Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật IV Mùa Chay

Cập nhật lúc 16:42 23/03/2017
“Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9, 5)
Suy niệm 1
“Tôi là sự sáng thế gian”
-------------------------
 
Người kitô hữu chúng ta nhờ bí tích Thánh Tẩy đã trở nên ánh sáng, không còn mù lòa nữa…Nguồn ánh sáng ở trong Thiên Chúa và chỉ xuất hiện đích thực khi chúng ta có ĐỨC TIN và ĐỨC MẾN.
Bài đọc I hôm nay nói: Saul, vị vua đầu tiên của Israel, vì quá ham mê quyền lực, vì không vâng lời Thiên Chúa, vua đã trở nên mù lòa trong cách lãnh đạo. Cuối cùng vua đã bị phế truất và chết trong điên khùng. Thiên Chúa đã chọn người khác thay thế vua.
Và bài Tin Mừng mô tả: Chúa Giêsu đi qua đám đông và dừng lại trước một anh mù…
Anh chàng này không thấy gì, nhưng Chúa thấy anh. Chúa còn nhận ra tất cả mọi người, tất cả những người mù bẩm sinh không thể thấy rõ được trong thế giới này, một thế giới cố tình chìm trong bóng tối và bạo lực…
Qua con người của anh mù hôm nay, Chúa Giêsu muốn tỏ cho thiên hạ thấy công việc vĩ đại của Thiên Chúa.
Các môn đệ hỏi Ngài nguyên nhân tại sao lại mù:
- “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh mù hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh”?
Chúa đáp lại:
- “Không phải anh, cũng không phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi anh”. Thiên Chúa tuyệt vời! Ngài không nhớ lại quá khứ tiêu cực của chúng ta… Ngài chỉ muốn chúng ta hướng về tương lai tươi sáng.
Và Chúa bắt đầu thực hiện công việc của Ngài. Ngài làm lại một cử chỉ của Mầu Nhiệm TẠO DỰNG cho anh mù: từ bùn đất, Ngài tạo lại cho anh mù thành con người mới và thổi hơi sự sống cho anh qua LỜI của Ngài: “Anh hãy đến hồ Siloe mà rửa…”.
Thế là phép lạ đã hoàn thành! Anh thấy nét đẹp của TẠO DỰNG, một kỳ công cho con người sống gần Thiên Chúa. Nhưng tất cả không phải là đã kết thúc…Anh rất vui vì được thấy ánh sáng, nhưng anh còn phải chiến đấu chống lại những bóng tối khác còn nguy hiểm hơn là bóng tối mà anh vừa thoát khỏi. Anh công bố Đức Tin của anh, dù người ta đuổi anh ra khỏi hội đường và chế giễu anh.
Cũng vậy đối với chúng ta, những người đã được Thánh Tẩy, cuộc sống thường ngày luôn thử thách đức tin chúng ta… Nhưng đó cũng là con đường dẫn chúng ta đến đức tin đích thực. Mà đức tin đích thực làm cho chúng ta khám phá ra chính Chúa Giêsu là ánh sáng…Nhờ đó, chúng ta chẳng còn nghĩ đến việc che giấu sự thật để lôi kéo mọi người đến với ánh sáng của Thiên Chúa nữa.
Chúng ta, những người đã được Thánh Tẩy và được Chúa Kitô cho thấy ánh sáng, được xức dầu hoan lạc, được tận hiến cho Nước Trời….Thế mà tại sao chúng ta vẫn còn những thói cũ gục mặt xuống như thể chúng ta mù từ khi mới sinh…? Đó chính là thời gian còn lại để chúng ta phải luôn làm chứng về sức mạnh Tình Yêu của Thiên Chúa chúng ta.
Bóng tối vẫn tiếp tục che phủ trái đất và ngày càng dày đặc. Chúa Giêsu luôn muốn chữa lành chúng ta. Phần chúng ta, trên cuộc hành trình theo Chúa Kitô, tốt hơn hết là chúng ta xin Ngài đến nâng đỡ những khốn cực và yếu đuối của chúng ta.
