Chúa nhật, 24/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III Mùa Chay

Cập nhật lúc 22:37 16/03/2017
Suy niệm 1
 “Lạy Thầy, xin cho tôi thứ nước đó để tôi không còn khát nữa”
--------------
Toàn bộ Phụng vụ Mùa Chay là nhằm chuẩn bị cho anh chị em dự tòng lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy và canh tân đời sống đối với những ai đã lãnh nhận Bí tích này … Để làm điều này, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm Lời Chúa Chủ nhật hôm nay xem sao?
 
Qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaria và cũng là nói với chúng ta:
- Ngài xin chúng ta cho Ngài uống..
- Ngài xin chúng ta dẫn mọi người đến với Ngài,…
- Đồng thời Ngài mạc khải cho chúng ta chính Ngài là nguồn nước hằng sống; chính Ngài là Đấng Hằng Sống, Thầy của SỰ SỐNG. Vì thế, chúng ta phải thờ phượng Thiên Chúa. Thờ phượng trong sự thật, thờ phượng trong yêu mến, là yêu Cha như Ngài Yêu Cha nhờ Chúa Thánh Thần.
 
Bài đọc I cho chúng ta thấy: Trên đường về Đất Hứa, dân Do-thái lúc bấy giờ ở trong rừng thiếu tin tưởng, thiếu tình yêu vào Thiên Chúa là Đấng đã có thể cho họ nước từ tảng đá…
 
Trên hành trình vào Đất Hứa vĩnh hằng của mỗi người, chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, vì Thiên Chúa có thể làm được tất cả những gì là không có thể cho những ai tin tưởng và phó thác vào Ngài. Chúng ta đừng như dân tộc Do-thái nữa! “Ước chi hôm nay, khi anh em nghe tiếng Người, anh em đừng cứng lòng nữa”.
 
Bài đọc II, Thánh Phaolo khẳng định: nếu người tín hữu muốn giữ được niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, phải thấm nhuần Thánh Thần. Chính ơn huệ của Chúa Thánh Thần làm canh tân đời sống người kitô. Chính nhờ Chúa Thánh Thần, mà người kitô khám phá ra cả một vũ trũ ơn thánh mà trong đó Sự Vinh Hiển của Thiên Chúa được biểu lộ.
 
Trở lại bài Tin Mừng, đây là cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng… Chúa Giêsu ngồi nghỉ bên một cái giếng, mà người ta gọi là giếng Giacob. Lúc đó có một người phụ nữ đến múc nước và Chúa Giêsu xin chị cho Ngài uống… Người phụ nữ này biết rằng những người Do-thái ngoan đạo thì không được phép nói chuyện với mình. Thế nhưng, Chúa Giêsu đến với mọi người. Ngài chờ đợi chị và… Ngài cũng chờ đợi tôi..
 
Chúng ta hãy nhớ lại Thánh Vịnh đáp ca hôm nay: “Ước chi hôm nay, khi anh em nghe tiếng Người, anh em đừng cứng lòng nữa”. Nếu Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, chúng ta đừng bao giờ từ chối ơn huệ Ngài.  
 
- Phải chăng là vô tình Chúa Giêsu sai các tông đồ đi mua thức ăn khi Ngài nghỉ ở đó?
- Phải chăng cũng là vô tình Chúa Giêsu xin người phụ nữ đó cho Ngài nước uống?
 
Không phải vậy! Chính chị, người phụ nữ Samaria này là người đang khát thực sự…Chị không biết Chúa là ai, chị đang khát TÌNH YÊU, chị khát Đấng là TÌNH YÊU...
 
Sau khi bày tỏ sự ngỡ ngàng không hiểu tại sao Chúa lại xin chị nước uống, chị liền nói về đời sống gia đình của chị. Chúa Giêsu mặc khải cho chị. Ngài nói với chị chính Ngài là Đấng Mesia mà người ta trông đợi. Ngài giải khát con tim chị đang khát tình yêu và làm cho chị trở thành một tông đồ trong môi trường của chị. Từ cái giếng này chị trở về với tất cả những ai mà chị tụ hợp lại.
 
