Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Đêm Vọng Phục Sinh

Cập nhật lúc 07:13 14/04/2017
"Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi". (Lc 24, 5-6)
Suy niệm 1
“Tôi biết các bà tìm Chúa Giêsu”
-------------
 
Đêm nay trong bầu khí trang trọng này, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng Mầu Nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh chị em cũng trống rỗng”.
Mừng mầu nhiệm này, chúng ta không thể quên vai trò của những phụ nữ. Họ là chứng nhân Phục Sinh đầu tiên. Hay nói một cách cụ thể hơn: Họ là những người yêu mến Chúa Giêsu nhất. Vì yêu mến, họ luôn tìm cách để đến với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đến với Chúa cả lúc Chúa chịu đau khổ, chết và chịu an táng trong mồ.
Tại vườn Cây Dầu, khi quân lính đến bắt Chúa Giêsu, các tông đồ bỏ trốn. Còn Phêrô cũng đến sân Thầy Thượng tế. Nhưng thật phũ phàng! Ông đã chối Thầy mình và biến mất. Ngược lại với sự hèn nhát của những người đàn ông, chúng ta ngạc nhiên về sự trung thành của những người phụ nữ, đó là bà Maria Madala, một bà Maria khác và mẹ của hai anh em Giacôbê và Gioan. Các bà này đã theo và đã phục vụ Chúa Giêsu ở Galilea. Như vậy, họ cũng là môn đệ Chúa Giêsu như những người đàn ông. Khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chết trên thập giá, các bà này nhìn từ xa. Và hôm nay họ đến thăm viếng mộ Chúa. Họ đến thăm mộ từ sớm tinh mơ mà không có người đàn ông nào cùng đi. Họ là những người phụ nữ đơn sơ chân thành. Họ là những người đầu tiên đón nhận sứ điệp Phục sinh và họ đã tin.
Những người đàn ông theo Chúa Giêsu có thể để thực hiện một tham vọng: chiến đấu, thay đổi thế giới rồi trở nên anh hùng. Những thành công và những phép lạ làm họ thích thú, họ thích tham gia vào hoạt động lớn lao để giải phóng dân tộc. Còn những phụ nữ, họ gắn bó với con người Giêsu. Cái chết bi thảm và sự biến mất của Chúa Giêsu càng làm rạo rực tâm can họ một cách sâu xa hơn.
Sự thường, nam giới lo lắng LÀM, còn nữ giới bận tâm LÀ và SỐNG. Càng tiến xa trong tình yêu, người phụ nữ càng sẵn sàng đi sâu vào nỗi đau vì mất mát người thân: “Tình yêu mạnh hơn cả sự chết”. Đang lúc các bà có tâm trạng như vậy, Chúa hiện ra nói với các bà: “Các bà đừng sơ, hãy đi báo tin cho anh em Thầy phải trở về Galilea, rồi ở đó, họ sẽ gặpThầy”. Họ vội vã rời mộ, vừa  sợ sệt vừa vui mừng, chạy nhanh về báo tin mừng cho các môn đệ.
Sứ điệp mà Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ, đó là Ngài không muốn trở về với quá khứ, không tố cáo tội lỗi của họ. Ngài không nói: anh em là những người hèn nhát, anh em đã bỏ mặc thầy cho kẻ thù. Sứ điệp rất ngắn gọn và rất tích cực: “Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết”. Sứ điệp không mời gọi các môn đệ đi kiểm tra ngôi mộ trống thực sự không, nhưng là ra lệnh phải ra đi, trở về Galiea, nơi mà họ khỏi đầu ơn gọi theo Chúa, nơi mà họ gặp Chúa.
Cũng vậy, hôm nay chúng ta gặp gỡ Chúa Kitô sống lại và Chúa sống lại gặp gỡ chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta tiến về phía trước để đảm nhận trách nhiệm của mình dưới ánh sáng của Chúa Kitô Phục sinh.
