Chúa nhật, 24/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Thường Niên – Năm A

Cập nhật lúc 20:54 19/01/2017
Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 4, 17)
Suy Niệm I
 
Tông đồ cho toàn thế giới
------------------------
Đồng thời với việc trình bày bối cảnh sứ vụ của Chúa Giêsu, Thánh Mattheu kể lại việc Chúa gọi bốn môn đệ đầu tiên. Các môn đệ này là những người hành nghề chài lưới cá. Từ việc chài lưới cá, họ được Chúa Giêsu biến đổi thành chài lưới các linh hồn.
 
Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu tốt hơn về vai trò của Chúa Giêsu trong vấn đề này. Gioan Tẩy giả bị bắt, ông biến mất khỏi sân khấu, vai trò loan báo của ông kết thúc. Chúa Giêsu bắt đầu xuất hiện, Ngài đến để thực hiện ý định nhiệm mầu của Chúa Cha: loan báo Tin Mừng cho cả người Dothái lẫn dân ngoại và chọn những người sẽ là sứ giả Tin Mừng cho toàn thế giới..
 
Để bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu thiết lập tổng hành dinh của Ngài tại Capharnaum, sinh quán của Phero. Tại sao lại ở Capharnaum? Tại sao lại không đến Giêrusalem thành thánh thuộc vùng thủ đô hoặc tại Giudea? Thánh Mattheu giải thích cho chúng ta Galilea là khu phố của dân ngoại, vùng phía bắc dù sao ít nhiều dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu ngoại giáo mà người Dothái kỳ cựu không thích. Vì thế, Chúa Giêsu chọn Capharnaum, vì đó là nơi giao thông thuận tiện cả về đường bộ lẫn đường thuỷ.
 
Như vậy, Chúa Giêsu đến để thực hiện ý định toàn cầu của Chúa Cha, quy tụ toàn dân trên thế giới. Cha Ngài chỉ cho Ngài ba năm thực hiện công việc vĩ đại này. Nhưng Chúa Giêsu không đến trần gian để thiết lập một tôn giáo loè bịp, mà là thứ tôn giáo chỉ tìm kiếm con tim bằng tình yêu. Tình yêu thì không áp đặt. Hơn nữa Ngài không đến cứu độ thế giới nếu thế giới không thạm dự vào ơn cứu độ của Ngài. Chính vì vậy mà Ngài trao phó cho con người công việc nặng nề là tiếp nối hoạt động của Ngài đến tận cùng. Ngài gọi các môn đệ.
 
Ngài bình tĩnh bước đi trên bờ hồ Galilê, chiêm ngắm mặt hồ phẳng lặng và ngợi khen Chúa Cha, khi mà Simon và Anre đang bận rộn với công việc. Hai ông mình trần thả lưới, thỉnh thoảng cũng được những con cá to rồi cá nhỏ và có lúc chẳng kiếm được gì. Ngài dừng lại và quan sát họ một lúc. Ngài suy tư và cầu nguyện: con thuyền của Phêrô liệu có thể là hình ảnh của Giáo Hội sau này không, cũng phải đương đầu với giông bão và cũng chất đầy tất cả những ai tin vào Ngài không? Ngài tới gần hai ông và nói: “Hãy để lại tất cả và theo Tôi, Tôi cần các anh, có nhiều điều cần thiết hơn là đánh cá, lưới con người”.
 
Tất cả các ơn gọi trước hết phải do Thiên Chúa khỏi xướng. Trong Cựu ước, chính Thiên Chúa đã gọi Abraham: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Và sau này Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ: “Không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). Thiên Chúa gọi những người đơn sơ, nghèo khó và có khả năng sử dụng được. Thánh Phaolo nói: “những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có” (1Cr 1, 28).
 
Vì thế chúng ta đừng vội tìm cớ thiếu khả năng để không đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa và những nhu cầu của anh chị em chúng ta. Thiên Chúa biến đổi chúng ta và sẽ phụ thêm cho chúng ta những điều chúng ta còn thiếu.
 