Qua câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cảm nhận được rằng: Chúa Giêsu luôn hiện diện với tất cả mọi người mà chúng ta gặp trên đường. Cả những người ngoại giáo, cả những người thù địch với chúng ta, họ có thể là những người thiện chí khao khát Thiên Chúa và mang sứ điệp Tình Yêu vô bờ của Thiên Chúa đến cho người khác.
 
Ước gì thái độ trong mối tưong quan của chúng ta là sứ điệp TÌNH YÊU của Thiên Chúa đến cho mọi người và Ngài sẽ giải khát chúng ta bằng NƯỚC HẰNG SỐNG của Ngài.
 
Người phụ nữ Samaria đó đã đến giếng để lấy nước, nhưng khi trở về chị lại không mang vò nước về…Chị không cần những gì là cũ kỹ nữa vì chị đã khám phá ra cái mới của ân huệ Thiên Chúa. Chị vừa học được bài học có thể tìm được nơi cầu nguyện trong chính mình. Vì chính Thiên Chúa ở trong tâm hồn chị.
 
Chúa Giêsu nói với chị: “Nếu chị biết ân huệ của Thiên Chúa”, cũng là nói với mỗi người chúng ta, khi chúng ta đang lắng nghe Lời của Chúa hôm nay. Ân huệ của Thiên Chúa, đó là một tình yêu biếu không. Tình yêu tha thứ, tình yêu kiến tạo hòa bình trong chúng ta và thổi vào toàn thể nhân loại niềm hy vọng. Ân huệ của Thiên Chúa, là chính Chúa Giêsu.
 
Trên chặng đường vượt qua của mỗi người, chúng ta, dân lữ hành, Chúa Giêsu vẫn đang chờ đợi chúng ta tại bờ giếng nơi mà Ngài ban cho chúng ta NƯỚC HẰNG SỐNG. NƯỚC HẰNG SỐNG  này chảy ra từ Trái Tim Ngài trên Thập giá. NƯỚC HẰNG SỐNG này cũng là THẦN KHÍ của ƠN TÁI SINH. Chúng ta phải TÁI SINH bằng Bí Tích Thánh Tẩy của mình. Mỗi lần chúng ta họp nhau nhân danh Người, chính là ân huệ của Bí tích Thánh Tẩy mà chúng ta được sống và là ân huệ của Chúa Thánh Thần đổi mới chúng ta. Ân huệ biếu không của Thiên Chúa mời gọi câu trả lời của chúng ta, đó là ĐỨC TIN, và ĐỨC TIN này phải không ngừng lớn lên, nếu không, sẽ bị tàn lụi.
 
Đức tin này ngày càng lớn lên nếu chúng ta biết chia sẻ cho người khác. Người đầu tiên gieo Lời Chúa vào miền Samaria là một phụ nữ mà chúng ta biết đó qua bài Tin Mừng. Có thể qua chị, chị gieo lời Chúa cho cả 5 người chồng trước của chị …!  Đó là sự thay đổi hoàn toàn nhờ vào Tin Mừng. Tin Mừng nâng cao những ai khiêm tốn. Chính người phụ nữ ấy trở nên người đem sự sống đến cho người đồng hương và dẫn người đồng hương đến với Chúa Giêsu.
 
Lạy Chúa, chỉ vì chúng con đi tìm suối nguồn hạnh phúc ở đâu đó bên ngoài chúng con, nên chúng con đã thất vọng đợi chờ và không thỏa mãn,. Thế nhưng, chính ở đây và ngay bây giờ Chúa làm thỏa mãn chúng con nếu chúng con không chạy trốn Chúa nữa và trở nên người luôn đối thoại với Chúa. Chúng con đã chết khát bên cạnh suối nguồn, đã chết đói bên cạnh quán ăn miễn phí… Và Chúa, Chúa đã nói với chúng con: “Nếu con biết ân huệ của Thiên Chúa”. Chính vì chúng con không nhận ra ân huệ của Chúa, nên chúng con đã đói và đã khát.
 
Vâng lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì Chúa đã khơi nguồn cứu độ trong trái tim chúng con, nơi mà Chúa đặt làm nhà ở của Chúa… Xin thanh tẩy ước muốn và khát vọng rác rưởi của chúng con đi, và chúng con chỉ còn khát vọng chính Chúa, khát vọng được Tình Yêu Chúa ấp ủ.
 