Bài đáp ca nhắc nhở chúng ta điều đó: Sức mạnh đích thực phải đến từ Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa, mới là vị chăn chiên đích thực, có khả năng dẫn con người tới SỰ SỐNG và tới ÁNH SÁNG. Trong Ngài chúng ta tìm được ơn thánh và hạnh phúc đích thực.
Lời Chúa hôm nay còn nhắc nhở chúng ta là những đứa con của ánh sáng. Thánh Phaolo trong bài đọc II đã nói: “Xưa kia anh em là sự tối tăm, nhưng bây giờ anh em là sự sáng trong Chúa. Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật”.
Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian và trong Thiên Chúa, chúng ta là anh em của Ngài. Ngài chuyển ánh sáng đó cho chúng ta và yêu cầu chúng ta đặt ánh sáng đó trên cao để tất cả mọi người có thể trông thấy.
Trong đêm vọng Phục sinh, mỗi người đều thắp sáng ngọn nến của mình từ ÁNH SÁNG của cây nến Phục Sinh. Và cả nhà thờ bừng sáng. Thật sống động và cũng thật linh thiêng!.. Đó là biểu tượng để chúng ta, những người kitô hữu phải sống…Dù chỉ là ánh sáng của một cây nến nhỏ của mỗi người thôi, nhưng nếu cùng được thắp lên, sẽ trở nên dấu chỉ của một cộng đoàn sống động: “Ở đâu có 2 hoặc 3 người hiệp nhất nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ”.
Mỗi lần chúng ta tụ họp với nhau, LỜI CHÚA là ánh sáng được chiếu tỏa và càng lan rộng…Đó là chương trình của Thiên Chúa: Thắp sáng NIỀM HY VỌNG khắp nơi trong một thế giới mà Ngài gửi chúng ta tới… Ánh sáng này của Chúa Kitô không bao giờ tàn lụi…Khi thắp sáng, ánh sáng càng lan rộng cũng như ngọn lửa khi bùng cháy thì càng mạnh mẽ.
Một cử chỉ hay một việc làm nhỏ của người kitô chúng ta mang ánh sáng Chúa Kitô, có thể xuyên thủng bóng tối của lòng ích kỷ và kiêu ngạoKinh nguyện thầm kín của chúng ta cũng có thể là nguồn ánh sáng cho những ai cần đến!
Lạy Chúa Giêsu, không phải Chúa chỉ mở con mắt xác thịt, mà ánh sáng của Chúa còn thấu nhập vào tận con tim anh mù từ khi mới sinh. Ánh sáng Chúa xé tan bức màn che giấu dung nhan của Đấng Cứu Độ,
Chúng con tin rằng chúng con đã xem thấy, nhưng chỉ xem thấy bên ngoài sự việc.
Nhờ ánh sáng Chúa chiếu soi tâm hồn chúng con, Chúa làm cho chúng con xem thấy vẻ đẹp của thế giới, phản ánh VẺ ĐẸP của Chúa. Chúa làm cho chúng con nhớ lại sự hiện diện của Chúa trong công trình TẠO DỰNG và Chúa làm cho chúng con sống như thể chúng con thấy Đấng Vô Hình.
Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa, Chúa đã đến trong thế giới này để chiếu sáng tất cả mọi người. Ước gì ánh sáng Chúa tỏa sáng qua con tim chúng con đến với tất cả những ai chưa nhận biết Chúa và đẩy lui mọi bóng tối đang vây hãm họ. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
 ======================== 

Suy niệm 2
HAI CÁCH NHÌN VÀ HAI LỐI SỐNG
(1Sm 16, 1b.6- 7.10-  3; Ep 5 ,8- 14; Ga 9, 1 - 41)
 
Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”; còn đối với các nhà thi sĩ thì con mắt là một cái gì đó rất thơ mộng! Nó luôn gợi hứng cho những ai yêu mến thơ văn có thể nảy sinh sáng tác... Vì thế, có câu: “Mắt em là một dòng sông, thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” (Lưu Trọng Lư); hay đối với những nhà nhân tướng học thì: “Con mắt là phản ảnh của tâm hồn”; hoặc với các nhà khoa học thì: “Con mắt được coi như một chiếc máy chụp rất nhỏ nhưng rất tinh vi và phức tạp, chưa có một máy kỹ thuật số nào sánh kịp[...]. Con mắt thâu 80% số vốn kiến thức mà con người hấp thụ được...”.  