Trong sứ điệp gửi các bạn trẻ, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Các bạn thân mến, hãy để Chúa Kitô quyến rũ các bạn, hãy đón nhận lời mời gọi theo Ngài. Hãy đi và loan báo Tin Mừng cứu độ. Hãy vui vẻ làm và trở nên người liên lạc đức tin và hy vọng”.
 
Trước lời mời gọi của Chúa Giê-su, các tông đồ đã không ngần ngại: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”.
 
Chúng ta có thể nghĩ rằng hai ông theo Chúa mà không ý thức hoặc có một sự điên rồ nào đó. Nhưng chúng ta đừng quên rằng dù sao họ đã biết ít nhiều về Chúa Giêsu. Chính Gioan Tẩy giả đã giúp họ liên đới với Chúa Giêsu rồi, và đương nhiên họ cũng đã ở một ngày với Chúa Giêsu. Và ở đó họ đã bị Chúa Giêsu quyến rũ. Sau đó Gioan và Giacôbê theo Chúa cũng vậy.
 
Tất cả mọi lời đáp trả cho lời mời gọi của Thiên Chúa đều phải có một sự tin tưởng và phó thác hoàn toàn. Thánh Phaolo nói: “tôi biết rằng tôi tin vào ai” (2Tm 1, 12). Cha Damien, tông đồ người hủi nói: “Tôi tin chắc rằng Thiên Chúa không đòi hỏi tôi điều gì không có thể, vì thế tôi sẽ hoàn toàn sẵn sàng mà không bối rối”.
 
Mỗi lần nói xin vâng theo Chúa Kitô, chúng ta cũng có thể nói rằng mọi sự đã sẵn sàng. Ngày Quốc Tế ơn gọi năm 1995, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nói: “Chính trong lúc bước theo Chúa Giêsu, giới trẻ biểu lộ sự sung mãn về khả năng của mình và đạt được đầy đủ ý nghĩa cuộc sống. Chính trong lúc bước theo Chúa Giêsu, các bạn trẻ khám phá ra ý nghĩa cuộc sống, đồng thời bày tỏ vẻ đẹp cũng như chân lý đang lớn lên trong tình yêu mến. Chính trong lúc bước theo Chúa Giêsu, giới trẻ có thể hiểu được ơn gọi cá nhân đáp trả tình yêu: trong hôn nhân, đời sống dâng hiến, trong chức vụ linh mục và trong tinh thần truyền giáo”.
 
Bất cứ ơn gọi nào: ơn gọi làm linh mục, tu sỹ hay giáo dân đều đòi hỏi một sự từ bỏ nào đó, vì chưng không có sự lựa chọn nào mà lại không có sự từ bỏ. Ơn gọi nào cũng đòi hỏi một sự đánh liều. Các tông đồ không những bỏ nghề chài lưới, mà còn bỏ cả lối sống của họ trên khắp nẻo đường của thế giới để có một lối sống mới. Tất cả mọi ơn gọi đều đòi hỏi phải làm chứng. Các tông đồ theo Chúa Kitô để loan báo Tin Mừng. Ngày nay công cuộc cứu độ của Đức Kitô vẫn phải được tiếp tục: cùng với Ngài và như Ngài, tất cả chúng ta phải kêu vang Lời Chúa, giảng dạy và chữa trị các con tim. Đừng quên rằng mỗi giây phút trong đời, người kitô là người ủng hộ hoặc chống lại Chúa Kitô.
 
Ngày nay Chúa Kitô không có tay, Ngài chỉ có những bàn tay của chúng ta để làm công việc của Ngài. Ngài cũng không có chân, nhưng chỉ có đôi chân của chúng ta để chúng ta dẫn đưa nhân loại đi theo đường lối của Ngài. Ngài cũng chẳng có môi, mà chỉ có đôi môi của chúng ta nói về Ngài cho mọi người.
 
“Lúa chín nhiều mà thợ gặt thì ít”. Trước hết chúng ta hãy dâng lên Chúa lời nguyện tha thiết và nồng cháy để Ngài ban cho thế giới những tông đồ mà Ngài cần.
 
Lạy Chúa Cha chí Thánh, chúng con khẩn cầu Chúa ban Thần khí Thánh Thiện của Chúa cho các linh mục để họ nối dài tình cha của Chúa giữa chúng con.
 