 
Sứ điệp Phục Sinh là một sứ điệp rất quan trọng: Vì sứ điệp này mặc khải Tình Yêu Thiên Chúa, căn tính của Chúa Kitô, ý nghĩa của cuộc sống con người, giải phóng tội lỗi và bí ẩn của sự chết. Không có cuộc đưa tin nào lại có thể cho chúng ta niềm vui đến như vậy: “Với niềm vui trọng đại, không có gì khẩn cấp hơn: “Hãy đi nhanh..Vội ra khỏi mộ …Hãy chạy nhanh”! Hãy loan báo: Chúa đã phục sinh
Chúng ta phải khẳng định rằng các bà này tin vào lời Chúa và móc nối với sứ mệnh của họ. Vì thế, chỉ mình họ mới có thể thực hiện được cuộc gặp gỡ.
Và Chúa Giêsu đến gặp họ và nói với họ: “Chào các bà”. Họ đến gần Chúa và ôm chân Chúa. Họ sấp mình trước Chúa. Lúc đó Chúa nói với các bà: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Thầy phải trở về Galilea, rồi ở đó, họ sẽ gặp Thầy”. Các bà dừng lại ở đó: Gặp gỡ là một sáng kiến của Đấng Phục Sinh. Họ đến gần như là các môn đệ mới đây đã làm như vậy để lắng nghe một người Thầy, nhưng lúc này họ sụp lạy dưới chân Thầy với tư thế tôn thờ. Chúa Giêsu là Chúa, không phải là ma, cũng không phải là một  ảo giác: Đấng Phục Sinh là một ai đó mà người ta có thể đụng chạm tới. Và Đấng Phục Sinh lặp lại lệnh truyền là phải trở về Galilea. Nhưng một điều kỳ diệu nữa, là “môn đệ của Thầy” đã trở nên “anh em của Thầy”. Ngài cũng đã nói như vậy vì Ngài không muốn những ai theo Ngài bị giới hạn trong mối tương quan máu mủ: “Hễ ai làm theo ý Cha Thầy trên trời, thì người đó là anh em chị em và là mẹ của Thầy”. Chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại đã thiết lập cộng đoàn huynh đệ: nếu môn đệ của Chúa tin vào Chúa, Đấng HẰNG SỐNG, thì họ trở nên “anh em chị em” với Chúa.
Khi suy niệm thái độ và cử chỉ của những người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng hãy đặt lại trọng tâm đức tin của chúng ta!
- Chúng ta có đón nhận loan báo Tin Mừng Phục Sinh với một đức tin như những người phụ nữ đó không?
- Với niềm vui trọng đại và niềm thôi thúc lớn lao, chúng ta có muốn chia sẻ Tin Mừng không?
- Chúng ta có hiểu rằng chính chúng ta cũng được sai đến Galilea, là đời sống hằng ngày để gặp gỡ Đức Giêsu đang sống nơi anh chị em chúng ta không? Vì PHỤC SINH, ĐÓ LÀ MỖI MỘT CHỦ NHẬT.
- Thánh lễ chủ nhật không phải là dịch vụ nhàm chán kết thúc một tuần lễ, nhưng trái lại là điểm khởi và xuất phát, bắt đầu, là sự chói chang ánh sáng của ngày đầu tiên “tạo dựng”…

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=================== 
Suy niệm 2
ĐỨC KITÔ GIÊSU LÀ ÁNH SÁNG, CHÂN LÝ VÀ TÌNH YÊU
(St 1, 1. 26-31a; St 22, 1-2. 9a. 10-13.15-18; Xh 14, 15. 15.1a; Is 54, 5-14; Is 55, 1-11; Br 3, 9-15. 32-4,4; Ed 36, 16-17a. 18-28; Rm 6, 3-11; Lc 24, 1-12)
 
Những ai đã từng đi rừng vào ban đêm, hẳn sẽ hiểu được sự cần thiết của ánh sáng. Cách đây khoảng mấy chục năm, việc có và sử dụng đèn pin là rất hiếm, nên những người đi rừng vào ban đêm thường hay đốt đuốc để soi đường. Một phần phá đi bóng tối bao phủ, phần khác xua đuổi những loài dã thú dữ... Rồi trong những dịp lễ hội dân gian, người ta thường hay nhóm lên đống lửa và tụ họp trung quanh nó để vui ca nhảy múa... ta gọi đó là lửa trại.
