Chúa nhật, 24/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật II Mùa Chay

Cập nhật lúc 15:14 09/03/2017
"Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! " (Mt 17, 5)
Suy niệm 1
 “Lạy Thầy chúng tôi được ở đây thì tốt lắm”.
------------------
Nói về ngọn núi Thabor theo khía cạnh địa lý, thì Chúa Giêsu và các tông đồ thời đó không thể leo nhanh lên đó được. Thế nhưng ngày nay nhờ vào những phương tiện giao thông hiện đại, người ta có thể lên đó một cách nhanh chóng và không vất vả gì. Tuy nhiên, xét về khía cạnh thiêng liêng, Thabor chỉ là một trong những điểm dừng ngắn ngủi trên chặng đường đến với Thiên Chúa mà thôi.
Vì thế, đối với chúng ta, có người chưa lên Thabor thì thèm, còn người đã lên rồi thì cũng đã rời khỏi đó và đã xuống núi rồi. Dù đã lên hoặc chưa được lên núi Thabor, điều đó không quan trọng! Tốt nhất, là hãy tận dụng mùa chay này để khám phá ra những chặng đường mà chúng ta cần phải vượt qua. Nhờ vào những gì mà các tông đồ đã sống, chúng ta có thể hiểu rõ hơn chặng đường cần vượt qua để đến gần với cõi vĩnh hằng hơn.
Và hôm nay qua bài Tin Mừng, chúng ta chứng kiến cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Thabor. Tại sao Ngài lại chỉ đem theo ba Tông đồ, mà không đem theo thêm nhiều người khác?
Chúng ta, những người tin Chúa, Chúa mời gọi chúng ta tin vào Người. Tại sao Chúa chỉ gọi chúng ta là những người tin Chúa, mà trong khi đó biết bao người chưa tin? Chúng ta cũng là những người Chúa chọn, cũng là những người đặc tuyển leo lên núi Thabor thiêng liêng để chứng kiến việc Chúa biến hình. Vì thế, chúng ta hãy hãnh diện về ơn gọi của mình và sống làm sao để đáp trả ơn gọi đó!.
Ba tông đồ đã vượt qua thung lũng và đã được Chúa cho thấy vinh quang của Người trên núi Thabor. Và các ông chỉ muốn thời gian đó kéo dài, đến nỗi Phêrô đã thưa với Chúa: “Lạy Thầy, chúng tôi được ở đây thì tốt lắm, nếu Chúa ưng, chúng tôi xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Elia”.
Chúng ta cũng vậy!
- Có những khoảnh khắc, chúng ta cảm thấy cuộc sống sung mãn, hạnh phúc và bình yên, làm ăn phát đạt. Thế giới chung quanh và trong tâm hồn chứa đầy vẻ hài hoà.
- Có những lúc thảnh thơi, chúng ta ngắm cảnh mặt trời lặn hoặc đứng trên núi chứng kiến vẻ hùng vĩ của thiên nhiên; 
- Cũng có lúc chúng ta rung động do một vần thơ, một giọng ca truyền cảm.
- Cũng có thể là một cuộc gặp gỡ tình cờ một ai đó, mà chúng ta chan chứa niềm vui khôn tả
- Cũng có thể là lúc du lịch đâu đó, mà chúng ta cảm thấy sung sướng hạnh phúc…
Trong những khoảnh khắc thời gian như vậy, chúng ta có thể thốt lên như Phêrô: “Lạy Thầy chúng tôi được ở đây thì tốt lắm”.
Nhưng dựa vào kinh nghiệm bản thân chúng ta biết rằng: không có tiệc vui nào mà lại không có lúc tàn. Có khi kéo dài dăm ba ngày, có khi chỉ trong khoảnh khắc.... Sau đó, tất cả lại trở về cuộc sống thường nhật. Những kinh nghiệm đó có thể giúp chúng ta hiểu rõ những gì bài Tin Mừng hôm nay tường thuật. Tác giả mô tả những giây phút quí báu nhất của cuộc đời 3 môn đệ theo chân Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cùng với ba môn đệ lên Thabor và Người hiển dung trước mặt các ông. Trong khoảnh khắc các ông có thể cảm nhận sâu xa Đấng Cứu Thế là ai và dung nhan của Đấng Phục sinh như thế nào… Dĩ nhiên, chẳng ai muốn bỗng chốc buột khỏi tầm tay tất cả. Tất cả đều muốn nắm  giữ lấy, muốn xây dựng ở đó ba lều.
