Chúa nhật, 24/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên A

Cập nhật lúc 18:06 23/02/2017
Suy niệm 1
“Trước hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa” 
Nếu đọc hời hợt bài Tin mừng hôm nay, chúng ta có thể mắc sai lầm: Phải chăng Chúa Giêsu lên án tiền bạc? Phải chăng Ngài giới thiệu sự vô tâm và lười biếng? Phải chăng Ngài khuyên chúng ta đừng dự toán cho những nhu cầu cần thiết của ngày mai? Không! Chúa Giêsu không muốn như vậy!
Đã là người khi bước vào cuộc đời này không tránh khỏi những băn khoăn. Có những băn khoăn về phận người, có những băn khoăn về đời sống vật chất và có những băn khoăn về đời sống tinh thần. Từ những băn khoăn đó, con người đi tìm lý giải cho ý nghĩa của cuộc đời. Vì mang trong thân mình là con người yếu đuối, bất toàn hay nói đúng hơn là bất lực trước những nghịch cảnh của cuộc đời, để rồi sự băn khoan đó cứ dồn dập mãi.
Về phía Thiên Chúa, Thiên Chúa nói với con người là Ngài ở bên, ở gần và che chở con người. Nhưng thực tế trong cuộc sống, quá nhiều lần Thiên Chúa làm cho con người hụt hẫng và không biết là Thiên Chúa có ở cạnh, ở bên không?
Bài đọc I chúng ta vừa nghe, đó là câu trả lời. Sion từng nói: “Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi”. Nghe tiếng lòng thổn thức như vậy, Thiên Chúa đã đáp lại: “Nào người mẹ có thể quên con mình, mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu”.
Thiên Chúa không bao giờ quên con người. Chỉ có con người quên Thiên Chúa mà thôi. Chính vì quên Thiên Chúa, nên con người thường chạy đến tiền bạc như là một thần tượng.
Chúa Giê-su biết rõ điều đó và vì thế, Ngài dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay. “Cha các con biết rõ các con cần gì “…
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là một con người như chúng ta. Ngài không ngây ngô. Ngài hiểu rõ mọi vấn đề của cuộc sống. Nhưng Ngài muốn nói với chúng ta: “đừng chìm đắm trong lo lắng thái quá, đừng làm cho mình sợ hãi quá, hãy làm đúng với khả năng của mình !”.
Ngài nói với chúng ta:
-Cứ làm việc, nhưng đừng quá say sưa với công việc mà quên mất việc kinh hạt và lễ lạy!
-Cứ nghĩ đến của ăn hằng ngày, nhưng đừng làm quá, dễ gây nên ốm yếu bệnh tật.
-Hãy làm việc nhưng cần nghỉ ngơi.
-Cố gắng làm việc nhưng phải có điểm dừng.
Ngài không nói với chúng ta:
-Hãy sống ăn chơi hippi: rượu chè và thoải mái.
-Hãy như những con chim không cần nghĩ nát óc để gieo hạt mà vẫn có mùa gặt.
-Cứ như bông huệ ngoài đồng chờ đợi Thiên Chúa sẽ mặc đẹp cho.
-Cứ há miệng chờ quả sung rụng xuống!
-Cứ đọc kinh và đi lễ, mà không cần phải làm!
Không, Ngài không nói như vậy! Ngài đã nói với chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ. Những năm ẩn dật tại Nagiaret, chính Ngài đã phải lao động toát mồ hôi cùng với Thánh Giuse. Ngay như chim trời nhất là vào mùa đông, chúng chăm chỉ đi kiếm ăn. Của ăn không từ trên trời rơi xuống mỏ chúng.
Chúng ta đã không đọc bài Tin Mừng về các nén bạc mà Thiên Chúa đã trao cho chúng ta cần phải sinh lãi đó sao? Và Chúa Giêsu cũng đã chẳng nói rằng ai làm việc thì đáng được thưởng công đó sao? Thánh Phao lô cũng đã nói: ai không làm việc thì không được ăn.
