“Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi". (Mt 4, 10)
Suy niệm 1
“Nếu ông là Con Thiên Chúa”
-----------------------------
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến các cơn cám dỗ. Cám dỗ thời xưa đã nhiều và cám dỗ thời nay lại càng nhiều hơn! Vì khi người ta tưởng rằng không còn cám dỗ nữa, thì chính là lúc ngưòi ta đã sa chước cám dỗ rồi. Mỗi trang giấy, mỗi chương trình quảng cáo trên truyền hình hoặc nơi các thương hiệu đều là một cám dỗ. Ngày nay người ta còn sản xuất một loại nước hoa cám dỗ. Cám dỗ luôn luôn có tính thời sự và rất tinh vi! Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc, đề cập đến 3 cơn cám dỗ đối với Chúa Giêsu:
1- Cám dỗ về sự thoải mái dễ dàng: Sau 40 ngày chay tịnh, Chúa Giêsu cảm thấy đói. Chúa Giêsu không phải là một thiên thần, nhưng là một con người. Ngài nhận thấy những ảo tưởng đây đó: Ngài nghĩ rằng Ngài có khả năng hoá bánh ra nhiều mà không phải vất vả gì!
Cám dỗ để thoải mái dễ dàng cũng là cơn cám dỗ đối với mỗi người chúng ta. Khi dân Dothái phải sống trong sa mạc để chuẩn bị về Đất hứa, họ đói và họ cũng bị cám dỗ nhớ lại thịt và hành ở bên Ai-cập khi còn làm nô lệ ở đó.
Trong một xã hội dư thừa vật chất hôm nay, chúng ta cũng bị cám dỗ về những của ăn vật chất. Chúng ta thường gặp phải cơn cám dỗ để được thoải mái, sung sướng và nổi danh. Thoải mái không phải là một điều xấu, nhưng nó rất dễ trở nên mục đích của con người. Cũng như tiền bạc và của cải không phải là xấu, nhưng rất dễ làm chúng ta sống chỉ vì tiền bạc. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này với quỷ cám dỗ: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.
2- Cám dỗ về đức tin dễ dãi. Phải chăng thế giới hôm nay cũng thích và chờ đợi một Thiên Chúa làm nhiều phép lạ? Đúng thế! Người ta thường hay tò mò và háo hức đi xem phép la… giống như dân Do thái xưa kia đòi hỏi Môisê phải làm dấu lạ. Người ta không trông chờ Đấng Me-si-a khiêm nhường, Đấng Me-si-a trên thập giá. Người ta thường bị cám dỗ để Thiên Chúa hiện ra và làm phép lạ để mọi người trông thấy!
3- Cám dỗ thứ ba là về quyền lực. Quỉ đưa ra một cơn cám dỗ khá thô thiển đối với Đấng thực sự là Vua vũ trụ: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó và tất cả vương quốc trần gian với chỉ một điều là Ngài sấp mình thờ lạy tôi. Ngài thấy đó, điều này không quá đắt đâu”.
Tất cả những phương tiện như của cải, tiền bạc và quyền lực đều được Thiên Chúa cho phép nhân loại thừa hưởng. Nhưng đừng bao giờ biến chúng thành thần tượng! Người ta quên rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới là Đấng chúng ta suy tôn mà thôi.
Ước muốn quyền lực đôi khi cũng tích cực vì nó là động cơ để chúng ta hoạt động. Ai không ước muốn là người huỷ hoại mình. Các vị thánh đều là người có ước muốn, và có thể là những ước muốn điên rồ, nhưng các ngài đã biết điều chỉnh. Tuy nhiên ước muốn bá quyền nếu không biết điều chỉnh, sẽ trở thành chuyên chế độc tài, bạo chúa của mọi thời đại. Nhiều nước trên thế giới đang là nạn nhân của những nhà độc tài.
Đối với giới trẻ càng cần phải điều chỉnh ước muốn.
Các bạn trẻ chuẩn bị bước vào đời, vào cuộc sống hôn nhân gia đình, hoặc đi tu dâng hiến mình cho Thiên Chúa hay là bước vào một nghề nghiệp gì đó cũng như muốn vào đại học, các bạn cần phải điều chỉnh ước muốn của mình. Muốn mà không nỗ lực, thì cũng chỉ là trông cậy quá lẽ, là thử thách Thiên Chúa. Ngược lại, nếu quá miệt mài để cốt sao đạt được ý nguyện đó mà không cần đến Thiên Chúa, thì cũng chỉ là trống rỗng. Một ngày nào đó sẽ thất bại cay đắng…!
