Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật IV PS

Cập nhật lúc 23:49 04/05/2017
Suy niệm 1
“Tôi là mục tử nhân lành” 
------------------------------
Sau đây là câu truyện về một chàng sinh viên công giáo trở lại, mà một cha giáo đã kể cho chúng tôi khi tôi tu nghiệp tại Paris. Chàng sinh viên đó nói với cha giáo:
Thưa cha, hồi con còn học ở phổ thông trung học, con rất siêng năng đi lễ chủ nhật và cầu nguyện mỗi ngày vì con là ca viên của ca đoàn nhà xứ. Nhưng khi con vào đại học, tâm hồn con trở nên khô khan và trống rỗng: Vào dịp hè năm ngoái, con đi tắm biển cùng với các bạn bè sinh viên. Hôm đó là chủ nhật, tình cờ, đi qua một ngôi nhà thờ nhỏ: vì thiếu đời sống thiêng liêng và ngại ngùng với các bạn bè bên lương, con đã băng qua đường, không vào nhà thờ. Khi đi xa nhà thờ chừng 200m, con  chợt cảm nhận trong con một lỗi lầm sâu xa: Chính là sự thờ ơ đối với Chúa. Sự thờ ơ đó đã gào thét trong con khiến con không thể chịu nổi. Lập tức  con quay lại và vào ngôi nhà thờ nhỏ bé ấy. Ngọn đèn chầu leo lét nhắc nhớ con: Chúa đang hiện diện kỳ diệu ở đó!  Con không còn dám đưa mắt hướng về nhà chầu nữa và mặt cúi xuống trong giây lát. Nhưng sau đó con mạnh dạn ngước mắt lên và nhận thấy trên cánh cửa nhà chầu có khắc bức tranh vị mục tử nhân lành đang vác con chiên lạc trên vai. Lúc này trong nhà thờ chỉ có một mình con. Và cũng chỉ một mình con với một mình Chúa. Con hiểu rằng con chiên lạc mà vị mục tử nhân lành vác trên vai đó chính là con, không còn nghi ngờ gì nữa. Người đã đi tìm con trên con đường lạnh giá của tâm hồn con trong những ngày hè. Vị mục tử nhân lành đã chiếm lãnh con. Và chính lúc này con nhớ lại một bài hát mà con rất thích khi còn là ca viên: “Chúa là mục tử, người dẫn dắt con lần theo chính lối. Cho con đi tới vì Danh Chúa con không lạc vương. Tối tăm con sợ chi vì có Chúa với con cùng tiến bước. Cánh tay Người đưa, gậy Người dẫn yên lòng”. Lúc này, tâm hồn con thanh thản, tội của con  chẳng còn hệ trọng gì nữa, vì con đã trở thành đối tượng của vị mục tử nhân lành ân cần săn sóc.
Hôm nay, Chúa nhật thứ IV mùa Phục Sinh, chúng ta hãy khám phá và tận hưởng sự tốt lành của Thiên Chúa qua bài Tin Mừng. Hãy cố gắng hiểu biết sâu sa  sứ điệp mà Thiên Chúa muốn trao gửi. Là con chiên được yêu mến, chúng ta hãy đánh giá cao sự tốt lành của Đức Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành cho mỗi người chúng ta.
Vị mục tử nhân lành đi qua cửa mà vào chuồng chiên. Vị mục tử nhân lành không vào chuồng chiên bằng cách vượt qua hàng rào hoặc phá đổ các lối vào. Người có chìa khoá để vào mà không làm cho đàn chiên sợ sệt vì Người chỉ muốn điều tốt cho đàn chiên.
Thật vậy, Chúa Giêsu Kitô không đi sâu vào các tâm hồn bằng cách bẻ gẫy. Người tôn trọng tự do. Người đi gặp các tâm hồn để họ được hạnh phúc. Người gõ cửa từng tâm hồn một và chỉ dám vào khi tâm hồn đó đáp lại bằng câu nói chân thành và thân thương: "Con xin mời Chúa vào".
Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn lang thang và gõ cửa từng tâm hồn. Nói đúng hơn, Người đi tìm các tâm hồn trước khi các tâm hồn đi tìm Người. Thánh Gioan Tông đồ nói: "Thiên Chúa yêu chúng ta trước." Tình yêu luôn biểu hiện một sự năng động. Đã yêu là đi tìm, nếu không yêu thì không đi tìm. Chính Người đi tìm và theo đuổi chàng thanh niên đó. Khi tìm được rồi, Người gõ cửa xin được gặp và nói những lời tế nhị và lịch sự. Người đã gõ cửa tâm hồn chàng thanh niên và chàng biết mở cửa cho Chúa vào. Chàng thanh niên mở cửa cho Chúa vào bằng cách quay lại ngôi nhà thờ nhỏ bé ấy. Chính vì mở cửa cho Người vào, anh nhận ra lỗi lầm của mình và quay lại nhà thờ ngay lập tức. Khi vào nhà thờ  anh cảm nhận mình được Chúa vác trên vai như con chiên lạc. Lúc đó  anh quên hết lỗi lầm và cái còn lại chỉ là cảm nhận được tình Chúa mà thôi.
Chúa đang đi tìm và gõ cửa tâm hồn từng người chúng ta. Lúc này cửa tâm hồn chúng ta đang đóng chặt cài then, đang khép hay đang mở thật? Nếu đóng chặt cài then, dù với quyền năng Người vẫn có thể vào được, chắc chắn Người cũng không vào. Nếu đang khép hoặc đang hé mở, thì hãy mạnh dạn nói lên câu: "Con xin mời Chúa vào". Chúa không tự động đẩy cửa tâm hồn chúng ta để vào. Chúa vào chỉ muốn làm điều tốt cho chúng ta. Chúa biết rõ tên, Chúa biết nhu cầu và tài năng của mỗi người, Chúa sẽ ban tặng mỗi người một món quà riêng, một ân sủng đặc biệt.
Chúa Giêsu Kitô, vị mục tử nhân lành yêu mến đàn chiên đến thế! Tuy nhiên, Ngài còn là cửa chuồng chiên, là lối cần thiết để chúng ta vào nhà Chúa: "Ta là cửa, ai qua Ta mà vào thì sẽ được cứu độ". Chúa Giêsu Kitô là lối đi bắt buộc mọi người phải qua nếu muốn hướng về Thiên Chúa.
Đời sống kitô hữu không phải chỉ là một mớ những thói quen tôn giáo tốt, cũng không phải chỉ là một bài thực hành các nhân đức kitô giáo đòi hỏi; nhưng trước hết và chắc chắn phải là một sự kết hợp mật thiết, say đắm với vị mục tử nhân lành là Chúa Giêsu Kitô.
Đời sống kitô hữu phải bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Chúng ta có thể bị lôi kéo bởi một tôn giáo nào đó, bởi phẩm chất luân lý hoặc bởi tình bạn của những người kitô hữu đạo đức chắc chắn; nhưng nếu không nương tựa vào với Đức Kitô, chúng ta vẫn ở ngoài rìa các giá trị đích thực, chúng ta vẫn không tìm được cửa vào. Hãy mở toang cánh cửa tâm hồn mình và hãy thử giáp mặt với Đức Giêsu Kitô vị mục tử nhân lành, hãy trở nên  con chiên được Chúa bồng bế trên bước đường theo Chúa để hiểu và yêu mến Chúa hơn.
Tuy nhiên, vị mục tử nhân lành không phải chỉ là mở cửa chuồng chiên để vào ở mãi với đàn chiên trong chuồng. Vị mục tử vào chuồng và sẽ dẫn đưa đàn chiên ra ngoài, dẫn đưa tới đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Chúa Giêsu Kitô không muốn mỗi người chúng ta ở mãi trong khu biệt cư của Giáo Hội, ở mãi trong nhà thờ. Người muốn đưa chúng ta vào thế giới, đến bất cứ nơi đâu mà Chúa Thánh Thần thổi tới để loan báo Tin Mừng Phục Sinh, để tất cả mọi người quy tụ thành một đàn chiên trong một Chúa chiên duy nhất. Amen.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa 

=================
Suy niệm 2
ĐỨC GIÊSU LÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN
(Cv 2,36- 41; 1Pr 2,20- 25; Ga 10,1- 10)
Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta được hỏi hay chính bản thân đặt ra cho mình câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?”. Đây có thể là câu hỏi quan trọng nhất trong cuộc đời của con người nói chung và của những người tin Đức Giêsu nói riêng. Câu hỏi đó hôm nay chúng ta được chính Đức Giêsu mặc khải khi nói: “Ta là cửa chuồng chiên”.
