Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Lễ Lá Năm A

Cập nhật lúc 08:33 07/04/2017
Suy niệm 1
Hoan hô con vua Đa-vit
----------
Cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu vào Giêrusalem được đánh giá theo nhiều quan điểm khác nhau: tích cực có và tiêu cực cũng có. Hơn nữa còn có cả những sự hiểu lầm quá đáng:
- Đối với các tông đồ, đó là kết quả mọi hy vọng của ho…
- Đối với những người chống đối Chúa Giêsụ, đó là dấu hiệu để kết án Chúa,
- Còn  đối với Chúa Giêsu, đó là sự hoàn toàn vâng phục Thánh Ý Cha.
- Về phía chúng ta thì sao? Tốt hơn hết là chúng ta hãy cùng với toàn thể Giáo Hội, đừng bao giờ quên rằng chỉ vì Tình Yêu cao độ của Chúa Giêsu mà Ngài chấp nhận mọi đau khổ như vậy.
Chúa Giêsu, Đấng Mesia được báo trước như là TÔI TỚ ĐAU KHỔ. TÔI TỚ đích thực luôn vâng lời. Tiếng XIN VÂNG của Ngài chấp nhận vô điều kiện, không nổi loạn chống đối. Sự trung thành của người tôi tớ đặt mình phải chấp nhận mọi lăng nhục dữ dằn nhất. Hoàn toàn bền bỉ đến cùng. Người TÔI TỚ sẽ đi đến cùng.. đến chết…và đến sống.
Hôm nay Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên Giêrusalem cử hành lễ VƯỢT QUA theo Do-thái giáo (kỷ niệm dân Do-thái được giải phóng khỏi ách nô lệ người Ai-cập)… Ngài nghỉ đêm tại Bethania, một ngôi làng ngoại ô Giêrusalem. Ở đó, Ngài sai 2 môn đệ chuẩn bị cho ngài một con vật để Ngài cưỡi vào thành này, thành mà chẳng mấy chốc sẽ là nơi diễn ra biết bao đau  khổ và cái chết ô nhục của Ngài..
Về phía chúng ta, mỗi một ngày mới chúng ta cũng phải chuẩn bị để vào thành thánh Giêrusalem trên trời. Theo Kinh Thánh, Giêrusalem là biểu tượng của đời sống vĩnh cửu. Cuộc đời chúng ta là một cuộc hành trình vắn dài và mỗi một ngày mới đều phải chuẩn bị vào Giêrusalem trên trời.
Con lừa dẫn Chúa khải hoàn vào Giêrusalem. Vậy con lừa nào sẽ dẫn chúng ta tới Giêrusalem trên trời..  ?
- Có thể là những công việc hằng ngày mà chúng ta phải đảm nhận:
  • Công việc mục tử của một cha xứ,
  • Đời sống thánh hiến của một tu sỹ,
  • Những công việc hằng ngày của một giáo dân: BHG, giáo lý viên, ban ca, ban kèn, giới trẻ, thiếu nhi, ca đoàn, giúp lễ, các hội đoàn, vai trò làm cha mẹ, làm con cái trong gia đình  v.v..
- Có thể chúng ta ý thức rằng mình đã có Thánh Ý Thiên Chúa định liệu.
- Có thể là tình yêu mạnh hoặc yếu của chúng ta giành cho Vị Thầy Chí Thánh của chúng ta.
Đám đông theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem, có Đức Mẹ, có các tông đô và một số người đạo đức. Các Ngài đã và đang là thánh. Chúng ta cũng giống như đám đông đó cùng đi với Chúa Giêsu lên Giêrusalem trên trời, chắc chắn sẽ được Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và đám đông các thánh đón nhận chúng ta. Chúng ta càng tiếp xúc với các Ngài qua kinh nguyện, thì cuộc hành trình của chúng ta vào thành thánh này càng bình an và vui mừng.
Chúng ta đã được cứu độ. Chúng ta được sống trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, được nhận biết và ngày càng yêu mến Người Thầy Chí Thánh của chúng ta hơn. Ngài là Đấng Tạo Hóa đã yêu thưong chúng ta trước, Ngài luôn đi trước, Ngài chỉ muốn thấy chúng ta được hạnh phúc đích thực với Ngài. Cách thế để chúng ta được sống hạnh phúc với Ngài, và đặc biệt trong Tuần Thánh này là cùng bước đi với Chúa Giêsu và Đức Mẹ trên con đường thập giá, con đường lớn của Tình Yêu. Con đường này giúp chúng ta lớn lên về đời sống thiêng liêng. Cùng với Chúa Giêsu chịu đau khổ, chúng ta sẽ được cùng tham dự vào niềm vui trọng đại PHỤC SINH VINH HIỂN.