Tuy nhiên, qua việc làm ăn và kiếm sống, Chúa Giêsu muốn cảnh giác chúng ta: “Không ai có thể làm tôi hai chủ…Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của được..”
Chúa Giêsu không kết án việc làm để có tiền. Ngài chỉ kết án những ai nô lệ tiền bạc.  Ngài tấn công nô lệ tiền bạc. Nô lệ tiền bạc như là cơn bệnh ung thư của thời đại chúng ta. Văn minh của thế giới chúng ta hôm nay đang đi đến chỗ diệt vong, chạy đua địa vị xã hội tới mức tàn nhẫn. Người ta phung phí các tài nguyên thiên nhiên chỉ để tăng thêm lợi ích cho một số nhỏ các nhà đầu tư. Người ta tiếp tục bóc lột các nước nghèo chỉ vì lợi ích của các nước giàu. Họ kích động chiến tranh để mua vũ khí của các nước giàu. Khi mà kinh tế thế giới đang trên đường suy thoái, một số con cá mập trong giới tài chính tích lũy những khoản tiền khổng lồ. Chỉ vì những quyết định thiếu trách nhiệm, vô số người dân tử tế mất công ăn việc làm. Khủng hoảng này đã gây nên một sự hỗn loạn khó lường trên toàn thể thế giới.
Người ta còn chi phí quá lớn cho quốc phòng. Giá một chiếc xe tăng bọc thép tấn công có thể nuôi sống hằng ngàn người đang đói! Giá chỉ một máy bay tiêm kích có thể xây dựng được hằng trăm trạm y tế tại các làng mạc để cứu sống biết bao trẻ em và người già nua tuổi tác! Rất nhiều quốc gia trên thế giới chi phí cho vũ khí lớn hơn là chi phí cho giáo dục, sức khỏe và phục vụ xã hội.
Tiền bạc có thể là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu. Vì thế, Chúa nói: “anh em chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác anh em: lấy gì mà mặc. Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?”.
Áy náy, lo lắng, thực tế là một trong những hình thức nô lệ làm giàu. Theo thống kê, các nước tưởng chừng là giàu có và văn minh đang phải đối diện với tình trạng nhồi máu cơ tim, trầm cảm và tự tử nhiều hơn là các nước nghèo.
Điều căn bản mà Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta là phải đi tìm kiếm Nước Thiên Chúa.
Hãy sống với cái hiện tại và hãy để cho Thiên Chúa tính toán tương lai. Tốt hơn hết là hãy như đứa trẻ phó thác vào Ngài, tin tưởng vào Ngài. Hãy đặt toàn bộ tinh thần và sức lực chúng ta cho hiện tại. Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta. “Ơn Ta đủ cho con”. “Trước hết hãy tìm kiếm nươc Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn những sự khác sẽ được ban thêm cho sau”.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
===============
 
Suy niệm 2
TIỀN CÓ CỨU ĐỘ CON NGƯỜI ĐƯỢC KHÔNG?
(Is 49, 14 - 15; lCr 4, 1 - 5; Mt 6, 24 - 34)
Khi đến tuổi trưởng thành, người ta phải đối diện với thực tế cuộc sống như: nghề nghiệp, đi tu hay xây dựng gia đình...? Vì thế, đòi mỗi người phải có sự chọn lựa, để chọn sao cho trọn, tránh đừng “đứng núi này trông núi nọ”. Tuy nhiên, khi đã chọn cho mình một nghề nghệp hay một ơn gọi, con người cần phải tiến xa hơn nữa để chọn lựa cho mình một giá trị tinh thần trong cuộc đời phù hợp với nghề nghiệp, lương tâm và ơn gọi, hầu mang lại sự hạnh phúc và bình an, nhất là ơn cứu độ của mình.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng giúp cho các môn đệ đi đến tận căn khi xác định chọn Chúa hay tiền tài, Ngài nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (Lc 16,13b). Một là Thiên Chúa, hai là tiền của. Không có chuyện “bắt cá hai tay”. Thật vậy, chúng ta có hoàn toàn tự do để chọn lựa. Nhưng như một quy luật, chúng ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước sự chọn lựa của mình.