Đêm nay, đêm của những người Công Giáo trên thế giới quây quần bên ánh lửa đặc biệt của ngọn nến Phục Sinh. Ánh lửa đó tượng trưng cho chính Đức Kitô Giêsu, Đấng đã chiến thắng tử thần và đã sống lại. Ngọn lửa ấy đã làm bừng sáng lên để xua đi bóng tối của những phiên tòa ẩn khuất xử Đức Giêsu trong đêm và cũng phá tan bóng đen u ám của cái chết trên đồi Canvê chiều Thứ Sáu Tuần Thánh.
1. Đức Kitô Giêsu là Ánh Sáng, là Chân Lý và Tình Yêu
Trước khi cử hành phụng vụ đêm nay, mọi ánh đèn đều được tắt, để khởi đi từ bóng tối. Đây là hình ảnh của tội lỗi, sự dữ, gian dối và chết chóc. Nhưng ngay sau đó, nến Phục Sinh được thắp lên, được truyền lan đến mọi người, và vị chủ tế cất tiếng giới thiệu: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi người đáp: “Tạ ơn Chúa”. Nghi thức này cho thấy: Đức Kitô phục sinh đã phá tan bóng tối, đêm đen, tội lỗi và sự chết. Từ nay Ngài là Chúa của kẻ sống và sẽ phục sinh tất cả những ai đã cùng Ngài bước qua đau khổ thì sẽ được đến vinh quang. Từ nay, Ngài sẽ thông ban sự sống của Ngài cho chúng ta, để chúng ta sống tự do trong cương vị là con cái Chúa.
Vì thế, kể từ đây, chúng ta thuộc về Đức Kitô Phục Sinh - Đấng là Sự Sống, là Ánh Sáng chiếu soi mọi người. Khi đã thuộc về Đức Kitô như thế, mỗi người cũng nhớ lại vai trò trở nên ánh sáng soi cho muôn người ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội.
Ánh Sáng của nến Phục Sinh được thắp lên, còn gợi cho chúng ta cảm nghiệm được sự sáng và sức nóng, đây chính là biểu trưng của chân lý và tình yêu nơi Đức Giêsu. Chân lý và tình yêu là hai đặc tính luôn ở bên mỗi chúng ta và nó thôi thúc mỗi người hãy bước theo chân lý và sống trong tình yêu. Bước theo chân lý và sống trong tình yêu chính là làm chứng với Đức Kitô Giêsu và cùng bước vào quỹ đạo của tình yêu để yêu cho đến cùng như Ngài.
Như thế, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, nếu một khi đã trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, tức là ta cùng chết với Ngài, ắt ta cũng sẽ được cùng Ngài sống lại hiển vinh.
2. Thiên Chúa tỏ bày tình yêu trong Ánh Sáng cứu độ
Các bài đọc sẽ giúp cho chúng ta lần lượt khám phá thêm ý nghĩa của đêm nay:
Phụng vụ Lời Chúa được khởi đầu với bài trích sách Sáng Thế, qua bài đọc này, gợi lại cho chúng ta những hình ảnh rất giàu tính biểu cảm, đó là: cảnh tối tăm bao trùm hết mọi nơi, tình trạng hỗn mang vô trật tự. Tuy nhiên, khi Đức Chúa phân rẽ ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, thì tình trạng hỗn mang đó không còn nữa và kể từ đó mọi vật cũng như mọi loài sống theo trật tự đúng với bản chất của chúng. Qua bài đọc này, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta xác tín hơn về niềm tin của mình vào một Thiên Chúa là Chủ Tể trời đất. Mọi sự hiện hữu trên trần gian này thuộc về Người, và do ý muốn của Người mà có.
Tiếp theo, hành ảnh của Ápraham hiện lên như một mẫu gương tuyệt vời về niềm tin. Ông đã đặt trọn niềm tín thác của mình ở nơi Đức Chúa, nên ông sẵn sàng hiến dâng cho Người những gì là quý giá nhất của mình, đó chính là Isaác, đứa con trai duy nhất để trọn niềm hiếu trung với Người.
Sang bài đọc Xuất Hành, tác giả gợi lại cho chúng ta về một vị Thiên Chúa luôn yêu thương con cái của mình. Thật vậy, Người đã cứu thoát họ ra khỏi Aicập và đưa họ về miền Đất Hứa, nơi tràn trề sữa và mật. Cuộc xuất hành của dân Do thái cho chúng ta một hình ảnh tiên trưng vừa cá nhân vừa tập thể. Cá nhân thì ám chỉ cuộc vượt qua của Đức Giêsu; tập thể là cuộc vượt qua của tất cả chúng ta.