Ôi, Giêsu, Vua Tình Yêu, xin Nước Ngài ngự đến! Ý Ngài được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Ngài ngự đến thống tri trái tim chúng con để chúng con trở thành những người thợ xây dựng bình an và để triều đại CÔNG CHÍNH và TÌNH YÊU của Ngài thống trị. Ngài đã làm cho chúng con ra khỏi mồ để chúng con thông phần vào sự sống vĩnh cửu không bao giờ mất. Ngài đến không phải cai trị, cũng không phải để phá hủy, Ngài đến khiêm nhường trên lưng một con lừa. Triều đại Ngài được thiết lập không phải bởi sức mạnh, cũng không phải bằng quyền lực, nhưng bằng ánh sáng của tình Yêu Ngài.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
===================
Suy niệm 2
NHỮNG MÂU THUẪN QUA CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA ĐỨC GIÊSU!
(Is 50,4- 7; Pl 2,6- 11; Mt 26,14 – 27.66) Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ cử hành long trọng biến cố Đức Giêsu vào thành Giêrusalem để khởi đầu cuộc thương khó. Trên hành trình ấy có các môn đệ, những người phụ nữ đã theo Ngài từ lâu, và cả những người đã từng chịu ơn hoặc vì hiếu kỳ nên đi theo Ngài.
Cuộc vào thành của Đức Giêsu lần này cũng như các diễn biến trước và sau đó có nhiều điều lạ thường. Thật vậy, trong cuộc đời sứ vụ, từ lời nói đến hành động của Ngài nhiều khi hàm chứa những sự mâu thuẫn đối với cuộc sống và con người đương thời, cho nên họ không thể hiểu được, và vì thế, dẫn đến cái chết của Đức Giêsu.
  1. Sự mâu thuẫn từ phía Đức Giêsu
Người ta thường nói: “Mâu thuẫn thì có thể sẽ làm sáng tỏ chân lý tốt”. Thật vậy, trong công cuộc loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nhiều lần nói đến sự mâu thuẫn này.
Trước tiên, về những lời dạy mang tính mâu thuẫn: ví dụ như khi nói về sự tự hủy, Ngài đã dùng hình ảnh hạt lúa mục nát để sinh bông hạt mới; hay “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (x. Ga 12, 24-25); về sự khiêm nhường, Ngài phán: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 14, 11); khi đi dự tiệc, hãy chọn chỗ rốt hết, để được người ta mời lên chỗ danh dự (x. Lc 14, 7-10); vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc1, 52); về sự hối cải, Ngài nói: cả triều thần Thiên Quốc “... ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7); về sự từ bỏ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).
Tiếp theo, Đức Giêsu đã nói và áp dụng sự mâu thuẫn đó vào chính mình như sau: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại" (Lc 9, 22); “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi" (Ga 12, 32); và Ngài đã sống sự mâu thuẫn ấy khi dân chúng tôn mình làm vua thì lại bỏ trốn và khi dân chúng không tôn thì lại vào thành như vị vua; rồi lạ lùng trong tiến trình “đăng quang”: Ngài là Vua, tiến vào thành của mình, nhưng lại khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con vẫn còn theo mẹ (x. Dc 9,9). Là Vua, nhưng không có vương miện, chỉ có vòng gai; không có vương trượng, chỉ có cây sậy; không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhuốc nhơ; không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê; không thống trị bằng sức mạnh, chỉ có phục vụ trong yêu thương cho đến chết và chết trên thập giá vì yêu.
Như vậy, những sự mâu thuẫn đến lạ lùng của Đức Giêsu đều nhằm làm toát lên sự vâng lời tuyệt đối của Ngài với Thiên Chúa Cha và vì yêu thương, cứu độ con người. Cả cuộc đời, con người và sứ vụ của Đức Giêsu đều muốn lộ hiện một vị Thiên Chúa là Tình Yêu.
  1. Sự mâu thuẫn từ phía dân chúng
Ở đời có câu: "Dò sông dò biển dễ dò - Mấy ai lấy thước mà đo lòng người". Thật vậy, khi sống bên Aicập, dân Israel ngày đêm cầu khấn danh Đức Chúa, xin Người  đến cứu họ khỏi ách nô lệ tủi nhục cơ cùng, Đức Chúa nhận lời và đã cho Môisê dẫn dân ra khỏi Aicập, thoát khỏi cảnh áp bức bạo tàn. Nhưng chẳng bao lâu, họ gặp có chút thử thách, nhưng họ đã than trách Chúa, và nhớ những củ hành, củ tỏi bên Aicập. Tệ hơn nữa, đã đúc bò vàng để thờ lạy thay Đức Chúa, Đấng đã cứu họ ra khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Đây chính là sự mâu thuẫn do sự bất trung của dân với Đức Chúa.
Sang thời Đức Giêsu cũng vậy, trong giai đoạn này, những người Dothái đã chứng kiến các phép lạ của Đức Giêsu làm, nào là chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, cho người chết sống lại, và hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng... Vì thế, họ tâm phục Đức Giêsu, nên khi vào thành, dân chúng đã tung hô Ngài là con vua Đavít, là Vua Israel. Và như là sự tất yếu, họ đã chặt cành lá lót đường và trải áo mình để Đức Giêsu đi qua. Cuộc diễu hành rầm rộ làm nao lòng những nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị thời bấy giờ. Tuy nhiên, vẫn những người đã tôn vinh, chúc tụng Đức Giêsu hôm nào, thì chẳng bao lâu sau, họ đã toa rập với thế lực sự ác để làm chứng gian hại Ngài và hô vang: hắn đáng chết; đóng đinh nó vào thập giá...