1.      Ý nghĩa Lời Chúa
Cả ba bài đọc hôm nay đều nói về sự chọn lựa và hậu quả của sự chọn lựa đó. Nếu chọn Chúa thì con người sẽ được hạnh phúc, bình an và giải thoát. Ngược lại, không chọn Chúa và đi theo những trào lưu tục hóa, hay những cái mau qua chóng hết thì ắt sẽ bị đau khổ hay dẫn tới hành vi gian ác.
Khởi đi từ bài đọc I: nói về việc dân Israel bị lưu đầy bên Babylon. Trong lúc đau khổ như thế, họ lên tiếng than thân trách phận và trách luôn cả Chúa.
Khi ấy, tiên tri Isaia lên tiếng khuyên răn và củng cố lòng tin của dân, ông nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15).
Sang bài đọc II:  khi thấy dân  thành Corintô đang có dấu hiệu bị phân tán do những tật xấu như: tham lam, ích kỷ, tự phụ và hay có sự phê phán, xét đoán người khác, làm cho trong cộng đoàn mất sự bình an và nghi kị nhau. Nhận ra điều đó, thánh Phaolô đã mạnh mẽ lên tiếng khuyên ngăn dân chúng đừng có đi vào con đường nguy hiểm đó, con đường đó là con đường dẫn đến diệt vong, bởi lẽ những hành vi xấu xa ấy xuất phát nơi ma quỷ chứ không đến từ Thiên Chúa. Vì thế, nếu chọn Chúa thì phải gạt ra bên lề tất cả những tật xấu trên.
Cuối cùng là bài Tin Mừng: Đức Giêsu thấy rất rõ mối nguy hại của đồng tiền, nên Ngài lên tiếng dạy cho mọi người phải biết chọn lựa. Chọn Chúa hay tiền của. Nếu chọn Chúa thì phải từ bỏ những điều bất chính do đồng tiền gây nên, để chỉ phụng sự một mình Thiên Chúa mà thôi: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ” (Lc 16, 13a). Chọn Chúa thì phải coi tiền bạc chỉ là phương tiện. Nếu đã coi nó là phương tiện, tức khắc, nó trở thành nô lệ. Chúa mới là niềm cậy trông, phó thác và cùng đích, là niềm vui và hy vọng, là Chủ của cuộc đời.
2.      Chọn sao cho trọn
Trong cuộc sống, nhất là thời điểm hiện đại như ngày nay, con người luôn bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội. Nhiều giá trị cuộc sống cũng bị đổi thay không ngừng theo thời gian, làm cho con người ngày nay cũng hay thay đổi và chạy theo những trào lưu hoặc xu hướng thời đại mà ít quan tâm đến tính bền vững của sự lựa chọn. Họ thượng tôn đồng tiền lên làm chúa của mình. Vì thế, không lạ gì khi có nhiều người cho rằng: đồng tiền giải quyết được mọi sự: “Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý”. Hoặc: “Mạnh về gạo, bạo về tiền”; “Lắm tiền, nhiều gạo là tiên trên đời”. Ngay cả việc đạo, nhiều người cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”.
Tuy nhiên, có phải vậy không? Thưa không! Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng nếu coi nó như ông chủ thì sẽ không thể mua được: mái ấm; thời gian; hạnh phúc; bình an; trân trọng; nhân cách; tình nghĩa; tâm hồn; đời sau; Thiên Đàng. Còn nếu nó là đầy tớ thì mới hy vọng đạt được những thứ trên.
Khi không còn thượng tôn đồng tiền, chúng ta biết nương tựa và phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, “vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? (32) Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6,31-32). Ý của Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là sự khôn ngoan và biết tiên liệu.
