏi bụi bặm của khổ đau, của khó khăn và tội lỗi chúng ta”.
Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa ở cùng, ấy là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền... Chúa Giêsu được sinh ra mang đến cho chúng ta tin vui rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và yêu thương mọi người và từng người trong chúng ta. Amen.
 
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
HÃY ĐỂ CHÚA ĐẾN VÀ HIỆN DIỆN TRONG CUỘC ĐỜI
(Is 7,10- 14; Rm,1,1-  7; Mt,1, 18- 24)
 
Vì yêu thương nhân loại, nên Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta chính người Con Yêu Quý duy nhất của mình, để cho những ai tin thì được sống đời đời. Người con ấy có tên là Giêsu. Khi mặc lấy xác phàm, Đức Giêsu đã trở thành Emmanuen, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Tuy nhiên, khi thực hiện hành động yêu thương đó, Thiên Chúa đã nhờ vào sự công chính của thánh Giuse và lòng trong sạch trọn đời đồng trinh của Mẹ Maira. Nói cách khác, thánh Giuse và Mẹ Maria đã sẵn sàng xin vâng trong sự khiêm tốn để thuộc trọn về Chúa và để Người sử dụng mình như người tôi trung và nữ tỳ, ngõ hầu kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa được hiện thực.
 
  1. Thánh Giuse và Mẹ Maria, mẫu gương về sự khiêm tốn  
 Tuy bài Tin Mừng hôm nay chỉ nói đến việc truyền tin cho thánh Giuse, nhưng nếu đọc lại hai cuộc truyền tin cho thánh Giuse và Mẹ Maria cách song song, chúng ta thấy toát lên vẻ đẹp tâm hồn của hai đấng. Vẻ đẹp tuyệt mỹ đến ngưỡng mộ, đó là lòng khiêm nhường.
Nơi thánh Giuse, ngài là một con người âm thầm tuyệt đối. Toàn bộ Kinh Thánh không viết lại một lời nói nào của thánh Giuse. Tuy nhiên, nơi thánh Giuse, ngài luôn là người tuân hành thánh ý Thiên Chúa cách trung thành và trọn vẹn. Vì thế, khi được báo mộng cho biết thai nhi trong lòng Mẹ Maria là do quyền năng Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã hoàn toàn vui vẻ đón nhận Đức Maria về nhà mình để chăm lo.
Nếu không khiêm nhường, thánh Giuse không thể chấp nhận chuyện tầy trời này trong sự yêu mến được.
Còn nơi Mẹ Maria, chúng ta đọc thấy sự phó thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Mẹ luôn ý thức mình chỉ là nữ tỳ của Đấng Tối Cao. Thế nên, thay vì hãnh diện, kiêu căng vì giữa muôn ngàn phụ nữ, Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, thì ngược lại, trước hồng ân lớn lao đó, Mẹ đã khiêm nhường để cất lên bài ca Magnificat: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 47-48).
Như vậy, nhờ sự khiêm nhường tuyệt vời của thánh Giuse và Mẹ Maria, mà Thiên Chúa đã đoái thương và tuyển chọn các ngài như những người cộng tác trực tiếp vào công trình cứu chuộc của Mình, để ngang qua đời sống gia đình, Con Thiên Chúa đến giữa trần gian, trở thành Đấng Emmanuen. Tuy nhniên, muốn có được đức tính khiêm nhường, nơi Mẹ Maria và thánh Giuse không ngừng lắng nghe và mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời.
 
2.  Thánh Giuse và Mẹ Maria đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa
 
Nếu nơi Đức Mẹ và thánh Giuse chưa hề có chương trình, kế hoạch cho cuộc đời mình, thì việc các ngài hướng chiều về một hướng đi mới hay kế hoạch mới là chuyện bình thường, không có gì đáng nói. Nhưng đây, nơi các ngài, cả hai đều có kế hoạch riêng liên quan đến cả cuộc đời của mình. Mẹ Maria thì đã khấn giữ mình đồng trinh trọn đời, còn thánh Giuse thì quyết sống âm thầm để phụng sự Thiên Chúa.
Tuy nhiên, cuộc đời và lựa chọn thủa ban đầu của các ngài đã sang trang khi Thiên Chúa muốn các ngài đi theo một hướng khác. Hướng đi của kế hoạch cứu chuộc mà Thiên Chúa đang muốn các ngài là những cộng sự viên tích cực. Khi biết được thánh ý Thiên Chúa, các ngài đã mau mắn đón nhận, sẵn sàng trung thành với ý định của Thiên Chúa.
Vì thế, nơi thánh Giuse, ngài đã vâng lời sứ thần truyền tin, dù trong giấc mơ: “Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về làm vợ mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20) ; “Khi thức dậy, Giuse đã thực hiện điều Thiên Chúa truyền” (Mt1,25), nên đã đón Mẹ Maria về nhà. Sự vâng phục Thiên Chúa còn được thánh Giuse biểu lộ cách trung thành khi đặt tên cho con trẻ là Giêsu và dẫn Đức Mẹ và Hài Nhi trốn sang Ai cập cũng như từ Ai Cập trở về Nazareth.
Nơi Mẹ Maria cũng vậy. Sau khi được giải thích qua sự thắc mắc của Mẹ về việc mang thai, Mẹ không một chút do dự, phản kháng hay phàn nàn, Mẹ đã hoàn toàn buông theo thánh ý Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng nhưu lời sứ thần truyền”.
Như vậy, nhờ tiếng xin vâng của Mẹ Maria, Con Thiên Chúa đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta để trở thành Đấng Emmanuen, thì cũng nhờ sự mau mắn, nhạy bén của thánh Giuse, Con Thiên Chúa từ đây được tháp nhập vào dòng dõi vua Đavít để cứu chuộc những ai sống dưới chế độ lề luật.
 