Sự thật đã rõ, họ cung chúc Đức Giêsu chỉ vì hy vọng Ngài làm Vua để thống lãnh theo kiểu trần gian, đánh đông dẹp bắc, giải thoát họ khỏi ách thống trị của Đế Quốc và nhiều khi theo Chúa chỉ vì cái bụng, vì những ân huệ, bổng lộc thức thời... Và, họ đã bị thất bại khi không được Đức Giêsu đáp ứng những yêu sách đó, vì thế, họ đã sẵn sàng giơ tay ủng hộ án tử cho Đức Giêsu.
Đây là sự mâu thuẫn lòng dân với con người và sứ vụ của Đức Giêsu.
  1. Hai sự mâu thuẫn dẫn đến hệ quả khác nhau
Thật vậy, sự mâu thuẫn trong lời giảng dạy, lối sống và hành động của Đức Giêsu thể hiện rõ nét sự vâng phục, khiêm nhường, tự hạ, yêu thương và cứu chuộc con người.
Như vậy, mâu thuẫn nơi Đức Giêsu làm cho con người được kết hiệp mật thiết hơn với Thiên Chúa và tha nhân để đạt được tình trạng tự do và hạnh phúc thực sự khi đã loại trừ cái tôi ích kỷ, tự phụ, kiêu căng để hướng tha.
Còn sự mâu thuẫn của những người Dothái thì hoàn toàn khác:
Khác là chỉ vì cái bụng của họ, do ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo hay những mục đích tầm thường rẻ tiền.
Vì thế, họ tôn vinh Thiên Chúa hay Đức Giêsu cũng chỉ vì cái bụng. Hoặc chỉ vì danh vọng, chức quyền, lợi nhuận cá nhân hay tập thể, chứ không phải vì yêu mến, tin tưởng, phó thác.
Sự mâu thuẫn này nơi dân Dothái lộ hiện rõ bản chất thực dụng hay ý đồ đen tối của họ. Vì thế, dẫn đến sự đối đầu. Đức Giêsu không đối đầu với họ, nhưng tự họ trở nên bất ổn nên dẫn đến hệ quả là khước từ Thiên Chúa để thờ bò vàng, rồi đến lượt Đức Giêsu, họ tìm cách loại Ngài ra khỏi môi trường và cuộc sống của họ.
  1. Người kitô hữu sống sự mâu thuẫn của Tin Mừng
Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong một xã hội không mấy chân thực. Đời sống đạo đức bị đảo lộn rất nhiều. Phong tục tập quán tốt dần dần được thay thế bằng những trào lưu tục hóa, nhất thời... Đây chính là sự mâu thuẫn luân thường đạo lý trong xã hội.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó trong xã hội những chuyện: “Chân lý thuộc về kẻ mạnh”; vẫn còn đó những chuyện thỏa hiệp, toa rập để cho hận thù, chia rẽ lên ngôi; vẫn còn đó những chuyện vì miếng cơm manh áo, vì lợi nhuận cá nhân, củng cố chức quyền mà sẵn sàng bất chấp bán rẻ lương tâm để cho lương tháng được nhiều. Những người có lương tri và đạo hạnh lại là mối đe dọa của sự bất công, suy đồi và gian dối.
Nếu chúng ta thuộc về những thành phần như thế, ấy là lúc chúng ta làm cho những vết thương của Đức Giêsu tiếp tục rỉ máu, và cuộc thương khó của Đức Giêsu không ngừng tái diễn, khiến Ngài phải đau khổ, tủi nhục đắng cay và ngay cả cái chết qua những hành vi, lựa chọn sai lầm và tàn nhẫn của con người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết can đảm lựa chọn cho mình sự mâu thuẫn của Chúa, để trong cuộc sống của chúng con toát lên vẻ đẹp của sự vâng phục, khiêm nhường và yêu thương như Chúa vì hạnh phúc và ơn cứu độ của con người. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

======================
Suy niệm 3
NIỀM VUI - THẬP GIÁ – VÀ ƠN CỨU ĐỘ
 (Mt 26, 14 – 27. 66)
 
Với Chúa nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của Năm Phụng Vụ, trong tuần này chúng ta dõi theo hành trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.
Niềm vui
Hoan hô Thái Tử nhà Đa-vít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! (Mt 21,9)
Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón: “Đông đảo dân chúng trải áo xuống mặt đường, một số khác lại chặt cành chặt lá rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Chúc tụng Đấng Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng trời” (Mt 21, 8 - 9). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.
Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng. Đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồn và tỏ lòng từ bi đối với họ.
Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8, 17). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Thập giá
Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, bỗng sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri Isaia, bài tường thuật của thánh sử Mátthêu, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Is 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” Giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (Mt 27, 46). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).
Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.
Sống Tuần Thánh
Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với con cái mình dõi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với Thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người
Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu thương ấy.
Người không sống cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người không che giấu được sự xao xuyến sâu xa của một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2, 20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.
Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như: sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna!
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ  trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log