Giây phút thần tiên, thường hiếm có và ngắn ngủi! Thoáng chốc, Phêrô phải từ chín tầng mây trở về với cuộc sống muôn ngàn sóng gió. Ông phải học để biết rằng: những giây phút này là quà tặng của Thiên Chúa, không ai có thể giữ lấy bo bo cho mình. Ông phải từ trên núi trở về với cuộc sống thường nhật, trở về với con người và những khó khăn phải đương đầu!
Quả thật, cuộc sống con người đầy thăng trầm, như chìm dần trong thung lũng tối. Ngày qua ngày, sương mù dày đặc! Chuỗi ngày kéo dài lê thê ảm đạm! Tất cả dường như vô nghĩa và tẻ nhạt!…
Cũng có những giây phút con người không được yên thân, cuộc sống chao đảo, đầu tắt mặt tối với công việc. Việc này chưa xong, thì việc khác đã đứng chực ngoài cửa.
Đời sống đạo và đời sống nội tâm chúng ta cũng từng có những kinh nghiệm như thế.  Nhiều khi chúng ta thất vọng, xao nhãng công việc của cộng đoàn, bỏ luôn cả kinh hạt và Thánh lễ, vì nghĩ rằng Thánh lễ và kinh hạt cũng thế thôi. Làm ban hành giáo có được gì đâu, mà chỉ thấy kinh tế gia đình mình càng sa sút, lại còn bị người ta chê bai đủ điều.
Trong hoàn cảnh này, điều cần thiết nhất là nhớ đến những phút giây thiêng thánh nhất trong đời. Đó là những ngày tĩnh tâm, những giờ chầu Mình Thánh, những giây phút chìm lắng trong thinh lặng giúp chúng ta tái khám phá ra ý nghĩa đích thực của đời sống ơn gọi làm người, ơn gọi tu trì: một cuộc sống sung mãn, hạnh phúc thành công. Chúng ta cần những giây phút thần tiên ấy để giữ gìn cái nhìn toàn diện về cuộc sống. Thiên Chúa hứa đồng hành với chúng ta, đứng về phía chúng ta khi thành công cũng như lúc thất bại, khi vui cũng như lúc buồn tủi.
Điều quan trọng chính là kinh nghiệm trong cuộc sống thường nhật, là tìm cho chính mình một mảnh thiên đàng tại thế. Vì Thabor trước tiên không phải là một nơi chốn, nhưng là sự kiện có thể xẩy ra bất cứ ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra khi chúng ta sẵn sàng cởi mở tấm lòng hào hiệp để thực thi hoặc đón nhận:
- Một việc làm bác ái nào đó, một cuộc thăm viếng bệnh nhân hoặc người đau khổ.
- Một khoảnh khắc yên tĩnh, một lời khen tặng.
- Một thành công nhỏ, một sự dấn thân cho họ đạo của ban hành giáo, giáo lý viên, ban ca, ban kèn, giới trẻ, giúp lễ, các hội đoàn, các anh chị huynh trưởng và các em thiếu nhi cũng như của mỗi người chúng ta.
- Một kinh nghiệm trong đời sống cầu nguyện.
Và còn hơn thế! Có những lúc cảm thấy cuộc đời này còn nhiều thứ quí báu hơn, chúng ta phải ra sức bảo vệ, duy trì và phát triển như những kho tàng vô giá trong ký ức. Những kinh nghiệm đó giúp chúng ta thêm can đảm và hăng hái dù phải gặp hoạn nạn éo le. Nhờ đó chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta tới đích điểm huy hoàng nhất, là Thiên Đàng, là Thabor Vĩnh Cửu!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
 =============== 

Suy niệm 2
BIẾN ĐỔI THEO THÁNH Ý CHÚA
(St 12, 1-  4a; 2Tm 1, 8b- 10; Mt 17, 1- 9)
 
Mỗi khi Mùa Chay về, ấy là lúc chúng ta nghe đây đó văng vẳng bên tai: hãy đi xưng tội; làm việc lành; bố thí; hy sinh hãm mình và ăn chay để đền tội.... Tuy nhiên, điều đó cần, nhưng không đủ, nên Mùa Chay vẫn cứ đến rồi lại đi mà ít làm cho người tín hữu suy tư và quyết định biến đổi con người cũ là con người ích kỷ, kiêu ngạo, tội lỗi, để mặc lấy con người mới, con người giống hình ảnh của Đức Giêsu.  