3.      Sống Lời Chúa
Thật ra, Đức Giêsu không lên án tiền của, bởi vì đã có lần Đức Giêsu nói: “Hãy sắm lấy túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá" (Lc 12,33). Nếu biết sử dụng thì nó là tên đầy tớ tốt, còn không thì nó sẽ là ông chủ tồi.  Thật vậy, chính đồng tiền nó sẽ gây nên lòng tham, vì: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10).  Đồng tiền, nó có thể làm cho chúng ta mù mắt và bất chấp mọi sự để đạt được mục đích, cho dù “mục đích rẻ tiền hay bẩn thỉu”. Đồng tiền nó rất rễ điều khiển con người, khiến con người bị lớp bụi ham lợi phủ lên lương tâm, làm cho lương tâm trở nên mù quáng và từ đó dẫn đến mọi chuyện bất chính, khuất tất. Tiền có thể làm cho tâm hồn vô cảm. Chuyện ông phú hộ giàu có và Larazô nghèo khó chứng mình điều đó.
Khi diễn tả về việc đồng tiền hay làm cho con người “thay trắng đổi đen”, ngạn ngữ Trung Quốc cũng có câu: “Ngồi trên đống cát, ai cũng quân tử và hiền nhân. Nhưng khi ngồi trên đống vàng mới biết ai thực sự là hiền nhân, quân tử”.
Thật vậy, người môn đệ của Chúa mà ham tiền hơn cả Chúa, hơn cả sứ mạng, thì hạng người đó là đồ bỏ, vì nó đã bị “hư thối”, bị “hết đát”, không dùng được nữa, họ như muối mà hết mặn thì chỉ còn đổ ra đường cho người ta trà đạp lên mà thôi. Những người ham tiền, họ sẵn sàng tôn thờ chúng mà bỏ Chúa, bất chấp tình nghĩa cha con, anh em, bạn bè. Đọc lại lịch sử các thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ: nhiều đấng bị ngay chính con của mình làm hại chỉ vì ham tiền, tham danh vọng. Cũng vì ham tiền, nên họ có thể sẵn sàng hồ nghi sự quan phòng của Thiên Chúa, và họ khấn vái tứ phương: “gió chiều nào thì ngả theo chiều đó”, miễn sao được lợi. Những hạng người này được ví như người “ba phải”,  kẻ “bắt cá hai tay”
Tuy nhiên, người bắt cá hai tay khó có thể thành công, mà nếu có thành công thì không bền vững. Bởi vì, họ bắt được con cá này thì ngỡ con khác to hơn. Đi tìm con khác thì hóa ra nó nhỏ hơn con trước, nhưng như một cái giá phải trả, con cá trước đã cao chạy xa bay, và con cá sau cũng không còn nữa, nên cuối cùng không bắt được con nào.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ cho mỗi người chúng con vì những lần con đã thượng tôn tiền của mà đánh mất hay làm ngơ trước tiếng nói của Lương Tâm. Xin cũng cho mỗi người chúng con biết chọn Chúa làm Chủ cuộc đời mình và tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Amen.

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
================

Suy niệm 3
Tiền Không Thể Cứu Độ Được Con Người
(Mt 6, 24 - 34) 
Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6, 25) là lời khẳng định của Chúa Giêsu sau khi Người tuyên bố: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia” (Mt 6, 25) khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc và được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Chẳng ai muốn nói tới tiền, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm.
Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã đuợc chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng ta quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn, nhiều người có cùng quan điểm “có tiền là có tất cả”. Tiền: 
Là tiên là phật
Là sức bật của tuổi trẻ
Là sức khỏe của tuổi già
Là cái đà của danh vọng
Là cái lọng che thân
Là cái cân công lý
Hoặc: Đồng bạc xé toạc công lý !

Tiền là anh bạn xấu
Ở đời, người ta vẫn nói với nhau rằng, mỗi người thường có ba bạn. Người bạn thứ nhất và thứ hai thì rất thân, còn người bạn thứ ba thì không thân lắm.
Người bạn thân thứ nhất trong đời ta là tiền bạc. Đồng tiền gắn liền khúc ruột, thân hơn cả vợ con, đi đâu vợ con thì không, nhưng tiền là mang theo. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta đến người khác ngay lập tức không có aurevoir, goodbye gì hết.