Tại sao lại là “cửa chuồng chiên?”
1. Cửa chuồng chiên là gì?
Trước khi nói đến “cửa chuồng chiên”, chúng ta nên nhắc lại hình ảnh người mục tử chăn chiên nơi đất nước Dothái:
Ở đất nước này, người ta thường hay có những đàn gia súc như chiên hoặc cừu. Mỗi đàn như thế thường có người chăn dắt. Bổn phận của các mục tử chăn chiên chính là lo sao tìm được cho chúng những đồng cỏ xanh tươi, những dòng suối mát trong lành. Bảo vệ chúng khỏi bị tấn công bởi những sói dữ, hùm beo... Khi chăm lo cho chúng như thế, người mục tử phải biết rõ từng con: con nào đau ốm; ghẻ lở; con nào đi hoang, lạc đàn... Biết để làm gì? Thưa để yêu thương, để chăm sóc... để có tương quan thân tình.
Khi đêm về, người mục tử có trách nhiệm dẫn chiên về dàn và cho chúng vào chuồng. Lúc này, họ lại được ví như “cửa chuồng chiên”.
Hình ảnh “cửa chuồng chiên” là một hình ảnh được dùng để biểu đạt cho sự an toàn.
Thật vậy, khi nói đến cửa thì ai cũng hiểu là để đóng vào hoặc mở ra. Khi đóng vào thì như một sự bảo vệ để khỏi bị kẻ thù tấn công và trộm cắp. Đóng vào để tránh sương gió lùa vào. Đóng vào thì mọi người an tâm ngon giấc. 
Còn khi cánh cửa mở ra, ấy là nó có tác dụng chào đón một luồng gió mới vào nhà, làm cho nhà khỏi bị ẩm mốc, hôi hám. Mở ra là để cho mọi người và súc vật trong nhà được tự do ra vào, lui tới...
2. Đức Giêsu là Mục Tử và là Cửa Chuồng Chiên
Khi tự cho mình là Mục Tử và Cửa Chuồng Chiên, Đức Giêsu muốn sống những đặc tính của người mục tử và vai trò của cửa chuồng chiên trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Mặt khác, Ngài cũng muốn giới thiệu và trao cho các Tông đồ và môn đệ những đặc tính của người mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên trong Giáo Hội.
Thật vậy, Đức Giêsu chính là Mục Tử Nhân Lành, Ngài đã biết rõ từng con chiên, Ngài đã yêu thương chúng và làm cho chúng được hạnh phúc. Ngài đã chữa lành mọi vết thương thân xác và tâm hồn để cho chiên được bình an, và Ngài đã hy sinh cả mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Khi mời gọi các Tông đồ, môn đệ và những ai dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu cũng mời gọi họ hãy đi trên con đường mà Ngài đã đi. Con đường đó là gì, nếu không phải là con đường của hiền lành, khiêm nhường, vâng lời và yêu thương. Con đường đó chính là con đường của hạt lúa mục nát, con đường của thánh giá...?
Trở nên như Ngài, tức là cũng phải trở nên như những cánh cửa của chuồng chiên. Như vậy, các ngài như là người lính canh chừng. Canh chừng cho khỏi kẻ thù tấn công là những thứ học thuyết vô bổ, tạm thời, chóng qua vô ích. Canh chừng để đàn chiên không bị kẻ thù gian dối, lọc lừa và tội lỗi lôi kéo. Canh chừng như một người cha, người mẹ canh giấc ngủ của con mình. Nếu cần, hình ảnh người Mục Tử hi sinh cả mạng sống của mình cho đoàn chiên cũng là lời mời gọi cho các mục tử ngày nay trong Giáo Hội.
3. Mọi kitô hữu đều là mục tử nhân lành và cửa chuồng chiên
Khi nói đến ngày thế giới cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu, nhiều người nghĩ đây là ngày dành riêng cho các linh mục và tu sĩ. Nghĩ như vậy không sai. Nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì hôm nay cũng là ngày của mỗi chúng ta, những người đã lãnh nhận Phép Rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi để thi hành chức năng Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Đức Giêsu Kitô.