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. Sự kiện này mời gọi mỗi chúng ta một phần biết sống những đòi hỏi của Tin Mừng. Mặt khác cũng cần phải biến đổi để trở nên con người mới thực sự theo ánh sáng của Tin Mừng, tức là theo thánh ý Thiên Chúa.
1.      Ý nghĩa Lời Chúa
Khởi đi từ bài đọc I: trình thuật việc Đức Chúa kêu gọi ông Abram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Ông Abram đã sẵn sàng vâng nghe tiếng Chúa truyền, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống yên ổn tại quê nhà, để lên đường đến nơi Chúa sẽ chỉ cho trong tương lai. Sự ra đi của Abram là một cuộc từ bỏ tiên quyết. Vì thế, Chúa đã hứa ban cho ông và dòng dõi ông hưng thịnh đến độ: trở nên một dân lớn. Ông được chúc phúc, được vinh quang và trở thành trung gian để chúc phúc cho người khác cũng như mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ông mà được chúc phúc (x. St 12, 2-3).
Sang bài đọc II: thánh Phaolô mời gọi người môn đệ dấu yêu của mình là Timôthêô hãy bắt chước ngài như chính ngài đã bắt chước Đức Kitô; đồng thời cũng mời gọi ông cộng tác trên hành trình loan báo Tin Mừng mà thánh nhân đang loan báo. Khi được chọn và gọi để tham gia vào sứ mạng đến với muôn dân như thế, người môn đệ biến đổi tâm thức để hiểu, sống và hăng say loan báo về Đấng “ ... đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1, 10). 
Cuối cùng là bài Tin Mừng: thánh Mátthêu trình thuật biến cố Đức Giêsu hiển dung như một sự kiện toàn cho tất cả những gì đã tiên trưng trong Cựu Ước mà sách Luật và lời các tiên tri đã loan báo.
Hình ảnh của Đức Giêsu sáng chói được hiện lên trong vai trò là nhân vật chính, nhân vật trung tâm. Ngài hiển dung giữa hai vị đặc biệt có liên hệ đến mình là Môsê và Êlia. Tại sao lại có sự xuất hiện hy hữu và đặc biệt này? Thưa! Điều đó dễ hiểu vì:
Môsê là nhà lập luật cho Đạo Dothái. Sự hiện diện của ngài muốn nói lên rằng: nhiều lần, Đạo luật Môsê báo trước về Đấng Cứu Độ, và hôm nay Đấng Cứu Độ ấy chính là Đức Giêsu đang xuất hiện. Tiếp theo, ngụ ý rằng, Đức Giêsu đến thế gian không phải để hủy bỏ Luật cũ, và lập lên một thứ đạo hoàn toàn mới. Nhưng Ngài đến để bổ xung, hầu cho nó được kiện toàn.
Còn Êlia chính là vị ngôn sứ quan trọng trong thời Cựu Ước. Sự hiện diện của ông có thể được hiểu là đại diện cho các ngôn sứ. Bởi vì ngài là người đã gìn giữ và canh tân Luật Môsê. Điều đặc biệt hơn cả nơi tiên tri Êlia chính là vị tiền hô của Đấng Cứu Thế (x. Ml 3, 23-24).
Sự hiện diện của hai nhân vật điển hình cho thời Cựu Ước có mặt trong cuộc biến hình của Đức Giêsu muốn nói lên sự gạch nối giữa Cựu Ước và Tân Ước.  Đồng thời qua biến cố này, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các môn đệ về bản tính của mình trong vinh quang, để các ông biến đổi con người cũ và đi vào Mầu Nhiệm Ánh Sáng của ơn cứu độ khi vâng nghe Lời Người.
2.      Một cuộc biến đổi của chúng ta
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cũng mời gọi chúng ta biến đổi để trở nên con người mới trong ân sủng. Tâm tình này cũng được thánh Phaolô đã nói với tín hữu Êphêsô: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối [...] và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự công chính và thánh thiện” (Ep 4,22.24). Thật vậy, chúng ta theo Chúa, là chúng ta phải chấp nhận biến đổi, chấp nhận đi vào con đường phiêu lưu, đầy gian khổ và đôi khi cả cái chết. Nói cách khác, người đi theo Chúa và sống những điều Chúa đòi hỏi phải là những người liều. Liều vì Chúa. Liều vì sứ mạng. Liều vì Giáo Hội. Chứ không phải liều cách mù quáng. Liều vì bị ép phải liều.