Người bạn thân thứ hai trong đời ta là cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Khi ta chết, họ khóc lóc, nhưng cũng chỉ đưa ta đến cửa huyệt rồi về. Có ông chồng trước khi chết hỏi vợ:
  • Tôi chết, bà làm gì cho tôi?
  • Tôi sẽ chôn ông trong chiếc hòm thật đắt tiền.
  • Tôi biết gì đâu ?
  • Tôi sẽ khóc thương ông thảm thiết, nước mắt thấm vào xác ông.
  • Tôi biết gì đâu?
  • Cái chết đáng sợ thế à ?
  • Nó chỉ đáng sợ với người không biết nó, không nghĩ tới nó và không chuẩn bị cho nó!
Người bạn thứ ba, mà trong đời sống ta thường ít ưa thích, là việc lành, đạo đức. Các việc đạo đức này sẽ theo ta đến tòa Chúa phán xét, biện hộ cho ta và làm cho ta được Chúa thưởng vào Thiên đàng.
Đành rằng, tiền bạc luôn là nhu cầu tối cần thiết của con người, là công cụ đắc lực, phục vụ con người cả vật chất lẫn tinh thần. Người có đạo cũng thường nói: “Có thực mới vực được đạo”. Nhưng nhân cách, phẩm giá và đạo đức con người bị đặt xuống dưới đồng tiền là điều không thể chấp nhận được.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng : “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự hấp dẫn của nó, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền làm cho chúng ta thành nô lệ. Câu chuyện minh họa ba người bạn trên chứng tỏ tiền là anh bạn phản bội xấu xa.
 
Chọn Chúa và tin vào Chúa
Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phục thực sự. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng, Mammon, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là chọn làm tôi Chúa và phục vụ Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát được chúng ta. 
Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm điều thứ nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đó là tội thờ ngẫu tượng. Vì tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, cảm thấy mình quan trọng ; và kiêu ngạo. Và cuối cùng, tiền tạo ra sự tôn thờ ngẫu tượng.
Chúa Giêsu dạy: “Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì lấy gì  mà mạc? Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó. Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều ấy” (Mt 6, 31-32). Và Người mời gọi chúng ta hãy đặt lên hàng đầu việc “tìm kiếm nước của Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6, 33). Tin vào Chúa quan phòng không thế chỗ cho những nỗ lực chiến đấu để hướng đến một cuộc sống đúng với phẩm giá con người, nhưng giải phóng chúng ta khỏi những nỗi bận tâm về của cải và những nỗi sợ hãi trong tương lai. Sau cùng phải khẳng định :
 
Tiền có thể cứu độ được con người không ?
Giảng trong Thánh lễ sáng thứ Sáu 20.09.2013, Đức Phanxicô nhắc lại rằng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” bởi vì “một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về, thì tiền lôi kéo người ta xa rời Thiên Chúa”. Ngài kết luận: “Không ai có thể được cứu độ bằng tiền”. Vậy, phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của. 
Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới mà đồng tiền thống trị và điều khiển mọi sự. Con người bị chi phối và nghiêng chiều về nó, sẵn lòng phàm hóa mọi sự, bỏ Chúa ra khỏi đời sống, chẳng tin tưởng vào Thiên Chúa nữa. Lời Chúa mời gọi chúng ta chọn Chúa, thờ phượng Chúa, và vững tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa tình yêu. Vì Thiên Chúa phán: “Cho dù người mẹ có quên, nhưng Ta sẽ không quên người đâu” (Is 49, 14 - 15). Ðó là lời mời gọi tin tưởng vào tình yêu không bao giờ phôi phai của Thiên Chúa. Tiền chẳng bỏ rơi chúng ta và chẳng bao giờ cứu độ được chúng ta, nhưng Thiên Chúa thì luôn trung thành và Ngài sẽ cứu độ chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con khỏi rơi vào cái bẫy của thần tượng bạc tiền và chọn Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log