Chúa Giêsu qua bài Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta kinh nghiệm điều chỉnh ước muốn của mình. Mỗi một lần đối đáp với ma quỷ, Chúa đều dùng lời Kinh Thánh, trong đó có nêu ra một luật hoặc một lệnh cấm: “Đã có lời chép: người ta sống không nguyên bởi bánh… Ngươi đừng thử thách Chúa, là Thiên Chúa ngươi. Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng sự một mình Ngài”.
- Mùa chay là dịp tốt để chúng ta tỉa cành những ước muốn của mình. Thiên Chúa không muốn chúng ta hy sinh chỉ vì hy sinh, nhưng để sống tốt hơn!
- Mùa chay không phải là từ chối ước muốn theo kiểu diệt dục của Phật Giáo hay là để đau khổ, nhưng là mùa tỉa cành. Tỉa cành những ước muốn khô cằn và sâu bọ để có những bông hoa đẹp hoặc qủa tốt cho mùa xuân.
- Mùa chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro nhắc nhớ chúng ta chỉ là tro bụi, và nhận biết mình không phải là Thiên Chúa.
- Mùa chay là mùa của sự trở về và kết thúc vào tuần lễ Vượt Qua, nhắc nhớ cái chết và sự Phục sinh của Chúa. Ngay từ lúc chịu phép Rửa Tội, chúng ta đã phải sống mầu nhiệm này. Mầu nhiệm vượt qua phải chăng không là căn bản của đời sống kitô đó sao?
Cụ thể trong mùa chay này chúng ta phải sống thế nào? Trước hết hãy khiêm nhường nhận biết mình chỉ là thụ tạo, mà đã là thụ tạo thì phải có giới hạn. Chấp nhận mình giới hạn để sống đơn sơ khiêm nhường. Chấp nhận mình ốm đau bệnh tật già nua và phải chết. Chấp nhận mình bất toàn và tội lỗi. Chúng ta không thể trở nên thánh thiện được nếu không biết khiêm nhường.. Paul Roland nói: “Người vĩ đại là người nhận biết giới hạn của mình”. Khi hiện ra với Thánh nữ Catharina Siena, Chúa Giêsu nói: “Con là người không là và Ta là Đấng là. Nếu con giữ được chân lý này trong tâm hồn con. Ma quỉ sẽ không thể tấn công con được”.
Hãy tìm điều mà mỗi người chúng ta phải chết đi trong Mùa Chay này. Điều mà chúng ta cần phải từ chối: ham mê tiền bạc, quyền bính, không dám tuyên xưng mình là kitô hữu, và lười biếng đời sống tâm linh…
Chúng ta, những người kitô hữu, hãy là người cần phải thắp sáng lên mỗi ngày lòng nhiệt thành trong Thiên Chúa Tình Yêu! Amen.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
HÃY CẢNH GIÁC TRƯỚC CÁM DỖ
(St 2, 7- 9; 3, 1- 1 7; Rm 5, 12. 17- 1 9; Mt 4, 1 - 11)
Chúng ta đã cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Mùa Chay Thánh hôm thứ Tư lễ Tro vừa qua. Khởi đầu Mùa Chay Thánh với việc xức tro. Cử chỉ bỏ chút tro lên đầu và vị chủ sự mời gọi: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng”, Giáo Hội muốn mời gọi con cái của mình khiêm tốn và ý thức thân phận con người chẳng là gì cả, chỉ là bụi tro mà thôi.
Hôm nay, với Chúa Nhật I Mùa Chay, thánh Mátthêu trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu vào hoang địa ăn chay và sau đó bị ma quỷ cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng.
Qua đó, Giáo Hội mời gọi con cái của mình là: hãy sám hối để bắt đầu bước vào hành trình tập luyện và chiến đấu thiêng liêng. Trong hành trình ấy, mẫu gương của Đức Giêsu trong sa mạc hôm nay được hiện lên như một động lực, điểm tựa cho mỗi chúng ta.
1. Ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu
Khi đón nhận thánh ý Thiên Chúa Cha qua việc vâng lời tuyệt đối khi nhập thể và nhập thế, Đức Giêsu đã trở nên Cứu Chúa của nhân loại. Vì thế, khởi đầu cuộc sống công khai, Ngài đã vào hoang địa ăn chay 40 đêm ngày, để tìm thánh ý Thiên Chúa Cha, hầu chu toàn ý định của Người. Sau khi chay tịnh, Đức Giêsu cảm thấy đói, vì thế, nhân cơ hội này, ma quỷ đã tiến đến và cám dỗ Ngài.
Cám dỗ đầu tiên mà ma quỷ tấn công Đức Giêsu chính là cám dỗ về của ăn nuôi thân. Lợi dụng lúc Đức Giêsu đói, hắn đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này, nên đã tiến lại gần và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!" (Mt 4, 3). Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng khi nói cho chúng biết lương thực của Ngài chính là làm theo ý Thiên Chúa Cha. Ngài nói: “Ðã có lời chép rằng: ‘Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra’" (Mt 4, 4).
Cơn cám dỗ thứ hai mà ma quỷ muốn tấn công chính là đề nghị Đức Giêsu sử dụng quyền lực. Vì thế, nó đã nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá’" (Mt 4, 6).
Tuy nhiên, ma quỷ đã lầm khi tưởng rằng Đức Giêsu sẽ sử dụng quyền lực theo kiểu thế gian, để trổ tài theo ý của nó bằng những cú nhảy đẹp mắt, ngoạn mục. Nhưng lại thêm một lần nữa chúng thất bại và chịu tác dụng ngược lại khi Đức Giêsu cho chúng biết rằng: “Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi" (Mt 4, 7).
Thất thế lần hai, ma quỷ vẫn chưa chịu thua, chúng tấn công lần thứ ba. Lần này chúng nhắm tới danh vọng. Ma quỷ đã nịnh hót Đức Giêsu, và “đem Người lên một ngọn núi cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi’" (Mt 4, 8 - 9). Nhưng lần cuối cùng này chúng vẫn thất bại và chịu sự quở trách nặng nề của Đức Giêsu, đồng thời Ngài cũng xác định danh giới của chúng khi nói: "Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: ‘Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi’" (Mt 4, 10).
Qua câu nói này, Đức Giêsu khẳng định thật rõ Ngài là Con Thiên Chúa, nên chỉ có bổn phận phục quyền và tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.
Như vậy, cả ba lần cám dỗ, chúng đều lãnh nhận những thất bại.
2. Ma Quỷ cám dỗ chúng ta
Ngày nay, ma quỷ cũng không ngừng cám dỗ chúng ta về: cơm, áo, gạo, tiền, vinh hoa, phú quý, quyền cao, chức trọng, tự phụ, khoe khoang, kiêu ngạo…, bởi vì những thứ đó luôn theo sát mỗi người từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
Khi cám dỗ con người như vậy, chúng lộ rõ sự tinh quái của hắn. Cái quỷ quyệt của chúng là đưa ra những chiêu thức rất hấp dẫn, toàn là màu hồng để quyến rũ con người. Nhưng thực ra, những điều mà chúng cám dỗ ta chỉ là nửa sự thật chứ không phải sự thật tuyệt đối.
Cách thức của chúng dùng chính là qua một trung gian, một cơ hội hay một sự vật:
Qua trung gian là con người, chúng tìm cách để người nào đó rủ rê dần dần ta phạm tội. Lúc ban đầu chỉ là những chuyện lặt vặt, nhỏ bé hằng ngày. Tuy nhiên, dần dà lâu ngày thành quen. Tội nhẹ, rồi dẫn đến tội trọng. Nay ăn cắp quả ổi là chuyện bình thường; ngày mai ăn trộm con gà cũng chẳng sao; ngày mốt lấy con trâu, rồi cuối cùng giết người cướp của.
Từ chuyện rất nhỏ, nhưng nó làm cho con người chai lỳ lương tâm và mất dần cảm thức về tội, nên chúng ta không lạ gì khi thấy nhiều người cứ nhởn nhơ trong vũng lầy tội lỗi mà vẫn tự hào mình là người tốt. Những người như thế, thường tìm mọi cách để ngụy biện cho hành vi sai trái của mình. Họ dùng những phương tiện xấu để biện minh cho mục đích tốt. Họ sẵn sàng làm từ thiện để che lấp những tội ác như tham nhũng, bóc lột và buôn gian, bán lậu. Hay nói cách khác, họ dùng hình thức rửa tiền để che đậy những việc làm mờ ám của mình.