Như vậy, con mắt quả là quan trọng, nên người ta rất sợ bị mù. Tuy nhiên, trong đời sống đức tin, cái mù lòa về mặt thể lý không đáng sợ cho bằng cái mù tâm linh.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa người mù từ lúc mới sinh. Nhưng điều đặc biệt là nhờ con mắt đức tin của anh mù sáng, nên con mắt thể lý cũng nhờ đó mà được trông thấy. Ngược lại với nhiều người đương thời với anh. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì có rất nhiều người hiện nay sáng mắt về thể lý, nhưng lại mù lòa về tâm hồn.
Qua câu chuyện Đức Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh, đã nảy sinh hai cách nhìn, hai lối hiểu khác nhau giữa Thiên Chúa, mà cụ thể là nơi Đức Giêsu và những người sống cùng thời với Ngài.
 
1.      Hai cách nhìn và hai lối sống
Điều trước tiên, chúng ta cần nhận thấy là Thiên Chúa nhìn con người, sự vật hoàn toàn khác lối suy hiểu của con người. Nếu con người nhìn bề ngoài, thì Thiên Chúa nhìn thấu tận tâm can. Chuyện người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp tuần trước là một chứng minh cụ thể! (x. Ga 4, 5-42). Nếu các Pharisêu và phần đông người Dothái giữ luật chỉ vì giữ luật mà sẵn sàng trở nên vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của anh em đồng loại, thì Đức Giêsu đã vượt lên trên luật để giải phóng con người, hầu đem lại cho con người được hạnh phúc, tự do đích thực, và dẫn đưa người ta vào trong đường lối nhân hậu, bao dung của Thiên Chúa. Vì thế: “… tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta”(Is 55, 8).  
Trước mặt những người Pharisêu và người Dothái cũng như theo lối suy diễn của họ thì: Thiên Chúa, hay người của Thiên Chúa phải là Đấng tốt lành, thánh thiện, trung thành với Lề Luật và không bao giờ có thể gần gũi với những người tội lỗi... (x. Ga 9,16). Thật ra, nói như vậy thì không sai, nhưng chưa đủ, bởi vì nếu tách tình thương của Thiên Chúa ra khỏi xã hội, cuộc sống, cụ thể là những nơi, những người cần được cứu độ thì mâu thuẫn nội tại với Người, bởi vì: “Thiên Chúa là tình yêu”.
Tuy nhiên, thái độ của Đức Giêsu thì khác hẳn. Khi chữa cho anh mù được sáng đúng ngày cấm kị của người Dothái theo luật Môsê, Đức Giêsu đã khẳng định về sứ vụ Thiên Sai của mình, Ngài nói: “Chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu, Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian" (Ga 9, 4-5). Và, Ngài cũng ngầm cho mọi người biết rằng Ngài đến từ Thiên Chúa, nên làm chủ luôn ngày Sabát và mặc cho nó một ý nghĩa đúng đắn khi nói: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát" (Mc 2, 27-28). Vì thế, nếu đã là phương tiện, thì nó chỉ đóng vai trò là phục vụ, nên không thể không cứu người, hoặc làm việc tốt chỉ vì vụ luật.