3.  Hãy để cho Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời của ta
 
Hôm nay, chúng ta đã bước sang những ngày cận kề của việc mừng Đại lễ Giáng Sinh, chắc hẳn mỗi người chúng ta cũng đều đặt ra cho mình câu hỏi như: chuẩn bị đến lễ Giáng Sinh, mình phải đón Chúa với tâm tình nào?
Có lẽ không có tâm tình nào tốt đẹp và ý nghĩa cũng như giá trị cho bằng tâm tình của Mẹ Maria và thánh Giuse, đó là thái độ vâng phục và khiêm nhường.
Tuy nhiên, hai đức tính này đang là một thách đố lớn lao cho hết mọi người. Bởi vì trong cuộc sống hiện nay, có nhiều điều làm cho chúng ta khó lòng vâng phục. Có biết bao thứ làm cho chúng ta khả nghi huyền nhiệm, tức là giảm thiêng.
Thật vậy, sự hiểu biết và văn minh của con người càng phát triển thì sự vâng phục đức tin lại càng trở thành thách đố, bởi lẽ chúng ta ít tin vào những chuyện thiêng thánh, vì thế, sự dửng dưng là điều mà nhiều người trong chúng ta đang mắc phải.
Lời Chúa đối với chúng ta có lẽ không còn chỗ đứng quan trọng nhất trong cuộc đời. cũng vậy, Lời Chúa không còn trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống. Vì thế, việc yêu mến, nhạy bén và thực thi Lời Chúa có lẽ đã trở nên nguội lạnh đến khô cứng trong tâm hồn nhiều người. Mặt khác, cũng không ít người luôn luôn sợ phải thực thi Lời Chúa, vì nếu thi hành Lời Chúa dạy, thì chính Lời Chúa lại là rào cản cho những kế hoạch bất chính của chúng ta. Với những lý do trên, nên nhiều khi chúng ta mừng lễ Giáng Sinh với những gì là lễ hội thuần túy chứ không phải là chiêm ngưỡng, cảm nghiệm và sống sự điệp yêu thương của Mầu nhiệm Giáng Sinh.
Nguyên nhân sâu xa đó là thiếu sự khiêm nhường thực sự. Nếu Đức Mẹ Maria và thánh Giuse đã không khiêm nhường, mà ngược lại, các ngài kiêu ngạo, thì chắc chắn Thiên Chúa phải tìm con đường khác để đến với nhân loại. Nhưng các ngài đã khiêm nhường thẳm sâu, sự khiêm nhường của các ngài đã làm cho chương trình cả Thiên Chúa được hiện thực cách tuyệt vời nhất.
Sư điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống sự vâng lời và khiêm nhường, để chúng ta thuộc về Chúa, và để Chúa hiện diện cũng như lớn lên trong tâm hồn chúng ta. Chỉ khi nào mỗi người biết vâng nghe Lời Chúa và sống trong sự khiêm nhường, lúc ấy, chúng ta mới hưởng được trọn vẹn niềm vui Giáng Sinh. Nếu không, lễ Giáng Sinh đến rồi lại đi như một lễ hội, còn tâm hồn chúng ta vẫn trống rỗng, hoang tàn như bãi cát sa mạc hay như những thửa đất khô cằn sỏi đá.
Lạy Đấng Emmanuen, xin ban cho mỗi người chúng con trở nên thửa đất tốt nhờ việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong sự khiêm tốn. Xin Chúa tha thứ lỗi lầm, thiếu xót và thương ngự xuống trong tâm hồn chúng con như xưa Chúa đã đến và hiện diện trong cuộc đời của Mẹ Maria và thánh Giuse cũng như nơi thế giới con người. Amen.
 Vinh Sơn Ngọc Biển
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log