Cơm cám dỗ thứ hai mà trước kia ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu, thì ngày nay, nó cũng không buông tha chúng ta. Thật vậy, nó tấn công chúng ta về quền lực, vinh quang, phú quý để làm cho ta ra mê muội và tìm mọi cách để đạt được những điều ta muốn dù là bất chính.
Cám dỗ cuối cùng mà nó tấn công Đức Giêsu là tham lam, danh vọng. Ngày nay, nó vẫn thường cám dỗ chúng ta như thế. Nó đánh đúng sào huyệt tham sân si của con người, rồi sau đó, con người phải tôn thờ nó.
Như vậy, ma quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu về 3 điểm, đó là: thú, lợi, danh. Đến lượt chúng ta, nó cũng không ngừng tấn công chúng ta về những điểm trên.
3. Cẩn trọng trước cám dỗ
Mỗi khi cám dỗ đến với chúng ta, xin hãy nhớ lại lời Đức Giêsu cảnh báo để thêm sự cẩn trọng, hầu không vì kiêu ngạo mà mắc vào cạm bẫy của chúng: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ" (Mt 26, 41). Hay Đức Giêsu nói với Phêrô về sự nguy hiểm của chúng: "Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22,31). Và khi thánh Phêrô đã cảm nghiệm rõ nguy hiểm của ma quỷ, nên ngài đã cất lên lời khuyên nhủ: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
Bên cạnh đó, lời cầu nguyện chính là vũ khí số một để triệt hạ chúng. Điều này đã được Đức Giêsu hướng dẫn các môn đệ của mình trong kinh Lạy Cha: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Trong kinh Ăn Năn Tội cũng có câu: “Nhờ ơn Chúa thì con sẽ tránh xa dịp tội”. Trong dân gian, trải qua cuộc sống, người ta đúc kết thành kinh nghiệm và khuyên: nếu lượng sức mà không vượt qua được thì hãy “đào vi thượng sách”.
Thật vậy, sức con người thì giới hạn, vì thế, không thể nào chống trả được những cơn cám dỗ. Nếu muốn chiến thắng, chúng ta phải cậy dựa vào ơn Chúa. Đồng thời dùng võ khí của sự khiêm nhường, vâng phục, đơn sơ, thật thà để chống đối với ma quỷ.
Lạy Chúa Giêsu, xưa kia Chúa đã chiến đấu và chiến thắng ma quỷ. Giờ đây, xin giúp chúng con chiến thắng được Ba Thù, để thuộc trọn về Chúa như Chúa thuộc trọn về Thiên Chúa Cha. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
=================
Suy niệm 3
Sức Mạnh Của Hồng Ân Lời Chúa
(Mt 4, 1 - 11)
Chủ nhật thứ nhất Mùa Chay đặt chúng ta trước một thảm kịch, mà thảm kịch ấy ảnh hưởng đến sự hiện hữu của chúng ta đó là : tội lỗi và hành động của con người nhằm phá vỡ sự hiệp thông với Thiên Chúa.
Trình thuật chương đầu tiên của sách Sáng thế cho thấy nguyên tổ của chúng ta đã khước từ Thiên Chúa. Nguyên nhân này nảy sinh từ "con rắn ", ma quỷ hay còn gọi là Satan. Con rắn muốn thực hiện ý định dụ dỗ Adam tự sức mình, lập luật cho mình và trở nên Thiên Chúa, mà không cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lời nói dối thuần túy ấy đưa con người đến chỗ diệt vong, bóp nghẹt ý muốn hiệp thông với sự sống thần linh của Ađam và cắt đứt mạch sống với Thiên Chúa khi bóp méo Lời Thiên Chúa.
Tin Mừng Matthêu cho thấy Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Nếu như nguyên tổ Ađam và Evà bị Satan ba lần dùng các chiến thuật cám dỗ với mục đích làm cho ông bà nguyên tổ hiểu lầm rằng nó đã làm những điều rất tốt cho Ađam và Evà. Nay nó cũng ba lần tấn công vào tương quan tình cha con giữa Chúa Giêsu với Cha Ngài.