Vâng, lạy Chúa, Chúa đã khơi trong chúng con một vực thẳm và vực thẳm ấy Chúa đã lấp đầy bằng đại dương tình yêu của Chúa. Trong Chúa, chúng con luôn cảm thấy BÌNH AN và HẠNH PHÚC. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
======================

Suy niệm 2
“NƯỚC HẰNG SỐNG” CHÍNH LÀ ĐỨC GIÊSU
(Xh 17, 3- 7; Rm 5, 1- 2.5- 18; Ga 4, 5- 42)
 
Trong kiếp nhân sinh của con người, phát sinh từ sự thiếu thốn, thèm muốn, mong mỏi và hy vọng được thỏa mãn, nên người ta thường khao khát một điều gì đó tốt hơn những gì đang sở hữu. Có những khát khao làm cho cuộc sống của con người tốt hơn sau khi đạt được. Nhưng cũng không thiếu gì những thỏa mãn làm cho tình trạng của con người trở nên tồi tệ hơn.
Trình thuật của thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe cho thấy có một thứ khát khao mà theo lẽ thường thì ít ai nghĩ tới, đó là khát khao “Nước Hằng Sống”. Một khi đã được thỏa mãn niềm khát khao quan trọng nhất này, thì mọi khát khao khác cũng được trở nên dư đầy.
1.      Cuộc gặp gỡ kỳ diệu
Bài Tin Mừng hôm nay gợi lại cho chúng ta cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari. Một cuộc gặp gỡ hiếm có và xem ra rất bất thường, hy hữu và đặc biệt giữa một bên là người Dothái, bên kia là người Samari.
Hy hữu, bất thường, bởi vì từ trước đến nay giữa người Samari và người Dothái không hề có sự liên lạc, giao thương và luôn trong trạng thái nghi kỵ, khinh khi lẫn nhau. Ấy vậy mà hôm nay, Đức Giêsu là người Dothái, người phụ nữ là người Samari lại có buổi gặp nhau thân tình.
Câu chuyện được khởi đi từ việc Đức Giêsu rời Giuđê để đi Galilê. Trên hành trình đó, Ngài đã chọn con đường tắt, nhanh nhất để đi. Con đường đó phải băng qua làng Samari. Chính khi băng qua đây, mà Ngài gặp gỡ người phụ nữ Samari. Đây là cuộc gặp hy hữu và bất thường.
Cuộc gặp gỡ này cũng là một cuộc gặp gỡ đặc biệt vì: ban đầu, Đức Giêsu là người chủ động xin nước nơi chị phụ nữ Samari từ giếng Giacóp, Ngài lên tiếng: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” (Ga 4,7). Người phụ nữ quá ngỡ ngàng bởi lẽ giữa người Dothái và Samari đã từ lâu, họ không đội trời chung, và người Samari luôn bị người Dothái khinh miệt, không thèm tiếp xúc... Nhưng Đức Giêsu đã đi bước trước để phá vỡ rào cản mà lâu nay vẫn trói buộc giữa hai bên, bằng việc Ngài bắt chuyện và chủ động xin nước uống. Hành động này của Đức Giêsu làm cho người phụ nữ không khỏi ngạc nhiên, vì thế, chị ta thốt lên: "Ông là người Dothái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?" (Ga 4,9).  Nhưng Đức Giêsu đã trả lời: "Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống" (Ga 4, 10); và như một sự tiệm tiến, Đức Giêsu đã nói trực tiếp chính Ngài là nguồn mạch nước hằng sống, thứ nước ấy uống vào sẽ không còn khát nữa. Khi nghe thấy thế, Người đàn bà đã tha thiết xin Đức Giêsu:"Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước" (Ga 4, 15).
Thật vậy, qua cuộc gặp gỡ này, Đức Giêsu đã làm một cuộc cách mạng. Cách mạng về khoảng cách địa lý, về vai vế để đi đến một cuộc cách mạng vĩ đại, đó là cách mạng tâm hồn. Nhờ cuộc cách mạng tâm hồn này, mà từ nay, giữa người Dothái và người Samari được sống và sống dồi dào khi thờ phượng Chúa không chỉ ở trên núi này hay núi nọ, mà ngay tại trong tâm của mình qua Thần Khí và sự thật.
2.      Đức Giêsu là Nước Hằng Sống
Khi nói về cuộc cách mạng tâm hồn nơi chị phụ nữ trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, tưởng cũng nên nhắc lại: trước kia giữa người Dothái và người Samari, họ có chung một nguồn gốc. Nhưng do cuộc sống thay đổi và vì thời cuộc..., nên người Samari có những giao thương với ngoại bang, từ đó người Do thái cho là lai căng, thậm chí là bội giáo, và thường khinh thị, không muốn giao tiếp.
Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã vượt qua ranh giới của cái gọi là “ta và địch”, trong truyền thống để đến với anh chị em của mình.