Hình ảnh dân Israel được trình bày cách tiệm tiến: cuộc đời và dân tộc Israel đi từ thân phận nô lệ do tội lỗi, đến nơi được tự do trong tâm tình con cái Chúa; đi từ sự thất vọng đến hy vọng tràn trề; từ sự chết đến sự sống. Thiên anh hùng ca giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập là bằng chứng hùng hồn việc Thiên Chúa đang hướng dẫn lịch sử nhân loại tới hồng ân cứu độ. Mặc cho dân thất trung, bội ước, Thiên Chúa vẫn yêu thương và không hề lay chuyển.
Khi xưa, dân Israel đã khước từ nguồn mạch khôn ngoan, thì đến thời Tân Ước, Thiên Chúa đã trao ban chính Đấng Khôn Ngoan của mình đến ở trực tiếp. Đấng ấy chính là Đức Kitô Giêsu chịu đóng đinh và đã sống lại để cứu chuộc nhân loại.
3. Sống mầu nhiệm Ánh Sáng
Đêm nay, đêm Vọng Phục Sinh, ngọn lửa Phục Sinh được chiếu sáng nhắc cho chúng ta thấy rằng: Đức Giêsu là Ánh Sáng, Ánh Sáng đã đến thế gian để cùng chân lý đẩy lui sự dữ, hận thù và chia rẽ... để trao tặng cho nhân loại một Ánh Sáng của tình yêu, niềm tin, phó thác, và như thế, người Kitô hữu một khi đã được Rửa tội, chúng ta được mặc lấy Đức Kitô để thuộc về Ngài.
Như vậy, đêm nay, chúng ta thắp lên và hướng về ngọn nến Phục Sinh như một sự suy phục, hẳn chúng ta cũng không thể không nghĩ đến vai trò chứng nhân của mình là phải trở nên ánh sáng cho mình và soi sáng cho tha nhân.
Cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Israel, và cũng là dành cho chúng ta, đêm nay, một lần nữa, mỗi người tuyên tín lại niềm tin của mình ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, để một lần nữa hâm nóng lại sự xác tín của mình vào Đức Kitô Giêsu, Đấng là Con Thiên Chúa, là Đấng được Chúa Cha sai đến để chiếu giãi chân lý và tình yêu của Người cho nhân loại. Đấng ấy đã đi đến tận cùng của tình yêu là vâng lời trọn vẹn và hiến dâng mạng sống của mình làm của lễ đền tội thay cho nhân loại. Đấng ấy đã sống lại để dẫn đưa những người tin vào sự sống mới, sự sống tràn đầy hạnh phúc và bình an.
Nếu Ápraham đã vâng lời, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa nên đã hiến tế con trai duy nhất của mình cho Thiên Chúa, thì Đức Giêsu, Đấng là con duy nhất của Thiên Chúa Cha cũng đã tự hiến chính mình để thể hiện tình yêu trọn vẹn vào Thiên Chúa và vì yêu nhân loại, khi đến lượt chúng ta, mỗi người cũng hãy sống sự hiến tế ấy trong tư cách là con cái Thiên Chúa và trong tư cách là người mang trong mình hình ảnh của Đức Kitô Giêsu, để yêu Chúa và yêu tha nhân hết lòng.
Nếu xưa kia, Đức Chúa đã dẫn dân ra khỏi ách nô lệ bên Aicập, để đưa dân đến bến bờ tự do thực sự, thì Đêm nay, Đức Kitô Giêsu cũng làm một cuộc Xuất Hành mới, cuộc Xuất Hành này đi từ sự chết đến sự sống, cái chết không còn quyền chi đối với Ngài nữa, từ nay Ngài là Chúa các chúa, Vua các vua, là Chúa của kẻ sống. Như vậy, Ngài đã giải thoát con người chúng ta khỏi sự dữ, sự tội.
Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng can đảm để làm một cuộc xuất hành mới, đi từ tối tăm của tội lỗi; từ sự bất hạnh do tội lỗi gây ra; từ những điều bất chính; những ràng buộc do tội gây nên, để trở thành con người mới, con người tự do trong tư cách là người thuộc về Đức Kitô Giêsu.
Bên cạnh đó, đêm hôm nay cũng là đêm của Ánh Sáng được chiếu giãi cho muôn dân. Thật vậy, sự chờ đợi của anh chị em Dự Tòng trong những tháng ngày qua, giờ đây họ đã được chính thức lãnh nhận Phép Rửa để trở nên người Kitô hữu trong Giáo Hội Chúa Kitô. Họ khoác lên mình chiếc áo trắng, tượng trưng cho sự sống mới trong Đức Kitô, Đấng đã phục sinh.
Chúng ta cùng cầu nguyện và đồng hành với những anh chị em này, để họ luôn giữ được ngọn nến sáng của đức tin, luôn sẵn sàng làm chứng cho chân lý và luôn sống trong tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân.
Lạy Đức Kitô Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con thuộc trọn về Chúa để trở nên một con người mới trong ân sủng và tình yêu. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
===================== 
Suy niệm 3
Tin Mừng Chúa Phục Sinh
(Lc 24, 1-12)
 
Mừng vui lên… vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên…hãy vang lên tiếng ca hát của toàn dân. Vâng đêm nay là “đêm của Đức Chúa” (Xh 12, 42), đêm Thánh “mẹ của mọi đêm thánh” (thánh Augustinô). Đêm đêm tôn vinh và cảm tạ, vì Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người, đêm nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa, và con người trần thế với nhau.
Lễ nghi Canh Thức long trọng đêm nay làm cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định và luôn thời sự, Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đêm nay, vô số những cây nến phục sinh được đốt lên trong các nhà thờ tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô đã và còn đang sáng soi nhân loại, ánh sáng không bao giờ lụi đi, ánh sáng chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ(x. Exsultet). Còn hạnh phúc và hy vọng nào lớn lao hơn, khi Con Thiên Chúa sống lại, để tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại vinh quang. Vì thế, Giáo hội trần thế đêm nay với niềm vui khôn tả đều đồng thanh công bố Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới: “Mừng vui lên”, mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần…Cùng vui lên hỡi các nhiệm mầu thánh này…Và vui lên, toàn trái đất…Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh…(x. Exsultet) vì Chúa đã sống lại.
Chúa Giêsu thành Nagiarét, Ðấng chịu đóng đinh, đã sống lại từ trong cõi chết sau ba ngày bị mai táng trong mồ, đúng như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của “hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói” (Lc 24,4) làm “các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất” (Lc 24,5). Thấy vậy, hai người lên tiếng: “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết ? Người không còn ở đây. Người đã sống lại”(Lc 24, 5-6). Vâng Người đã sống lại rồi.
Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem tâm tình của mấy phụ nữ “vừa tảng sáng, đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn” (Lc 24,1), hết sức bàng hoàng khi thấy: “Hòn đá đã lăn ra khỏi mồ?” (Lc 24,2). Nhờ lời của hai người lạ kia, các bà nhớ lại lời Người đã nói: “Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 24,7).
Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính vì thế mà các Thiên Thần từ trời cao đã tuyên bố: “Người không còn ở đây. Người đã sống lại” (Lc 24, 6). Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.
Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người. Từ nay con người phải chết sẽ được sống, ơn làm con cái Chúa được phục hồi, sự chết sẽ không còn cơ hội để khống chế và tiêu tan những cố gắng của con người nữa. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, sự Phục Sinh của Người trở thành sự phục sinh của chúng ta, như lời tiên tri Ezechiel đã loan báo: “Ðây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở của Israel” (Ed 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt trong ngày Chúa phục sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Ðấng Tạo Hóa.
Ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, thời đại khủng hoảng, mất niềm tin vào nhau, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đổi thay cả lịch sử nhân lọai. Tất cả những ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ, của sự chết, đang chờ đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.
Cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca Exsultet, “Hãy vui lên, hỡi ca đoàn các thiên thần, hãy hát lên... hỡi trái đất, hãy nhảy mừng”. Biến cố Phục Sinh của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một lần nữa, với những lời của bài ca “Hãy vui lên”, chúng ta có thể cao rao: “Chúa Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log