Vì thế, khi kết hợp với Đức Giêsu là vị Mục Tử tối cao, mỗi người đều có thể và như một trách nhiệm phải là mục tử và cửa chuồng chiên cho mình và gia đình mình.
Mục tử và cửa chuồng chiên cho mình và gia đình, tức là hãy tự lo cho chính mình. Lo cho chính mình là biết làm điều lành, tránh điều ác. Biết trở nên gương sáng, chứng nhân cho người khác. Những bậc làm cha mẹ khi thi hành sứ vụ mục tử này chính là sống sự chung thủy với nhau, trở thành những người mẫu mực, khôn ngoan, luôn làm gương sáng, yêu thương các con mình. Biết lo cho các con mình được học hành, trau dồi đạo đức cho chúng, dạy cho chúng biết mến Chúa và yêu người... Biết cảnh giác và canh chừng trước những nguy hại của thời buổi kinh tế thị trường, công nghệ thông tin... Biết giáo dục con cái hướng thiện, làm ăn chân chính...
Với những người làm con, chúng ta nghĩ ngay đến bổn phận trước tiên phải có chính là sự hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ... biết làm những gì có lợi cho đời sống thiêng liêng trước rồi mới nghĩ đến những lợi nhuận vật chất sau.
Nói chung, mọi thành phần trong gia đình phải lo chu toàn bổn phận cách tốt đẹp trong sự yêu mến Chúa, kính trọng và yêu thương nhau, để xây dựng tình đoàn kết, hiệp nhất trong gia đình.
Làm được như thế, ấy là lúc chúng ta thể hiện vai trò mục tử phổ quát của mình cách rõ nét nhất.
4. Cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu
Hôm nay, Giáo Hội cũng dành riêng Chúa Nhật này để cầu nguyện cho ơn Thiên Triệu; đồng thời Giáo Hội cũng muốn mọi thành phần trong Giáo Hội biết liên đới với nhau để cùng giúp nhau chu toàn sứ mạng đem Chúa đến cho muôn dân.
Vì thế, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các bạn trẻ, biết quảng đại đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa, sẵn sàng dấn thân trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Xin cũng cầu nguyện cho các linh mục đang làm mục vụ khắp nơi trên thế giới, được trở nên mục tử đích thực của Chúa giữa trần gian. Gặp được nhiều điều thuận lợi trong khi thi hành sứ vụ. Xin cũng nhớ đến các linh mục đang gặp khó khăn trên hành trình ơn gọi cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng. 
Hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi con cái mình hãy đóng góp phần mình vào trong việc vun trồng ơn gọi bằng cách khuyến khích con em mình tiến bước trên hành trình dâng hiến; sẵn sàng hy sinh dâng con cho Chúa, đồng thời quảng đại giúp đỡ các Chủng Viện, Dòng Tu trong khả năng của mình, để góp phần vào việc đào tạo ơn gọi linh mục, tu sĩ cho Chúa và cho Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu mục tử tối cao, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những mục tử, tài đức, khôn ngoan, thánh thiện và đạo hạnh. Xin Chúa tiếp tục thánh hóa các ngài, để các ngài trở nên những mục tử như lòng Chúa ước mong. Xin Chúa cũng đón nhận sự chân thành, cộng tác của mỗi người chúng con trong việc bảo vệ, cổ võ và vun trồng ơn Thiên Triệu. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

==================
Suy niệm 3
Xin Chúa Ban Nhiều Tông Đồ Mở Nước Chúa
(Ga 10, 1-10) 
"Đức Chúa phán thế này: Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng" (Ez 34, 10). Các mục tử đã làm gì để Thiên Chúa nổi giận và đòi lại chiên đây? Qua miệng ngôn sứ Ezêkiel, Thiên Chúa còn nói mạnh hơn nữa: "Ta sẽ không để chúng chăn chiên Ta nữa. Các mục tử sẽ không còn được chăn nuôi lấy mình chúng nữa. Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mõm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa" (Ez 34, 10). À thì ra, các mục tử chỉ để ý đến lợi ích của mình, không dám xả thân để cứu chiên, nay Chúa đòi lại chiên và Ngài tuyên bố: "Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng" (Ez 34, 10). Thiên Chúa chăm nom chiên như thế nào? Ngài phán: "Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng tán loại, vào ngày mây mù đen tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng. Và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel" (Ez 34, 13-14).