Khi Ngài chủ động đến với chị ta như thế, Đức Giêsu đã cải hóa tâm hồn chị. Tâm trạng và thái độ của người đàn bà này có thể nói là một cuộc diễn biến tiệm tiến trong ân sủng và đức tin.
Thật vậy, thoạt tiên, sự xuất hiện của Đức Giêsu trước mặt chị chẳng hơn gì một “tên Dothái”. Đây là lối nghĩ miệt thị nhau, vì đã có mâu thuẫn từ nhiều thế hệ. Nhưng sau đó, chị ta đã “thưa ông”. Tiếp theo, khi được Đức Giêsu mặc khải cho biết chị ta đã 5 đời chồng rồi, lúc đó, chị đã gọi Ngài là một vị “ngôn sứ” là Đấng “Mêsia”. Cuối cùng, chị đã tôn vinh Ngài là Đấng Cứu Độ trần gian.
Qua câu chuyện giữa Đức Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã mặc khải hai điều:
Trước tiên, Đức Giêsu mặc khải cho người phụ nữ biết rằng: Ngài chính là Đấng Kitô, là Mêsia mà muôn dân mong đợi từ lâu. Ngài chính là nguồn mạch phát sinh sự sống, nên gặp được Ngài là gặp được chính nguồn sự sống bất diệt.
Thứ đến, Đức Giêsu mặc khải thêm: đã đến lúc không còn chuyện phân biệt rằng Thiên Chúa của tôi và Thiên Chúa của chị nữa. Không còn chuyện cùng một Thiên Chúa chúng ta thờ, nhưng lại chỉ thờ ở đây mà không thờ chỗ khác.
Như vậy, điều mà Đức Giêsu đã mặc khải cho người phụ nữ khi xưa, cũng chính là điều mà Ngài muốn mặc khải cho chúng ta ngày hôm nay.
3.      Sứ điệp Lời Chúa
Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao nhu cầu hưởng thụ. Thượng tôn vật chất... Tuy nhiên, vẫn còn đó những thiếu thốn khi trong nhà có nhiều tiền. Vẫn còn đó sự bất an, khi quyền lực có trong tay. Và, vẫn còn đó, một khoảng cách giữa người với người ngay trong cùng một căn nhà...
Vì thế, trong cuộc sống hiện thời, con người luôn khắc khoải và có những khát vọng như:
Khát vọng chân lý, công bằng khi phải đối diện với sự gian dối, bất công. Hoặc sống trong cảnh thù hận, ích kỷ...người ta khao khát tình thương, lòng bao dung, sự tha thứ. Còn sống trong chiến tranh, loạn lạc, đau khổ và bất an, thì người ta mong muốn có hòa bình, hạnh phúc và an vui...
Như vậy, con người vẫn luôn mong được hạnh phúc. Nhưng có biết bao người càng tìm càng mất. Tại sao vậy? Thưa, vì họ tìm và gắn bó vào những thực tại trần thế như: quyền, tiền, danh vọng, nhục dục... nên không bao giờ họ được khỏa lấp nỗi khát vọng trong sâu thẳm nơi tâm hồn của mình. Tình trạng của người phụ nữ bên bờ giếng là một minh họa. Chị ta ngồi ngay bên miệng giếng, nhưng tâm hồn vẫn khát. Chị ta cứ ngỡ rằng khi lao mình vào những thú vui nhục dục... thì sẽ được hạnh phúc. Không phải thế! Chị ta đã lầm khi đặt lý tưởng, mục đích của cuộc đời chị sai chỗ, nhầm đối tượng. Chỉ khi gặp được Đức Giêsu, chị ta mới hết khát và thỏa mãn. Thật vậy: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Hay như thánh Augustinô cũng phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Cũng vậy, khi chưa cảm nhận được Chúa thực sự, con người luôn sống hình thức và phụ thuộc vào những chuyện bên ngoài. Vì thế, vẫn còn đó những anh chị em sốt sắng đi lễ nhà thờ, nhưng sẵn sàng cãi vã to tiếng với những người sống chung quanh chỉ vì con chó, con mèo, hay mấy đứa trẻ chơi với nhau... Cũng vẫn còn đó khi làng này và làng bên kia có những khúc mắc từ lâu, nên hôm nay có lễ ở làng bên thì bên này làng tỏ vẻ ngần ngại không muốn đi, chỉ vì sự nghi kỵ trước kia lại nổi lên.
Mong sao, với sứ điệp Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta sẽ khao khát đi tìm chân lý, sự sống. Đi tìm chính Chúa và sống với Ngài. Đồng thời, chúng ta cũng bỏ qua khoảng cách kỳ thị để đến được với nhau. Bởi vì Chúa là Chúa của mọi người chứ không chỉ riêng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết vượt lên trên những rào cản của kỳ thị, ghét ghen, để xây dựng sự hiệp nhất. Luôn biết mở lòng ra để đón nhận chính Chúa vào trong cuộc đời, hầu chúng con đáng được hưởng hạnh phúc viên mãn. Amen.