Biến đổi! Lời mời gọi mang tính quyết định. Nếu chúng ta không biến đổi con người cũ là con người tội lỗi như: tham, sân, si, của bản năng con người, thì chúng ta chẳng khác gì dòng sông không chảy, một cái ao tù được tạo thành ngay trong tâm hồn những ai cố chấp không chịu biến đổi.
Tuy nhiên, nói biến đổi thì dễ lắm, nhưng khi thực sự quan tâm mới thấy là khó.
Trong đời sống thực tế, chúng ta vẫn thấy đây đó có nhiều người hô hào canh tân, đổi mới, cách mạng, nhưng là thứ biến đổi mù quáng, nhằm tôn thờ khoái lạc, coi trọng tiền bạc, thượng tôn quyền thế, và đề cao những thứ hạnh phúc nhất thời, tạm bợ. Họ sẵn sàng bỏ qua hay coi thường sự hy sinh, nhẫn nại, khiêm nhường... Canh tân như vậy thì không những không đem lại cho con người hạnh phúc, mà lại mở đường đưa con người vào chốn diệt vong. Canh tân như thế chính là canh tân, hy sinh theo kiểu Biệt Phái, chứ không theo cung cách và đòi hỏi của Tin Mừng.
Trong đời sống đạo hiện nay nơi chúng ta, hẳn mỗi người không lạ gì khi vẫn thấy đây đó những người luôn tự hào, can đảm cũng như sẵn sàng vác thánh giá cho cả làng, nhưng thánh giá của chính mình thì đè đầu ấn cổ và bắt người khác vác thay. Hy sinh như thế là hy sinh người khác chứ không phải hy sinh chính mình. Lại có những người hy sinh giả tạo mà Đức Hồng y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã nói đến trong sách Đường Hy Vọng: “Trong một cuộc hành hương long trọng, nghìn vạn người tham gia, ai cũng muốn vác thánh giá đi tiên phong. Nhưng trong cuộc hành hương của mỗi ngày, mấy ai sẵn lòng vác thánh giá của mình? Anh hùng thinh lặng khó lắm!” (ĐHV số 171).
Thật vậy, vẫn còn đó những người: “Thay quần, thay áo, thay hơi, thay dáng, thay dấp, mà người chẳng thay” (Ca dao). Những chuyện“đao to búa lớn” được cất lên hiệu triệu để làm cho con người, cuộc sống, xã hội được tốt hơn, nhưng trên thực tế không biết bao lần nhân loại đã phải đau đớn mà nhận định rằng: “Thay đổi kiểu đó thì chẳng khác gì ‘treo đầu dê, bán thịt chó’”, hay “cái đầu thì không thay đổi mà chỉ ngồi bẻ mấy đốt ngón tay”.
Biến đổi và canh tân mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta thi hành, chính là: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được ơn biến đổi và canh tân. Xin tăng thêm niềm tin cho chúng con để chúng con can đảm bước theo Chúa cho trọn cuộc đời, hầu qua đau khổ, chúng con được tiến vào vinh quang Nước Trời. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
================= 

Suy niệm 3
Nghe Lời Chúa – Đến Với Tha Nhân
(Mt 17, 1 - 9)
 
Chúng ta đang từng bước hành trình trong Mùa Chay Thánh, tiến về Tam Nhật Vượt Qua, tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa Giêsu, dẫn đến Lễ Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Giêsu Kitô trên sự chết. Phụng vụ Chúa II Mùa Chay năm A trình bày cho chúng ta biến cố Chúa Giêsu Biến hình. Ðây là giai đoạn thứ hai trong Mùa Chay: giai đoạn thứ nhất là những cám dỗ trong hoang địa (x.Mt 4, 1-11); giai đoạn thứ hai là cuộc Biến hình (x.Mt 17, 1-9). Chúa Giêsu "đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông" (Mt 17,1). Mặc dù trong phụng vụ có một ngày lễ dành riêng cho sự kiện này (ngày 06 tháng 08), hôm nay chúng ta được mời gọi chiêm ngưỡng cảnh tương tự như một phần không thể thiếu trong Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Quả thật, Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đã gần kề, sáu ngày sau khi từ trên núi xuống, Chúa Giêsu tuyên bố : "Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống". (Mt 16, 21).