 
2.      Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay như ngọn đèn soi rọi vào tận tâm hồn chúng ta để lộ ra sự ích kỷ, nghi kỵ và kiêu ngạo. Điều này được thể hiện rõ khi chúng ta không thể bỏ qua những sai sót cho anh chị em chúng ta, dẫu vẫn biết rằng, nhiều khi chính chúng ta tội lỗi hơn họ, nhưng chỉ vì chúng ta khôn khéo, lèo lái cách tinh vi mà người đời không biết, nên chúng ta vẫn “bình chân như vại” mà sẵn sàng lên án người khác. Vì thế, vẫn còn đó những chuyện đau lòng như:
Nếu ai đó một thời vướng vào cái tội gọi là “đầu trộm đuôi cướp” thì cả đời không thể thoát ra khỏi những ánh mắt coi thường, khinh khi, dẫu giờ này con người đó tốt lành, hoàn lương! Hay một cô gái nào đó chỉ vì trót dại, và cũng có thể vì hoàn cảnh bị ép buộc phải làm gái điếm... thì mặc cho cô ta đã hối hận, quay đầu trở về và hướng thiện, thì cũng không bao giờ tránh được sự dè bửu, chê bai và cả đời không bao giờ rửa hết nỗi nhục bán thân. Hoặc như một bạn trẻ nào đó, thời thanh niên, vì thiếu suy nghĩ, ham chơi, nên sa ngã vào con đường nghiện ngập, hút trích... những người này, dưới con mắt của chúng ta, họ là đồ bỏ, mà ngay cả những người có lòng giúp đỡ họ cũng bị khinh thường theo!...
Chỉ đưa ra chừng ấy thôi thì cũng đủ cho chúng ta thấy là đã biết bao lần ta bỏ lỡ cơ hội như Chúa, đã bao lần ta đánh mất vai trò đồng hành, nâng đỡ và tỏa gương sáng cho anh chị em chúng ta để dìu họ bước lên. Không những thế, nhiều khi chúng ta lại cho rằng nếu tạo điều kiện thuận lợi cho họ, thì chẳng khác gì “vẽ đường cho voi chạy”; hay như một cơ hội để họ lợi dụng lòng tốt, rồi “ngựa quen đường cũ”, nên đôi lần chúng ta đã thẳng tay vùi dập, làm cho cuộc đời của họ bi đát hơn và không thể ngẩng đầu để tiến về phía trước với hy vọng thay đổi cuộc đời!
Thực ra, lối suy nghĩ trên có cơ sở hay nhiều người đã quá kinh nghiệm nên mới có những nhận định như thế! Tuy nhiên, nếu chúng ta thinh lặng và hồi tâm đôi chút, thì có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy cuộc đời của mình cũng nhem nhuốc hay còn tệ hơn như thế nữa! Nhưng điều nguy hiểm hơn cả, đó là chúng ta đã tước mất quyền phán xét của Thiên Chúa, và trở thành một vị thẩm phán mù lòa, ác đức, không giống Đức Giêsu. Lời của thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma đáng để cho chúng ta suy nghĩ: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2, 1).
Hình ảnh của Đức Giêsu, vị mục tử nhân từ, Đấng giàu lòng thương xót không hề có một thái độ như thế. Ngài sẵn sàng tháp nhập vào dòng người đến xin Gioan làm phép rửa thống hối, mặc dù Ngài vô tội. Con Thiên Chúa đã sẵn sàng trở nên một con người khiêm tốn, liên đới để cứu độ những người tội lỗi. Tinh thần ấy đã được Ngài sống và giảng dạy: “...giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc 15, 10); Và sứ mạng của Ngài là đến để cứu chữa những người tội lỗi, ốm đau, bệnh tật, vì người khỏe mạnh thì không cần đến thầy thuốc. Như vậy, những người thấp cổ bé họng, tội lỗi và bị loại ra bên lề lại là đối tượng số một của sứ vụ Thiên Sai nơi Đức Giêsu.
Nếu chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu đúng nghĩa, thì chúng ta cũng phải coi những người anh em đó là đối tượng trọng yếu của Tin Mừng và sứ vụ nơi chúng ta.