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

======================

Suy niệm 3
Gặp Gỡ Đức Kitô Biến Đổi Cuộc Đời Mình
(Ga 4, 5 - 42) 
 
Bước vào Chúa nhật III Mùa Chay, chúng ta nghe lại cuộc đối thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria, được tường thuật bởi Thánh Sử Gioan. Người thiếu phụ hằng ngày đi lấy nước từ một giếng nước cổ xưa, có từ thời của tổ phụ Giacóp. Và ngày hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt mỏi sau một chặng hành trình đường xa (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu chính là Nước Hằng Sống, Người đến làm cho con người khỏi khát nước Thánh Thần.
Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống
Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, các Giáo phụ đã sớm nhận ra nơi « nước hằng sống » biểu tưởng của phép Rửa tội, mà Đức Kitô là chính Nguồn Nước ấy (9). Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời. Đó chính là nguồn nước mà Tin Mừng nói tới khi Người xin nước của người đàn bà xứ Samaria… Thực ra, nguồn nước ấy không bao giờ cạn, Đấng là Nước Hằng Sống không thể uống nước bị ô nhiễm ở vùng đất này. Câu hỏi được đặt ra :
Phải chăng Đức Kitô khát nước ?
Thưa, Người khát, nhưng không khát nước trên mặt đất này, hay khát thức uống của con người, mà khát các linh hồn, khát sự cứu chuộc nhân loại. Thánh Ephrem viết: “Khi khát nước, Chúa chúng ta đã ngó đầu vào miệng giếng; Ngài xin người đàn bà nước uống. Từ giếng nước, Ngài đã câu được một tâm hồn. Nhưng tâm hồn ấy đã lại câu tiếp được cả dân trong thành” (Thánh Thi Giáng sinh số 4, 43-44).
Tại sao Chúa Giêsu lại xin người đàn bà xứ Samaria nước uống khi bà đến kín đầy vò nước, không những thế, Người còn khẳng định mình có thể trao ban mạch nước dồi dào hơn từ giếng thiêng liêng nếu ai đến xin Người ? 
Thưa, vì dân Samaria thờ ngẫu tượng, tâm trí họ hướng về địa giới, nên Chúa khát đức tin không chỉ của người đàn này mà cả và nhân loại. Chúa Giêsu nói: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: ‘xin cho tôi uống nước’, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống (...) Tất cả những ai uống nước này sẽ còn khát: nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa; vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời” (Ga 4, 10-14). Đúng như lời Kinh Tiền Tụng Thánh lễ hôm nay diễn tả: “Lạy Chúa là Cha chí thánh... Khi người phụ nữ xứ Samari cho nước uống, Người đã ban cho bà đức tin. Vì Người tha thiết ước mong bà tin vững mạnh, nên đã đốt lên trong lòng bà ngọn lửa yêu mến Chúa…
Hình ảnh người tân tòng
Người đàn bà xứ Samaria là hình ảnh của người tân tòng, còn đang chịu sự ràng buộc của ma quỷ, năm đời chồng bà đã từ bỏ, người đàn ông thứ sáu đang sống với bà là tượng trưng. Giếng nước Giacóp thể hiện tiệc cưới của tâm hồn bà cử hành với Thiên Chúa đã được thanh tẩy bằng nước Rửa tội. Theo M. Dulaey thì: “Giữa thế kỷ thứ III, Origène giải thích rằng, giếng nước này là dấu chỉ giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người và hiệp nhất tâm