Lạy Chúa Giêsu, ánh sáng muôn dân, xin ban cho các linh mục biết nói như Chúa nói, chịu đau khổ như Chúa chịu đau khổ, dâng lễ như Chúa dâng, và yêu như Chúa yêu.
 Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
============
 
Suy Niệm II
SÁM HỐI THÌ MỚI ĐƯỢC CỨU ĐỘ
(Is 9,1-4; 1Cr 1,10-13.17; Mt 4,12-23)
 
Trong 4 Tin Mừng được viết lại cuộc đời Chúa Cứu Thế, thì thánh sử Mátthêu đặc biệt nhắm vào người Dothái thời bấy giờ. Vì thế, ngài thường trưng dẫn những điều đã được tiên báo trong Cựu Ước để làm toát lên sự nối tiếp giữa Cựu Ước và Tân Ước, ngõ hầu hậu thuận cho việc chứng minh Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai đã được các ngôn sứ loan báo trước đó.
 
Thế nên, hôm nay, thánh sử Mátthêu đã làm toát lên sự tiếp nối giữa Gioan và Đức Giêsu ngay sau khi Gioan kết thúc thì Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ. Nhưng có lẽ lời giáo huấn về sự sám hối và sứ vụ truyền giáo là đề tài quan trọng hơn cả!
 
Chính vì điều này mà trình thuật Tin Mừng cho chúng ta thấy chủ đích của Đức Giêsu khi lựa chọn Capharnaum để loan báo Tin Mừng đầu tiên, đồng thời, cũng cho thấy được nội dung quan trọng của lời rao giảng này.   
 
1. Tại sao Đức Giêsu lại chọn Capharnaum là nơi khởi đầu sứ vụ?
 
Khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu và cũng là khởi đầu hành trình truyền giáo, Đức Giêsu đã chọn Capharnaum là trung tâm truyền giáo. Có nhiều lý do để Ngài chọn nơi này mà không chọn nơi khác! Một trong những lý do chính là bởi vì dân này là một dân ngoại và đã được tiên báo từ thời Cựu Ước để đón nhận Tin Mừng: “Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu soi” (Is 9, 1). Tại sao lại có lời loan báo này? Thưa, vì dân Capharnaum là một dân ô hợp từ nhiều nơi hội tụ về. Họ đến đây sau khi dân Israel bị lưu đày ở Babylon.
 
Chính vì là dân tứ xứ, nên họ bị coi là dân ngoại. Khái niệm dân ngoại đối với Capharnaum không chỉ về địa dư hành chính là cách xa đền thờ Giêrusalem, mà họ còn bị coi là dân ngoại khi những truyền thống của cha ông bị lơ là. Thật vậy, người Galilê không mặn mà với những lễ nghi truyền thống của tổ tiên. Vì thế, lẽ tất yếu, họ bị những người Dothái coi thường và khinh bỉ vì đã không sống những tập tục của tiền nhân.
 
Tuy nhiên, điều đáng quý của người Galilê và đặc biệt là dân thành Capharnaum này chính là sự chân tình, cởi mở và hiếu khách. Chính vì điều này mà họ dễ dàng đón nhận Đức Giêsu cũng như tiếp nhận những giáo huấn mới mẻ của Ngài. Đây có lẽ là lý do chính yếu mà Đức Giêsu đã dễ dàng thâu nhận được 4 môn đệ đầu tiên tại nơi đây để cùng Ngài tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng.
 
2. Nội dung của lời rao giảng

Đề tài sám hối chính là nội dung lời loan báo đầu tiên và quan trọng của Đức Giêsu khi khởi đầu sứ vụ. Nếu Gioan đã loan báo về đề tài sám hối để chuẩn bị dân dọn lòng chờ đợi Đấng Cứu Thế, thì khi Đức Giêsu đến, Ngài mời gọi họ không phải sám hối để đón Ngài ngự đến nữa, vì Ngài đã đến và hiện diện giữa dân của Ngài, nhưng Ngài mời gọi họ hãy sám hối vì “Nước trời đã đến gần”.
 