Mong sao, mỗi người chúng ta hãy để cho Lời Chúa như ánh mặt trời chiếu rọi vào tận thâm sâu tâm hồn của mình, để con mắt đức tin của chúng ta sáng lên như anh mù khi xưa, hầu tránh đi tình trạng sáng con mắt thể lý, nhưng lại mù con mắt tâm linh. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
=====================

Suy niệm 3
Chúa Là Nguyên Nhân Của Niềm Vui
(Ga 9,1 - 41) 
 
Bước vào Chúa nhật  IV Mùa Chay quen gọi là Chúa nhật của Niềm Vui (Lætare), Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay Giáo hội tạm dừng, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới, để chuẩn bị tâm hồn tốt hơn hầu cảm nghiệm được niềm vui sâu xa của Lễ Phục Sinh đã gần kề.
"Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan." (Ca nhập lễ)  Hay lời của Thánh vịnh gia : "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…... ". Những lời trên diễn tả niềm vui ngập tràn và thiêng thánh. Giáo hội chúc mừng con cái mình đã hăng hái đi được nửa hành trình của Mùa Chay Thánh. Làm sao không thể không vui không mừng được. Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ, "Cùng Giê-ru-sa-lem khấp khởi mừng… được Thành Ðô cho hưởng trọn nguồn an ủi, được thoả thích nếm mùi sung mãn vinh quang…đón nhận dồi dào ơn an ủi …" (Is 66, 10 - 11).
Vậy đâu là lý do sâu xa để vui mừng ?
Lời Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A : "Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Người dẫn đưa nhân loại đang lần bước trong u tối đến nguồn ánh sáng đức tin. Nhờ phép rửa mang lại đời sống mới, Người giải thoát những kẻ sinh ra đã mắc tội truyền, và nâng lên hàng nghĩa tử của Chúa… " (Kinh Tiền Tụng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A). Đoạn Tin Mừng thánh Gioan hôm nay cho chúng ta câu trả lời cụ thể khi Chúa Giêsu chữa lành một người mù từ khi mới sinh. Câu Chúa Giêsu hỏi người mù là đỉnh cao của trình thuật: "Ngươi có tin nơi Con Thiên Chúa không?" (Ga 9, 35). Như một "người" giữa bao nhiêu người khác, anh người mù này mới đầu gặp Chúa Giêsu, khác mọi người là anh coi Chúa Giêsu là "một ngôn sứ", Chúa mở mắt anh ra, từ ánh sáng của đôi mắt đến ánh sáng của đức tin, anh tuyên xưng Chúa Giêsu là "Chúa", và trả lời câu hỏi Chúa đặt ra cho anh : "Lạy Thầy, tôi tin!" (Ga 9, 38). Như thế là đã rõ, Chúa Giêsu chữa người mù khỏi mù, anh thấy ánh sáng và anh tin vào Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là nguyên nhân của niềm vui lớn cho người mù từ khi mới sinh này, vì Chúa đã cho anh thấy được cảnh vật không chỉ về thể lý mà còn cả tinh thần nữa. Cũng như cả và nhân loại sau khi nguyên tổ phạm tội phải bước đi trong u tối, nay Chúa Giêsu đến, tự giới thiệu mình là Ánh Sáng thế gian dẫn đưa nhân loại khỏi bóng tối của tội lỗi, phục hồi phẩm giá địa vị làm con Thiên Chúa.
Người mù đã tin và đã nhận được ánh sáng của Chúa Kitô. Trái lại, những người Pharisêu thì tưởng rằng mình sáng, nên họ vẫn bị mù vì sự cứng lòng và tội lỗi của họ. Đúng vậy, "Người Do Thái không tin là trước đây anh bị mù mà bây giờ nhìn thấy được. Đó là lý do tại sao họ gọi cha mẹ anh ta đến" (x. Ga 9, 18).