hồn với Thiên Chúa.” Từ nay, bà tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người và đi loan báo Đức Kitô cho dân làng bà, kết quả là: “Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng rằng: Ông ấy đã nói với tôi mọi việc tôi đã làm” (Ga 4, 39). Theo Origène “Vị Hôn Phu đích thực là Chúa Kitô (Ga 13, 181). Một khi người đàn bà này tìm thấy Ngài, bà liền chạy về loan báo cho dân làng biết; người đàn bà này là hình ảnh của người kitô hữu tuyên xưng đức tin của mình.”
Nguồn suối cứu độ là chính Đức Kitô
Đức Kitô, Đấng ngồi nghỉ trên miệng giếng chính là nguồn nước, từ cạnh sườn bên phải Ngài, tuôn trào suối nước trường sinh; một phụ nữ có sáu đời chồng đã được tẩy sạch bằng dòng nước hằng sống ấy. Thật ngưỡng mộ biết bao: một người phụ nữ nhẹ nhàng đến giếng Samaria kín nước, bà múc nước từ giếng Giêsu! Tìm được nước, bà ra đi với sự tiết hạnh. Ngay lập tức bà xưng thú các lỗi mà Đức Giêsu ám chỉ, bà nhận ra Đức Mêssia và loan báo Đấng Cứu Thế. Bà để vò nước xuống, mang ơn sủng vào thành; vai nhẹ bớt tội lỗi, nhưng tràn đầy sự thánh thiện… Đúng là ai đến trong tội lỗi sẽ trở về với sứ mạng tiên tri.
Nước hằng sống này đối với chúng ta là nguồn suối dâng trào sự sống đời đời. Nước này không phải là nước hòa với Máu Chúa Kitô, đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên cây Thánh giá đó sao? Đây không phải là các bí tích của Giáo hội mà Phép rửa trình bầy mầu nhiệm của nước ấy, để ám chỉ rằng nước đó phát sinh từ cái chết cứu độ của Đấng Cứu Thế đó hay sao? Trong mọi trường hợp, các Giáo phụ thấy nước tuôn chảy từ tảng đá do Môisen đập ra (Xh 17, 3-7) là hình ảnh tiên trưng của nước chảy ra từ cạnh sườn Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.
Mỗi người chúng ta đều có thể nhìn thấy chính mình nơi hình ảnh của người thiếu phụ Samari: Ðức Giêsu chờ đợi chúng ta, nhất là trong thời điểm của Mùa Chay, để đối thoại với chúng ta, nói với con tim của chúng ta. Người thiếu phụ Samari gặp được Chúa, bà xin Chúa, “Xin cho tôi nước ấy để tôi chẳng còn khát” (Mt 4, 15). Chúa đã cho bà, nhưng nước ấy, vò của bà không thể chứa được, bà phải để vò nước lại, đi loan báo cho dân làng, những người vẫn khước từ bà vì cái vò cũ (đời sống tội lỗi) nay bỏ vò đi họ liền đón nhận lời bà loan báo.
Phần chúng ta, để tiếp tục hành trình trong Mùa Chay Thánh, chúng ta cũng phải bỏ lại vò thói quen tội lỗi, chúng ta mới kín múc từ giếng Giêsu, Nước Hằng Sống, đựng vào trong tâm hồn trong sạch (vò đã được hoán cải), có thế, chúng ta mới kín múc được ân sủng của Thiên Chúa toàn năng. Như người đàn bà xứ Samria, chúng ta được mời gọi làm chứng cho người thời nay về niềm vui gặp gỡ Chúa, một cuộc gặp gỡ linh thiêng và cứu chuộc.
Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, xin giúp chúng con biết tận dụng cơ hội gặp gỡ này, là nơi chúng con có thể kín múc nguồn hạnh phúc đích thực cho cuộc đời chúng con. Amen.
                                                          
 Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log