Sự tiếp nối của Gioan và Đức Giêsu về đề tài sám hối hé mở cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sứ điệp. Có thể nói: sám hối chính là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Trời. Ngược lại, nếu không sám hối thì sẽ chẳng bao giờ thuộc về công dân của Nước Hằng Sống.
 
Vậy, tại sao phải sám hối?
 
Khi nói đến sám hối là nói đến sự trở về. Trở về tức là từ bỏ con đường, lối sống, cung cách, quan niệm cũ để đón nhận một cái gì đó mới và hợp hơn.
 
Thật vậy, có những người đi sai một con đường, cần phải trở về và khởi đầu lại thì mới có thể tới đích.
 
Cũng có người sống theo lối sống xưa kia mà nay không còn phù hợp, nên cần thay đổi.
 
Lại có người có những cách hành xử chỉ hợp với người này mà không hợp với người kia; chỉ hợp với nơi này mà không phù hợp với nơi khác, vì thế, cần thích ứng và hội nhập để cho phù hợp với đối tượng và nơi chốn mình hiện diện.
 
Và cũng không thiếu những người khư khư giữ quan niệm của riêng mình mà đâu biết rằng điều đó không thể áp dụng và hấp dẫn đối với thời cuộc...
 
Chính vì điều đó, nên cần trở về mới mong đạt tới đích, nếu không trở về, có lẽ sự phấn đấu của mình chỉ là công dã tràng! Ở điểm này, thánh Augustinô đã nói: “Chạy nhanh đấy nhưng lạc đường.
 
Đại triết gia thời cổ Hylạp xưa, ông Platon, đã nói: “Người chạy thì bao giờ cũng phải tới đích. Nếu không tới đích  thì chạy mau lẹ đến đâu cũng bằng vứt đi”.
 
Tuy nhiên, làm cách nào để sám hối có hiệu quả? Thưa, đơn giản, đó là: phải biết khiêm nhường nhìn nhận mình là người bất toàn, thiếu sót và bất xứng.
 
Đây cũng là điều kiện cần để mình được lớn lên theo khuôn mẫu của Thiên Chúa, bởi vì, càng khiêm tốn, con người càng giống Thiên Chúa. Khiêm tốn là biết mình. Biết những mặt mạnh và mặt yếu của mình. Cổ nhân thường nói: “Khôn chết, dại chết, biết là sống”.  Chính vì thế, ông Socrate đã mở đầu triết thuyết của mình bằng câu châm ngôn nổi tiếng: “Anh hãy tự biết mình” (Connais-toi, toi même).
 
Có lẽ nhiều người vẫn tự hào rằng mình biết nhiều thứ, nhưng biết mình tưởng chừng là dễ dàng, bởi vì nó gần mình hơn ai hết, nhưng thật ra lại là khó nhất, bởi lẽ có nhiều người cả đời vẫn không biết mình!
 
Vì thế, không lạ gì khi có người nói: “Không ai biết khuôn mặt thật của mình bao giờ, họa chăng có biết là biết qua một trung gian chiếc gương. Tuy nhiên, điều đó cũng không phải thật 100%”.
Tương tự như thế, về phần linh hồn con người cũng khó có thể biết được nếu không có ơn Chúa và Giáo Huấn của Người soi dẫn. Như vậy, Lời Chúa và ơn Chúa Thánh Thần là điều cần thiết trong việc giúp cho con người nhận ra điểm yếu của mình để chấn chỉnh và sửa sang cũng như thay đổi, vì: “Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường chúng ta đi”. (Tv 118, 105)
 
3. Sống Sứ điệp Lời Chúa
 
Trong đời sống đạo hiện nay của mỗi chúng ta, dù là cá nhân hay tập thể... nhiều khi rơi vào tình trạng ghen tương, đố kỵ, ích kỷ, dã tâm... tất cả do thói kiêu ngạo, hóng hách chỉ đạo. Đây cũng chính là mầm mống gây nên những chia rẽ, bất hòa trong gia đình, đoàn thể và xã hội.
 