Những "ngọn núi Israel " theo các tác giả Thánh Kinh là nơi an nhàn, có suối nước trong lành, không có gì độc hại và nguy hiểm, nơi ấy có đồng cỏ non tốt tươi, màu mỡ (x. Ez 34, 13-15). Nếu ta muốn an toàn thoải mái, hãy đến đó tận hưởng.   "Đức Chúa phán: Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức" (Ez 34, 16). Những ngọn núi chúng ta vừa nói ở trên còn ám chỉ dòng suối chảy Tin Mừng được rao giảng từ các Tông Đồ cho đến tận cùng thế giới: "Tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển" (Rm 10, 18).
Thật là hình ảnh cụ thể tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, được Chúa Cha phái đến, cũng tuyên bố: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta" (Ga 10, 14 ).
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi: tôi có phải là chiên của Chúa không, nếu phải thì tôi có biết Chúa không, biết thì biết thế nào? "Biết" ở đây, không có nghĩa là "biết" nhờ đức tin, nhưng là "biết" nhờ đức mến. "Biết" không có nghĩa là "biết" được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là "biết" được diễn tả qua việc làm. Chính thánh Gioan Tông Đồ đã viết điều này và làm chứng ở nơi khác: "Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối" (1 Ga 2, 4).
Chúa Giêsu còn nói về các con chiên: "Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời và chúng sẽ không bao giờ hư mất " (Ga 10, 27).
Vậy, ai chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngát, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời.
Trên đây là những lý do với nhiều lý do khác mà Giáo hội gọi Chúa nhật thứ IV Phục Sinh là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, đồng thời mời gọi con cái mình suy nghĩ đặc biệt về hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Chúa Giêsu muốn không chỉ có các mục tử  tiếp bước, Người muốn những người nam nữ dâng mình cho Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân mình để bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về.
Vì thế, chủ đề ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi năm nay được Đức Thánh Cha đưa ra là : "Được Thần Khí Dẫn Dắt Cho Việc Truyền Giáo " như một dấu nhấn đối với người rằng "không thể không có sự cổ võ cho ơn gọi hoặc sứ mạng Kitô giáo tách ra khỏi đời sống cầu nguyện chiêm niệm liên lỉ". Đức Thánh Cha nói: "Dấn thân cho việc truyền giáo không phải là một điều gì thêm vào đối với đời sống Kitô giáo như một kiểu trang trí, mà thay vào đó là một yếu tố thiết yếu của chính niềm tin. Một mối quan hệ với Thiên Chúa", và Ngài khích lệ mối quan hệ sâu sắc này với Chúa, "trên hết vì sự khẩn xin từ trên cao những ơn gọi mới cho đời sống linh mục và đời thánh hiến ". Ngài nhắc lại rằng, ngang qua “Phép rửa, mọi Kitô hữu là một ‘Christopher’, một người mang lấy Đức Kitô, cho anh chị em của mình”.
Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết rằng: "Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người". Ngài cũng đặc biệt mời giới trẻ "hãy trau dồi nét hấp dẫn các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu". Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại "Hãy đến! Hãy theo ta". Theo Chúa Giêsu "có nghĩa là nhấn chìm ý muốn của chính mình vào thánh ý Chúa Giêsu, dành ưu tiên cho thánh ý Người và đặt Chúa Giêsu ở vị trí đầu so với tất cả những gì làm nên cuộc sống chúng ta: gia đình, công việc, những lợi ích cá nhân và bản thân".
Xin cho giới trẻ hôm nay đang ở giữa biết bao những gợi ý nông cạn và phù phiếm, tạm thời, biết chuyên tâm trau dồi nét hấp dẫn đối với các giá trị, các mục tiêu cao thượng, những chọn lựa triệt để, hầu phục vụ tha nhân theo chân Chúa Giêsu. Đáp trả quảng đại và mau lẹ tiếng Chúa Kitô kêu gọi đi theo Người sát sao hơn nữa, đặc biệt với các thế hệ mới. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 

 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log