Lần thứ nhất, nó đề nghị Chúa Giêsu tách khỏi Chúa Cha, tự khẳng định mình là Thiên Chúa khi nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh." Nhưng Chúa Giêsu đáp lại:" "Có lời chép rằng: Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4, 3 - 4 ). Ngài đã vượt qua thử thách và chiến thắng ma quỷ và tuyên xưng rằng sự sống đích thực chỉ có ở nơi Thiên Chúa, cần phải tin tưởng vào lời hứa của Chúa Cha. Nên Ngài hành động và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa Cha, vì Ngài biết rằng Chúa Cha là Đấng trung thành. Nơi hoang địa, dân Israel đã chết vì bị cám dỗ sợ thiếu bánh ăn nên tích lũy manna. Dù Thiên Chúa đã yêu cầu không nhặt bánh thừa mỗi ngày. Nhưng họ vẫn nhặt bánh thừa vì nghi ngờ rằng : nếu Thiên không ban cho bánh nữa thì sao? Nếu Thiên Chúa không giữ lời hứa? Một con chim ở trong tay tốt hơn hai con còn trong bụi rậm. Phần chúng ta, đã bao lần chúng ta bị cám dỗ mất lòng tin vào Thiên Chúa! Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta rằng Chúa Cha là Đấng luôn trung thành và giữ lời hứa với dân của Người.
Cơn cám dỗ thứ hai, con rắn đẩy Chúa Giêsu vào thế buộc Chúa Cha phải can thiệp cho Ngài: "vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông", điều này ngầm thể hiện sự nghi ngờ mối quan hệ hiệp nhất với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã không làm, Ngài không bắt Chúa Cha thực hiện phép lạ cho Ngài để dạy chúng ta phải khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa. Hậu quả của tội nguyên tổ một lần nữa nghi ngờ rằng Thiên Chúa còn giữ cho mình một cái gì đó mà không ban cho ông bà. Như Thiên Chúa nói với Adam: "Ngươi có thể ăn tất cả các trái cây trong vườn". Con rắn đã bóp méo lời Thiên Chúa khi nói ngược lại với Evà: "Thiên Chúa nói rằng ngươi không thể ăn tất cả các trái cây trong vườn". Không, Thiên Chúa không nói thế, vì từ nguyên thủy, Người đã cho chúng ta mọi thứ.
Con rắn đã nói dối, bởi nó phát hiện ra động cơ thực sự, chuyển hướng sang tôn thờ nó thay vì thờ phượng một mình Thiên Chúa như là nguồn gốc mọi điều thiện hảo. Ở đây chúng ta thực sự bị cám dỗ phạm thượng chống lại Thiên Chúa, từ chối Người để theo ma quỷ là kẻ có thể ban sức mạnh cho ta.
Cơn cám dỗ thứ ba : Đỉnh cao của sự cám dỗ này là ngọn núi cao và vương quyền phổ quát của Chúa Kitô. Trên núi này, Chúa Giêsu mạc khải tròn đầy sự từ bỏ trong niềm tin tuyệt đối ở tay Cha. Và Chúa Cha đã biểu lộ tình phụ tử viên mãn của mình khi phục sinh Đức Giêsu. Adam mới là Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết và tội lỗi nhờ tin tưởng và phó thác trong tay Chúa Cha. Adam đầu tiên tự cao tự đại, quên đi thân phận thụ tạo của chính mình "là hình ảnh Thiên Chúa", có nghĩa là không bình đẳng hoặc đồng bản tính trong tương quan với Thiên Chúa, dẫn đến sự sụp đổ của chính mình. Thay vào đó, Chúa Giêsu Kitô, Adam thứ hai, đã vâng lời Thiên Chúa, hạ mình xuống nên được suy tôn khi phục hồi phẩm giá là con của chúng ta với Cha trên trời (x. Pl 2, 6 - 11 ).
Phụng vụ Chúa nhật đầu tiên của Mùa Chay đưa chúng ta trở lại với căn nguyên của tội lỗi là: ý muốn tự chủ, từ chối hồng ân Lời của Thiên Chúa là Cha, Đấng là nguồn gốc mọi điều thiện hảo với tình con thảo.
Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: đâu là vị trí của Thiên Chúa trong tất cả điều ấy?
Vậy chúng ta hãy chọn Chúa, đứng về phía Chúa, đón nhận Lời Chúa như là một hồng ân để chống lại tội lỗi, đương đầu với trận chiến thiêng liêng chống lại thần dữ, ba thù: Ma Quỷ, thế gian và xác thịt.
Lạy Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse cùng Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa, xin giúp sức cho chúng con trong suốt Mùa Chay Thánh này. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