Oái oăm thay! Sự thật ấy ít người biết đến, hay nếu có biết đến thì cũng cố chấp và không chịu thay đổi để đón nhận điều tốt hơn! Vẫn còn đó những người đang đi sai đường, chệch lối, nhưng thay vì quay trở về để khởi đầu một hành trình mới nhằm đạt tới đích,  ngược lại họ tiếp tục lún sâu trong cái tôi ích kỷ của chính mình để rồi dẫn đến tình trạng nằm ù lỳ trong vũng lầy êm ái của tội và rơi vào tình trạng: “Mù dắt mù cả hai cùng sa xuống hố”.
 
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết sám hối để được cứu độ. Hơn nữa, cần phải sám hối để trở thành khí cụ của sự hiệp nhất và lòng thương xót của Chúa nơi anh chị em.
 
Ước mong sao lời mời gọi của Đức Giêsu khi xưa cho người đương thời với Ngài về lòng sám hối ăn năn, thì cũng là lời mời gọi, hối thúc cho mỗi chúng ta hôm nay.
 
Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa hôm nay đã khẳng đinh: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến”. Xin cho chúng con hiểu rằng: “Nếu không sám hối thì không thể được cứu độ”. Vì thế, xin Chúa giúp cho chúng con nhận ra sự yếu đuối của bản thân, ngõ hầu có được một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, để đáng được hưởng dồi dào ơn thánh của Chúa, và được đi trong đường lối của Người nhằm đạt tới đích là quê trời vĩnh cửu. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
=============
 
Suy Niệm III
(Mt 4, 12-23 )
Hãy hối cải, vì nước Trời đã gần đến

 
Bước vào Chúa nhật thứ III thường niên, chúng ta thấy Chúa Giêsu sau khi chịu phép rửa tại sông Giorđan, được Gioan giới thiệu cho mọi người biết Người là : "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian " (Ga 1, 29). Điều các ngôn sứ đã báo trước nay được thực hiện: "Tại Galilêa các dân tộc và dân chúng thấy một ánh sáng vĩ đại" (Is 9, 1 - 4; Hr 8, 23b - 9, 3). Ánh sáng vĩ đại ấy là ai nếu không phải là Chúa Giêsu. Thật thế, Chúa Giêsu xuất hiện giữa dân chúng, như ánh bình minh rạng ngời buổi sáng, xua tan bóng tối đêm đen. Dân chúng thấy Ngài như thấy ánh sáng huy hoàng… xuất hiện cho người ngồi trong bóng tối sự chết (x.Mt 12, 16), ánh sáng ấy nay tỏ rạng công khai khi rao giảng: "Hãy hối cải, vì nước Trời đã gần đến" (Mt 12, 17).

Ánh sáng ấy là Chúa Giêsu

Matthêu giải thích, Chúa Giêsu "rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali". Với địa danh chính xác như thế, nhưng mục đích của tác giả không phải là cung cấp cho chúng ta những chỉ dẫn du lịch. Ý tưởng thần học của Matthêu được giải thích ngay: "Để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia" (Bài đọc I).

Ứng nghiệm điều gì? Giabulon và Nepthali là hai vùng thuộc miền Bắc lúc ấy đang bị sát nhập vào vương quốc Asyri. Thật là hổ ngươi khi nhớ lại quá khứ thất bại và bị đuổi ra ngoài. Tuy nhiên, vị tiên tri với niềm tin vững mạnh đã tuyên bố: "Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng" (Is 9, 1a). Nói cách khác, Isaia muốn khơi lên niềm hy vọng nơi những người tin cậy Chúa, Đấng giải thoát họ, nên ông không ngần ngại nói về ơn cứu rỗi. Đó là sức mạnh của Lời Chúa, Lời thực hiện những gì đã tuyên bố, Isaia gợi lên niềm vui đến từ đức tin: "Dân chúng vui mừng trước nhan Chúa như nhà nông vui mừng trong mùa gặt" (Is 9, 2b). Thánh Vịnh một lần nữa vang lời động viên: "Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa". Niềm tin này khiến chúng ta vui mừng vì lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện: "Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi ". Sự sáng ấy nay cụ thể hóa nơi con người Đức Giêsu Kitô, thánh Matthêu xác định: Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết". (Mt 4,  15 – 16).