Chúa Giêsu là sự sáng thế gian
Ngài từ trời xuống thế, để cho phàm nhân được thấy Ngài và qua Ngài họ thấy Chúa Cha; chỉ có người mù mới không thể nhìn thấy Chúa. Ngài đã mở mắt người mù, để người mù thấy được Chúa Cha ở nơi Ngài. Ngài giới thiệu : "Ta là sự sáng thế gian" (Ga 9, 5) ; "Là ánh sáng  thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người" (Ga 1, 9). Ngài chữa lành sự mù quáng của con mắt đức tin nơi những người không thấy để mà tin.
Ađam được Thiên Chúa sáng tạo với con mắt tinh tường, nhưng sau khi giao tiếp với con rắn xong, ông trở nên mù quáng (x. St 3, 1-7). Anh mù bẩm sinh vẫn ngồi… mà không xin bất kỳ một loại thuốc mỡ nào để chữa mắt mình... anh chỉ hết mù khi anh tin (x. Ga 9,1-41). Chúa Giêsu, Vị thầy thuốc cao tay đã nhìn thấy những đau khổ của người mù ngồi đó và xin làm phúc, bằng quyền năng Thiên Chúa, Ngài đã làm phép lạ cho người mù được thấy.
Ađam được Thiên Chúa dựng tạo dựng bằng đất sét, bùn ướt: "Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người" ( St 2, 7), nay chất liệu ấy được Chúa Giêsu dùng để chữa lành đôi mắt. Ngài đã phục hồi thị giác cho người mù từ khi mới sinh bằng nước bọt nhổ ra trộn vào đất, anh người mù nói : "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt " (Ga 9, 1-11). Ngài quả là Ánh Sáng chiếu sáng thế gian và cho con người được nhìn thấy ánh sáng.
Chúng ta là con cái ánh sáng
Từ ánh sáng đến đức tin hay từ đức tin đến ánh sáng tỏa sáng trên khuôn mặt của người mù giúp chúng ta hiểu rằng, ngày chúng ta chịu phép rửa tội, ánh sáng của Chúa Kitô cũng chiếu tỏa trên chúng ta, chữa chúng ta khỏi sự mù quáng tội lỗi, làm cho chúng ta trở thành con cái ánh sáng. Đó là điều Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: "Bây giờ anh em là ánh sáng trong Chúa" (Eph 5, 8). Thế nên, nhờ phép rửa trong Chúa Kitô, trước kia chúng ta là những người ở trong bóng tối, nay trở thành ánh sáng. Kể từ ngày hôm đó chúng ta là con người mới hoàn toàn.
Nhờ phép rửa tội, người kitô hữu trở thành "con của sự sáng" (Eph 5, 8) hay nói cách khác, trở thành "con cái Thiên Chúa" (1 Ga 3,1). Người con đích thực của Thiên Chúa là Chúa Kitô đã chiếu tỏa rạng ngời ánh sáng Chúa Cha, để bất cứ ai được tái sinh trong Ngài, có thể thông truyền ánh sáng đức tin ấy cho người khác, tức là sinh "hoa trái của sự sáng" (Eph 5, 9). Vì vậy, trong Mùa Chay này, chúng ta hãy để ánh sáng ấy chiếu tỏa trên chúng ta để qua chúng ta mọi người có thể tìm thấy Thiên Chúa là Ánh Sáng đích thực.
Chúa Giêsu là 'Ánh sáng thế gian' (Ga 8, 12). Trong nghi thức Rửa tội, việc trao nến sáng và thắp sáng từ cây nến Phục Sinh tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, là dấu hiệu giúp chúng ta hiểu rõ những gì xảy ra trong Bí tích này. Khi chúng ta để cho mình được mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi tất cả những gì đe dọa sự viên mãn của cuộc sống ấy.
Lễ Phục Sinh đã gần kề, chúng ta hãy vui lên và khơi dậy nơi mình hồng ân đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội, ngọn lửa ấy nhiều khi có nguy cơ bị dập tắt. Chúng ta hãy nuôi dưỡng ngọn lửa đó bằng kinh nguyện và lòng bác ái đối với tha nhân.
Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của mỗi người chúng ta dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô, là Ánh Sáng thật và là Ðấng Cứu Thế. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log