Nhưng các môn đệ chưa sẵn sàng chứng kiến Chúa của họ, Đấng luôn thể hiện lòng từ bi đối với người ốm đau bệnh tật, làm cho người phung hủi được lành, kẻ điếc nghe được, người mù thấy được, kẻ què đi được, người chết sống lại, nay "sẽ phải chịu nhiều đau khổ". Thật, không thể! Không thể hiểu nổi!
Tuy nhiên, bất chấp sự hiểu lầm của họ, Chúa Giêsu biết lý do tại sao Người đi vào thế giới. Người biết mình phải mang lấy tất cả sự yếu đuối và lầm than của nhân loại để thánh hóa họ, cứu họ ra khỏi vòng vây của tội lỗi và sự chết. Người cứu họ bằng cách nào? Thưa, bằng cách chiến thắng sự chết, để sự chết không còn làm gì được con người là hình ảnh của Thiên Chúa nữa.
Đó là lý do tại sao Biến hình là một biểu tượng của ơn cứu rỗi thể hiện nơi thân xác vinh quang Phục Sinh của Chúa Giêsu. Vì thế, khi loan báo cho các môn đệ Cuộc Khổ Nạn của mình, Chúa thấy rõ sự lo lắng trong các tông đồ, và vẻ rực rỡ về thần tính của Chúa. Chúa khẳng định với họ niềm hy vọng và loan báo cho họ niềm vui Phục Sinh, thậm trí, cả lúc Phêrô, Gioan và Giacôbê không biết rõ … phục sinh từ trong cõi chết nghĩa là gì! (x. Mt 17,9). Họ cần phải có thời gian.
Nếu trong Sứ điệp Mùa Chay 2017 năm nay với chủ đề: “Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân là một hồng ân”. Khi trưng dẫn đoạn Tin Mừng Luca 16, 19-31, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta lắng nghe Lời Chúa, để nhận ra và phụng sự Chúa trong tha nhân, nhất là nơi những người nghèo khổ, vì tha nhân là hồng ân. Thì hôm nay, có tiếng Chúa Cha tuyên bố Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài và mời gọi chúng ta: "Các ngươi hãy nghe lời Người" (Mt 17,5).
Đúng thật là một hồng ân, bởi có biết bao nhiêu lời chúng ta đã nghe, nhưng hiếm khi nghe được tiếng Chúa Cha. Chúa Cha đã nói với các Tông đồ và qua Giáo hội Chúa nói với chúng ta ngày hôm nay nữa: "Hãy nghe Chúa Giêsu, vì Người là Con yêu dấu của Chúa Cha". Chúa Giêsu là Hồng Ân vô giá do Chúa Cha tặng ban cho chúng ta. Nay Ngài mời gọi chúng ta tuân giữ Lời Người. Lời Chúa Giêsu ban lại sự sống đời đời há chẳng phải là một hồng ân sao?
Trong tuần này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và cất giữ trong trí. Vì lời ấy không phải là lời của loài người, nhưng là Thiên Chúa Cha, nói với tất cả chúng ta! Lời ấy như một trợ lực để tiến bước trên con đường Mùa Chay. Chúng ta nghe lời Chúa Giêsu nhưng phải bước theo Người. Cũng như các môn đệ, sau khi nghe được lời Chúa Cha ban tặng, các ông không thể cứ ở mãi trên núi, nhưng phải xuống núi để dõi theo hành trình Thương Khó của Chúa Giêsu và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh.
Chúng ta cũng thế, trong Mùa Chay Thánh việc cần phải làm là: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Ba việc này diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu. Chúng ta cần đi ra một nơi riêng, leo lên núi trong một nơi thinh lặng, để tìm lại chính mình và lắng nghe tiếng Chúa là hồng ân. Nhưng chúng ta không thể ở lại đó! Cần phải xuống núi gặp gỡ tha nhân. Họ là anh chị em chúng ta đang vất vả cơ cực, bệnh tật, bất công, dốt nát, nghèo khổ vật chất và tinh thần đè nặng, để chia sẻ với họ ân thánh đã nhận được vì họ cũng là hồng ân. Ðây là sứ mạng của chúng ta, những người đã chịu phép rửa tội, lắng nghe lời Chúa Giêsu và trao tặng Chúa cho người khác.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy chúng con biết nghe Lời Chúa, chuyên cần tham dự Thánh lễ, nguyện gẫm và sống tình bác ái với tha nhân. Amen.
 
 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log