Bước theo Chúa Giêsu cần phải hối cải

Ánh bình minh đã ló rạng, từ trên cao chiếu soi dân ngồi trong bóng tối là chính Chúa Giêsu Kitô. Ai bước vào trong ánh sáng ấy cần phải: "Hối cải" nghĩa là đi từ bóng tối ra ánh sáng, từ tội lỗi sang đời sống là con cái Chúa, từ tuyệt vọng đến hy vọng, từ chán nản đến vui mừng. Và Chúa muốn ánh sáng ấy chiếu soi mọi người; nên Chúa đã chọn các môn đệ như những người phụ tá.

Khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ của mình "Hối cải". Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng, dù thuộc về Phaolô, Phêrô hay Apôlô cũng chỉ có một Đức Kitô. Mọi con mắt phải hướng về Ngài, chính Ngài cứu chuộc chúng ta. Vì thế, khi gọi các môn đệ, là để các ông trở nên những chứng nhân của Tin Mừng, nên thánh Phaolô có thể nói: "Đức Kitô không sai tôi đi rửa tội, mà là đi rao giảng Tin Mừng, không phải bằng lời nói khôn khéo, kẻo thập giá của Đức Kitô ra hư không" (1Cr 1, 17). Phaolô được chọn, để loan báo một Đấng Cứu Thế bị đóng đinh cho thế gian.

Ngày nay Chúa cũng mời gọi chúng ta mang vào thế giới sứ điệp sự thật và tình thương của Ngài. Chúng ta hãy sẵn sàng tham gia vào sứ mạng này và nhất là cầu nguyện xin Chúa đừng để những chia rẽ và tranh chấp giữa các tín hữu Kitô làm lu mờ khả năng chiếu tỏa của Tin Mừng.

Hối cải để hiệp nhất

Lời Chúa mời gọi chúng ta: "Hãy hối cải, vì nước Trời đã gần đến", vẫn luôn có tính chất thời sự của Tin Mừng. Sự quyết tâm hoán cải, trở về cùng Chúa Kitô là con đường dẫn đưa Giáo Hội đến sự hiệp thông hữu hình trọn vẹn vào thời kỳ Thiên Chúa thiết định. Các cuộc gặp gỡ đại kết trong thời gian gần đây gia tăng trên thế giới là một dấu chỉ chứng tỏ điều đó.

Trước giờ Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật ngày 23.01.2011, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đưa ra lời kêu gọi sau đây: "Ngày nay cũng vậy, để trở thành dấu chỉ và phương thế kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa trong thế giới, các tín hữu Kitô chúng ta phải xây dựng cuộc sống trên 4 cột trụ, đó là: cuộc sống trên nền tảng đức tin của các Tông Ðồ được chuyển lại trong Truyền Thống sinh động của Giáo Hội; tình hiệp thông huynh đệ; Thánh Thể và kinh nguyện. Có thế, Giáo Hội mới được kết hiệp bền vững với Chúa Kitô và chu toàn sứ mạng của mình, dù có những chia rẽ như thánh Phaolô Tông Ðồ nói đến: "Hỡi anh em, tôi khuyên nhủ anh em tất cả hãy đồng tâm hiệp ý trong lời nói, để không có sự chia rẽ nơi anh em, nhưng hãy kết hiệp trọn vẹn trong tư tưởng và cảm thức" (1 Cr 1,10). Thực ra Thánh Tông Đồ đã biết trong cộng đoàn Kitô ở Côrintô, đã nảy sinh những bất thuận và chia rẽ; vì vậy, ngài nghiêm nghị viết thêm rằng: "Phải chăng Chúa Kitô bị chia rẽ sao?" (1,13). Ngài quả quyết mọi chia rẽ trong Giáo hội là làm xúc phạm đến Chúa Kitô, Thủ Lãnh duy nhất và là Chúa, chúng ta luôn luôn có thể tái hiệp nhất, nhờ sức mạnh vô tận của ơn thánh Chúa.

Theo giáo huấn của thánh Phaolô, chúng ta được mời gọi loại bỏ gương mù chia rẽ nơi chúng ta để mang sứ điệp của Chúa Kitô Phục Sinh cho tất cả mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa cho sớm đến ngày Giáo Hội được hoàn toàn hiệp nhất. Amen.
 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log